Ký cữu Dịch Trai Trần Công
Binh dư thân thích bán ly linh,
Vạn tử tàn khu ngẫu nhất sinh.
Vãng sự không thành Hoè quốc mộng (1),
Biệt hoài(2) thuỳ tả Vị Dương(3) tình.
Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức(4),
Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh(5).
Dục vấn tương tư sầu biệt xứ,
Cô trai phong vũ dạ tam canh.
Dịch nghĩa
Sau chiến tranh bà con bị điêu linh hết phân nửa
Cả vạn lần suýt chết, may còn thân này sống sót
Việc xưa cũ thành như giấc mộng xứ Hoè
Xa nhau thương nhớ, ai tả được mối tình Vị Dương?
Không đến được, tưởng cũng giống như Vương Thức
Chung qui, nên bắt chước Quản Ninh đi tị loạn
Muốn tự hỏi lại mối sầu tương tư của mình
Trong lòng cô quạnh, (bên ngoài) mưa gió suốt ba canh.
寄 舅 易 齋 陳 公
兵 餘 親 戚 半 離 零,
萬 死 殘 軀 偶 一 生。
往 事 空 成 槐 國 夢,
別 懷 誰 寫 渭 楊 情。
不 來 自 擬 同 王 式,
避 亂 終 當 學 管 寧。
欲 問 相 思 愁 別 處,
孤 齋 風 雨 夜 三 更。
Thơ gửi cậu Dịch Trai Trần Công
(Người dịch: Lê Cao Phan)
Sau loạn, bà con mất nửa phần
Nạn nhiều, sống sót, quả thiên ân
Chuyện qua nào khác mơ Hòe quốc
Đất Vị đành đau nỗi cách phân
Vương Thức từng ngưng lời trực gián
Quản Ninh đà dạy chước an thân
Mối sầu tự dỗ nơi xa xứ
Phòng quạnh, đem mưa gió chuyển vần.
Chú thích:
(1). Hoè quốc mộng:giấc mộng nước Hòe An. Kể chuyện người nằm ngủ dưới gốc hòe mơ thấy đến nước Hòe An được vinh hoa phú quý (làm phò mã, thái thú quận Nam Kha), về sau đánh giặc thua, công chúa chết, bị thất sủng. Trích bài Nam Kha ký của Lý Công Tạ đời Đường (Trung Quốc) nên cũng gọi là giấc mộng Nam Kha.
(2). Biệt hoài:có bản ghi là "biệt liên" 別憐.
(3). Vị Dương: địa danh ở Trung Quốc, theo Kinh Thi là nơi Tấn Khương Công tiễn chân người câu. Đây ngụ ý nói tình cậu cháu.
(4). Vương Thức:người thời nhà Hán (Trung Quốc) tự là Ông Tự, thầy dạy Xương Ấp Vương. Về sau Xương Ấp Vương được lập làm tự quân nhưng bị phế vì hoang dâm vô độ. Có người hỏi sao không can gián, Vương Thức đáp đã từng "can gián" qua kinh sách rồi.
(5). Quảng Ninh:tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cất đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.
Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, 1976
Nguồn: thivien.net