5. CHUYẾN VỀ TUY HÒA Tôi quyết định việc đi Tuy Hòa một cách gấp gáp bất ngờ, bất ngờ đến nỗi trong túi không mang theo hơn mười đồng bạc. Lê Bá Tại bảo tôi:
- Anh nên đi thẳng ra Tuy Hòa đi. Chỉ cần một ngày vừa đi vừa về. Nếu anh giải quyết công việc nhanh chóng thì sáng chủ nhật đi, anh có thể về đây trong chiều chủ nhật. Chậm lắm thì sáng thứ Hai về.
Vấn đề đối với tôi không phải là thì giờ nhanh chậm mà là những trở ngại trên đường. Sống cuộc đời định cư lâu ngày, tôi như bị tê cóng giữa cái thành phố nhỏ này, như con cầy hương hôn thụy suốt ba tháng mùa Đông trong cái hang của nó. Mùa Hè tôi có di chuyển một đôi lần thì đều đường máy bay, phương tiện tương đối an toàn để tránh mìn và mũi súng. Tôi nói:
- Đường ô-tô ra đó…
Tại ngắt lời:
- Bữa nay sửa chữa lại tốt lắm. Rộng như xa lộ rồi, chỉ có đoạn Đèo Cả còn đang sửa sang.
Tôi ngồi lặng yên cân nhắc. Đêm xuống êm đềm ở khu Mê Linh này và tôi cảm thấy rằng sung sướng thay là những kẻ khỏi phải cân nhắc gì hết trong cuộc sống. Mười phút nữa họ sẽ ngồi lại bàn ăn. Rồi sau đó vừa tráng miệng uống trà vừa đọc tờ báo mới nhận hồi chiều. Nghe tin tức và thông cáo của đài phát thanh địa phương để biết bác sĩ thường trực hôm nay là ai, ngày nào mua đường và mua ở tiệm nào! Chui vào giường. Kiểm soát xem có con mỗi nào lọt vào trong màn không và sự an toàn dìu chân giấc ngủ…
Tôi hỏi:
- Đi xe hiệu nào? Phải ra mãi ở bến xe Sinh Trung?
- Không cần, cứ ra bến xe Xóm Mới. Tiện quá mà, đi bộ một trăm thước thì tới, mua vé xe Thuận Thành mà đi.
- Giá tiền?
- Đâu hai trăm bạc.
Tôi mượn Tại ba trăm, đi thẳng ra bến xe. Bảy giờ tối rồi. Chắc con tôi đang ngồi đợi cơm, chắc nó đang tính xem tối nay tôi với nó sẽ rủ nhau đi xem phim ở rạp nào. Nó không thể nào đoán rằng tôi đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu riêng lẻ.
Sau bàn giấy của hãng xe, một người thư ký ngồi tì tay trên một xấp giấy.
- …Vâng, ông đi chuyến sáu giờ thì khỏe hơn. Ở đây chúng tôi có chuyến chạy sớm nhất vào năm giờ. Ông ra tới Tuy Hòa vào chín giờ sáng.
Tôi lẩm nhẩm tính và nghĩ: Phải ba giờ mới đi được một trăm rưỡi cây số. Tôi quen với tốc độ tám mươi cây số / giờ mỗi khi ngồi ô-tô, quen tới độ khi nghĩ đến ô-tô là tôi thấy cái kim đỏ tạo một góc sáu mươi độ ở phía tay phải của mặt đồng hồ tốc độ. Tôi hỏi mua một vé Tuy Hòa.
- Đi Tuy Hòa thì ông phải chịu khó ngồi ở dãy ghế sau. Những dãy ghế trước dành cho hành khách đi Qui Nhơn. Xe này chạy thẳng Qui Nhơn. Nếu ông muốn ngồi ghế trước thì ông phải mua vé Qui Nhơn. Ba trăm đồng. Giá đi Tuy Hòa có một trăm rưỡi.
Lại phải suy nghĩ! Sao cuộc đời không chịu giản tiện, không chỉ vạch có một con đường mà lại bày chi đến ba, bốn ngả? Ngồi ghế trước thì được gì? Những người đàn bà đẹp thích ngồi cạnh tài xế để phô diễn sắc đẹp của mình cho mọi con mắt dòm vào chiêm ngưỡng. Tôi không phải đàn bà đẹp. Những người thể chất văn nhược mà ngồi nhìn ra hông xe thường bị chóng mặt nôn mửa. Ngồi nhìn ra con đường trước mặt thì không sao. Tôi dẫu không được cương cường nhưng cũng không đến nỗi nhược chất. Ngồi dưới ghe bị sóng nhồi mà chớ hề ụa mửa lần nào.
Tôi cũng muốn thử xem ngồi ở dãy ghế sau nó ra làm sao. Nhưng lại có một chút tự ái vẩn vơ. Thì vừa lúc ấy một thanh niên bước tới:
- Ông cho tôi một chỗ đi Tuy Hòa.
Người bán vé đọc thuộc lòng những điều kiện mà anh ta vừa đọc cho tôi nghe. Người thanh niên xem chừng rất thành thạo trong việc đi xe đò nên chỉ liền ngón tay mình xuống một dãy ô vuông có mang chữ số:
- Ông cho tôi một ghế ở dãy này.
Người bán vé suy nghĩ một giây như để lấy lệ. Đối phương của anh không tỏ vẻ rụt rè ngớ ngẩn nhớ tôi. Hắn biết việc gì hắn phải làm. Vì vậy anh ta gật đầu:
- Anh lấy ghế nào?
- Bốn mươi.
Trả tiền… thối tiền… hẹn giờ… Người thanh niên thoăn thoắt bỏ đi. Tôi thấy mình không có cớ gì để mà lưỡng lự nữa. Ít nhất tôi cũng phải tỏ ra không thua người thanh niên kia bao nhiêu. Tôi móc túi lấy ra tờ giấy hai trăm.
- Ông ghi cho tôi số ghế Bốn mươi mốt.
Và thế là tôi đã nhập cuộc vào chuyến hành trình ngày mai.
Nhưng vẫn chưa yên! Bích Thủy, cô bạn của tôi vụt đến thăm khi tôi đang loay hoay xếp quần áo khăn mặt xà-phòng vào chiếc xắc. Khi nghe tôi nói ngày mai sẽ đi đò Thuận Thành, nàng la lên:
- Sao lại chọn thứ xe đó? Sao không ra bến Sinh Trung để đi thứ xe Thuận Thành ngắn đòn? Loại xe dài đòn hay nằm đường lắm. Đố ngày mai anh về được tới Tuy Hòa.
- Tôi nghĩ rằng xe dài đòn chạy vững vàng hơn, ít bị tai nạn hơn loại xe ngắn nên tôi chọn nó.
- Lầm to! Lầm to! Xe ngắn đòn nó lách chạy lanh lẹ mới dễ tránh được tai nạn chớ. Xe dài cồng kềnh tiến thoái chậm chạp, hễ trở tay không kịp là chổng gọng.
Tôi lặng im hết biết ngõ cãi.
- Em đi xe đò hoài, cái xe nào tốt, cái xe nào chuyên môn nằm đường, em thuộc lòng hết. Đã có mấy kỳ đi nhằm cái xe cũ mười đời, máy cũ mà giàn xe sơn phết như mới. Ra tới Lương Sơn thì liệt máy. Sửa tới xế chiều bò trở lại về Nha Trang. Bắt hành khách sáng hôm sau lại đi tiếp chớ không chịu trả tiền lui để người ta tự do chọn xe khác. Phải anh hỏi trước thì em đã bày cho anh rồi. Cứ ra bến Sinh Trung, giờ nào cũng có xe chạy, hễ thấy xe nào sắp chạy là mình mua vé leo lên. Tội gì phải mua vé trước.
Tôi tiu nghỉu ngồi nhìn đống quần áo, cảm thấy mình là kẻ có lỗi. Chừng như mỗi khi phải chọn một trong hai giải pháp thì tôi cứ luôn luôn chọn nhằm cái giải pháp dở nhất. Vừa chọn xong là y như có người tới chê, tới dạy khôn, tới trách cứ.
Thấy tôi xụ mặt, Bích Thủy an ủi:
- Thôi, đã lỡ rồi… mà anh mua ghế số mấy?
Cực chẳng đã tôi phải nói nho nhỏ:
- Số bốn mươi mốt.
- Trời ơi! Ngồi dưới đó chịu sao nổi? Xe nó chạy vồng như ngồi trên một cái nia sảy gạo, anh chịu không được đâu.
- Chắc cũng chịu được. Mọi người chịu được mà. Nếu không thì người ta lắp chi tới hai dãy ghế chót?
- Người ta mạnh thì nói gì, dẫu xe vồng hắt họ rớt xuống đường họ cũng không chết.
- Mình cũng vậy. Hy vọng rằng mình cũng vậy.
Bích Thủy đăm đăm nhìn tôi, lộ vẻ khó hiểu. Chắc nàng nghĩ rằng tôi dễ vỡ như một cái trứng và cái trứng đang ngu si sắp tự đem mình ra thí nghiệm với sỏi đá. Tôi nói:
- Thôi, đã lỡ rồi, đã trót mua vé rồi. Vả lại, cứ coi như mình đi khám sức khỏe. Lâu lâu phải đi khám lại một lần coi sức khỏe của mình có giảm sút không.
- Đi khám ở đâu?
- Trên xe Thuận Thành đó. Hễ đi về song suốt tức là sức khỏe còn dồi dào, còn nếu về chưa tới nhà mà đã nằm bệnh tức là sức khỏe có suy yếu. Phải lo đi nằm nhà thương.
Sự lúng túng của con cầy hương đông miên bắt đầu vào sáu giờ hai mươi phút sáng chủ nhật. Tôi xách xắc hối hả bước tới bến xe thì vừa lúc một chiếc Thuận Thành lừ lừ bò ra khỏi bến. Trên xe đầy nhóc người, đèn thắp sáng trưng. Tôi hoảng lên, “trễ giờ mất rồi” và lưỡng lự không biết có nên giơ tay để gọi xe dừng lại cho mình leo lên không. Thời gian lưỡng lự đủ để xe chạy xa bỏ tôi lại sau lưng. Thật rắc rối. Một người không quen đi xe đò thì không bao giờ đúng giờ được. Cả đêm cứ sợ trễ giờ nên mới ba giờ sáng đã lò mò đứng dậy bật đèn nhìn đồng hồ. Thấy còn sớm quá nên phải tắt đèn ngủ lại. Nhưng đố có ngủ được. Nhắm mắt một hồi rồi bật đèn xem lại đồng hồ. Mới bốn giờ. Lại tắt đèn. Bật đèn tắt đèn chừng ba lần thì chợt vào một lúc bất ngờ nhất, một giấc ngủ lừa dối nhất len lén dẫn linh hồn tôi chu du biệt tích. Khi giật mình choàng dậy bật đèn thì kim đồng hồ chỉ sáu giờ mười phút. Hối hả rửa mặt mặc quần áo quơ xắc ra đi. Ra đến đường mới mò túi quần xem có bỏ quên ví tiền ở nhà không, rờ túi áo xem có bỏ quên giấy tờ không. Và đến bến xe thì cái xe bỏ mình lại.
Lò dò đi tới phòng bán vé. Con đường ngập bùn, phải rón rén tìm những viên gạch bỏ rải rác để đặt chân.
- Xe Thuận Thành hả? Chuyến sáu giờ? Ờ, ông đi ra bến. Hành khách đương lên xe ngoài đó… Không phải chiếc vừa chạy đâu, đó là chuyến năm giờ… Số xe của ông là 27016. Vâng, ông đi thẳng ra đó.
- 27016… 27016. Lạy Chúa, rõ ràng có chiếc xe Thuận Thành nằm dài kia mang đúng con số thần diệu 27016. May quá. Tôi chưa trúng số kiến thiết lần nào nên chưa có kinh nghiệm về cảm xúc mạnh. Vả lại không có lô nào trúng một trăm rưỡi đồng như trường hợp của tôi hôm nay.
Xe còn trống, mới lác đác có chừng sáu, bảy người ngồi. Tôi chậm chạp bước lên. Thật dễ chịu khi mình có dư thời giờ trước mặt. Người lơ xe thu những cái thẻ căn cước. Hành khách lên xe đông lần. Đông cho tới đầy. Cho tới dư. Tài xế cho kê thêm ghế phụ, những ghế phụ. Hết chỗ đặt ghế phụ thì tới loại hành khách đứng. Hành khách dẫu sao cũng chỉ có hai chân, cái ghế giản tiện nhất cũng đòi hỏi đến ba cái chân mới đủ để đứng được.
Khi mọi người bắt đầu ngộp thở, khi tài xế và “lơ” thuyết phục hết sức mà những hành khách mới đến không ai chịu đứng bằng một chân thì xe chạy. Những người có đeo đồng hồ tay đều nhìn xuống xem giờ. Bảy giờ mười lăm phút. Chỉ chậm hơn lời hứa có một giờ mười lăm phút.
Xe chạy trên những đường phố còn ngái ngủ, những con đường quen thuộc của tôi. Trông chúng dễ thương như những người bạn. Tạm biệt các ngươi nhé? Ngày mai chúng ta sẽ gặp lại.
Xe lướt qua những chỗ lồi lõm, những hố, những vũng, người tôi nhún nhẩy nhẹ nhàng. “Không đến nỗi gì”, tôi vừa nghĩ thì sau lưng tôi đã có người vội vã nói, làm như sợ người khác nói tranh trước mất:
- Trời ơi, đi cái xe này nó vồng chịu gì thấu?
Giọng đàn bà. Một giọng khác cũng đàn bà:
- Tui biết rứa mà cũng không tránh được. Tôi mua xe Châu Thành, dãy ghế đầu, rứa mà cuối cùng xe Châu Thành không chạy được. Tụi nó sang hành khách qua xe này, thành ra tui trả đủ ba trăm mà phải ngồi hàng ghế chót.
À, thế là tôi được may mắn hơn người đó. Tôi được ngồi hàng ghế trước, cách ba ta đến năm tấc.
Một giọng đàn ông:
- Ngồi sau đít xe tuy vậy mà đỡ vồng hơn ngồi ở ngay trên nhíp xe. Ngồi chỗ cái nhíp, nó vồng tới trời xanh.
Có hai ba tiếng hỏi cùng một lúc:
- Cái nhíp xe ở chỗ nào vậy?
- Ngay trên cái bánh xe đó.
Nhiều người ở dãy ghế tôi, ở hai dãy ghế trước vội vã cúi nhìn xuống sàn xe tìm vị trí cái bánh xe. Có người phải di chuyển hành lý, di chuyển những cặp chân của kẻ khác mới tìm được chỗ trống dành cho con mắt nhìn.
Tôi lại gặp may một lần thứ ba: bánh xe nằm ở dãy ghế trước.
Những công trường nằm rải rác dọc đường. Xe ủi đất, xe cán đường, máy nghiền đá… nằm ngổn ngang, thân hình nặng nề như những quái vật thời Tiền Sử. Đất bị xẻ, bị ủi, bị nghiền phơi màu đỏ của máu. Chặng đường nào cũng có công việc bộn bề, dở dang.
Qua đèo Rù Rì. Qua Lương Sơn. Những hố vũng trên đường bắt đầu to và những cái vồng của xe bắt đầu xứng đáng. Xe xóc mạnh khiến người lao đao chao qua chao lại rồi chợt “rầm” lên một tiếng, thân người bật cao khỏi mặt ghế hơn hai tấc. Rồi lại xóc, lại sàng sảy liên tiếp. Nhiều tiếng la oai oái, - cũng ở dãy ghế sau:
- Chạy chậm chậm vậy chớ, ông tài xế.
- Chạy cái kiểu gì lạ vậy? Qua chỗ đường xấu mà không hãm bớt.
- Đồ quỉ sứ! May chút nữa cụng đầu lên trần xe.
Lại liên tiếp đánh “rầm” lên nhiều cái nữa. Người đàn bà bế con ngồi cạnh tôi làm tôi cứ phải giữ chừng né tránh một bên bởi vì khi xe nhảy chồm lên hồi nãy, đầu đứa bé tống mạnh vào cằm tôi. May mà tôi có tật hay ngậm miệng. Nếu đang nói như những người ở dãy ghế sau thì hai hàm răng có thể nghiến đứt cái lưỡi. Hú vía! Tôi lại gặp may lần thứ tư.
Một chị sen trông chừng ba đứa nhỏ ở dãy ghế trước đã ụa mửa ra ghế. Lúc mới lên xe, miệng nói như sáo, bây giờ cái mặt trông đờ đẫn như người bệnh. Đã thế, bốn người lại phải ngồi xích lại để tránh cái ghế bị nhiễm uế.
Tôi biết rồi, giá trị của những cái vồng, cái xóc. Chúng nó làm Bích Thủy kinh sợ cũng phải.
Tục ngữ Việt Nam không chịu tạo thêm những hình ảnh ví von mới. Chẳng hạn một cái bụng ăn không biết no là “cái bụng của xe đò”. Bởi vì đi đến chặng đường nào có người đứng đón nó cũng ân cần ngừng lại. Chặng ngừng lâu nhất ở Ninh Hòa. Một bà Qui Nhơn đón đi, đứng giữa năm, bảy giỏ cần xé chất đầy bí ngô, chuối, dưa leo. Hai bên mặc cả giá. Hành khách ngồi trên xe nguyền rủa inh ỏi. Hăng hái nhất cũng lại là mấy người ngồi ở dãy ghế sau.
- Xe đầy nghẹt rồi mà còn ham chở. Chở cho khẳm đi rồi nằm đường.
- Chạy mau đi trời ơi. Xe chạy có gió còn mát chút ít, ngừng lại một đỗi nực thấu trời.
- Đồ cái xe quỉ quái. Biết vầy có cho thêm tiền cũng không đi. Ngừng kiểu này, tới đèo Cả chắc quá mười hai giờ trưa. Phải nằm lại đợi chớ khỏi đâu.
Nhiều câu nói được chuyền cho nhau nghe, tan loãng trong không khí, không tới tai người tài xế. Y vẫn ngồi điềm nhiên ở tay lái hoặc tham dự nhiệt tình vào việc cò kè trả giá.
Phải hai mươi phút để chuyển những giỏ nặng đó lên mui xe. Người đàn bước lên, được tiếp đón bằng những tia mắt hằn học. Và bây giờ đến lượt bà ta lên tiếng:
- Bắt đứng vầy hẽ? Hai ngàn bạc từ đây ra Qui Nhơn. Có mấy cái giỏ cần xé đó chớ bao nhiêu, ăn mắc tổ cha lại còn bắt người ta đứng. Đứng sao cho nổi từ đây ra Qui Nhơn… Ngồi xích lại bà con, cho tui ngồi ké:
Một giọng nói:
- Ghế xe có số, ngồi xích sao được?
- Biết vậy chớ sao. Mà… Tui nghĩ tức cái lũ con ở nhà. Đã biểu không chở không chuyên, không dưa không bí gì hết mà nó cũng nài một nài hai. Hai ngàn đồng bạc chớ phải…
Bỗng “rầm” lên một tiếng, mọi người chụp tay xuống ghế, người đàn bà chụp vào cái kệ gác hành lý mắc ở trần xe và câu nói chấm dứt nửa chừng.
Những ruộng lúa của đồng Vạn Ninh đang bắt đầu chín. Bốn năm năm rồi tôi không được nhìn một cánh đồng lúa chín. Ở một khoảng ruộng thật xa có lô nhô nhiều dáng người mặc áo đen đội nón trắng. Họ bất động trong một khoảng hẹp. Đó là một thửa ruộng đang gặt, tôi biết chắc vậy và tự nhiên tôi cảm như có mùi lá lúa, mùi cọng rạ phảng phất thơm nhẹ đâu đây. Tiếng lưỡi liềm cắt soạt thân lúa, tiếng chân dậm oành oạch dưới bùn, tiếng nghê nga của một con trâu mẹ gọi con và trên lưng chừng trời một con chim sơn ca thả rơi những giọt tiếng.
Lòng tôi xúc động nghẹn ngào bởi cái không khí thanh bình của nếp sống quê mùa, của thiên nhiên không hề thay đổi. Bỏ tôi giữa cảnh ấy, tôi sẽ tìm thấy lại trọn vẹn cái quá khứ êm đềm của những ngày thơ ấu, cũng bờ ruộng cỏ ướt sương đêm, cũng dòng nước mương chảy róc rách trên đó những con nhện nước rún rẩy trên bộ chân gầy. Tôi biết rằng bụi rau chóc không thể không nở những chùm hoa màu thiên thanh và không biết bao nhiêu là cánh hoa nhỏ màu vàng, không tên, nở rải rác giữa những lùm cỏ cũng không tên. Trong khi đó thì não trạng của tôi, của những người ngồi trên xe đã thay đổi biết bao nhiêu. Cái gương mặt thản nhiên bình tĩnh của chúng tôi phát xuất từ lòng can đảm không sợ một quả mìn nào sắp nổ dưới mặt đường hay chỉ từ một sự cam chịu số phận, trông chờ Định Mệnh? Những chiếc xe hàng phiêu lưu trên Định Mệnh, những người hành khách không dám quả quyết rằng mình sẽ trở về bến xe khởi hành. Bởi vì chỉ cần một tiếng nổ là họ nhẹ nhàng chuyển từ xe này sang một chuyến xe khác, vô hình, đi về một cõi khác vô hình.
Dãy ghế tôi ngồi nhìn thẳng ra cửa xe nên khi bất chợt đưa mắt nhìn sang, tôi không ngờ số “hành khách phụ” lịu địu đứng ngồi chen chúc lại có thể đông đến mức đó. Và những tư thế đứng ngồi lại có thể đa dạng đến mức đó. Người thì ngồi ghé một bên mông nên phải chõi hai tay xuống hai đầu gối. Cặp giò của y đóng vai cặp chân ghế và ba phần tư cái mông kiêm nhiệm phận sự mặt ghế. Một người quân nhân Đại Hàn đứng cong người như một cái dấu ngoặc, tay vịn vào trần xe. Anh ta có vẻ mặt khó hiểu của một người Trung Hoa với dáng cao và gầy ít gặp nơi một người lính Đại Hàn. Tôi nghĩ thầm: “Chuyến xe này khéo tìm những hành khách bất thường để cho trọn vẹn cái hoàn cảnh bất ổn của nó. Thiếu chi những quân nhân Đại Hàn đẫm thấp, lại đi tìm cho được người lính cao lêu nghêu ít gặp này?”
Một người đàn bà chừng bốn mươi lăm tuổi mập mạp, mặc áo cụt ni lông màu tím nhạt đứng cạnh anh ta, hơi cong người một chút để nhường chỗ cho hai khuỷu tay của anh. Bà im lặng nhìn mọi người. Bộ ngực căng đầy nhưng lương thiện bởi vẻ mặt của bà nghiêm trang tư lự. Bà có dáng dấp một thương gia. Qua khe cổ áo để mở, tôi thấy nấp dưới xú-chiêng có nhiều tờ giấy bạc năm trăm màu xanh. Đàn bà đi đường xa hay cất tiền trong xú-chiêng.
Có một chị hành khách ngồi ở dãy ghế trước tôi, không biết lên xe ở chặng nào. Chị ngồi xoay mặt ra sau và nói chuyện không ngớt. Phải ba bốn người có chỗ ngồi yên ổn thay phiên nhau mới đối đáp kịp với chị. Và sau chừng nửa giờ đối đáp như vậy, tôi thấy mọi người đều bị loại ra khỏi vòng chiến, chỉ còn sót lại một anh lính là chiến đấu trường kỳ được với chị.
- Chồng tui ảnh chết - lời chị - mà tui cũng đâu có được thấy mặt? Ở trên tiểu đoàn họ lo chôn cất. Tui được tin lên tới nơi thì đâu đó đã xong.
Giọng chị tỉnh táo không có chút chi xúc động. Không có dấu vết tang chế trên cái áo bà ba trắng của chị. Đôi lông mày còn in rõ dấu dao cạo xén thành mũi mác thật bén.
- Ảnh đi lính chính quy hay… - người đàn bà ngồi cạnh tôi ái ngại hỏi.
- Dạ ảnh là địa phương quân.
- Nhà nước trợ cấp khá chớ?
- Dạ ảnh bị bệnh chết nên không được trợ cấp mười hai tháng lương như chết trận. Nhưng may nhờ ông Tiểu đoàn trưởng thương tình ổng ghi là chết tại chiến trường nên được hưởng trợ cấp để nuôi con.
- Con được mấy đứa?
- Dạ năm.
Chị vò đầu một đứa con trai chừng bốn tuổi ngồi cạnh. Chị nói:
- Thằng này là áp út. Phải gởi mấy đứa nhỏ qua bên bà ngoại nó coi chừng dùm. Thằng này nó đòi quá phải cho đi. Nó nói nó lên thăm ba nó. Nói ba chết rồi, nó không tin. Lén trốn đi mà nó cũng chạy theo cho được.
Đứa nhỏ nghe mẹ nói về mình, ngồi cong lưng lại và trố đôi mắt nhìn khắp mọi người. Người lính:
- Mày lên trên đó tha hồ ba mày mừng. Oång mua kẹo cho ăn thả cửa.
Câu nói đùa không khiến ai cười. Đứa bé vẫn trố mắt nhìn, không đáng tin hay hoài nghi. Chị đàn bà tiếp lời:
- Hồi ảnh còn sống, ảnh cưng nó hơn hết. Nội mấy đứa con, có nó là mặt giống ảnh.
Tôi nhìn kỹ mặt đứa nhỏ, cô tưởng tượng khuôn mặt của cha nó. Đôi môi dày, loe ra, không che kín hàm răng trên. Cái trán thấp và đôi chân mày mọc lan, tua tủa như hai tàu lá dừa. Nó sẽ thay cha nó để hiện diện nơi cái xóm nhỏ có hàng tre tỏa bóng mát và có lá tre rơi trên mặt đường. Nó sẽ có nhiều ngày ngồi cầm đũa và cơm bên cạnh cái nồi cái trã đen sì để lớn lên làm địa phương quân như cha nó. Nhưng xin đừng cho vợ nó sẽ đóng vai của mẹ nó hôm nay!
Người lính:
- Úi zào! Đời lính mà, sống chết là thường. Như tui đây, chết hụt cả mười lần. Tui theo trực thăng tiếp tế chiến trường. Mấy lần ở dưới đất tụi nó bắn lên hoảng quá, vụt cha nó mấy túi ni lông gạo xuống rồi bay vọt lên cho thoát tầm đạn.
- Lỡ gạo rớt trong tay họ thì sao?
- Thì họ ăn chớ biết làm sao?
Người đàn bà cười giòn:
- Như vậy là anh có tội tiếp tế cho địch. Đáng đem xử ở tòa án Mặt trận.
- Chị giỏi ra ngoài đó mà điều tra lập biên bản. Nó bắn té đái trong quần. Tui là một thằng “chì”, nói cho chị biết. Không hề biết né chỉ huy trưởng đâu. Hễ ra lệnh đúng thì thằng này thi hành mà ra lệnh lơ mơ là đừng có trông.
- Bộ anh làm sao?
- Đây chỉ biết làm theo lẽ phải. Hôm tháng trước tui mới cự nự với Đại đội trưởng đó. Ra lệnh cho tiểu đội của tôi tiến lên, nhưng tui nhất định không tiến. Tiến ẩu kiểu đó, chết đội viên của mình. Chỉ huy là phải sáng suốt. Tui bị điệu về Sài Gòn, lãnh phạt trọng cấm mười ngày. Mới hết hạn, tui mới đi máy bay quân sự ra Nha Trang hôm kia.
Cử tọa im lặng. Chừng như mỗi người đều đắn đo cân nhắc xem mình nên chêm vào một câu gì cho hợp cảnh.
- Hồi tui ở Trung đoàn 45 cũng vậy. Tui cãi tuốt hết, kể từ Trung tá tuốt xuống Chuẩn úy. Mình làm lính mà, chớ phải sĩ quan đâu mà sợ. Làm lính đơ dèm cùi bắp (1 ) thì muốn đổi đi chiến trường nào cũng được. Đụng độ nhiều trận ác liệt quá rồi, chiến thương khắp mình mẩy, chỉ có Chết là mình chưa nếm thôi.
- Anh còn chân lính hả? - lời chị đàn bà.
Người lính cười hề hề:
- Nói chơi chớ. Tui, trung sĩ nhứt.
Tính tôi không thích những người đàn ông ba hoa, nói hết chuyện này bắt sang chuyện khác, nhất là nói về mình. Từ khi tôi để tai lắng nghe câu chuyện của anh, tôi chỉ nghe toàn những lời anh ca tụng anh. Thế nhưng nghe được một lát thì tôi lại dần dần có cảm tình với anh. Giọng anh nói cười tự nhiên, như xuất phát thẳng từ tâm cam chân thực mà khỏi qua phần lý trí cân nhắc nào. Giọng ấy đôn hậu trong sáng nghe như giọng lá cây xào xạc khi có gió. Nó không khiến tôi phải suy nghĩ. Vừa nghe vừa buông thả tâm tư. Tôi chợt có một chút tự trách: sao mình đã có hơi ghét anh ta lúc đầu?
Như để ngầm tạ lỗi, tôi quay nhìn chăm chú khuôn mặt anh. Khuôn mặt rám đen có nhiều mụn sần sùi. Khuôn mặt có thể gọi là xấu nhưng tôi chắc tôi không nghĩ như vậy. Có lẽ người đàn bà cũng đồng ý với tôi. Câu chuyện trao đổi tự nhiên đã tạo một nét duyên dáng bất ngờ cho anh, nét duyên dáng không tập trung vào một điểm nào trên khuôn mặt, - chẳng hạn nơi mụt ruồi, nơi đôi môi,đôi mắt, - mà bàng bạc ra khắp cùng khuôn mặt, còn đi quá cả khuôn mặt. Cái cảm tình tôi dành cho anh khiến tôi yêu luôn màu áo kaki bạc thếch, cặp đùi quá ngắn, mái tóc dài lởm chởm nơi ót.
Xe qua một căn cứ Đại Hàn, dừng lại để bỏ người lính Đại Hàn xuống. Rồi xe tới chân Đèo Cả. Những người có đeo đồng hồ vội vã xem giờ bởi từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều cấm lưu thông trên đoạn đường này. Công trường bắn đá vào khoảng thời gian đó để mở rộng thêm đường.
Xe hùng hổ leo đèo. Những tảng đá to nằm dọc đường được khoan lỗ. Vết thương đó sẽ được rịt đầy thuốc nổ và thân xác đó sẽ tan tành. Tôi lướt mắt nhìn những tảng đá bị lên án tử hình. Ngày sinh của chúng nhằm vào một chặng xa xôi thuở Trái Đất còn ngổn ngang nguyên dung chất nóng bỏng và ngày chết là một ngày tháng Mười năm 1969. Không biết sẽ có ai sau này ngồi thương nhớ một tảng đá nào đó đã ghi dấu những kỷ niệm của mình?
Cảnh trí Đèo Cả là những cảnh đẹp. Thân cây, lá cây, tảng đá, nước biển, bãi cát… phối hợp nhau nhiều cách để tạo ra nhiều vẻ đẹp khác nhau. Sự hoang vu vắng lạnh của núi rừng đè nặng trên môi mọi người. Ai nấy đều im lặng đưa mắt nhìn, có người chồm ra ngoài cửa xe.
Nhưng người lính và người đàn bà vẫn tiếp tục nói chuyện. Giọng người đàn bà tỉ tê:
- Tôi dự trù ra Qui Nhơn nghỉ lại một đêm rồi sáng mai đi xe lên Kontum. Nghe nói phải nghỉ đêm lại Kontum rồi bữa sau mới đi Phú Bổn. Đường sá xa xuôi quá mà chẳng biết lãnh tiền tử tuất được bao nhiêu.
- Cái đó thì tui cũng không biết rõ.
- Nhờ Trời được lãnh kha khá để đem về buôn bán nuôi con.
- Nhiều chị lãnh tiền tử tuất chưa về tới nhà đã thua bạc ráo trọi.
Chị đàn bà cười ngả nghiêng:
- Anh nói sao trúng quá. Ở xóm tui cũng có ba bốn đứa như vậy. Không đến nỗi thua cạn một ngày mà về nhà cứ thua lần thua mòn. Tụi nó đánh xóc dĩa ẩu một cây. Bổn lợi nhập một, có bao nhiêu đánh hết. Nhà cái phải sợ.
- Chuyện gì mà sợ? Nữ kê tác quái, gà mái ăn hiếp gà cồ…
- Tụi nó vét túi nhà cái mấy lần rồi đó anh. Phàm làm cái xóc dĩa thì trông ăn nơi mấy nhà con đánh nhỏ. Cứ gặm lần gặm lần. Tới tay mấy con này thì một ăn một thua, phủi áo đứng dậy.
- …
- Thành ra mấy nhà cái họ đồn với nhau “Hễ trải chiếu ra mà có mấy con đàn bà góa ngồi xuống là coi như có quỉ ám. Thế nào cũng giũ chiếu về không”.
- Nhưng đánh ẩu kiểu đó thì có ngày cũng nướng hết.
- Chớ sao. Aên chơi năm bảy sòng rồi xuống nướng hết. Của Thiên trả Địa, hết tiền tử tuất thì đi làm mướn trở lại.
- Rồi đi lấy chồng trở lại.
- Khó lắm anh. Đàn ông bây giờ họ khôn lắm. Tới chàng ràng chơi thì được, còn biểu họ cưới mình thì họ lãng xa hết. Không có thằng cha nào chịu lãnh bốn, năm đứa con của mình đem về nuôi báo cô. Một thân của nó, nuôi đà không nổi.
Làm thân phận góa phụ mới có vài tháng mà chị đã có kinh nghiệm như vậy, - tôi nghĩ. Rồi cuộc đời của chị sẽ tiếp tục như thế nào? Đôi lông mày có vết dao cạo sắc lẻm đó không hứa hẹn một tương lai vừa thắt lưng buộc bụng nuôi con vừa bịt tai đối với những lời ong bướm. Mà trái lại, tôi có cảm tưởng ong bướm đã bay lượn dập dìu cả khi người chồng còn tại thế, khi anh cầm súng trấn đóng ở một phòng tuyến xa xôi và cả ngay khi anh còn ở nhà cạnh chị.
Xe nhẹ nhàng xuống đèo. Đây là Phú Yên rồi. Núi, đá, lá cỏ, bụi cây như có khoác bên ngoài một màu sắc, một vóc dáng đặc biệt nào, bởi chưng chúng là Phú Yên. Dễ thương hơn. Nhu mì hơn. Cần cù và mơ mộng hơn. Tôi bỏ rơi câu chuyện của người đàn bà để cho tâm hồn tràn ngập những hình ảnh đang hiện ra ngoài khung cửa xe.
Xe đang chạy trên đồng Hiếu Xương. Những đụn rơm. Những bụi chuối. Những ruộng lúa xanh. Chợ Xéo. Bàn Thạch. Phú Lâm. Hơn hai mươi lăm năm những cuộc hành quân liên tiếp tràn qua bừa lại trên thân thể những làng xóm này như những làn gió tràn trên thân lá. Phú Lâm có cái dáng làm đỏm của một công tử quận lỵ. Những cửa hiệu tạp hóa nho nhỏ được trang sức lòe loẹt nhờ mấy chồng thau, lon, chén bát bằng nhựa dẻo. Hàng bán gương và sửa đồng hồ với người thợ lúi húi sau một cái bàn dựng thủy tinh bao quanh. Một tiệm mì, hủ tiếu dài và hẹp như một cái hành lang đen chạy hun hút. Thanh niên ngồi trịnh trọng trên Honda và Yamaha.
Tôi nghe tên Phú Lâm đầu tiên vào năm 1943 khi phong trào thể thao Ducoroy tạo nên những cơn lốc nhỏ ở các thị trấn nhỏ. Hồi đó Sông Cầu là tỉnh lỵ nhưng phần đất xương xẩu đó của huyện Đồng Xuân chỉ đủ sức tạo nên một thành phố sạch sẽ, ngay ngắn, yên tĩnh và thơ mộng. Sự sạch sẽ ngay ngắn và yên tĩnh đã khiến thành phố giống y một mô hình triển lãm, y như một cái bàn cờ đặt cạnh bờ biển, dưới những rặng dừa. Có lẽ để tạo một cảm tưởng phồn vinh giả dối người Pháp phóng nhiều con đường không cần thiết. Từ trường Tiểu học và đồn Khố xanh đến ty Bưu điện, ty Công chánh, tòa Kho hạc, tòa Sứ nằm sát biển chỉ có một khoảng đất đầy cỏ xanh và cây keo cây bàng rộng không tới bốn trăm thước, thế mà họ phóng rất nhiều con đường ngang dọc, kẻ thành ô vuông bàn cờ. Phủ Tuy Hòa không có nét đẹp thanh lịch đó nhưng có nhiều ruộng nên dân đông và dân giàu. Các xã đua nhau lập sân vận động, lập hội bóng tròn và trong kỳ tranh giải túc cầu toàn Tỉnh năm đó, tôi thấy một hàng cầu thủ đứng sau lá cờ màu xanh lá cây thêm hàng chữ PHÚ LÂM SPORTS bao quanh một ngôi sao đỏ. Sự chú ý của tôi đối với đội cầu này là do hôm đó viên Giám binh Khố xanh Faugére đóng vai trưởng ban tổ chức cứ phát loa kêu gọi nhiều lần thủ quân của Phú lâm Sports ra sân cỏ trình diện đoàn cầu của mình.
Phú Lâm - Phú Lâm - Cái tên đó tự nhiên quen thuộc và hôm nay tôi nhìn bộ mặt của Phú Lâm kéo dài trên một quãng đường vài trăm thước của Quốc lộ số Một.
Cầu Đà Rằng một màu đen nghiêm nghị. Những doi cát nằm rải rác giữa mặt sông, xanh màu lá dưa hấu lá mướp, điểm những đóa hoa màu vàng. Những người lính gác ở đầu cầu trang bị súng ống đứng sau những ụ cát chong đôi con mắt nghi ngờ. Có những đống sắt, những trụ bê tông đang xây cất dở dang để chuẩn bị làm chiếc cầu mới. Tháng Ba năm 1945 tôi đã có lần đi qua con sông này. Lúc đó cầu bị máy bay Mỹ thả bom sập hai dày và xe ô tô phải qua sông trên những chiếc phà. Bây giờ thì người Mỹ lo xây cầu giữ cầu. Chiến tranh là một con quái vật thèm sắt và bê tông và thịt người.
Khi xe bò qua hết cầu, những hành khách của ba dãy ghế chót xôn xao sửa lại giỏ xách, gài lại thắt lưng, quơ cây tìm nón, mò chân tìm guốc dép. Những người đang đứng lom khom, lăm le tới chiếm một trong những chiếc ghế sẽ bỏ không. Chắc bây giờ họ đang âm thầm chọn lựa. Đầu cầu xe cộ và người đông nên chiếc Thuận Thành phải chạy chậm lại. Tức thì một đoàn năm sáu đứa trẻ, tuổi trạc mười hai mười ba tay cầm gói bánh mè, tay cầm túi nước ngọt nhảy vọt lên xe mời khách inh ỏi:
- Mời bà mua gói bánh mè.
- Nước ngọt đây! Nước ngọt sinh tố đây! Năm đồng một túi, hai túi mười đồng.
Mấy đứa nhỏ ngồi cạnh tôi chong mắt nhìn về mẹ chúng. Người mẹ nhận ám hiệu và thi hành ám hiệu. Tức thì có tiếng trả lời:
- Dạ mười đồng một miếng, một gói mười miếng… Dạ thôi, cháu bớt cho bà, hai chục đồng ba miếng… Dạ thôi cũng được, để rẻ cho bà năm đồng một miếng. Dạ mời bà lấy luôn hai gói để đem về cho các em mừng.
Một người cầm lên một túi nước ngọt sinh tố vừa đặt lên miệng định cắn đứt một góc túi thì chợt đằng sau có tiếng nói:
- Đồ nước lạt xạch mà chua lét. Uống vô thêm đau bụng.
Xe qua một khúc quanh, bò vào bến đậu. Xe đứng dừng lại, nghiêm chỉnh như một lực sĩ còn dư sức. Có một chút hiên ngang tự phụ nữa, bởi nó đã đến bến bình an. Mười hai giờ tám phút trên mặt đồng hồ của tôi, cách xa lời hứa của người bán vé đến ba giờ đồng hồ nhưng tôi vẫn coi anh ta là người lương thiện. trong xã hội, nhiều người nói dối và lừa bịp khủng khiếp trắng trợn hơn. Cứ đọc lại những cái tít lớn trên mặt báo hằng ngày ở ngay trang nhất thì thấy.
Tôi xách xắc đứng dậy vừa tránh dạt một bên để nhường bước cho những người luôn luôn vội vàng. Khi không còn ai tranh giành và ganh tị với tôi, tôi chậm rãi bước xuống. Thật sung sướng là người có đủ thanh thản trong tâm hồn để được bước những bước chậm rãi. Cả anh lính và chị đàn bà cũng đóng vai kẻ vội vàng nữa. Anh bế đứa con của chị đàn bà và rủ chị:
- Mình xuống đất nghỉ ăn uống đã. Xe chưa chạy liền đâu.
Nắng gay gắt hắt lửa vào mặt tôi. Xích lô đậu thành dãy và những phu xích lô ào tới tranh giành tám chín người hành khách ngơ ngác. Tôi xách xắc nhẹ nhàng bước lui lại phòng bán vé, đứng nhìn quang cảnh đầu tiên của thành phố.
Đất sỏi nện cứng dưới mắt tôi. Những cây phi lao vi vút hát trên mái ngói đỏ của Chi Cảnh sát. Tôi lướt nhìn từng khuôn mặt của mấy người phu xích lô, hy vọng tìm một khuôn mặt quen. Làng tôi nằm cách Tuy Hòa ba mươi cây số về hướng Bắc và chiến tranh đã tàn phá nhà cửa, phân tán dân làng đi di cư ở khắp mọi thị trấn miền Nam. Tuy Hòa thu lượm được đông đảo bà con quê tôi hơn hết. Họ nghèo đi bởi giặc giã và kế sinh sống tạm bợ là cái thúng cái mẹt, buôn gánh bán bưng và cái xích lô, cái xe ba gác. Có nhiều người làm ăn khá hơn, có nhiều người làm giàu nữa, nhưng đó không phải là những người tôi muốn tìm gặp đầu tiên. Tôi muốn nghe những tiếng mừng rỡ bi bô, cái giọng nói quê mùa quen thuộc không pha chế. Những người giàu không mấy khi còn giữ lại được giọng nói và điệu bộ thuần túy thuở hàn vi. Đồng tiền ảnh hưởng trên mọi nếp sinh hoạt của họ và cái mừng cũng rập theo công thức thời trang. Nhưng soát đi soát lại vài lần, tôi tuyệt nhiên không tìm thấy một khuôn mặt quen. Thất vọng, tôi ra hiệu gọi một chiếc xích lô nào đó thì liền có một chiếc Honda vọt tới:
- Ông đi Honda cho mau. Dạ… tui cũng công chức, ngày chủ nhật nghỉ, rước khách kiếm thêm tiền phụ nuôi gia đình.
- Quê anh ở…?
- Dạ ở Long Hòa.
Long Hòa kề sát làng tôi. Tôi leo lên ngồi sau lưng anh vì liên hệ đó.
Đường phố ban trưa trông thật buồn. Thấp và uể oải. Nhưng tôi đâu có quyền đòi hỏi hơn? Mười lăm năm tái tạo, tái tạo trong sự đe dọa thường xuyên của chiến tranh, là cả một nỗ lực lớn, một kiên nhẫn có thể so sánh với loài chim làm tổ. Tôi lẩn thẩn nghĩ tới những bày ong gom sát xây tầng sau khi cái tổ bị phá, những bầy kiến tiếp tục khiêng gạo sau khi vài trăm đồng đội bị một ngón chân tinh nghịch dí nát.
Phái vui mừng bắt tay tôi. Anh phải tháo kính ra lau nhiều lần để được nhìn kỹ tôi hơn, để tin rằng tôi hiện diện thật trước mặt anh.
- Có thể tin được không? Có chuyện chi cần sao?
Tôi nhún vai:
- Một chút việc. Nghe nói quốc lộ đã được sửa lại nên mình đi thử. Nghe nói xe chỉ cần chạy ba giờ, chạy vèo vèo trên xa lộ bằng phẳng nên mình thêm hăng hái đi.
- Kết quả thực tế có đúng vậy không?
- Đúng năm mươi phần trăm.
Bữa ăn trưa ở Tuy Hòa giống y như những bữa ăn ở các thành phố khác. Thịt bò. Cải súp-lơ. Hành tây. Giò lụa. Thịt gà Mỹ. Tôi nhớ ngày xưa được ăn bát canh cá liệt nơi đây khiến trong ký ức của tôi luôn luôn con cá liệt đi kèm thành phố Tuy Hòa. Một món thứ hai nữa là bánh bèo rắc nhân đậu xanh. Từ nhỏ tôi chỉ quen mắt với bánh bèo nhân tôm màu đỏ nên nhìn cái bánh nhân đậu xanh đầu tiên trông lạ và quí.
Buổi chiều chạy lo mấy việc cần. Phái lái xe đưa tôi đi. Mọi con đường đều lạ, mọi khuôn mặt đều lạ. Tôi có cảm tưởng mình không trách nhiệm gì hết đối với những người mình đang gặp, không liên hệ tình cảm và quá khứ và tôi thấy thoải mái, một sự thoải mái đi gần tới cái Chân Không. Trước ngày kháng chiến, có một con đường nào đó của thành phố Tuy Hòa mà các ngôi nhà đều xây trên một nền cao, cao tới đầu người. Và nó chạy cong quẹo như tùy sáng kiến của nó. Phái bảo tôi:
- Trung tâm điểm sinh hoạt của Tuy Hòa là Ngã Năm. Công chức đón xe đi làm ở Ngã Năm, xe chở trả công chức về ở Ngã Năm. Các hiệu buôn xúm xít ở Ngã Năm. Place de I’Etoile của tụi moa đó.
Phái chợt ngừng nói lật đật hãm phanh vì một chiếc xe đạp đâm bổ ra từ một ngõ hẻm. Anh không cau mày cũng không chửi thề. Xe lại nhẹ nhàng bước tới và anh bình thản tiếp tục.
- Nhưng cái khải hoàn môn được thay bằng lô cốt xây bằng bao cát. Mà nói thật, cho dù mình muốn cũng khó mà xây được một cái công trường rộng. Không có nhiều người và người xe cộ đi lại thì một cái công trường rộng quá sẽ biến thành một bãi sa mạc.
- Khi ở bến xe tìm đến nhà anh, tôi đi theo con đường Tản Đà. Thành phố này dành cho thi sĩ một con đường rộng rãi sạch sẽ, đó là một ưu điểm. Tôi nhớ năm 1942 lúc còn ở Hà Nội đã đi trên con đường Nguyễn Du và đố anh con đường đó có đặc điểm gì?
Phái không quay lại nhìn tôi mà cứ chong mắt nhìn ra trước xe. Anh vừa nở một nụ cười suy nghĩ:
- Chắc có nhiều cây, có vườn hoa…
Tôi lắc đầu:
- Không. Có rất nhiều nước tiểu. Người nào đi dạo trên đường phố lớn mà mót tiểu thì đều rẽ sang đường Nguyễn Du.
Phái cười ngon lành. Im lặng một giây, anh nói:
- Những thành phố nhỏ thường có một con đường chạy dài từ đầu trên xuống đầu dưới, y như cái cây lụi xiên qua mình một con gà đặt trên lò quay, xuyên qua một xâu thịt đặt trên lò nướng. Cái cây lụi của Tuy Hòa là đường Trần Hưng Đạo. Cây lụi của Qui Nhơn là đường Gia Long. Cây lụi của Phan Rang là đường Thống Nhất.
Công việc tôi lo xong vào lúc năm giờ chiều. Phái rủ tôi đi chùa Khánh Sơn:
- Đó là một địa điểm du ngoạn hợp thời trang của bạn trẻ hôm nay. Chiều thứ Bảy họ đi xe Lam hay đèo Suzuki ra đó ngoạn cảnh. Hoặc là họ đi Đông Tác ngồi dưới gốc cây si. Thơ mộng lắm.
Tôi từ chối vì chiếc xe Thuận Thành đã làm thân thể tôi mỏi nhừ. Tôi nói:
- Có lẽ là một cái ghế bố đặt ở sân thượng nhà anh hợp với tôi hơn lúc này.
Nằm ở sân thượng nhà Phái, tôi đưa mắt nhìn về núi Nhạn. Hỡi ngọn núi cô đơn, chứng nhân của bao nhiêu triều hưng phế! Mi đã nhìn biết mấy lớp người nối tiếp nhau quần tụ dưới chân mi, từ những thiếu nữ Chàm áo dài xanh lòe loẹt đến những thương gia sơ mi Montagut ngồi sau tay lái của những chiếc Toyota sơn trắng. Những người giàu hôm trước đã ngã xuống nhường sân khấu cho người giàu hôm nay. Rạp hát Bang Hưng rộn rịp tiếng kèn trống hồi nào, nay nhường chỗ cho những hí viện Diên Hồng, hí viện Đại Nam. Phủ đường cũ, một dãy nhà ngói thấp và mỏng, với đoàn Tổng Lý khăn đen áo dài, bài đồng lủng lẳng nơi khuy áo… ngày nay được một số người nhắc đến với chút hoài niệm người ta vẫn dành cho loài khổng tượng. Đó là thời của những Thủ Sáu Mọi, Dũ Ký, Bầu Nụi. Thời của những tri phủ Nguyễn Khoa Phong, Nguyễn Văn Thơ, của ông Tây sở đường Đồng Bò Huguenoltz, của ông Ấn kiều bao thầu mua bông vải Kitchanassami. Đó là thời của những người đàn bà nhổ tóc con tạo thành đường chân tóc thẳng nơi trán, thời của những chiếc áo dài trang đầm rồi tiếp theo là áo dài lụa màu mỡ gà, áo dài màu xanh hồ thủy. Tôi mường tượng thấy hai dãy phố cũ nặng nề một kiểu kiến trúc cổ Trung Hoa, những dãy mái hiên, những tên hiệu viết bằng chữ Nho lớn phết vàng, những bức tường cao trên cắm tua tủa mẻ chai. Một khuôn mặt đàn bà hiện ra trong óc tôi, nét đẹp dịu dàng, mái tóc chải mượt, giọng nói êm và chậm, một người quen của cha tôi. Tôi còn nhớ rõ nụ cười làm lóe một chiếc răng bịt vàng xinh xắn.
“Ông Hội Năm! Ở ngoãi mới vô chơi hả? Đi bằng xe STACA hay bằng xe Năm Mầu?”
Những hình ảnh như những bóng ma! Bởi vì người đàn bà đó, cha tôi, cái xe STACA và ông Năm Mầu, và căn phố đồ sộ, và cả cái thành phố cổ kính nặng nề đều đã ngã xuống tan vụn hết rồi. Cái thành phố rộn rịp hôm nay và những người khỏe mạnh đang hơn hở làm chủ nó hôm nay là những cái cây đang tơ, là những cành hoa đang nở, mọc vạm vỡ trên những cành lá ủ mục của những thân cây đã ngã xuống.
Tôi nhớ đến Hoàng Anh, cô bạn tôi hiện làm công chức ở Bình Tuy. Quê nàng ở Tuy Hòa và trong một bức thư tôi nhận đầu năm, nàng viết:
“… Tết này em không về Tuy Hòa. Có lẽ cả những Tết sau này. Mấy năm trước em phải về là vì còn Ba em ngoài đó. Nay Ba em đã mất rồi và đã đoạn tang rồi thì em cũng muốn đoạn tuyệt luôn. Về để làm gì? Chiến tranh tàn phá cơ nghiệp nhà em. Ngày xưa nhà em giàu, Ba em có địa vị. Bây giờ em không có một cái nhà để ở. Chỗ sở nhà và khu vườn của Ba em ngày xưa bây giờ thuộc quyền sở hữu của người khác. Họ lập tiệm thuốc tây, tiệm vàng, phòng mạch bác sĩ, văn phòng giao dịch thương mại. Những người xuất thân tầm thường nhất hồi đó, hôm nay khinh khỉnh nhìn em. Em không đủ can đảm nhận những cái nhìn như vậy…”
Giá có Hoàng Anh ở đây, tôi sẽ bảo nàng:
“Em đừng nhìn xuống những tòa nhà dưới phố. Mà hãy cùng anh ngước nhìn lên ngôi tháp Chàm ở đầu núi Nhạn kia. Nó sẽ âm thầm giảng giải cho em bài học hưng phế ở đời và em sẽ được thanh thản trong tâm”.
Buổi tối có gió biển thổi mát. Cả gia đình Phái quây quần trước máy Tivi. Chương trình “Người dân muốn biết”. Chương trình Cải lương. Qui Nhơn và Tuy Hòa bắt được chương trình vô tuyến truyền hình Việt Nam ở Sài Gòn nên những trụ ăng ten đâm tua tủa trên nóc nhà dày hơn ở Nha Trang. Ở Nha Trang chỉ được xem Tivi Mỹ, phải vừa xem vừa đoán nên nhiều người bỏ cuộc.
Phái rủ tôi ghé lại hiệu ăn Thành Tín để thăm một người bạn cũ. Người bạn cùng làng với tôi nên qua anh tôi được biết rằng ngoài làng chẳng còn mấy người ở lại. Mọi người đều sống qua loa, sống một nửa, sống khắc khoải mong chờ ngày bình yên.
- Thằng Toàn bây giờ nhảy qua nghề trồng cây kiểng, trồng hoa thược dược để bán Tết (trước kia Toàn là giáo viên Tiểu học)
- Thằng Diện?
- Nó nhảy vô đây chín mười năm nay rồi. Làm sở Mỹ bên phi trường Đông Tác.
- Thằng Hợi?
- Nhảy lên núi.
Hỏi về ba người bạn thì người nào cũng “nhảy” hết, mỗi người “nhảy” một cách. Chiến tranh kéo dài thêm chừng mười năm nữa thì có lẽ không còn ai biết “đi” nữa.
Chúng tôi cùng tới “cafe Thảo”. Nghe nói khung cảnh nơi đây mộc mạc đơn sơ và những người trầm lặng suy tư hay tìm tới đây. Chúng tôi không hẳn là những người có đặc điểm quí báu đó, riêng tôi thì chỉ vì tò mò mà thôi. Đến thành phố nào, những người ít tiền cũng hay tìm một chỗ ngồi nơi một quán cafe. Ít tốn kém. Một lối trang sức tinh thần. Ở đây có cà phê Mây Hồng, cà phê Tùng, cà phê Hoài Bắc, cà phê “Chỗ chúng ta”. Một cô thâu ngân có khuôn mặt học trò hay có mái tóc Liêu trai thường thay thế cho hương vị của cà phê bởi rất nhiều khi người ta tới để “nhìn” hơn là để “uống”. Đến một thành phố, người ta cũng hay tìm để bước vào những hiệu sách. Có cái gì thân mật nơi đó, người ta bắt gặp những khuôn mặt quen của tờ nhật báo quen đọc, những tập nguyệt san, tuần san quen được lật trên tay. Nhạn Đà, Vạn Kim, Đà Giang, Hùng Cường. Sinh hoạt tinh thần được chuyển về trọn vẹn từ thủ đô, được bày trên các ngăn tủ, được kẹp trên các sợi dây thép chăng ngang dọc.
Mười giờ hơn khi chúng tôi về nhà. Lúc nãy đi ngang cô nhi viện Mằng Lăng tôi cảm thấy bùi ngùi. Mằng Lăng là một địa điểm của xã hội, nổi danh vì ngôi nhà lớn, họ đạo đông và giàu. Họ đạo di cư vào Tuy Hòa, nhà mồ côi di chuyển theo, được xây cất cao rộng kiên cố và mang tên cũ. Như là một hoài niệm không nguôi, như tấm lòng người Do Thái lang thang lúc nào cũng nghĩ về Đất Thánh của mình. Ngót một nửa số ruộng phì nhiêu của cánh đồng quận Tuy An thuộc quyền sở hữu của nhà thờ Mằng Lăng. Ngày Chúa nhật các họ đạo ở Gò Chung, ở Đồng Đất, ở Lò Giấy, ở Long Hòa, ở Diêm Điền… đều tụ hội về nhà thờ lớn Mằng Lăng xem lễ. Người ta đi thành từng đoàn dài trên những con đường nhỏ quanh co. Những đoàn người mặc áo dài đen nghiêm chỉnh đi thành hàng một hướng về ngôi nhà thờ lớn như những chân dài ngoẵng của một loài nhện khổng lộ.
Khi nghe tôi về Tuy Hòa, một người bạn dặn:
- Đi Tuy Hòa thì đừng quên con đường xuống Tòa Hành chánh, một con đường đẹp lý tưởng. Đường rộng trồng toàn cây dương mát. Hai bên đường có một đoạn có ruộng lúa. Lâu ngày sống xa ruộng lúa nay được ngửi mùi bùn, mùi nước, mùi lá lúa thật không gì êm mát bằng.
Khi tôi chợt nhớ đến lời người bạn thì đã trễ. Buổi tối đoạn đường đó cấm đi lại.
Ngày mai tôi sẽ trở lại Nha Trang bằng chuyến xe sớm. Cầu mong cho đêm nay yên tĩnh đừng có những cuộc pháo kích, những trận tấn công. Tôi muốn ở lại dài ngày giờ hơn để đi thăm những bạn quen, những người mà tôi xa cách đã mười lăm năm nay. Mười lăm năm, đó không phải là một thời gian ngắn. Cứ chồng nó lên ba lần là đủ để thành một đời người. Tôi cũng muốn đi thăm lại những cơ sở quen thuộc: trường Trung học Nguyễn Huệ, chùa Bảo Tịnh, nhà thờ Thiên Chúa giáo, trường Nữ Tiểu học, nhà thờ Tin Lành, cô nhi viện Phật giáo…
Gió từ biển thổi vào những luồng mát lạnh. Dưới mắt tôi, những mái nhà nằm úp xuống, che chở mỏng manh. Những trụ ăng ten Tivi rộn ràng khoe nếp sống phong lưu. Những trụ đèn chong mắt nhìn vào đêm. Tôi vào giường sớm để chuẩn bị sáng mai dậy sớm, nhưng những ý nghĩ vẩn vơ cứ quây cuồng trong óc. Nửa ngày thật quá ngắn để tôi có thể tình tự với thành phố này. Tôi chưa kịp làm quen với nó. Tôi chưa được đặt chân bước từng bước ngắn trên những con đường, tò mò nhìn từng bảng hiệu, đọc từng hàng chữ tô xanh đỏ trên những mặt tường.
Ở dưới nhà có tiếng nhạc dạo nhẹ rồi chợt giọng Khánh Ly lanh lảnh vang lên.
“
Tôi có người yêu chết trận Pleime
Tôi có người yêu ở chiến khu Đ chết trận Đồng Xoài.
Chết ngoài Hà Nội, chết vội vàng dọc theo biên giới.
Tôi có người yêu chết trận Chu Prong ……….”
Điệu nhạc tức tưởi, lời ca nghẹn ngào dồn dập như tiếng xé ruột, như tiếng nức nở vội vàng không cầm nén được. Tôi nhớ đến băng nhạc của con tôi cũng có thâu bài hát đó, tiếp theo đó là những bài Gia Tài Của Mẹ, Cát Bụi, Gọi Tên Bốn Mùa… và mỗi buổi tối hai chiếc loa mắc trên vách nghẹn ngào than thở cho thân phận làm người. Cùng trong một giờ đó và trong những giờ khác, cũng trong một thành phố của tôi và trong mọi thành phố khác, những tiếng than thở đó cùng trổi lên khiến tâm hồn của người ngồi nghe sa sầm tối lại, chùng xuống.
…
Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn
Thừa đôi tay dư làn môi. Từ nay tôi quên hết tiếng người …….”
Tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng tôi không đang ở giữa Tuy Hòa. Một căn phòng vách trắng với giọng nhạc kia, với tiếng máy xe jeep phóng chạy ồn ào nơi một đường phố vắng xa, với một ánh lửa hỏa châu treo lửng lơ trên bầu trời đen… tôi thấy tôi có thể gọi bằng tên thành phố nào cũng được. Cần Thơ, Huế, Vĩnh Long, Phan Rang, Biên Hòa, Sa đéc… không có gì khác nhau bởi cùng chung một thân phận.
Tôi vói tay kéo cánh cửa sổ đóng sập lại. Tiếng hát bị cắt đứt dừng lại nơi bên ngoài song cửa. Tôi muốn nghĩ rằng đây là Tuy Hòa. Cái không khí tôi đang thở, khoảng đất tôi đang có dưới chân, những người bao quanh tôi đang chìm trong giấc ngủ hiền lành, tất cả đều mang chung một tên: Tuy Hòa. Tôi nhìn lên vách nhà Phái, cố tìm một dấu vết gì cụ thể của cái thành phố tôi đang ở. Mắt tôi lướt qua và bỏ rơi liên tiếp những vật mà nó gặp: cái rèm cửa bằng vải hoa, tấm ảnh cô đào Faye Dunaway, cái nút của chiếc quạt trần, tấm lịch Đại Hàn với trang tháng Mười in hình một thiếu nữ đứng nơi hành lang dài một ngôi đền, một đoạn cành cây khô trên bám một thân phong lan nở từng chùm hoa vàng… và cuối cùng một tấm lịch bìa đỏ trên có những hàng chữ vàng rực:
TỊNH THỦY
Hãng sản xuất nước đá
611 Trần Hưng Đạo Tuy Hòa
Tôi nhìn tấm bìa lịch và dòng chữ, lòng vui như vừa gặp một người bạn. Tôi nhắm mắt lại, êm đềm đợi giấc ngủ. Trên môi phác một nụ cười bình an.
(1) lính hơn lính hạng chót