phạm lê huy
-
Số bài
:
48
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 27.12.2012
|
Chiều cuối năm của chị Oanh và tôi
-
13.01.2013 01:12:15
Chiều cuối năm của chị Oanh và tôi Phạm Lê Huy & Huỳnh Thị Kim Oanh Chiều thứ bảy cuối tuần cũng là chiều cuối năm dương lịch 2012, tôi đang rê rê “con chuột” trên bàn phím, thì nhận được cái email này : - Huy Hải thương mến, Anh chị thương mến chúc hai em cùng toàn thể gia đình “HAI NĂM MỚI TRÀN ĐẦY SỨC KHỎE, BÌNH AN và HẠNH PHÚC”. Huy ơi, cũng gần Tết mình rồi; mà Huy biết không, cứ càng gần Tết bao nhiêu thì chị càng thấy buồn bấy nhiêu. Buồn đến ứa nước mắt, buồn nẫu ruột như muốn chết vậy vì nỗi nhớ Qui Nhơn quay quắt. Nhớ đến quặn cả lòng. Huy biết không, nhớ nhà chị bao giờ cũng rộn ràng tiếng nói cười của chín chị em cùng nhau lo quét vôi, dọn dẹp nhà cửa… Xong chạy đi lo mua mai, mua pháo về treo trước sân gần cây trứng cá – mà hình như không đứa nhỏ nào ở xóm mình không một lần trèo leo hái trái. Rồi cả nhà hồi hộp chờ đón giao thừa, người hồi hộp nhất có lẽ là Ba chị. Ba chị có thể nói là người thích Tết nhất trên trần đời này. Ba chị đưa tiền hối các con đi mua sắm tất cả những gì cho Tết với nụ cười sung sướng, hạnh phúc rạng rỡ trên nét mặt. Còn dặn nhỏ nhớ đừng cho Mạ biết nghe con ! - Ba em cũng thích nhất là ngày Tết như ba chị vậy đó ! À… Còn chuyện đón giao thừa nhà chị thì sao ? - Còn cả nửa giờ mới đến giao thừa, Ba chị đã hối chị em chị lấy áo dài khăn đống. Có năm, Huy biết không, ông Nội chị tự nhiên la lên ở trong phòng : “Áo dài khăn đống của Ôn mô rồi ?” – “Dạ… Ba con mượn đang cúng Ôn ơi !” – “Ra nói Ba bay trả cho Ôn, trả liền bây chừ !”. Chị em chị chạy ra chạy vô không biết làm sao vì Ba chị đang đang cúng mà, Ôn Nội chị vẫn cứ đòi cho bằng được. Thật sự Ôn Nội chị lúc đó cũng đã già rồi Huy à. Tụi chị lỡ cười lỡ khóc. Thôi thì mình im để cho Ôn la. Khi Ba chị cúng xong cởi áo, khăn đống trả lại thì Ôn chị mới hết đòi và Ôn thắp nhang cúng Phật… - Trời ơi… Chị nhắc lại khiến em bồi hồi quá ! - Huy ơi, những hình ảnh này không bao giờ nhạt phai trong những trái tim của chín chị em chị. Nó đã, đang và sẽ mãi mãi theo gia đình chị suốt cuộc đời cho đến khi ra đi. Cho nên mỗi khi cái nắng hanh vàng trở về quyện mình trong cơn mưa phùn lất phất không ướt tóc ai là nước mắt chị lại nhạt nhòe trên mặt. Làm sao đây hở hai em ? Làm sao cho chị bớt đi được nỗi nhớ nhà, nhớ Ba, nhớ Mạ, nhớ Qui Nhơn vào những ngày giáp Tết. Làm sao đươc… Ai làm được ? Chắc không ai có thể. Thôi hẹn gặp hai em bên nớ, ngày Đại Hội Liên Trường tháng 7 hỉ ! Thương mến, Chị Oanh * * * Và những dòng email tiếp nối… - Hai em cảm ơn anh chị qua những dòng tâm sự. Đó cũng chính là tâm sự của hai em. Nó bùi ngùi, quay quắt lắm. Vâng, rất mong được gặp anh chị vào tháng 7 năm 2013 này. - Có lẽ sẽ vui lắm và cảm động lắm vì được gặp Qui Nhơn thân yêu ! - Vui là cái chắc chị Oanh à ! Mà sao lại gặp Qui Nhơn ? - Thì mình đã bưng Qui Nhơn qua hết bên này rồi còn gì. Huy coi có thiếu ai không, có thiếu cái gì không ? Nguyên cả cái thị xã Qui Nhơn nằm gọn lõn ở Nam Cali rồi… kể cả cái Bến Xe Cũ - xe đò Hoàng đó ! - À há… ! - Nè Huy, chị đang nghe bài Xuân Này Con Không Về đây. - Lời ca thấm thía quá chị há ! - Ừ, nhất là câu “Bên mái tranh nghèo ngồi bên bếp hồng, trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má hồng… ”. Đây là cảnh Mạ chị nấu bánh chưng bánh tét mỗi năm đêm Ba-Mươi. Tụi chị xúm nhau ngồi bên thùng bánh, vừa ngáp vì buồn ngủ nhưng không dám di ngủ vì sợ đứa khác lấy bánh của mình – những cái bánh vét trong rổ nếp còn dư vì hết thịt, tụi chị mỗi đứa tự mình gói rồi lấy dây lo làm dấu. Lúc đó sao mà hạnh phúc vậy không biết – cái bánh có chút xíu, nào có nghĩa gì so với mấy chục đòn bánh trong thùng vừa mới vớt ra bốc khói. Mừng rơn vẩy đó… Đó, Huy coi như vậy đó. Còn đâu nữa hởi trời ! - Thôi, chị em mình nghe bài Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu nghen. - OK… Huy ! Xuân này con về Mẹ ở đâu Quê nghèo Xuân về nhớ hắt hiu Vườn xưa xơ xác hoa rơi rụng Xuân về nụ hoa kém tươi… - Bài hát thật thấm thía há chị ! - Buồn quá Huy ơi ! - Thôi, chị em mình nghe tiếp bài Mùa Xuân Đầu Tiên với Thanh Trúc và Đinh Ngọc cho đỡ buồn nghen. Bao nhiêu thương nhớ gom đầy anh trở về thăm em Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương Lòng nhớ đến em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn… - Bài này cũng hay như hai bài kia. Nhưng chị thích bài Xuân Này Con Không Về hơn vì nó gần như diễn tả đúng với không khí gia đình chị trong ngày giáp Tết; vả lại chị đang tập cho thật thuộc bài này để ngày Tân Niên của gia đình Cảnh Sát của anh chị, chị sẽ hát không bị vấp vì quên lời và cho… hay mới được – “Gà” đang gáy đó Huy ơi ! - Hihi… ! - Mà không hiểu sao tự nhiên năm nay chị lại rất muốn hát bài này – cái bài mà từ trước đến nay chị chưa bao giờ hát hết một đoạn vì chị thấy nó hơi hơi… sến. Nhưng bây giờ thì hết sến rồi. Mình vẫn sân si Huy hỉ ! - Chị Oanh này, em chưa bao giờ phân loại nhạc sến với nhạc sang. Theo em, bài nào đưa mình về với kỷ niệm – thấm thía với từng kỷ niệm dù vui hay buồn, dù sướng hay khổ – thì đó là những bài ca hay… Thế thôi ! - Hồi đó có những bản nhạc mình phải công nhận là sến, nhưng bây giờ vì nhớ NƯỚC quá nên thấy bài nào cũng hay hết. Vậy mới thấy tình yêu vượt lên trên tất cả… - Chi Oanh ơi, mời chị đọc một đoạn trong tạp ghi của Huy Phương mà em trích ra đây. Thật thấm thía và thật hay : “Tôi còn nhớ câu chuyện cách đây đã gần ba mươi năm. Một ngày giá rét ở núi rừng thượng du bắc Việt, chúng tôi một nhóm tù gồm mấy anh em đang lang thang dọc bờ suối để chặt cho đủ chỉ tiêu một bó nứa hai mươi cây. Khi đi ngang qua một ngôi nhà sàn của đồng bào thiểu số, chúng tôi nghe một bài hát vẳng lai. Đó là một bài hát quen thuộc khá bình dân, rất phổ biến ở miền Nam là bài Một Trăm Phần Trăm do Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát. Hồi ấy, đó là cuối năm 1977, bỗng dưng không ai nói ai chúng tôi cùng dừng chân lại, rồi dừng hẳn, cùng im lặng lắng nghe. Giờ phút đó, phải nói là chúng tôi uống từng lời hát, nuốt từng âm điệu, sung sướng như chưa bao giờ được nghe một bài hát như thế trong suốt cuộc đời mình. Phần tôi, trong những “ngày xưa ấy”, tôi cũng không tâm đắc lắm với hai giọng hát trên và cũng không mặn nồng gì với những ca khúc tương tự. Nhưng giờ đây đó là những gì đã mất, đó là cái gì thuộc về máu thịt của miền Nam, đó là cái gì thuộc về dĩ vãng, thuộc về kỷ niệm… ”. - Đó chị thấy không, em nói có sai đâu. Bài hát nào đưa mình về với kỷ niệm – thấm thía với từng kỷ niệm dù vui hay buồn, dù sướng hay khổ – thì đó là bài hát hay… Thế thôi ! “… Phải chăng bây giờ chúng ta ở đây có những bản nhạc, những ca khúc đã nghe từ nửa thế kỷ, vẫn rộn ràng gây xúc động biết bao cho chúng ta. Mỗi lần cuối năm âm lịch, những bản nhạc Xuân lại vang lên gợi lại cho chúng ta bao nhiêu nỗi nhớ, bao nhiêu kỷ niệm. Những bản nhạc ấy chúng ta nghe hàng trăm lần, đã thuộc từng câu, nhớ từng nốt nhạc, nó làm cho ta xúc động hơn ngàn lần một bản nhạc mới ra đời hay mới nghe đâu đây một vài lần… ”. - Thấy không Huy… Huy Phương cũng cùng một ý nghĩ, một hoài niệm, một khắc ghi, một tấm lòng như chị. Những gì đã mất không bao giờ tìm lại được, nhất là chúng ta đã mất NƯỚC. Mất NƯỚC thì còn gì không ? Không… ! Những kẻ tha hương như chúng ta chỉ còn lại kỷ niệm trong trái tim mà bất cứ một mảy may nào của cơn gió nồm thoảng qua, một tiếng hát, một bài hát, một âm thanh, một sắc màu… cũng cho ta cái ngậm ngùi nuối tiếc cái ngày xưa ấy… - Chắc chị cũng đồng ý với em là, có những bài ca đối với người này thì hay, thì thấm vào tâm can; nhưng đối với người kia thì lại tầm thường (xin lỗi) không “ngửi” được. - Chị đồng ý với em. Tuy nhiên như chị đã nói hồi nãy thì, chắc bây giờ có thể mọi người cũng đang như chị em mình – họ cũng đang thổn thức như chúng ta vì không ai có thể phủ nhận một điều là, không có một bài hát nào cho mùa Xuân như của miền Nam chúng ta dù đã bị xé nát, bị băm ra hàng triệu mảnh, bị vùi xuống bùn, bị bắt quên đi. Chúng ta ứa nước mắt vui sướng, hạnh phúc, bàng hoàng tê hẳn thân thể khi “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi… ”. - Chu cha… Em đồng ý với chị. Và nhờ chúng ta đã quen nghe những giọng hát ngày xưa thân ái kia rồi, nay tình cờ may mắn được nghe lại thì như đó là những tiếng thì thầm thủ thỉ bên tai… sao mà thân yêu quá, sao mà gợi nhớ quá. Ai mà chịu được ! Hơn nữa chị em mình là những kẻ tha hương, dù ê hề bên cạnh những bánh mứt những hoa quả của ba ngày Tết, nhưng chúng ta vẫn thèm lắm, vẫn thiết tha lắm những bài ca Xuân vui tươi rộn rã . Trong đó còn có… Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng… - Thôi chết rồi… Chị đi ăn cơm, đói bụng quá rồi Huy ơi ! Mấy giờ rồi có biết không, mười giờ đêm rồi đó… ! Trời đất… Hai chị em quên cả thời gian. - Dạ… Enjoy your dinner ! - Night… Huy Hải hỉ… ! - Night… Chị… ! Phạm Lê Huy & Huỳnh Thị Kim Oanh (USA, Cuối năm 2012)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.03.2013 07:29:14 bởi phạm lê huy >
|