Nghe một bản nhạc cũng như đọc một cuốn sách, nó phải phù hợp với khả năng cảm nhận của từng người, nghĩa là chủ thể có kiến thức, có tâm hồn tương hợp để cảm nhận được cuốn sách ấy hay bài hát nọ.
Có vậy, ta mới phát sinh động lực ham thích, có nhu cầu nghe nhạc, và cảm nhận được bài hát, bị xúc động theo giai điệu, ca từ.
Nghe nhạc cổ điển chẳng hạn, người nghe phải biết thưởng thức, nghĩa là tâm hồn đã được nhào nặn trong một môi trường giáo dục mang tính bác học. Còn nếu không thì chẳng khác gì… bị hành hạ!
Tôi muốn nói đến âm nhạc Việt Nam. Một số bạn trẻ sinh sau đẻ muộn, được hấp thụ nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa, khi nghe những bản nhạc trước 1975, họ gọi đó là nhạc già và họ than phiền là nhạc gì buồn quá, rã rượi, nghe xong chỉ muốn… đi nằm, ngủ quách!
Nếu mỗi chế độ, mỗi xã hội có một nền Giáo dục riêng thì âm nhạc lại là sản phẩm của nền Giáo dục đó.
Và âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng. Nó là bộ môn nghệ thuật thiết yếu có ảnh hưởng đến tâm hồn, đào tạo nhân cách.
Nghe một bản nhạc, chẳng khác gì đọc một cuốn sách. Làm sao có thể, một người trình độ văn hóa chưa hết cấp 2 mà đã đòi đọc La nausée của J. P. Sartre. Làm sao một bạn trẻ chưa được hấp thụ một nền giáo dục tự do, nhân bản, không có truyền thống kế thừa hay được giáo dục trong môi trường âm nhạc, lại có hứng thú nghe nhạc bán cổ điển, nhạc giao hưởng, nhạc Vũ Thành!
Như vậy âm nhạc có tính cách chọn lọc. Nó đòi hỏi người nghe, người cảm thụ phải có tâm hồn đồng điệu với bài hát.
Có những tiếng hát, những bài hát chỉ dành riêng cho một số người nghe mà khi đã nghe rồi đâm ghiền, không thể nào quên được, bỏ được.
Trường hợp tiếng hát Thái Thanh là điển hình.
Nghe Thái Thanh hát, không phải ai cũng có cảm nhận như nhau, có người thích, có người không thích. Như các bạn trẻ ngày nay, mấy ai lại nghĩ rằng Thái Thanh là một danh ca.
Tuy nhiên, tiếng hát ấy, tiếng hát mà tôi đã đắm say mỗi khi nghe bất kể đêm khuya hay sáng sớm, bất kể ngồi một mình hay cùng với các bạn, tiếng hát mà mãi mãi làm tôi không bao giờ chán. Nó là quá khứ và cũng là hiện tại. Nó vượt thời gian. Nó từ nghìn trùng xa cách mà cũng gần gũi xiết bao. Tiếng hát hòa nhập vào tôi, ăn sâu vào máu huyết, vào tế bào. Làm sao xóa nhòa được.
Một hôm, tôi lang thang trên con phố đường Triệu Nữ Vương Đà Nẵng, bước vào một tiệm bán đĩa CD, tôi đã tình cờ bắt gặp lại mấy đĩa hát cũ ngày xưa.
“Những điệu thu ca” trong đĩa nhạc tôi “lượm” được gồm 16 bài (?), trong đó Thái Thanh hát 3 bài (Thu về trong mắt em, Tiếng thu, Mùa thu Đông Kinh), Khánh ly 3 bài (Mùa thu cánh nâu, Thu, Mùa thu mây ngàn), Thanh Lan 2 bài (Thu vàng, Hoài thu), Hà Thanh 2 bài (Mùa thu paris, Áo lụa vàng), Lệ Thu 2 bài (Sương thu, Thu ca), Sĩ Phú (Thu quyến rũ), Duy Trác (Lá đỗ muôn chiều), Phương Hồng Hạnh (Lá rơi bên thềm), Xuân Sơn (Nhìn những mùa thu đi).
3 ca khúc mà Thái Thanh hát trong đĩa nhạc này quả là 3 tuyệt tác. Do chép lại từ băng cassette nên âm thanh không còn trong. Tuy vậy, tiếng hát Thái Thanh ngày ấy và bây giờ, người nghe cảm nhận tiếng hát ấy không có dĩ vãng, vượt thời gian.
Tôi nghĩ có lẽ do chất giọng của bà, cao vút, trong và khi xuống thấp, bà thả giọng buông xuống rất nghệ thuật cũng như khi ngân, rất điêu luyện. Thái Thanh làm ta hình dung ra được, cụ thể được, hình ảnh mà bà muốn diễn tả. Khi hát, thanh nhạc của bà không bị sự cố như rè tiếng, bể tiếng, rung tiếng, …. Ví dụ, bài “Buồn tàn thu của Văn Cao” thì từ “lướt đi” ngân giọng kéo dài, làm ta hình dung ra được một cách sinh động người đang đi ngoài sương gió để lại cho người nghe một cảm giác lạnh lẽo, cô độc: Ai lướt đi ngoài sương gió…
Trong bài “Thu về trong mắt em” của Phạm Mạnh Cương. Chất giọng của Thái Thanh mở đầu với âm thanh cao vút rồi rơi xuống, người nghe cảm nhận như một sự cố (scandale), một bàng hoàng, xao động: “Trong mắt em, mùa thu về đây”, chữ “đây” bà thả xuống như một cánh chim từ trên bầu trời xanh thẳm nhẹ nhàng đáp xuống thảm cỏ.
Bài “Tiếng thu”, thơ của Lưu Trọng Lư, Phạm Duy phổ nhạc. Là một bức tranh thủy mặc, qua tiếng hát của bà, bức tranh trở nên sinh động, người nghe cảm nhận một nỗi nhớ mênh mông, bất chợt xao xuyến: “Em không nghe mùa thu. Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực. Hình ảnh kẻ chinh phu. Trong lòng người cô phụ…”
“Mùa thu Đông Kinh”, bài hát của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, qua biểu diễn của Thái Thanh, đưa ta lạc vào một thế giới tràn ngập lá vàng, với cơn lạnh giá, ướt đẫm trái tim những người tình:
“Mùa thu Đông Kinh. Buồn như tình em trong cơn gió, đìu hiu liễu bên đàng, ru lòng ai. Lá thu vàng trên bờ vai. Như bao nhiêu thu tình. Mang theo bao nỗi lòng. Tiếng gió thu lạnh lùng. Mùa thu đông Kinh. Gọi đôi hình bóng trong giây phút. Chờ trông bước đi tìm tâm tình nhau. Bước đi tìm, duyên ngày sau. Trong tiếng hát mơ màng, trong ánh nắng ngỡ ngàng. Xao xuyến lá thu vàng”.
Nếu nghệ thuật là sự đáp ứng những đòi hỏi tinh thần thì một trong những yếu tính của nghệ thuật là tự do.
Nghệ thuật là sản phẩm tư duy của chủ thể, nghĩa là những khát vọng chủ quan. Do đó người thưởng ngoạn nghệ thuật là người đồng cảm bằng trái tim, không phải bằng lý trí. Ở đây không có áp lực, không có bó buộc: phải hát thế này, thế nọ. Bài hát phải thế hiện tính đảng, phải phù hợp với quan điểm, …
Nói chung trong nghệ thuật không có sự điều khiển.
Trong nghệ thuật, tính sáng tạo cá nhân được khai phóng và phát triển cao độ.
Nghe Thái Thanh hát là nghe bằng trái tim, bằng sự thưởng ngoạn nghệ thuật. Trong chiều hướng đó, người hát và người nghe hát đều là những người dấn thân trong thế giới nghệ thuật.
Nghệ thuật là chủ quan, là cái cá thể, không phải khách thể. Khi tiếng hát vang lên, ta như được giải thoát khỏi thế giới buồn bã, hướng đến một thế giới thanh bình, trong đó có nỗi đau là nỗi đau dịu dàng. Có nỗi buồn là nỗi buồn hạnh phúc.
Ca sĩ Thái Thanh phải nói là một danh ca của nền tân nhạc Việt Nam. Từ thuở còn thơ, học lớp đệ lục, đệ ngủ, tôi đã thích nghe bà hát, khởi đầu là những bài hợp ca của ban Thăng Long, trong đó khi hát bè, giọng bà solo nghe sáng rực giữa màn đêm, nhất là các từ cuối câu, được ngắt hay ngân. Bài “Ô mê ly”, tiếng hát của ca sĩ Ánh Tuyết, người Hội An (ca sĩ sau năm 1975), cho dù có cố bắt chước Thái Thanh cũng không đuổi bắt được bà. Bài “Đại lộ hoàng hôn” của Y Vân, qua phần trình bày của bà, âm thanh cao vút, phát âm rõ và trong, tiếng hát của Thái Thanh đi như một cơn gió, làm ta bắt chợt nỗi cô đơn một mình trên đại lộ khi chiều buông xuống: “Đại lộ hoàng hôn phồn hoa ngậm nắng. Đường một đường hai chiều đi vào tối. Trời cao và gió đầy, hàng cây cùng ghế dài, nào ai lẽ bóng, nào ai thành đối”. Trong bài “Sang ngang” của cố nhạc sĩ Đỗ Lễ, khi Thái Thanh phát âm chữ “nín” trong câu “thôi nín đi em” ta nghe như Thái Thanh bật khóc.
Thập niên 60, Sài Gòn chỉ có TV đen trắng, qua mỗi chương trình, có Thái Thanh hát, nhìn bà biểu diễn, khán giả có cảm giác bà đang thả hồn cảm xúc theo bài hát. Bài hát điều khiển thân xác của Thái Thanh. Từng cử chỉ, bàn tay, bước chân, ánh mắt làm ta liên tưởng chính vũ trụ qua bài hát đang hiển hiện trước mắt chúng ta, chứ không phải là Thái Thanh bằng xương bằng thịt đang hát.
Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, tôi có nghe được một buổi phát thanh của đài tiếng nói Tự do lúc 0 giờ do Thái Thanh phụ trách. Giữa đêm khuya bà kể về một nghĩa trang, đi giữa nghĩa địa, lách mình trong đám cỏ lau sậy, tìm gặp mấy ngôi mộ, nhìn vào tấm bia, đọc những hàng chữ ghi thông tin người đã chết, Thái Thanh làm ta ướt đẫm nỗi buồn lạnh giá, ta rùng mình, nghĩ cuộc đời quá mong manh, quá ngắn ngũi. Sau đó Thái Thanh cất giọng hát bài “Thương tình ca”: “Dìu nhau sang bên kia thế giới. Dìu nhau nương thân ven chín suối. Dắt dìu về tới xa vời, đời đời. Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu”
Thái Thanh hát rất nhiều các tình khúc Việt Nam, các bản nhạc bán cổ điển nước ngoài, các dân ca ba miền, tất cả các bài hát qua bà đều thành công rực rỡ, đặc biệt với nhạc Phạm Duy, bà đã làm cho các tình khúc của ông nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp người thưởng ngoạn.
Giai đoạn thập niên 60 với sự phá triển cao độ của tân nhạc, sự nở rộ của các phòng trà tại Sài Gòn, sự phổ biến các máy nghe nhạc magnété phone, casette, tiếng tăm Thái Thanh càng vang dội. Nghe Thái Thanh hát chưa đủ, phải nhìn Thái Thanh hát mới thấm đẫm được bài hát mà Thái Thanh muốn gởi đến người thưởng thức.
Thái Thanh hát rất nhiều, phát hành băng nhạc không ít. Biết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu bài viết, kể cả người nước ngoài ca ngợi Thái Thanh. Do đó những gì người viết muốn nói ra cũng bằng thừa. Tuy nhiên có một điều lưu ý bạn đọc, bài viết ở đây hoàn toàn mang tính chủ quan, nghĩa là những gì bài viết thể hiện có thể không được người khác đồng ý hoặc chưa làm nỗi bật yếu tính giọng hát của bà. Nhưng điều này dễ hiểu, suy nghĩ về một tác phẩm nghệ thuật, nói cho cùng cũng là đồng hành với nghệ thuật, nghĩa là tiếng hát Thái Thanh trở thành cội nguồn cho sáng tạo của những bài viết, không phải của chúng ta mà là của mỗi cái “tôi” (le sujet). Hãy trở nên chủ quan như Kierkegard đã kêu gọi.
Tôi có một kỉ niệm nhỏ về một cuốn băng cassette do băng nhạc Tơ vàng phát hành những ca khúc do Thái Thanh hát, lấy chủ đề “Tiếng hát vượt thời gian”. Dạo đó tôi vào chấm thi tú tài 2 tại Trung tâm Sài Gòn. Một người bạn đã dẫn tôi đến một tiệm thu băng và mua tặng tôi cuốn băng vừa kể. Băng nhạc quá hay. Trong đó có phần dẫn nhập bằng chính ca sĩ Thái Thanh. Với giọng Bắc ấm, nhẹ nhàng, nghe bà nói người ta dễ chìm đắm trong ngôn ngữ nói của bà:
“…Bên cạnh những bài hát tiền chiến mà mỗi bài hát là một kỉ niệm. Bên cạnh những bản nhạc bán cổ điển Tây phương lời Việt mà mỗi tác giả là một thiên tài, hợp tuyển còn chọn những bài hát thịnh hành nhất. Băng nhạc là một công trình hợp soạn dưới sự điều khiển của Ban nhạc Văn Phụng với phần hòa âm của nhạc sĩ nghiêm Phú Phi và nhạc sĩ Phạm Đình Chương…”
Băng nhạc Tơ vàng sau 1975, trở thành một bảo vật mà tôi cất giữ. Lâu lâu giữa đêm khuya, tôi nghe Thái Thanh hát bên tai, tiếng rất nhỏ, rất nhỏ như tiếng thì thầm của kỉ niệm, mà mỗi bài hát quả thật như lời bà nói là một vùng trời kỉ niệm ngà ngọc. Đối diện với hiện tại là cuộc sống đầy những bất trắc, ngột ngạt của thời kỳ bao cấp.
Đêm khuya hay buổi chiều tà, nghe Thái Thanh hát “Sérénade” của Schubert, ta như cảm nhận được nỗi mất mác của kỉ niệm, của những tháng ngày bình yên không bao giờ tìm gặp:
“Chiều buồn nhẹ xuống đời người tình tìm đến người thấy run run trong chiều phai... Vẻ sầu của đóa cười tình bền của lứa đôi thoáng hương trong chiều rơi... Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời cho người thôi khóc thương ai! Cho niềm yêu đến bên tôi! Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu Ru người qua chốn thương đau Cho làn nước mắt... về đâu...? …”
Băng nhạc này, sau đó được một người bạn gái tôi vừa mới quen mượn. Một tháng sau, khi nàng đem trả, tôi nhận được trong một phong bì. Băng bị rối, lôi ra cả một đống. Tôi đành nghẹn ngào, chắt lưởi:
- Than ôi! Vĩnh biệt.
Được biết ca sĩ Thái Thanh, tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934, trong một gia đình nghệ sĩ: Thân phụ bà là Phạm Đình Phụng có 3 người con với bà vợ sau cùng là Phạm thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy, con thứ hai, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Hoài Bắc và cô gái út, Phạm Thị Băng Thanh.
Thái Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát khi mới 13, 14 tuổi trong những năm kháng chiến chống Pháp, lúc nhỏ bà tự luyện tập giọng hát theo lối chầu văn, hát chèo. Năm 1951, Thái Thanh cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn. Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng từ thập niên 1950, cho đến những ngày cuối của miền Nam VN. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình. Cùng với Thái Hằng, Hoài Bắc, Hoài Trung, Phạm Duy, Khánh Ngọc (vợ nhạc sĩ Phạm Đình Chương) lập nên ban Hợp ca Thăng Long.
Năm 1985, Thái Thanh rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ.Thái Thanh làm chuyến đi hát lưu diễn cuối cùng vào năm 2002 và dự định ngưng hát, nhưng sau đó vào năm 2006, người ta lại thấy bà xuất hiện hát trở lại. (các bạn muốn biết thêm về tiểu sử, các băng đĩa nhạc mà Thái Thanh đã thực hiện, xin tìm hiểu thêm trên net).
Hiện nay, một vài thông tin chưa được kiểm chứng nói rằng bà đã bị bệnh mất trí nhớ và đang ở trại dưỡng lão!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.01.2013 10:54:32 bởi Tuấn Nguyễn >