Con dế nhũi

Tác giả Bài
Đặng Quang Chính
  • Số bài : 1018
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 26.10.2011
Con dế nhũi - 12.01.2013 13:36:01

Con dế nhũi


Lúc học văn Trung học đệ nhất cấp, ai cũng nhiều ít đọc qua tác phẩm ”Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Người em kế tôi thích câu truyện này nên hay luôn nói đến; nhất là khi anh chàng đã làm một chuyến phi êu lưu nào đó (không nhất thiết là phải đi xa, chỉ cần có tính mạo hiểm trong một sự việc nào đó) thế nào anh cũng nhắc chuyện Tô Hoài cho bằng được.

Phần tôi, tính mạo hiểm cộng thêm với tưởng tượng nên thích những chuyện của June Verne, chẳng hạn ”Ba ngàn dặm dưới đáy biển”. Nhưng, kỳ đi Mỹ thăm người em lần này, tôi được anh ta gắn cho biệt hiệu là ”dế nhũi”. Chuyện đó có lý do của nó.

Trước khi thăm anh chàng, tôi đến thăm mẹ tôi, cách nơi ở của người em đến 4(5) giờ xe bus. Chuyến thăm này, từ nơi tôi ở đến nơi bà mẹ, là chuyến vượt đại dương. Dĩ nhiên, phải đi máy bay. Trước khi đi, tôi lo chuyện ”trên trời dưới đất”. Chuyện nơi làm việc là điều đương nhiên. Trường học đã nghỉ hè, nhưng tôi vẫn còn lên đó, bởi muốn sắp xếp một buổi họp mặt của những người liên quan đến luận án của một sinh viên bản xứ. Chuyện đó có được xem là đương nhiên không ..?!

Tôi không trả lời câu hỏi đó, bởi nếu trả lời được, tôi sẽ biết chắc cái va ly ký gửi có những gì trong đó; dù chỉ là quần áo. Mà trọng lượng cho phép cũng đâu ít gì, đến 23 kg. Cũng vì không muốn trả lời, nói rõ là đã không dính tay một chút nào vào việc chuẩn bị cho chuyến ra đi, nên tôi cũng không quyết định đi xe taxi đến bãi đậu của xe bus, chuyến đi ra phi trường. Chuyện đó cũng để vợ tôi tự lo. May là đi hơi sớm hơn những lần trước, nên khi xe T-banen (Subway) trục trặc, chúng tôi không lo lắng nhiều. Tuy vậy, nếu anh chàng taxi người Pakistan không cho quá giang, chắc là cũng nhừ tử ..! (Nói là quá giang, vì tài xế do người khác gọi đến bằng điện thoại ...nhưng anh chàng cho hai vợ chồng tôi và một bà khác cùng đi mà lại khỏi phải trả tiền!).

Con dế mèn này đi phiêu lưu như thế mà cũng gặp may chứ nhỉ ?....

Chuyện kế cũng là một chuyện hi hữu. Tối 29.06, hai mắt con dế mèm dính chặt vào máy vi tính nên dù thấy có sấm, chớp, dế mèm nhà ta vẫn tỉnh queo. Rồi sau nữa khuya, lúc lên giường, cảnh đó vẫn còn tiếp tục, nhưng ”dế mèm” vì ” điếc” nên không sợ súng, ngủ ngon lành. Hôm sau, đi với người em thăm bạn bè của cô ta, mới thấy cảnh xe cộ nhốn nháo, bởi cây đổ, làm mất điện giao thông. Vào buổi tối mới biết hôm trước đã có cơn bão lớn. Con bão lớn trong vòng 50 năm nay. Khu nhà ”dế mèm” ở lại không có dấu hiệu bão, nên cả nhà cứ tưởng đêm trước có mưa to, gió lớn mà thôi.

”Dế mèm” đi xa nên học hỏi được vài điều là lạ (hơi lạ thôi !..) vì chuyện cho người phục vụ tiền ”tip” là chuyện không có gì mới. Dế đã đến xứ sở này trước đây đúng 10 năm, sau ngày Mỹ bị vụ 11.09, phá sập toà nhà Worl Trade Center. Nhưng, cái tâm lý như vướng mắc của người em rể khiến cho ”dế” cảm thấy cũng có cái gì cũng vướng vướng. Anh chàng nói vợ cho tiền ”tip” sáu đô, nhưng vợ bớt một đồng vì cho rằng, đây là quán ăn ”buffet”, khách hàng tự phục vụ, nên như thế là đủ rồi. Thế mà ông chồng cứ nói tới nói lui, ý rằng, mình vui thì cũng để cho người khác cùng vui chứ !...

Vậy mà... khi đến phiên ”dế” làm chuyện cho tiền ”tip” thì chẳng vương vướng gì cả. Khi được tính tiền phở là 5,50, ”Dế” đưa ngay 5 đô và 5 đồng tiền xu (cent). Người thâu tiền gạt nhẹ trở lại số bạc cắc đó, cho biết đó chỉ là năm xu. ”Dế” nhanh chóng đưa ngay một đồng và nhận lại số bạc cắc có giá trị tương đương với 50 xu. ...rồi cũng nhanh chóng rời tiệm. Nhưng, người phục vụ cũng nhanh chóng khều tay ”dế” và nói là đã quên cho tiền ”tip”. ”Dế” đưa ngay số tiền cắc (5 cent) đã đưa cho người thâu tiền trước đó ...và người phục vụ cũng rất nhanh chóng đưa trả lại ngay. Ai đời !...không cho tiền ”tip” được một đồng thì tối thiểu cũng 50 xen chứ. Đằng này chỉ đưa 5 xen thì ”dế” chưa bị một đá là may.

Nếu không bị đá là may thì tình cảnh trước khi vào quán này là điều không may. Ngồi trên xe đò, ”Dế” không bắt được liên lạc với cả hai đầu, nơi đến và đi. Lý do: cả hai điện thoại đều không dùng được. Điện thoại của người em gái bị hết điện còn cái của ”dế mèm” hết tiền để có thể tiếp tục xài. Tối hôm trước, người em trai ở New York đã dặn là phải ”sạt” điện cho điện thoại thật tốt. Việc này được thực hiện đúng. Kể cả việc ”sạt” thêm tiền vào máy (”Dế” tự động làm). Cái máy mới được gắn ”sim card” mà tiền mua (có thêm cái điện thoại nhỏ) lên đến 50 đô đã hết trọi tiền để gọi. Hai hôm trước, vì vui lòng lắng nghe một người bạn kể chuyện, nên khi hết tiền ”Dế” mới hay. Lúc đó mới biết lối tính tiền điện thoại ở đây khác với nơi ”Dế” sinh sống. Ở đây (hoặc tùy công ty điện thoại) người gọi và người nghe đều bị trừ tiền gọi điện thoại trong máy. Không liên lạc được, nên khi xe đò chạy ngang một tiệm phở mang số 89, ”Dế” cứ tưởng như phở 79 ở Việt Nam, định vào đó để dò hỏi về các địa điểm sẽ đến; tại đó người em trai sẽ tới để dẫn về nhà. Ai ngờ !...người thâu tiền, người phục vụ và kể cả khách hàng, đều là người Tàu.

Đi quanh khu phố của tiệm phở để hỏi đường cũng là chuyện không may. Toàn là người Tàu !...Họ không thèm trả lời, chỉ chữ ”No” ngắn gọn. Hoặc trả lời, họ xì xồ ngôn ngữ của họ một cách thoải mái; cứ như rằng, muốn hỏi gì hơn, cứ nói tiếng Quan thoại cho tao nghe. Mà nếu ”Dế” xì xồ được như họ, điều này cũng chẳng giúp được gì !..Bởi số điện thoại và ngay địa chỉ nhà của người em trai cũng bị đánh rớt hồi nào không hay.

Trời nắng gay gắt. Càng đi xa càng mệt. Túi ba lô nhẹ lắm cũng khoảng 5kg. Không kể những thứ lỉnh kỉnh, nội máy vi tính và máy video thâu hình cũng chiếm đến hơn hai phần ba số trọng lượng đó. Những thứ lỉnh kỉnh kia lại không thể giảm trừ, vì đó không phải là thực phẩm như đồ ăn, đồ uống. Nhưng ”Dế” cũng lanh ý. Thư viện là nơi người ta có thể dùng máy vi tính và kể cả ”sạt” điện lại cho máy điện thoại.

Lần này, sự may mắn xuất hiện. Nơi ”Dế” hỏi thăm đường cách thư viện cũng không xa. Lần này, cái màu da đen của người trả lời không đi đôi với sự rủi ro. Nhưng, cái may không trọn vẹn. Máy vi tính dành cho độc giả và bàn để ”sạt” điện ở hai vị trí khác nhau khá xa. Chính người nhân viên của thư viện còn cho rằng, việc dùng máy vi tính và để điện thoại cầm tay tại một nơi khác không là điều an toàn. ”Dế” nghĩ là mọi việc đến đây rồi cũng chẳng ra gì (!)...bởi giờ đóng cửa thư viện không còn bao lâu. Nhưng ”dế” muốn thử cái hên xui lần chót, bằng cách nhờ điện thoại của một anh chàng da đen, đang ngồi bên máy vi tính của riêng anh ta. ”Dế” không liên lạc được với người em nên đành trả máy một cách bất đắc dĩ. Việc này miễn cưỡng nhưng còn hơn là ngồi gần ông Tàu đã lớn tuổi. Không biết ông ấy mới học, hay muốn khoe rằng mình đã già mà còn giỏi tiếng Anh ...nên ông ta đọc lớn tiếng, đến nỗi người sử dụng máy vi tính bên cạnh cũng bị phân tâm thấy rõ. Cô gái ngồi bên dãy bàn gần đó có dáng vẻ cũng là người Tàu, dọn dẹp sách vở để chuẩn bị ra về, lại là người tạo cho ”dế” tâm trạng thoải mái; khi cô ta vui vẻ đánh ngay số điện thoại mà ”dế” muốn gọi tới. Cô em dâu biết vị trí thư viện, nhưng lại hỏi địa chỉ cho chắc chắn. Cả nguời nhờ và người gọi điện thoại đành chịu thua!...

Thư viện đóng cửa nhưng ngõ ra công viên bên cạnh vẫn còn một người đang nghe điện thoại. Có thể người này đang nghe nhạc ...và cũng có thể chất nghệ sĩ tính sẽ khiến anh ấy thông cảm với người muốn nhờ điện thoại của anh. Sự suy đoán này thành công.

Dế” tôi đứng chờ người em, nhưng còn đủ khôn để đứng tại ngã ba đường; không đứng ngay trước cửa thư viện. Khoảng gần tiếng sau, con ”Dế mèn” đến nơi tôi đang đứng, dáng vẻ không vui. Vui sao được, vì trước khi tôi đi, ”dế mèn” đã dặn kỹ là phải ”sạt” máy điện thoại ..nào là ghi vào giấy địa chỉ của anh chàng ...và đôi điều khác nữa...nhưng rốt cuộc là sự lo âu kéo dài.

Tuy nhiên, nghĩ sao không biết, anh chàng sau tiếng thở dài, gắn cho tôi biệt hiệu là con ”dế nhũi”. Anh ấy đặt cho tôi biệt hiệu này chắc ngầm ý rằng, với tật dễ dãi, không chịu chuẩn bị kỹ càng mọi việc ...sự đi xa của tôi như là một người chỉ biết chúi mũi đi tới ...mà không cần biết hậu quả ra sao!...



Đặng Quang Chính
Virginia 19.07.2012
23:20