Cái hòm gỗ màu xanh da trời
CÁI HÒM GỖ MÀU XANH DA TRỜI
Năm cuối cùng của thập niên 20 thế kỷ trước có một bé gái ra đời tại Gò Chung, một nhánh của họ đạo Mằng Lăng nổi tiếng, nơi có thánh An Rê Phú Yên và ngôi nhà thờ cổ kính đẹp như tên của dòng sông Phường Lụa. Em là kết quả của mối tình giữa một thầy giảng và một ma soeur vừa xuất tu trước đó chưa lâu. Đây là quê ngoại của em. Còn quê nội của em ở đâu mãi ngoài Quảng Nam, mà hình như không còn ai nữa vì cha em cũng đi theo người chú là linh mục, về lập nghiệp tại giáo xứ Hà Sơn, cách quê ngoại của em hơn một buổi đi ngựa về phía núi.
Cuộc vượt cạn của mẹ em đã không suôn sẻ, em được sinh ra bình an nhưng mẹ em mất sau đó ít hôm, nghe kể lại là do ăn dưa hấu nên bị “trúng”. Và dĩ nhiên em không thể biết mặt mẹ mình vì một tấm hình để lại cũng không có. Tuy nhiên, có thể nói những năm tháng đầu đời của em trong vòng tay bên ngoại là những ngày ấm áp và hạnh phúc nhất.
Rồi một hôm, có một người đàn ông có hàng ria mép đen cởi ngựa đến nhà. Mọi người vui mừng chào đón, gọi em ra và nói “Cha con kìa!”. Một nỗi xúc động ùa vào lòng cô bé. Dù trước giờ chưa gặp cha nhưng hình như mối quan hệ huyết thống đã làm dâng lên trong em một mối thương yêu tha thiết. Năm đó em vừa lên sáu tuổi.
Cha đón em về nhà, cho đi học vừa biết đọc biết viết thì bắt đầu làm việc. Lúc này em có đứa em trai nhỏ hơn hai tuổi và người mẹ kế đang bị bệnh lao phổi giai đoạn cuối cùng. Công việc của cô bé là chơi với em, đổ ống nhổ, rót nước và ngồi ru võng cho mẹ kế. Có những khi ngủ gục, người mẹ với tay lấy cây gậy bên cạnh gõ vào đầu em để em tỉnh thức…
Rồi không lâu sau, người mẹ kế cũng mất. Hai chị em lủi thủi bên nhau cùng với đám người ăn kẻ ở trong nhà. Cha em là người lãnh đạm, nếu không muốn nói là khắc kỷ, không khi nào biểu lộ tình cảm ra bên ngoài nên suốt tuổi ấu thơ của em tuy có cha nhưng chưa hề nhận được lời nào âu yếm. Tất cả tình cảm cô bé dành cho cậu em trai. Có miếng ăn ngon hay có món đồ chơi nào cô bé cũng dành dụm để dành cho em. Lớn hơn một chút, cha em lại có vợ mới. Hai chị em mất mẹ được gởi về cô nhi viện Mằng Lăng. Có một lần cô bé bị bệnh thương hàn rất nặng, nặng đến nỗi mọi người tưởng em đã chết nên đưa xuống nhà xác. Một ma souer rờ tay lên xác em thấy còn ấm nên hô hoán lên, em được cứu chữa và sống lại. Thời gian sau cậu em được gởi đi tu học ở tiểu chủng viện, cô bé lại lủi thủi một mình, quẩn quanh với người làm và đùa vui với con gà con vịt, cây rau cây lúa, lòng cứ mong ngóng cho mau đến mùa hè để đón em về nghỉ. Và cứ như vậy cô bé lớn lên rồi trở thành thiếu nữ. Cô đã biết làm cỏ lúa, hái rau heo, giần sàng sê sảy một cách thành thạo. Người lạ đến nhà cứ nghĩ cô là một trong những người làm chứ không biết cô là con gái của một gia đình khá giả…
xxx
Cô bé rồi sau này là người thiếu nữ kể trên chính là má của tôi. Những đoạn đời gian truân tôi biết được là do bà kể vào những lúc rỗi rảnh sau này. Má tôi rất hiền lành, chỉ biết yêu thương và cho đi chứ không biết nhận lấy hay oán giận bất kỳ ai, bất cứ điều gì. Ví dụ như khi nghe kể đến đoạn ngồi đưa võng ngủ quên bị mẹ kế gõ cây vào đầu tôi bực mình nói:
- Sao mà ác dữ!
Má tôi bênh:
- Tại bả bịnh mà. Với lại ngồi ru võng cũng đâu có nhọc nhằn gì.
Hay khi tôi nhận xét về thái độ lãnh đạm của ông ngoại:
-Làm cha mà sao không có chút gì thương yêu con cái vậy ta?
Má tôi liền nói:
- Tính ông ngoại con hồi giờ là như vậy. Rất nghiệm khắc. Thật ra ổng cũng thương chứ, chỉ là không biểu lộ ra bên ngoài thôi.
Mười chin tuổi má tôi lấy chồng. Ba tôi mồ côi cha từ nhỏ, nhà chỉ có một mẹ một con nên về ở hẳn với bên vợ. Rồi bà nội tôi cũng mất ít lâu sau đó. Lúc này đây là vùng kháng chiến do Việt Minh kiểm soát kể từ sau cách mạng tháng tám năm 1945. Vì một lý do gì đó ông ngoại tôi chuyển về Tuy Hòa, giao cơ ngơi lại cho ba má tôi quản lý, gồm nhiều đất đai và bò nghé. Đầu năm năm mươi Pháp thả bom Cầu Máng, không có nước tưới tiêu nên cả vùng bị mất mùa và lâm vào cảnh thiếu đói. Ba má tôi ăn bắp thay cơm suốt nhiều tháng liền. Trước đó má tôi có sinh một bé gái nhưng đã chết từ trong bụng, một bên mặt tím bầm. Má tôi kể do lúc mang thai phải sàng sảy và giê lúa liên tục, cái vành nia cấn vào mặt đứa bé trong bụng mà bà không biết. Tôi cũng có người anh, ra đời trong năm đói kém này. Đến năm 1953, ba má tôi trốn ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát và bắt đầu cuộc đời lưu lạc…
Về sau tôi tò mò hỏi chuyện trốn đi ra sao, má tôi xuýt xoa kể:
- Thật là tiếc, sau lần đói kém, năm đó được mùa dữ lắm, lúa đầy mấy bồ. Tối ra đi xúc lúa đổ đầy một sân.
- Ủa, sao lại xúc lúa đổ ra sân? Tôi hỏi
- Thì cho hàng xóm sáng mai tới đem về, để bị tịch thu thì uổng lắm. Bò nghé cũng vậy, thả cổng cho đi tự do.
Tôi lại hỏi:
- Rồi đêm tối như vậy biết đường nào mà đi?
- Biết chớ. Băng ra phía sau vườn nhắm theo hướng dốc Da Gà mà đi tới. Gặp đường lộ thì nép theo bìa rừng đi về hướng Cheo Reo. Pháp đang đóng quân ở đó mà. Đến chừng gần sáng thì gặp mấy ổng, rồi thì có xe nhà binh chở thẳng lên Ban Mê Thuột luôn.
- Vậy ba má ở Ban Mê Thuột có lâu không? Làm gì để sống?
Má tôi có vẻ nghĩ ngợi:
- Cũng không lâu lắm đâu, chừng hơn một năm gì đó thôi. Hồi đó ba con đang tuổi quân dịch nên phải đi lính, được gởi về học hạ sĩ quan ở Suối Dầu. Má tá túc nhà một người bà con xa đi bán “bông cỏ”, hai mẹ con sống tạm qua ngày. Đến chừng học xong ba con lên đón về Nha Trang ở miết tới sau này luôn đó.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- “Bông cỏ” là cái gì vậy?
- Là chè đó. Chè bông cỏ. Mà thôi, hỏi gì hỏi dữ vậy, cái thằng này…
Tôi bỏ lửng câu hỏi ở đó rồi quên luôn cho tới bây giờ. Cố mãi mà cũng chẳng nhớ ra được chè bông cỏ là chè gì, nấu bằng thứ gì, mình đã ăn lần nào chưa?
xxx
Công bằng mà nói ba tôi là một người may mắn vì tuy là quân nhân nhưng chưa bao giờ phải ra vào nơi chiến trận. Bao năm trong quân ngũ là bấy nhiêu năm ông chuyên về tài chính, kế toán, không thấy làm việc gì khác. Ngoài công việc ở đơn vị ra ông chỉ biết đi chơi và giao du bạn bè, có lẽ bởi vì đã có má tôi là người nội trợ, cun cút cơm nước hầu chồng, nuôi con. Bởi vậy, trong ký ức của tôi, má tôi lúc nào cũng vẫn là người đàn bà cần mẫn, nhẫn nhịn. Mà cũng chẳng phải chỉ với chồng con, với tất cả mọi người má tôi vẫn hết mực nhẫn nhịn như vậy. Bà thật lòng coi mình là con sâu con kiến chứ chẳng phải màu mè gì. Tôi nghĩ có lẽ cái tinh thần công giáo trong người má tôi đã thấm nhuần và trở thành một kiểu sống mà đôi khi tôi cảm thấy là không công bằng. Má tôi có người em trai cùng cha (tôi kêu bằng cậu, ở trên có đề cập đến) cũng sống ở Nha Trang, gần nhà tôi. Từ đường lớn xuống xe là đến nhà tôi trước, rồi mới đến nhà cậu tôi ở phía xa hơn. Thế nhưng mỗi khi có ai bên ngoại tôi từ Tuy Hòa vô chơi thì không được phép ghé nhà má tôi trước, hoặc giả như có chút quà cáp gì thì cũng phải mang về nhà cậu rồi từ đó mới được phân chia ra nơi khác. Mà quà quê thì có gì đâu, mấy chồng bánh tráng, mấy tán đường. Thật ra cậu tôi cũng hiền lành và đạo đức, tình cảm ông dành riêng cho má tôi cũng nhiều, nhưng vì ảnh hưởng cái quan niệm “trọng nam khinh nữ” của ông ngoại tôi mà đâm ra vớ vẩn vậy thôi. Tôi cảm thấy rất khó chịu về điều này, vì ngay cả những đứa em con cậu tôi cũng được coi như trên anh em tôi một đẳng cấp. Chỉ có má tôi là vẫn vui vẻ ôn hòa, thật lòng chứ không giả tạo. Đem thắc mắc này ra trình bày với ba tôi thì ông trả lời: “À, mấy cái vụ này ba đã trải qua quá nhiều rồi nên chẳng quan tâm nữa làm gì”.
xxx
Miền Nam Việt Nam trải qua hết thời đệ nhất lại đến thời đệ nhị cộng hòa. Và cứ mỗi một thời gian qua đi, chúng tôi càng lớn thì thấy gia đình mình càng nghèo đi, càng bớt sang trọng, càng thắt lưng buộc bụng nhiều hơn. Năm 1973 ba tôi bị một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Quân y viện Nguyễn Huệ chẩn đoán ông bị đau màng óc. Lúc này anh tôi đã nhập ngũ. Tôi và mấy đứa em còn đi học nên má tôi phải trực chăm sóc cho ba. Đây cũng là lúc chiến tranh đến hồi ác liệt. Binh sĩ bị thương và bị bệnh từ cao nguyên đổ về quân y viện ngày càng nhiều. Lúc ba tôi khỏe lại về nhà cũng là lúc má tôi bị lây bệnh sốt rét rừng. Căn bệnh sốt rét này cứ tái đi tái lại hoài chứ không trị dứt được. Mặc kệ, má tôi cứ ráng vượt lên mà sống. Sau tháng 4 năm 1975 ba tôi đi cải tạo hơn một năm và anh tôi đi hơn mười tháng. Cả hai đều được về sớm vì chức vụ và cấp bậc chỉ loàng xoàng. Tuy nhiên, cái “hậu cải tạo” mới là bước ngoặc cho phần số của đời người. Anh tôi đi kinh tế mới cuối năm 1976, ba tôi đi giữa năm 1979, và dĩ nhiên đi cùng với họ là vợ và con cái. Năm đó tôi vừa xong chín tháng đào tạo giáo viên cấp 1 ở Tuy Hòa. Tôi không có mặt ở nhà ngày gia đình khăn gói ra đi. Mà thôi, vậy cũng đở buồn! Chỉ biết hai đứa em nhỏ được gởi lại, chờ cả nhà lên nơi ở mới dựng xong nhà cửa sẽ đón lên sau. Mấy đứa lớn cùng ba tôi theo những chuyến xe đi ngày hôm trước lên nhận đất và phát quang, dọn dẹp, hôm sau má tôi và đồ đoàn có chuyến xe riêng chở đi. Biết được ngày giờ nên hôm đó sau khi ở trường ra tôi lên cầu bà Đinh gần quốc lộ chờ đợi vì biết sẽ có chuyến xe của má tôi đi ngang. Đã mấy tháng nay, những chuyến xe chở đồ đoàn của người đi kinh tế mới lũ lượt đổ về Tuy Hòa. Họ thường nghỉ xe ăn cơm trưa nơi đây rồi tiếp tục rẽ theo hướng tây đi về phía mặt trời lặn. Tôi gặp má tôi buổi trưa hôm đó, một mình với lỉnh kỉnh đồ đạc chất đầy phía sau xe. Cái gạc măng rê cũ kỹ, cái đi văng làm bằng ván ép Mỹ đã tróc véc ni loang lổ, mấy tấm tôn đầy vết đinh rỉ, mấy cái giường đã tháo rời ra thành mấy bó thanh giường, vạt giường, thúng mủng, nong nia, rỗ rá và lóc nhóc những chai lọ, hũ ghè… Má tôi ngồi trên xe nhìn tôi mĩm cười:
- Ra đây làm gì cho nắng. Mà đã ăn cơm chưa dậy?
Tôi leo lên xe ngồi cạnh má tôi nói bâng quơ ba điều bốn chuyện:
- Chắc hai ba ngày nữa tụi con mới có quyết định ra trường. Để con coi thử rồi xin lên đó luôn cho tiện.
Má tôi nói:
- Ờ, xin về đó dạy cho gần nhà. Có gì má nấu cơm cho mà ăn. Nghe nói nhà nước cấp cho mỗi người lớn là mười sáu ký lương thực mỗi tháng. Trẻ nhỏ được tám ký. Cấp cho sáu tháng, là kịp cho mình trồng vụ lúa và khoai lang rồi, không sợ đói đâu.
Tôi bùi ngùi chẳng biết nói gì thêm. Mấy người tài xế từ trong quán ăn đi ra, nhắc mọi người chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình. Tôi nhảy xuống xe, nói: “Khi nào xong chuyện là con về liền, đừng lo”. Đoàn xe từ từ lăn bánh. Dáng má tôi với chiếc áo bà ba nâu bạc màu ngồi bấp bênh phía sau xe xa dần rồi chìm hẳn sau làn bụi đỏ của đoàn xe đang đi về phía núi xa.
xxx
Vốn mang bệnh sốt rét trong người lâu ngày lại không có nhiều thuốc men để điều trị nên dần dà má tôi chuyển sang sưng lá lách. Có lúc tưởng chừng bà bỏ chúng tôi mà đi sớm nhưng rồi bà vẫn kiên trì đứng dậy, quyết tâm dang đôi cánh rách bảo vệ anh em chúng tôi qua những tháng năm nắng lửa mưa dầu. Đứa nào u buồn bà an ủi, đứa nào hư hỏng bà rầy la, đứa nào khó khăn bà giúp đỡ… Lần lượt chúng tôi lớn lên rồi có vợ có chồng. Nhưng tôi biết mỗi lần thêm một niềm vui là tuổi đời của má tôi thêm chồng chất và nếp nhăn xuất hiện ngày càng nhiều. Có lần thằng con đầu lòng của tôi đang tập nói rờ vào mặt má tôi và nói: “Mặt bà nội… “nhàu” quá”.
Vào năm sáu mươi tuổi má nói với tôi:
- Tuổi này là chết cũng được rồi nhưng má muốn xin Chúa cho má thêm vài năm nữa.
- ??
- Má muốn đợi cho con Út có chồng rồi nhắm mắt mới yên lòng. Không còn lo sợ đứa nào phải sống bơ vơ.
Đến khi em Út của tôi có chồng má tôi lại ao ước:
- Má muốn sống tới khi nó sinh đứa con đầu lòng.
Tôi nói với má:
- Thôi má đừng lo. Má từng nói với tụi con sống chết là do Chúa định mà. Có khi Chúa cho má sống lâu đó nghen.
Má tôi nói:
- Thì do Chúa định chớ sao. Biết và tin là như vậy nhưng ai cũng muốn sống chớ có ai muốn chết đâu.
Bước qua tuổi sáu mươi lăm má tôi bắt đầu suy sụp. Cái lá lách sưng to thường hay gây sốt. Đi bệnh viện mấy lần nhưng bác sĩ không dám mổ. Họ nói má tôi sức yếu sợ không chịu đựng được. Bà bước đi khó nhọc vì cái bụng sưng to. Tôi biết sớm muộn gì má cũng ra đi nên thường hay trò chuyện với bà. Một hôm má tôi nói:
- Má muốn chừng chết được chôn trong cái hòm sơn màu xanh.
Tôi thắc mắc:
- Sao lại màu xanh, con thường thấy hòm của người bên lương màu đỏ còn người công giáo mình sơn màu đen mà.
- Màu đen buồn quá. Má thích màu xanh vì màu xanh là màu Đức Mẹ.
À, thì ra má tôi gọi màu xanh da trời là màu của Đức Mẹ. Tôi nhớ trước đây mỗi dịp lễ lớn nhà thờ thường treo hai loại cờ: cờ nửa trắng nửa vàng và nửa trắng nửa xanh. Má tôi nói cờ trắng vàng là cờ của Hội thánh, còn cờ trắng xanh là cờ Đức Mẹ.
Tôi cũng thường hay nói chuyện với má về đủ thứ đề tài nên cũng quên mất chuyện cái hòm màu xanh. Cho tới một hôm tôi được tin má bị té, hôn mê và đang hấp hối. Tôi hấp tấp chạy về nhưng chỉ còn thấy má tôi nằm im trên giường, thỉnh thoảng hai bên khóe ứa ra những giọt nước mắt. Ba tôi kể đêm đó có anh tôi ở xa về thăm, thằng em trai cũng đến chơi và ngủ lại. Thường buổi tối ba tôi có để cái bô trong nhà để má tôi đi vệ sinh cho an toàn, nhưng không hiểu sao khuya đó má tôi lại mò mẫm ra sau nhà và bị té mà không ai hay biết. Mờ sáng ba tôi tìm thấy thì má đã hôn mê, nằm giữa cơn mưa phùn lắc rắc. Ba tôi thở dài: “Chắc bả sợ đi vệ sinh trong nhà hôi hám chồng con!”
Biết có đưa đi bệnh viện cũng không còn cứu được nên ba tôi báo tin cho hàng xóm đến nhà đọc kinh cầu nguyện cho kẻ sắp lâm chung. Đến chiều tối hôm đó má tôi trút hơi thở cuối cùng. Năm đó bà được 67 tuổi. Chỗ chúng tôi ở lúc bấy giờ không có cửa hàng bán hòm đóng sẵn nên nhà nào cũng có để dành mấy tấm ván phòng khi hữu sự. Các em tôi mang ván đến và gọi thợ mộc. Tôi đạp xe ra tiệm tạp hóa mua mấy thứ linh tinh và hộp sơn. Chợt nhớ lại lời má hôm nào, tôi quyết định mua hộp sơn màu xanh da trời và một chút sơn trắng. Cái hòm đơn giản được sơn màu xanh, có vẽ cây thánh giá trên nắp. Những người trợ giúp trong giáo xứ đến khâm liệm, đưa xác má tôi vô hòm rồi đóng lại. Tiếng đọc kinh vẫn lan man không dứt.
Ngày hôm sau trời vẫn còn mưa phùn gió bấc. Chiếc xe bục bịch chở xác má và cả nhà tôi nặng nhọc tiến về phía nhà thờ. Những người đưa tang mặc áo mưa đi xe gắn máy hoặc xe đạp lóc cóc chạy theo sau. Sau thánh lễ Misa và nghi thức làm phép xác, cái hòm màu xanh da trời có má tôi trong đó được một nhóm trai tráng khiêng đi. Thằng con trai thứ hai của tôi cầm di ảnh bà nội lếch thếch đi theo, mặt ngơ ngơ ngác ngác. Nghĩa trang công giáo đang bị ngập nước nên má tôi về nằm trên một cái gò cao, bên cạnh em gái tôi đã mất vì bệnh sốt rét hơn mười năm trước đó. Cũng có một chút ngạc nhiên trên khuôn mặt của những người đưa tiễn. Mới năm trước họ cũng đưa tiễn một người đàn ông trong một cái hòm sơn màu hồng, bên hông có ghi hàng chữ: “Ta đi về nhà Cha”, và bây giờ là má tôi với cái hòm màu xanh da trời như sáng lên giữa một ngày đông xám.
(Kỷ niệm 16 năm ngày má về nước Chúa)
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: