THẦY ƠI!
hai1957 19.11.2012 22:31:04 (permalink)
Ở VN, ngày 20/11 được chọn là ngày "Nhà giáo VN"... hình như cũng gần gần đâu đó với ngày lễ Tạ ơn ở Mỹ... Thôi thì sao cũng được, có cái mốc thời gian để mà nhìn lại...
Tuổi học trò của tôi gắn bó với Nha Trang, mà gần gủi hơn là trường La San Ba Ninh, trường bán công Lê Quí Đôn, nhưng không có nghĩa là không biết các trường bạn: trung học Võ Tánh, nữ trung học Huyền Trân, trường Vinh Sơn, Thánh Tâm, Hưng Đạo, Bồ Đề, Kim Yến, Đăng Khoa, Khải Minh v.v... mà giờ đây tất cả chỉ còn là hoài niệm...
Xin gởi lại nơi đây những hoài niệm ấy...



Kỷ niệm 103 năm ngày sinh thầy Cung Giũ Nguyên (20/11/1909-20/11/2012)
Tưởng nhớ 4 năm ngày mất của thầy (07/11/2008- 07/11/2012)




LÒNG SON ĐỂ LẠI CHO ĐỜI



Có lẽ tôi là thế hệ học trò cuối cùng của thầy Cung Giũ Nguyên nếu tính theo thời gian tồn tại của Trường trung học bán công Lê Quí Đôn Nha Trang (1955-1975) mà thầy là người hiệu trưởng duy nhất. Niên khóa cuối cùng của trường (1974-1975) tôi học lớp 11C.
Cơ duyên đưa tôi đến với trường cũng rất tình cờ. Gia đình tôi theo đạo Công giáo, nên khi không thi đậu vào trường công lập là ba má tôi nghĩ ngay đến các trường dòng. Tôi học tiểu học ở trường Giuse nghĩa thục, nằm trên đường Bạch Đằng gần chợ Xóm Mới, chuyển cấp lên học ở La san Bá Ninh. Cả hai trường này đều do các frère dòng thánh Gioan La san điều hành. Sức học của tôi thuộc loại xoàng, lại dốt Toán Lý Hóa nên xong lớp 9 là nghĩ ngay đến học ban C vì cũng có tí chút năng khiếu về văn chương và ngoại ngữ. Khổ nỗi trường La san Bá Ninh không có ban C. Lòng vòng một hồi cuối cùng tôi xin vào học trường trung học bán công Lê Quí Đôn, một ngôi trường khá khiêm tốn và giản dị nằm trên đường Tô Hiến Thành không xa bờ biển bao nhiêu. Vì là trường bán công nên học phí cũng chỉ bằng một nửa các trường tư thục khác. Cũng dễ thở cho ba má tôi. Đó là niên khóa 1973-1974.

Hình như có một sự nhầm lẫn nào đó nên hiện nay trên các tài liệu cũng như một số trang mạng cứ gọi trường trung học bán công Lê Quí Đôn là trường trung học đệ nhị cấp. Thật ra trường có từ lớp 6 đến lớp 12, và hầu như trường trung học nào ở Nha Trang cũng vậy. Nói đến trường trung học thì có nghĩa gồm cả đệ nhất và đệ nhị cấp chứ không phân định rạch ròi ra thành trường riêng như THCS hay THPT bây giờ. Công lập có trường trung học Võ Tánh, nữ trung học Huyền Trân. Tư thục có trung học Kim Yến, trung học Hưng Đạo v.v… Dĩ nhiên trong cách sắp xếp lớp lang cũng như tổ chức hoạt động cũng có phần chia ra cho phù hợp đặc điểm lứa tuổi. Ví dụ ở trường La san Bá Ninh có hai phạm vi không gian riêng biệt, lớp học và sân chơi phía dưới dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, phía trên của các anh lớp 10, 11, 12, không bên nào được phép đi qua bên nào. Trường Lê Quí Đôn cơ ngơi nhỏ bé hơn nhiều nên không có sự phận định rạch ròi, chỉ dùng cách phân chia thời khóa biểu sao cho hợp lý để các khối lớp lớn - nhỏ có thể cùng học trong một thời gian nhất định nào đó. Thành thử trong hai năm học chúng tôi không có phòng học riêng nào cả. Cứ nhìn vào sơ đồ phân lớp trên bảng trường để vào đúng phòng học lớp mình ngày hôm đó. Xem lại cũng khá giống kiểu học của các trường đại học bây giờ.

Có lẽ cũng cần nói thêm về cách gọi tên các lớp theo kiểu mới và kiểu cũ. Kiểu mới thì ai cũng biết vì vẫn còn giữ cho đến nay. Kiểu cũ ở tiểu học gồm có: lớp năm, lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất tương ứng với các lớp một hai ba bốn năm bây giờ. Ở trung học được gọi là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ, đệ tam, đệ nhị, đệ nhất tương ứng với lớp sáu… đến lớp mười hai. Cấp THCS bây giờ ngày đó gọi là trung học đệ nhất cấp và cấp THPT gọi là trung học đệ nhị cấp. Cuối bậc trung học học sinh phải trải qua hai lần thi tú tài vào cuối năm học lớp 11 và lớp 12. Thi đậu cuối năm lớp 11 gọi là tú tài bán (phần) và đậu cuối năm lớp 12 gọi là tú tài toàn (phần). Sự thay đổi cách gọi tên các lớp bắt đầu từ niên khóa 1969-1970. Tôi còn nhớ rõ bởi niên khóa trước đó 1968-1969 tôi học lớp đệ thất, qua niên khóa sau tôi được ba má khuyên thôi còn nhỏ, học “thêm” lớp 6 cho chắc ăn, nghĩa là tôi đã học hai năm lớp 6…

Tuy tên gọi là trường bán công nhưng các qui định của trường Lê Quí Đôn khá giản dị, nếu không muốn nói là “bình dân”, rất phù hợp cho những học sinh không phải con nhà khá giả. Trường không qui định đồng phục, chỉ yêu cầu ăn mặc lịch sự và đeo bảng tên trường trên áo. Tôi nhớ ngoài cái bảng tên bằng vải có hàng chữ nhỏ “trường trung học bán công” phía trên và hàng chữ lớn “Lê Quí Đôn” bên dưới mà chúng tôi thường may dính vào ngực áo còn có cái huy hiệu của trường làm bằng kẽm kích cỡ nhỏ hơn tấm hình 3x4, phía trên bằng phía dưới bầu lại rồi nhọn. Huy hiệu này ít bạn đeo vì lấy ra gắn vào hơi bất tiện và làm hư áo bởi có kim móc phía sau… Tuy nói không qui định đồng phục nhưng chúng tôi đến trường vẫn nữ sinh áo dài trắng, nam sinh áo sơ mi trắng hoặc nhạt màu, các em lớp nhỏ thì áo đầm. Thì cũng đúng thôi, vì chả ai đến trường mà nghĩ đến việc ăn mặc lòe loẹt ngược đời. Sau này ra đời rồi tôi mới hiểu, cái qui định giản dị này của thầy Cung Giũ Nguyên chính là sự sẻ chia không lời đối với những hoàn cảnh học sinh còn nhiều khốn khó. Là hiệu trưởng, thầy có đủ thẩm quyền để qui định sao cho “đẹp trường, đẹp lớp”, tạo dựng cái thương hiệu hào nhoáng cho trường, nhưng thầy đã không làm như vậy…

Các thầy cô dạy ở trường Lê Quí Đôn ngày ấy khá đông, và hình như mỗi thầy cô đều dạy ở vài ba trường khác nhau, tùy vào uy tín và kinh nghiệm của mỗi người, chứ không phải “biên chế” cứng ngắc như ở các trường trung học hiện nay. Vai trò tự chủ của hiệu trưởng rất lớn và thực quyền. Chính hiệu trưởng là người quyết định bộ sách giáo khoa nào được sử dụng trong trường mình (có nhiều bộ sách giáo khoa để chọn lựa) và giáo viên theo đó mà tự phân phối chương trình giảng dạy của riêng mình. Thước đo là kết quả của các kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp và tú tài.

Ngoài trách nhiệm hiệu trưởng, thầy Cung Giũ Nguyên còn giảng dạy ở một số trường bên ngoài và đảm trách môn tiếng Pháp ở các lớp lớn. Năm lớp 10 chúng tôi học Pháp văn với thầy Võ Hồng, năm lớp 11 được học thầy Nguyên. Nói tới thầy Nguyên thì nhiều người vẫn biết thầy là một người Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp. Và cũng chính vì vậy mà các tác phẩm của thầy không được trong nước biết đến nhiều…
Theo thống kê chưa đầy đủ, một số tác phẩm của thầy gồm có:
Một người vô dụng (Tín Đức thư xã, Sài gòn, 1930); Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn, Phổ thông văn xã, Gia Định, 1931); Nợ văn chương (Nhà in Châu Tịnh, Vinh, 1934) ; Những ngày phiêu bạt (ký), Nửa gánh tang bồng, Một chuyến về… ; Volontés d'existence (NXB France-Asie, Saigon, 1954); Le Fils de La Baleine (NXB Arthène Fayard, Paris, 1956) bản dịch tiếng Việt "Kẻ thừa tự của ông Nam Hải" của Nguyễn Thành Thống (NXB Văn học, Hà Nội, 1980); Le Domaine Maudit (NXB Arthène Fayard, Paris, 1961); Volontés d’existence (France-Asie, Sài gòn 1954)…; Le Boujoum (1980, Roman Dallas, Texas, USA, 2002 - tái bản) v.v...

Chúng tôi cũng đã từng thắc mắc tại sao thầy không viết văn bằng tiếng Việt và thầy cũng có giải thích, đại ý là thầy suy nghĩ và diễn đạt bằng tiếng Pháp sẽ nhanh và sắc sảo hơn. Tôi biết thầy nói thật vì thầy không phải là kẻ màu mè hay làm dáng. Thầy cư xử với chúng tôi tuy nghiêm trang nhưng giản dị và gần gủi, thỉnh thoảng pha chút dí dỏm rất có duyên.
Chắc hẳn nhiều người chưa gặp sẽ nghĩ thầy như là một ông “Tây học”, nói năng hay “chêm” tiếng Pháp chẳng hạn. Thật ra thầy giống ông đồ nho hơn, nhưng là ông đồ nho biết ngậm ống pipe… Khả năng tiếng Việt và hiểu biết về Hán Nôm của thầy như một người Việt chính thống, không chút xíu ngoại lai nào. Chúng tôi học tiếng Pháp tuy là sinh ngữ 2 nhưng khối lượng kiến thức cũng nhiều. Tôi nhờ may mắn được học qua 2 quyển Le Française élémentaire hồi lớp 6 và 7 nên vào lớp 10, 11 cũng có chút căn bản khi học Cours de language et de civilisation Françaises của G. Mauger. Các bạn chưa quen tiếng Pháp học vất vả hơn, nhất là ở phần analyse (phân tích câu giống như phân tích cụm chủ vị.. trong tiếng Việt hiện nay). Cho tới giờ tôi cũng chưa hiểu tại sao cách học tiếng Pháp lại kỳ công hơn tiếng Anh như vậy. Và trong một lần analyse, để cho dễ nhớ, thầy Nguyên có đặt câu vè: “Đi với động từ là épithète/ Đi với verbe être là attribute”…

Thật ra thầy cũng không phải là người chỉ biết chăm chăm vào việc giảng dạy kiến thức sách vở mà ngược lại thầy hay dùng những phút rảnh rỗi trong các giờ học để dạy chúng tôi về lẽ sống ở đời, cách cư xử với nhau, hay chỉ đơn giản là để trao đổi, tâm tình. Lớp tôi ban C nên có khá đông bạn gái. Một lần thầy đề cập đến vai trò của người phụ nữ và đưa ra một câu hỏi cho các bạn: Món rau sống rất ngon nhưng dọn ra mâm lại xồm xoàm quá, khó dùng đủa để gắp cho đầy đủ các loại rau, phải làm sao đây? Các bạn gái nhao nhao trả lời. Cuối cùng ý kiến của thầy là lấy bánh tráng mỏng cuốn chặt rau sống lại, cắt ra từng khúc cho vừa miếng, gắp ăn sẽ ngon và gọn gàng. Thầy nói đó chính là cái khéo léo của người nội trợ. Hay có lần lan man chúng tôi hỏi thầy sao trường mình cũ kỹ, không đẹp và bề thế như các trường khác. Thầy trả lời do trường nghèo quá, học phí cũng thấp hơn các trường khác, chỉ đủ để chi trả cho các thầy cô. Rồi thầy nói thêm giọng dí dỏm: “Thật ra ngày xưa trường mình cũng đẹp lắm đó, bàn ghế mới toanh, các cửa sổ đều có rèm che sang trọng lắm. Sau biến cố năm 63 người ta tới phá đó chớ” “Ai phá vậy thầy?” “Mấy ông cách mạng 63 chớ ai. Thầy cũng bị mấy ổng bắn gãy giò nè. Không thấy đi cà nhắc hay sao?” Chúng tôi cười ồ vì nghĩ thầy nói đùa cho vui. Thầy cũng cười và nói thêm: “Không tin à, cánh cửa nhà thầy vẫn còn lỗ đạn đó. Thầy vẫn để vậy làm kỷ niệm chơi. Đứa nào ghé lại thầy chỉ cho coi”. Sau tháng 4 năm 1975 tôi có học chung với cô bạn Cung Thị Cúc được mấy tháng. Cúc là cháu gọi thầy Nguyên bằng bác ruột, sống cùng mẹ và chị trong căn nhà nhỏ nằm ở một góc vườn trong khuôn viên nhà thầy, ra vào chung một cổng chính. Mấy lần tới chơi tôi cũng để ý nhìn xem cái cửa nhà thầy nhưng vì đứng xa nhìn nên chả thấy gì. Rồi cũng ngại ngùng nên không dám hỏi han...

Thầy Cung Giũ Nguyên chưa bao giờ nói chuyện với học trò về “chính trị”. Có lẽ đây là chủ đề tế nhị quá nên thầy phải thận trọng. Nhưng có một lần. Đó là vào khoảng gần cuối học kỳ I niên khóa 1974-1975. Đang giờ Pháp văn của thầy thì có công văn hỏa tốc do văn thư mang đến lần lượt từng lớp. Công văn là lá thư kêu gọi thanh niên sinh viên học sinh hiến máu. Thời gian này chiến tranh đã tới hồi ác liệt. Binh lính bị thương từ cao nguyên chuyển về Quân y viện Nguyễn Huệ rất nhiều. Cái thị xã Nha Trang hiền lành của chúng tôi cũng xôn xao lo lắng. Thầy cho lớp nghỉ để ai tình nguyện thì đến bệnh viện gần đó hiến máu theo như yêu cầu của công văn. Lớp tôi cũng lần lượt ra về. Tôi biết đây chỉ là cái cớ để các bạn đi chơi. Ngoảnh lại chỉ còn năm bảy mống con trai ngồi chóc ngóc. Thầy nhìn tụi tôi cười cười: “Không đi à?” “Dạ không” “Còn có mấy đứa thì học hành gì đây”. Rồi thầy nói bâng quơ: ”Thôi thì đến nước này mỗi người phải tự thương và lo cho chính bản thân mình đi”. Chúng tôi tự nhiên cũng thấy buồn: “Sao chiến tranh hoài vậy hả thầy? Khi nào thì hết? Và ai sẽ thắng?”. Thầy trầm ngâm trả lời: “Thầy cũng chưa biết bao giờ sẽ hết chiến tranh, nhưng chắn chắn một điều là phần thắng sẽ thuộc về phe xã hội chủ nghĩa”. Chúng tôi ồ lên thất vọng: “Vậy thì sao hả thầy? Bao giờ?”. “Cũng không lâu nữa đâu, chậm nhất là khi mấy đứa đang ngồi đây khoảng hai bốn hai lăm tuổi là cùng”. Chúng tôi lo lắng: “Vậy chủ nghĩa xã hội thì sao hả thầy?” Thầy cười cười: “Đặc điểm của xã hội chủ nghĩa là có rất nhiều anh hùng. Quét rác cũng là anh hùng, đứa nào gánh phân giỏi cũng sẽ là anh hùng”. Thấy thầy quay trở lại với cách nói đùa dí dỏm chúng tôi cũng hả miệng cười theo. Thầy nói tiếp: “Chừng đó thầy trò mình sẽ lên Thành gánh phân về bón cho mấy miếng ruộng dưới này. Thầy già rồi, gánh vài năm rồi cũng sẽ chết thôi. Mấy đứa này gánh lâu à nghen…”. Chúng tôi nhe răng cười hì hì… Té ra thầy đoán cũng sai, hai bốn hai lăm gì đâu, chưa đầy nửa năm sau miền Nam đã thua trận và đầu hàng. Dĩ nhiên thầy và chúng tôi cũng chẳng ai phải lên Thành gánh phân để trở thành anh hùng. Nhưng ngẩm lại những ẩn chứa bên trong cách ví von của thầy đem so với toàn cục thì cũng chả sai chút nào…

Sau tháng 4 năm 1975 thầy Cung Giũ Nguyên không còn làm hiệu trưởng nữa. Thầy Võ Hồng tạm thời được cử ra điều hành công việc của hiệu trưởng để lo cho chúng tôi, những ai còn ở lại, học thêm hai ba tháng cho hết chương trình của năm học còn dang dở. Trong mấy tháng đó, thỉnh thoảng tôi có đi qua lại nhà thầy ở 60 Hoàng Tử Cảnh nhưng không dám gõ cửa vào thăm, chỉ ngồi chơi bên nhà hai chị em Cung Thị Lan và Cung Thị Cúc, nhìn qua phía nhà thầy cửa đóng buồn thiu... Năm học tiếp theo tôi không còn ở Nha Trang nữa…

Được biết sau năm 1975 thầy vẫn tiếp tục làm việc tại trường Đại học Cộng đồng Duyên Hải Nha Trang, và bởi vì không còn lớp tiếng Pháp nên thầy được giao cho việc bảo quản thư viện. Với tinh thần ham học hỏi, chính mấy năm làm việc ở đây thầy đã đọc thêm rất nhiều sách báo và tài liệu. Cũng trong thời gian này thầy viết cuốn Journal du Kauthara (Nhật ký Khánh Hòa). Đến năm 1979, bước vào tuổi bảy mươi, thầy vẫn được ngành y tế mời dạy tiếng Pháp cho các y bác sĩ, đồng thời phụ trách thư viện, lập lại danh mục, giúp tìm tài liệu chuyên môn cho bác sĩ. Qua đó thầy lại tiếp tục tự học hỏi khá nhiều, qua những tài liệu sách báo phải đọc để xếp loại. Và cũng chính lúc này thầy đã có cơ hội tiếp xúc với những sách lý thuyết về inforatique (thông tin học) trước khi biết đến máy vi tính, và sử dụng một cách thành thạo sau này. Ngoài ra thầy còn được thỉnh giảng cho đại chủng viện và các dòng tu trong tỉnh.

Trong những năm cuối đời, thầy vẫn miệt mài làm việc bên chiếc máy vi tính mỗi ngày mà không cần người phụ giúp: hoàn thiện những bản thảo còn dang dở, hệ thống lại toàn bộ tác phẩm, dịch ra tiếng Việt những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp… Khối lượng công việc thì đồ sộ mà quỹ thời gian còn quá ít. Thế nhưng: “Không viết nữa thì làm gì!” - thầy vẫn hay nói với những người mà thầy tiếp xúc - “Đời người như một miếng da lừa, mỗi ngày nó teo tóp đi một chút. Dân gian thường nói cá ươn, ươn từ cái đầu. Con người cũng vậy, phải bắt cái đầu nó làm việc đừng để nó hư. Nên sống lạc quan và biết cười”.

(Gần trọn một thế kỷ dành cho các việc tự học, đi, viết và dạy học. Phương châm sống của ông gói gọn trong 4 từ nguyên hanh lợi trinh. Ông giải thích với tôi: “Nguyên là nguồn gốc - bất kỳ một việc gì cũng phải truy tìm cho được nguồn gốc và giải thích câu hỏi tại sao. Hanh là hanh thông - vượt lên những khó khăn; khi gặp khó khăn ta chia vấn đề ra thành những vấn đề nhỏ, từ vấn đề nhỏ chia thành những vấn đề nhỏ nữa và giải quyết từ từ. Lợi là lợi ích, lợi ích của mình phải gắn liền với lợi ích của người khác, những điều viết ra làm sao cho nhiều người trên thế giới đọc được. Trinh là hòa hợp - hòa hợp ở đây có 3 ý: hòa hợp với thượng tôn, hòa hợp với tha nhân và hòa hợp với chính mình. Trong mỗi con người đều tồn tại ông thiện và ông ác, nhờ thượng tôn và những người xung quanh giúp đỡ để hòa hợp với chính mình “.
Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng về nhận định của ông khi giới trẻ bây giờ không thích đọc sách, ông trả lời bằng cách nói về dấu “…” bắt đầu và kết thúc trong Le Boujoum: “Cuộc đời không có chấm dứt, từ không đến có, rồi lại từ có đến không, qua những giai đoạn thành, thịnh, suy, hủy, rồi thành, từ khôn đến càn, rồi lại từ càn đến khôn, qua những giai đoạn thiếu âm, thái dương, thái âm, thiếu dương, mà vật lý học cho thấy qua điển hình của vòng Mobius… - một ngày kia người ta sẽ trở lại việc đọc sách”. Đó là câu nói khẳng định rất tự tin của ông - một người sống và viết gần một thế kỷ có rất nhiều biến động với một cuộc đời sôi nổi và đầy sáng tạo.) (Trích bài viết của Đào Thị Thanh Tuyền).

Thầy Cung Giũ nguyên mất ngày 07/11/2008, thượng thọ 99 năm, nếu tính theo tuổi ta là tròn 100 tuổi. Trong điếu văn tang lễ thầy, đại diện các thế hệ học trò của thầy có nói: “…Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của Thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học. Những bài học vô cùng quý giá vì nó thật sự quan trọng cho cuộc đời và vì không chắc học trò nào khi đến trường đều được dạy theo một cường độ và cung cách như vậy. Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi nói lời vĩnh biệt Thầy: Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng.


Cung Thị Lan

Thiết tưởng cũng nên viết thêm một chút về hai cô cháu gái của thầy: Cung Thị Lan và Cung Thị Cúc. Cả hai chị em đều bước tiếp con đường sư phạm của thầy. Đặc biệt, cô chị Cung Thị Lan sau thời gian dạy học tại Việt Nam đã sang Mỹ. Chị tiếp tục học và tốt nghiệp Cử nhân Giáo dục Trẻ Em (B.A. Early Childhood Education) năm 2004 tại University of the District of Columbia (UDC), tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục Trẻ Em Khuyết Tật (Master in Special Education) năm 2010 tại George Mason University (GMU) và hiện làm việc cho Ban Phục Vụ Giáo Dưỡng Trẻ Em thuộc Bộ Xã hội Hoa Kỳ. Chị còn được nhiều người biết đến với tư cách là một nhà văn và là một huynh trưởng hướng đạo.

Ghi chú: Bài viết này chưa đề cập đến thầy Cung Giũ Nguyên trong vai trò là một huynh trưởng lão thành của Hướng đạo Việt Nam. Tên rừng của thầy là “Vịt bể”.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9