2. NGÀY XƯA Tiếng còi tàu thét lên. Tôi nắm tay ông Vũ.
- Thôi, xin ông bà ở lại mạnh giỏi. Tôi …
Tôi nghẹn ngào không thể nói tiếp. Tôi quay nhìn bên cạnh: bà Vũ nước mắt ràn rụa gượng mỉm cười nhìn tôi. Cạnh bà, Bảo Loan đứng im lặng. Tay nàng nắm chặt chiếc mùi soa trắng. Tôi nhìn vào đôi mắt nàng long lanh dưới ánh sáng mờ của những bóng điện sân ga.
Ông Vũ bình tĩnh cầm tay tôi siết mạnh:
- Anh về quê tạm lánh một thời gian, chừng nào tình hình yên ổn thì lại ra. Có lẽ tôi cũng sắp đặt cho nhà tôi và con Loan nó vào Hà Đông…
Bà Vũ như sợ tôi quên, nên nhắc lại một lời mà mấy hôm nay bà căn dặn tôi mãi:
- Anh nhớ xem báo, thấy tình hình hơi yên ổn thì ra ngay. Nhớ viết thư cho chúng tôi luôn.
Tôi chỉ biết vâng dạ vì không có lời gì có thể diễn được tấm lòng của tôi lúc bấy giờ. Lòng tôi đang tràn ngập hình ảnh của Bảo Loan và ý nghĩ về Bảo Loan mà tôi có dám nói ra đâu? Ít nhất tôi cũng muốn nói rằng “Thôi em về…” để nghe nàng thẫn thờ đáp lại “Anh đi…” và tiếp theo là một tiếng thổn thức.
Nhưng thế mà tôi đành im lặng.
Quanh chúng tôi, những người chạy loạn hấp tấp, hối hả mang vác giỏ, xách va-ly, gồng gánh đùn nhau lên toa. Thỉnh thoảng tiếng hành khách kêu hú nhau làm chúng tôi giật mình tưởng như nghe tiếng còi báo động ban đêm. Thật chỉ mới một tuần nay thôi, mới qua hai lần bị bom nổ mà người dân Hà Nội như đã nếm từ lâu lắm mùi vị thật của chiến tranh chết chóc.
Chợt tiếng còi tàu thét, rồi tiếng kèn sếp-ga tu tu. Tôi vội vã cúi chào một lượt ba người thân yêu rồi lùi lại, bước chân lên bàn đạp toa tàu. Tàu xình xịch chạy.
Không có ai vẫy tay trên sân ga. Không có những kẻ nhàn tản chứng kiến cảnh đón đưa của những người thiên hạ.
Xình xịch… xình xịch… Tàu chạy chậm lướt qua mặt ba người thân yêu của tôi kia. Bóng họ ngã xuống đường, gãy ngoằn ngoèo qua những chỗ cao thấp, lồi lõm của sân ga và đường tàu nối tiếp. Bóng những trụ đèn cao cũng ngã xuống, cũng gãy ngoằn ngoèo. Tôi lo sợ rằng tương lai của tôi và mối tình giữa tôi và Bảo Loan cũng đang ngã xuống, cũng gãy ngoằn ngoèo như thế.
Điều tôi lo sợ không phải là không căn cứ. Những người chạy loạn, tạm chia tay nhau để đợi ngày trở lại. Tôi thì khác hơn, tôi ra đi mà không mong ngày trở về. Đối với đa số người khác, tản cư, chạy loạn chỉ là một giai đoạn bất trắc đến xáo trộn cuộc sống của họ trong một thời gian, với tôi, hình thức chạy loạn, là tản cư nhưng nội dung làm tôi đau đớn làm sự đổ vỡ của tương lai mình dự định.
Độ ấy tôi có mộng đi du học Nhật Bản. Lúc bấy giờ tổ chức trao đổi sinh viên giữa Đông Dương và Nhật Bản bắt đầu phát triển, Viện Văn hóa Nhật Bản ở Hà Nội đang sửa soạn gởi tiếp một số sinh viên trao đổi Việt Nam sang Nhật tiếp theo chuyến trước đã đến Nhật rồi. Tôi đang vận động để được lựa đi chuyến này. Có nhiều hy vọng được lựa nên tôi đã chuẩn bị chuyến đi.
Trong khi chờ đợi, chiến tranh Mỹ Nhật đột nhiên đi vào độ quyết liệt. Tàu chiến Hoa Kỳ đã xuất hiện ở ven bể Trung Hoa, đánh đắm nhiều tàu Nhật Bản. Từng loạt phi cơ phóng tháo Hoa Kỳ liên tiếp thả bom xuống ngay thành phố Tokyo. Từ thế công, quân đội Nhật đã phải chuyển sang thế cầm cự. Sự giao thông giữa Đông Dương và Nhật Bản đã gặp nhiều trở ngại, việc gởi tiếp một đoàn sinh viên trao đổi sang Nhật và một đoàn sinh viên Nhật sang Đông Dương đã thành khó khăn. Viện Văn hóa Nhật thu hẹp bớt phạm vi. Tôi bắt đầu mất hy vọng.
Ngày 10 và 14 tháng 10 năm 1943, phi cơ Mỹ thả bom xuống Hà Nội. Lệnh tản cư đưa ra. Những chuyến tàu chở người tản cư kéo hàng hai mươi toa rầm rộ chạy suốt đêm. Tôi không thể còn ở lại Hà Nội nữa. Gởi lại tất cả đồ đạc, gởi lại cả một hy vọng rộng rãi về tương lai, tôi xách va-ly nhỏ lên ga Hà Nội, lên tàu xuôi Nam.
Tôi nhớ rõ, ngày 16 tháng 10, một buổi chiều xám, lạnh. Xung quanh mọi vật đen và buồn. Dãy bóng đèn trong toa hạng nhì cũng sợ, cũng buồn không chịu sáng.
Tôi về quê làm gì đây? Để tránh cái chết, nhưng tôi tiên giác rằng chính về quê là để chết, để chết dần tâm hồn của mình. Mấy năm hao phí tâm lực, tiền tài, kết quả chỉ là một cái mộng không thành. Trong khi ấy xung quanh tôi, những người bạn thực tế hơn đã thành ít nhất là những ông phán trẻ. Họ đã thuê được những căn nhà sáng sủa, có đèn điện, có xa-lông, có bàn viết, có những người vợ rất quê và rất giàu nên dáng dấp làm ra vẻ quí phái điểm trang. Những đám cưới linh đình có nhiều tiếng dội. Những ông láng giềng của tôi đã bắt đầu nói chuyện so sánh. Mỗi lần phải nghe những câu chuyện giàu sang, chức tước ấy, tôi thấy thương cho gia đình tôi. Gia đình những người bạn thực tế của tôi kia, họ hả hê, vinh hiến biết bao nhiêu. Gia đình tôi không chừng cũng buồn vì thấy tôi sao chỉ dự định những chuyện viễn vông gì mà không làm một ông phán danh giá như vậy. Tôi buồn nữa vì điều dự định về tương lai của tôi đã thất bại thì mối lương duyên của tôi ở Hà Nội cũng không thành. Tôi đã nghĩ khi nào có địa vị hẳn hoi tôi sẽ cưới Bảo Loan mà tôi yêu và đã yêu tôi. Nhưng hôm nay tương lai còn dành phần gì cho tôi nữa? Cả những nỗi buồn dồn dập ấy lại kèm thêm những mối lo. Tôi lo không biết người Pháp sẽ làm phiền tôi ngày nào. Lúc ấy người Pháp săn lùng ráo riết những người có cảm tình với Nhật Bản. Họ sợ những sự hoạt động về chính trị. Tôi không có khuynh hướng chính trị, nhưng biết người Pháp có hiểu rõ như thế không? Tôi có thể bị tình nghi lắm. Ngày ở Hà Nội tôi đã bị Mật thám vào nhà trọ dò la. Thành ra tôi không buồn đi đâu cả, không muốn tin ở một ngày mai nào. Tôi còn lo cho gia đình tôi nữa, vì nếu tôi có bề gì thì gia đình tôi sẽ bị liên lụy theo. Tôi lo từng ngày một, buồn từng giờ một. Đôi lúc tôi giận mình sao có chi những cái mộng ngông cuồng như vậy để hại cho sự an nhàn của tâm tư. Tôi có cảm tưởng rằng sống mười năm lo lắng buồn phiền như thế ấy, tôi có thể giảm bớt đi một vài tuổi thọ. Tôi không bao giờ yên tâm, tôi luôn luôn lo lắng, tôi giật mình vì từng tiếng chó sủa trong đêm, vì từng tiếng người ồn ào ban ngày. Tôi sống trong sự khủng hoảng lớn về tinh thần. Giữa lúc đảo điên ấy, cuộc đời xui tôi gặp Vân. Thu Vân.
Một buổi xế mát không nhớ rõ là ngày nào, tôi đến nhà anh Thái chơi như thường lệ. Thái là bạn học cũ. Ở quê nhà, tôi còn được ngót mười người bạn cũ, bạn học từ hồi mới ê a chữ Quốc ngữ. Hầu hết những người bạn này bỏ học sớm, chỉ có Thái cùng tôi đeo đuổi học lâu hơn. Thái hiểu tôi, đồng ý với tôi ở nhiều điểm trong quan niệm sống nên chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Nhà Thái lại ở giữa xóm, sát con đường giao thông qua lại nên là nơi tôi thường lui tới để giết thì giờ. Do sự thuận tiện ấy mà rất nhiều lần Thái biến thành vật hy sinh của tôi. Mỗi lúc tôi buồn, giận hoặc thắc mắc về một vấn đề gì tạp nhạp hay quan trọng, tôi đều đến để bắt Thái nghe.
Lần này đến chơi nhà Thái, tôi không đem theo một sự thắc mắc nào cả. Tôi vui vẻ theo con đường mòn giữa hai dậu hoa bìm rồi bước vào cổng sau.
Tôi lên tiếng gọi to trước khi vào cửa:
- Thái ơi, Thái có nhà không?
Không nghe tiếng trả lời. Tôi gọi to hơn rồi ngang nhiên bước vào phòng khách. Không có ai cả. Thì chợt ở nhà ngang có tiếng mẹ Thái nói sang:
- Anh Diệp qua chơi. Mời anh vô đây.
Tôi bước vào cửa vừa sắp nói một câu ba hoa theo thường lệ - mẹ Thái vốn vui tính - thì chợt ngạc nhiên im lặng: ngồi ở tràng kỷ đối diện với tôi kia là một thiếu nữ mặc áo hồng. Tôi thấy ngượng, mất bình tĩnh. Người thiếu nữ chừng cũng ngượng và mất bình tĩnh như tôi. Nàng loay hoay không biết có nên chào tôi hay không. Tôi giúp nàng thoát cơn bối rối bằng cách quay sang hỏi mẹ Thái:
- Thái đi vắng hở thím?
- Nó vừa đi coi nhổ mạ để sáng mai cấy đám ruộng Cây Duối.
- Thái làm ruộng? Thư sinh hôm nay nhất định làm ruộng?
- Kìa, bữa trước anh có hứa chắc là phen này anh cũng về quê nhà làm ruộng như thằng Thái kia mà.
Tôi đành cười xí xóa. Quả thật, bữa nọ tôi và Thái có ngồi bàn tính với nhau cả hai về làm ruộng thử xem sao.
Bên kia, người thiếu nữ lại loay hoay như định nói gì. Nàng đứng dậy. Mẹ Thái quay sang:
- Con cứ ngồi chơi. Anh Diệp đây mà, chắc con biết…
- Dạ…
Ba người lại im lặng, không ai biết nên nối tiếp câu chuyện như thế nào cho không khí đỡ ngượng. Mẹ Thái mới giới thiệu tôi với nàng mà quên không giới thiệu nàng cho tôi, thành ra tôi không biết nàng là ai. Ở quê nhà, sự giới thiệu là việc thừa. Trong cái vòng giao thiệp hàng ngày vừa eo hẹp vừa thân mật của mỗi người, người ta có bổn phận phải biết nhau. Nhưng vào trường hợp tôi, tôi không biết nàng. Dễ thường nàng cũng không biết tôi. Tiếng “dạ” của nàng kéo dài không nhất thiết có nghĩa là “dạ, con có biết” mà rất có thể là “dạ, con không hề biết”. Nhưng mẹ Thái đâu có tìm hiểu chi xa xôi, vơ vẩn như tôi!
Cuối cùng, tôi thấy nàng rụt rè đứng dậy:
- Thưa dì, cho con ra xe.
Mẹ Thái nhìn ra khung cửa:
- Mặt trời còn kia, còn sớm con về làm gì lật đật?
- Nhưng chần chừ một lát sợ không còn xe.
- Chẳng thiếu gì. Từ nửa tháng nay tàu bay Mỹ thả bom hụt cầu Ngân Sơn, bắn cháy xe Nhật Bổn ở Chí Thạnh thì xe đò phải chạy thâm về đêm. Con ngồi chơi lát nữa cũng chẳng muộn.
- Giờ này đi là vừa.
- Ừ thôi, tùy ý con. Kẻo lỡ xe, con lại đỗ tại dì.
Nàng cười:
- Dì cứ nói vậy, con đâu dám. Thôi con chào dì.
Tôi chợt lo rằng nàng sẽ lại chào tôi. Tôi nhút nhát, vội nhìn xuống tập sách mà lúc nãy ngồi lại bàn tôi đã tiện tay cầm lên. Tôi làm như đang chăm chú đọc. Tim đập hồi hộp. Tôi mong rằng nàng cũng hồi hộp, cũng nhút nhát như tôi để cuối cùng nàng lẳng lặng bước đi đừng chào tôi nữa. Thật tội nghiệp! Tôi đã 23 tuổi rồi, đã từng yêu mà vẫn rụt rè như cậu học sinh 16 tuổi.
Nhưng tiếng dép ngần ngừ rồi tiếng dép mạnh bạo tiến về phía tôi. Và tiếng nàng dịu dàng:
- Xin chào anh.
Tôi ngẩng lên nhìn nàng, luống cuống đứng dậy, lẩm bẩm:
- Không dám, chào cô.
Sự chạm mặt tưởng rằng đầy bỡ ngỡ khó chịu, không ngờ đã xảy ra dễ dàng tự nhiên đến thế. Tôi thấy tôi sẽ hối tiếc biết bao nếu nàng đi thẳng không chào tôi như tôi vừa mong.
Và bây giờ đến lượt tôi tiếc rằng đã không nhìn nàng kỹ hơn. Nàng như cũng thẹn nên vừa chào tôi xong đã lật đật quay đi. Thành ra tôi chỉ kịp nhận thấy đôi mắt đen trên khuôn mặt trắng xinh. Vòng quanh khuôn mặt là nền tóc nàng bỏ lửng xuống vai. Đôi vai mảnh và dáng nàng thon. Thật là hình ảnh của một nữ sinh trong trắng tin yêu cuộc đời trước mặt.
Khi nàng đi khỏi, tôi hỏi ngay mẹ Thái:
- Ai vậy thím?
- Vân, con bà tham Quế ở Sông Cầu.
- Con bà tham Quế à? Thế cô ấy là em anh Nhân?
- Ờ.
Sau một giây im lặng, mẹ Thái nói:
- Hay anh Diệp… đi hỏi con Vân đi. Nó năm nay 19 tuổi.
Tôi chỉ mỉm cười mà không trả lời khi nghe nói đến việc cưới hỏi, cưới hỏi cho mình. Đó là việc tôi đã từng nghe nhiều rồi, từ hồi còn mới 12, 13 tuổi. Những gia đình khá giả trong làng, trong hạt, hay nhìn con của nhau rồi hứa hẹn cưới gả cho nhau. Tính đến nay tôi đã trải qua khoảng sáu bảy nơi, nhưng rồi người con gái nào cũng chồng con tử tế cả, chỉ duy tôi là vẫn còn như xưa. Hôm nay lại nghe lại việc cưới hỏi! Tôi không muốn, không cố ý dự định xếp đặt một việc tương lai chắc chắn, nhưng sự êm đềm hiện tôi đang thâm cảm trong lòng xui tôi vui vẻ nói luôn:
- Vân đẹp quá, hở thím?
- Đẹp mà lại giỏi. Bánh trái khéo. May vá, đan thêu thạo. Công việc trong nhà mình nó lo, bà tham khỏi phải thò tay vô một việc gì cả.
Nghe nàng quán xuyến được tất cả những công việc phiền phức vô vị trong nhà, lòng tôi thấy tin yêu, cảm động. Tôi đã nhọc mệt với những sự lộng lẫy của cuộc đời phù hoa ngầm chứa giả dối và đốn hèn, nên hôm nay gặp một thiếu nữ có cái sắc thái của người thanh lịch mà lại ấp đượm tinh thần thuần hậu, chịu khó của các bậc mẹ hiền ngày xưa, tôi bỗng thấy lòng rào rạt một niềm mến thương ấm áp. Hôm nay đây, tôi hồi tưởng lại lúc bắt đầu gặp nàng, tôi còn cảm thấy sự êm ả vô cùng khi tưởng thấy nàng nhanh nhẹn, vui vẻ và nhẫn nại làm các công việc trong bếp núc, trong vườn tược, trong cửa nhà.
Mẹ Thái cho tôi biết thêm rằng nàng học hành giỏi và tánh nết dịu dàng. Bà tỏ ra rất tán thành việc tôi đi hỏi nàng. Người đàn bà hiền lành muốn mọi việc đều thu xếp một cách hiền lành. Ý bà muốn tôi nói ngay rằng tôi yêu nàng lắm. Tôi nói:
- Thím xem thử, cháu đi hỏi chị Vân thì bà tham có chịu không?
Bà cười ngay:
- Chắc chịu. Tôi làm mối cho.
Tôi lại cười. Quả thật, tôi chưa có một quan niệm rõ rệt gì về tương lai của tôi, quả thật, tôi chưa định thu xếp cuộc đời của tôi như thế nào cả. Tôi còn phải sống vô định vì tôi chưa biết mình phải làm cuộc đời của mình như thế nào. Bảo Loan hiện còn ở Hà Nội hay tản cư về một vùng quê nào ở Hà Đông? Ngày tôi sắp lên tàu, nàng muốn khóc mà không thể khóc được, muốn nói mà không biết nói sao. Ngồi giữa gia đình, chúng tôi chỉ nhìn nhau im lặng. Trong cái nhìn ấy, tôi thấy như nàng muốn nhủ tôi nhớ ngày về và đợi cho tới cái ngày về. Tôi cũng trả lời và nhủ lại như thế bằng mắt nhìn. Bảo Loan yêu tôi, trong sạch và tin tưởng bằng mối tình đầu của nàng. Cho đến ngày chia tay, nàng chưa hơn 17 xuân xanh. Trong khi thế sự chưa rõ như thế nào, tôi không có quyền dứt tình trước. Suốt trong buổi nói chuyện, nghĩ đến Vân là tôi thấy Bảo Loan. Tôi thấy tôi bối rối. Mặc dù cái không khí êm đềm do Vân mang lại cho tôi lúc ấy. Tôi vẫn cảm thấy là rất hiền hòa, tươi mát. Tôi không thể nghĩ ngợi gì cho sâu sắc hơn. Tôi giã từ mẹ Thái vui vẻ một cách thành thực.
- Thím nhớ làm mối dùm cho cháu? Cháu thế nào cũng đi hỏi cưới chị Vân.
Những ngày tiếp theo, tôi hay nghĩ đến Vân. Tôi có đủ thì giờ để nghĩ đến nàng vì lúc ấy tôi không phải làm một việc gì cả. Tôi nghĩ vẩn vơ, chắp nối những hình ảnh êm đềm trong ấy có nàng sống cạnh bên tôi. Tôi nghĩ đến một đôi vợ chồng trẻ đi ô-tô về Sông Cầu thăm quê ngoại. Tôi tưởng tượng thấy từng quãng đường ô-tô sẽ đi qua, nào đường phố Thoại chạy ra chân núi Đá Trắng, dài và thẳng, lát toàn đá trắng, nào đèo Dốc Găng xe phải nhấn ga ba bận mới leo nổi con đường dốc đứng dựng ngược như lên trời. Nào dốc đường uốn cong hình chữ S bẻ trẹo người, ngồi trên xe thấy thành phố Sông Cầu nằm dưới chân núi ẩn dưới dừa xanh và thân ái tiếp nước bể xanh! Tôi nghĩ đến Vân để ru lòng mình. Tôi yêu nàng như yêu một bóng hình nào trong tiểu thuyết. Vân đối với tôi còn xa quá. Nàng ở tận Sông Cầu! Mấy khi nàng vào Tuy An để thăm dì nàng? Vào Tuy An tôi còn không biết tìm dịp nào để gặp nàng, để kết thân với nàng, huống chi là ở tận Sông Cầu xa cách! Tính tôi vừa hay e dè, vừa lại không chịu khó. Tình thì chỉ nhàn nhạt, thanh thanh. Tìm mọi dịp để gặp một người, yêu nồng nàn say đắm một người là điều tôi chưa hề làm và chắc là suốt đời tôi không bao giờ làm. Như vậy tôi linh cảm Vân chỉ là một cái bóng đẹp đi qua thôi. Không chắc có một dịp nào để chúng tôi yêu nhau. Tôi tự hỏi sao không có một ai đứng ra giúp chúng tôi kết chặt mối thương yêu. Nhưng tôi lại tự hỏi thế tôi có chắc chắn rằng mối thương yêu đó là điều sở vọng suốt đời của tôi chăng? Tôi không tin tôi nữa, tôi lẫn lộn quá khứ với hiện tại, tôi ngờ vực tương lai. Tôi trở nên rụt rè. Tôi đặt Vân vào địa vị cũ của nàng: “Một bóng đẹp đi qua, còn lưu hương lại”.
Chừng nửa tháng sau.
Có một buổi mai, người phu trạm ghé đưa cho tôi một bưu kiện. Không thấy ghi địa chỉ người gởi, nhưng nhìn nét chữ tôi biết là của Bảo Loan. Từ ngày xa cách, chưa bao giờ Bảo Loan viết thư cho tôi. Kể cả từ ngày yêu nhau, Bảo Loan cũng chưa bao giờ viết một mảnh thư nào cho tôi cả. Bảo Loan ngây thơ, nàng cầm tay tôi, nàng ôm mặt khóc, nàng thề yêu tôi suốt đời… mọi biểu hiện tình yêu đều chân thực và hồn nhiên như lá cây đong đưa theo gió, như chùm hoa rực rỡ đầu cành.
Tôi lần xé phong bì.
Đó là quyển Bướm Trắng của Nhất Linh. Không phải sách mới, Bảo Loan mua tặng, mà là quyển sách cũ tôi mua từ năm ngoái vẫn xếp trong rương sách. Lúc tản cư về quê, bao nhiêu va-ly, rương sách, chăn màn và một số quần áo tôi đều gởi lại hết.
Cầm lên quyển sách, tôi tự hỏi vì sao Bảo Loan lại gởi cho tôi. Bình thường, dù sách hay báo, nàng cũng đều chọn thứ mới xuất bản để gởi. Một cách để báo tin là nàng vẫn khỏe mạnh và đang nghĩ đến tôi.
- Hay là nàng tự ví lòng nàng như lòng yêu của Thu, yêu đau đớn và thấy cái thú được đau đớn khi yêu?
- Hay là nàng muốn dặn mình đừng chán nản đau khổ như anh chàng Trương, đừng quá suy nghĩ…
- Hay là…
Tôi đang sắp sửa đưa ra một chuỗi “Hay là…” nữa thì có tiếng chó sủa ngoài hiên. Nhìn ra thì, ngạc nhiên chưa, Vân và mẹ Thái lững thững đi vào.
Em gái tôi tiếp ở phòng khách, tôi không bị quấy rầy. Chắc em tôi đã trả lời theo thường lệ:
- Dạ anh tôi vừa mới chạy đâu đấy thì phải…
Chúng tôi đã giao hẹn trước với nhau: có ai hỏi tôi thì em cứ trả lời vu vơ một mực như trên. Nếu là khách tôi muốn nói chuyện thì tôi ra tiếp, đồng thời giải thích sự mâu thuẫn vừa rồi một cách tự nhiên:
- Vừa chạy sang hàng xóm có tí việc. Về rồi mà em tôi nó tưởng chưa. Xin lỗi ông…
Như vậy, đỡ bị quấy rầy vì những ông khách nhàn nhã. Nhưng khách hôm nay là cô Vân, tôi muốn ra tiếp lắm. Nhưng tự nhiên bỗng thấy rụt rè. Tôi đã lén nghĩ về Vân, đã có những tưởng tượng không đoan trang về nàng. Nếu tôi chìa mặt ra chào thì thế nào mẹ Thái và Vân cũng đọc được những ý nghĩ thầm kín của tôi. Không, ngượng lắm, tôi không thể ra tiếp được.
Óc đang bối rối, tôi mở quyển Bướm Trắng đưa mắt nhìn đọc:
“…Trương hiểu ý:
- Em không sợ, anh không dám xúc phạm đến em, anh chỉ xin em cho phép anh cầm lấy bàn tay em một lúc, một lúc thôi
…
Thu vẫn để yên chiếc khăn tay che miệng, nàng như người bị thôi miên, thong thả giơ bàn tay phải cho ra cho Trương nắm lấy. Trương nắm rất nhẹ lấy bàn tay Thu, bàn tay mà trước kia chàng chỉ nhìn trộm trên nền chăn trắng”.
…
A, đây rồi, tôi nhớ lại rồi, anh chàng Trương băn khoăn đau khổ của tôi, sống không hy vọng, yêu trong tuyệt vọng, tìm quên và tự dối mình. Tôi lại đọc tiếp:
“Thu khẽ nói:
- Thôi, em đi về thôi.
Khi Thu đi ngang qua, chàng đã toan cầm lấy tay một lần nữa rồi hôn Thu, nhưng chàng cố giữ được. Chàng nói:
- Em cho anh xin chiếc khăn tay của em.
Thu không đưa truyền tay chiếc khăn cho Trương, nàng đặt vội chiếc khăn trên mặt ghế rồi ra đi.
…
Nghĩ đến chiếc khăn của Thu, Trương với cầm lấy vò nát trong hai bàn tay rồi đưa lên miệng. Chàng vừa cắn mạnh vào chiếc khăn vừa thầm nói với Thu, rưng rưng muốn khóc:
- Em Thu, em còn yêu anh làm gì. Khổ anh lắm”.
Đau xót như thế sao? Thật có khác chi mối tình đau xót của tôi?
Tôi lại mải mê đọc tiếp.
Một lát sau, có tiếng guốc dép va xuống nền gạch, tiếng nón lá chạm lộp cộp vào vách. Tôi biết rằng khách ra về. Tôi lại đứng ở khung cửa sổ nhìn ra. Mẹ Thái và em tôi đi trước. Vân nhẹ nhàng đi sau. Đến đầu cổng, nàng quay đầu đảo nhìn một vòng qua sân, qua hiên. Ánh nắng tràn chiếm lấy mặt nàng, khiến cho vẻ mặt sáng rỡ lên. Nàng nhíu một mắt như nũng nịu với ai. Tôi say sưa nhìn theo gót chân uyển chuyển lòng vụt xôn xao, rào rạt như đang nghe tiếng nhạc trổi vang lúc đèn chiếu bóng bật sáng, phim vừa dứt. Tự nhiên háo hức, tôi khe khẽ hát lại điệu hát quen thuộc tôi thường hát ba năm trước:
…
Điệp khúc đẹp nhất của cuộc đời
Là điệp khúc ta hát lúc hai mươi tuổi
Là điệp khúc ta không bao giờ quên
Vì cuộc đời chỉ có một mùa xuân.
Từ đó, tôi thường đến chơi nhà Thái hơn, mong vẩn vơ rằng sẽ gặp lại nàng ở nhà Thái. Nhưng nàng không thấy đến. Lần nào tôi cũng nói chuyện về nàng. Mẹ Thái bao giờ cũng khuyến khích tôi đi hỏi nàng ngay, còn tôi thì chỉ nói và dự định.
Một hôm, mẹ Thái cho tôi hay rằng bà Tham Quế có ý định muốn gả nàng cho một cậu lục sự Tòa án Phú Yên. Cậu lục sự trẻ, nhà giàu, quê ở Nha Trang. Nghe đến đây tôi thấy như nàng đã là vợ của cậu lục sự ấy rồi. Một lục sự Tòa án là cả một danh vọng đối với người đàn bà như bà Tham. Ngoài danh vọng ra, còn có sự giàu có. Trẻ tuổi là để dành phần Vân. Tôi thấy đã đủ cả rồi. Thấy Vân đã là vợ của cậu lục sự ấy rồi. Tôi hỏi:
- Thế ý chị Vân thế nào, hở thím?
- Nghe nói nó không bằng lòng. Nó không thích anh Nhã - tên cậu lục sự, mà anh Nhã thì yêu nó lắm.
- Thế còn bà Tham?
- Bà Tham thì muốn gả. Bà cố ép. Bà rất chiều chuộng anh Nhã. Nó thì tỏ hẳn là không thích. Mỗi lần anh Nhã đến nhà thăm là nó bỏ đi chơi hoặc gắt đứa ở, rầy la em, làm phiền trong nhà.
- Nhưng anh Nhã nhất định không vì thế mà thôi yêu chị?
- Anh có biết anh Nhã?
- Dạ không, đó là cháu đoán vậy thôi.
Im một hồi, mẹ Thái tiếp:
- Anh không hỏi ngay thì mất.
Tôi cười.
- Nhưng bà Tham có gả cho cháu đâu?
Mẹ Thái định nói gì, nhưng nghĩ sao lại thôi.
Suốt ngày hôm đó, tôi cứ loay hoay về việc Vân. Nàng sắp đi lấy chồng rồi. Vội vã lấy chồng sao? Tôi lo nghĩ quá, miên man nghĩ đến việc tương lai của tôi.
Từ ngày yêu Bảo Loan, tôi chưa dám chắc chắn rằng một ngày kia thế nào chúng tôi cũng lấy nhau. Tôi thấy tôi chỉ lấy được nàng khi nào tôi có một địa vị rực rỡ giữa xã hội. Không phải rằng nàng tham danh vọng. Cũng không phải rằng ông bà Vũ, thầy mẹ nàng bắt buộc. Nàng thành thật yêu tôi và thường tỏ ý muốn cùng tôi sống giữa quê nhà. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến tuổi trẻ của nàng. Nàng có thể sau này thấy các bạn bè sung sướng sang trọng mà thay dần ý nghĩ, như vậy rất có hại cho sự sống yên vui. Tôi không thể không nghĩ đến đại gia đình của nàng. Gia đình có nhiều cánh sang trọng, xa hoa, nếu tôi không sang trọng xa hoa bằng thì tôi làm sao chịu được? Mặc dù Bảo Loan yêu tôi và chỉ muốn lấy tôi, mặc dù thầy mẹ Bảo Loan đã xem tôi như con, tôi cảm thấy là phải có điều kiện mới lấy nàng được. Bảo Loan nói lấy nhau rồi về quê tôi mà ở, nhưng Bảo Loan, nàng liệu có thể ở được không? Nàng còn trẻ non thế kia, công việc ở quê nhà không thành thạo, tính không thể chịu khó, như vậy sống sao được giữa quê nhà. Nghĩ rằng nàng sẽ vụng về, nàng sẽ bỡ ngỡ, sẽ khó chịu với những công việc, với cái hoàn cảnh lạ mà nàng phải sống, tôi thấy tôi không thể lấy nàng được. Nàng quả khó mà tìm được hạnh phúc với tôi. Cuộc du học dự định đã chắc chắn là không thành, mối hy vọng về tương lai đã chắc chắn là không đạt được, giữa tôi và Bảo Loan đã có một hố xa cách. Hiện nay đường giao thông lại bị nghẽn, sự đi lại bất tiện, cuộc thế giới chiến tranh chưa biết đến bao giờ mới dứt. Tôi thấy tôi càng ngày càng xa dần Bảo Loan của tôi.
Trong khi ấy thì tôi càng ngày đi dần đến sự quyết định phải lập gia đình. Bấy lâu nay lấy cớ còn đi học, tôi đã đẩy lùi sự quyết định, nhưng nay thì không còn cớ gì nữa rồi. Tôi phải nghiêm chỉnh nghĩ đến việc lập thân, nghĩ đến một cách rất thiết thực, trong cái cảnh huống thất bại hiện tại của tôi. Tôi phải trở lại sống êm đềm, hiền hòa trong một nơi nào của quê nhà, với một người vợ hiền thảo, dịu dàng, coi sóc mươi mẫu ruộng, dăm sào vườn. Vui vẻ cùng vườn ruộng là cái kế cuối cùng của tôi. Tôi thoảng nhớ đến cuốn tiểu thuyết LA MAISON của Henry Bordeaux đến CON ĐƯỜNG SÁNG của Hoàng Đạo. Tôi nhớ đến tâm trạng của vai chính trong hai chuyện ấy, cái tâm trạng gần giống tâm trạng tôi hiện tại. Nhưng cô Thơ của tôi là ai? Tìm người bạn tri kỷ hiểu mình ở giữa quê nhà là điều khó. Người hiểu mình ấy phải gồm có cả dáng điệu thanh lịch và tính hạnh thuần mỹ, như vậy càng khó tìm hơn. Tôi tiên cảm một cách lo lắng rằng không bao giờ có cả.
Vụt nhiên, tôi gặp Vân. Tôi không bao giờ ngờ rằng có một người như thế giữa quê nhà khô khan, không thể ngờ rằng tôi gặp được nàng giữa lúc hoàn cảnh tôi đang cần một người như nàng. Vân thích ứng hoàn toàn với mọi điều sở vọng của tôi. Nhà nàng có nề nếp, nàng khéo léo và chăm chỉ, quán xuyến mọi việc trong nhà. Nàng có học, có thể hiểu những ý tôi nghĩ, những điều tôi làm. Nàng thanh lịch và dịu dàng, nàng là người độc nhất tôi có thể yêu, có thể cưới trong hoàn cảnh hiện tại. Nàng có thể đem lại cho tôi mối hạnh phúc đơn giản mà tôi còn có thể mong mỏi sau những đổ vỡ, thất bại. Chỉ có nàng, chỉ có thể là nàng, tôi đã xét rõ, đã nhận rõ như thế rồi.
Nhưng cưới Vân? Phải cưới nàng ngay? Phải quyết định một việc quan trọng cho suốt cả cuộc đời? Trong khi tôi chưa có thì giờ để quen nàng. Để hiểu nàng. Để yêu nàng. Không, tôi phải tìm hiểu nàng để quyết định một điều quan trọng. Tôi phải gặp nàng, phải hỏi ý kiến nàng. Nhưng lạ kìa, sao tôi càng thúc giục tôi đi đến sự quyết định chừng nào thì lòng tôi càng như muốn lưỡng lự chừng ấy. Tôi có tin chắc rằng hy vọng của tôi đến đây là cùng không? Tôi có nhất quyết rằng Bảo Loan đến đây là đã chia rẽ cùng tôi không? Tôi không muốn nghĩ vậy, tôi sợ cái ý nghĩ đau đớn ấy. Dù rằng tôi đã lo nghĩ và buồn phiền nhiều về việc chung thân của tôi và Bảo Loan, tôi cũng muốn bấu víu vào cái ý nghĩ êm đềm rằng chúng tôi chưa hẳn là tuyệt vọng. Nhưng tôi lại không thể không nghĩ đến Vân bởi đã đến lúc phải nhìn vào sự thật. Tôi chỉ có thể tìm ở nàng, người vợ thích hợp nhất trong hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tôi phải gấp tìm hiểu nàng, chung chia ý kiến cùng nàng. Tôi phải gặp nàng và yêu nàng. Sợ lại phải cố gạt bỏ cái ý nghĩ ấy để không nỡ quên Bảo Loan, không muốn quên Bảo Loan, tôi đứng dậy đi ra ngoài trời. Tôi nhìn lên trời rộng và cao. Tôi nói thầm trong thâm tâm tôi:
“Cô Vân ơi! Cô vào Tuy An đi để tôi có dịp gặp cô và hiểu cô. Để cô yêu tôi và tôi yêu cô, để chúng ta kết thành một đôi vợ chồng xứng đôi, đẹp lứa”.
Vân không vào Tuy An bao giờ cả.
Nửa tháng sau, vụt nghe tin nàng đã đi lấy chồng. Mẹ Thái nói:
- Cả nhà không ai chịu cả, không ai nỡ ép. Chỉ một mình bà Tham quyết định. Hôm nay thì lễ cưới xong rồi.
Tôi bàng hoàng. Vân lấy chồng nhanh như vậy sao? Trong lòng tôi, tôi muốn nói một câu gì, muốn nói một điều gì, phải nói cho hả một ý nghĩ gì đang quay cuồng trong óc, đang vươn lên chặn lấy cổ họng. Tôi nói:
- Vân đi lấy chồng rồi. Ừ, Vân vậy mà đã lấy chồng rồi.
Nói xong, tôi không hiểu tại sao tôi lại nói chi vậy, nói vậy để làm gì, nói vậy có ý nghĩa gì. Câu nói rơi vào cái im lặng của ngoại cảnh, và cái trống không của lòng tôi. Vì lòng tôi lúc ấy tự nhiên bỗng trống không một cách tiêu điều lạ. Tôi thấy mình thiếu quá, trơ trọi quá, tôi không biết mình đang cần một sự đầm ấm gì và mình đã làm mất một cái gì. Có cái gì bỗng nhiên thiếu mất trong tôi.
Thấy tôi lặng im đột ngột, mẹ Thái nhìn tôi giây lâu rồi tiếp:
- Vân hay nói đến anh, làm bà Tham tưởng rằng hai người đã quen nhau lắm. Vân nói với người này người nọ về anh. Hình như anh có viết thư từ gì cho Vân?
Tôi trả lời ngay :
- Không có gì hết. Cháu chỉ gặp Vân một lần ở ngay nhà thím…
- Anh Nhã như cũng có biết việc này, việc Vân biết anh.
Tôi mỉm cười:
- Có biết hay không thì cũng… vô ích. Vì chẳng có gì hết.
Tôi đổi câu chuyện, không muốn nói về Vân nữa vì quả thật tôi không biết mình nói gì. Sau một hồi ba hoa về việc này, việc nọ, tôi cáo từ mẹ Thái ra về. Tôi để dành việc Vân cho riêng tôi, tôi phải một mình nghĩ ngợi về nàng.
Vân đi lấy chồng rồi.
Tôi gợi lên hình ảnh của nàng. Tôi thấy ngay màu áo hồng nhạt, đôi vai nhỏ và mái tóc cặp lửng lơ bỏ trễ bên vai. Tôi nhìn lên mặt nàng nhưng không thấy một nét rõ ràng nào cả. Tôi ái ngại nói trong lòng:
- Ta cùng nàng còn chưa rõ mặt.
Ý nghĩ này làm tôi thêm buồn. Tôi tưởng tượng hiện giờ nàng như thế nào. Tôi thấy nàng trong vô cùng hình ảnh lộn xộn, thấy nàng quay cuồng trong một hoàn cảnh gì rối loạn, buồn não, trong ấy có một ngôi nhà cổ cột to và nặng, có những bàn thờ đầy ắp vẻ nghiêm trang, có những người bằng lòng, vui vẻ hời hợt đến vô tư. Tôi bắt chợt gặp ngay hai chữ “Gia phong” và hả lòng thấy rằng, chữ ấy diễn tả đúng cái cảm giác lạnh và nặng mà tôi đang cảm về nàng, về cái hoàn cảnh của nàng.
Tôi không biết mình phải buồn như thế nào, không biết mình đang nghĩ gì và nghĩ như thế nào, mà chỉ thấy là tôi buồn một cách ngẩn ngơ. Nhưng tôi lại tự nhủ ngay: “Xong rồi, việc ấy đã xong rồi”
Tôi tìm cách tự khuyên mình. Tôi có chắc sẽ đi cưới Vân đâu? Tôi có điều kiện gì để đi cưới nàng? Tôi chưa làm một công việc gì để sống tự lập cả, tôi còn là một người học trò sống ghép theo gia đình. Như vậy thì tôi cưới nàng làm sao được? Cưới nàng thì tôi có cách gì để tạo hạnh phúc cho nàng? Tôi không có gì hết. Chồng Vân hơn tôi, đủ điều kiện hơn tôi. Anh ta làm ông lục sự, nghĩa là đã chắc chắn một cuộc sống đầy đủ trong một căn nhà riêng biệt thuê tại tỉnh. Hai người có thể hợp sức lại mà gây dựng, hai gia đình chung sức lại mà gầy dựng cho đôi vợ chồng son. Nhà Nhã giàu, nghe nói vậy. Bà Tham thì chiều chàng rể. Cái hạnh phúc phải có, nó đang chờ để ấp ủ hai tâm hồn đang rủ rỉ cạnh nhau. Hạnh phúc ấy đáng lẽ là của tôi. Nhưng tôi vội lắc đầu không muốn nghĩ tiếp. Tôi muốn tưởng tượng cho thấy Nhã dễ tưởng tượng thêm rằng hai bạn trẻ hiện đang làm gì. Tôi không thể tưởng tượng được. Vì tôi chưa hề biết Nhã. Tôi cảm thấy xa xôi rằng không biết mặt Nhã cũng đỡ nhiều cho sự đau đớn của tôi vì nó đã tránh được cho tôi những sự tưởng tượng tàn nhẫn.
Tôi nhớ đến lời nói của mẹ Thái:
- Vân buồn, khóc nhiều và nhiều lúc nói muốn chết!
Tôi thương cho nàng, nhưng lại tự nhủ ngay: “Rồi nàng lại quên đi những việc ấy. Đám cưới nào cũng có xảy ra những việc tâm tình cay đắng. Cuộc đời dàn xếp tất cả. Mối buồn có bao giờ vĩnh viễn đâu”.
Tôi lại bình tâm. Chợt tôi thấy lòng mình lành lạnh, nhàn nhạt: tôi thấy Vân không bao giờ là của tôi đã đành, tôi còn thấy rằng nàng sẽ vui vẻ sung sướng. Có khó chi? Nàng sẽ sinh con, sẽ làm một bà lục sự oai vệ để rồi làm một bà Tham tương lai, cũng tính toán, cũng thu xếp có nề nếp, khôn ngoan như mẹ nàng hiện tại. Tôi muốn quên nàng ngay. Muốn vậy, tôi nghĩ đến Bảo Loan. Bảo Loan hiện đang nghĩ đến tôi vào giờ này cũng nên. Bảo Loan cùng tôi còn có tương lai. Chúng tôi còn có thể yêu nhau mãi, lấy nhau được. Tại sao tôi lại thất vọng ngay? Không, tôi còn Bảo Loan của tôi. Chớ Vân… tôi lại nghĩ đến Vân, rồi lại trở về cái ý nghĩ êm đềm và chua xót. Tôi thấy tôi mất Vân, điều này vô lý vì nàng có phải của tôi đâu mà gọi rằng mất, nhưng sao, tôi cứ cảm chân thật rằng tôi đã mất nàng, đã mất một niềm hạnh phúc, một người vợ xứng đáng với hoàn cảnh và tâm trạng của tôi hiện tại. Tôi lo cho ngày mai hậu. Còn ai?
Chợt nghĩ rằng Vân đi lấy chồng là một việc dĩ vãng, một việc nhất định, rằng tôi có nghĩ đến nữa cũng không có ích gì, tôi lắc đầu, lắc đầu: “Quên đi”. Tôi nói trong óc tôi rằng: “Quên đi. Quên Vân đi”. Nhưng cùng trong lúc ấy, tôi cảm rằng còn nằm lại, nép chặt cái ý nghĩ man mác: “nhưng quên Vân… buồn lắm”.
Tôi khó mà quên Vân thật, nhất là trong lúc ấy tôi không phải bận bịu về một công việc gì cả. Thỉnh thoảng dì nàng lại nói chuyện nàng với tôi, và tôi cứ mê mải nghe chuyện nàng để thoang thoáng biết rằng nàng đã yêu tôi thật. Tôi muốn tìm gặp nàng một lần ở một nơi nào, nhưng không có dịp nào cả. Tôi muốn ra Sông Cầu để gặp mặt nàng, nhưng rồi tôi lại không đi. Đôi khi, tôi lại tự hỏi: “Thế tôi có chắc chắn rằng nàng đã yêu tôi thật không?”. Cứ như thế, tôi sống trong những ý nghĩ tương phản với một mục đích vô định kèm theo những bất an về chính trị, những dày vò về thân phận. Tôi không biết phải đợi một cái gì sẽ đến cho đời mình. Tôi để ý xét từng mảnh tâm trạng của tôi, tôi ghi những tâm trạng phức tạp đó dưới dạng những trang nhật ký. Tránh chữ “Nhật ký” quá nhàm tôi pha thêm một chút mơ mộng để gọi đó là tập NGÔI SAO NHỎ.
Sau ngày đảo chánh 9-3-45, tôi ra nhà thương Sông Cầu dưỡng bệnh. Bệnh không nặng, nhưng cứ đi. Thường chỉ vào giờ khám bệnh và tiêm thuốc, tôi mới ở nhà thương, còn ngoài ra, tôi đi chơi ở các nhà quen. Lâu lắm mới trở lại Sông Cầu thành ra yêu Sông Cầu quá! Yêu từ con đường nhỏ thanh tịnh có cây bàng xanh và hàng dãy cây keo cao tít. Yêu bãi bể Sông Cầu có những cây dừa cong cong, cây me đồ sộ, cây tra trái xanh vừa chát vừa chua. Sông Cầu đã ấp ủ ba năm ngây thơ của tôi, khi tôi còn là một cậu học trò bé nhỏ ngây thơ, học hai năm lớp Nhì và một năm lớp Nhất. Ở Sông Cầu, có những người tôi quen miệng gọi bằng cậu bằng mợ, bằng chú bác, bằng anh em.
Ngoài những buổi chiều ngồi ở bãi biển một mình, tôi thường ở chơi nhà Huyền Đáng, lúc đó độ mười bốn tuổi, tôi xem như cô em nhỏ. Nhà Huyền Đáng ở trước mặt chợ, tôi thường ra đứng ở hiên xem chợ đông. Ngày nhỏ tôi đã ở dãy nhà đối diện cũng nhìn ra chợ, cũng đứng xem chợ đông. Bây giờ xem chợ là như xem lại một kỷ niệm êm đềm của ngày còn thơ.
Trong những bóng áo tha thiết, tôi còn mong tìm thấy bóng áo của Vân. Nhưng bóng áo màu hồng, mình tìm mà không thấy. Nghĩ ra, mới biết là mình ngơ ngẩn thật. Một năm rồi có lẽ, bóng hồng còn đâu nữa mà tìm? Áo hồng đơn sơ ngày nào dễ thương nay đã rách rồi, đã quăng vào một xó nào trong tủ áo, trong rổ may. Vân đã thay bao nhiêu cái áo khác, màu đẹp hơn, hàng quý hơn, nàng đâu còn nhớ, còn giữ lại làm chi cái áo màu ngày xưa. Cũng như lòng nàng! Và cũng như tấm thân của nàng.
Tôi không tìm thấy màu áo cố hữu, vừa lại phải nghĩ đến sự thật chua chát kia, lòng buồn mấy ngày hơn.
Nhưng một buổi chiều, khi đi chợt đến góc đường nhà buôn Chấn Thạnh, bạn tôi chỉ một người mặc áo trắng đi từ ngã biển lên chợ, đi thoăn thoắt mà bảo khẽ tôi.
- Chị Vân kia.
Tôi thấy lạnh trong tim.
Vân mặc áo trắng. Không kịp nghĩ ngợi xa xôi, tôi lại nhà Huyền Đáng, nhìn ra chợ. Bóng người áo trắng là Vân đi lượn qua chợ mấy vòng rồi mất hút. Không biết nàng có thấy tôi không. Chắc có thấy.
Lúc lên đèn, tôi nói chuyện thân mật cùng Huyền Đáng:
- Ngày xưa, đã có một lần anh suýt cưới cô Vân đấy Huyền Đáng ạ. Nhưng chưa kịp thì anh Nhã cưới trước mất. Không biết bây giờ cô Vân, à không, chị Vân có sung sướng lắm không? Giá hôm nào chị ấy lại nhà Huyền Đáng chơi thì anh sẽ nói rằng anh chúc chị sống thật vui vẻ. Chị ấy có quen với em?
Huyền Đáng ngây thơ trả lời:
- Có. Có quen.
Nhưng Vân không đến nhà Huyền Đáng.
Tôi trở lại Sông Cầu sống những ý nghĩ êm đềm về ngày thơ ấu, nhưng lại phải sống thêm những ý nghĩ chua xót của ngày thành niên. Tôi tự hẹn hôm nào thật khỏe, sẽ lên nhà bà Tham thăm. Thăm Nhân - anh Vân - vì tôi quen Nhân hồi còn nhỏ ở Sông Cầu này và sau này khi Nhân đi Hà Nội. Nhưng cũng là một dịp để bà Tham biết tôi là ai, tôi, người đã làm bà giận, dễ thường là ghét trong những ngày bà ép Vân lấy chồng, và nghi nàng đã yêu “phải” tôi.
Tôi cũng muốn nhìn thấy mặt nàng nữa. Lạ thật! Biết rằng gặp cũng vô ích, việc đã xảy qua, ván đã ghép thành thuyền, thế mà cũng vẫn mong gặp!
Điều dự định nhỏ nhoi, hiền lành ấy vẫn lại không thành. Bệnh tôi chưa lành hẳn thì có tin tôi cần đi Đà Lạt. Tôi không muốn đi, quyết định ở Sông Cầu, nhưng thầy thuốc khuyên rằng bệnh tôi ở khí hậu nóng khó chữa. Nếu đổi khí hậu thì không chữa cũng khỏi, mà khí hậu tốt nhất thì không đâu bằng Đà Lạt. Nghe lời khuyên, tôi mới thuận đi.
Trước khi lên đường, tôi đến nhắn cùng Huyền Đáng:
- Hôm nào gặp, em nói với Vân rằng anh tiếc chưa có dịp để gặp Vân. Nhưng mong Vân sẽ luôn luôn vui vẻ để sống bên cạnh người chồng mà mẹ Vân đã chọn cho Vân.
Tôi căn dặn mãi để Huyền Đáng nhớ nhắc lại lời ấy cùng nàng.
Một buổi chiều tôi lên ô-tô đi, xe từ thành chầm chậm chạy trên đường sỏi xuống phố. Hai bên đường là ruộng lúa. Tôi nhìn sang bên tay mặt. Nhà Vân ở trong vườn dừa xanh kia. Sau cái cống bằng gỗ sáo, qua bờ dậu bằng keo xanh xén thẳng, tôi tự hỏi không biết nàng đang làm gì, không biết nàng có ngờ rằng tôi đang nghĩ đến nàng mà từ giã nàng chăng?
Những ngày ở Đà Lạt khiến tôi bớt nghĩ đến Vân. Tôi trở lại say mê với công việc và hứng thú của riêng mình. Cuộc sống đã theo một nhịp điệu khác.
Một buổi chiều cuối tháng Năm, mưa giông vừa tạnh. Mặt trời hé nắng vàng vàng, không khí nhẹ và trong, mát rười rượi, kích thích đến tim óc. Tôi mở cửa ra ban công nhìn sang rừng thông. Tôi để ý nhìn những thân cây thông cao, vỏ nứt nẻ, cành sần sùi, cong quẹo một cách mỹ thuật không ngờ. Dưới chân cây, cỏ dại mọc dày, cao, lá thon thon vươn lên quá đầu gối. Thân cây đứng song song nhau, cành chìa dọc ngang, lá đan dày um tùm. Tôi nhìn ra xa hơn. Hồ Đà Lạt nằm im, mặt nước xanh phản chiếu đồi núi và rừng thông xanh. Màu xanh và sự im lặng, cảnh bao la của núi rừng và không khí mát mẻ như kim châm vào da, tất cả đã nhẹ nhàng đưa óc tôi liên tưởng đến phong cảnh xứ Phần Lan tôi đã nhiều lần tưởng tượng thấy qua trang sách mở. Vấn vương trên phong cảnh, tôi còn nghe phảng phất giọng nhạc của Jean Sibélius, người nhạc sĩ đã như hô hấp được cái hương vị của rừng thông âm u liên tiếp, của hồ nước lặng màu ngọc bích, của cảnh sắc đặc biệt xứ Phần Lan.
Tôi đang mơ màng tưởng tượng thì chợt vang lên tiếng chim hoàng oanh hót. Tôi đưa mắt tìm xem chim đậu ở đâu. Mỗi lần nghe tiếng chim hoàng oanh là tôi phải nghĩ đến những cây bàng lá xanh mướt. Vòm trời xanh có mây trắng nhẹ như bông. Đà Lạt có chim hoàng oanh là điều tôi không bao giờ ngờ. Nhưng kìa, trên một cành thông gãy, có một chiếc hoàng oanh nhỏ đang mổ vỏ thông tìm mồi. Mổ nhanh nhanh một hồi rồi lại nhảy sang cành khác, hót véo von. Mình chim thon thon, lông mướt, màu vàng nghệ, thật hòa hợp với giọng hót ấm áp.
Óc tôi vụt nhiên thấy êm ả lạ lùng: tôi nhớ đến Huyền Đáng. Lúc ở Sông Cầu, mỗi lần nghe Huyền Đáng nói tiếng Nhật Bản - tiếng “Masu và Desu” mỗi lần nhìn đôi môi của Huyền Đáng nói lên tiếng ấy là tôi nghĩ ngay đến con chim hoàng oanh. Nhiều lần rồi, tôi nhắc lại cái cảm tưởng đó:
- Huyền Đáng ạ, đi đâu cho xa bao nhiêu… hễ nghe hoàng oanh hót là anh nhớ đến em liền.
Hôm nay nghe hoàng oanh hót, tôi nhớ ngay đến Huyền Đáng thật. Tôi vào mở ngăn kéo tìm một món quà gì để gởi cho em. Tôi lấy tập bưu ảnh, ghi vào lưng tờ đầu: “Gởi em Huyền Đáng. Con chim hoàng oanh của anh” rồi ký tên.
Từ nãy giờ nghĩ đến Huyền Đáng, nhưng trong lớp sâu thẳm của tâm tư, tôi có nghĩ đến Vân. Vì hoàng oanh nhắc Huyền Đáng, Huyền Đáng nhắc Sông Cầu và Sông Cầu nhắc tôi nhớ đến Vân. Huống chi, điều tôi nhờ Huyền Đáng nhắn thăm nàng hộ, biết Huyền Đáng đã nói chưa. Biết nàng đã rõ rằng tôi cũng yêu nàng như nàng đã yêu tôi chưa? Nhưng sợ lại phải trở lại những ý nghĩ tôi hằng nghĩ về nàng, tôi cầm bút lên viết thêm ở lưng tấm ảnh.
- Em nhớ nói lời thăm chị Vân khỏe mạnh và vui vẻ hộ anh.
Sự sống rộn rịp ở Đà Lạt quả đã xua tôi bớt nghĩ về Vân. Hơn nữa, tôi thấy có nghĩ cũng vô ích, nàng đã có chồng rồi. Lúc đầu nàng tỏ ra không thuận lấy Nhã, nhưng đã cưới nhau rồi, nghĩa là nàng đã thuận rồi. Huống chi, đã mấy tháng ăn ở cùng nhau, xấu hay tốt cũng đã thành quen, thành thuận. Thêm vào đó, sự rủi may không chừng đã tạo ra một đứa con. Nó trưởng thành để vài dăm tháng nó ra đời. Cây đã lỡ trồng xuống đất rồi thì càng ngày rễ càng đâm nhiều, càng bám chặt xuống đất. Tôi không nên, không có quyền nghĩ đến Vân nữa.
Thỉnh thoảng một tuần hay nữa tháng, hoặc có việc hoặc không, tôi đi Phan Rang hoặc Phan Thiết, Djiring, Sài Gòn. Cách sống luôn luôn thay đổi thành ra thú vị, không chán. Lần cuối cùng đi Sài Gòn, vào khoảng tháng bảy, tôi ghé lại nhà hàng Charner mua sắm một ít đồ đạc. Lúc ra về, đi qua dãy tủ kính hàng lụa, chợt thấy một xấp lụa Bom Bay (1 ) màu hồng nhạt. Tôi nhớ ngay màu áo của Vân mặc hôm gặp tôi lần đầu. Tần ngần một lúc, tôi lại bảo cắt ba thước rồi vội vã ra xe. Ngồi lên xe, tôi tự hỏi không biết nên dùng ba thước lụa hồng ấy để làm gì.
Ba thước lụa ấy, lúc về Đà Lạt, tôi xếp vào một góc va-ly. Khi Đà Lạt tản cư, tôi đi với chiếc va-ly ấy xuống Trạm Hành, Dran. Ngày Pháp tấn công, phá vỡ phòng tuyến, tràn ùa vào nội địa lâm viên thì tôi ở Cầu Đất đi thẳng Tháp Chàm, không đủ thì giờ dừng lại Dran trong năm phút để mang va-ly theo.
Chiếc va-ly mất. Ba thước lụa hồng không biết về tay ai. Thành ra dù có tìm hỏi suốt đời, tôi cũng không thể hiểu được tôi đã mua ba thước lụa ấy định để làm gì.
Tôi đã sống với lý trí. Tôi đã làm trọn cái bổn phận là không nghĩ đến Vân nữa. Trong tầm mắt nhìn, và tầm suy nghĩ của trí óc tôi lúc ấy, lẫn lộn quay cuồng nhiều hình bóng người, nhưng tuyệt nhiên không có hình bóng của Vân. Trang sách đã lật qua rồi. Bao nhiêu rạo rực đã lắng xuống. Tôi thong thả lật sang trang khác của đời tôi.
Tháng 4 năm 1946, sau ngót nửa năm lận đận trong vùng chiến địa Lâm Viên - Ninh Thuận, tôi đáp ghe về Phú Yên. Ngày 11 tháng 6 năm 1947, tôi cưới vợ, vợ tôi là người bạn thân của tôi, người có cùng những ý nghĩ cảm xúc giống tôi, người đã cùng tôi chia xẻ những đau khổ hiểm nguy trên bước đường tản cư lận đận. Chiến tranh như đã một ngọn lốc thổi, nàng phiêu lưu trong một cuộc hành trình không định hướng.
Mới như ngày hôm qua, phòng học sáng sủa của trường Couvent des Oiseaux còn vang tiếng gót giày của nàng. Cuộc đời êm đềm biết bao giữa những lời văn đẹp, những tưởng tượng uyên thâm của Descartes, Shakespeare hay César, giữa những đáp số của bài toán, những công thức của hóa học. Những giờ nhãn rỗi, nàng cho trôi theo điệu nhạc cổ điển, những bản thánh ca, trên chiếc dương cầm mà nàng âu yếm như một người em.
Thế rồi Nhật đảo chính, trường học đóng cửa.
Thế rồi cuộc Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, cuộc chiến tranh trường kỳ bắt đầu. Đà Lạt bị phong tỏa, Đà Lạt phải tản cư, gia đình nàng cũng bắt đầu phân tán, người già được ở lại, người trẻ phải ra đi. Ban đầu ra đi là cái thú, cái thú được nếm chút ít gian khổ, hiểm nguy, cái thú của người ngồi mãi trong ô-tô muốn được đi bộ, của người phải mang giày cả ngày được đi chân đất, thong thả, nhẹ nhõm trong mười phút đầu. Cũng y như thế, trong vài tháng đầu chiến tranh đã quyến rũ mọi người như một tình nhân mới. Quả thật, chiến tranh có đem lại cho người ta cái thú vị say sưa, người nhỏ thì thấy mình bỗng lớn hẳn lên, người lớn tuổi thấy mình trẻ lại. Những bộ quân phục gabardine màu phân ngựa, những đôi ghết đen quá rộng hoặc quá dài, những thanh gươm Nhật đẹp nhưng vô ích và hơi vướng, những khẩu súng lục lủng lẳng ngang sườn… đó là hình ảnh quen thuộc trong những ngày ấu trĩ của chiến tranh. Giữa màu xanh, giữa màu đen nghiêm nghị và đầy sát khí ấy, len lỏi màu trắng của những chiếc áo blouse (2 ) của những chiếc mũ vải trắng điểm tươi một chữ thập đỏ. Chàng chỉ huy mặt trận, nàng băng bó thương binh, thật còn sự hòa hợp nào bằng? Còn lý tưởng nào hơn nữa? Tình yêu cổ điển - vì còn gì cổ điển hơn sự sống và tình yêu - được tinh thần mạo hiểm và lòng hy sinh tô điểm thêm, đã như men rượu mạnh làm say mọi người. Với một số học sinh bấy lâu học hiểu văn minh Hy La kỹ hơn lịch sử cuộc Nam tiến, với một số lớn thanh niên, trung niên bấy lâu coi tình yêu và tiền bạc là mục đích của cuộc đời thì chiến tranh lần này đã mở những cánh cửa mới cho căn phòng tù hãm mà bấy lâu nay đôi mắt họ đã phải quen nhìn. Đối với một số khác, lòng yêu nước trở thành một món trang sức hợp thời và giá rẻ.
Tội nghiệp cho người bạn gái của tôi!
Chiến tranh càng kéo dài, nàng càng đi xa dần, xa dần thành phố Đà Lạt thân yêu của nàng. Hết hy vọng trở về cuộc sống êm đềm với gia đình, nàng phải phó thân cho số mệnh. Một mình bơ vơ giữa súng đạn, nàng vẫn cam chịu đựng, vừa tìm mọi lẽ để vui sống. Nhưng dù can đảm, vui sống, nàng cũng đau đớn lòng thấy rằng những mối hy vọng tương lai của mình đã bị chiến tranh tàn phá mất rồi.
Có khác chi tôi?
Sau mấy đêm trắng suy nghĩ cân nhắc, tôi quyết định cưới nàng.
Không phải trong những hồi trằn trọc, tôi không nghĩ đến Bảo Loan. Không, tôi đã nghĩ đến Bảo Loan nhiều lắm. Cho đến ngày chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, tôi còn viết thư được cho Bảo Loan. Những ngày ở Đà Lạt, cuộc đời tươi lại, tôi đã chuẩn bị một cuộc viễn du ra Hà Nội để xin thầy mẹ Bảo Loan cho cưới. Tôi giấu không cho Bảo Loan biết dự định ấy để dành cho nàng một sự bất ngờ êm đềm. Nhưng thời cuộc lại diễn biến tới tấp, bao nhiêu biến cố lại liên tiếp xảy ra. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cuộc chiến tranh bộ phận kéo dài, cắt đứt con đường giao thông Nam Bắc. Thư từ không đến tay chúng tôi nữa. Cuộc sống bị xáo trộn nhiều hơn trước nữa. Những sự suy nghĩ, buồn phiền lại trở lại dày vò tôi.
Không! Tôi đã nghĩ đến Bảo Loan nhiều lắm!
Bảo Loan là đối tượng quan trọng trong sự cân nhắc cuối cùng của tôi. Trên bàn cờ giữa giờ chung cuộc, Bảo Loan là con xe, con pháo quyết định. Nhưng tôi phải đau đớn mà phụ lòng Bảo Loan thôi vì trong tình thế hiện tại tôi không thể nào tạo hạnh phúc cho Bảo Loan được, tạo thứ hạnh phúc mà Bảo Loan đang cần. Tôi đành phụ lòng Bảo Loan vậy!
Tâm hồn tôi đã yên ổn trong nếp sống hiền hòa. Cùng vợ tôi, tôi đã đóng hẹp lại cái khung hy vọng của đời chúng tôi. Chúng tôi đã xây lưng lại Dĩ Vãng.
Chừng nửa năm sau, khi đã chan hòa cuộc sống của mình vào nhịp sống chung của mọi người xung quanh, tôi lần lượt được nghe những tin tức về Vân. Tin do bạn gái hoặc bạn trai, người lạ hoặc người quen nói mà tin nào cũng không làm cho tôi vui lòng. Tin Vân và chồng không thuận nhau. Tin Nhã về Nha Trang. Tin Vân được người này yêu, người kia yêu. Tin Vân yêu người này, người nọ, người kia. Tôi không biết có nên tin hẳn những tin ấy không, nhưng dù không biết, tôi cũng cứ giận sao nàng lại có những hành vi như vậy. Tôi ghét nàng. Tôi không muốn nghĩ đến nàng nữa.
Có một buổi chiều ở trường Lục quân Trung học Ngân Sơn ra, tôi gặp Vân đi cùng hai bạn gái, gặp mà tôi không biết vì tôi không nhớ mặt nàng. Lúc về trường, bạn cũ của tôi, anh Đông nói cho tôi biết rằng người đi qua trường lúc nãy là Vân. Tôi nghe nói tên Vân, nhớ lại rằng mình vừa gặp, mà lòng buồn buồn. Tôi nhớ buổi gặp nàng, những điều dự định của tôi đối với nàng. Tôi nhớ lại ngày hôm nay tôi đã có vợ rồi, tôi với nàng thành ra ngày càng xa, xa xôi đến nỗi gặp nhau mà không hề nhớ mặt.
Cuối thu, có những ngày gió lạnh và trời xám. Tôi bỗng thấy bâng khuâng nhớ nhung. Tôi nhớ bài “Cảm tưởng thu” của Anatole France tôi đã học năm thứ hai, thứ ba, tôi còn nghe lại cả tiếng hạt mưa rơi đập vào cửa kính, còn thấy lại cả trận lá vàng rụng trên mình các ngôi tượng trắng. Tôi nhớ Anatole France, nhớ chuyện Clémentine ông viết về người yêu xưa bỏ ông để lấy một chủ nhà băng giàu có. Còn ông tóc bạc dính sát mái đầu, ngày ngày lục lọi xếp đặt sách vở trong thư viện lạnh lẽo, không vợ con. Một đêm tối trời, ông nhìn lên các ngôi sao nhớ nàng Clémentine và chúc cho nàng sung sướng bên chồng bên con. Tôi yêu câu chuyện này và muốn viết một truyện như vậy. Nhưng Clémentine của tôi là ai? Tôi soát lại xem mình có mối tình nào tương tự như thế không. Tôi đắn đo, e dè. Không có sách để xem lại, tôi moi óc cố nhớ, nhưng càng cố nhớ tôi lại càng lẫn lộn hơn. Tôi nói cùng vợ tôi:
- Em đã đọc Clémentine rồi?
- Rồi.
- Ý em thế nào?
- Chắc cũng như ý anh. Anh thích lối viết của Anatole France, em cũng vậy. Theo em, Anatole France là Chopin trong văn và Chopin là Anatole France trong nhạc.
Ngẫm nghĩ giây lâu, tôi tiếp:
- Mấy ngày nay, anh bỗng nhiên nhớ đến chuyện Clémentine quá. Anh phải viết ngay một chuyện tương tự. Nhưng nghĩ mãi chưa ra. Tuy chưa ra nhưng rồi cũng phải ra. Em giúp ý cho anh đi!
Vợ tôi mỉm cười. Một lát sau, nàng chậm rãi nói:
- Phải đấy, anh gắng viết đi. Viết được có lẽ anh sẽ vui…
Đến đây, nàng ngần ngừ một giây:
- Tính anh nhút nhát lắm, không dám nhìn thẳng vào thực tế của cuộc đời mà chỉ thích sống tưởng tượng. Anh xem, anh còn thua em xa… Nhưng thôi, chẳng sao, anh cứ viết đi. Có lẽ sống êm đềm với những nhân vật của anh, anh sẽ vui hơn.
Nàng nhìn lơ đãng ra sân rồi nghẹn ngào tiếp:
- Một năm nay, em thấy anh hơi buồn, hay cáu, dễ nóng giận. Hồi ở Đà Lạt, gặp em, anh đâu có như vậy. Anh vui vẻ pha trò với chúng em. Em nhớ, em yêu đôi bàn tay anh trắng, với những ngón thon… Bây giờ, bây giờ ngón tay nổi gân, trán hay nhăn lại… Em thương hại anh…
Nàng bỗng giật mạnh hai bàn tay tôi, úp mặt vào khóc thổn thức. Tôi vỗ vai nàng dỗ:
- Kìa! Em mới chính là người đáng thương hại, chính em mới là người bỗng dưng đến chia cái khổ của anh. Em có nhiều tương lai hơn anh, thế mà…
Nàng ngẩng mặt lên:
- Nói bậy! Anh nói bậy! Em đâu có khổ?
Và nàng lại mỉm cười, tròng đen long lanh sau màn nước mắt.
(1) Hàng tơ lụa mỏng thượng hạng, sản xuất tại Ấn Độ (2) Áo choàng trắng Câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi bắt đầu bằng chuyện Clémentine ai ngờ đã kết thúc bằng một cuộc tự xét, tự vấn. Thật đúng như lời vợ tôi nói, tính tôi đã trở nên cau có, gắt gỏng lạ. Tôi sốt ruột thấy đời mình và đời của những người xung quanh mình diễn đi, lập lại trong cái nhịp đơn điệu, vô vị, bị đầu độc bởi những mưu mô tham lam, nhỏ nhen, độc ác.
Thấy tôi cựa quậy, bực dọc, vợ tôi đã hiểu, đã thương hại, đã tìm mọi cách xoa dịu những vết xây xát trong hồn tôi khi tôi va chạm với cuộc đời… Nàng hiểu tôi lắm. Khuyên tôi viết để quên bớt thực tại, coi thường thực tại, nàng đã hiểu tôi và quên mình mà giúp tôi một cách thông minh.
Trong khi ấy, mùa thu như a tùng theo mà đến ám ảnh tôi không thôi. Trời đông kéo dài. Gió cứ thổi hắt hiu hắt mà mặt trời cứ ủ dột khiến tôi lại cứ loay hoay với câu chuyện tình lý tưởng của Anatole France. Sau nhiều ngày suy nghĩ, một hôm tôi nói với vợ một cách trang trọng:
- Ngày hôm nay, em xếp lại bàn viết cho thật ngăn nắp, sẵn sàng. Để anh sẵn sàng viết những câu chuyện tình của anh.
Vợ tôi đã làm đúng theo như ý tôi muốn. Bàn viết rất tươm tất. Đèn lau sạch, tra tim mới, như đang mong một que diêm xòe ra là bật sáng lên ngay. Cán bút gác yên lên bình mực, nhưng tôi vẫn còn sục sạo trong tâm trí, cố tìm lại nàng Clémentine âu yếm của tôi.
Một ngày kia, tôi và anh Uyển, một bạn thân, đi Hòa Đa. Dọc đường, chúng tôi nói chuyện về nghệ thuật sống. Chúng tôi tán dương lối sống thoải mái, thú vị, không đặt chủ đích vào một hướng nào, một việc gì. Có lẽ tại vì chúng tôi suốt tháng ngày ứ với cái nhiệm vụ kháng chiến của mình nên trong một đôi giờ tự do cố nói cho hả, dự định cho hả. Dễ thường chỉ nói và dự định rồi thôi. Uyển dường như đang thắc mắc một điều gì. Mấy hôm nay anh cứ hẹn sẽ đưa cho tôi xem một quyển truyện của anh đã viết. Tôi hỏi truyện dài hay ngắn, tiểu thuyết hay ký sự… thì anh diễn ra lời một cách khó khăn lối viết của anh. Tôi thoáng hiểu. Chắc lại là một truyện mà anh đã sống, pha lẫn nghệ thuật cốt để giấu một phần sự thật. Sau một hồi im lặng đi cạnh nhau, chợt Uyển hỏi tôi:
- Diệp có biết chị Vân?
Tôi trả lời ngay:
- Biết. Vân ở Sông Cầu chớ gì?
- Ờ.
Thấy Uyển im bặt, tôi hỏi lại:
- Thế nào, có chuyện gì không?
Uyển im không nói. Tôi lại giục:
- Kìa, sao lại im đi?
Ngần ngừ giây lâu, Uyển chậm rãi:
- Có chuyện này, nói riêng cho Diệp nghe. Nhưng Diệp hứa là không nói lại với ai cả.
Tôi cười xòa.
- Lại phải dặn. Chuyện của chị Vân tức như chuyện của tôi, anh không phải lo. Nào, nói đi.
- Chuyện này do một người bạn gái tin mình lắm nói riêng cho mình nghe. Người bạn gái ấy là bạn thân của Vân. Vào khoảng cuối năm 1946, lúc mà đó đây người ta bàn tán về Vân, nhiều người tìm cách chiếm đoạt lòng Vân, thì Vân nói chuyện cùng người bạn gái mình rằng: Ngày xưa đã yêu một lần, tình yêu bị dở dang, hy vọng trót không thành, nên bây giờ mọi việc đều coi thường, không để tâm làm gì nữa. Bạn mình hỏi yêu ai thì Vân trả lời: Yêu anh Diệp, anh Diệp ở Tuy An.
Giọng nói của Uyển bình thản khách quan, nhưng tôi có cảm tưởng một tia chớp vừa lóe. Từ trước đến nay tôi biết những cảm tình của Vân qua các anh chị em quen, họ hàng, bà con. Nay tin tức đến từ một người hoàn toàn lạ, và Uyển là một nhân cách đứng đắn, cao hơn mức trung bình. Cô bạn của Uyển, dẫu anh không nói tên, tôi cũng đoán biết là ai, và cũng là một nhân cách cao hơn mức trung bình. Tôi xúc động bàng hoàng và khốn khổ không biết làm cách nào để thâm tạ tấm lòng của Vân.
Đêm ấy, chúng tôi đi xem kịch, nhưng từng hồi, từng hồi, tôi chợt quên kịch mà nghĩ đến Vân. Lúc ra về, trăng khuya sáng, lạnh. Thật phù hợp với tâm trạng tôi lúc bấy giờ đang mang mang nhớ đến nàng. Chân tôi bước nhanh nhanh, lòng tôi thấy êm êm nhè nhẹ và nơi tâm hồn tôi nhẹ nhàng hình thành câu chuyện Clémentine tha thiết của tôi.
Một hôm tôi êm đềm nói cùng vợ tôi.
- Em ơi, hình như anh đã tìm thấy nàng Clémentine rồi. Để thí nghiệm đôi ngày rồi anh sẽ bắt đầu viết.
Truyện chưa kịp bắt đầu thì tôi được tin Vân hay ghé nhà bà Thừa, cô nàng. Hôm gặp ông Sách - rể bà Thừa - tôi vui vẻ nói:
- Hôm nào chị Vân ở Sông Cầu vào, nhờ ông nói rằng tôi gởi lời thăm chị khỏe mạnh. Ông nhớ nghe?
Ông Sách gật đầu cười. Vài ngày sau, ông gặp tôi, nói riêng:
- Nghe ra mới biết rõ là cô Vân đã yêu ông thật. Vậy ông có muốn thì sang gặp.
Sợ ông Sách có ý nghi ngờ gì khi đề nghị tôi sang tìm gặp, tôi nghiêm trang đáp:
- Tôi có bổn phận phải gặp Vân. Nghe chị ấy hiện sống vô định lắm, người này yêu, người nọ, người kia yêu. Chị ấy thì, theo người ta nói, cũng lang mang vô cùng, không biết nên đặt lòng mình vào đâu, hy vọng vào đâu, cứ tự để cho ngoại cảnh muốn dắt mình đi đâu thì dắt. Người ta cho là chị ấy báo thù đời.
Ngẫm nghĩ một giây, tôi lại tiếp:
- Tôi có cảm tưởng xa xôi rằng chính tôi đã dự một phần vào việc gây ra nguyên nhân sự trạng này. Tôi có một phần trách nhiệm đối với cuộc đời hay, hay dở của Vân hiện tại và sau này. Tôi thấy tôi có bổn phận phải khuyên nhủ nàng. Ông nghĩ sao?
- Phải đấy. Cô ấy lại đang đưa đơn kiện ly dị chồng. Ông thử tìm cách khuyên bảo cô ấy xem.
Một sáng chủ nhật, tôi đến nhà bà Thừa. Ngồi trong nhà, nhìn ra sân, thấy có ai mặc áo cánh lụa màu nâu đang phơi áo ngoài dây. Tôi tin chắc là Vân. Mãi sau, nghe tiếng bà Thừa nói sang sảng:
- Con Vân đâu? Anh Diệp sang chơi kìa, lên nói chuyện cho vui. Anh chị em cả.
Giọng nói và cách nói của bà Thừa làm tôi tự nhiên thấy buồn thấm thía. Tôi có cảm tưởng như tôi và Vân đã cùng sống một dĩ vãng thân thiết dưới sự chở che âu yếm của mọi người trong họ, rồi bị một nghịch cảnh gì xui phải xa nhau, để hôm nay tình cờ gặp mặt lại nhau, gặp lại mà phải bỡ ngỡ, ngại ngùng, gặp dưới sự che chở âu yếm của họ hàng như ngày xưa.
Vân ở nhà sau đi lên. Tôi đưa mắt nhìn nàng, nhìn thẳng nàng giây lâu, lòng rào rạt một tình thương xót. Vân như thế đấy sao? Ra hôm nay tôi mới biết nàng là như thế. Tóc nàng cặp vén lên cao rồi bỏ trễ xuống. Vòng lông mày cong lên vươn dài, áp đôi mắt mở rộng, rất đen, sâu thẳm. Thấy tôi, nàng hỏi rất tự nhiên.
- Anh Diệp qua chơi.
Tôi chỉ ngẩng mắt nhìn mà cổ nghẹn không sao nói được. Nàng lại hỏi mau:
- Chị đã sinh chưa, anh?
Tôi trả lời:
- Chưa!
Hỏi lên câu ấy, tôi biết ngay là nàng đã hồi hộp cảm động lắm. Nàng ngồi xuống võng. Thấy sự im lặng nặng nề, tôi bắt đầu nói cùng nàng lời hỏi thăm thường lệ. Nàng trả lời tôi một cách thân ái, dịu dàng. Tôi chợt xoay hẳn câu chuyện:
- Tôi nghe ông Sách nói chị nhờ đưa đơn ra Tòa xin ly dị anh Nhã. Tôi thấy đó là một việc quan trọng. Có lẽ vì sự quan trọng ấy nên tôi tìm gặp chị sớm, ngay hôm nay. Tôi không biết là chị nghĩ kỹ chưa…
Nàng mỉm cười trả lời:
- Việc gì chớ việc ấy thì tôi nghĩ kỹ rồi.
Tôi ngắt ngay:
- Tôi rất nghi ở sự đã nghĩ kỹ của chị. Lúc bằng lòng lấy Nhã, chắc chắn là chị cũng đã nghĩ kỹ rồi. Chớ sao? Má chị ép, chị không bằng lòng nhưng có nghĩ sao, nghĩ rằng chị nên làm vui lòng má, hoặc nghĩ rằng anh Nhã không xấu đâu, hoặc vì gì… gì chẳng hạn, chắc chắn là đã có nghĩ kỹ rồi. Chị nhớ lại xem. Chị sẽ thấy rằng ngày xưa chị cũng đã từng nghĩ kỹ, nghĩ kỹ… để hôm nay đời chị dở dang. Chị có tin chắc rằng điều nghĩ kỹ của chị là đúng không?
Vân đăm đăm nhìn tôi giây lâu, không nói.
- Tôi lo sợ thấy chị đang làm một việc nó định đoạt cả một tương lai. Tôi tự biết tôi không thể hiểu rõ tâm trạng và hoàn cảnh của chị hơn chị được, hiểu mình thì còn ai hơn mình, cho nên tôi không dám cản ngăn. Có điều tôi xin chị dè dặt một chút đối với một việc nó quá quan trọng.
Nàng nói, chậm rãi và lạnh lùng:
- Anh chưa hiểu. Đơn ly dị tôi đã gởi Tòa ba tháng trước rồi. Tòa hỏi thêm hồ sơ, hỏi giấy trích lục và địa chỉ của Nhã. Hôm nay nhờ ông Sách đưa là đưa hai món đó.
- Tôi hiểu. Và tôi đã nói là tôi không sáng suốt hơn chị trong việc này để mà khuyên bảo chị. Có điều tôi cần nói rất thật cho chị nghe là hình như dư luận không được tốt đối với chị…
Nàng mỉm cười.
- Tôi biết. Nhưng …
Nàng bĩu môi, không nói tiếp.
- Người đàn bà quý nhất ở cái tư cách. Tôi rất buồn phải nghe những dư luận, vì thế tôi muốn biết chị kiện ly dị để định làm gì?
- Không định làm gì hết. Bây giờ thì cứ sống như thế này nuôi mẹ, nuôi em; nuôi mẹ cho đến ngày mẹ chết, nuôi em, gây dựng cho em. Khi nào bổn phận hoàn toàn rồi thì sung vào một nhà dục anh, một viện mồ côi…
Ngừng một giây, nàng nhè nhẹ tiếp:
- Có người tưởng tôi muốn ly dị để đi lấy chồng.
Thấy nàng lại im, tôi đáp:
- Ý của chị tốt quá. Vì tốt quá nên tôi sợ không thành. Chị nhớ chuyện xưa có những người vợ quá trẻ muốn thủ tiết để nuôi con, để tránh bướm ong qua lại, có nàng đã phải lấy dao rạch mặt mình trăm vết. Tôi xin lỗi nếu sự thật nói ra sẽ làm phật lòng chị, nhưng dù chị giận tôi, ghét tôi, bổn phận bắt tôi phải nói: Chị e rồi cũng phải dùng đến con dao của người xưa, nếu chị quả quyết làm theo ý định tốt đẹp của chị…
Tôi nói xong, nhìn sang nàng, xem nàng tỏ ý khó chịu như thế nào. Tôi thấy nàng ngẫm nghĩ giây lâu, ngẫm nghĩ lắm. Nhìn lên thấy tôi đang nhìn nàng, nàng nói:
- Ai cũng nói ra toàn những sự khó khăn cả.
- Thì khó, khó hẳn đi.
Thấy câu chuyện đã nhuộm một màu đen nặng nề, tôi im lặng giây lâu. Chợt nàng ngẩng lên hỏi tôi:
- Anh có gặp Huyền Đáng không?
- Chưa. Hôm đi Hà Trung, định ghé thăm Huyền Đáng, nhưng bận quá, ghé chưa được. Huyền Đáng bây giờ thế nào?
- Bây giờ lớn rồi.
Tôi ngẫm nghĩ, chắc Huyền Đáng đã có nói gì với nàng nên nàng nhắc đến Huyền Đáng. Tôi hỏi:
- Lúc tôi từ giã Sông Cầu, chắc Huyền Đáng có nói gì với chị?
Nàng đưa mắt nhìn xuống đất, vẻ bối rối không trả lời. Tôi hỏi tiếp:
- Nhờ trời Huyền Đáng chưa được biết đau khổ…
Nàng mỉm cười:
- Biết đâu!…
- Biết đâu nghĩa là đã. Tội nghiệp. Những cô em nhí nhảnh hiền lành của tôi ở Sông Cầu, sao ai nỡ nhuộm đau khổ vào làm chi cho tội nghiệp. Lộc vừa lấy chồng ở Sơn Hòa, tôi định tìm thăm nhưng chưa kịp.
- Lộc cũng đã là nạn nhân của đau khổ, cũng đã khóc, cũng đã phải đã quên.
Tôi nhún vai tỏ vẻ ngán ngẩm đối với một việc nó diễn đi diễn lại đã quá cũ rồi. Tôi hỏi tiếp:
- Còn Mộng Thúy, Mộng Thúy vừa lấy chồng ở gần đây. Đám này tôi không ngờ lại thành. Mộng Thúy nghe tân tiến dữ: kịch, nhạc, biểu diễn v.v… thế mà đánh đùng bằng lòng lấy một anh chồng chắc chắn là không tân tiến bằng mình, nếu không nỡ nói là quê hơn.
- Mộng Thúy có vậy mà thực tế.
- Có lẽ vì cô ta chưa nghĩ đến ai.
Nàng phì cười:
- Anh lầm to. Đã nghĩ rồi, đã yêu rồi, đã yêu như bất cứ ai.
- Yêu ai?
- Khanh.
- Khanh nào?
- Khanh ở Nha Trang.
Tôi dằn mạnh giọng:
- Nha Trang, sao lại Nha Trang?
Vân nhìn tôi mỉm cười chua chát:
- Thì Nha Trang chớ sao? Nha Trang thì cũng như Hà Nội, Đà Lạt có khác chi đâu?
Nhưng sao Nha Trang lại hay làm khổ, làm phiền Sông Cầu quá vậy?
Trầm ngâm một giây, nàng chậm rãi nói:
- Tháng Năm năm ngoái, nghe tin anh cưới vợ. Sau này, được nghe người ta nói chị học giỏi và hiền lành, tôi rất mừng cho anh.
Nghe Vân nhắc đến gia đình tôi, tôi suy nghĩ ngay đến hiện cảnh rất buồn của nàng. Suy nghĩ một giây, tôi chợt hỏi:
- Nếu độ ấy tôi cứ ở mãi Sông Cầu mà không đi Đà Lạt thì sự thể sẽ xảy ra như thế nào nhỉ? Có lẽ chúng ta đã không như bây giờ. Có lẽ cuộc đời đã khác. Có lẽ chúng ta đã…
Vân mở to mắt nhìn tôi, trách:
- Anh cứ nghĩ đến ngày xưa, nói đến ngày xưa làm gì. Cái gì nó đã qua, cho qua luôn.
- Như thế là tàn nhẫn, nhất là bây giờ, chị đang ở trong một cảnh buồn vô cùng. Tôi nghe tháng nào anh Nhã về Sông Cầu đem chị đi Nha Trang. Chị bằng lòng đi. Ghé vào Đa Ngư, chị viết thư cho má, vĩnh biệt má và cả gia đình, chị nói chị chắc một ra đi là gởi xương quê người không còn mong về nữa. Thư ấy Nhã biết. Nhã lại có dọa một khi đem chị vào được đến Nha Trang, Nhã sẽ hành hạ cho điêu đứng.
- Không phải chỉ lần này Nhã mới dọa, dọa cho người khác nghe. Nhã có lần nói trước mặt tôi.
Ngập ngừng một hồi, nàng tiếp:
- Cưới xong một ngày, tôi nói ngay với Nhã: “Anh cưới tôi, nhưng tôi không yêu anh”. Nhã ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?” Tôi trả lời: “Tại vì tôi đã yêu anh Diệp rồi”. Nhã lặng người, không ngờ tôi có thể nói vậy. Thấy tôi điềm nhiên, Nhã biết tôi nói thiệt. Anh giận dữ gằn giọng:
- Biết rồi. Biết rõ, nên quyết cưới cho được để đem về hành hạ cho biết tay.
- Thế là từ đó trở đi, liên tiếp toàn những hành hạ và hành hạ?
Vân im lặng không nói. Tôi lại hỏi:
- Thế tại sao biết đi theo vào Nha Trang là chết mà vẫn cứ đi?
- Vì muốn chết.
- Muốn chết thế sao khi ở Đa Ngư nghe Nhã dọa thì lại không chịu theo Nhã nữa mà lại để Nhã về Nha Trang một mình?
- Vì nghĩ lại, chết như vậy uổng nên không muốn chết nữa.
Giọng nói gọn, trầm trầm làm tôi biết Vân đã chán nản lắm.
Sau bữa cơm trưa, Vân lại nằm ở giường, gần bộ ván rộng tôi ngồi. Qua khe rèm tôi thấy nàng nằm vắt tay lên trán. Chốc chốc thấy nàng trằn trọc và thở dài. Tôi im lặng không biết nói gì. Trong khi quay cuồng lẫn lộn, óc tôi lại đẫm trong một sự êm ái man mác. Tôi nhìn về dĩ vãng, nhớ lại ngày gặp nàng, nhớ lại ngày nàng lấy chồng, nhất là những ý nghĩ âu yếm nàng đã dành cho tôi trong những ngày nàng lấy chồng. Nhớ lại những ngày cuối cùng ở Sông Cầu, tôi lên tiếng hỏi:
- Ngày tôi nằm nhà thương, tôi nghe người ta hay nhắc đến tôi mỗi lần nói đến chị và Nhã. Hình như Nhã nghi ngờ tôi lắm?
Vân quay sang nhìn tôi:
- Nhã có tính rất lạ, cứ nghi tôi với anh. Có hôm tôi vào Tuy Hòa, xuống Ngọc Lãng rồi về. Nhã nghe tôi vào Tuy Hòa, đinh ninh là cốt để gặp anh nên giận dỗi, tra hỏi. Thấy Nhã vô lý, tôi bực mình ngồi đặt chuyện gặp anh, thăm anh v.v… nói với em gái tôi. Nhã về tra hỏi em tôi. Nó không nói. Anh điên lên, rượt đánh cả nó nữa.
- Tôi nhiều khi thấy cuộc đời cũng oái oăm quá. Tôi gặp chị một lần không hề nhớ mặt, chỉ hôm nay mới thấy rõ ràng, thế mà ai ở Sông Cầu cũng đinh ninh là tôi với chị đã gì… ghê lắm. Tôi thì chưa hề hiểu chị, thành ra chỉ một mình nghĩ, một mình biết, có lẽ suốt cả đời sẽ cũng chỉ vậy, nếu hôm vừa rồi Uyển không tình cờ nói cho tôi biết.
Vân hỏi Uyển nói gì, tôi thuật lại các điều Uyển đã nói cùng tôi. Cuối cùng tôi hỏi nàng:
- Có phải chị đã nói như vậy không?
Nàng không trả lời. Sau một hồi ngần ngừ, nàng mở to mắt nhìn thẳng tôi:
- Nhưng thôi, việc đã qua rồi. Mình không có quyền nghĩ đến nữa.
- Nhưng còn cả cái hiện tại và cái tương lai của chị?
Nàng nói mau, vội vàng:
- Cũng mặc, mặc tôi. Anh không phải nghĩ. Anh không có quyền nghĩ đến nữa.
Thấy tôi nhìn nàng, nàng cũng nhìn tôi thật lâu rồi buồn rầu nói:
- Anh không có quyền nghĩ đến thật vì anh có bổn phận phải nghĩ đến chị đang có mang, phải nghĩ đến cháu sắp sinh. Bổn phận của anh nặng lắm. Chị bao giờ thì sinh hở anh?
- Có lẽ cuối tháng Một, chưa biết chắc.
- Anh có bổn phận phải lo cho chị thật chu đáo. Chị xa gia đình, xa quê hương, đi cùng anh về đây là chị yêu anh lắm. Anh có nhớ không?
- Nhớ lắm. Nên tôi bao giờ cũng lo cho nhà tôi. Chỉ có bây giờ thấy chị như đang đi vẩn vơ trên một con đường không có đích nên tôi không yên tâm.
Vân nhíu mày:
- Tôi đã nói, anh cứ yên tâm.
- Nhưng yên tâm thế nào được?
Thấy tôi mạnh giọng hỏi, Vân tròn mắt nhìn tôi rồi nghẹn ngào nói:
- Quên đi.
- Quên đi là một điều không phải dễ!
- Đành rằng thế, nhưng đã nhớ bốn năm hơn rồi. Bây giờ dù quên mà phải khổ cũng phải cố quên. Bốn năm khổ còn chịu đựng được thay!
Tôi không biết nói sao, chỉ nhìn nàng thôi. Nàng xem chừng như băn khoăn đau đớn trong lòng lắm nên nhìn thẳng tôi không chớp mắt.
- Quên đi.
Mặt trời ngã chiều. Tôi sắp sửa đi về. Tôi đứng lại gần nàng, cầm tay nàng nói.
- Em phải thu xếp cuộc đời cho nó quy củ, cho có phương châm nhất định. Anh đã nói, anh không hiểu rõ hoàn cảnh em cho bằng em được, nên anh không dám thu xếp dùm em. Anh chỉ xin em nhớ kỹ rằng ngày nào em còn vẩn vơ vô định như thế này là ngày ấy anh còn phải lo phiền về em, em nhớ chưa?
Nàng chỉ nhìn tôi mà không nói. Tôi nhìn xuống bàn tay nàng thon thả nằm gọn trong bàn tay tôi. Ngón tay dài, trắng và mảnh mai. Mắt tôi chạm phải chiếc nhẫn cưới nàng đeo ở ngón tay kề. Một ý nghĩ chua xót vương lấy óc tôi. Tôi chầm chậm đưa bàn tay lên môi. Rồi tôi nói khẽ:
- Thôi anh về!
Suốt ngày hôm sau, tôi cứ bị đôi mắt mở rộng, đen và sâu thẳm của Vân nhìn thẳng tôi, thật lâu, thật êm và thật buồn. Tôi cứ thấy mãi đôi môi của Vân nhếch một nếp nhăn đau đớn, thẫn thờ khuyên tôi: “Quên đi”. Tôi lại nghĩ miên man về nàng. Tôi không biết nàng đang đi đến đâu và đi như thế nào. Xét lại cuộc gặp gỡ hôm qua, tôi thấy tôi vẫn chưa hiểu nàng, chưa cùng nàng định rõ một thái độ nào, một lối xử thế nào cho rõ ràng cả. Tôi đâm ra lo lắng vì nàng, cho nàng. Những điều dự định khuyên lơn và an ủi chưa nói hết và chưa nói đủ. Tôi phải gặp lại nàng, chúng tôi phải thỏa hiệp với nhau về đường lối sống và nghĩ duy nhất dành cho nàng. Để tôi được yên tâm hơn.
Chiều đó tôi nhờ người tin cho nàng biết tôi cần gặp riêng nàng để bàn bạc thấu đáo hơn. Sau nhiều hồi lưỡng lự, nàng thuận theo lời tôi.
Đêm mát, lành lạnh. Sao sáng đầy trời. Chúng tôi ngồi bên cạnh nhau. Tiếng nước chảy rì rào ở đập nước bên cạnh làm tăng sự im lặng của cảnh vật xung quanh. Tôi bắt đầu xin lỗi nàng vì bắt buộc phải gặp nhau trong một hoàn cảnh không được đường hoàng như thế này, nhưng có thế này mới dễ nói, dễ hiểu, dễ thấu, để dễ quyết định. Tôi nhắc lại ngày gặp nàng lần đầu, mối cảm động nàng đã gây cho tôi và ý định tốt đẹp tôi đã dành cho nàng. Vân lẳng lặng nghe, thỉnh thoảng nhắc lại:
- Lạ quá. Hai người cùng một ý nghĩ mà hai người cùng không nói cho nhau nghe.
Nàng hỏi tôi:
- Tại sao cả hai người đều nghĩ giống nhau như vậy?
Tôi lắc đầu, không biết trả lời sao. Tôi nhắc đến những ngày nhớ nàng ở Đà Lạt, ở Sài Gòn rồi tôi kết luận:
- Như thế nghĩa là từ ngày xưa anh đã có yêu em. Bây giờ anh còn thêm cái nghĩa, nghĩa cũ đối với em nữa. Em tin anh là phải. Em nghĩ kỹ xem, em có tin anh không?
Nàng tựa đầu vào vai tôi, nói:
- Có.
- Em nhắc lại đi, em có hoàn toàn tin anh không?
- Có.
- Được rồi. Có được đức tin ấy là công việc đã giải quyết được một phần rất lớn rồi. Từ lâu, anh lo rằng em không có một người nào để tin cả. Nay em đã tin anh thì anh bảo em nghe. Em hiện có bốn mươi năm, năm mươi năm, sáu bảy mươi năm để sống nữa. Em cầm hằng mấy mươi năm dài dằng dặc ấy trong tay, em đã thấy quan trọng chưa.
- …
Định đoạt một việc gì, nhất là việc quan hệ đến đời mình, không phải dễ. Riêng đối với em càng khó hơn. Anh không muốn nhắc lại vì sao. Nên em cần phải nghĩ thật kỹ, và tham hiệp ý kiến với những người hiểu em và thật lòng thương em. Em nghĩ sao?
Nàng ngoan ngoãn nói:
- Nghĩ kỹ thì bao giờ em cũng nghĩ kỹ. Bây giờ có anh, em sẽ hỏi ý kiến anh mỗi lần phải định đoạt một việc gì khó khăn.
Tôi siết chặt tay nàng rõ lâu, tỏ tấm lòng thương yêu vô hạn đối với nàng. Tôi nói:
- Anh tin ở lời em. Mỗi lần phải định đoạt một việc gì quan trọng, em nhớ cho anh biết. Anh sẽ giải quyết cùng em. Anh sẽ xem em như em của anh. Anh lo cho em, em mà có thể nào, anh sẽ khổ tâm lắm.
Vân cầm tay tôi mân mê rồi nói:
- Anh không lo. Em cũng xem anh như anh của em vậy.
Nỗi êm đềm do tấm lòng thành thật của chúng tôi đã dành cho nhau khiến lòng tôi yên tĩnh lại. Tôi nhìn lên trời thăm thẳm sâu. Sao dày chi chít. Tôi nâng cằm nàng, chỉ về một ngôi sao sáng. Tôi nói:
- Anh gởi em cho ngôi sao sáng kia.
Đêm đã khuya, nàng giục về. Chúng tôi đứng dậy, đi song song nhau.
Vai nàng kề sát vai tôi.
Đường nhỏ gập ghềnh. Thỉnh thoảng, những bụi tre đứng vững chãi, bóng đen vươn cao.
Vai nàng kề sát vai tôi.
Tiếp theo, tôi có nhiều dịp để hiểu nàng qua những thư nàng viết. Lần nào nàng cũng khuyên tôi nên cố quên nàng đi để lo cho vợ tôi, cho đứa con sắp sinh của tôi. Muốn cho tôi yên tâm nàng nhắc đi nhắc lại rằng dù không gần tôi, nhưng mỗi khi nghĩ đến tôi, nàng có thể chống chọi lại tất cả những khó khăn ở đời. Tôi không dám tin rằng tôi đã có thể gây được cho nàng một ý chí vững chắc như thế.
Lâu lâu, tôi lại nghe một dư luận không tốt về nàng. Dư luận thường không do đàn ông chuyền đi. Có lẽ sắc đẹp đã làm bức thành bảo vệ cho nàng. Người đàn ông nào cũng ích kỷ, cũng yêu cái đẹp. Đàn bà hay nhắc đến nàng hơn. Đàn bà cũng lại ích kỷ như đàn ông, muốn mình đẹp hơn nữa và được bảo đảm chồng mình là của riêng mình. Tội nghiệp cho Vân, nàng hiện đang đẹp và đang không chồng!
Người ta đều như cho rằng Vân hiện đang say sưa chinh phục. Điều này nghe có vẻ đúng. Tôi thường nghe người ta, - những đàn ông - tả và so sánh sắc đẹp của nàng mà chưa hề nghe ai nói đến tâm hồn nàng cả. Không ai nghĩ rằng nàng có một tâm hồn, tâm hồn đặc biệt của riêng nàng, tinh tế, tế toái, phân biệt sâu sắc, ý thức rõ ràng những rung động muôn mặt của tình cảm.
Nàng viết cho tôi:
“…Hình như đã nhiều lần rồi, em viết và nói với anh rằng anh cứ thương em như em của anh vậy. Nhưng anh ơi, em đã dối lòng em nhiều quá. Ngoài miệng thì em bảo:
Coi em như em của anh đi! Nhưng lòng em nó không muốn thế đâu. Thôi, chúng ta xa nhau hẳn thôi. Thà xa nhau còn hơn là giả dối với nhau như thế. Một là được anh yêu, hai là xa cách hẳn đi, chớ cứ đóng kịch như thế mãi, khổ tâm em lắm…”
Không! Vân không ác tâm chinh phục ai. Lũ thiêu thân bị cháy cánh, đâu phải lỗi của ngọn đèn. Trong khi ấy, thỉnh thoảng nàng lại cho tôi nghe một vài nỗi thắc mắc: nàng muốn vào Nha Trang thăm Nhã bị bệnh nặng… rồi muốn vào Nha Trang vì nghe tin thầy Nhã mất. Độ một tháng sau, nàng tỏ ý muốn đi Bồng Sơn buôn. Rồi không hiểu tại sao bỗng cho tôi biết rằng đã đổi ý định, muốn rút đơn xin ly dị. Nàng hỏi ý kiến tôi. Tôi không biết nên trả lời như thế nào mà chỉ bối rối theo sự quay cuồng hỗn độn của tâm hồn nàng. Tôi phải gợi lên vẻ mặt sáng rỡ của nàng, tươi tỉnh như chỉ biết ở nụ cười. Tôi phải nhè nhẹ gợi lên tên nàng để tưởng nghe một sự êm đềm thoang thoảng: Thu Vân. Tôi tự hỏi sao tên nàng lại là Thu Vân. Mây mùa xuân có sáng sủa, nhẹ nhàng hơn không? Mây mùa hạ có rực rỡ huy hoàng hơn không? Sao nàng lại là mây mùa Thu, mùa Thu túc sái, mùa Thu sương giăng lá rụng, mùa Thu nghiêm nghị, trầm, buồn?
Cứ như thế, ngày tháng lặng lẽ trôi.
Vợ tôi sinh đứa con gái đầu lòng.
Vào một buổi bất ngờ, Vân đến thăm vợ tôi mà không cho tôi biết trước. Nàng đã lừa dịp tôi vắng nhà. Không biết hai người đàn bà đã tự giới thiệu với nhau như thế nào, nhưng chắc chắn là họ bỡ ngỡ không lâu. Vân thì biết rõ vợ tôi lắm. Không hiểu do đâu nàng biết vanh vách về thân thế vợ tôi, về tâm tính, về sở thích… biết nhiều hơn tôi nữa vì có cả những điều, hình như không có thật. Vợ tôi thì cũng đã quen với nàng qua những lời tôi kể lại và câu chuyện Clémentine tôi đang viết dở dang.
Chiều hôm ấy, vợ tôi báo tin cho tôi biết:
- Xế hôm nay có khách.
- ……?
- Cô Vân.
Đôi môi tôi nhíu lại vì việc xảy ra hơi đột ngột, tôi không kịp chuẩn bị.
- Em thấy thế nào?
- Đẹp… dễ yêu lắm.
Tôi lo lắng hỏi:
- Cô ấy đến nhằm lúc em đang làm gì?
- Em đang hái hoa bí.
Ngập ngừng một giây, vợ tôi tiếp:
- Em ngượng quá vì mình đang mặc cái áo cánh nâu. Và mời vào nhà thì lại để xem con mình nằm trong cái nôi bằng tre đan.
Tôi ái ngại nhìn kỹ vợ tôi.
Ba năm lam lũ trong hoàn cảnh chiến tranh, chúng tôi đã trót quen đi với sự bần hàn. Thói quen bắt đầu từ lúc nào, tôi cũng không có dịp nhận xét kỹ. Thoát được vòng vây của Pháp mà về đến đây, vợ tôi không còn mang theo được một tí đồ dùng gì thuộc thời đại văn minh cơ khí hết. Những cái áo cánh bằng vải thô tự tay vợ tôi may và nhuộm lấy. Chẳng khó gì: giã hột cau già để nhuộm màu nâu, giã than bếp để nhuộm màu xám. Đi đâu thì mặc quần lĩnh - mà ít có dịp đi đâu lắm - còn ở nhà thì mặc quần vải nhuộm chàm xanh rồi phủ bùn đen. Giặt dăm nước thì bùn đen bay đi, còn lỗ chỗ xanh. Tội nghiệp là vợ tôi tiếp Vân với bộ y phục nghèo nàn ấy.
Mà lại nhằm lúc đang hái hoa bí.
Tôi nghĩ đến cái giàn bí ngô của chúng tôi.
Đầu mùa thu, tôi gieo hột bí, chăm sóc để trông ngày ra trái. Nhưng lạ quá, giây bí không chịu kết trái mà cứ bò thật dài, bò mãi, cái giàn bí được nối dài, nối thêm, ba lần, năm bận, vẫn chưa đủ sức cho bí bò. Và cứ độc ra hoa đực! Vợ tôi lại sáng sáng cầm rổ ra ngắt hoa bí đực để luộc làm rau. Đời sống thanh đạm thật quá sức tưởng tượng. Nhưng thấy xung quanh ai cũng khổ nên chúng tôi không quên rằng mình đang khổ. Mùa đông, không còn được mặc áo len, áo choàng, áo nĩ, vợ tôi đành mặc một lần ba, bốn cái áo cánh vải.
Nhưng điều khiến cho vợ tôi đau khổ nhất là phải nuôi con trong sự thiếu thốn. Không có nôi, không có xe, không có màn tuyn, không có bình thủy để pha sữa và không có sữa, không có búp bê… không có gì cả! Vợ tôi tủi thân khi nghĩ rằng mới bốn năm năm trước, mình còn may áo đẹp cho búp bê, đặt trên xe, để ở phòng học…
Mười ngày sau, Vân gởi sang cho vợ tôi một người vú. Nàng phải về tận Sông Cầu để tìm thuê giúp. Vợ tôi cám ơn lắm vì vào lúc bấy giờ tìm thuê được một người vú khó hơn tìm bắn được một con voi. Cuộc giao thiệp giữa hai người đàn bà bắt đầu dưới dấu hiệu của sự thân ái.
Nhưng với tôi, Vân không ngớt là một nguồn gây bối rối. Vào hạ bán niên 1948, nàng vào làm việc ở Tòa Hành chánh tỉnh. Tôi có dịp để gặp nàng nhiều hơn, nhưng chỉ thấy và gặp chớ chúng tôi ít trò chuyện với nhau. Tính tôi thành thật quá, thành thật đến ngây thơ, cứ tưởng điều mình nghĩ là ai cũng biết rõ hết. Do đó mà chẳng lúc nào tôi tìm gặp nàng, hoặc nếu muốn sắp đặt một cuộc gặp thì phải có một chủ đích, với một ý nghĩa, một nội dung. Thật là công thức, thật là nguyên tắc! Tôi đã lý tưởng hóa một mối tình. Mối tình bắt đầu quá trong sạch, làm tôi e sợ không dám vẩn đục một tý. Cuộc sống tâm tình thành ra bị bức thúc đến ngạt thở.
Thảng hoặc mới có một sự cởi mở. Đó là những lúc tôi nhận được thư Vân. Xen giữa những đoạn hỏi thăm, thỉnh thoảng nàng để hé một mảnh lòng:
“…Nhìn ra ngoài trăng sáng… Cánh đồng Phú Long dải ánh trăng lạnh… Em tưởng tượng được đi cạnh anh… Nhưng thôi, nói nhảm anh đừng tin nhé!…
…Khuya, chợt tỉnh giấc, em nằm thao thức. Vụt mong: ước gì có cánh bay qua nhà anh, nhìn xem con anh ngủ. Chắc môi nó nở nụ cười giống anh…”
Sau những đoạn thư êm đềm như thế thì thường là những đoạn hối hận:
“…Đọc xong, anh đốt những thư em đi… Nhớ nhé. Và nhất thiết từ giờ em không gửi thư cho anh nữa. Em không gặp anh nữa đâu. Ghét em đi. Yêu chị cho rõ nhiều. Yêu bao nhiêu cũng chưa đủ. Ghét em đi. Đừng nói chuyện gì về em với chị. Anh nhớ nhé? Chị tốt lắm, tốt lắm… Nhưng làm đàn bà, em hiểu…”
Tôi đưa mắt nhìn ra xa lẩm bẩm nhắc lại:
- Nhưng làm đàn bà, em hiểu…
Tôi bắt đầu hiểu.
Vài bức thư của Vân, tôi xem xong, bỏ quên ở túi áo. Vợ tôi lúc đưa giặt, nhặt được, đem cài ở tập Clémentine đang viết dở. Mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ đến câu Vân viết:
Nhưng làm đàn bà, em hiểu…
Tuy vậy, tôi không thấy vợ tôi tỏ thái độ nào cả. Vẫn hiền lành, kín đáo. Thỉnh thoảng tôi nhắc đến Vân thì vợ tôi vẫn êm đềm nói đến nàng và không ngớt cám ơn nàng. Dù vậy, tôi không khỏi bị ám ảnh vì câu nói của Vân:
Nhưng làm đàn bà, em hiểu…
Tôi đi sâu thêm vào lý luận. Tôi đặt thêm giả thiết. Tôi tự hứa không nên chủ quan để đến nỗi nhìn lệch, nhìn cận thị. Tôi phải tinh tế hơn.
Thường thường những khi ru con ngủ, vợ tôi hay hát ru khe khẽ những điệu Valses của Strauss. Giọng nhạc nhí nhảnh, đầy tràn nhựa sống, say sưa, đầy ánh sáng, đầy màu xanh của bầu trời Áo quốc và sông Đa-nuýp thường làm cho vợ tôi quên bớt thực tại thiếu thốn để trở về với sự êm đềm hồi còn trẻ tuổi. Nhưng từ lúc nào không rõ, có lẽ chừng một hai tháng nay, thỉnh thoảng tôi nghe xen vào những điệu lạ, hơi buồn hơn. Hỏi, thì vợ tôi bảo:
- Bài Berceuse của Chopin.
- Bài Ave Maria của Schubert.
Tôi bắt đầu thoáng hiểu.
Tôi kính trọng đạo đức của vợ tôi, đã đành, nhưng tôi không có quyền làm nàng cô đơn hơn. Ngoài tôi và đứa con yêu dấu đầu lòng, vợ tôi yêu tha thiết những gì ở gần cạnh chúng tôi: con gà mái tơ vừa nhảy ổ, giàn bí đầy hoa vàng, bờ tre gần cửa sổ với những chùm lá nhọn rũ xuống, trông như những bàn tay và lóng lánh qua lũy tre là con sông xanh loang loáng nước. Vợ tôi cố yêu cái hoàn cảnh mới mẻ và thiếu thốn này, vừa cố quên đi dĩ vãng. Nhưng thỉnh thoảng dĩ vãng sống dậy mãnh liệt trong lòng nàng những khi nàng cô đơn. Tôi nhớ có đôi lần tôi đi đâu về, nhè nhẹ bước vào phòng, thấy nàng ngồi trước bàn viết, mười ngón tay thoăn thoắt chạy trên mép bàn, miệng lẩm nhẩm một điệu nhạc cổ điển và mắt nhìn thẫn thờ ra cửa sổ. Tôi đứng yên lặng, cảm động muốn rơi nước mắt. Như vậy, lẽ nào tôi còn muốn đem thiếu thốn cộng thêm vào thiếu thốn? Không, không được. Vợ tôi đã nghe theo bổn phận mà dập tắt đi những tiếng nói tình cảm. Tôi không hẳn làm trái lại nhưng tôi đã dễ dãi với tôi hơn. Như thế là không công bình. Phải, như thế là không công bình. Tôi phải công bình hơn.
Tôi nghĩ đến Vân. Và tôi gặp lại cái ý nghĩ tôi đã nhiều lần có về nàng: nàng đối với tôi như không có thật, như cái bóng, có lẽ không là cái bóng nữa mà chỉ là mùi hương thoang thoảng. Xung quanh tôi, mùi súng đạn, thực tại chiến tranh nhọc nhằn, nguy hiểm, những nhiệm vụ khắc khổ dồn dập như đè nặng lấy chúng tôi. Thỉnh thoảng gợi lên được một sự êm đềm, nghe một lời âu yếm thoáng qua, tôi có cảm tưởng như đang ở trong căn nhà hẹp mà được cửa sổ nhìn ra vườn hoa lá, thở một luồng không khí mát, ngợp vì một ít ánh sáng rung rinh và thoáng xa có tiếng chim ca.
Nhưng mùa qua chim dần lơi tiếng ca.
Tôi đã vì vợ tôi mà nghiêm khắc xét vấn đề thì cũng đã đến lúc tôi phải vì Vân mà sáng suốt giải quyết lối cư xử.
Vân hiện thời có thể không phải hoàn toàn là của anh Nhã, nhưng hoàn toàn không phải của tôi. Vân là của rủi may, của ngẫu nhiên, của định mệnh. Điều này chắc chắn lắm vì nàng trẻ và đẹp thế kia!
Hết những người này yêu nàng đến những người khác yêu và chuẩn bị yêu. Nàng quả là con chim đẹp đang dè dặt chọn cành mà đậu. Cuộc đời là vậy. Cuộc đời, tuy như con đường trăm ngã, nhưng ngã nào cũng rốt cuộc quy về một hướng. Ta hay tự phụ, không muốn đi theo con đường cũ của tối đại đa số những người khác đã đi. Ta tin rằng ta có thể khác người, ta mở những kỷ nguyên mới. Hão huyền cả! Phá xiềng xích, đạp vỡ thành kính, ta đi con đường của ta, say sưa, tin tưởng… Nhưng, nhẫn nại hơn và mạnh mẽ chắc chắn hơn, cuộc đời thường khéo sắp xếp thế nào cho ta trở lại con đường cũ của mọi người lúc nào ta không biết.
Vân cũng sẽ như mọi người, nghĩa là phải sắp đặt để tìm người cùng xây dựng cuộc đời. Tôi phải nhìn vấn đề một cách thực tế. Tôi không được ích kỷ. Hạnh phúc của nàng - phải là cứu cánh của mọi sự giải quyết. Tôi có nhiệm vụ phải xa nàng, nhường con đường rộng rãi cho một người khác sẽ tiến đến để cùng nàng song song bước.
Suy nghĩ kỹ, một chiều chúa nhật tôi ngồi đọc những thư nàng viết, sống lại từng mẫu tâm trạng kể từ lúc chúng tôi gặp nhau. Trí óc tôi lần lượt trở về với bốn năm dĩ vãng. Ngồi trước đống thư, tôi tưởng tượng như đang cầm tay nàng cùng đi trở về thăm lại cảnh cũ, những kỷ niệm ngày xưa, sống trọn một ngày bên nhau trước khi phải từ giã nhau mãi mãi, mỗi người đi theo một con đường, một định mệnh. Giờ từ giã đã đến.
Xóa hết dĩ vãng!
Tôi cầm diêm bật xòe lên châm vào đống lá thư.
Nhưng xóa hết dĩ vãng? Xóa hết? Liệu có xóa được không? Tiếng “xóa hết” nghe như giả dối và cái cử chỉ đốt cũng giả dối như vậy.
Tôi vứt que diêm xuống đất.
- Người ta không xóa được cái gì ở trong lòng, chỉ có thể gắn chôn chặt đi mà thôi, tôi lắc đầu lẩm bẩm.
Tôi xếp gọn các tờ thư lại, bỏ vào một phong bì lớn. Tôi dán lại cẩn thận, niêm lại thật kín. Tôi chôn những lời lẽ của nàng trong phong bì kín này, tự nguyện không mở ra đọc nữa cũng như tôi chôn mối tình của nàng trong lớp sâu thẳm của hồn tôi, tự nguyện không khơi vẩn lên nữa.
Phong bì đặt trước mặt tôi kia, những lời tâm tình đã chôn kín trong đó. Một sự cách trở đã xảy ra để mắt tôi không còn nhìn được nét chữ của nàng, để hồn tôi không còn rung động theo nhịp điệu của tâm hồn nàng rung động trong lời thư. Sự cách trở mỏng manh bằng sức mỏng manh của tờ giấy, nhưng lòng tôi đã nguyện thì giấy cũng đủ chắc, đủ bền, đủ gây một sự cách trở khó vượt.
Tôi ngồi lặng đi hồi lâu. Xung quanh tôi, cảnh vật hình như cũng lặng lẽ. Trong sự êm ả cô tịch, tôi lắng nghe có một vị đắng từ đâu đưa lên thấm nhẹ ở đầu lưỡi, vừa thoáng nghe một tiếng thổn thức, một tiếng thở dài…
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.11.2012 11:12:46 bởi hai1957 >