hai1957
-
Số bài
:
2063
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 12.04.2011
- Nơi: South VN
|
Đại úy trở về
-
23.01.2013 23:04:37
ĐẠI ÚY TRỞ VỀ Năm 1978 tôi đi học sư phạm và ra dạy tiểu học đồng thời với ngày gia đình tôi chuyển lên vùng kinh tế mới. Nói đến “kinh tế mới” chắc hẳn người Việt, nhất là những người sống ở miền Nam chẳng lạ gì. Đã vào tháng chín, là mùa khai giảng nhưng nơi đây vẫn còn im ắng. Mọi người vừa mới đến nên còn đang bận rộn che lại mái nhà để ở và đi phát hoang để kiếm đất đai trồng trọt. Tôi và những người bạn cầm quyết định đến trình diện với “điểm” * và được biết nơi đây chưa có trường học. Vùng kinh tế mới có 3 thôn, mỗi thôn cách nhau khoảng 5 cây số đường đồi núi. Trong nhóm giáo viên về đây chỉ có tôi là có gia đình tại chỗ, các bạn tôi đều từ đồng bằng lên dạy học, tất cả đều là thầy giáo, lúc ấy chưa có bóng dáng cô giáo nào, có lẽ bởi vì vùng kinh tế mới lúc này vẫn đang còn là nơi rừng thiêng nước độc, không ai nở để con gái về làm việc nơi đây. Riêng thôn bên cạnh thì có nhiều cô giáo, lớn tuổi hơn chúng tôi một chút. Hỏi ra thì biết các cô ấy dạy học từ trước biến cố 1975 và tiếp tục được giữ lại để dạy học. Hỏi thêm chút nữa thì hóa ra các cô ấy là vợ sĩ quan VNCH, đi kinh tế mới dạy học để chờ chồng về. Tự nhiên giữa tôi và các cô giáo ấy có sự đồng cảm và quí mến nhau, có lẽ vì cùng chung một hoàn cảnh. Tới nay tôi vẫn còn nhớ cô Quỳnh Như, hiệu phó, cô Như Thủy, tổ trưởng lớp 1 và cô Ngọc Lê tổ trưởng lớp 3. Cả ba người đều có chồng là trung úy. Cô Lê và cô Thủy đều đã có một đứa con, riêng cô Như thì chưa. Cô nói: “Vừa mới cưới nhau có mấy tháng là xảy ra chuyện, ảnh đi luôn tới giờ nên chưa kịp có con”. Cô vừa nói vừa cười, một nụ cười buồn trên khuôn mặt đẹp. Công việc đầu tiên của tôi là đi đến từng nhà để ghi tên tuổi trẻ em trong thôn, xem thử em nào đang học lớp mấy, em nào đã đến tuổi đi học mà sắp xếp lớp lang cho năm học đã bị muộn màng. Sang tháng 10, giáo viên thì đã có nhưng trường lớp vẫn chưa, mọi người đều nóng ruột e ngại con em sẽ lỡ mất chuyện học hành. Mọi người trong thôn bàn bạc và có sáng kiến dùng những căn nhà tạm của những người “bỏ vùng”* ở rãi rác trong thôn làm lớp học tạm. Chúng tôi về “điểm” xin bàn ghế và sách giáo khoa, vài ngày sau xe tải chở về và các lớp học lần lượt “khai giảng”, ê a tiếng học bài giữa một vùng núi rừng hoang lạnh. Cô Như Thủy nói với tôi: - Thôn chưa có cô giáo, thôi thì Huy dạy lớp 1 nhé. Tôi giãy nảy: - Trời! Em con trai mà dạy lớp 1 sao được. Mấy đứa nhỏ này đi học còn khóc nhè sao mà dỗ được chớ. - Em phải cố gắng thôi chớ biết sao. Chẳng lẽ tụi chị tuốt dưới kia lên đây dạy hay sao? Tôi chống chế: - Thì cũng còn mấy đứa kia kìa… Cô Như Thủy cười: - Tụi nó cũng con trai như em thôi mà, để tụi nó dạy mấy lớp khác. Em “cũng là người ở kinh tế mới mình”, gởi con nhỏ cho em phụ huynh sẽ yên tâm hơn. Để năm học tới có cô giáo về thì tính sau, nghen Huy Tôi chẳng còn lý do gì để từ chối, đành phải chấp nhận dạy học sinh lớp 1 bé xíu xiu. Và rồi tôi đã dạy lớp 1 suốt ba năm liền, vì đợi hoài mà không thấy có cô giáo nào về… xxx Nói về dạy học thì có nhiều chuyện sẽ kể trong những lần sau, ở đây chỉ nhớ mấy cô giáo vợ trung úy và tôi, thằng thanh niên mới lớn cũng có cha và anh là những sĩ quan của một thời tan tác. Tháng 12 ngôi trường đã được làm xong, dĩ nhiên là mái tranh vách đất, do bà con trong thôn phân công nhau dựng nên. Có 2 dãy phòng học, mỗi dãy 3 lớp đối diện nhau. Dãy nhà nối giữa là văn phòng và là chỗ ở của giáo viên. Mỗi phòng học có 3 cửa sổ và 1 cửa ra vào, rộng không kể xiết, có lẽ vì núi rừng sẵn gỗ sẵn cây hà cớ gì hà tiện. Chúng tôi hăm hở chuyện dạy học một cách chân tình… Theo qui định, dạy học thì phải soạn giáo án, tôi dị ứng chuyện này kinh khủng. Chỉ mỗi việc gọt bút chì và viết chữ mẫu cho tụi nhỏ là tôi đã muốn hụt hơi nói chi chuyện giáo án giáo iếc! Tôi than thở với cô Quỳnh Như: - Miễn cho cái chuyện giáo án đi chị Như ơi, tốn thời gian quá, dạy thì tùy cơ ứng biến thôi mà, có gì đâu mà soạn sẵn chứ. Chị Như chép miệng: - Chị cũng biết, nhưng cái nguyên tắc ở trên qui định như vậy thì chị cũng chả biết xoay xở ra sao, em cứ liệu liệu xem… Hóa ra cái “liệu liệu xem” là trước mỗi lần thanh tra hay dự giờ tôi đều nhận được lá thư viết tay do chị Như gởi, báo cho biết ai đi kiểm tra, là tỉnh về hay chỉ là phiên định kỳ của ban giám hiệu. Và tôi đã hiểu. Tôi lấy một quyển vở mới soạn một lèo cả tuần giáo án, không quên ghi chú vào đầu quyển: “tập 3”, hàm ý là còn có tập 1 và tập 2 đã soạn trước đó. Chị Như xem xong ghi vào mấy chữ: “đã kiểm tra, ngày tháng năm, ký tên”… rồi lần sau tôi lại cứ tiếp tục như vậy. Cũng có khi trong đoàn kiểm tra có người hỏi các tập giáo án trước đâu, tôi trả lời cất ở nhà… Cứ như vậy suốt mấy năm tôi dạy học chẳng phải soạn bài, nhàn nhả không ai bằng… xxx Qua năm học tiếp theo cô Quỳnh Như bị bệnh, suốt ngày nằm rủ rượi một mình trong căn nhà tôn vắng vẻ. Tôi tới thăm nói: “Coi chừng sốt rét là mệt à nghen”. Cô Như Thủy khều tay tôi ra ngoài nói nhỏ: “Không phải sốt rét đâu, hôm hè rồi chồng nó được thả về, nó ốm nghén đó” “Hả! Sao “ổng” không lên đây?” “Hà! nó đang tính xin nghỉ việc để chuyển đi đó, Huy biết vậy thôi nhen, không được nói với ai, để nó đi chớ tội”. Và sau đó thì chị Quỳnh Như được nghỉ thiệt. Chị cầm giấy tờ đàng hoàng ra khỏi vùng kinh tế mới, để lại tôi với nỗi băn khoăn chả biết ông chồng trung úy của chị ra sao, có xứng đáng với người đàn bà đẹp mà suốt năm học qua tôi đã từng ái mộ? Vài tháng sau đó trung úy Cần, chồng cô Ngọc Lê được thả về. Anh em giáo viên chúng tôi xúm xít quanh căn nhà nhỏ của chị chia sẻ buổi liên hoan khiêm tốn. Anh Cần dáng người ốm yếu, giọng nói khàn khàn. Chị Lê san sẻ: - Anh Cần bị bệnh suyển kinh niên hồi giờ đó. Tôi tò mò: - Anh bị bệnh vậy đi lính sao ra trận được? Anh cười cười: - Anh hồi trước làm văn phòng không hà, có đánh đám gì đâu… - Thôi thôi, mọi người ăn uống đi không hỏi han gì nữa, để anh Cần nghỉ ngơi ha. - Chị Lê vừa mời mọc khách khứa vừa gắp thức ăn cho chồng. Mãi sau này khi đã thân thiết rồi anh Cần có nói với tôi: “Hồi ở trong tù tụi nó đánh anh mất tiếng đó em. Mà thôi chuyện qua rồi, không cần nhắc lại làm gì”. Bước qua năm học thứ ba ở kinh tế mới thì anh Mạnh, chồng cô Như Thủy được về. Khác với anh Cần, anh trung úy không quân này lầm lỳ và ít nói. Mỗi khi chúng tôi đến nhà anh đều lánh mặt ra sau vườn, lụi cụi bên mấy giồng khoai lang, mấy bụi sắn mì. Cô Thủy ái ngại nói với chúng tôi: - Tụi em thông cảm đi nha. Anh Mạnh hồi xưa vui lắm, bây giờ đi cải tạo về tự nhiên lầm lì ít nói vậy đó chứ thật ra tốt bụng lắm… Cuối năm học, chị Thủy nhắn tôi đến nhà. Chị bày ra mấy hộp “đồ dùng dạy học” và nói: - Anh chị chuẩn bị chuyển về Sài Gòn để chờ kết quả thủ tục “hát ô”. Chị không còn dạy nữa nên để lại cho em mấy cái đồ dùng dạy học này. Toàn bộ chương trình lớp 1 đều có đây hết, cả Toán và Tiếng Việt. Em lấy dùng để dạy cho tụi nhỏ. Tôi mở thử một hộp ra xem: Mấy cái bông hoa, mấy con số, mấy con gà con vịt, bảng chữ cái bằng giấy v.v…những thứ lặt vặt mà khi dạy chúng tôi dán lên bảng cho tụi học trò xem… Tất cả những đồ thủ công này đều được cô Như Thủy làm ra một cách công phu, tỉ mỉ… Tôi cầm xem mà muốn ứa nước mắt… Nhưng rồi tôi cũng không có dịp để dùng vì năm học tiếp theo đã có cô giáo về dạy học. Tôi trả lại lớp 1 để dạy lớp lớn hơn. Tuy nhiên tôi vẫn cẩn thận giữ gìn mấy hộp đồ dùng dạy học của cô Thủy cho mãi đến hơn hai năm sau mới trao lại cho một cô giáo mà tôi thấy có tình yêu thương con trẻ thật lòng… xxx Trở lại với những ngày đầu nơi vùng kinh tế mới. Một đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng kẻng vang rền. Chúng tôi thức dậy ra xem thì thấy du kích đang áp giải một người đàn bà và hai đứa bé. Đứa bé gái mẹ ẳm trên tay, thằng anh lui cui chạy theo níu áo mẹ. Tiếng thôn trưởng Bảy Mô oang oang: - Cô Hoa này “bỏ vùng” bị tụi tui bắt lại được bên suối Đậu Đen nè. Bà con coi đi! Tiếng chị Hoa khóc ri rỉ: - Tôi chỉ dẫn thằng Cường về nhà nội nó để đi học thôi mà. - Chị đừng có mà biện bạch, đi đâu mà đêm hôm khuya khuắt như vậy? Chị tưởng tui không biết chị là vợ ông đại úy thủy quân lục chiến hay sao? Có tiếng nói: - Thôi chị Bảy ơi, thông cảm cho “cổ” đi, đại úy đại uyết gì đâu, tại “cổ” thân phận đàn bà yếu đuối thôi mà. Chị Bảy cứ để tụi tui giúp đỡ cho. Chị thôn trưởng Bảy Mô hướng vô phía bóng tối, nơi chúng tôi đang đứng: - Vậy bây giờ tôi giao cô Hoa này lại cho “đội” quản lý đó nghen. Làm sao thì làm, “bỏ vùng” là có chuyện với tôi đó. Chị Bảy Mô và mấy cậu du kích bỏ đi, tôi chạy lại ẳm thằng Cường lên. Chà, thằng này tôi vừa ghi tên chuẩn bị đi học lớp 1 đây mà… Bốn năm sau ba thằng Cường trở về. Ông đại úy thủy quân lục chiến, trở về lầm lủi và muộn phiền. Thật ra trước đó đã có mấy đại úy trở về. Đầu tiên là đại úy Bằng, một đại úy già trạc tuổi ba tôi (nói già là theo lúc đó chứ tính ra mấy vị đó trẻ hơn tôi bây giờ nhiều à). Ba tôi được mời đến dự tiệc đoàn tụ vì cả hai ông trước đây đều làm việc ở cùng đợn vị trường HSQ Đồng Đế Nha Trang, có quen biết nhau. Sau đó lác đác và lần lượt các đại úy trở về. Có người đứng tuổi, có người còn trẻ… Có người chúng tôi gặp mặt, có người chỉ nghe tên. Người đàn ông đi với thằng Cường gặp tôi tại trường học: - Tôi là ba thằng Cường. Nhờ thầy giúp cho việc rút hồ hơ học bạ… Tôi biết ngay đây là ông đại úy chồng cô Hoa, là ba ruột của thằng Cường và con Ánh. Tôi cảm thấy lúng túng thật sự: - Anh đã gặp chị Hoa chưa? - Gặp rồi chứ. Chúng tôi thỏa thuận thằng Cường đi với tôi, con Ánh ở lại với má nó, còn lại sau này tính tiếp. Tôi nhìn thằng Cường đang đứng bên cạnh ba nó băn khoăn và buồn bả: “Vậy là em sẽ đi với ba hả?” “Dạ” - thằng Cường gật đầu, mái tóc vàng hoe trên khuôn mặt bé thơ đen sạm. Số là sau đợt “bỏ vùng” không thành công năm nọ, ba mẹ con chị Hoa đành ở lại vùng kinh tế mới trong sự cưu mang của bà con đồng cảnh ngộ. Sát bên nhà chị là nhà anh Tánh, một trung úy pháo binh độc thân, tính tình cô độc và khó chịu. Những người trong đội hay nói đùa: “Ông Tánh ở sát bên nhà cô Hoa, có gì giúp đở người ta với nghen”. Anh ta chỉ gầm gừ không nói năng gì. Vậy mà hơn một năm sau đó, hai người tự nhiên về ở với nhau, năm sau nữa sinh được một bé gái… Bây giờ ba thằng Cường trở về, mọi việc trở nên lỡ làng và khó xử. Ông ta giải thích với tôi: - Tôi không trách móc gì đâu. Những năm đó nếu không nhờ anh Tánh thì mẹ con thằng Cường cũng khó sống. Xét ra thì tôi cũng có mang ơn mà. Bây giờ cô ấy đã yên phận thì phải đành lòng thôi. Ban đầu tính đưa cả con Ánh đi luôn nhưng vậy thì tội quá, nên chỉ để thằng Cường đi với tôi thôi. Tôi nói: - Anh tính chuyển cháu về học trường nào? Biết để ghi vào giấy giới thiệu chuyển trường? Anh ngập ngừng: - Chà! Cũng chưa biết xin học tiếp ở đâu. Có nhà bà con ở Sài Gòn, tá túc chờ “hát ô” chưa biết nhanh chậm ra sao… - Thôi được rồi, chuyện hồ sơ của cháu cũng không khó gì đâu, cứ để trống chỗ tên trường xin nhập học, anh sẽ điền vào sau cũng được. À, mà bây giờ cũng trễ quá, hồ sơ nằm ở văn phòng chính, chắc là sáng mai mới rút ra được. Vậy tối nay anh ở đâu? - Không sao, tôi đang trọ ngoài bến xe, mai sẽ quay lại được. Ông đại úy dắt tay thằng Cường đi ra phía cổng trường. Nắng chiều phản chiếu hai cái bóng một thấp một cao liêu xiêu và cô độc. xxx Cũng trong khoảng thời gian này tôi gặp đại úy Bình, không rõ là sĩ quan chủ lực hay địa phương, chỉ biết ông làm việc tại Qui Nhơn. Ông Bình là ba của thằng Khanh, học sinh lớp 5. Tôi không dạy lớp thằng này nhưng trong xóm với nhau nên khá gần gủi. Thật ra tôi chỉ biết bà nội nó trong những lần thăm viếng gia đình phụ huynh với mấy đứa bạn. Hỏi han thì biết ba nó còn đi cải tạo, má nó buôn bán gì đó ở Qui Nhơn, thỉnh thoảng mới về để chu cấp tiền nong, quần áo và những thứ linh tinh khác. Một đôi lần có thoáng gặp má nó. Một người đàn bà sang trọng, quí phái… Buổi chiều tôi nhận được bức thư tay do thằng Khanh mang tới: “Thầy Huy Tôi mời thầy tối nay đến nhà tôi để bàn việc giúp chuyển trường cho em Khanh. Tôi chỉ nhờ vả một lần duy nhất này thôi, mong thầy không từ chối. Ba của Khanh. Bình” Trước mặt tôi là người đàn ông tầm thước, hơi xanh xao nhưng có nụ cười khinh bạc. Bên góc giường là hai người đàn bà: bà nôi và má thằng Khanh. Rót nước trà ra ly ông Bình chậm rãi nói: - Tôi vừa từ trại cải tạo trở về. Chiều nay thấy thằng Khanh ngồi trên lưng con bò tôi không thể nào tưởng tượng ra được đây là thằng con tôi. Thằng Khanh đây sao? Tôi cười cười: - Thì chuyện chăn bò ở kinh tế mới này thì có gì lạ đâu anh? Đứa nào cũng cơ cực mà. - Tôi hiểu tôi hiểu. Nhưng không thể không đau lòng… Con tôi đây sao? Ôi trời! - Thôi con à, chuyện đã dĩ lở vậy rồi, có ai muốn đâu mà… - Tiếng bà nội thằng Khanh. Hóa ra tình cờ tôi được nghe chuyện nhà của đại úy Bình. Sau biến cố 75 anh hạ sĩ lái xe cho đại úy Bình ngày xưa sắm được chiếc xe hàng đi buôn chuyến. Tình cờ gặp lại rồi giúp đở cho vợ của “ông thầy” năm xưa, lâu ngày thành ra nhân nghĩa. Tuy không có con cái gì nhưng ai cũng biết. Đại úy Bình nói với tôi, giọng rổn rảng: - Tôi đã gặp nó và cảm ơn đàng hoàng. Cảm ơn vì đã giúp đở vợ con tôi trong cơn khốn khó. Tôi cũng đã nói thẳng thắn với “cổ” nên ra đi với tôi, quên hết mọi sự để làm lại cuộc đời, nhưng “cổ” không chịu. Tôi đã hết lòng rồi, bây giờ không còn gì ân hận nữa. Tôi sẽ dẫn thằng Khanh ra đi… - Sao anh cứ nóng nảy làm gì. Chuyện lỡ rồi em chẳng còn lòng dạ nào đâu anh. - Người đàn bà bên góc giường lên tiếng. - Ờ ờ, anh xin lỗi, xin lỗi ông thầy nghen, tôi hay nóng nảy. Rót thêm nước vào ly ông đại úy trầm ngâm: - Sáng mai vợ chồng tôi đi xuống “điểm” để ký cái giấy xác nhận ly hôn. Nhân tiện muốn ghé bên trường học rút cái hồ sơ cho thằng Khanh, nên mới nhờ tới thầy. Nhìn vẻ băn khoăn trên mặt tôi ông ta nói tiếp: - Tôi chuẩn bị làm hồ sơ đi “hát ô”, mà má thằng Khanh từ chối nên tôi nghĩ phải lấy giấy xác nhận để có người khác đi với mình. Đi một mình cũng vô duyên quá! Ông đại úy lại nở nụ cười, một nụ cười đau đớn. Theo hẹn, sáng hôm sau tôi và ba má thằng Khanh đi xuống “điểm” để lo chuyện giấy tờ. Đường đi phải băng qua một con suối nhỏ. Mùa mưa nên đoạn sâu nhất nước cao lên tới háng. Tôi cởi quần dài, vén quần đùi nhón chân lội qua. Quay lại nghe tiếng của đại úy Bình: - Để anh cõng em qua, đừng ngại, chỉ là lần cuối thôi mà. Ông ta quấn cái quần dài quanh cổ, khòm lưng cõng vợ qua suối, vẻ mặt nhiệt thành. Tôi giả lơ để người đàn bà không mắc cở… Lúc ngồi bên ngoài chờ ông Bình trả lời phỏng vấn bên trong, tôi hỏi: - Sao chị không đi với anh ấy? Một nụ cười buồn rớt trên mặt chị: - Cậu còn trẻ nên chưa biết đó thôi. Tôi hiểu “mấy ảnh” mà. Đau đớn lắm! Sống bên cạnh nỗi đau của mấy ảnh mình không chịu được đâu, thôi thì phó mặc cho số phận thôi. xxx Đã ba mươi mấy năm qua rồi kể từ ngày ấy. Tôi đã không còn trẻ nữa và các anh chị ấy chắc cũng già rồi. Tôi không rụng về cội, cứ lưu lạc đi qua dặm trường rong ruổi. Đôi khi nhớ về không biết cô Quỳnh Như xinh đẹp bây giờ ở đâu? Mấy cái hình thủ công con chó con mèo, bông hoa chữ số của cô Thủy bây giờ có ai gìn giữ? Cô Ngọc Lê và trung úy Cần nay ra sao? Hai ông đại úy ngày xưa giờ đã ra sao rồi? Và đớn đau hơn cả là thằng Cường thằng Khanh bây giờ đã làm được gì? Có còn nhớ một khoảng đời kinh tế mới hắt hiu mồ côi bé nhỏ? Có còn nhớ mẹ hay không? * ĐIỂM là nơi điều hành toàn bộ hoạt động của vùng KTM. Những người làm việc ở đây là bên bộ đội, có sự trợ giúp của đội ngũ thanh niên xung phong, bộ máy tổ chức như một xã hoặc phường nhưng khác ở chỗ hoạt động độc lập, nhận chỉ thị từ tỉnh, không liên quan nhiều đến chính quyền địa phương. * "Bỏ Vùng": chỉ những người hoặc gia đình trốn khỏi vùng kinh tế mới
|