NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI
( dzuylynh kính tặng bài viết này đến các huynh trưởng và đàn em đồng môn Trường Bộ Binh Thủ Đức. Để tưởng nhớ những kỉ niệm buồn vui huynh đệ với ngôi Trường Mẹ thân yêu của chúng ta một thời tuổi trẻ)
Cuộc Đón Tiếp Đại Tá Lê Văn Phú, Cựu Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh
Người đứng giữa trong bộ thường phục là Đại tá Lê Văn Phú, cựu Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức, năm nay (2013) ông được 85 tuổi vàng, người vẫn còn sáng suốt minh mẫn.
Một vị sĩ quan cao cấp của Quân Lực VNCH, sau hơn 38 năm từ ngày nước mất vào tay Cộng Sản, sau 10 năm bị giam trong nhà tù “cải tạo” và sau nhiều năm trời “ẩn dật” nơi xứ người, bỗng hôm nay cảm thấy như mình đang mơ, chưa dám tin là thật, khi trong một chuyến đi mùa hè cùng với gia đình, ông bất ngờ gặp lại những bộ quân phục sinh viên sĩ quan mà ông đã từng nhìn thấy hàng ngày nơi quân trường của ông trước năm 1975. Đó là Trường Bộ Binh Thủ Đức, nơi ông từng giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng cho đến ngày mất nước.
Vị sĩ quan cao cấp đó chính là Đại Tá Lê Văn Phú. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng ông cảm thấy như đang “ở trên mây”, ông ngạc nhiên, ông xúc động, khi được những cựu sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức tổ chức đón tiếp ông nói riêng và các thân nhân cùng đi với ông nói chung, một cách niềm nở, thân tình nhưng không kém phần trang trọng – so với lễ nghi quân cách – chiều Chủ Nhật 18 tháng 8 vừa qua.
Cuộc đón tiếp được tổ chức mặc dù gấp rút nhưng rất chu đáo, tại trụ sở tạm thời của Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Ontario, 87 Brownville Ave., Toronto.
Các Alfa trong bộ quân phục sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức xếp hàng ngang đón Đại Tá Lê Văn Phú từ lề đường vào cổng. Bên trong là một cánh cổng trang trí, trên đó ghi hàng chữ “Trường Bộ Binh Thủ Đức”. Ngoài ra, còn có hai tấm biểu ngữ ghi câu “Chào Mừng Đại Tá Lê Văn Phú, Cựu Tham Mưu Trường Trường Bộ Binh.”
Các SVSQTB/TD đón tiếp Đại Tá Phú từ lề đường vào cổng, không kém phần phần long trọng
Alfa Nguyễn Văn Phát, Hội Trưởng Hội Áí Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Ontario cho biết, tình cờ nghe tin cựu đại tá Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh cùng gia đình từ Montreal đến Toronto, nên Hội Đồng Quản Trị đã đồng ý tổ chức cuộc đón tiếp vị chỉ huy của mình.
Theo truyền thống, bắt đầu là lễ chào quốc kỳ VNCH, sau đó là phút mặc niệm để tưởng nhớ các quân dân cán chính bỏ mình vì lý tưởng Tự Do, đặc biệt cũng để tưởng nhớ các cựu sinh viên sĩ quan đã hy sinh vào những phút cuối cùng của tháng 4 năm 1975 để bảo vệ Trường Mẹ.
Tiếp theo, tất cả mọi người hiện diện, kể cả phụ nữ, đồng ca bài “Thủ Đức Hành Khúc”. Đây là bài hát của thời quân trường Thủ Đức, trong đó nhắc đến các địa danh chung quanh quân trường mà các cựu sinh viên sĩ quan đều nhớ nằm lòng:“… Này Đồi 18 tiến tới, kìa Mẹ Bồng Con chơi vơi, Hăm Lăm Ba Mươi ghi dấu ngàn đời…”
Thay mặt Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Alfa Nguyễn Văn Phát đã ngỏ lời chào mừng Đại Tá Lê Văn Phú – và thân nhân ông – đã ghé lại đây thăm các cựu sinh viên sĩ quan. Alfa Phát nói:
“Thật là một niềm vui bất ngờ cho anh em chúng tôi, những Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, gia đình Cư An Tư Nguy Ontario và các thân hữu của chúng tôi được đón tiếp Đại Tá hôm nay. Vui mừng vì chúng tôi gặp lại Vị Chỉ Huy của chúng tôi từ Quân Trường; bất ngờ vì chúng ta chưa bao giờ có được sự liên lạc, và chúng tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có cơ hội gặp lại Đại Tá tại nơi này. … Sau ngày chúng ta đau đớn chia tay nhau đến nay, đã hơn 38 năm qua, nhưng hình ảnh của những ngày tháng trong quân trường lúc nào cũng hiện ra rõ trong tâm khảm của từng anh em chúng tôi”. Alfa Nguyễn Văn Phát ngỏ lời chào mừng Đại tá Phú. Chỉ nói được vài câu ngắn ngủi thì Alfa Phát đã xúc động nghẹn lời, phải ngừng nói. Cùng lúc, Alfa Lê Đức Vân đứng phía sau, đưa tay xoa nhẹ lên lưng Alfa Phát, vừa an ủi vừa khuyến khích. Và Alfa Phát nói tiếp:
“Chúng tôi vẫn còn tôn trọng nhau, còn có huynh trưởng, còn có đàn em, có lớn, có nhỏ… Đây là điều mà ít nhất, chúng tôi còn thấy hãnh diện là những cựu SVSQ Trừ Bị của Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Ngoài ra, chúng tôi còn sát cánh với đồng bào trong nước và ở hải ngoại để ủng hộ công cuộc đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền của Việt Nam. Chúng tôi cũng có những đóng góp cho các anh em thương phế binh ở quê nhà; chúng tôi cũng có những đóng góp cho các nhà tranh đấu cho dân chủ trong nước; chúng tôi còn góp công sức gìn giữ Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ và mong một ngày không xa, Việt Nam sẽ được thật sự Tự Do, Hòa Bình để chúng ta còn có hy vọng được trở về thăm quê cha, đất tổ trước khi nhắm mắt…”
Trong phần đáp từ, Đại Tá Lê Văn Phú, cựu Tham Mưu Trường Trường Bộ Binh nói, năm nay ông đã 85 tuổi, sau 10 năm tù “cải tạo” tại Hà Tây, ông không bao giờ nghĩ là có ngày ông được gặp lại những bộ quân phục sinh viên sĩ quan như thế này.
Ông cũng không đè nén được sự xúc động. Nước mắt giàn giụa, ông nghẹn lời một lúc khá lâu… Ông tâm sự rằng, tuổi đã già sức đã yếu, không biết có còn được nhìn thấy ngày đất nước Việt Nam tự do thật sự, không còn bóng dáng quân Cộng Sản.
Đại Tá Lê Văn Phú kể lại những giờ phút cuối cùng của Trường Bộ Binh. VC pháo kích liên tục vào Trường Bộ Binh Long Thành, làm hư hại ăng-ten truyền tin, khiến trường hầu như bị mất liên lạc với các nơi khác. Các sinh viên sĩ quan được đưa trở về trường cũ ở Thủ Đức. Phần ông thì ở lại coi trường tại Long Thành. Trong trường chỉ còn lại khoảng 200 người kể các các nhân viên hành chánh. Bên ngoài chỉ có 1 tiểu đoàn Địa Phương Quân bảo vệ. Vì không thể chịu đựng mãi tình trạng như vậy, ông xin lệnh cấp trên cho tất cả mọi người được di chuyển từ Long Thành trở về Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ. Ông phải nhờ một số sĩ quan cao cấp liên lạc với Tổng Cục Quân Huấn. Sau cùng, được phép di tản khỏi Long Thành, ngày 29 tháng 4 ông mới từ Long Thành về được an toàn và trải qua đêm 30 tháng 4 ở Thủ Đức.
Lễ gắn alpha khóa 3/72 Thủ Đức
Sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng, có một chiếc xe tăng nhỏ, đơn độc, của VC chạy vào trường Bộ Binh Thủ Đức, chạy từ cổng trước tới cổng sau, lực lượng phòng thủ gồm các SVSQ đem các xe GMC ra chận nhưng bị nó ủi văng, rồi vòng trở vào trường. Đến khi nó ra khỏi cổng trước, quẹo trái thì bị các anh lính Địa Phương Quân bên ngoài khai hoả chận lại, các SVSQ liền phóng lên ném lựu đạn vào trong xe, khiến tên lính VC lái xe tăng bị thương nặng. Lúc đó Đại Tá Phú mới nhìn thấy tên VC này chỉ khoảng 15, 16 tuổi, và chân bị xích vào xe, trước khi chết cậu ta kêu khóc “Má ơi! Chắc con không gặp má được nữa.”
Đại Tá Lê Văn Phú kể tiếp, sau lệnh buông súng, ông được báo cáo có một tiểu đội VC kéo đến cổng trường, ông tự lái xe Jeep ra cổng và gặp một thiếu úy VC. Hắn đưa ông đến gặp một trung đoàn trưởng VC đóng ngoài xa lộ, tên này liền theo ông vào trường gặp đại tá Trần Đức Minh, Chỉ Huy Trưởng trường. Sau đó mọi người đều rời trường, ai có thường phục thì mặc thường phục ra cổng và tự giải tán.
Đại Tá Lê Văn Phú cũng bày tỏ sự vui mừng khi được biết các cựu sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức vẫn gắn bó, kết hợp thành đoàn thể và có các sinh hoạt đều đặn như Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Ontario. Ông cầu mong cho Hội được bền vững và hoạt động hiệu quả vì tự do dân chủ cho đất nước.
Alfa Nguyễn Văn Phát còn thay mặt Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Ontario, trao tặng món quà lưu niệm cho vị cựu Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh, bức ảnh “Vá Cờ” (của nhiếp ảnh gia, Trung Tá Nguyễn Ngọc Hạnh) đóng trong khung kính.
Alfa Phát nói: “Kính thưa Niên Trưởng, hôm Thứ Bảy, ngày 03-08 vừa qua, Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức vùng Ontario có tổ chức một buổi tiệc buffet và văn nghệ với chủ đề “Cám Ơn Người Lính Việt Nam Cộng Hòa” … Trong buổi tiệc, chúng tôi có trao tặng hơn 300 ảnh Vá Cờ với khung kính cho các chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa… Hôm nay chúng tôi có làm một bức ảnh Vá Cờ đặc biệt, kính tặng Niên Trưởng để tỏ lòng quý mến và cám ơn Người Lính Già đã từng là cấp chỉ huy, dạy dỗ chúng tôi tại Trường Bộ Binh, và đã chiến đấu bảo vệ lá Cờ Vàng, biểu tượng của sự tự do cho đồng bào Việt Nam.”
Khi nhận bức ảnh “Vá Cờ” Đại Tá Lê Văn Phú đã thân thiết hôn lên bức ảnh, khiến các cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức hiện diện đều bồi hồi, nhớ về một thuở oai hùng, không màng sinh tử, đối diện quân thù trên khắp bốn Quân Khu để bảo vệ lá Cờ Vàng cho Tổ Quốc và nhân dân Việt Nam.
Alfa Nguyễn Văn Phát và Alfa Lê Đức Vân thay mặt đồng môn trao tặng Đại Tá Phú bức ảnh lưu niệm Vá Cờ. Ông đã bồi hồi cảm động và đã hôn thân thiết lên bức ảnh. Khoảng 8 giờ, bữa ăn tối diễn ra trong bầu không khí thân mật, với nhiều món ăn đặc biệt ngon miệng: bún mắm, gấu xào lăn, xôi gấc, thạch, cháo…
Phần văn nghệ, tuy gọi là “văn nghệ giúp vui” nhưng thực tế, ca sĩ không ngăn được tiếng khóc lẫn trong tiếng hát khiến nhiều người ứa lệ khóc theo. Đó là Alfa Trần Thành Nghiệp với bài hát “Người Lính Già Xa Quê Hương” (sáng tác của Nhật Ngân.)
Alfa Trần Thành Nghiệp và với bài hát Người Lính Già Xa Quê Hương.
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=S3R3qs2fAHs[/YouTube]
“Người lính già xa quê hương, nghe quê hương đêm ngày trăn trở, nhớ quá một thời chinh chiến gian lao… Nhớ phút hiên ngang đi vào binh lửa…Ôi thân trai một thời súng gươm, nay bỗng dưng thành kẻ lưu vong….” và Alfa Nghiệp đã nhiều lần nghẹn ngào nức nở. Đại Tá Phú cũng không cầm được nước mắt…
Buổi tối hôm đó có rất nhiều “người lính già xa quê hương”. Nhưng “người lính già nhất” chắc chắn là Đại Tá Lê Văn Phú, cựu Tham Mưu Trưởng Trường Bộ Binh.
Chương trình văn nghệ còn có các tiếng hát quen thuộc: Alfa Hoa Xuân Cường, Alfa Lê Đức Vân, và Alfa Phan Thông Tùng đệm guitar.
Alfa Lê Đức Vân với bài hát Lính Nghĩ Gì
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=S3R3qs2fAHs[/YouTube]
Trước khi từ giả ra về lúc 10 giờ 30 tối, Đại Tá Phú đã trao tặng Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Ontario 1.000 Gia kim để Hội có thêm tài chánh hoạt động.
Đây là món quà bất ngờ khiến cho nhiều Alfa cảm thấy như “ở trên mây.” Alfa Phát đã ngỏ lời cảm tạ cựu Tham Mưu Trưởng Lê Văn Phú và mong mỏi sẽ có dịp mời Đại Tá Phú đến với anh em cựu sinh viên sĩ quan lần nữa trong tương lai gần.
Có thể nói, đây là cuộc đón tiếp rất thắm thiết tình huynh đệ (chi binh), đã gieo vào lòng người nỗi quyến luyến bịn rịn, mừng mừng tủi tủi, có cả khóc lẫn cười (theo mệnh nước nổi trôi)…
Hoàng Sơn Hà, Toronto, 21/08/2013.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.08.2013 23:56:36 bởi dzuylynh >