*
Vòng đấu cuối cùng bao giờ cũng là vòng đấu ghê gớm nhất, hung hiểm nhất và cũng luôn luôn là vòng đấu được mong đợi nhất.
Ông tổ bước vào vòng thi này với tâm trạng khá chán nản vì cảm thấy không còn chính nghĩa nữa, điều đau khổ là ông cũng không thể từ bỏ được.
Đã đâm lao thì phải theo lao…
Chiếc cầu lần này chỉ là một sợi dây.
Vực sâu lần này chẳng biết có gì vì nhìn xuống chỉ thấy… một màu hun hút…
Đối thủ lần này là một Yogi không già không trẻ, không đen không trắng, không nói không cười… nhưng vào đến tận đây chắc hẳn tài phép là không thấp…
Ban Chủ Lễ cũng không nói gì nữa…
Được nửa đoạn đường ông tổ của tôi phát hiện nhà Yogi chân không hề chạm đến sợi dây, nghĩa là ông ta có thể đi… lơ lửng trong không trung.
Vậy thì đâu có sợ rơi xưống vực?
Đòn pháp của Lỗ Ban Sát cũng không làm ông ta hề hấn gì… và ông ta cũng không hề phản đòn, hình như nhà Yogi này chờ gần đến đích rồi hạ ông tổ cũng không muộn.
Ông tổ như đứng trước một số “không” to tướng.
Ông cũng không lo lắng vì ông cũng không còn ham muốn gì nữa.
Khi gần đến đích, ông tổ bỗng thấy xung quanh nóng rực, ông không còn làm chủ được chính mình nữa, cặp mắt ông bỗng đỏ như lửa và người cũng như bốc lửa, ông lao thẳng vào nhà Yogi… đòn đánh này dường như muốn làm cả hai cùng chết… đó là chiêu “Đồng sinh đồng tử”… một đòn phép cuối cùng…
Nhà Yogi có chấp nhận điều đó? – Khi ông tổ lao gần đến thì ông ta né qua một bên – ông tổ đặt chân lên bờ vực trong sự kinh ngạc của hầu hết mọi người.
Khi ông quay lại nhìn thì không còn thấy nhà Yogi đâu nữa, ông ta dường như đã tan biến vào không gian, chỉ để lại một câu chú như tiếng chuông rót vào tai ông tổ “Om Kring Kalikaye Namaha ”.
Ông tổ của tôi trở thành người cuối cùng, người duy nhất con đứng vững đến cuối cuộc thi và tất nhiên ông trở thành “Phật Sống” của họ.
Ông được Ban Chủ Lễ khoác lên một chiếc áo bào màu đỏ với những đường viền kim tuyến vàng óng ả. Đặc biệt là sau lưng áo có thêu một con chim dang cánh, biểu tương của Vua quạ đen thống trị sông Hằng.
Lễ hội tôn vinh diễn ra ba ngày ba đêm, mọi người nhảy múa không ngừng trong lúc đó ông tổ của tôi được đưa lên một chiếc xe không lồ, trang hoàng lộng lẫy với hơn trăm người khiêng.
Ông tổ sống trong tâm trạng lâng lâng – tỉnh táo, không hề mê sảng – ông không tưởng nổi từ một kẻ bị chém đầu không chết, nay lại được rước đi trong một nghi lễ hoành tráng không tưởng tượng nổi.
Ông thầm nghĩ “cuộc đời đúng là lên voi xuống chó”
Và nếu được lên voi thì ngu gì mà không hưởng?
Ông được đưa đến một cung điện tráng lệ, ngồi trên một chiếc ghế bằng vàng với đôi cánh đen sì dang rộng, được thương thức những món ăn tuyệt hảo, xem những vũ nữ với những điệu múa mê hồn và được dâng lên vô số những chiếc mâm đựng đầy báu vật.
Đỉnh điểm là lúc nửa đêm, một chiếc mâm son to lớn, phủ một tấm voan đỏ kín mít với bốn lực sĩ khiêng trên vai, chầm chậm đi tới… khi họ đặt chiếc mâm trước ông tổ thì tay Chủ Tế tiến đến, nói như rót vào tai ông tổ “đây là món quà quí giá nhất dành riêng cho ngài…”.
Ông tổ nhìn những chiếc mâm cúng được dâng đến một cách khá dửng dưng, ông chỉ giữ lại một phần, còn lại ông muốn chia cho tất cả mọi người.
Sau khi mọi người hân hoan ra về, để lại ông tổ của tôi với sự tò mò trước chiếc mâm son…
Ông tổ từ từ tiến lại, ông hồi hộp mở tấm voan ra…
Trước mặt ông là một cô gái trong trang phục màu đỏ lộng lẫy, ngồi xếp bằng, hai mắt nhắm nghiền. Cô ta thật là đẹp với nước da nâu bóng, chiếc mũi cao thanh mảnh và sang trọng.
Ông tổ tần ngần nhìn một hồi lâu… sau đó thu hết can đảm, ông nói “sao cô không mở mắt ra?”
Cô gái từ từ hé mở đôi mắt đen láy với hàng mi cong vút, sẽ sàng nói “… em đang chờ lệnh sai bảo của ngài…”.
Ông tổ tỏ ra không hiểu.
Cô gái : em là một trinh nữ… điều này đã được Ban Chủ Lễ xác định, bây giờ em là của ngài, là người vợ trung thành của ngài, là nô lệ của ngài…
Té ra cô ta là người được mang đi “hiến tế” – hiến tế cho “Phật Sống” – và “Phật Sống” đây chính là ông tổ.
Ông bất giác bật cười ha hả…
Cô gái từ từ đứng dậy, từ từ cởi bỏ bộ xiêm y màu đỏ lộng lẫy trên người, cả chiếc khăn voan choàng trên đầu.
Một “tòa thiên nhiên” với những đường cong tuyệt mỹ lồ lộ hiện ra…
Có lẽ lâu lắm rồi ông mới được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp hoàn mỹ như vậy, ông không nói được lên lời… không tin rằng có ngày mình lại được “làm chủ” một “báu vật” như vậy.
Thảo nào mà người ta sẵn sàng “quyết tử” để được đăng quang làm “Phật Sống”.
*
Thời gian như cánh chim bay, thoắt cái kể từ ngày ông tổ của tôi đăng quang đã qua hơn tháng – Đối với ông tổ, việc trở thành “Phật Sống” là trở thành một người với một núi trọng trách, với đủ thứ lễ nghi phức tạp. Từ một người tự do, giờ đây ông giống như một người máy trong các nghi lễ ví như lễ cầu “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt” diễn ra liên tục từ làng này sang làng khác. Sở dĩ ông không bị mệt mỏi, không cảm thấy trói buộc, gò bó là vì ông có một động lực sống mới, đó là sự chìm ngập trong cái tình cảm cháy bỏng mà nhân gian vẫn gọi là “Tình Yêu”.
Ông yêu cô gái mà người ta mang đến “hiến tế’ cho ông một cách tự nhiên, không đắn đo, không suy tính… cái tình cảm mà ông khao khát bấy lâu nay… ông có sẵn nó trong tâm từ lâu và bây giờ chỉ việc gắn nó vào một đối tượng hiện hữu.
Cô gái bị hiến tế có thể nói thật là may mắn, ngược hẳn với cái tên Nakusa (vô tích sự) của cô
Ông đặt tên cho cô là Savitri.
Ông không xem cô là một nô lệ, một người thuộc đẳng cấp thấp hèn, nghèo khổ bị mang đi hiến tế mà là hiện thân của nữ thần Savitri - Nữ thần của tình yêu trinh trắng.
Đôi khi có ngày không bị những đám rước với đủ thứ nghi lễ ám ảnh… những ngày hiếm hoi đó thực sự là thiên đường đối với ông tổ. Khi mặt trời vừa ló rạng, màn sương mai phơn phớt còn chưa kịp tan ông và Savitri đã tay trong tay đi trong tiếng gió reo của rừng cây ngút ngàn, thả hồn bên dòng sông Hằng thiêng liêng vĩnh cửu. Không biết là đêm hay ngày, bóng tối hay ánh sáng, bình minh hay hoàng hôn, miễn là ở bên Savitri là ông tổ cảm thấy không còn cần gì nữa.
Nghi lễ quan trọng nhất phải sáu tháng nữa mới đến, vì thế tay Chủ Tế nói với ông tổ: sắp tới Đại Lễ sẽ bận lắm, bây giờ vẫn còn thời gian trống, ngài cứ tận hưởng thoải mái những gì ngài muốn.
Ông ta nói nhỏ “Nếu cần thêm những cô gái đồng trinh khác… chúng tôi sẽ dâng đến cho ngài… bao nhiêu cũng có…”.
Ông tổ lắc đầu, cương quyết chối từ, với ông chỉ một tình yêu “duy nhất” với Savitri là quá đủ rồi.
Một hôm kia ông thấy một bầy quạ đông đúc bay rợp trời, sau đó chúng đậu kín cả thung lũng nơi ông ở, tràn vào cả cung điện.
Ông nói với Savitri: chúng ta sắp có khách, nếu không là một cao tăng thì hẳn là một đại nhân.
Quả nhiên Ban Chủ Lễ xuất hiện, họ báo là có một thương gia muốn diện kiến và dâng cúng những món quà hậu hĩ, với người này thì không thể từ chối “ông ta là người nước ngoài nhưng có những đóng góp to lớn cho cuộc sống, công việc của xứ sở ta”
Vì thế Ban Chủ Lễ tổ chức như một Đại Lễ.
Hôm đó ông tổ mặc đại bào ngồi trang nghiêm trên ngai vàng, nghi lễ diễn ra thật hoành tráng. Các mâm cúng được long trọng mang vào thể hiện sự giàu có vô song của người hiến tặng. Cuối cùng khi thấy người đó xuất hiện, trong ông trào lên một cảm xúc khó tả.
Thương gia người Hoa chứ phải ai xa lạ.
Tuy vậy ông tổ cố kìm nén tình cảm, giữ sự trang nghiêm của một “Tăng Thống”, tỏ ra không quen biết, và Thương gia người Hoa cũng vậy, ông ta cũng làm như không nhìn thấy gì cả, quỳ xuống đảnh lễ một cách trang trọng, sau đó xin dâng tặng khá nhiều của cải và cuối cùng mới xin “Phật Sống” ban cho phước lành để phù trợ cho gia đình, dòng tộc và công việc kinh doanh.
Sau khi Đại Lễ tan, chính điện không còn ai, ông tổ bước vào hậu cung thì thấy sừng sừng một chiếc mâm cúng phủ voan đỏ.
Cảm giác trong mâm như có người ngồi…
Người hiến tặng sợ ông tổ không nhận nên lén mang vào đây?
Quà của thương gia người Hoa – một ân nhân cứu mạng – không lẽ ông tổ có thể từ chối?
Ông tổ trầm ngâm suy nghĩ rất lâu trước chiếc mâm cúng… cuối cùng thì sự tò mò đã thắng.
Tò Mò – đó là bản tính cố hữu của bất cứ ai, từ thượng vàng đến hạ cám, cũng nhờ đó mà con người luôn tìm ra cái mới… nhưng đôi khi Tò Mò chưa chắc đã là điều tốt…
Khi ông tổ mở tấm voan đỏ - ông không ngạc nhiên vì đó là một cô gái, ông đã đoán trước điều đó – nhưng vẫn ngây người ra nhìn.
Trong cuộc đời bôn ba khắp nơi, ông chưa bao giờ thấy một điều gì đẹp như thế… hoàn hảo như thế.
Một nữ thần trần trụi.
Cô ta từ từ đứng dậy… ông tổ chưa bao giờ thấy một làn da trắng muốt, nuột nà như thế… một mái tóc dài óng ả, đen tuyền như thế… một gương mặt kiêu sa với đôi môi mọng ướt như thế… một thân hình… thân hình…. như thế…
Một vẻ đẹp không bút nào tả xiết, chỉ có thể viết lên như một nhà thơ:
“… tôi xin thề từ những buổi hoang sơ
Dưới trần gian chưa bao giờ có thể,
Có một người đẹp huy hoàng đến thế…” Cô ta đứng im lìm như pho tượng, còn ông tổ thì như hóa đá.
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi, gió bên ngoài vẫn thổi và các vì sao vẫn sáng…
Chỉ có ông tổ của tôi là không còn như trước nữa.
Sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” đã làm người đàn ông dũng cảm nhất, cương quyết nhất cũng phải xiêu lòng…
*
Thông thường nếu có thể thêm một thì người ta cũng có thể thêm hai, cũng có thể thêm ba, cũng có thể thêm bốn, thêm năm, thêm sáu, thêm bảy… và cũng khó có lý do nào biện minh cho điều đó. Nếu nhận của người này mà từ chối của người kia thì sẽ khó mà tránh khỏi hiểu lầm về sự thiên vị, không công bằng và đó là lý do cho mọi oán hận và hiềm khích.
Cái gì cũng có giá của nó, để thỏa mãn được sự hãnh diện, lòng hiếu thắng, điều vinh dự khi có được một người vợ đẹp nhất thế gian, ông tổ phải chấp nhận những hậu quả mà không thể trốn tránh được.
Chưa kịp ấm êm hạnh phúc thì quả nhiên Ban Chủ Lễ đã đến, họ nói với ông tổ về một nghi lễ tiếp nữa mà cũng không thể từ chối : những người trong ngôi làng này nói rằng ngày xưa ngài hay đến giúp đỡ họ, cho họ tiền bạc,… vì thế họ cảm thấy vô cùng vinh dự khi biết bây giờ ngài trở thành một vị “Phật Sống”. Họ muốn được ngài ban phước lành…
Ông tổ của tôi không thể từ chối những tấm lòng như thế và một lễ hội tưng bừng diễn ra, trong suốt buổi, dân làng tưng bừng nhảy múa xem đó như là cách để giao tiếp với thần thánh, cũng như thể hiện ý niệm của các bậc linh thiêng. Những mâm cúng được long trọng dâng lên thể hiện sự tôn kính đối với “Phật Sống”, ông tổ lo lắng khi nhìn thấy một chiếc mâm thật to có đến tám người khiêng, nhưng ông không thể từ chối trong lúc này…
Sau nghi thức ban phước cho từng người, chính điện chỉ còn lại ông tổ khá mệt mỏi trên ngai và chiếc mâm to tướng được phủ voan đỏ.
Ông cứ ngồi lặng im như thế cho đến khi mặt trời ló rạng chiếu những tia nắng hoe vàng lung linh. Thời gian chậm chạp trôi, không khí ngày càng nóng nực, ông tổ vẫn ngồi đó và cũng chẳng ai dám bước vào nơi này, trong lúc này. Người ngồi bên trong chiếc mâm đã không còn đủ kiên nhẫn, nếu không có ai đến mở tấm voan thì chỉ còn cách là… tự mở…
Một người từ từ ló đầu ra khỏi tấm voan đỏ, tất nhiên đó là một người đàn bà, nhưng khi nhìn thấy người này, ông tổ không khỏi đờ cả người.
Tuy đã lâu nhưng ông vẫn nhận ra người đó.
Tấm voan rơi xuống để lộ ra một người đàn bà nâu bóng, vô cùng to béo, quấn ngang một chiếc Sari sặc sỡ. Người đàn bà với bộ ngực đồ sộ như hai trái bưởi, bờ vai tròn lẳn mập mạp… một biểu trưng của “vẻ đẹp phồn thực”.
Bà ta đứng dậy, tấm Sari cũng rơi ra, để lộ một khối thịt ngồn ngộn, cái bụng no tròn với cái rốn sâu hút, biểu trưng cho sự no đủ… cặp đùi khổng lồ, chính giữa là cái biểu tượng của giới tính nữ vĩ đại và sâu thẳm, rậm rạp còn hơn rừng… Uminh…
Ông tổ cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng, ông nói : Arjun… sao bà có thể làm như thế?...
Chính là Arjun, người mẹ của hơn mười đứa con nheo nhóc mà ông tổ vẫn hay giúp đỡ.
Nghe ông tổ nói như vậy, người đàn bà quơ vội lấy tấm Sari, quấn ngang ngực, bước đến quì sụp xuống dưới chân ông, lắp bắp nói “Xin hãy tha thứ cho tôi, tôi luôn tôn kính ngài… nếu ngài trả tôi về thì dân làng sẽ khinh bỉ, họ sẽ tẩy chay tôi và chồng tôi… ông ta sẽ giết tôi…”.
Ông tổ kinh ngạc nói “chồng bà…? Ông ta chấp thuận cho bà làm việc này?”.
Arjun nghẹn ngào “gia đình tôi vô cùng túng quẫn, đây là một cơ may… dân làng nói tôi thuộc dạng đàn bà “đụng vào là đẻ” nên nếu tôi lấy được giống của “Phật Sống”, tôi sẽ mang phước báu vể cho dân làng… gia đình tôi sẽ được no đủ, các con tôi sẽ hãnh diện nếu tôi mang về hạt giống của “Phật Sống”,…”.
Arjun ngập ngừng nói tiếp : Ngài thấy đấy… tôi đâu có xấu… tôi mang vẻ đẹp mà mọi người vẫn ca tụng theo đúng “tín ngưỡng phồn thực”.
Ông tổ đỡ bà ta dậy, ông nói “ bà hãy hiểu, tôi luôn gọi bà là “Didi quí mến” và giờ đây tôi thấy bà rất mệt mỏi, chắc là phải nhịn đói suốt cả mấy ngày. Bây giờ bà hãy ngồi xuống đây, ăn uống cho thật no, còn chuyện đó từ từ sẽ tìm giải pháp”.
Ông kêu người dọn đủ thứ thức ăn lên và Arjun không hề khách khí, ăn uống một cách nồng nhiệt.
Bà ta cảm thấy yên lòng khi nghe ông tổ nói như vậy. Bà ta biết chắc rằng một người đầy lòng nhân như ông tổ, giả như không chấp nhận bà ta làm vợ thì cũng sẽ không trả bà ta về để phải bị khinh khi và giết chết.
Sau khi ăn uống no nê, Arjun ngả người ra ghế và chìm ngay vào giấc ngủ, mặc kệ cho tấm Sari trễ xuống, lộ ra cái thân hình phì nhiêu, nâu bóng. Khi chìm vào giấc ngủ sâu thì bà ta bắt đầu cất lên tiếng ngáy nghe rồ rồ như tiếng bễ lò rèn… có lẽ đã lâu lắm rồi bà ta mới được ăn uống và ngủ nghê thoải mái như vậy…
*
Đại Lễ mà người ta vẫn hằng chờ đợi là đại lễ tôn vinh nữ thần Kali diễn ra gần cuối năm. Kali là một nữ thần kỳ lạ, giữa Tà Ác và Thánh Thiện, giữa Ánh Sáng và Bóng Tối, giữa Hủy Diệt và Sinh Sôi - Hình ảnh trần truồng của Ngài là sự phá chấp và sống thật, không che đậy. Ngài có nước da màu đen, tượng trưng cho sự tan biến và hòa nhập mọi màu sắc. Mái tóc dựng đứng, miệng mở to, lưỡi đẫm máu thò dài ra ngoài, bông tai là xác những người đàn ông, trang sức là những con rắn, sâu chuỗi gồm năm mươi sọ người, mỗi sọ ứng với một chữ trong vần Sanskrit, chứng tỏ sự thông thái, hay phù phiếm của danh sắc. Ngài có con mắt thứ ba nằm giữa trán - Nữ thần có khả năng hủy diệt đối thủ của mình bằng tia nhìn nảy lửa từ con mắt thứ ba này.
Không chỉ có chức năng hủy diệt, nữ thần Kali còn trông coi việc sinh sản, vừa tàn ác lại vừa hiền hậu. Trong lúc hủy diệt, bà vẫn ban phước và giúp cho vạn vật sinh sôi. Nữ thần chà đạp lên lạc thú và ái tình, biểu hiện tâm hướng về đức tu hành khổ hạnh, từ bỏ sự sống cá biệt, vươn tới sự sống của Toàn Hữu, đạp trên sự chết và Chiến Thắng sự Chết.
Ông tổ của tôi rất ngưỡng mộ nữ thần, vì thế ông dự Đại Lễ không chỉ với địa vị là một “Phật Sống”, mà thật sự là lòng ngưỡng mộ với Tinh thần Toàn Thiện của Kali vĩ đại.
Trong cuộc đời, nữ thần Kali hay nhảy múa điên cuồng, vì thế lễ hội tôn vinh Ngài thực sự là một ngày hội của sự nhảy múa tưng bừng, không phân biệt. Ông tổ cũng không ngồi trên ngai như các cuộc lễ khác mà cũng hòa chung vào cơn điên cuồng nhảy múa của tất cả mọi người.
Chưa bao giờ có một niềm vui rộng lớn như vậy.
Ông chỉ trở về chiếc ngai khi Đại Lễ chuyển qua phần đọc thần chú của nữ thần để cầu vạn vật sinh sôi, mưa thuận gió hòa và cuộc sống bình an.
Những câu thần chú được Ban Chủ Lễ xướng lên một cách trang trọng :
Om Jayanti Mangalaa Kaali Bhadrakaali Kapaalini
Durgaa Shamaa Shivaa Dhatri Swahaa Swadhaa namostute ll
Và những câu vang vọng như tiếng ngân :
Atha Kalimantraye Sadyo vaksiddhi prapyivan
Aravitairyah Sarvestam Prapnuvanti Jana Bhuvih ll
Savaruhaam mahabhim aghoradanshtram Hasanmukhim
Chaturbhujam khadag mundavara bhayakaram Shivam
Mundamala pháp Devi Lolajihvan digambaram
Evam Sanchintayet Kalim Shamasanalayavsinim ll
Kreem Kreem Kreem Hreem Hreem Hoom Hoom Dakshine Kalike
Kreem Kreem Kreem Hreem Hreem Hoom Hoom Swaha ll
Ông bất giác nhớ lại câu chú mà nhà Yogi trước khi biến mất đã để lại “Om Kring Kalikaye Namaha” và chợt hiểu con người đó đã biết trước tất cả những điều này, và chắc chắn nhà Yogi đó đã nhường phần thắng cho ông vì không muốn ông phải chết.
Trong cuộc đời này, có những con người hy sinh vì ta, giúp cho ta rất nhiều điều mà ta vô tình không hề biết đến họ, không cảm thấy được cái ân tình của họ…
Sau đó là đến phần ban phước lành của “Phật Sống”, ông tổ không phải ban phước cho từng người như mọi khi vì lễ hội quá đông, ông chỉ ban phước cho toàn thể và những người mắc bệnh hiểm nghèo khẩn cầu phép lạ của nữ thần Kali thông qua “Phật Sống” để được hồi sinh trong một thân xác khỏe mạnh hơn.
Cuối cùng là phần dâng cúng của tín đồ, vô số các mâm cúng được dâng lên, nhiều hơn các lần khác rất nhiều. Ông tổ của tôi chẳng buồn nhìn đến làm gì, ông đã quá chán chường cái trò dâng cúng này rồi.
Đỉnh điểm là chiếc mâm để tế thần, nó thật to lớn và cầu kỳ, có đến mười tám người khiêng. Nhìn sơ là ông tổ của tôi cũng hiểu trên mâm đó có để một người ngồi được phủ kín trong một tấm voan đỏ.
Bên trong hẳn là thánh nữ được mang đi hiến tế.
Chủ tế đến bên ông và nói : số phận của thánh nữ xin Ngài quyết định.
Ông tổ : là như thế nào?
Chủ tế : nếu ngài tiếp nhận, thánh nữ sẽ được dâng cho ngài để tỏ lòng tôn kính… nếu ngài từ chối, thánh nữ sẽ được mang đến bên thần Kali, sẽ được moi tim để tế thần, sự hiến sinh của thánh nữ sẽ mang lại sự sinh sôi và thịnh vượng…
Ông tổ cảm thấy ớn lạnh nhưng cũng hỏi : nghi thức sẽ diễn ra như thế nào?
Chủ tế : thánh nữ khỏa thân và được tắm bằng nước sông Hằng trong lúc tất cả mọi người cùng đọc những câu thần chú ca ngợi nữ thần Kali và xua đuổi tà ma. Sau đó ngài sẽ được vinh dự dùng con dao phay đã được tẩy rửa mổ bụng và moi tim, chặt xác thánh nữ để lên một cái mâm đỏ, với tất cả sự thành kính đặt lên bàn thờ nữ thần Kali.
Ông ta nói điều đó một cách lạnh lùng như không có gì xảy ra…
Hai bàn tay ông tổ lạnh ngắt, nhưng ông vẫn tỏ ra bình tĩnh… ông hiểu rằng chỉ một xúc động mảy may sẽ là sự thất bại. Với những con người này, càng tỏ ra cách biệt, kiêu căng và quan trọng họ lại càng kính nể… một cử chỉ hòa đồng hay quá bình đẳng sẽ đem lại sự nghi ngờ về quyền phép và kéo theo là những cuộc chiến vô nghĩa xuất phát từ lòng tham lam hay ganh ghét.
Ông nói tiếp : những năm không có “Phật Sống” thì ai sẽ làm điều đó?
Chủ tế : nếu không có “Phật Sống” thì Ban Chủ Lễ sẽ chọn ra một người, thường sẽ là… chủ tế.
Ông ta xem chuyện đó không phải là sự tàn ác mà chỉ là một nghi thức, như bất cứ một nghi thức nào.
Ông tổ : ta muốn tiếp nhận thánh nữ, hãy mang cô ta đến cung điện.
Đại lễ còn kéo dài thêm vài ngày nữa, chủ yếu là để mọi người tiếp tục vui chơi và nhảy múa, riêng ông tổ được hộ tống về chính điện với chiếc mâm cúng thánh nữ đã được đặt sẵn.
Khi tất cả đã lùi ra hết, ông tổ của tôi mới từ từ tiến đến… ông không muốn nhưng không thể từ chối vì sinh mạng của con người này nằm trong tay ông.
Ông mà từ chối thì người này phải chết một cách thê thảm nhất, rùng rợn nhất.
Khi tấm voan được mở ra, ông tổ như không tin vào mắt mình, bởi vì ông cứ tưởng như mọi lần, là một người ngồi… nhưng không phải… đây đúng là một người thật, nhưng không phải đang ngồi mà là đang đứng… người đó quá nhỏ bé nên khi đứng chỉ bằng một người đang ngồi.
Đó là một đứa bé, một cô bé.
Cô bé đứng cúi mặt, mắt nhắm nên không nhìn thấy gì cả. Một cô bé khốn khổ bị mang đi tế thần, sợ hãi đến mức đứng không vững nữa.
Thân hình mảnh dẻ, ốm yếu và suông đuột, có lẽ cô bé này vẫn còn ở truồng tắm mưa.
Gương mặt được tô son trát phấn và đeo vào đó đủ thứ vòng vàng và đá quý… nhưng ông tổ của tôi vẫn nhận ra đó là ai.
Ông lấy tấm khăn voan choàng qua người cô bé, cảm thấy sự khiếp đảm, sự run rẩy đến tận cùng tận trong cái thân thể gầy gò bé nhỏ. Ông bồng cô bé lên, mang đến bên bàn ăn và dịu dàng nói : Arvind, đây là nhà con, con đã được an toàn rồi.
Cô bé mở bừng mắt thảng thốt, không thể tin lại còn được nghe giọng nói quen thuộc này.
Giọng nói của người đàn ông vẫn ngồi bên bờ biển ngày nào.
Biển ở đây gợi ta nhớ biển,
Núi rừng đây gợi nhớ núi rừng,
Nỗi đau đớn gợi nhớ điều đau đớn,
Nỗi niềm riêng gợi nỗi niềm riêng.* Thời gian như ngừng trôi… ngừng trôi với Arvind. Ngoài kia vẫn là lễ hội cuồng loạn… ngoài kia vẫn là đất, là gió, là nước, là lửa… là tất cả những con người, và họ không cần biết đến Arvind là ai…
Ông tổ không nói gì, ông im lặng, chỉ có sự Lặng Im Tuyệt Đối mới có thể mang lại cho cô bé sự tĩnh tâm.
Quả nhiên, một lúc sau Arvind bắt đầu bình tĩnh và cảm thấy đói, bởi vì đã mấy ngày nay cô bé không được ăn để giữ sự trong sạch – và cô bé bắt đầu ăn một cách tự nhiên… như mọi đứa trẻ bình thường.
Phải khá lâu sau cô bé mới tin rằng mình đã thoát khỏi tai kiếp – không bị moi tim tế thần và cũng không bị cưỡng hiếp.
Trong buổi tối hôm ấy ông tổ của tôi đã làm được một việc có vẻ là phi thường nhưng có lẽ đó chỉ là một việc bình thường của bất cứ con người có lương tri nào. Lòng nhân ái, tình thương, lòng trắc ẩn đối với những mảnh đời bất hạnh không phải là một món quà mà trời phật ban cho chúng ta hay sao?
Ông nói với Arvind : Ở đây không ai có thể xúc phạm đến con được nữa.
Phật pháp nhiệm màu đã cứu vớt được số phận một con người và có thể soi rọi cái ánh sáng diệu kỳ đó đến nhiều số phận bất hạnh khác nữa.
Ông tổ nói tiếp : ta vẫn nhớ con từng mơ được đi học.
Arvind mỉm cười, nụ cười đầu tiên sau bao ngày sống trong sợ hãi : ông vẫn còn nhớ điều đó sao?
Ông tổ : nếu con chịu học thì tri thức sẽ mở cho con mọi cánh cửa, đưa con đến mọi chân trời và giúp con vượt qua số phận để đến được bờ bến tự do…