Thương hồ - giang hồ
Huyền Băng 10.10.2005 10:17:59 (permalink)
Vài nét về Ông và Ba!

Ông tôi mất lúc tôi còn rất nhỏ, thế nhưng tôi vẫn không quên được hình ảnh của ông. Hinh ảnh một nhà nho tiêu biểu. Gương mặt chữ điền, dáng người mãnh khãnh, đầu lúc nào cũng đóng khăn, với chiếc áo the đen, chiếc quần vải trắng. Râu ông dài đến ngực và lúc đó hình như đã bạc rồi. Giọng nói của ông chậm rãi, từ tốn. Ông đi đâu cũng có chiếc gậy trong tay. Và khi nói chuyện thỉnh thỏang đưa tay vuốt chòm râu bạc trông thật hiền từ. . . Tôi không biết nhiều lắm về quá khứ của ông, chỉ biết ngày xưa ông là một thầy giáo dạy chữ nho ở làng, nhưng khi chữ quốc ngữ bắt đầu thịnh hành thì việc giảng dạy của ông cũng dần mai một.

Trước đó người ta bảo nhất sĩ, nhì công, tam nông, tứ thương. Giai cấp buôn bán là giai cấp thấp nhất trong xã hội. Việc giảng dạy không còn là kế sinh nhai cho gia đình, ông và bà tôi sắm mấy cái ghe tam bảng dọc theo dòng sông Hậu chở mắm, rau quả lên Sài Gòn bán, rồi mua hàng hóa từ Sài Gòn về dưới. Ông tôi để một chiếc ghe ở nhà cho các con ở nhà thu mua, ông bà tôi thì chèo ghe lên thành phố. Khi hàng hóa giao bỏ hết thì quay về đã sẳn có chiếc ghe kia. Cách làm ăn buốn bán như vậy người ta gọi là đi ghe thương hồ... Thế nhưng ông tôi luôn giữ nề nếp xưa cũ, và lúc nào cũng nghiêm trang tề chỉnh, con gái thì dạy công, ngôn, dung, hạnh, con trai thì dạy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ông tôi nghiêm trang là thế, nhưng ba tôi thì lại quá quậy. Ba tôi kể, mỗi lần ông bà đi là ông như chim sáo sổ lòng. Phá phách đã đời luôn. Có một lần gánh hát về hát chợ quận, ba tôi muốn đi xem hát, nhưng lại không có tiền. Thế là ông ra gặp ông bầu gánh xin được nhận chân đi quảng cáo. Ông bầu giao cho ba tôi cái bảng quảng cáo đeo trứơc ngực, vừa đi vừa cầm loa rao, vừa đánh cái trống nhỏ: tùng! tùng! tùng, “Tối nay có tuồng Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, bà con mua vé ghé coi” – tùng ! tùng ! tùng! Đi dão hết đầu trên xóm dưới quảng cáo rùm beng, thế là tối hôm đó ba tôi được mấy cắc vào xem hát. Hôm sau thì lại : tùng! tùng! tùng! “Hôm nay Bao Công Xử án Quách Hòe đây” tùng! tùng! tùng! Xui cho ba tôi gặp một người trong xóm họ hỏi nhau: phải thằng Ba con ông đồ không? Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, chẳng được nữa buỗi đã tới tai bà mợ, là người ông bà nội tôi giao chăm sóc giùm mấy đứa con. Thế là bà mợ tìm theo dấu vết Bao Công, Quách hòe lôi về đánh cho một trận về tôi làm xấu hổ gia đình. Đấy là quan niệm hủ nho, chớ thật sự thì đâu có cái gì xấu đâu khi đi gõ trống kiếm tiền đi xem hát! Việc quảng cáo hát tuồng hồi xưa là như vậy. Lần đó, ông nội tôi mua về một ghe tô chén để bán cho người trong huyện, ba tôi được cắt rửa chén sau khi ăn cơm, mấy cô thì đi vào vườn thu mua cây trái, gạo. Ba tôi thích chơi thể thao đá banh, nhưng nội tôi không cho, nói: “Gánh nước tưới trầu đi, cũng là thể thao vậy? Nhân ông không có ở nhà, mấy cô cũng đi khỏi, ba tôi tranh thủ đi đá banh và gởi chén cho hà bá rửa..., chẳng bao lâu ghe chén bán hết nhưng tiền thì không có bao nhiêu. Và khi nội tôi sắp về ba tôi phải lặn xuống hỏi hà bá lấy lại. . . Có một lần ông đi lên Miểu thần hòang, thấy một hình nhân nho nhỏ để trên bàn trông cũng ngồ ngộ, ông nghĩ mình mượn bỏ túi đem về nhà chơi, ít bữa đem trả. Ngày hôm đó cả quận huyện quýnh quáng lên vì mất ông thần ông thánh gì đó.. Chuyện gì xảy ra cả làng cả xóm đều biết (nhà quê mà!). Bà mợ tôi hay chuyện lại thấy ba tôi mang ông thần về chơi liền lên báo làng. Vậy là cả làng làm đám rước long trọng, kiệu lộng đến đón thần về, vừa đi vừa dọng chiêng gỏ mỏ vừa làm lễ xin lỗi thần. Ba tôi nói. lúc đó ba nghĩ, sao mình bỏ túi nghe gọn quá mà họ rước đình đám mắc công quá. Có lẻ lúc đó ba tôi còn nhỏ ham chơi mà không biết sự quan trọng của tín ngưởng. Và hình như lúc đó ba tôi quậy nhất làng. Đến năm mười tám tuổi, máu giang hồ nổi lên trong ông. Ông đã cùng mấy người bạn chèo 1 ghe tam bảng gạo đi giang hồ. Trong trí óc non nớt lúc ấy, các ông nghĩ rằng có thể đem ghe gạo lên thành phố bán rồi có tiền lời chèo ghe đi đây đó rong chơi. . . Trong phim kiếm hiệp mình thấy các anh hùng kỳ hiệp với thanh kiếm trong tay đi hết đó đây, không thấy làm cái gì sống mà vẫn phây phây, thậm chí không thấy tắm giặt thay đồ nữa! vậy mà lúc nào áo quần cũng tươm tất. Ba tôi nói, đi giang hồ không phải là như vậy, có lúc ông phải theo ông Nguyễn An Ninh bán dầu cù là. Chuyến du hành của ông kéo dài từ sông Hậu đến Sài gòn rồi lần mò ra đến Hà Nội.Chặn đượng chắc cũng nhiều cam go lắm, cuối cùng mấy ông hết tiền phải bán ghe, và về quê chỉ còn cái quần xà lỏn. Trong quá trình giang hồ đó, ông quen biết rất nhiều bạn bè. Ông sống với họ như thế nào tôi không biết, nhưng mỗi lần đi xa, có dịp ghé ngang nhà họ là họ lật đật chợ búa cơm nước thịnh sọan mời ông. Nếu muốn nghĩ mát ở Vũng Tàu, thì chỉ lái xe đến đó, và họ đưa chìa khóa nhà riêng ở trên núi cho nghĩ ngơi bao lâu cũng được. Cuộc sống lúc đó sao tình nghĩa, sao dễ dãi quá! Thậm chí có ông còn bảo: “Tôi có hai cái Kiot, anh lấy một cái để cho mướn đồ tắm, bán nước đi, kiếm tiền cũng được lắm. Nhưng cái tư tưởng hủ nho hình như vẫn còn trong ông, và ông bảo nhà có con gái không bán nước được. Đúng là cổ hủ phải không? Nhưng thời nào theo thế đó. Nhà tôi cũng rất dễ dãi, lúc nào con cháu ở dưới quê cũng lên học ở rất đông, hết người này đi lại kẻ khác đến, không có gì là e dè hết. Bậy giờ cho một người ngòai vào nhà thì phải đắn đo suy nghĩ. Tại sao vậy? Thiên hạ mất chất nhiều quá phải không?

Hồi đó, không phải là không có người xấu! nhưng có lẻ ít. Tôi còn nhớ ba tôi có một người quen xin đến phụ việc. Nhưng khi giao việc cho họ, họ lại lợi dụng lúc ba mẹ tôi vắng nhà gom tiền trong tủ, cùng chiếc xe Mobylette ra đi. Ba tôi cũng cớ bót, nhưng một năm sau gặp lại, ông kia năn nỉ ỉ ôi, than đói khổ. Thế là ông lại cho làm trở lại. . . và mấy lần như thế. Tôi không hiểu tại sao ba tôi dễ tha thứ cho họ quá. Có lẽ trong những ngày tháng lưu lạc giang hồ, gặp nhiều cảnh khổ nên ông dễ cảm thông cho họ. Bạn bè sa cơ lở vận, đến ông nuôi giúp là chuyện thường, có người ốm nuôi đến chết rồi lo ma chay luôn nữa. Chuyện này ở thời này tôi thấy khó có thể xảy ra., dù mình rất muốn bắt chước ông. Ba tôi nói: “ông nội bây không có ý để lại gia tài cho con cái, chỉ muốn để cái đức lại cho con, vì ông nội bây nói; Có Đức mặc sức mà ăn, ba cũng vậy! Phi thương – bất phú. Làm ăn nếu không gian manh thì khó giàu lắm. Ba chỉ để đức cho tụi con thôi!

Bao nhiêu năm qua. Lời nói của Ông, của Ba tôi vẫn chiêm nghiệm. Và có lẻ họ nói đúng. Chúng tôi chấp nhận cuộc sống đủ ăn, nhưng tâm hồn thanh thản. . .


Huyền Băng
<bài viết được chỉnh sửa lúc 11.10.2005 04:45:18 bởi Huyền Băng >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9