Chuyện lạ
tahuudinhqn 24.12.2012 09:51:27 (permalink)
TRUYỆN LẠ

Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh

Trung tướng, nhà văn Trần Độ qua đời, đám tang ông được tổ chức ngày 14 – 8 – 2002, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Có 220 vòng hoa của các tổ chức và cấ nhân đến viếng. Nhưng vòng hoa nào cũng phải thay băng chữ, không được dùng những chữ: “Vô cùng thương tiếc”, chữ: “đồng chí”. Vì ông đã bị Đảng khai trư, và chữ: “trung tướng”. Hỏi tại sao? Nhân viên Ban lễ tang (thực ra là công an) trả lời: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh trên”.
Vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giấp ghi: “Vô cùng thương tiếc trung tương Trần Độ - Đại tướng Võ Nguyên Giấp”. Cũng phải sửa là: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Hai chữ “trung tướng”, nhân viên lễ tang không bỏ được, vì thư ký của tướng Giáp biện luận rằng, hàm vị ấy do Quốc hội phong, Quốc hội chưa bãi miễn. Nhưng khi gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi là: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”.
Ông Vũ Mão, đại diện Văn phòng Quốc hội đọc điếu văn. Cuối bài điếu có cụm từ: “…Rất tiếc là ông Trần Đô cuối đời đã mắc những sai lầm nghiêm trọng…”.Những lời lẽ chỉ trích tuy không nhiều, nhưng đã làm cả hội trường lặng đi, bầu không khí bị dồn nén hết sức căng thảng, ngột ngạt.
Anh Thắng, con cả của tướng Độ lên đáp từ. Sau những lời chân thành cảm ơn tất cả mọi người, anh nói: “…Tôi thay mặt gia đình, xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diên Văn phòng Quốc hội”.
Thế là như kho thuộc nổ được châm ngòi, bầu không khí bỗng vỡ oà. Cả hội trường bỗng vang dội lên những tiếng “hoan hô” và ràn rạt những tiếng vỗ tay tán đồng. Rồi tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay mỗi lúc một cao hơn, to hơn, dài hơn, vang rền hơn. Tưởng có thể vỡ tung cả vòm nhà hội trường tang lễ. Và lẫn vào trong đó cả những tiếng hét đến lạc cả giọng: “Ai cho phép chúng nó bỏ chữ vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng thương tiếc. Nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc”. Có cả tiếng thét hỏi: “Vũ Mão đâu?”, “Vũ Mão đâu?”. “Nó chạy rồi!”. “Trần Độ muôn măm!”.
Tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay vang rền như sấm dậy trong đám tang là chuyện lạ, từ cổ chí kim chưa từng thấy bao giờ.
Sáng hôm sau đưa tro di hài tướng Trần Độ về Thái Bình, quãng đường hơn 100 cây số, nhưng bốn lần bị công an giao thông ra lệnh dừng xe để kiểm soát giấy tờ. Lần dừng lâu nhất gần hai tiếng đồng hồ.
Các băng chữ của 220 vòng hoa, bị “mất trộm” gần hết. Gia đình chỉ giữ được bẩy băng và mấy quyển sổ tang.
Lược trích tường thuật của nhà văn Hoàng Tiến).
“NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN”. Ôi! Cái câu mĩ từ ấy, ở đám tang này mới đúng nghĩa làm sao!...

* * *
Mười năm sau đám tang tướng Trần Độ, tại mục đọc sách, Báo Văn nghệ số 21 (26 - 5 – 2012) in bài: “Văn của một vị tướng” của tác giả Tô Đức Chiêu. Bài báo cho biết NXB Hội Nhà Văn vừa cho ra bộ sách: “Trần Độ - Tác phẩm’, dày 1400 trang, tính số tròn, khổ lớn, do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết lời giới thiệu.
Đọc bài báo đưa cái tin rất vui mừng này, bỗng tôi lại nhớ ngày nào, máy anh em trong giới hội hoạ, hay kể về một giai thoại người mẫu của nhà danh hoạ Lê-ô-na đơ Vanh-xi (Leonardo da Vinci):
Khi vẽ bức tranh “Thiên Thần”, hoạ sĩ tìm được một chú thiếu niên tên là Âitalo, rất khôi ngô tuấn tú, với cặp mắt trong veo, đầy vẻ thông minh và quả cảm làm người mẫu. Bức chân dung được hoàn thành đã làm cho danh tiếng của tác giả càng thêm lừng lẫy.
Rồi mười năm sau, nhà danh hoạ lại nẩy ra ý tưởng vẽ một bức chân dung “Quỷ Dữ”. Ông tìm được một tên tù khổ sai rách rưới, gầy còm, hai hố mắt sâu hoáy, và nấp ở trong đó là hai con mắt sắc lẻm, với những cái nhìn vừa lạnh lùng, vừa gian giảo để làm người mẫu..
Nhưng có một điều hết sức bất ngờ đã sẩy ra là khi vẽ xong bức tranh, hoạ sĩ trả công cho người mẫu, thì tên khổ sai thốt lên: “Thưa ngài, ngài không nhận ra tôi ư? Chính tôi là Aitalo, mười năm trước đã làm người mẫu cho ngài vẽ bức tranh “Thiên Thần” đây! Vì chiến tranh xô đẩy, để có miếng ăn, tôi đã phạm tội ác. Xin ngài vì Chua, hãy rủ lòng thương cứu giúp tôi…”.
*
* *
Những năm cuối đời đã nhiều lần Tướng Trần Độ trình bày quan điểm của mình, và tham gia ý kiến với Trung ương Đảng (cả trực tiếp và gửi thư) về đường lối, chính sách của Đảng. Nhưng tiếc rằng quan điểm của ông không đồng nhất với quan điểm của Trung ương. Cho nên ông đã bị coi là một “phần tử thoái hoá, biến chất”. Giống như nhân vật người mẫu trong giai thoại trên kia, từ thiên thần đã thành quỷ dữ. Từ một cán bộ cao cấp của cách mạng, đã trở thành một “tên chống Đảng và phản bội chủ nghĩa Mác!”, Ông bị khai trừ Đảng, bị chỉ trích và phê phán rất gay gắt. Ngay cả khi ông đã nhắm mắt xuôi tay, đi vào cõi vĩnh hằng, trong điếu văn người ta vẫn còn phê phán!
Thậm chí người ta còn cấm không được ghi những chữ “vô cùng thương tiếc” trên những vòng hoa viếng. Rồi còn cho công an giao thông gây cản trở, trên đường đám tang đi về Thái Bình quê hương ông. Nhằm mục đích để những người ở Thái Bình đi đón đám tang phải chờ lâu, sẽ có người sốt ruột bỏ về, do đó mà số người tham dự đám tang ít đi. Và như vậy là ảnh hưởng “xấu” của đám tang cũng it đi. Kết quả là sau bốn lần bị công an kiểm tra, các băng chữ của 220 vòng hoa đã bị “mất trộm” gần hết!
Người ta có thể cấm chợ ngăn sông, cấm đa nguyên, đa đảng, cấm tư nhân không được hoạt động kinh doanh báo chí, xuất bản …Nhưng làm sao có thể cấm được tình cảm của con người thương nhớ nhau ?...
Sao người ta không noi gương ông cha mình ngày xưa. Khi binh sỹ Nhà Trần dâng đầu Toa Đô lên, đức vua Trần Nhân Tông đã cởi long bào của mình phủ lên thi thể tên tướng giặc, và ban lệnh cho mai táng chu đáo. Một kẻ thù đến cướp nước ta mà còn được đối xử như vậy. Còn ông Trần Độ là một vị tướng của quân đội ta, đã nhiều năm chiến đấu hy sinh vì độc lập và tự do của Tổ quốc. Giờ đây chỉ vì một chút quan điểm không gặp nhau mà hận thù nhau hơn cả kẻ xâm lược sao?!...
Ở góc độ một công dân, chúng tôi thấy tướng Trần Độ là một nhân vật quan trọng của lịch sử cách mạng nước ta, quan điểm của ông đúng sai thê nào, chắc rồi đây lịch sử sẽ đánh giá công bằng. Còn ở góc độ một người đọc, đã được đọc những bài viết của ông, chúng tôi thấy ông không phải là người chống Đảng và phản bội chủ nghiã Mac. Trái lại, ông rất trung thành với Đảng. Ông mong muốn Đảng được nhân dân yêu mến và trường tồn, đất nước mau chóng giầu mạnh, nhân dân được tự do hạnh phúc.
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam chí có một mục đích duy nhất là làm cho “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thì nhữngc lá thư và bài viết của ông cũng không ngoài mục đích ấy.
Về nền kinh tế thị trường, ông đề nghị bỏ cái đuôi “Định hướng xã hội chủ nghĩa” đi. Vì chế độ Xã hôi chủ nghĩa là thượng tầng kiến trúc của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, mà nền kinh tế đó đã được áp dụng vào cuộc sống ở nước ta. Nhưng không phát triển được. Lương thực không đủ ăn, hàng hoá không đủ dùng, cho nên phải chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, lấy quy luật cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất phát triển. Vậy hà cớ gì lại phải níu lấy cái đuôi “Định hướng”? Đó là chủ nghĩa giáo điều, hoài cổ. Hoặc để bảo vệ lợi ích cho phe, nhóm, cản trở sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Ông cũng đề nghị không nên đê thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, không nên ưu tiên, ưu đãi cho thành phần kinh tế quốc doanh. Mà nên tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng để cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Trong thực tế nhiều năm qua, thành phần kinh tế quốc doanh làm ăn kém hiệu quả, Nhiều xí nghiệp thua lỗ triền miên, nợ Ngân hàng khôg trả được, Nhà nước phải cho xoá nợ. Tài sản của các xí nghiệp quốc doanh là của công, chẳng phải là của ai. Cho nên tệ nạn tham ô lãng phí cũng phát sinh và phát triển tại đây.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, và để giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước, thì không có giải pháp nào hữu hiệu bằng cổ phần hoá các xí nghiệp quốc doanh, chuyển nhượng, rút vốn hoặc giải thể…
Về chính trị, ông đề nghị mở cửa hội nhập với thế giới, nới rộng tự do dân chủ thực sự. Thực hiện chế độ chính trị đa nguyên, đa đảng như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Có đa đảng mới có cạnh tranh, và có cạnh tranh thì Đảng cộng sản mới tránh được sự chuyên quyền độc đoán. Người dân có được hưởng quyền tự do dân chủ thực sự, thì họ mới cố gắng sáng tạo trong công cuộc lao động dựng xây đất nước. Và có được hưởng tự do dân chủ thực sự, thì người dân mới ủng hộ Đảng, và tin tưởng đi theo Đảng mãi mãi…
Về văn hoá xã hội, ông cũng đề nghị bỏ chế độ kiểm duyệt. Và xã hội hoá các ngành báo chí, xuất bản. Thực hiện đúng Hiến pháp đã quy định, mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận…
Nhưng rất đáng tiếc, những đề nghị đó của ông đã hoàn toàn đối lập với chủ trương đường lối của nhà cầm quyền. Mà ở một nước có chế độ chính tri đơn nguyên, thì đối lập cũng đồng nghĩa là kẻ thù!
Song từ ngày tướng Trần Độ qua đời đến nay đã vừa đúng mười năm. Thời gian đó đối với lịch sử của một đất nước thì chẳng đáng kể gì. Nhưng đối với mỗi cá nhân thì đã quá đủ để biến đổi từ một người tốt thành kẻ xấu, và ngược lại. Biết đâu tướng Trần Độ lại chẳng như trường hợp của Bí thư Kim Ngọc, đang là một kẻ “chống Đảng”, lại trở thành một vị “công thần” !
Và cũng rất có thể 10 năm ấy là độ lùi cần thiết để Đảng và Nhà nước nghĩ lại, xem xét lại, đánh giá lại những đề nghị của ông. Mà việc NXB Hội Nhà văn vừa in sách cho ông là một dấu hiệu mở đầu cho sự thay dổi rất đáng mừng đó chăng?!

.
TP Uông Bí ngày 17 – 7 – 2012
Tạ Hữu Đỉnh






#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9