Kỷ niệm đêm Noel
hai1957 13.12.2012 11:14:35 (permalink)
Kỷ niệm đêm Noel


(Noel nhớ về mẹ)



Trước biến cố 1975 khoảng vài tháng, gia đình tôi chuyển từ Nha Trang về sinh sống tại một giáo xứ trong cùng địa phận. Lý do chuyển đi bởi vì sau hơn 20 năm làm việc trong ngành tài chính tại Trường hạ sĩ quan Đồng Đế, ba tôi được thăng cấp chuẩn úy, mà cái cấp bậc này không còn cơ số - bây giờ gọi là biên chế - ở nơi này nên phải tìm đơn vị mới. Ông quyết định chọn Ban Mê Thuột vì đây là nơi cách đó hơn 20 năm ông đã từng khởi đầu cuộc sống. Gia đình tôi được sắp xếp chuyển về một vùng nông thôn với suy nghĩ kiếm một mảnh đất để trồng trọt. Phần tôi tiếp tục trọ học tại Nha Trang.

Sau 1975 tôi về với gia đình, ba tôi và anh tôi đi cải tạo. Còn nhớ cái địa chỉ mấy lần má tôi đi thăm nuôi ba tôi là trại cải tạo Thanh Giáo, Gia Lai. Anh tôi thì cải tạo ở gần nên việc thăm nuôi cũng dễ dàng hơn chút đỉnh. Bấy giờ tôi là đứa lớn nhất trong nhà nên cũng có ý định nghỉ học để làm việc gì đó giúp đỡ gia đình. Má tôi không cho. Bà nói chỉ còn có một lớp 12 nữa thôi, đi học thêm cho xong, biết đâu sau này có chút chữ nghĩa sẽ làm việc gì đó nhẹ nhàng hơn. Vậy là năm học tiếp theo tôi “khoai đùm mắm dỡ” lội bộ mỗi ngày năm bảy cây số để đi học “cho xong”. Có lẽ đây là giai đoạn vất vả nhất của má tôi: vừa lo toan cho một bầy con nhỏ, vừa thăm nuôi chồng và con trai đang “học tập cải tạo”…

Rồi cũng qua đi, tôi học và thi đâu xong lớp 12 không lâu thì ba và anh tôi được thả về. Cả nhà xúm xít vào lam lũ làm việc để kiếm miếng ăn. Lúc này cái giáo xứ chúng tôi ở buồn thiu buồn thít, chỉ có sớm chiều thì râm ran tiếng đọc kinh cầu nguyện. Hình như trong những lúc khốn khó của cuộc đời con người lại chăm chỉ trò chuyện hơn với thượng đế. Tôi tham gia sinh hoạt trong ca đoàn và điều này đã giúp cho tinh thần tôi vui vẻ lên rất nhiều… Tuy nhiên cái khổ cực thân xác thật là mỏi mệt. Tự nhỏ đến lớn tôi chỉ toàn ăn bám cha mẹ, chưa hề làm việc gì nặng nhọc, bây giờ phải cuốc đất trồng khoai, nhổ mì, gánh, khiêng, mang vác… nhiều khi mệt muốn khóc.

Xót thương cho cái thân ốm yếu từ nhỏ của tôi, một hôm má tôi bỗng nói, con coi có chỗ nào xin đi học cái gì đó để kiếm cái nghề nhẹ nhàng hơn. Xem xét rồi lượng định cân nhắc mấy ngày, tôi nộp đơn thi vào trường Trung học sư phạm ở Tuy Hòa với suy nghĩ mình chỉ xin làm giáo viên cấp 1 thôi nên chắc là không đến nỗi bị xét nét gì nhiều. Và tháng 9 năm 1978, tôi đi học sư phạm.

xxx


Noel năm ấy, tôi náo nức về nhà để mừng đón Chúa giáng sinh. Vui vì sẽ được sum họp với gia đình trong ngày lễ trọng đại này, càng vui hơn nữa vì sẽ gặp lại bạn bè nam thanh nữ tú trong ca đoàn mà mấy năm qua tôi đã từng là một trong những thành viên nhiệt tình nhất. Đêm Noel, tôi diện một chiếc áo khoác ngắn màu trắng sữa mua được ở chợ trời trước đó. Không biết nên gọi cái áo khoác này là gì cho đúng, nhìn bên ngoài giống như áo vét nhưng chỉ có một lớp vải dày và không có vải lụa lót bên trong, cổ áo lại may kiểu bâu như áo ông Mao Trạch Đông chứ không bẻ ra. Nhưng dù sao trong cái không khí se se lạnh chút xíu của tháng 12 nam trung bộ, diện cái áo này vô cũng thấy mình tự tin hơn khá nhiều.

Thánh lễ nửa đêm xong vào khoảng 11 giờ khuya, chúng tôi bất ngờ nhận được lời mời của một anh bạn mời hết cả ca đoàn về nhà anh ta ăn réveillon. Thật là điều ngạc nhiên hết sức. Không phải ngạc nhiên vì chuyện ăn réveillon mà ngạc nhiên vì số lượng được mời. Ca đoàn cả nam và nữ cũng trên dưới 30 người chứ đâu có ít, mà trong những năm tháng đó cái ăn cái mặc đâu phải chuyện dễ dàng gì chứ. Nhưng rồi nghĩ lại, tiệc giáng sinh đâu cứ gì phải to lớn, cái chính là tinh thần, là gặp mặt nhau cho thêm phần vui vẻ, hạnh phúc. Thật ra so trong giáo xứ này nhà anh bạn tôi cũng vào hạng khá giả, bởi vì gia đính anh ta đã định cư lâu rồi nên đất đai và hoa lợi cũng nhiều, phương tiện làm ăn như bò, cộ, cày, bừa cũng khá là đầy đủ. Thế là chúng tôi hăm hở đi về nhà anh bạn, mấy cô gái vẫn còn mặc áo dài, vài cô khoác áo len, con trai thì ai cũng đang diện bộ đồ tây đẹp nhất của mình.

Bữa tiệc được dọn ra. Thật là linh đình. Tôi nhìn thấy có món gỏi chua, thịt gà luộc trắng hếu, tô cà ry vàng chóe thơm lừng, rau sống màu xanh, bánh mì vàng và có cả chai rượu trắng nữa. Tất cả đều lung linh sắc màu dưới ánh đèn măng sông treo cao trên trần nhà. Ba má của anh bạn tôi tế nhị rút vào nhà sau và anh bạn tôi nói cười vui vẻ lắm. Có mấy đứa ghé tai tôi thì thầm và tôi chợt nhận ra là anh bạn của chúng tôi đang để ý một cô bạn trong ca đoàn. Hèn gì mà thịnh soạn và vui thật! Cuộc tiệc đang giữa chừng với những nói cười râm ran thì bỗng từ trong đêm tối có tiếng hét thật to: “Tất cả ngồi im”. Tiếp theo là tiếng lên đạn lắc cắc. Tất cả đều giật mình im bặt, và từ trong bóng tối cửa nhà hiện ra một người đàn ông trung niên đội mũ tai bèo tay cầm súng. Phía sau cũng có khoảng năm bảy người trạc tuổi chúng tôi, tay cũng lăm lăm súng. À, chắc đây là du kích xã… Người đàn ông thông báo chúng tôi bị băt vì tội tụ tập bất hợp pháp và yêu cầu về đồn công an ở gần đó. Ba má anh bạn từ trong nhà chạy ra phân bua, nói chỉ là ăn tiệc giáng sinh thôi, và xin bỏ qua cho chúng tôi nhưng người đàn ông kia vẫn khăng khăng không chịu. Cuối cùng, cả “bầu đoàn” chúng tôi dưới sự áp tải của mấy cậu du kích đành phải ủ rủ đi về đồn công an với hy vọng đêm cũng đã khuya rồi, lại là đêm noel nữa nên chắc sẽ được tha nhanh chóng thôi. Nhưng chết thật! Cũng bởi vì khuya rồi nên chả có cấp nào cao hơn ở đây để giải quyết cả, chúng tôi phải bị nhốt lại. Văn phòng đồn công an không lớn lắm, chỉ vài cái bàn, vài cái ghế và chiếc băng dài. Thôi thì hy vọng cả nhóm bị nhốt chung ở cái văn phòng này cũng vui. Nhưng không. Chỉ con gái mới được ở văn phòng, con trai được đưa ra sau vườn, chia làm hai nhóm nhốt vào hai cái conex đen sì. Thôi rồi, kỳ này chắc cái áo khoác vía của mình sẽ bị dơ mất. Sau tiếng rầm của cánh cửa và tiếng chốt khóa bên ngoài, chúng tôi ngồi xuống, Trong đêm tối không nhìn thấy mặt nhau nhưng tôi biết đứa nào cũng đang buồn hiu hắt. Cuối cùng tôi cũng đành nằm xuống cái sàn lạnh ngắt, gối đầu lên tay và thao thức nghe tiếng ri rỉ côn trùng bên ngoài vọng tới. Không biết có ai cho má tôi biết để bà khỏi lo? Rồi còn đang học sư phạm nữa chứ, lén về chơi giáng sinh có phép tắc gì đâu, trường biết bị nhốt thế này có khi nó đuổi cổ… Lại tội cho mấy cô bạn trong kia, áo dài lượt thượt vậy sao mà nằm ngủ?

Sáng hôm sau chúng tôi được tập trung trở lại, lần này thì có cấp trên mặc đồng phục đàng hoàng. Mỗi người được phát cho tờ giấy và cây bút để viết bản tường trình, thuật lại đầu đuôi câu chuyện “ăn réveillon” đêm giáng sinh. Sau đó các cô bạn được tha về, còn bọn con trai chúng tôi phải ra vườn nhổ cỏ, mặc cho đứa nào đứa nấy đang “ăn diện” bộ áo quần dành dụm đẹp nhất của đời mình. Có lẽ câu chuyện cũng sẽ chẳng buồn nhiều nếu trưa hôm đó, ngày 25, má tôi đừng đem cơm đến cho tôi. Nhìn dáng bà tất tả khúm núm đến “thăm nuôi” tự nhiên tôi muốn khóc. Thử hỏi trên đời này còn có người đàn bà nào như những người đàn bà Việt Nam, mà má tôi là một người trong đó, lần lượt ngày qua tháng lại cơm dùm gạo dỡ “nuôi” chồng “thăm” con? Tự nhiên tôi thấy tủi thân và ráng lắm mới ngăn được hai hàng nước mắt… Chiều đó chúng tôi được thả về.


Sáng hôm sau tôi trở lại trường và số phận đẩy đưa để tôi chưa hề quay lại dù tôi chỉ quanh quẩn sống trên đất nước của mình. Thật lòng tôi không hề oán giận một ai. Những người đối xử với chúng tôi ngày đó chắc không biết mình đang làm sai. Và vào cái thời buổi chẳng có luật lệ gì thì lời nói vẩn vơ từ một cấp trên nào đó có khi lại thành ra luật lệ. Biết làm sao? Chợt nhớ trong một truyện ngắn của Guy de Maupassant kể về một anh nhà văn mời một cô gái mập mạp không quen biết về nhà ăn réveillon trong một đêm giáng sinh nọ. Bất ngờ cô ta sinh ra một bé gái sau bữa ăn và kéo theo nhiều hệ lụy cho anh chàng. Từ đó về sau anh ta rất ngại ngùng khi nói đến tiệc giáng sinh. Câu chuyện trên chỉ mang tính chất khôi hài. Còn câu chuyện của tôi là câu chuyện có thật và đau lòng. Và quả thực là từ đó về sau tôi không còn háo hức đêm Noel, không thích đàn đúm bạn bè trong dịp này. Thậm chí tôi chỉ đi lễ vào buổi chiều đó hoặc lễ sáng ngày 25. Tối giáng sinh tôi chỉ ngồi nhà và im lặng.

Chuyện qua đã lâu rồi và bây giờ tôi cũng không còn trẻ nữa. Nhưng mỗi lần có việc ngồi xe đò chạy trên quốc lộ ngang qua giáo xứ ngày xưa trong lòng tôi luôn dấy lên những ngậm ngùi thương mẹ, dù mẹ tôi khuất núi đã từ lâu…

(Thêm:
cũng có một chút vui: anh bạn mời ăn réveillon đêm đó sau này cũng lấy được cô bạn mà anh ta để ý. Hai người đã nên vợ chồng và có con cái. Chỉ tiếc là cách đây chưa lâu anh này bệnh mất và cô kia thành người góa bụa)



#1
    NgụyXưa 14.12.2012 01:03:34 (permalink)
    "Kỷ Niệm Đêm Noel" đã được mang vào thư viện dưới tên tác già "Lê Phú Hải" (Nếu có gì sai lầm xin cho biết để sửa chữa.)

    Xin cám ơn tác giả.
    #2
      hai1957 14.12.2012 09:23:31 (permalink)
      Cảm ơn anh Ngụy Xưa

      Lê Phú Hải
      #3
        hai1957 15.12.2012 12:04:36 (permalink)
        THÊM MỘT KỶ NIỆM BUỒN




        Nhà tôi có khá đông anh em, ngoài ông anh trai lớn hơn năm tuổi tôi còn có tới năm đứa em nữa, một trai bốn gái, trong đó hai đứa kề tôi và hai đứa nhỏ nhất là gái. Ngoài đứa em gái út được sinh ra tôi còn nhớ rất rõ (vì nó nhỏ hơn tôi một giáp) và đứa kề út tôi có nhớ mang máng thì khi vừa có trí khôn tôi đã thấy có sẵn hai đứa em gái và thằng em trai rồi. Dĩ nhiên những đứa kề nhau thì gần gủi với nhau hơn.

        Kể ra cũng phải công nhận ba má tôi giỏi thiệt. Đồng lương lính tráng giữa thời buổi chiến tranh mà nuôi cả bầy con đang tuổi ăn tuổi học là quá tài. Dĩ nhiên tôi cũng cảm nhận được nhà mình hơi nghèo, nghèo từ cái nhà mái tôn vách ván ở lưng chừng Núi Sạn và nghèo trên những bộ đồ chợ má tôi mua cho chúng tôi trong những ngày lễ tết… Nhưng vui! Người ta thường nói “của không ngon đông con cũng hết” mà.

        Em kề tôi là con Hoa, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Con này mập mạp, khỏe mạnh và rất tháo vác, chuyện gì nặng nhọc nó đều làm được một cách dễ dàng. Một hôm nó từ ngoài đường chạy về khóc lu loa rồi nói: “Người ta nói con là con nuôi, hu hu…” Má tôi nạt: “Đứa nào nói tầm bậy dữ vậy. Đừng có nghe lời người ta. Nuôi gì mà nuôi chớ”. Nó thút thít một chút rồi lại quên, chạy đi chơi tiếp tục.

        Sau này lớn lên, nó cũng còn vài lần buồn vì chuyện này do có nghe ai đó nói xa nói gần. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp nó đứng trước gương soi rất lâu. Mà cũng rất đáng để băn khoăn. Con Hoa có nước da ngâm đen trong khi trong nhà ai cũng trắng, trừ tôi và thằng em dang nắng tắm biển cả ngày thì không tính. Nó có mái tóc quăn trong khi tóc ai cũng suôn đuột. Khuôn mặt đẹp, mũi cao, môi dày một cách đầy đặn (môi tôi mỏng dính), đặc biệt đôi mắt ẩn sâu nhìn y chang mấy cô diễn viên Ấn Độ trên xi nê lúc đó. Có lần tôi dò hỏi má tôi, bà chỉ nói “Tào lao, đứa nào nói chuyện này tao đánh chết” rồi bỏ đi.


        Trong khi con Hoa vẫn còn đang phân vân nghi vấn thì đến năm 1975. Các biến cố xảy ra dồn dập cuốn hút mọi người trôi theo cái guồng quay mới. Cả nhà tôi tất tả cuốc cày khiêng vác để kiếm miếng ăn, và con Hoa cũng tạm thời quên đi cái thắc mắc ngày nào. Nó làm việc như điên, trở thành một lao động chính của gia đình tôi trong những ngày cơ cực. Gần cuối năm 1979, tôi vừa xong khóa đào tạo giáo viên cấp 1 cũng vừa lúc gia đình tôi nhận giấy gọi đi kinh tế mới. Đây là đợt điều động đi kinh tế mới lần thứ hai. Lần thứ nhất vào cuối năm 1976 và anh tôi đã xung phong đi thay cho cả nhà với hy vọng người ta sẽ bỏ qua cho ba tôi. Nhưng người ta vẫn nhớ và gia đình tôi một lần nữa lại “lên đường”. Tôi ra trường được phân công về dạy học tại nơi ở cũ nhưng bây giờ biết về với ai? Cầm quyết định tôi đến cơ quan Giáo dục xin đổi lại về kinh tế mới, nơi gia đình tôi vừa chuyển đến. Dĩ nhiên tôi được khen ngợi nức nở vì đã tình nguyện đi dạy học vùng kinh tế mới! Tôi cũng chả dại gì nói rõ lý do, chỉ tủm tĩm cười vui một mình.


        Cuộc sống ở kinh tế mới có lẽ nhiều người đã biết, tôi sẽ ghi lại trong một dịp khác vì ở đây đang nói về con Hoa, em tôi. Ở vùng đất mới này, ngoài ba má tôi thì nó là đứa có công nhiều nhất trong việc khai khẩn đất hoang, gieo trồng, thu hoạch. Tôi thì chỉ thỉnh thoảng theo ba tôi đi phát rẫy trên một sườn núi toàn tre gai, công lao không có gì đáng kể. Đối với tôi, những năm tháng ở đây tuy khổ cực nhưng vui. Vui vì ai cũng khổ nên không còn thấy mình khổ nữa. Vui vì ở vùng kinh tế mới này tôi là “thầy giáo” nên có nhiều bạn bè là đồng nghiệp từ các nơi khác đến. Các bạn tôi ở tập thể, chỉ có tôi sau buổi dạy là về với gia đình, ấm áp và ủi an.

        Năm tháng trôi qua, chúng tôi đứa nào cũng trưởng thành và lúc này thì tôi đã biết con Hoa em tôi là “con nuôi” thiệt. Ba má và tôi nói chuyện riêng với nhau. Má tôi nói con Hoa đã mấy lần hỏi thẳng và bà luôn phủ nhận. Ba tôi đưa ra ý kiến: “Hay là tôi nói nó là con riêng của tôi? Nuôi nó từ hồi mới đẻ tới giờ mà nói cho nó biết là con nuôi thì tội nghiệp quá đi. Khổ cái là nó khác quắt, không giống đứa nào trong nhà, biết giải thích sao đây?…”. Má tôi chép miệng: “Cũng tại mấy ông mấy bà trong dòng họ nhà mình nói ra chớ người ngoài có biết gì đâu mà nói”.
        Chuyện còn chưa biết tính sao thì em tôi có “bồ”. Bạn trai nó bằng tuổi tôi, nhà ở xóm bên cạnh, là dân quê lâu đời ở địa phương chứ không phải người thuộc vùng kinh tế mới. Kẹt cái là người ngoại đạo nên việc hai đứa đi lại với nhau không suôn sẻ chút nào. Cả hai rất đều rất sợ tôi vì tôi là người phản đối gay gắt nhất. Phần vì lý do tôn giáo, phần vì nhà bạn trai nó mẹ góa con côi quá nghèo, tôi sợ em tôi về đó sẽ càng khổ thêm. Ba má tôi còn đang loay hoay tính toán cho bạn trai nó học đạo thì nó có bầu, chương trình cưới hỏi theo luật đạo coi như dở dang. Theo luật của người công giáo, cuộc hôn phối này là không hợp pháp, nhưng kệ ai muốn nói gì, ba má tôi cũng tổ chức một mâm cơm đơn giản có gia đình hai bên để chính thức công nhận hai đứa là vợ chồng. Em tôi về với bên chồng từ ngày đó. Tôi nhớ đó là khoảng giữa năm 1985.


        Mùa Noel năm đó, em tôi bị sốt rét nặng. Ba má tôi đưa về nhà mời thầy thuốc đến chữa trị. Bệnh mỗi lúc mỗi nặng thêm, nó nằm sốt li bì. Ba má tôi nói người đang có thai mà bị bệnh sốt rét là rất nguy hiểm nên vội đưa nó lên bệnh viện huyện. Lễ giáng sinh đã gần kề. Đêm 24 sau thánh lễ tôi ghé bệnh viện thăm, nó vẫn nằm im re trên giường he hé mắt nhìn tôi không nói gì, có lẽ nó quá mệt. Má tôi ở với nó cả ngày cũng vừa về nhà nghỉ sớm để chuẩn bị đi lễ sáng 25. Tôi dặn dò chồng nó mấy câu rồi cũng lết thết đi bộ về nhà, nhà tôi cách trung tâm huyện khoảng bảy cây và cách nhà thờ gần mười cây số.

        Sáng hôm sau vừa thức dậy tôi đã thấy chồng nó thất thểu bước vô nhà, vừa khóc vừa mếu máo: “Con Hoa chết rồi”. Tôi sững sờ một chút rồi hỏi: “Chết lúc nào?” “Hồi 4 giờ sáng”. Cả nhà tôi xôn xao, tôi ngồi im chết điếng trong lòng.

        xxx


        Ở trên tôi chưa đề cập tới, quê quán sinh đẻ của ba má tôi chính là cái huyện miền núi này, nơi có vùng kinh tế mới mà chúng tôi đang cư trú. Bản quán của má tôi là một họ đạo lâu đời, nằm cách thị trấn huyện lỵ chừng ba cây số, nhà thờ duy nhất của giáo xứ cũng tọa lạc ở đây. Ngày xưa đất đai của ông ngoại tôi để lại khá nhiều, dĩ nhiên bây giờ là của hợp tác xã hay của nhà ai đó. Tháng 12 dương lịch là lúc vừa hết mùa mưa, trời lạnh và không ướt át nữa nhưng đường sá còn lầy lội vì không có chỗ để nước rút đi. Nghĩa trang Công giáo nằm cạnh nhà thờ vẫn còn ngập nước tới ống chân. Mà em tôi chết thì không được đưa vào nhà thờ hay chôn ở nghĩa trang công giáo vì đã vi phạm về Bí tích hôn phối, một trong bảy phép bí tích của người công giáo. Tôi nói với má hay là để con xin với cha sở xem sao, cha ngày xưa là cha linh hướng của con hồi ở tiểu chủng viện. Má tôi nói thôi đừng phiền, mình phạm luật mà còn xin xỏ thì sẽ làm khó cho cha, dù cha rất hiền và đạo đức. Hơn nữa nghĩa trang ngập nước kiểu này thì chôn cất gì được.

        Việc chuẩn bị chôn cất được chuẩn bị vào sáng ngày 25. Chúng tôi không đưa em về nhà vì ngược đường. Từ bệnh viện đến thẳng nơi chôn cất gần hơn. Chồng của em tôi mượn được đâu đó một cái cộ nhưng không mượn được bò. Nó nói với ba tôi thôi để con kéo cũng được. Má tôi đã đi từ sớm để thỏa thuận với mấy người quen về nơi chôn cất em tôi. Đó là cái mô đất ở một góc ruộng nhô cao phía sau nhà ông ngoại tôi ngày xưa, nơi cũng đã có vài ngôi mộ chí cũ kỹ của vài người họ hàng xa nào đó của má tôi. Chồng em tôi choàng sợi dây vào vai kéo đi phía trước, bước chệnh choạng giữa hai cái càng. Tôi và thằng em mỗi đứa đẩy mỗi bên phía sau. Ba tôi lửng thửng bước đi phía sau nữa. Cái hòm bằng gỗ tạp gập ghình theo từng vòng bánh xe lăn, đi qua những vũng lầy tung tóe nước. Cả đám tang chỉ có vỏn vẹn chừng đó người vì hai đứa em nhỏ của tôi còn phải coi nhà, không thể đưa chị về nơi an nghỉ. Cái cộ - bò - người - kéo chở em tôi lặng lẽ đi qua nhà thờ, hướng về phía khu vườn, nơi có mấy đứa trai trẻ má tôi đã nhờ vả được đang đứng chờ để chuyển xác em tôi từ cộ bò ra huyệt mộ. Nước mắt tôi chảy ngược vào lòng. Con Hoa, em tôi chết mà vẫn còn ấm ức vì chưa có câu trả lời rõ ràng về nguồn cội. Tôi nói thầm trong bụng, Hoa ơi, thôi nghỉ ngơi đi cho khỏe, mình đã sống cùng nhau buồn vui suốt hai mươi mấy năm trời, con đẻ và con nuôi gì nữa, cội nguồn gì nữa mà ngóng trông?
        #4
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9