Tết Ta trong hãng Mỹ
-
21.01.2013 02:32:33
Tết Ta trong hãng Mỹ
Phạm Lê Huy
Sau một thời gian làm "thợ đụng" -- tức là đụng gì làm nấy, cũng đồng nghiã với thất nghiệp luôn -- nhờ một người bạn thân bày đưòng chỉ nẻo, tôi được vô làm hãng này, một hãng chuyên sản xuất máy card reader và check reader -- tức là đọc thẻ, đọc chi phiếu đó.
Xoay lui xoay tới vậy mà tôi "bắt ốc vặn vít" ở đây -- làm assembler đó mà -- cũng tròm trèm chục năm rồi, lẹ thiệt! Một chục năm ở trong cái assembly line -- dây chuyền lắp ráp -- với chỉ một động tác thiệt là đơn điệu, nếu tôi không chịu "khắc phục" chắc là phải nổi điên lên từ lâu rồi lắm; bởi tôi là một thằng hiếu động có "hoa chân hoa tay" ưa giang hồ vặt, hai tay thì không chịu ở yên. Nếu không phải vì gần kề cái "xế chiều" của mình thì làm sao tôi có thể chịu đựng nổi cái cảnh quá boring như thế này được.
Hồi mới vô làm, hỏi mấy người bên cạnh, ai cũng nói đã làm ở đây bốn năm năm rồi. Nghe thế, tôi le lưỡi rồi nuốt nước bọt mà thấy thương cho cái tương lai của mình cũng sẽ thế thôi.
Nói tới dây chuyền lắp ráp, thỉnh thoảng tôi nhớ lại cuốn phim cũ trắng đen có tựa đề Thời Kỳ Khủng Hoảng do Vua Hề Charlot Charlie Chaplin đóng mà tức cười. Cái anh chàng thợ lắp ráp Charlot này suốt mấy năm trời chỉ có một động tác là hai tay cầm hai cái cờ-lê mà bắt ốc vặn vít, riết rồi thành cái "thói quen nghề nghiệp theo phản xạ". Một hôm ra đường, thấy có bà mặc áo pa-đờ-xuy trên ngực có đính hai hột nút bự, thế là anh thợ Charlot nhà ta nhào đến, dùng hai cái cờ-lê cố vặn cho được... hai hột nút bự kia. Hoảng quá, bà ấy chạy trốn trối chết; nhưng chàng ta đâu có tha, rượt theo bén gót cố vặn cho bằng được. Thiệt là... thiện tai... thiện tai!
* * *
Kể lể về dây chuyền lắp ráp thì cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt lắm, thôi để khi khác tôi kể tiếp. Giờ thì tôi kể về chuyện Tết Ta trong hãng Mỹ của tôi đây.
Chừng nửa tháng qua, anh chị em người Hoa người Việt mình chộn rộn lắm, cứ ngong ngóng cái Tết gần kề. Bao nhiêu chuyện Tết Nhứt từ năm xửa năm xưa nay như được dịp tuôn ra ào ào, rôm rả vui tai lắm. Có đủ thứ chuyện để "nhìu chiện" lắm. "Nhìu chiện" một cách say sưa, nghe ấm lòng vô cùng.
Nào là chuyện mua sắm áo quần đẹp cho sấp nhỏ để chúng đi khoe chòm xóm. Mình là bậc cha mẹ thấy con cái nó vui mình cũng vui theo, nhất là khỏi phải tủi hổ với hàng xóm vì mình "hẻo" quá. Gia cảnh mình lỡ có thiếu hụt thì chớ có cho ai hay ai biết. Cũng đừng cho con cái biết làm chi, chúng buồn chúng tủi tội nghiệp.
Nào là chuyện sắm sửa bánh mứt, bánh in bánh tét bánh chưng... , bông hoa nữa, cho xôm tụ. Đánh bóng bộ lư và cặp đèn thờ bằng đồng tới mức soi mặt được mới thôi. Để rồi Tết đến, ông bà trên trước và thân nhân đã khuất về chơi với con cháu khỏi phải buồn lòng vì thấy gia cảnh mình... không "đến nỗi nào". À, còn phải dựng cây nêu treo lá phướng ngoài sân nữa chớ.
Nhà ai có vườn tược thì lo chăm chút mấy chậu bông cho rực rỡ tươi tắn. Đầu năm mới mà rực rỡ tươi tắn thì suốt năm mọi sự mới được hanh thông, ăn nên làm ra, gia đạo êm ấm vô cùng.
Nào là chuyện cúng Ông Táo, phải nhớ "lo lót" sao cho vừa ý ổng mới được việc mình nếu lỡ năm qua mình có chuyện gì "không phải" thì ổng lơ cho, không "mét" Ngọc Hoàng làm chi, vì ổng đã "ngậm" của mình.
Rồi ra nghiã trang sửa sang, quét vôi nhổ cỏ, làm sáng sủa lại mộ phần thân nhân đã khuất.
Chiều ba-mươi thì cúng rước ông bà về vui chơi với mình ba bữa Tết cho vui nhà ấm cửa.
Đêm giao thừa thì đốt pháo tưng bừng. Đủ loại pháo -- pháo tre, pháo điển, pháo bông, pháo chà, pháo chuột, pháo xì, pháo xẹt, pháo thăng thiên (chớ không phải pháo... "lên thẳng" như "máy bay lên thẳng" đâu, trời ạ... !). Đó là nói về những năm thanh bình thôi. Chớ đến những năm chiến tranh ác liệt, súng ống hai bên đì đùng "cắc bùm" nhau từ thôn quê đến thành thị, khắp hang cùng ngõ hẻm thì xin miễn đốt pháo vì có ai phân biệt được tiếng súng với tiếng pháo đâu. Thì cái "Tết Mậu Thân 1968" đó, làm sao mà quên được!
Sáng Mồng Một thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ để được lì xì mà lấy hên đầu năm.
Nhớ lâu lắm rồi, thuở thanh bình hồi còn ở bên nhà thì "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà... ". Dòng họ ông bà nội ngoại ba má và anh chị em tôi là vậy, con nhà nông chính cống mà. Ngày nay, do bối cảnh xã hội đổi khác, nên người ta mới nói trại đi là "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai... cờ bạc, tháng Ba... bán nhà... ". Thiệt... hết biết!
Trong nỗi hoài niệm thật nồng nàn này, tôi nhớ lại bao điều rất thân thương từ khi tôi còn là cậu bé tóc húi cua đá banh bằng nùi giẻ, quanh quẩn trong sân trước vườn sau, lúc thúc bên chân ba má tôi một cách vô tích sự... mà đến giờ chúng vẫn còn đậm nét trong tâm khảm tôi đó.
Nhớ tới ông ngoại tôi, ông là một nông dân vạm vỡ chất phác. Một chiều cuối năm, ông vác cái câu liêm cắt lúa giống như mảnh trăng non hình lưỡi liềm có cái cán dài, với vài động tác thuần thục và chính xác ông phát tém thật gọn gàng thẳng thuốm cái mái nhà của cổng phía sân trước được bắt lượn công phu từ mấy lọn chè dúi săn chắc; từ đó tỏa ngang qua hai bên là hàng rào quanh sân cũng bằng mấy lọn chè dúi xanh um tươi mát, trông đẹp mắt làm sao.
Má tôi kể, hồi đó làng tôi bị một tên trộm "tài danh" từ tỉnh bên cạnh đến "kiếm chác". Trộm "tài danh" là một loại trộm võ nghệ cao cường, nhảy chuyền từ nóc nhà này qua nóc nhà kia mau lẹ nhẹ nhàng như mèo. Ấy vậy mà ngoại tôi đã tính kế lập mưu bắt gọn nó bỏ vô bao bố vác lên nạp cho làng xã sau gần mười hiệp tỉ thí với nó. Từ đó làng tôi yên ổn, tiếng tăm ngoại tôi bắt gọn tên trộm "tài danh" đó nổi như cồn.
Tôi cũng nhớ tới ông nội tôi, ông là một thị dân lanh lợi, nói năng nho nhã. Cứ mỗi Mồng Bốn Mồng Năm Tết là ông đi làm trọng tài cho những cuộc tranh tài đánh cờ tướng bằng người thật. Ông ngồi trên chòi cao trông xuống sân cờ tướng rộng lớn được kẻ bằng những lằn vôi trắng. Quan quân hai phe tướng sĩ đều mặc quân phục cổ xưa, trước ngực và sau lưng có mang tên quân cờ, tay cầm gươm giáo. Hai kỳ thủ cũng ngồi trên hai cái chòi cao đối diện nhau mà điều binh khiển tướng bằng những câu thơ Hán Nôm nghe rất dõng dạc hùng hồn. Quân sĩ hai bên cứ múa võ tỉ thí với nhau theo lệnh của "chủ soái" mình. Tôi mê đi coi đánh cờ người đến quên cả ăn quên cả việc.
Lại cũng nhớ tới dì Út của tôi. Hồi đó, đến tám chín tuổi, tôi mới biết là mình có cái răng khểnh, tức là cái răng chó đó. Tôi biết được là nhờ dì tôi cứ khen lấy khen để:
- Cái thằng Cu Cùi của dì có cái răng khểnh "ăn tiền" lắm đó! Cùi cứ cười wài đi cho dì ngắm nghen, dì thích lắm! Mai sau lớn lên cái răng khểnh của Cùi sẽ làm... chết nhiều em lắm đó nghen!
Tôi lắng tai cu nghe, rồi tròn mắt hỏi dì:
- Ủa sao lạ dzị! Mắc mớ gì cái răng đó nó làm chết nhiều em, mà nhiều em là gì, hả dì?
Dì ký nựng đầu tôi một cái cốc:
- Để năm bảy năm nữa mới biết, con!
Tôi thở dài vì cái thắc mắc của mình chưa được dì giải thích ngay. Nhưng tôi không còn cơ hội để chờ đến năm bảy năm nữa; vì năm sau, nghe lời ai không biết, má tôi nói nếu cứ để cái răng đó thêm vài năm nữa nó sẽ mọc dài ra rồi đâm lủng cái môi, giống như mấy người bị sứt môi đó, xấu lắm! Rồi má mướn ông Năm Lượm hành nghề nhổ răng dạo nhổ phắt cái răng khểnh đó đi. Ổng mát tay lắm nhe, nhổ êm ru hà. Tôi mới nhắm mắt hả miệng là cái răng khểnh đó đã theo cái kềm của ổng mà chia tay mấy cái răng kia rồi, chẳng nghe đau đớn gì hết. Tôi có biết gì đâu, chỉ hơi tiêng tiếc thôi - "Sao má hổng chịu chờ sau năm bảy năm nữa mà nhổ cũng được?". Còn dì Út thì cứ tiếc hùi hụi hà! Chú Xuân thợ chụp hình cạnh nhà cứ lẻo đẻo theo sau làm... "cái đuôi" của dì, cũng hùa theo mà tiếc giùm cho tôi.
Ôi thôi, kể ra thì dài dòng văn tự lắm. Nói sao cho hết, nói sao cho vừa nỗi nhớ, nhớ da nhớ diết của mình về Quê Cha Đất Tổ mà hàng triệu người Việt mình đã đứt ruột ra đi, lòng đau nhứ cắt trên ba-mươi năm rồi.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên xa xứ cách đây mười mấy năm, vợ chồng tôi đã khóc, khóc âm thầm khi hai đứa con đã đi ngủ sớm trong đêm giao thừa. Tụi nó có biết đón giao thừa là cái gì đâu. Gia đình tôi lại ở xa khu có đông người Việt nên chẳng thấy cái không khí Tết đâu cả.
* * *
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Ta thì hãng tôi có tổ chức mừng Năm Mới cho nhân viên được vui. Cũng như các hãng khác, hãng tôi có nhiều nhân viên thuộc các sắc tộc khác nhau, nên tất cả đều chung vui chung mừng với nhau về ngày Tết cổ truyền của mình. Nhờ vậy nên không khí sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày của nhân viên với nhau thiệt là thân mật vui vẻ và hiểu nhau thêm.
Cuối tuần qua, ông manager họp nhân viên lại, cho biết đầu tuần tới sẽ có tiệc Tất Niên và Mừng Năm Mới luôn -- Happy Chinese New Year!
Nghe ổng dùng nhóm từ Chinese New Year, tôi không hài lòng chút nào; tôi nói với một bạn đồng nghiệp là, hôm nào ổng vui vui mình nói với ổng là nên dùng nhóm từ Lunar New Year thì phải hơn, dung hòa hơn. Cái cục "tự ái dân tộc" của tôi to lắm đó, vì một ngàn năm bị người Hoa phong kiến đô hộ đã qua từ lâu rồi, sao giờ lại còn cái Tết Tàu đối với người Việt mình, phải không? Thì là do người Hoa sang nước Mỹ này trước người Việt mình rất lâu, nên người bản xứ cứ quen gọi các sắc dân từ châu Á đến là Chinese... Chinese... -- Thế thôi!
Rồi thì phòng ăn và phòng làm việc của bộ phận sản xuất (production department) được trang hoàng một cách gọn ghẽ, xinh xắn. Những dây pháo, dây hoa có hàng chữ "Cúng Hỷ Phát Xồi" với hai màu đỏ vàng tượng trưng cho "an khang -- thịnh vượng" được treo lủng lẳng trên trần, được gắn quanh vách tường trông thật vui mắt, ngó như một góc nhà riêng của mình ở đây vậy.
Năm con giáp nào thì treo hình con giáp đó. Năm nay là năm Đinh Hợi nên treo hình mấy chú "Trư" mập mạp phốp pháp tốt tướng trông thật ngộ nghĩnh. Cứ nhìn mặt mấy chú là phát cười rồi. Còn nữa, không thể thiếu được, quanh quẩn dưới chân mấy "Nàng Trư" là một lứa "Trư Nhí" đỏ hỏn, thấy phát thèm. Cái nhóm "Mẹ Con Trư" này thì tượng trưng cho sự "mắn con". Mà cái sự "mắn con" đó chỉ xài ở bên nhà thôi, chớ ở bên này có cho vàng cũng không dám "mắn" đâu.
Hồi vợ chồng tôi mới sang đây, qua điện thoại ba tôi nói:
- Hai con ráng cho ba một đứa cháu nội mang quốc tịch Mỹ nha!
Tụi tôi thưa:
- Hỏng dám đâu ba!
Ba nói:
- Sợ gì! Trời sinh voi sinh cỏ mà con!
Tụi tôi thưa lại:
- Nhưng tụi con không thể... ăn cỏ được, ba à!
Ba ráng thuyết phục:
- Đa tử đa tôn đa phú quý mà con!
Tụi tôi thưa tiếp:
- Mà bên này thì đa tử đa tôn là đa... homeless đó ba!
Ba tôi hiểu ý, rồi thôi luôn tới giờ.
* * *
Buổi sáng ngày Mừng Năm Mới thì vẫn làm việc như thường, đến mười giờ rưỡi mới được nghỉ làm để vui chơi. Ngoài bãi đậu xe đã rộn rã tiếng trống múa lân. Tất cả nhân viên từ các phòng túa ra coi.
Cặp lân múa tới múa lui, vờn nhau theo điệu võ trong tiếng trống tiếng chập chõa thiệt là sống động với tiếng pháo nổ vang giòn giã một góc sân. Mùi thuốc pháo khét nồng gợi cho tôi nhớ quê nhớ nhà vô cùng.
Nhớ hồi nhỏ tôi theo mấy nhóc bạn đi coi múa lân, rồi lượm pháo đẹt chưa nổ đựng đầy lon sữa bò về nhà đốt chơi. Có lần "làm le" -- tức là làm dóc đó -- tôi cầm miếng pháo trên tay mà đốt cho tụi nó "nể" chơi. Bất ngờ tiếng pháo nổ ngay trên tay, tôi quăng không kịp. Đau điếng, tôi bóp chặt tay mình, người quằn lại như con giun, nhưng ráng không khóc vì sợ... "mất le". Từ đó tôi tởn tới già luôn.
Mấy tay múa lân biểu diễn các trạng thái hỷ nộ ái ố của cặp lân thật điêu luyện và có hồn. Nhân viên Hoa và Việt mình mê đã đành, nhân viên các sắc dân khác cũng mê không kém. Bà chủ hãng rất trẻ trung cùng ban giám đốc hòa mình sinh hoạt với nhân viên thật tự nhiên vui vẻ. Cặp lân biết đó là bà chủ, nên múa chúc bả kỹ lắm, chắc cũng được khá bộn tiền lì xì. Rồi cặp lân đến từng phòng múa chúc mừng năm mới. Phòng nào cũng có treo lèo lì xì cho lân, treo dưới thấp tượng trưng thôi. Mọi người ai cũng chuẩn bị trước mấy phong bì lì xì cho lân ăn để lấy hên đầu năm.
Đến giờ ăn trưa "self-service" -- tự xúc mà ăn. Bà chủ cùng ban giám đốc xếp hàng chung với nhân viên; ai đến trước đứng trước -- "first come first serve" -- chớ không có cái kiểu "quan trước, lính sau". Xúc xong, ngồi đâu cũng được, đứng đâu cũng được. Bà chủ cầm dĩa thức ăn của mình sà đại vô ngồi xuống bàn mấy "thợ quèn" gợi chuyện nói cười vui vẻ lắm. Đó là bả chơi đòn "tâm lý chiến" gần gũi thân mật với nhân viên -- vậy mới gọi là "khéo ăn khéo ở" chớ. Mấy cô mấy chị mình thiệt chu đáo, đem bánh trái từ nhà đến mời mọc chung vui. Nào bánh chưn bánh tét, nào mức gừng mức dừa... Đa phần là những món ăn cổ truyền ba ngày Tết của Hoa của Việt. Đó cũng là dịp để giới thiệu những đặc sản của nước mình đến các sắc dân bạn luôn.
Bà chủ có đôi lời ngắn gọn chúc mừng năm mới và nhắn nhủ nhân viên vài điều với quyết tâm trong năm tới.
Đến phần vui chơi văn nghệ văn gừng thiệt là tưng bừng. Nhân viên hát hò "tự biên tự diễn" rôm rã nhộn nhịp cả lên. Có người đem giàn karaoke từ nhà đến với đầy đủ các bộ phận kỷ thuật âm thanh.
Hãng tôi cũng có những giọng hát "vàng" hay lắm, ngọt ngào lắm. Đơn ca thì có Peter Trần, Nam Nguyễn, Linh Nguyễn, Jane Ngô... Song ca thì có cặp Kim Chi Hà – Phi Đặng, cặp Khoa Trần - Mai Nguyễn. Còn hợp ca thì tổ nào cũng có góp giọng hết, vui lắm. Lại có ban đàn guitar của tổ technician với ba tay đàn Bob, Tony, Patty điêu luyện không kém, chuyên chơi nhạc disco. Hai MC Tina Hồng "Duyên Dáng" và Nam Trịnh "Vui Tếu" thay phiên nhau "quậy" cho không khí sôi động liên tục hẳn lên.
Dịp này, chúng tôi được nghe lại những bản nhạc xuân vui tươi rộn rã và buồn nhớ quê nhà một thời thiệt là ấm lòng.
Mở đầu chương trình là đồng ca bài Đón Xuân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:
"Xuân đã đến rồi,
reo rắc ngàn hồn hoa xuống đời.
Vui trong bình minh,
muôn loài chim hót vang mọi nơi.
Đẹp trong tiếng cười,
cho kiếp người tình thêm đắm đuối.
Ánh Xuân đem vui với đời"
Đặc biệt, Linh Nguyễn ca tân cổ bài "Câu Chuyện Đầu Năm" hay không kém Phi Nhung, nghe mùi mẫn thấm thía làm sao,
"Mong đầu năm cuối năm gặp may,
Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy.
Trên bước đường danh lợi rồng mây,
Duyên vừa đẹp ý đắm say
Ôm nàng Xuân đẹp vào tay"
Xen kẽ vào chương trình là những trò chơi thiệt vui. Dính kem xanh đỏ vàng tím tùm lum trên mặt, coi tếu vô cùng, vậy mà bà chủ trẻ trung không "care" chút nào, cũng nhào vô chơi hết mình. Cả hãng được dịp cười xả láng.
Tôi nói đùa với anh bạn vui tính ngồi bên cạnh: “Hãng mình làm văn nghệ hay như dzầy, chắc mấy trung tâm ca nhạc phải... dẹp tiệm quá, bồ há!”.
Cuộc vui chơi Tất Niên và Mừng Năm Mới kéo dài tới gần hết giờ làm việc mới dứt, nhân viên được về sớm hơn thường lệ một tiếng đồng hồ; nhưng vẫn được tính đủ giờ làm việc một ngày.
Đó, cái không khí thân mật và cái tình đồng nghiệp của hãng tôi là vậy, thành ra doanh thu của hãng ngày càng đi lên là phải lắm rồi. Mà hãng có sống thì nhân viên mới được sống theo chớ, phải không!?
Phạm Lê Huy
(Los Angeles, Feb. 2007)