Truyền kỳ xứ sở Vua Quạ Đen
Cát Tường 20.01.2013 10:37:57 (permalink)
Truyền kỳ xứ sở Vua Quạ Đen
Nguồn : comthuyhoingo.vn
Tác giả : daihongcat


Truyền kỳ xứ sở Vua Quạ Đen

Phi lộ

Tôi thích đi một mình trong đêm, qua những con hẻm tối, dưới ánh đèn đường mờ nhạt, hắt hiu. Những lúc như thế tôi cảm thấy thật là tự do… tôi ngước nhìn lên bầu trời cao vợi, bầu trời đêm thật là đẹp và tôi thấy dường như cả bầu trời, cả vũ trụ là của riêng mình, trong vòng tay của mình.
Nhiều ngày tôi đi lang thang như thế, rất nhiều những ngày như thế… trên vai tôi là ba lô trĩu nặng. Tôi biết mình thật nhỏ bé và cô đơn giữa thế giới này, trên con đường đêm này… tôi vẫn muốn một ngày… một ngày nào đó có anh bên mình… chỉ mình anh th
ôi.

*


Tôi thuộc dòng họ Âu Dương – Ông Tổ của tôi khi lưu lạc qua Việt Nam lúc đầu vẫn giữ họ Âu Dương – Tôi nhớ hình như tên ông là Âu Dương Trường Phước.
Có lẽ cái tên này gắn bó với ông là cả một điều may mắn, bởi vì đã biết bao lần cuộc đời ông cận kề với cái chết, tưởng chừng chết chắc, nhưng ông vẫn sống, vẫn đàng hoàng dưới ánh mặt trời.
Có lẽ dòng máu của ông tổ vẫn còn chảy trong tôi, giúp tôi vượt qua được những lúc, những khúc quanh của cuộc đời tưởng chừng không thể vượt qua.
Khi ông tổ của tôi đến mảnh đất tận cùng xa tít này thì ông chứng kiến hầu như tất cả những gì gọi là “bể dâu” của cuộc sống. Nước Việt chìm ngập trong biển lửa và bụi khói của chiến tranh. Ông những tưởng thoát khỏi đất nước Trung Hoa đau thương để đến với một đất nước nhỏ bé hiền hòa hơn nhưng đâu ngờ nó cũng chìm trong tang tóc và khổ đau như thế.
Nhập gia tùy tục – ông tổ của tôi nhanh chóng hòa nhập với những người bản địa với một trái tim khiêm nhường nhất.
Người bản địa của xứ sở này chính là ông bà, cụ kỵ… dòng họ của tôi. Họ là những người Việt - và người Việt lúc nào cũng là người Việt, ở đâu cũng là người Việt – “Đạo” luôn là một điều mà bất cứ một người Việt chân chính nào cũng trân trọng, tâm nguyện, nhất là ở những thời kỳ mà dân tộc điêu linh nhất, đau thương nhất.
Vì chữ “Đạo” mà con người đến với nhau, cũng vì chữ “Đạo” mà người ta giết nhau. Tôi không thể nói ông tổ của tôi theo đạo gì, nhưng chắc chắn ông cũng hòa nhập vào cái tinh thần “Đạo” cao cả của người Việt.
Tôi nghe các cụ kể lại rằng trong một ngày định mệnh, khi mà người ta bắt cả một “họ đạo” ra chém – bằng một cái từ rất lạnh mà thời Pháp thuộc vẫn hay dùng là “cáp-duồn” thì ông tổ của tôi đã có được một kỳ tích có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”.

Đó chính là vì ông là người sống sót duy nhất qua cuộc giết chóc đó.
Khi tên đao phủ chém đến ông – người cuối cùng – thì gã đã thấm mệt nên nhát chém không còn đủ lực và gã cũng nhanh chóng đạp luôn ông xuống hố cho xong, lúc đó ông tổ cũng kinh hãi mà ngất đi.
Rạng sáng thì ông tổ tỉnh lại và cố lê được về nhà, sau đó hơn một năm thì ông hầu như bình phục nhưng từ đó ông cũng không bao giờ dám ra bên ngoài. Một thời gian sau nhờ quen biết ông qua làm công cho một thương gia người Hoa. Ông này có tàu đi buôn khắp các nơi như Ấn Độ, Mã Lai,…
Chiến cuộc ngày càng ác liệt, giặc “Tàu Ô” gây ra nhiều tai tiếng nên thương gia người Hoa quyết định tạm lánh ra khỏi xứ Việt một thời gian, khi đi ông ta muốn giao lại nhà cửa cho ông tổ của tôi.
Khi tàu của họ sắp rời cảng thì ông tổ của tôi tìm thấy trong nhà một cái bình cũ kỹ bỏ quên trong góc bếp chứa đầy vàng bạc châu báu. Ông lật đật chạy theo trả lại cho họ, vị thương gia người Hoa cảm động trước tấm lòng trung thực đó đã nhận ông tổ của tôi làm con nuôi và quyết mang ông đi theo qua vùng đất mới.
Có thể nói đây là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời ông và từ đây ông trở thành huyền thoại ly kỳ nhất của dòng họ Âu Dương Trường Phước.

*


Lần trước ông tổ của tôi qua Việt Nam bằng đường bộ, còn lần này lại là một chuyến đi không mong đợi bằng đường biển. Cả đời ông tổ chỉ mong được sống yên bình, không ngờ sóng gió lại luôn ập đến đưa ông vào những chuyến phiêu lưu tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.
Những ngày lênh đênh trên biển là dịp để ông tổ thư giãn và suy ngẫm, ông không phải làm gì nữa vì đã chính thức được thương gia người Hoa nhận làm con. Hằng ngày ông ngắm nhìn bình minh và hoàng hôn, nhìn mặt trời từ từ hiện lên và từ từ lặn xuống trên đường chân trời và cảm nhận tất cả là vô thường như chính cuộc đời sóng gió mà ông đã trải qua.
Khi tàu cập bến, một làng quê bình lặng hiện ra trước mắt ông với những ngôi nhà đơn sơ vách lá, những người đàn bà mặc đồ kín mít và những con bò gầy gò trong cái ách để kéo xe hay cày ruộng.
Làng quê nào cũng như làng quê nào.
Làng chài nào cũng như làng chài nào.
Chỉ có phong tục tập quán là khác…
Ông nhìn thấy một người đàn bà Ấn to béo, da ngăm đen với mái tóc xoăn dài ngồi bên cửa sổ nhìn ông và mỉm cười, một nụ cười thân thiện và hồn nhiên, nụ cười ấy hằn sâu vào trái tim và ông còn gặp lai nó một lần nữa như định mệnh. Ông cũng nhìn những người đàn ông đen nhem nhẻm cưỡi trên những con lừa, họ cũng rất thân thiện và sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là có được ít tiền mang về cho vợ con. Cạnh đó là những con dê kêu be be nhốn nháo, những con ngỗng ồn ào và những người đàn bà lam lũ, những đứa trẻ trần truồng như nhộng nhìn ông bằng ánh mắt tò mò.
Đi qua khỏi ngôi làng đơn sơ thì đến một thị trấn sầm uất, thương gia người Hoa đã đến và buôn bán ở nơi này nhiều năm rồi. Ông ta cũng đã mua sẵn một dinh thự và có cửa hàng buôn bán thương phẩm.
Cụ tổ của tôi hầu như chẳng phải làm gì, có lẽ hũ vàng bạc châu báu mà ông giao lại cho hẳn đủ để ông được rong chơi hàng năm trời. Ông không thích thị tứ cho lắm mà lại hay ra ngôi làng chài ven biển. Chỉ non tháng là ông hầu như quen biết tất cả mọi người và cũng nói được thứ tiếng địa phương bập bẹ. Được xem là người thuộc đẳng cấp cao, giàu có, ông tổ hay được những người đàn ông đội mũ chụp, cưỡi lừa mời dự những buổi tiệc tùng, nhảy múa.
Người Ấn hầu như ai cũng thích nhảy múa.
Họ nhảy múa, vui chơi để quên đi nghèo khó và vượt qua nghèo khó…
Ông tổ ít khi được gặp các cô gái, theo truyền thống họ không được ra khỏi nhà và nếu có ra ngoài thì mặc đồ kín mít. Hầu như ông chỉ gặp những người đàn bà to béo, mũi cao, mắt to và nước da bánh mật. Họ luôn niềm nở mời ông uống nước trong những chiếc bình bằng dất có cổ cao rất đẹp. Ông hay ghé nhà một người đàn bà tên là Arjun có nụ cười trìu mến với bầy con nheo nhóc để cho bà ta chút ít tiền… vì thế ông tha hồ tung tăng khắp làng trong sự chào đón của mọi người.
Ông thích ngồi bên bờ biển ngắm nhìn buổi chiều tà và nhớ về quê hương xa xăm. Những bờ đá cằn cỗi như an ủi ông, nhắn nhủ với ông về quá khứ.
Có một cô bé đen thui hay đến bên ông, tò mò hỏi ông đủ thứ và ông tổ cũng thích nói chuyện với cô bé để tập dợt thứ tiếng địa phương khó khăn này.
Cô bé được mọi người gọi là Arvind, nghĩa là đóa sen.
Cô ước mơ một ngày nào đó sẽ được đi học.
Ông tổ ngồi trầm ngâm bên bờ biển, trên những mỏm đá nhiều giờ liền, ông còn rất trẻ những tâm hồn đã già dặn lắm rồi.
Sự già dặn của những người con xa xứ…
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.01.2013 10:41:07 bởi Cát Tường >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9