NGÔI NHÀ TÔI ĐÃ Ở
Nguyễn Lương Tuấn 08.01.2013 17:16:07 (permalink)


Tôi nhớ đâu đó đã đọc được đoạn đối thoại giữa hai cha con:
“Con ơi! Tại sao con bỏ cha con đi?
- Thưa cha! Tại vì con thương cha.”
Đó là nỗi lòng của đứa con đi hoang trở về tìm lại mái nhà xưa.
Đã bao năm rồi tôi vẫn cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội về lại nơi chốn nầy.
Vậy mà hôm nay tôi đang ở đây, ngôi nhà cũ, khoảng sân vắng lặng. Vẫn là hàng rào già tàu xanh mướt không che kín đầu. Vẫn cây vú sửa ngày nào cho tôi niềm vui khi phát hiện những trái chín óng mượt như có thoa lớp mỡ bóng loáng bên ngoài. Cái bể cạn còn đây. Hòn non bộ ngày xưa ba tôi vẫn từng say mê đặt từng hòn đá san hô lên và mường tượng những rừng cây, hang động, những núi cao quạnh hiu, ở đó có những ông Tiên đang ngồi đánh cờ. Dưới khe núi là ông Lã Vọng đang ngồi câu cá. Ba tôi thích thú nghe kể về giai thoại ông Lã Vọng câu cá nhưng lưởi câu để thẳng, có người ngạc nhiên hỏi, như thế làm sao giựt được cá? Ông trả lời: “ Tôi câu thời vận, đâu phải câu cá!”
Ngày nào cũng thế, buổi chiều, khi chiếc xe gắn máy vọng từ ngoài sân, tôi đã chuẩn bị trộn một ít xi măng để sẵn, và ba tôi – dựng xe vào nhà, chưa kịp cất mũ, ông đã say sưa làm tiếp hòn non bộ, thả hồn theo trí tưởng tượng.
Bây giờ hòn non bộ vẫn còn đó, cây sen vẫn còn đó, nhưng ông đã đi xa, không bao giờ về nữa.
Tôi không rời mắt được cái xưởng rèn, làm đồ sắt, bây giờ mái tôn che đã mục gĩ, hai giá sắt song song vẫn còn, được dùng để đặt cánh cửa kéo lên để tán li vê. Không biết những vật này có còn mảy may nhớ lại những người mà ngày nào đã từng làm việc tại đây, lao động cực nhọc. Tiếng búa nện chát chúa, tiếng gò tôn rầm rập để cho ra những cánh cửa sắt xinh đẹp.
Tất cả đều không còn nữa. Chỉ còn lại những đồ vật không giá trị (bởi vì nếu có giá trị, người ta đã bán rồi). Và tôi, bây giờ một mình ở đây trong sân nhà, trong xưởng làm đồ sắt bỏ phế nầy với những kỉ niệm.
Tôi bước vào nhà, tất cả hình như vẫn con nguyên vẹn. Hai cánh cửa thông bằng gỗ, ở căn chính, nơi bên trong thờ ông, bà, cha, mẹ. Tôi ngậm ngùi nhìn ảnh cha, khuôn mặt đó, tôi như vừa bắt gặp hôm qua khi tôi vừa từ Đà Nẵng trở về thăm ông. Tôi đã ứa nước mắt, cầm tay ông và bảo rằng: “Chú quá ốm!”. Ông cười, nụ cười pha chút héo hắt, ông bảo rằng không ai nấu cơm cho ông đều đặn được nên thế này!
Thật lạ lùng, khi một người cha có năm con trai, hai con gái, nhưng về già ông phải sống một mình. Thật ra bảo ông sống một mình thì cũng không đúng. Dạo đó mấy anh em tôi đều đi làm ăn mỗi người một phương, đến tháng họ gởi tiền về giao cho bà chị dâu nấu nướng, cung phụng cho ông. Và dĩ nhiên họ đều biết người cha có những nỗi khổ mà nói ra nghe thật não lòng. Ở An Cựu, ông anh thứ ba, thường về thăm ông, và cũng vất vã năn nĩ ông nhiều lần lên ở với anh, nhưng đều không có kết quả. Tôi biết ông không dể gì rời bỏ một nơi ông từng đổ mồ hôi nước mắt để gầy dựng nên nó. Ở đó ghi dấu biết bao nhiêu kỉ niệm của ông, của gia đình.
Buổi chiều, tôi qua thăm anh tôi. Tôi nói về chuyện ăn ở của bố già. anh bảo rằng anh bất lực vì ông cương quyết không chịu rời chỗ ở của ông. Tôi nhớ khi tôi sửa soạn vào lại Đà Nẵng, cha tôi đã hái cho tôi một giỏ vú sửa để làm quà. Lòng tôi rưng rưng. Không hiểu sao lần ấy tôi đã trực giác một mất mát lớn lao.
Bước vào gian bên trái, phía bên trong, ngày xưa là chỗ nằm của cha tôi, bây giờ đã được anh Cường, người anh kế tôi thay bằng một cái nệm hoa để nằm. Phía bên ngoài, vẫn là cái bàn dài, chân bàn hình chữ U, sáu ghế. Phòng này thông qua một phòng lồi, để một bộ sa lông, bốn ghế, đây là phòng khách, nơi cha tôi vẫn thường tiếp khách. Khách là những người đến đặt làm cửa sắt, hoặc hợp đồng làm nhà, ngoài ra còn là những người bạn của ông. Họ thường đến chuyện trò, uống trà, bàn luận thời sự. Đây cũng là nơi họp mặt của gia đình. Mỗi lần kị giỗ, cưới hỏi, chạp mã, ngày tết, …Những lúc đó nhà tôi đông vui như hội.
Nhớ làm sao những ngày cuối tháng chạp, sát tết, khi người ta chuẩn bị tất niên.
Tháng chạp - Một năm nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống quanh ta.
Tháng chạp với tôi, tuổi trẻ hồn nhiên, vô tội. Những mong ước ngày chóng qua, tết chóng đến. Mong ước cơn mưa dầm, dai dẳng mau hết. Mong ước cơn rét buốt loãng dần. Một ngày nắng ấm sẽ đến.
Tháng chạp ở Huế, mùa đông làm ta lạnh buốt da thịt. Đất ẩm ướt, sân nhà rêu mọc xanh từng mảng. Bầu trời thường xám sịt, mưa phùn liên tục, ngoài đường, mọi người đi qua, khó nhìn mặt được nhau, do trùm mủ áo mưa hay mủ len, những chiếc xe chạy vụt qua. Những lúc như thế này, tôi thích được ngồi cạnh bếp than rèn đỏ rực lửa của Bố già. Lửa tỏa sáng ấm nóng xưởng rèn..
25 tháng chạp âm lịch, thời điểm mà mọi người thường nôn nao trong công việc kết thúc một năm, chuẩn bị tết. Công việc của bố già đã giải quyết. Nhà xưởng lúc này yên tĩnh. Không còn tiếng búa nện trên mặt đe, không còn tiếng gò tole cho những bộ cửa kéo, …Bố già đang chuẩn bị cúng tất niên. Trong nhà, bà nội, bà chị dâu đang bận rộn cho thực phẩm ba ngày tết.
Dù không quan tâm đến tết, người Huế không thể nào dững dưng được với mùa xuân của Huế. Cây mai vàng trước nhà đã kết tụ những nụ màu xanh nõn, chờ trổ những cánh vàng, những chậu hoa vạn thọ, hoa thược dược được bố già mua để trên bậc thềm trước hiên nhà. Tôi làm sao không bồi hồi nô nức?
Buổi sáng, tôi qua nhà hàng xóm mượn cuốc, cùng anh chị ra cồn mồ chạp mộ mẹ. Mộ mẹ chúng tôi được đổ đất sõi đỏ, lấy từ núi Ngự Bình, không xây lăng, mỗi lần chạp, tôi và anh nhổ cỏ, cuốc lớp đất sõi do thời gian bị xói mòn, trôi xuống chân mộ. Tôi và anh Hạ, sau một hồi loay hoay cuốc, vun đất sõi lên nấm, ngôi mộ đã cao lên, sạch sẽ. Chị Thanh bày hoa trái, thắp hương và chúng tôi cúng mẹ.
Khi chuẩn bị ra về thì cũng xế trưa, tôi nhìn chung quanh, người đi tảo mộ khá đông. Nhìn ra xa, sau lùm cây um tùm, thấp thoáng nhà ông Bộ Thừa, người vẫn thường hay ra chơi, chuyện trò cùng cha tôi. Gia đình tôi vẫn nhờ ông giúp đỡ, để mắt dùm mộ mẹ chúng tôi. Từ Cồn Mồ, đi một đoạn là đến bến đò Cồn Mồ. Ở bên này bến, nhìn qua bên kia, tôi có thể thấy vườn sau của nhà dì Quế, chị ruột của mẹ tôi, mỗi lần cha tôi đánh đập, la mắng chúng tôi đều có được sự che chở của dì. Mẹ tôi mất ở tuổi 49, quá trẻ, trong khi đó tôi vẫn còn bà ngoại, ba bà dì đều là chị của mẹ: Dì Sâm, dì Dung, dì Quế. Tôi mất mẹ lúc tuổi còn quá nhỏ, chỉ vừa 6 tháng tuổi. Nếu không có bà nội, có lẽ tôi khó sống. Người ta kể lại tôi đã sống được là nhờ bầu vú của bà nội.
Khi về đến nhà, cha tôi đang cúng tất niên. Ông mặc áo dài đen, đầu đội khăn đống đen. Buổi trưa cả gia đình, thợ, học trò học nghề quay quần quanh bàn tiệc cúng tất niên. Kết thúc một năm, cha tôi trả tiền thợ, cho tiền học trò học viêc, dặn dò ngày đi làm trở lại.
Và ngày tết, bình hoa mai vàng lớn được đặt tại phòng khách. Đêm 30 tết, tôi không bao giờ quên được cảm giác hạnh phúc khi được dọn bàn cúng giao thừa cùng anh Hiền, người anh thứ hai. Trong khi chờ đón giao thừa, tôi thường cùng anh Hạ đi bộ dọc theo đường Chi Lăng lên đến tận quán cà phê Dạ Thảo, lặng ngắm thành phố chờ đón giao thừa. Khi thời khắc năm mới sắp điểm, anh Hiển bảo tôi vào gọi cha ra cúng. Tiếng pháo nổ dòn dã hòa lẫn tiếng pháo cả xóm, nụ cười mãn nguyện nở trên môi người cha.
Và rồi tôi cùng các anh chị quây quần quanh phòng khách. Bà nội được ba tôi mời ra ngồi, ông không chúc tết bằng lời, nhưng rút tiền trong một cái tráp khảm xà cừ. Ông rút nhẹ những tờ bạc mói toanh còn nghe thơm mùi giấy. Ông trao cho bà nội rất kính cẩn. Sau đó ông tuần tự trao cho các anh chị em tôi. Đó là một cử chỉ thể hiện sự thương yêu của ông mà chúng tôi sung sướng cảm nhận. Một chốc sau, cả nhà sang gian bên phải, quây quần trên bộ ngựa gỏ. Chúng tôi đổ xăm hường – Một trò chơi biểu tượng truyền thống văn hóa của Huế.
Có người định nghĩa Tổ quốc là lũy tre, xóm làng, khói chiều, ngôi nhà, … Tôi đã cảm nhận Tổ quốc trong ngôi nhà của tôi. Như một kẻ lang thang lưu đày từ lâu, như một đứa con đi hoang trở về, tôi hạnh phúc khi được về lại ngôi nhà xưa. Những kỉ niệm thời thơ ấu, có bà nội, có ba, có các anh chị, có tôi như đang hiển hiện trước mắt. Ở đó, mỗi căn phòng, cái ghế, cái bàn, lối đi, nhà trên, nhà dưới đều cho tôi cảm giác trẻ lại. Phòng học của anh Hiển đã để lại sau khi anh ra trường, vào dạy học tại Đà Nẵng. Phòng này nằm phía trái phòng khách. Một cái bàn học (bureau) bằng gỗ được bác Tri, người thợ mộc hàng xóm làm, bây giờ vẫn còn nhưng đã bị mối gặm., một cái tủ sách cao cũng do bác Tri làm, không có cửa kính, trở thành kệ sách. Đó là nơi tập trung sách rất nhiều trong thời gian anh học từ trung học cho đến khi tốt nghiệp sư phạm triết tại Đại học Đà Lạt. Sách đó sau này một số anh mang vào Đà Nẵng, một số để lại, bây giờ không còn nữa, có lẽ đã tiêu tan sau những đợt càn quét văn hóa phẩm đồi trụy sau năm 1975. Sau kệ sách là phòng ngủ của anh và khi anh vào Đà Nẵng đã để lại cho tôi. Tôi nhìn bao quát lại căn phòng: Biết bao nhiêu kỉ niệm chất chứa ở đây, những hoài bảo, những thao thức một thời theo cuộc chiến, những âu lo nếu thi rớt sẽ bị đi lính, …và rồi tôi cũng theo học ngành triết như anh Hiển.
Có thể nói, xóm Chợ Dinh, góc đường Chi Lăng – Ôn Như Hầu không ai là không biết nhà tôi. Đó là một tiểu thế giới: Tiếng người cười nói, tiếng la hét của ba tôi khi điều khiển thợ, tiếng ồn của những cái búa nện lên sắt, tiếng gò tôn, tiếng quay bệ để nung sắt chín đỏ, …
Từ nhà ăn, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn xuống bến đò Chợ Dinh. Giòng sông Hương lấp lánh êm đềm đổ về Bãi Dâu, uốn khúc bao quanh rồi gặp và hòa nhập với sông Bao Vinh. Cứ mỗi buổi sáng, tôi thường đứng ở cửa chờ chuyến đò đổ bến. Người ở bên kia Vỹ Dạ, Nam Phổ, Tây Thượng gánh hàng đem qua bán ở Chợ Dinh đủ thứ, nào tôm, cá, nào rau tươi, nào bún, cháo.
Tôi để ý thấy ở góc đường, thường có một ông thu thuế bằng cách dán ở chiếc gióng những con tem nhỏ, trong đó có ghi số tiền và người gánh hàng rong thường phải trả tiền trực tiếp cho ông, có khi bị dán tiền thuế cao quá, người bán hàng không chịu, thế là hai bên cải qua cải lại rồi chửi tục oang oang, trở thành một trận thư hùng chửi rất thú vị.
Tôi thích nhất những cô gái gánh hai thúng bắp nấu. Hai thúng bắp được lót lá chuối, màu xanh nõn, phía trên được đậy bằng một cái rỗ tre mà chung quanh bày một vòng quanh thúng bằng lá chuối xanh trông rất đẹp mắt, hấp dẫn. Khi ba tôi bảo chị tôi ra mua chục bắp, tôi khoái được ngồi gần thúng bắp để tận hưởng hơi nóng đầy hương của những trái bắp Cồn tỏa ngào ngạt rất dể chịu, những trái bắp hột rất đều, màu vàng mơ, khi nhai, vị ngọt thanh, thấm vào cổ họng rất tuyệt. Người ta bảo bắp Cồn ngon là do đất được phù sa bồi đắp hàng năm vào mỗi cơn lụt.
Những buổi sáng mùa đông, tôi thường dậy trễ. Trời lạnh buốt. Tôi nghe tiếng rao mì nóng lanh lãnh: “Mì nóng không? Mì nóng không?” tôi tung mền ngồi dậy, chạy nhanh cho kịp để mua ổ bánh mì một đồng. Tôi vẫn còn cảm giác gần như bỏng tay khi thò tay vào để lựa mì.
Và rồi tôi có thể vừa đi học, vừa nhai bánh mì. Từ nhà đến trường Nguyễn Du, tôi đi bộ, dọc theo đường Chi Lăng đến ngã ba Cao Bá Quát, tôi rẽ phải theo đường đó và rồi rẽ trái đi hết đường Võ Tánh (bây giờ là Nguyễn Chí Thanh), đến múi cầu Đông Ba, rẽ trái qua Nguyễn Du và đến trường.
Trên đường đi, tôi quan sát cảnh vật, sinh hoạt của những ngôi nhà hai bên đường: Những gánh hàng rong bán dạo, gánh bún mà hơi nóng tỏa mùi thơm hấp dẫn, người ta ăn sáng bằng cách gọi vào tận nhà để mua, không cần phải đi ăn tiệm hay ăn sáng. Mùa đông ở Huế thường mưa dầm và mưa dai dẳng, tôi thích tròng chiếc áo mưa belaire 3 lỗ, đội mua đi dưới trời mưa để đến trường, hoặc cùng bạn đi dạo dọc theo khu phố ở Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, vào Thành Nội ra cửa Đông Ba vào ban đêm trong những ngày cuối tuần.
Mùa hè, Huế rất nóng nực. Cơn nóng gay gắt có khi kéo dài suốt đêm, da thịt ta như có chất keo do mồ hôi rịn. Nhà có sân thượng do bố già đỗ bê tông nhưng chưa chịu xây tầng trên. Ban đêm tôi và các anh thường lên đó trãi chiếu ngủ nhìn trăng sao, dưới lưng tôi vẫn còn hâm hấp nóng do xi măng còn giữ nhiệt. Vui nhất là đến mùa học thi, tôi, các anh và một số bạn trãi chiếu ngồi học ở sân thượng sát trụ đèn góc nhà, ngã ba Chi Lăng – Ôn Như Hầu, nhìn xuống bến đò. Ở sát vách giáp đường Ôn Như Hầu, có bụi chuối, lá vượt quá chỗ tôi nằm, ngọn gió đưa tàu lá chuối cọt kẹt trên đầu tôi. Đến đêm khuya khi ngủ say, tôi bỗng thấy có người nắm đầu tôi kéo xuống, không cho nằm. Tôi rú lên. Phan Thập Toàn, bạn anh Hiển, nhìn tôi cười: “Nằm chộ thấy người đẹp răng lại rú lên rứa?”
Tôi kể lại sự việc. Phan Thập Toàn giải thích:
- Có lẽ do tàu lá chuối đong đưa trên đầu cụ nên khi ngủ mê cụ nằm chộ.
Tôi nghĩ Phan Thập Toàn nói đúng. Về sau, khi ngủ, tôi không trở đầu ra hướng đó nữa.
Giáp hông nhà là đường Ôn Như Hầu, đi thẳng tắp khoảng chừng cây số là khu dân cư Phường Phú Hậu. Đây là địa bàn dân, trãi dài bao quanh đến tận Bãi Dâu chuyên sống bằng nghề lao động, nghề trồng rau. Một điểm đặc biệt đây cũng là nơi xuất phát của người bán hàng rong: Hột vịt lộn, chè đêm.
Ban đêm, các cô gái đi bán chè xách, hột vịt lộn nách khắp thành phố. Tiếng rao lanh lãnh: “Hột vịt lộn!”, “Chè đậu xanh, đậu ván!” tạo thành một bản sắc riêng của Huế. Mùa hè, bọn chúng tôi học thi trên sân thượng, sát trụ đèn điện, về khuya, các cô gái đi bán về nói chuyện rôm rã, những lúc ấy, Phan Thập Toàn núp kín trên sân rao luôn một tràng dài: “Chè đậu xanh đậu ván. Có cái chi trong háng. Nằm xuống đây tui khám. Té ra chè đậu xanh đậu ván!”.
Các cô gái nghe được, cũng không vừa: “Có cha mi trong háng!”. Phan Thập Toàn cười ha hả.
Chuyện các cô gái bán chè, bán hột vịt lộn ban đêm tạo nên những đặc điểm sinh hoạt lý thú về đêm của Huế. Người ta nói rằng tại Phu Văn Lâu, có chè đút, nghĩa là các cô gái bán chè dạo cho khách bằng cách đút cho khách ăn, khách không cần động tay! Ha ha! hấp dẫn.
Thoắt cái đã ba mươi bảy năm. Người ta bảo tam thập nhi lập, ba mươi tuổi đã lập thân. Thế mà thời gian đã hơn phần ba thế kỉ. Huế đã đổi thay nhiều, nhưng ngôi nhà tôi đã ở vẫn không có gì thay đổi.
Trời tháng chạp, lạnh như cắt. Tôi rùng mình, khêu vội đống lửa đã tàn, ngọn lửa lóe sáng, nghe kêu lách tách như tiếng thì thầm: “Dormez chéri! Dormez chéri!”
– Hởi em yêu dấu, đã 37 năm rồi còn gì!.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.01.2013 11:37:06 bởi Tuấn Nguyễn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9