Bếp lửa những chiều mùa đông thường đỏ rực cho tôi cảm giác ấm lòng khi gia đình chúng tôi ngồi quây quần bên nhau.
Bây giờ không còn ai…
Tôi nhìn qua khu vườn nhà đại úy Biên. Hoàn toàn quạnh hiu, buồn bã. Sau biến cố 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đỗ, đại úy Biên đã bán nhà ra đi. Ông mua nhà ở Phủ Cam để sống cùng với họ Đạo.
Tôi nhớ sinh hoạt trong ngôi nhà của đại úy Biên mỗi mùa Nô En như một kỉ niệm khó quên. Khu xóm Chợ Dinh toàn là dân ngoại đạo, đa số đều theo đạo thờ cúng ông bà và thờ Phật. Chỉ riêng mình nhà đại úy Biên là Thiên Chúa giáo.
Đêm 24 tháng 12, dù thế nào, tôi cũng được đại úy Biên cho tôi vào xem hang Bê Lem, nơi Chúa giáng sinh. Tôi tò mò nhìn hang động, những đám cỏ xanh non, những cành cây lá xanh che bóng cho những con thú đang quỳ xuống, đón chào Chúa vừa ra đời. Phía trong hang, Chúa nằm trong máng cỏ. trên cao là hình những chú bé có đôi cánh dang rộng bay xuống. Tất cả tạo thành một thế giới ấm cúng, thu nhỏ, văng vẳng tôi nghe tiếng hát của một dàn đồng ca: “Đêm đông lạnh lẻo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá bên máng lừa. Trong hang Bê Lem, ánh sáng chói lòa nhấp nhô, …”. Trong thời khắc ấy tôi thấy mình trở thành một con chiên ngoan đạo. Trên bàn thờ là hình chúa Giê Su đang bị đóng đinh, khuôn mặt người Tây Phương có râu xồm xoàn cho tôi một cảm giác xa lạ, kèm theo lòng hoài vọng pha chút sợ hãi. Tôi thích nhất là cây Thông ở góc nhà. Đây là một cây thông thật được đại úy Biên lấy từ đồi Thiên An. Ở mỗi cành thông treo những gói quà với đủ loại giấy nhiều màu sắc, lắp lánh ánh sáng của chất lumineur rất vui mắt. Đại úy Biên nhìn tôi và hỏi:
- Mi thích không?
Tôi gật đầu không đáp.
Đại úy Biên dẫn tôi vào một góc phòng, chỉ cho tôi xem những ống tròn dài có những kí hiệu, giòng chữ mà tôi không quan tâm. Ông nói:
- Chốc nữa sẽ có bắn pháo hoa đẹp lắm.
Điều đại úy Biên nói cũng là điều tôi chờ đợi. Từ những ngày trước, mỗi lần qua chơi, ngồi hơ lửa bên bếp, ông đã quảng cáo trước về những chiếc pháo bông mà ông sẽ cho bắn vào đêm Nô En để mừng Chúa giáng sinh.
Và rồi phút giây chờ đợi cũng đã đến, đúng 12 giờ đêm, khi tiếng chuông nhà thờ ở đâu đó giống từng hồi rộn rã, đại úy Biên đã cho anh Châu, con trai của ông tung những chiếc pháo hoa lên bầu trời đêm lạnh giá, một vùng tối om bây giờ bùng lên ánh sáng đủ màu sắc theo những ngôi sao, những đường đi tạo thành những hình ảnh đẹp.
Khi kết thúc, anh Châu đã cho tôi một chiếc dù màu trắng mà anh nhặt được từ trên cao rơi xuống để làm quà kèm với một túi bánh kẹo. Tôi mở to mắt ngập tràn niềm vui sướng.
Mùa Noel tôi tham dự nhà đại úy Biên hàng năm trở thành thân quen, với không khí ấm cúng, với niềm yêu thương thánh thiện, đêm Noel đã mang lại cho tôi một tình cảm dạt dào khó tả. Thời gian biến đổi, biển dâu, ngôi nhà đại úy Biên đã bán lại cho một gia đình khác, theo Phật giáo, lại là bà ngoại người tình một thời của tôi.
Bây giờ đã hết, xa rồi một mùa Noel đầy ắp yêu thương. Ngôi nhà ngoại nàng giờ đây do mấy dì của nàng ở, ngoại nàng đã không còn. Một hôm tôi trở về Huế, nhìn qua khu vườn xưa, tôi bỗng thấy khu vườn đã biến mất. Trước mắt tôi là một bức tường xây cao, che kín tầm mắt. Khi tôi hỏi anh tôi, thì được biết, mấy dì của nàng đã bán một nửa cho người khác. Họ đã xây nhà.
Hôm ấy lại đúng vào mùa Noel. Tiết trời lạnh giá. Tôi bồi hồi hồi xúc động nhớ lại ki niệm. Ôi! Mới ngày nào…
Trở vào nhà, nằm trong chăn ấm, tôi lạc giữa sắc màu và một chú bé đến dẫn tôi đi, đi mãi đến một thành phố lạnh ngắt chỉ toàn là một màu trắng của tuyết.
Phút chốc cậu bé biến mất. Tôi một mình giữa thành phố lạnh. Trời không có tuyết nhưng một màu trắng đục như chiếc mùng khổng lồ phủ kín không gian. Con đường vắng ngắt, không một bóng người, không một chiếc xe chạy qua. Các nhà đều cửa đóng. Tôi nhìn hai bên đường. Hàng cây cúi đầu. Thành phố buồn thiu. Lúc này tôi thèm khát một ánh mắt người yêu, một câu nói rất dịu dàng của nàng:
- Lúc này trời thường hay trở, chú hãy bảo trọng!
Nhưng không, không còn gì nữa. Tôi đã mất tất cả. Giấc mơ của tôi, cha tôi, anh tôi, người tôi yêu, các bạn bè, người hàng xóm tốt bụng, … Tất cả đều đã biến vào hư vô. Và bây giờ, chỉ mình tôi. Thế giới này chỉ mình tôi, không còn một ai. Nỗi cô đơn trãi rộng làm tôi sợ hãi và nhớ nàng. Bây giờ cô bé ở đâu? Tôi và nàng xa nhau đã mấy mùa Nô En? Tôi phải đi tìm nàng. Nếu không, có lẽ tôi sẽ chết trong cô độc.
“Một đàn chim tóc trắng, bay về qua trần gian, báo tin rằng, có nàng Giáng Hương. Nàng ngồi trong cung vắng, trong một đêm đầu trăng, phá thêm vàng, bước vào vườn hoa. Không gian tràn dâng, niềm thương rồi tiếng hát xui cuộc tình duyên …”
Điều tôi ao ước đã hiện thực? Tôi thấy mình đang đứng ở con dốc quen thuộc của Đà Lạt. Hình như là ngã ba Phan Đình Phùng – Duy Tân. Tôi lần theo đường Duy Tân, tìm số nhà 100. Căn nhà nàng cửa đóng. Tôi nhìn quanh tôi. Nhà nào cửa cũng đều đóng kín, tôi chợt nhận ra con đường hiu hắt, không một bóng người. Tất cả đều lạnh lẻo.
Là một thành phố chết?
Tôi không tin. Tôi gõ cửa nhà nàng với lòng hồi hộp sợ sẽ gặp mặt người cha lạnh lùng. Nhưng cửa vẫn im lìm, không một tiếng động.
“Tôi vội vã về xô bật cửa em.
Căn nhà trống như lời lối xóm.”
Nhà thơ Viên Linh đã sống trong tâm trạng ấy, và tôi, bây giờ tôi đã đồng cảm. Tôi xô bật cửa nhà nàng. Ngôi nhà vắng ngắt. Tôi hoảng loạn đi vào phía trong, và căn phòng nàng hiện ra trước mắt. Nàng ngồi đó, đang đọc sách. Khuôn mặt ngây thơ vô tội, không một phản ứng nào khi thấy tôi. Tôi xúc động, bước vội đến bên nàng. Tay tôi đặt nhẹ lên vai nàng. Nàng vẫn bất động. Tôi bỗng rùng mình. Một cảm giác lạnh buốt chạy từ bàn tay chuyền thẳng vào tim. Nàng là một tảng băng? Tôi lay nhẹ nàng. Nàng hoàn toàn trơ cứng. Thì ra nàng đã hóa băng. Lúc này tôi mới nhận biết, thế giới chung quanh tôi đã đóng băng. Bàng hoàng, tôi lách nhẹ vào sâu ngôi nhà: Mẹ nàng đang đứng sau bếp. Bố nàng đang ngôi nơi bàn ăn cùng em trai nàng, Nguyên. Tất cả đều hóa băng.
Ôi! Tôi đang ở trong một thành phố hóa băng. Có thể, tôi sẽ là thành phần của khối băng này? Lúc này đây, tôi cũng chẳng cần gì nữa. Trước mắt tôi là nàng, người yêu bé bỏng của tôi của những ngày tháng xa xưa, thuở học trò. Nàng là cô bé học trường Yersin Đà Lạt. tôi là chàng trai học Đại học Huế. Chúng tôi có một cuộc tình tưởng như trong mơ. Những lá thư từ Đà Lạt gửi về Huế. Huế gửi lên Đà Lạt. Cuốn nhật kí nàng gửi về cho tôi với những trang bị nhòe vì nước mắt của nàng. Đà Lạt một chiều nào chúng tôi sưởi ấm cho nhau bằng những nụ hôn nồng cháy. Vậy mà bây giờ? Người yêu của tôi – Cuộc tình mong manh của tôi ngày nào như thế này đây hay sao? Tôi không thể tin và tôi không hiểu nổi.
Nhưng trước mắt tôi vẫn là nàng, bất động, vô cảm. Không, tôi không thể mất nàng. Nàng là của tôi, không phải là của bố hay của mẹ nàng. Tôi nhào đến bên nàng, ôm lấy thân thể bất động. Nước mắt tôi ràn rụa trên má, chảy dài rớt trên mặt nàng. Nàng vẫn vô cảm. tôi vẫn hoàn toàn xa cách nàng vạn dặm cho dù nàng đang trong vòng tay của tôi.
Hết rồi! những ngày tháng chúng tôi hiếm hoi có nhau. Hết rồi khung cửa sổ cho chúng tôi nhìn nhau những mùa hè bố nàng kềm sát bên nàng, không cho chúng tôi gần nhau. Hết rồi, sáng mồng 4 tết tại quán cà phê Tổng hội vắng người, chúng tôi vội vàng trao nhau nụ hôn khi nàng được cô bạn chở đến cho chúng tôi được gặp nhau.
Hết rồi! Tất cả đều hết rồi. Tôi điên cuồng bồng nàng chạy như biến theo một tiếng gọi vô hình sâu thẳm. Đằng xa là ánh mặt trời. tôi tung mình đuổi bắt mặt trời. Tôi phải tìm ánh nắng, tia lửa sưởi ấm nàng. Xua tan băng giá vây bọc nàng. Trong cơn mê, tôi thấy tôi và nàng đã tìm được miền đất hứa.
Mặt trời làm tan băng giá.
Tôi và nàng biến thành hư vô
Văng vẳng đâu đây tiếng hát của Thái Thanh:
“Ngày đó có em đi nhẹ vào đời và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối…Ngày đó có bơ vơ lạc về Trời, tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới. Ngày đó có kêu lên gọi hồn người. Trùng dương ơi! có xót xa cũng hoài mà thôi.”
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.12.2012 14:43:29 bởi Tuấn Nguyễn >