Có Tiền Mua Tiên Cũng Được
Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
Để tưởng nhớ Bác Sĩ Richard Teo (1972-2012)
Người đời thường nói hạnh phúc không thể mua được bằng tiền, có thật vậy không? Quý vị tin hay không xin mời đọc bài nói chuyện sau đây của Bác Sĩ Richard Teo, 40 tuổi, hành nghề Bác sĩ thẩm mỹ, một triệu phú từ khi còn rất trẻ. Suốt cuộc đời ông chỉ nghĩ cách làm sao kiếm được nhiều tiền, thật nhiều tiền … để thỏa mãn cơn nghiện giàu sang phú quý và tất nhiên theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình. Ông đã bị bệnh ung thư phổi và qua đời ngày 18 tháng mười năm 2012. Trước khi mất chừng vài tháng, ông đã đến nói chuyện với các sinh viên tai “Dental Christian Fellowship Meeting”. Trình bày về kinh nghiệm của chính bản thân ông và có những lời khuyên cũng như thử thách với các sinh viên Nha Khoa mới chập chững bước vào ngưỡng cửa Đại Học.
Riêng tôi, tôi vẫn tin Ông Trời rất công bằng với tất cả mọi người. Nếu Thượng Đế cho ta cái gì đừng vội mừng, Ngài sẽ lấy lại cái gì khác để bù trừ. Dĩ nhiên ngược lại, cũng vẫn đúng. Có một câu nói rất ý nghĩa, đại khái như sau: “Xã hội không phải bao gồm những người giàu và những người nghèo, mà bao gồm những người cho và những người nhận.” Chúc quý vị luôn là những người cho.
Nhà Phật vẫn có lời dạy: “Nhân sinh vô thường, vô thường là bể khổ, phiền não vốn do THAM SÂN SI mà ra. Bỏ được ba điều ấy chúng sinh đều hoan lạc.”
Các bạn trẻ muốn đọc nguyên bản bằng Anh Ngữ xin Google “The transcript of the talk of Dr Richard Teo” hay chỉ cần “Dr Richard Teo” có rất nhiều trang web đăng bài này.
Sau đây là bản phỏng dịch:
Mến chào các bạn.
Tôi hơi bị khan cổ, xin các bạn cảm phiền cho.
Tôi xin tự giới thiệu tôi là Bác Sĩ Richard. Tôi muốn chia sẻ với các bạn vài cảm nghĩ về cuộc đời tôi. Thật là vinh hạnh được giáo sư Hopefully mời (đến nói chuyện ngày hôm nay). Hy vọng sẽ giúp các bạn một vài suy nghĩ mang theo cuộc hành trình để trở thành một Bác Sĩ Nha Khoa.
Từ khi còn rất trẻ, tôi là sản phẩm của thời đại. Đó là một sản phẩm tương đối thành công mà xã hội đòi hỏi.Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo. được giới truyền thông và những người chung quanh bảo rằng HẠNH PHÚC là do THÀNH ĐẠTvà thành đạt chính là GIÀU CÓ. Với thành kiến đó, tôi luôn là kẻ rất háo thắng. Không những tôi phải học ở trường danh tiếng nhất mà còn phải thành công về mọi phương diện, trong mọi đoàn thể và mọi cuộc đua. Tôi phải trội nhất trong tất cả mọi thứ. Tôi đã tốt nghiệp Bác Sĩ Y khoa. Các bạn cũng biết trong giới Y khoa, ngành nhãn khoa luôn luôn được đề cao. Cho nên tôi theo đuổi chuyên ngành nhãn khoa cũng chẳng có gì lạ. Tôi được một học bổng để nghiên cứu cách sử dụng tia LASER trong việc trị liệu mắt.
Kết quả, tôi được cấp hai bằng phát minh, môt cái về dụng cụ Y khoa, cái kia về tia LASER. Các bạn biết không, những thành quả đó chẳng mang lại cho tôi một đồng tiền nào. Sau khi hết giao kèo nghiên cứu tôi quyết định từ giã học đường vì học trình chuyên ngành về thị giác quá dài. Ngoài kia, hàng đống tiền đang chờ đợi tôi. Gần đây ngành gây mê đang phát triển mạnh và có thể hái ra tiền. Tôi mở phòng mạch chuyên về gây mê trong một trung tâm giải phẫu.
Thật là trái khuấy, người ta chẳng bao giờ coi trọng các Bác Sĩ gia đình. Ai cũng trọng vọng những đại gia giàu có và danh tiếng. Người ta tiếc $20 khám bệnh với Bác Sĩ gia đình, nhưng lại rất sẵn sàng chi hàng chục ngàn đô cho một ca hút mỡ bụng hoặc 15 ngàn đô cho một ca nâng ngực vân vân và vân vân. Thật điên phải không các bạn. Tại sao tôi lại phải hành nghề BS gia đình hay BS gây mê? Cho nên thay vì là một lương y chừa trị bệnh tật, tôi quyết định hành nghề Bác Sĩ Thẩm Mỹ.
Dịch vụ thẩm mỹ rất thành công, đại thành công. Mới đầu, bệnh nhân phải chờ lấy hẹn 1 tuần rồi 2 tuần, 3 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng. Có quá nhiều bệnh nhân, tôi phải mướn 1, rồi 2,3,4 Bác Sĩ phụ tá. Trong vòng năm đầu tiên tôi đã có bạc triệu trong tay. Tôi như một con nghiên, nghiện tiền bạc, càng hái ra tiền càng nghiện nặng,chẳng bao giờ thấy đủ. Cho nên phải bành trướng dịch vụ qua Indonesia. Những đại gia Indo chẳng mất một giây để chấp thuân dịch vụ thẩm mỹ. Tôi vui mừng vô cùng, đời thật là trên cả tuyệt vời!
Tiền nhiều quá làm gì bây giờ. Các bạn biết tôi làm gì những ngày cuối tuần không? Thường thì tôi đến họp trong câu lạc bộ của các tay chơi xe tài tử. Tôi mua một chiếc xe đua. Chúng tôi sang tân Sepang bên Mã Lai để đua xe, đời tôi như thế đó. Tôi cũng mua 1 chiếc Ferrari. Vào thời điểm đó kiểu 458 chưa ra đời, tôi chỉ có chiếc Spider mui trần kiểu 430 thôi. Một ông bạn học của tôi hành nghề buôn bán cổ phiếu cũng mua chiếc Spider màu đỏ, còn tôi chỉ thich màu silver thôi.
Sau khi mua xe, tôi nghĩ đến viêc mua cho mình một căn nhà. Kiếm được một miếng đất và xây căn nhà nghỉ mát, rồi tụ tập để đi săn bắn. Các bạn biệt cuộc sống của tôi ra sao không? Tôi thường giao du với các đại gia, tham gia cuộc tuyển lựa hoa hậu thế giới, được gần gũi các người đẹp, người giàu có, người danh tiếng. Ăn trong những tiệm ăn sang trọng với các vị đầu bếp danh tiếng hàng đầu.
Tôi đã đến tuyệt đỉnh của giàu sang, phú quý. Đó là đời sống của tôi cách đây một năm. Tôi nghĩ là tôi có tất cả, mọi sự thật hoàn hảo.
Tôi đã lầm, chẳng có gì là hoàn hảo cả.
Vào khoảng tháng ba năm ngoái, tự nhiên cảm thấy đau lưng, tôi nghĩ chắc là tại tập tạ quá nặng đấy thôi. Tôi nhờ ông bạn Bác Sĩ chụp hình MRI để chắc chăn không bị trật xương sống hay cái gì khác. Hôm sau bạn tôi gọi lại cho biết hình như tủy cột sống có gì thay đổi. Tôi hỏi lại ông ta, xin lỗi bạn nói gì tôi không hiểu. Thực sự tôi đã hiểu, có cái gì rất trầm trọng sảy ra cho tôi, nhưng tôi không thể nào chấp nhận được và ý tôi muốn nói rằng: “Ông không nói chơi chứ, tôi vẫn còn chạy bộ và đến phòng tâp thể dục hàng ngày mà, bệnh sao được”.
Sau đó tôi được làm PET scan và positrons emission scans, kết quả cho thấy tôi đang bị ung thư phổi thời kỳ thứ tư. Trời ơi, từ đâu mà ra vậy? Ung thư đã lan truyền tới mọi bộ phân từ não, xương sống, gan, đến cả tuyến thượng thận nữa.
Chỉ một phút trước đây tôi tưởng tôi có tất cả, tột đỉnh danh vọng, bây giờ thì mất tất cả.
Nhìn hình CT scan, mỗi chấm đen là một mầm ung thư, hàng vạn mầm ung thư trong phổi của tôi. Dù cho có dùng hóa trị, tôi cũng chỉ sống từ 3 đến 4 tháng là cùng. Đời tôi thế là tan ra mây khói. Tôi đau khổ quá mức đi thôi, thế mà tôi đã từng nghĩ đời tôi thật là hoàn hảo.
Sự thật phũ phàng là tôi tưởng sự thành đạt, giải thưởng, xe cộ, nhà cửa, và mọi thứ tôi có sẽ mang lại hạnh phúc. Nhưng mà bây giờ tôi cảm thấy chán nản cùng cực, tất cả mọi thứ tôi có chẳng mang lại cho tôi hạnh phúc nào. Bạn tưởng tôi có thể ôm hôn chiếc Ferrari để chìm vào giấc ngủ à? Không, không, vạn lần không, sẽ chẳng bao giờ sảy ra. Nó không mang lại một giây phút hạnh phúc nào trong 10 tháng vừa qua. Tôi tưởng tiền tài của cải mang lại hạnh phúc, đó chỉ là hời hợt bề ngoài thôi. Hạnh phúc thức sự tôi có trong 10 tháng vừa qua đó là tình cảm giữa con người với nhau, với những người thân yêu ruột thịt của tôi, với bạn bè tôi, với những người quan tâm đến tôi. Họ chung tiếng cười với tôi, khóc với tôi, và họ thông cảm nỗi đau đớn khổ sở mà tôi đang trải qua. Họ mang hạnh phúc đến cho tôi. Vật chất mà tôi có được tôi tưởng sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi. Nhưng không phải bạn ạ. Nếu những thứ đó mang lại hạnh phúc thì giờ này hẳn là tôi rất xung sướng khi nghĩ về chúng chứ.
Năm mới sắp đến, bạn có biết tôi đã làm gì trong các dịp năm hết tết đến không? Thường thì tôi lái xe một vòng, thăm bà con bạn bè để khoe chiếc xe xịn của tôi. Thật là vui và hạnh phúc. Các bạn thử nghĩ xem, bà con và bạn bè tôi, có những người đầu tắt mặt tối mong chỉ được đủ cơm ăn áo mặc, họ có thật sự chia sẻ những niềm vui của tôi không khi tôi khoe khoang chiếc xe xịn đó. Không, không bao giờ. Họ còn phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày, phải chen chân lên chiếc xe buýt công cộng để có phương tiện di chuyển. Thực ra việc tôi làm chỉ chuốc thêm sự ganh tị, đố kỵ và đôi khi cả ghen ghét nữa.
Những tài vật đó là nguyên nhân của sự ganh ghét, tôi sở hữu chúng và mang khoe với thiên hạ. Tôi đã thỏa mãn sự kiêu hãnh và tự cao tự đại của tôi. Tôi tưởng thiên hạ sẽ thích thú với những món đồ tôi khoe họ, trái lại là khác, họ chẳng chia sẻ tí ti nào niềm vui của tôi.
Tôi xin chia sẻ vơí các bạn một câu chuyện khác. Khi tôi vào khoảng tuổi các bạn bây giờ, tôi nội trú trong “King Edward VII Hall”. Tôi có một người bạn rất lạ lùng. Cô ta tên là Jennifer , chúng tôi bây giờ vẫn là bạn thân với nhau. Hồi đó, đôi khi cuốc bộ chung với cô, nếu thấy một con sên trên đường đi, cô vội nhặt nó lên và nhẹ nhàng thả vào bãi cỏ. Tôi nghĩ trong đầu cô này thật lẩm cẩm, sao lại phải làm thế, có phải bị dơ tay không? Chỉ là một con sên thôi mà! Thực ra cô rất e ngại, cái cảm giác một sinh vật tội nghiệp bị nghiền nát đến chết dưới bước chân làm cô xúc động. Với tôi, đó vẫn chỉ là một con sên. Sinh vật hèn hạ đó ngăn trở bước chân của con người, thì nó đáng tội chết. Đó là luật sinh tồn của vạn vật phải không các bạn. Thật là oái oăn buồn cười nhỉ.
Nghĩ lại xem, tôi đang được huấn luyện để trở thành một Bác Sĩ, nhân ái, cảm thông, nhưng lại không có cảm xúc gì cả. Sau khi tốt nghiệp Bác Sĩ Y khoa, tôi được nội trú chuyên ngành UNG THƯ tại National University Hospital (NUH). Mỗi ngày tôi đều chứng kiến cái chết trong Khu Ung Thư của bệnh viện. tôi thấy bệnh nhân đau đớn và khổ sở. Họ phải nhận những liều thuốc phiện mỗi vài phút để giảm cơn đau. Phải ngáp từng chút dưỡng khí cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng với tôi, thầy thuốc chỉ là một công việc bình thường, đến bệnh viện hàng ngày, lấy máu, cho toa thuốc. Bệnh nhân có thật là người bằng da bằng thịt không? Chắc là không rồi. Công việc của tôi đơn giản như thế đó. Đi làm, ra khỏi bệnh viện, mau mau về nhà để làm công việc riêng của tôi.
Những sự đau đớn, thống khổ của bệnh nhân nào tôi có để ý đến. Tôi thuộc lòng những danh từ Y Khoa diễn tả cảm giác, những sự đau đớn của con bệnh phải trải qua. Thực tế, tôi không hiểu bệnh nhân đau đơn như thế nào, cho đến khi chính tôi trở thành một bệnh nhân. Bây giờ thì tôi đã hiểu rất rõ. Bây giờ các bạn hỏi, nếu tôi được làm lại cuộc đời, tôi sẽ ứng sử khác không? Chắc chắn là có vì tôi đã hiểu rất rõ nỗi đau của bệnh nhân. Đôi khi bạn chỉ học được bài học bằng những kinh nghiệm đau đớn của chính bản thân mình.
Ngay khi vừa bước vào ngưỡng cửa Đại Học và bạn hăng say theo đuổi hành trình để trở nên một Bác Sĩ nha khoa. Tôi xin thách đố các bạn hai câu.
Trước sau gì các bạn cũng hành nghề Nha Sĩ, và bắt đầu hái ra tiền. Tôi bảo đảm với các bạn một điều, trồng răng giả (implant) sẽ mang lại lợi nhuận hằng ngàn Đô. Thật tuyệt vời phải không các bạn. Thực ra chẳng có gì xấu xa khi chúng ta thành công hay trở nên giàu có. Chắc chắn là không sao đâu, nhưng thảm họa là, giống như tôi, chẳng biết thế nào là đủ.
Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì một khi bắt đầu hái ra tiền, càng có nhiều càng muốn nhiều hơn nữa. Càng muốn nhiều càng ham tiền hơn nữa. Như tôi đã trình bầy ở trên, tôi như một con nghiện, nghiện tiền. Tôi chỉ muốn có thật nhiều để đạt đến cực điểm của giàu sang mà xã hội đã vẽ ra cho chúng ta. Tôi đã u mê trong cơn lốc giàu sang và không còn để ý bất cứ cái gì khác nữa. Bệnh nhân chỉ là nguồn cung cấp tiền bạc cho tôi, và tôi cố nặn ra đồng bạc cuối cùng của họ.
Nhều khi chúng ta quên đi nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là phục vụ cho tha nhân mà chỉ quan tâm đến phục vụ cho chính mình. Đó là trường hợp của tôi. Tôi có thể nói với các bạn dù trong ngành Y khoa hay Nha khoa, đôi khi chúng ta khuyên bệnh nhân chấp nhận những trị liệu chưa được nghiên cứu hay không cần thiết. Chúng ta nhồi sọ họ. Vào lúc này, tôi hiểu rõ ai là người thương mến tôi, quan tâm lo lắng cho tôi, ai là người cố xoay tiền của tôi bằng cách cho tôi những hy vọng hão huyền. Chúng ta dường như đánh mất căn bản đạo đức chỉ vì chỉ muốn hái ra tiền mà thôi.
Tệ hại hơn nữa, trong mấy năm gần đây, chúng ta nói xấu đồng nghiệp, những giới cạnh tranh với chúng ta không một chút e ngại nào. Trong nội bộ giơí Y, Nha Khoa và mọi ngành nghề khác nữa, nếu có thể đạp lên đầu nhau để làm lợi cho mình, chúng ta sẵn sàng làm không do dự. Tôi xin đưa ra một thách đố khác cho các bạn, hãy hành nghề một cách ngay thẳng đạo đức. Tôi đã học được bài học đó cũng chính bằng kinh nghiệm đau thương của mình. Hy vọng các bạn không bao giờ vấp phải lỗ lầm đó như tôi.
Điều khác nữa, một số lớn trong chúng ta sẽ bắt đầu chai đá đối với bệnh nhân của mình từ khi mới vào nghề. Dù làm trong các bệnh viện công hay tư. Tôi có thể nói cho các ban hay, khi còn làm trong bệnh viện với một đống hồ sơ trước mặt, tôi chẳng ngần ngại giải quyết cho mau những hồ sơ bệnh lý đó. Tôi muốn tống khứ bệnh nhân ra khỏi phòng mạch nhanh chừng nào hay chừng ấy bởi vì có quá nhiều. Cũng bởi vì săn sóc bệnh nhân cũng chỉ là một công việc bình thường như bao công việc khác. Tôi có thực cảm thông với bệnh nhân lúc đó không nhỉ? Chắc chắn là không rồi. Tôi có thông cảm nỗi sợ hãi, lo lắng, hồi hộp mà họ đang trải qua không nhỉ? Chắc chắn là không, cho đến khi chính tôi cũng là một bệnh nhân. Đó đúng là một sai lầm lớn nhất trong xã hội chúng ta.
Chúng ta được huấn luyện để trở thành những chuyên viên săn sóc sức khỏe nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu được cảm xúc của bệnh nhân. Tôi không đòi hỏi các bạn phải xúc cảm một cách đau đớn thái quá với bệnh nhân, đó cũng không phải là cách hành xử của môt chuyên viên mà chỉ cần cố gắng hết sức mình tìm hiểu nỗi đau của họ. Hầu hết chúng ta chẳng làm điều đó, tôi có thể khẳng định như vậy. Các bạn đừng bỏ cuộc, tôi thách đố các bạn luôn đặt mình vào chính bản thân của bệnh nhân.
Bởi vì sự đau đớn, băn khoăn, lo âu của bệnh nhân là rất thực nhưng bạn không cảm thông được. Cho nên đừng bỏ cuộc, hiện tại tôi đang trong vòng thứ năm của hóa trị, tôi có thể nói với các bạn tôi cảm thấy rất khủng khiếp. Chúng ta chẳng bao giờ mong muốn được áp dụng phương pháp hóa trị dù cho kẻ thù của mình bởi vì nó rất đau đớn, buồn nôn, cảm giác rất tệ hại chẳng ra cái khỉ gì cả, không biết còn giữ được cái gì trong bụng không nữa. Thật là khủng khiếp! Bây giờ dù còn một chút sức lực tôi vẫn cố gắng an ủi những bệnh nhân ung thư khác bởi vì tôi đã thật sự hiểu rõ những đau khổ của họ. Nhưng thật là quá ít và quá trễ.
Các bạn có cả một tương lai rực rỡ trước mặt với đầy đủ sức lực và dồi dào nguồn cung cấp trợ giúp. Cho nên tôi thách đố các bạn một điều nữa, hãy vượt ra khỏi giới hạn của sự chăm sóc bệnh nhân. Xã hội ngoài kia còn rất nhiều người khổ sở, vất vả. Đừng cho rằng kẻ nghèo là phải đau khổ. Không phải vậy. Dĩ nhiên, kẻ nghèo bản thân đã không có gì nên họ dễ dàng chấp nhận cái gì họ có, họ vui sống hơn chúng ta rất nhiều. Có những người đau khổ về vật chất, hay tinh thần, hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn, có khi tâm tư giao động bất ổn, vân vân và vân vân. Đó là thực tế ngoài đời. Chúng ta đã cố tình làm ngơ hoặc không muốn chấp nhân sự thực phũ phàng đó.
Xin quan tâm về những sự kiện đó, dù cho các bạn đang phải theo đuổi con đường học vấn để trở thành Bác Sĩ Nha Khoa, hoặc những ngành chuyên môn khác. Xin giang tay ra đến những người đang cần sự giúp đỡ. Dù bằng cách nào bạn giúp họ, cũng thay đổi lớn lao cuộc đời họ. Tôi bây giờ đang là kẻ nhận sự giúp đỡ nên hiểu được cảm giác của họ ra sao. Tôi đã được sự quan tâm, chăm sóc, an ủi và khuyến khích. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hiện tại của tôi sau khi được điều trị. Mới đây thôi, tôi mới trải qua một chu kỳ hóa trị. Bây giờ thì tạm gác qua một bên chờ chu kỳ tới. Rất nhiều biến đổi đã sảy ra cho nên tôi mới có dịp nói chuyện với các bạn hôm nay.
Đẻ kết thúc buổi nói chuyện, tôi xin đưa ra một câu danh ngôn trích ra từ cuốn sách “Tuesdays With Morris”, có thể một vài bạn đã đọc rồi. “Mọi người đều biết mình sẽ chết, sự thực chẳng một ai tin như vậy, bởi vì nếu mình tin như vậy thì mình sẽ sống một cách khác không giống như hiện tại.”
Khi tôi phải đối diện với thần chết, tôi trút bỏ hết mọi thứ, chỉ giữ lại những gì thật cần thiết. Điều aí oăm là chỉ khi nào chúng ta tìm hiểu nên chết như thế nào, chúng ta mới suy nghĩ nên sống như thế nào. Thật là buồn cười phải không các bạn, nhưng đó là sự thật. Đó cũng là những gì đang sảy ra cho bản thân tôi.
Đừng để đời dạy bạn hãy sống như thế nào, Đừng để những phương tiện truyền thông khuyên bạn phải làm gì. Đó là điều đã sảy ra cho tôi, cho nên tôi đã sống đúng như lời khuyên đó nghĩ rằng làm như vậy sẽ mang lại hạnh phúc. Tôi hy vọng các bạn suy nghĩ chín chắn, và tự quyết định cuộc sống của bạn, không nhất thiết phải nghe theo người khác. Bạn cũng tự quyết định sống ích kỷ hay phục vụ tha nhân, bạn có muốn giang tay tới những người khác hay không. Bởi vì hạnh phúc đích thực không đến từ lối sống ich kỷ. Trước đây tôi chỉ sống cho chính mình và nghĩ mình hạnh phúc, nhưng cuối cùng tôi đã sai. Với ý tưởng đó tôi xin cám ơn tất cả các bạn. Nếu các bạn có vấn đề gì xin cứ tự nhiên (đặt ra với tôi).
Cám ơn.