GIAI ĐIỆU PHÙ TRẦM
Thay đổi trang: << < 222324 > >> | Trang 22 của 58 trang, bài viết từ 316 đến 330 trên tổng số 867 bài trong đề mục
dzuylynh 26.09.2013 06:47:43 (permalink)
0
 
                            
                         
***



GỞI TRI ÂM 
  
Xin cảm ơn một tấm lòng trân quí 
Dẫu cácn xa vạn lý vẫn như gần 
Từng buớc đời ta tìm gặp tri âm 
Để trao gởi từ nội tâm sâu lắng 
Những đồng cảm với ngọt ngào cay đắng 
Ta đi qua trên vạn nẻo đường 
Có tri âm ta bớt nỗi đau thương 
Qua từng ý từng lời trong cảm xúc 
Giữa lòng đời ít trong nhiều đục 
Qua dòng đời lắm lúc chẳng bến dừng 
Những bất công gian dối vẫn không ngừng 
Môi khép chặc cho rưng dòng lệ 
Dẫu biết rằng cuộc dời là dâu bể 
Nhưng ta còn kẻ tri âm. 
                 
Nghinh  Nguyên 





TRI ÂM

giọt mưa gõ xuống đêm trường
tiếng thanh tiếng đục vô thường vọng âm
gặp nhau giữa cõi phù trầm
đồng tâm hợp ý tri âm kết tình
đêm tàn ắt đến bình minh
quê hương thống khổ điêu linh không còn

mình cùng nhau hẹn lên non
nghe chim muông hát véo von trên cành
nằm khềnh mà ngắm mây xanh
phù du thế sự mong manh chẳng màng

bôn ba một thuở dọc ngang
gói vào ký ức mấy hàng trầm tư
bách tùng mọc chốn thảo hư
an nhiên mây nước thiên thư đối cùng
dạo đàn so phím nâng cung
túi thơ bầu rượu tương phùng tri âm

dzuylynh.vào thu qúy tỵ

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.10.2013 20:55:07 bởi dzuylynh >
Phù vân 26.09.2013 23:54:37 (permalink)
0
ĐỌC BÁO GIÙM BẠN

 
Những con đường đẹp nhất hành tinh
 
Theo ST  
 
Đường ở Eguisheim, Pháp: Ngôi làng Eguisheim ở miền Đông Bắc của nước Pháp nằm trong hiệp hội những ngôi làng đẹp nhất Pháp. Eguisheim là điểm đến nổi tiếng của khách du lịch.
 







Đường hoa anh đào ở Bonn, Đức: Con đường này nằm ở thành phố Bonn, mang vẻ đẹp yên bình với 2 hàng cây hoa anh đào 2 bên. Khoảng thời gian đẹp nhất là mùa xuân


 

Đường ở Lombard, San Francisco (Mỹ): Đường ở Lombard có đoạn nổi tiếng vì gần đỉnh đồi Russian, giữa đường Hyde và Leavenworth. Tại đây, ngọn đồi dốc 27 độ và rất nguy hiểm cho tất cả các loại phương tiện giao thông. Vì vậy, người ta đã xây dựng đường ngoằn ngoèo để giảm bớt nguy hiểm.


Con phố ở Frigiliana, Tây Ban Nha: nằm ở một thị trấn nhỏ Frigiliana nổi tiếng với những bức tường trắng toát được điểm tô bởi những chậu hoa xinh xếp gọn gàng hai bên đường.


Những con đường ở thành phố Cartagena, Colombia: nổi tiếng với những con phố cổ còn giữ nguyên kiến trúc thời thuộc địa, các công trình quân sự xen lẫn với những địa điểm du lịch hiện đại.



 
Jerez, Tây Ban Nha: Kinh tế ở Jerez chủ yếu là dựa vào rượu, với việc xuất khẩu cherry. Đường ở Jerez nhỏ nhưng sạch, thoáng, hai ven đường có cây đan vào nhau.



Phố Acorn, Boston, Mỹ: Con phố này nằm ở Beacon Hill, gần Boston. Acorn thường được coi là con phố được chụp ảnh nhiều nhất nước Mỹ.





Đường Fiskargränd (Fish Alley) ở Visby, Sweden: sở dĩ tên gọi "con đường cá" (từ năm 1750) do trước đây, người dây khu phố chủ yếu làm nghề đánh bắt cá. Đến năm 2004, người dân đã kiến nghị đổi tên con đường thành "Rose Alley" do con đường được phủ kín bởi hoa hồng leo hai bên đường. Tuy nhiên, kiến nghị đã bị hội đồng thành phố khước từ do... lý do không đủ thuyết phục.





Đường Rue Des Thermopyles ở Paris, Pháp: điểm chung là con phố cũng được phủ kín bởi cây xanh, tạo nên một vẻ thanh bình giữa thủ đô Paris tráng lệ.


Những đoạn đường tại Antibes, Pháp: Antibes là thị trấn nghỉ dưỡng tại miền Đông Nam của Pháp. Những đoạn đường ở thị trấn cổ này thu hút nhiều du khách bởi sự hoài cổ, nhẹ nhàng.


Alberobello, Italy: Thị trấn Alberobello nổi tiếng với kiểu nhà Trulli có mái hình nón, loại kiến trúc chỉ tìm thấy ở thung lung Itria. Thị trấn này hàng năm cũng thu hút rất nhiều du khách tới thăm.


Giverny, Pháp: Nhiều con đường ở Giverny rất lý tưởng cho việc đi bộ, ven đường
trồng hoa rất đẹp.


 
Đường phố ở đảo Cunda, Thổ Nhĩ Kỳ: Những con hẻm trong các xóm làng trên đảo Cunda trang trí rất lạ mắt.



Đường kênh đào Venice, Italy: Venice là một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới vì nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Ước chừng khoảng 50.000 du khách từ khắp mọi nơi đến Venice hàng ngày.



<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2013 02:15:27 bởi Phù vân >
Phù vân 27.09.2013 00:17:57 (permalink)
0
VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGỌAI
***

Dương Như Nguyện giới thiệu tác phẩm mới tại thư viện Olympia- Washington và San José – California.

Ngoài những tác phẩm mới viết bằng Anh ngữ, trước đây nhà văn Dương Như Nguyện từng có những tác phẩm gây tiếng vang khác như: Mùi Hương Quế, do nhà Xuất Bản Văn Nghệ ấn hành tại Hoa Kỳ. Một tác phẩm khác được nhắc nhở nhiều đó là: “Người Con Gái Sông Hương”.

Cali Today News - Buổi Giới thiệu tác phẩm và nói chuyện của tác giả và bạn đọc được tổ chức “trong không khí thân mật” như buổi hội ngộ ra mắt tác phẩm được liên tiếp tổ chức tại Olympia, tiểu bang Washington và San José- California. Tại Olympia, Washington là chiều thứ Năm 26 tháng 9-2013, và tại San José là một tuần sau đó.
 
 
Theo thư mời phổ biến rộng rãi mời mọi giới đồng hương và độc giả Mỹ có thể tham dự “cuộc họp mặt nhỏ”, do nhóm thân hữu Thư Viện địa phương đứng ra tổ chức và mời gọi.
 Vào cửa miễn phí do thư viện công đài thọ, để giới thiệu hai tác phẩm giá trị của nhà văn và cũng từng là cựu chánh án Dương Như Nguyện.
 Ngoài những tác phẩm mới viết bằng Anh ngữ, trước đây nhà văn Dương Như Nguyện từng có những tác phẩm gây tiếng vang khác như: Mùi Hương Quế, do nhà Xuất Bản Văn Nghệ ấn hành tại Hoa Kỳ. Một tác phẩm khác được nhắc nhở nhiều đó là: “Người Con Gái Sông Hương”.
Nhà văn Dương Như Nguyện có khá nhiều tài, các lãnh vực như ca nhạc, hội họa, viết văn song ngữ… Nghề chính của cô là lãnh vực luật. Luật sư kiêm cựu Chánh Án Dương Như Nguyện hiện cộng tác với các đại học danh tiếng Hoa Kỳ trong các chương trình cố vấn, hội thảo, giảng dạy các chủ đề về luật pháp, không chỉ tại Hoa Kỳ mà cả tại một vài quốc gia vùng Đông Nam Á.
Theo tiết lộ của anh Nguyễn Xuân Nam – Giám đốc hệ thống truyền thông Cali Today, thì tòa soạn sẽ đón và dành một buổi phỏng vấn đặc biệt với nhà văn luật sư Dương Như Nguyện trong thời gian tới. Mong qúy độc giả đón đọc/nghe.
 
Phạm Kim và Nguyễn Dương

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2013 02:14:30 bởi Phù vân >
thiên thanh 28.09.2013 02:09:37 (permalink)
0
xem phim cuối tuần ... 

Gloomy Sunday Part 1 [English Subtitle]

[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=Wa_sf8FmSEM[/YouTube]

~~~~~~

Gloomy Sunday Part 2 [English Subtitle]

[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=J66Rutktxu4[/YouTube]

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2013 23:57:15 bởi thiên thanh >
dzuylynh 28.09.2013 13:02:41 (permalink)
0
 viết ngắn


l ặ n g   l ẽ
không có gió heo may; và lá chưa đủ vàng. mùa thu chỉ mới bắt đầu đỏng đảnh đánh tiếng với thi nhân. làm gì có cái nhà thơ nào ở đây. chỉ có người ráp chữ thành vần thôi, nhếch nhác nhiều lắm, nhiều vô kể như em, như anh.
gió đã lồng lộng tràn về thung lũng, và cơn mưa đầu mùa vừa kịp chải lại mớ nắng đầu thu hanh hanh, lõang mềm.
cỏ chưa kịp úa, lá chưa rời cành mà người đã xa mà tình đã lạ. không biết rồi ra em có còn chút cảm xúc nào với con chữ nữa không? hay lại như anh, cứ mãi quẩn quanh cùng những vần thơ lạc vận chẳng ra làm sao cả !
em đâu rồi? gọi đi, làm ơn gọi thu một tiếng. cho anh còn có cái cớ mà rủ rê thiên hạ bày mẹt phơi mâm vãi chữ lên trời xuống đất.
không à ? thế thì thôi !
thu nay sao mà quạnh quẽ.
lặng lẽ...
thì bởi.
vì không có em.


 
c h ấ t   c h ồ n g
dưới tảng đá kia có gì? rong rêu! trên tảng đá kia có gì? hoang phế ! chất chồng chồng chất.
trong đám rong rêu hoang phế  kia có gì hở anh? à , tình yêu em ạ ! một thời đã qua ...
ai xếp chúng lên nhau thế ? anh à ! em à ! chứ ai, đã hẳn.
tại sao? tại vậy.
để làm gì ?để quên... qua rồi, qua rồi
hãy để yên, đừng đánh thức giấc ngủ thời gian. cái gì quên được thì quên. cái gì nhớ được thì cũng tập quên đi cho quên!
buông ra.
sương mặn như nước mắt.
đá mềm như trái tim.
nếu em biết, có một ngày tim mình trở nên trong suốt như sương. 
có một ngày rong rêu hóa đám bụi mờ, giọt lệ đắng hôm qua sẽ ngọt như nước suối cam lồ ngày mai.
hất xuống những chất chồng chồng chất kia, mình còn lại gì?
không còn gì cả.
bụi vàng, kim cang?
không!
không còn gì!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2013 06:23:10 bởi dzuylynh >
Phù vân 28.09.2013 23:28:58 (permalink)
0
ĐỌC BÁO GIÙM BẠN
Blogger Điếu Cày được giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 của CPJ


 
Blogger Điếu cày (G) biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2007, phản đối Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh tư liệu (Nguồn rsf.org)
Thụy Mi

Ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày đã được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) quyết định trao tặng giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013, cùng với ba nhà báo của Ecuador, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tin này được loan trên trang web của tổ chức CPJ có trụ sở tại New York vào hôm qua 26/09/2013.
Ông Joel Simon, giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tuyên bố : « Vào thời điểm mà thông tin đã trở thành tài nguyên toàn cầu, bốn nhà báo trên đây đã bất chấp nạn kiểm duyệt và trấn áp để mang lại thông tin cho chúng ta. Chúng tôi nhìn nhận lòng can đảm, sự dấn thân và sự chối từ im lặng của họ ».  
Thông cáo của CPJ cho biết, bốn nhà báo được giải – Janet Hinostroza ( đài Teleamazonas, Ecuador), Bassem Youssef (đài Capital Broadcast Center, Ai Cập), Nedim Sener (báo Posta, Thổ Nhĩ Kỳ) và Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày, Việt Nam) – đang phải đối mặt với những sự trả thù do công việc của họ, kể cả quấy rối về luật pháp, đe dọa về thân thể và bắt giam.
Cũng theo thông cáo trên, bà Janet Hinostroza đã buộc phải tạm ngưng một chương trình truyền hình sau khi bị đe dọa, ông Youssef bị điều tra về các bản tin châm biếm, ông Sener bị quy tội hoạt động khủng bố vì các bài điều tra mang tính chỉ trích và có thể bị lãnh án 15 năm tù.
Ông Nguyễn Văn Hải, một trong các blogger nổi tiếng nhất Việt Nam, đã thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do trong một đất nước mà báo chí đều do Nhà nước kiểm soát, và đã bị 12 năm tù kèm theo 5 năm quản chế theo một điều luật mơ hồ về « tuyên truyền chống Nhà nước ».
Các bài viết trên blog của ông dưới bút danh Điếu Cày đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị, trong đó có những bài phản đối Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa, và chống giới chức tham nhũng. Ông Nguyễn Văn Hải cũng kêu gọi xuống đường phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh đến Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2007.
CPJ nhắc lại, ông Nguyễn Văn Hải bị giam giữ 5 tháng vào năm 2008 trong khi không bị cáo buộc tội danh nào, đến tháng 9/2008 bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì tội « trốn thuế ». Sau khi mãn án, ông vẫn phải tiếp tục ở tù vì lại bị lãnh thêm một bản án mới, và tháng 7/2013 blogger này đã tuyệt thực hơn một tháng để phản đối các điều kiện giam giữ. Theo một nghiên cứu của CPJ, đến cuối năm 2012 tại Việt Nam có ít nhất 14 nhà báo bị giam cầm, đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động độc lập với mục tiêu bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới. Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế được thành lập từ năm 1991, mỗi năm trao giải cho bốn nhà báo đã tỏ ra dũng cảm trước mọi đe dọa.
Bốn nhà báo đoạt giải năm nay sẽ được vinh danh tại lễ trao giải thưởng niên của CPJ và được mời dự ăn tối tại New York ngày 26/11/2013. Trong quá khứ, có những nhà báo bị cầm tù nhiều năm sau đó khi được trả tự do đã đến dự lễ, và có ba phóng viên được truy tặng giải.
 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.09.2013 23:32:40 bởi Phù vân >
nghinhnguyen 29.09.2013 20:02:16 (permalink)
0
Em Đã Học !
 
Em đã học năm điều Bác Hồ dạy
Làm hai điều em đã thấy ngục lao 
Vì em “yêu tổ quốc đồng bào”
Muốn thể hiện thực “thà dũng cảm”
 
Điều Bác dạy đã đưa em vào ngục khám
Để ra tòa lảnh bản án nghiệt cay
Em đã sinh ra trong chế độ này
Được giáo dục từ những ngày tấm bé
 
Nhìn Tổ quốc quân thù đan giành xé
Hoàng Trường Sa biển đảo hóa lưởi bò
Hội Thành Đô  Nam Quang ải rút co
Vùng biên giới giao cho người phương bắc
 
Vùng tây nguyên cống dâng cho Hán tặc
Đốt sống lưng bọn giặc đóng đinh vào
xưa hô haò đánh mỹ cút ngụy nhào
Nay cam phận làm bộc nô Tàu tặc
 
Dân tộc này chiệu biết hà khắc
Khi  đảng vào nhuộm đỏ máu tươi
Đã tạo ra cả một lớp người
Vừa tham ác với dân, hèn với giặc
 
Một phần của non sông xã tắc
Đã vào tay phương bắc tự khi nào ?
Thương các em tuổi trẻ chí cao
“Yêu tổ quốc đồng bào” nên phải lụy
 
Thương tuổi trẻ kiên cường chí khí
Đã biết yêu biết nghét - có lương tri
Các em cố tìm một hướng đi
Làm ngọn nến soi đường trong hầm tối
 
Một quyết tâm sẽ làm thay đổi
Cho nước dân qua nỗi nhục nhằn
Cho bắc phương nhụt mộng xâm lăng
Cho xã hội công bằng không bạo lực.
 
Nghinh Nguyên
 
 
 
 
 
dzuylynh 30.09.2013 02:39:19 (permalink)
0
 
                             

EM ĐÃ DẠY!

Em đã dạy cho năm châu bốn bể
Cho những người sống mặc kệ đồng lòai
Nhục! Lời thề chung thủy đã phôi phai
Đồng Minh cũ hèn! Thay lòng đổi dạ !

Hồn sông núi thúc hồi kèn giục giã
Đứng lên đi để bảo vệ sơn hà!
Giang san này tổ quốc Việt Nam ta 
Công dân hỡi! Xin đừng làm khách lạ

Em đã dạy cho ta người xa xứ
Hướng về Nam yêu cẩm tú sơn hà
Xác thân này đất nước đã cưu mang
Không làm kẻ đứng bên đàng vong bản

Em đã dạy cho lũ người bán nước
Thôi đớn hèn nhu nhược trước ngọai bang
Chớ cúi đầu làm thái thú Hán gian
Xua Việt tộc xếp vào hàng nô lệ

Em đã thắp ngọn đuốc soi thế hệ
Tuổi trẻ hiên ngang ngạo nghễ tự hào
Vẫn kiên tâm sau song sắt tù lao
Vẫn bất khuất trước thép rào bạo lực

Em khuấy nhạc trỗi lên niềm uẩn ức
Những lời ca ray rứt bứt tim người
Quê hương mình tầm gửi ở nơi đâu?
Và tổ quốc Lạc Hồng còn hay mất?

Em đã dạy cho năm châu bốn bể
Không phải bằng lời khóc kể thở than
Mà với máu tươi chẻ tự lá gan
Hãy cút xéo lũ Hán Tàu xâm lược!

Dẫu nghìn trùng xa cách đất tha phương
Không đành đọan sống cuộc đời vất vưởng
Xin gởi đến các em lòng ngưỡng phục
Hẹn ngày về quang phục lại quê hương !


đấtthahươngthuqúytỵ.dzuylynh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.09.2013 02:56:27 bởi dzuylynh >
Phù vân 01.10.2013 01:06:50 (permalink)
0
THI NHÂN VIỆT NAM HẢI NGỌAI

Du Tử Lê: Trần Trung Đạo và niềm tin dành cho thi ca

Cali Today News - Du Tử Lê: Trong số những người chỉ thực sự cầm bút từ sau biến cố tháng 4-1975, do Biển Đông đem lại cho sinh hoạt VHTN của chúng ta ở quê người, tôi chú ý nhiều tới nhà thơ Trần Trung Đạo. Căn cứ theo một bài viết của tác giả Hà Khánh Quân thì:
 
Nhà thơ Trần Trung Đạo “Sinh tại Duy Xuyên Quảng Nam vào năm 1955, Trần Trung Đạo tên thật là Trần Văn Nhơn. Những tư liệu này được hai nhà thơ Lưu Nguyễn và Phan Xuân Sinh cho giống nhau, chưa thấy ghi trong Tác Giả Việt Nam của Lê Bảo Hoàng, hoặc nhiều trang điện toán có thông tin, đăng tác phẩm của tác giả như: thewriterspost.net, vnthuquan.net, uminhcoc.com, xuquang.com, nguoivietboston.com, trantrungdao.com.

 
Trần Trung Đạo có vóc dáng rất Việt Nam, rất thư sinh nho nhã. Anh đã từng có mặt tại trung học Trần Quý Cáp Hội An, đại học Vạn Hạnh, đại học Luật Khoa Sài Gòn. Rồi tốt nghiệp kỹ sư điện toán tại Wentworth Institute of Technology. Trần Trung Đạo đến Hoa Kỳ bằng phương tiện phổ thông: vượt biên đường biển vào năm 1981. Sau thời gian ở đảo Palawan, anh hiện sống cùng gia đình tại Boston Massachusettes. Nghề tay phải hiện nay: điều hành hệ thống dữ kiện cho một hãng đầu tư tài chánh ngay tại nơi định cư. Trần Trung Đạo bắt đầu sinh hoạt văn học từ cuối thập niên 80. Ngoài bài vở đóng góp trên các báo đất, báo mạng, anh đã có các tác phẩm bày bán:
 
– Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (thơ, in 1993 tái bản 1996)
 
– Thao Thức (thơ, 1997)
 
– Thơ Trần Trung Đạo (thơ, 2003)
 
– Giấc Mơ Việt Nam (văn, 2003)
 
– Tâm Bút (văn, 2005, được chính trang web TTĐ giới thiệu: Gồm 23 bài tâm bút và tiểu luận liên quan đến các vấn đề của đất nước mà mỗi chúng ta hằng ưu tư, trong đó có Suy Nghĩ Tháng Tư, Ba Mươi Năm Nhìn Lại Chiến Tranh, Sự Im Lặng Của Biển, Tuổi Trẻ Và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội, Con Có Một Tổ Quốc, Số Phận Một Loài Chim, Nhìn Tấm Bia Tưởng Niệm Ở Galang Suy Nghĩ Về Hòa Giải v.v… Ngoài ra, Tâm bút Trần Trung Đạo còn gồm những bài thuyết trình của tác giả về các chủ đề văn hóa, tuổi trẻ và nhân quyền tại các cộng đồng, hội nghị, đại học và các trại hè thanh niên trên nước Mỹ)
 
– Tiểu Luận (văn, 2009. Nguyên văn giới thiệu trên web TTĐ: Tuyển tập dày hơn 300 trang, bao gồm những tiểu luận chọn lọc như Khám nghiệm một “Hồn Ma”, Sông Gianh chảy giữa lòng Hà Nội, Tuổi trẻ Việt Nam học lịch sử để làm lịch sử, Trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam, Hẹn một ngày giành lại Hoàng Sa, thảo luận về các vấn đề nóng bỏng của đất nước và đang được người Việt trong cũng như ngoài nước quan tâm nhất. Ngoài ra, tập tiểu luận còn có những bài góp ý về các hồi ký gây nhiều chú ý của một số nhà văn trong nước, đã qua đời hay còn sống như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc v.v…)…” (1)
 
Sự chú ý của tôi, khởi nguồn khi tôi tình cờ đọc được bài thơ nhan đề “Mẹ là Thơ Nên Nước Việt Sẽ Hồi Sinh” của họ Trần.
 
Ngay từ tựa đề bài thơ, tác giả đã cho thấy một niềm tin, một ý niệm mới lạ về vị trí của thi ca dối với vận mạng một đất nước. Nó như một thứ niềm tin “bất khả tư nghì / không thể nghĩ bàn.”
 
Nội dung bài thơ đề cập tới một bà mẹ Việt Nam ở San Jose, ngồi xe buýt suốt 2 giờ đồng hồ để đến dự buổi đọc thơ của Trần Trung Đạo:
 
“…Mẹ đi xe buýt suốt hai giờ
Chỉ mong đến tận nơi
Ðể nghe đọc thơ con
Những vần thơ vốn buồn hơn nước mắt
Con biết lòng mẹ đau mà không khóc
Như chúng con vẫn gượng cười đi giữa điêu linh.
 
“Có giống dân nào như một giống chim
Bay suốt bốn ngàn năm chưa dừng lại
Như đời mẹ mang nỗi buồn đi mãi
Bảy mươi lăm năm chưa một chỗ quay về
Mẹ ghé từng quán sách ở San Jose
Ðể rao bán những bài thơ con viết
Như bán tình thương mẹ chảy hoài không hết
Bán cả niềm đau cho nhân loại vô tình.
 
“Có ai cần đọc thơ con
Một thi sĩ vô danh
Viết những chuyện chẳng còn ai muốn nhắc
Câu chuyện Việt Nam mịt mờ xa lắc
Mười tám năm bao nước chảy qua cầu
Xin mẹ đừng buồn dù chẳng ai mua
Hồn thơ đó nghìn năm sau vẫn đọng.
 
“Nhờ có mẹ thơ con còn hy vọng
Mẹ là thơ nên nước Việt sẽ hồi sinh. (2)
 
Trung thành với khuynh hướng kể chuyện một cách chân thiết, đơn giản và, phảng phất nhiều hơi hướm của thơ tiền chiến, như hầu hết những bài thơ khác của mình, nhưng ở bài thơ này, trước tấm lòng quá gắn bó với thi ca của một bà mẹ Việt Nam, ở miền bắc tiểu bang California, họ Trần đã cảm nhận và, đi đến một kết luận khác cho thi ca. Ông cho nó một định mệnh cao cả. Một vai trò hay một vị trí khác hơn quan niệm xưa cũ: Đa số vẫn cho thơ là một trò chơi chữ nghĩa phù phiếm, thích hợp với những giây phút trà dư tửu hậu. Hoặc đó là sân chơi riêng của một số người tự xếp mình vào loại sinh bất phùng thời, thất bại trong đời thường nên quay qua làm…thơ. Như môt hình thức tự lường gạt chính mình!!!
 Và, tôi tin nhờ bản chất chân thành, với một niềm tin sắt đá vào chữ nghĩa mà, thi ca Trần Trung Đạo đã mang lại cho người đọc nhiều xúc động. Tựa như ông đã nó thay nỗi lòng nhiều người.

 
Cũng khởi từ “Mẹ là Thơ Nên Nước Việt Sẽ Hồi Sinh” tôi đã lần theo cõi giới văn chương họ Trần. Và, thấy thêm rằng, họ Trần không chỉ giới hạn mình trong lãnh vực thi ca. Tấm lòng, trái tim trĩu nặng hồn nước của ông, còn thể hiện qua nhiều lãnh vực khác nữa. Từ tùy bút, tới bình luận thời cuộc. Từ chính trị tới xã hội, tôn giáo… Xa hơn, thơ cũng như văn xuôi của ông, còn mở vào thế giới, qua một số bài viết như “Người bạn da đen,” hay “Varanasi, Đêm nghe sông Hằng hát”…
 
Về tính thời sự, Trần Trung Đạo đặc biệt quan tâm tới đóng góp cho tương lai đất nước của những người trẻ. Cụ thể, qua những bài viết như: “Võ Thị Thắng và Nguyễn Phương Uyên, bóng tối và ánh sáng” hoặc “Đừng khóc cho Phương Uyên mà hãy sống cùng mơ ước của em”…
 
Nói cách khác, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy họ Trần ở những bài thơ viết về mẹ, khiến người đọc có thể chảy nước mắt thì, đó là một cái nhìn phiếm diện, bất công đối với Trần Trung Đạo – - Một tác giả, tự nguyện hiến tặng cho tổ quốc Việt Nam trí tuệ, tài năng của mình. Tôi muốn ví họ Trần Đạo như một hảo thủ dũng mãnh trên sân cỏ.
 
Họ Trần không chỉ xuất sắc ở vai trò tiền đạo hay trung phong…Ông còn cho thấy ở dù ở vị trí nào trên sân cỏ, ông cũng có khả năng “làm bàn”, khả năng đưa banh vào lưới một cách ngoạn mục…!
 
Thành tích kia, Trần Trung Đạo có được, theo tôi, khởi nguồn vẫn từ tấm lòng và trái tim chân thành, thiết tha ở với quê hương, ở với dân tộc và một niềm tin bất khả tư nghì của riêng ông. Đó là niềm tin ngày nào chúng ta còn văn chương, chữ nghĩa Việt thì, ngày ấy chúng ta vẫn được phép tin chắc rằng “nước Việt sẽ hồi sinh” vậy.
 
(June 26-2013)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 01.10.2013 01:12:08 bởi Phù vân >
Phù vân 02.10.2013 23:08:19 (permalink)
0
THI NHÂN VIỆT NAM TRONG NƯỚC
  PHẠM THIÊN THƯ - NGƯỜI TU SĨ LÃNG MẠN
 



( Bài viết đã đăng trên Tạp Chí Non Nước do Liên Hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Thành phố Đà Nẵng phát hành ngày 17/8/2012)

Sài Gòn có một quán café "Hoa vàng", trước kia còn gọi là "Động hoa vàng". Quán nằm ở Ngã Tư Bảy Hiền, trang nhã, tĩnh mịch và rất nên thơ. Khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu dể ý một tí sẽ thấy một “lão nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà. Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của những bài thơ nổi tiếng được Phạm Duy phổ thành những tình khúc bất hủ.


Ngày xưa Hoàng Thị…

Mỗi khi căn phòng vang lên giai điệu mượt mà "Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về...", ông lại nhắm mắt, ngồi bất động như một vị thiền sư, thả hồn về những dĩ vãng xa xưa...Ngày ấy, trên con đường trải nắng vàng, cậu học trò lặng lẽ theo sau cô gái tên Ngọ đi học về, nàng mặc áo dài trắng, tay ôm cặp, mái tóc xoã ngang vai... Chàng si tình, để lại những vần thơ xót xa và lung linh mãi đến sau này...
“…Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dấu lau lách buồn…

…Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở…”

Có thể nói rằng, vào những năm của thập kỷ 70, bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị.." là một tuyệt tác. Sau khi Phạm Duy phổ nhạc, tác phẩm đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam. Thanh Thúy là ca sĩ đầu tiên thể hiện thành công bài hát này. Lúc bấy giờ, trên các báo phát hành ở Sài Gòn, người ta thường nghi vấn và đặt dấu hỏi, nhân vật chính trong "Ngày xưa Hoàng Thị" là ai? Một vài người tự nhận là mình, số khác lại bình thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong thơ là cô A hoặc cô B nào đó... Đến khi các phóng viên gặp Phạm Thiên Thư hỏi chuyện, ông nói rằng, người đẹp trong ca khúc là cô Hoàng Thị Ngọ, nhưng không hiểu tại sao nhiều người thời bấy giờ vẫn không tin ?
Quê ông ở Kiến Xương, Thái Bình nhưng lại sinh ra ở Lạc Viên, Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, cư ngụ tại khu Tân Định, Sài Gòn. Đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định cách trường Trung học Văn Lang, nơi ông học, gần một cây số. Học xong Tú tài, Phạm Thiên Thư theo học trường Phật học Vạn Hạnh, chọn cửa Phật làm chốn dừng chân và gửi hồn vào cõi Thiền.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đã thi hóa Kinh Phật, ông xuất hiện trong làng thơ như một người tu sĩ, rao giảng Phật Pháp bằng thi ca như Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ, Chiêu Hồn Ca, Đoạn Trường Vô Thanh,..Thơ Phạm Thiên Thư nửa đời, nửa đạo, tâm linh khác thường, làm cho độc giả lãng đãng và ngẩn ngơ:
“...Em làm trang tôn kinh 
Anh làm nhà sư buồn 
Đêm đêm buồn tụng đọc 
Lòng chợt nhớ vương vương 
Đợi nhau từ mấy thuở 
Tìm nhau cõi vô thường 
Anh hóa thân làm mực 
Cho vừa giấy yêu đương...”

(Pháp Thân)
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị..." ra đời trong lúc ông mới chập chững bước vào làng thơ nên nhiều người nghĩ đó là bài thơ đầu tay. Thật ra, bài thơ đầu tiên chính là bài "Vết chim bay", lúc ông mới 24 tuổi, còn nương náu ở cửa chùa.
Ngày ấy, có một nữ sinh thường vào sân chùa tìm nơi tĩnh lặng để học bài. Cô đẹp và thánh thiện như ánh sáng của Quan Thế Âm Bồ Tát, Phạm Thiên Thư đem lòng thương mến. Hai người quen nhau độ mươi ngày, một buổi chiều như bao buổi chiều khác, ông ngồi ở hiên chùa đợi mãi nhưng chẳng thấy bóng dáng cô. Nàng ra đi chẳng một lời từ biệt để lại sự đơn côi và nuối tiếc cho chàng trai mới lớn. Mười năm sau, khi trở lại chùa xưa, tình cờ nhìn thấy nét phấn trắng ghi tên hai đứa vẫn còn trên gác chuông, lòng bâng khuâng chuyện cũ, Phạm Thiên Thư đã viết nên bài thơ này:
"Ngày xưa anh đón em.
Nơi gác chuông chùa nọ.
Con chim nào qua đó.
Còn để dấu chân in...
Anh một mình gọi nhỏ.
Chim ơi biết đâu tìm...”
Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư thánh thiện, nhẹ nhàng và kín đáo. Chút bẽn lẽn, khẽ chạm mà không dám “tay trong tay” vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương. Đạo Phật ảnh hưởng và tạo nên một không gian ái tình riêng trong thơ Phạm Thiên Thư. Nó làm cho người đời ngỡ ngàng, đắm say trong thế giới thi ca huyền diệu của thi sĩ.





Theo ông, Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ. Trong những năm Tú tài , ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương và ở gần nhà ông. Sau này, Phạm Thiên Thư tìm lại cố nhân nhưng người hàng xóm cho biết, bà Ngọ đã bán nhà và dọn đi nơi khác từ lâu.
Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau: "Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết". Và một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị".
Những năm sau này, mỗi khi đi ngang lại con đường của một thuở yêu đương, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông:
"Em tan trường về.
Đường mưa nho nhỏ.
Chim non giấu mỏ.
Dưới cội hoa vàng..”
Giờ đây, Hoàng Thị Ngọ đã định cư ở Mỹ. Hơn 50 năm, nơi phương trời xa xôi, cô nữ sinh ngày ấy có còn nhớ…
“…Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời

Tình ơi! Tình ơi!”
Một lần, có người hỏi ông "Thế khi nào mọi người mới biết tới những bài thơ của bác?" Phạm Thiên Thư trả lời: "Ấy là khi chúng tôi nhờ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ của tôi. Tôi cũng không nghĩ Phạm Duy lại thích bài thơ Ngày xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng. Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sỹ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng".
Cha Phạm Thiên Thư tuy làm nghề bốc thuốc Bắc nhưng thỉnh thoảng vẫn làm thơ. Ông còn nhớ, cha ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội tổ chức. Phạm Thiên Thư làm thơ để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp. Vì vậy mãi đến năm 1968, ông mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên, chủ yếu để tự đọc, tặng một số bạn bè thân. Thật ra, trong cuộc đời sáng tác, Phạm Thiên Thư chẳng muốn ai biết về mình.


Thoáng hương qua

Năm 1964, nhà thơ Phạm Thiên Thư xuống tóc, đi tu ở một ngôi chùa với Pháp danh là Thích Tuệ Không. Trong 9 năm tu hành (1964 -1973), ông đã chứng kiến một cuộc tình giữa chú tiểu và một cô bé Phật tử. Chàng 16 tuổi và nàng cũng ngần tuổi đấy. Tình yêu vừa chớm như những bông hoa nở sớm sau sân chùa. Cứ mỗi lần, chú tiểu đánh chuông, cô bé đứng bên nhìn và tụng niệm. Trong những lời khấn nhỏ ấy, cô nguyện cầu cho 2 đứa được bên nhau mãi mãi...
Ðầu xuân em lễ chùa này 
Có búp lan vàng khép nép 
Vườn trong thoáng làn hương bay 
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Mùa xuân quen nhau, mùa hạ cùng em đi lễ... Rồi mùa thu, mùa đông, hai người vẫn yêu thương tha thiết, bốn mùa hẹn nhau trong ngôi chùa cổ, có lò hương với làn trầm nghi ngút:
Vào hạ em lễ chùa này 
Trên đồi trái mơ ửng chín 
Lò hương có làn trầm bay 
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Chiến tranh loạn lạc, cuối mùa đông năm ấy, cô bé chết trong trong lúc chạy trốn những cuộc hành quân. Trong mưa bay và gió lạnh, chú tiểu gạt nước mắt đưa tiễn người yêu trong chiếc áo quan đơn sơ và mộc mạc như chính tình yêu của họ:
Sang đông em lễ chùa này 
Ngoài sân có mưa bụi bay 
Hắt hiu trong cành gió bấc 
Vườn chùa rụng cánh lan gầy 
Cuối đông đưa em tới đây 
Trong lòng áo quan gỗ trắng 
Tóc em tợ óng làn mây 
Cội hoa tưởng ai trầm lặng

Gia đình đưa xác cô an táng sau chùa, nơi những bông hoa vẫn còn nở. Mỗi buổi chiều, chú tiểu đến bên mộ, thắp hương và ngồi mãi cho đến khi hoàng hôn buông xuống...
Em vừa nằm xuống đất này 
Vườn trong có bông đào nở 
Con bướm chập chờn hương bay 
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ 
Nắm đất nào vừa lấp mộ 
Có con chim hót đầu cành 
Tiếng tan trên giòng suối xanh 
Nước ơi sao buồn nức nở

Mỗi cuộc tình đều có những kết thúc khác nhau. Có người đến đỉnh cao của hạnh phúc, tràn ngập niềm hân hoan vô bờ bến. Có kẻ rơi xuống vực sâu của bất hạnh, ôm lấy đơn côi trong im lặng và nước mắt. Cho dù âm dương cách biệt ngàn trùng, tình yêu ấy vẫn tươi đẹp, sáng lung linh và huyền diệu. Cõi người vẫn tin rằng, họ vẫn yêu thương nhau, con tim vẫn thổn thức một lời hò hẹn từ kiếp trước.Và như thế, trong ánh sáng huyền diệu của Phật Pháp, họ không còn bên nhau nữa nhưng tình yêu vẫn lóng lánh như những giọt sương còn đọng lại trên những bông hoa nở sớm sau sân chùa.
Câu chuyện hoàn toàn có thật, Phạm Thiên Thư xúc động và sáng tác bài thơ nổi tiếng: "Thoáng hương qua". Sau này, Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm “Em lễ chùa này” và ca khúc đã đi vào lòng người cho mãi đến giờ. Sau này, Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như: Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu,...Tất cả những ca khúc này đều nổi tiếng và được mọi người biết đến.
Sau 1975, Phạm Thiên Thư lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, để mưu sinh, Phạm thi sĩ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Giai đoạn (1981 - 1983), ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá... ở đường Lý Chính Thắng. Sau 1983, Phạm Thiên Thư nghiên cứu, sáng lập và truyền bá môn dưỡng sinhPHATHATA (Pháp - Thân - Tâm). Sau đó, ông được bác sĩ, nghệ sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học dân tộc mời về cộng tác với Viện. Trong suốt thời gian này, Phạm Thiên Thư thỉnh thoảng cho đăng báo những bài thơ ngắn. Đôi lần, giới văn nghệ sĩ lại gặp ông đến dự họp ở Hội Nhà văn TP.HCM. Thời gian sau này, Phạm Thiên Thư thực sự trở lại và hoà nhập với văn đàn khi trường ca "Đoạn Trường Vô Thanh" của ông được tái bản một cách trang trọng.
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Mùa xuân năm Nhâm Thìn (2012), Phạm Thiên Thư đã giao lưu với khán giả Đà Nẵng trong chương trình thơ-nhạc mang tên Động Hoa Vàng” tại Nhà hát Trưng Vương. Với sự dàn dựng công phu và góp mặt của nhiều ca sĩ trẻ, cuộc đời, thi ca và âm nhạc của người tu sĩ lãng mạn này lại tái hiện một lần nữa trong lòng người hâm mộ.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.10.2013 23:14:36 bởi Phù vân >
thiên thanh 04.10.2013 04:43:26 (permalink)
0
Ðoạn trường vô thanh


Phạm Thiên Thư

... Chốn đi về của hồn thiên cổ ...

Mười con nhạn trắng về tha 
Như Lai thường trụ trên tà áo xuân 
Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền 
Ðôi gò đào nở trên miền tuyết thơm 

Xe lên bụi quán hoa đường 
Qua sương trắng dậm phố phường úa thu 
Tiếng chim ướt sũng hai mùa 
Hạt rơi thêm lạnh hững hờ mây qua 

Dế buồn dỗ giấc mù sa 
Âm nao lãng đãng tơ ngà sương bay 
Người về sao nở trên tay 
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót mơ 

Con khuyên nó hót trên bờ 
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu 
Tưởng xưa có kẻ trên lầu 
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa 

Tóc dài cuối nội mây xa 
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay 
Dùng dằng tay lại cầm tay 
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa 

Từ chim thủa núi xa xưa 
Về đây rớt lại hạt mơ cuối rừng 
Từ em khép nép hài xanh 
Về qua dục nở hồn anh đóa sầu 

Ừ thì mình ngại mưa mau 
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi 
Sông này chảy một dòng thôi 
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông 

Ngày xưa em chửa theo chồng 
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi 
Mùa thu áo biếc da trời 
Sang đông em lại đổi dời áo hoa 

Ðường về hái nụ mù sa 
Ðưa theo dài một nương cà tím thôi 
Thôi thì em chẳng yêu tôi 
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng 

Sao em bước nhỏ ngập ngừng 
Bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ 
Ðêm về thắp nến làm thơ 
Tiếng chân còn vọng nửa tờ thư tôi 

Ðôi uyên ương trắng bay rồi 
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông 
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng 
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha 

Con chim chết dưới cội hoa 
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao 
Mai anh chết dưới cội đào 
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu 

Tường thành cũ phiến bia xưa 
Hồn dâu biển gọi trong cờ lau bay 
Chiều xanh vòng ngọc trao tay 
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha 

Ðêm dài ươm ngát nhụy hoa 
Chim kêu cửa mộ trăng tà gõ bia 
Em ơi rủ tóc mây về 
Nhìn trăng nỡ để lời thề gió bay 

Ðợi nhau tàn cuộc hoa này 
Ðành như cánh bướm đồi tây hững hờ 
Tìm trang lệ ố hàng thơ 
Chữ xưa quyên dục bây giờ chim di 

Mây xưa cũng bỏ non về 
Em xưa cũng giã câu thề đó đây 
Nhớ đành biết mấy tầm tay 
Lông chim biển Bắc hoa gầy bãi Ðông 

Ðợi ai trăng rõi hoa buồn 
Vắng em từ thủa theo buồm gió xuôi 
Chiều chiều mở cổng mây trôi 
Chênh vênh núi biếc mắt ngời sao hôm 

Thế thôi phố bụi xe hồng 
Hồ ngăn ngắt đục đôi dòng nhạn bay 
Ðưa nhau đấu rượu hoa này 
Mai đi dã hạc thành ngoài cuồng ngâm 

Xuống non nhớ suối hoa rừng 
Vào non nhớ kẻ lưng chừng phố mây 
Về thành nhớ cánh chim bay 
Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa 

Hạc xưa về khép cánh tà 
Tiếng rơi thành hạt mưa sa tần ngần 
Em về hong tóc mùa xuân 
Trăng trầm hương tỏa dưới chân một vành 

Em nằm ngó cội thu xanh 
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi 
Về em vàng phố mây trời 
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân 

Thì thôi tóc ấy phù vân 
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương 
Thì thôi mù phố xe đường 
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi 

Gầy em vóc cỏ mây dời 
Tay em mai nở chân trời tuyết pha 
Ngày dài ngựa soải cầm ca 
Trán cao ngần nửa trăng tà ngậm sương 

Xe lăn bánh nhỏ bụi hường 
Lao xao vó rụng trên đường phố mây 
Mưa giăng ráng đỏ hao gầy 
Ðôi con ngựa bạch ném dài tuyết sa 

Chim nào hát giữa thôn hoa 
Tay nào hong giữa chiều tà tóc bay 
Lụa nào phơi nắng sông tây 
Áo xuân hạ nọ xanh hoài thu đông 

Con chim mùa nọ chưa chồng 
Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu 
Từ em giặt áo đông tơ 
Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm 

Thuyền ai buông lái đêm rằm 
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào 
Cửa sương nhẹ mở âm vào 
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca 

Lên non cuốc sỏi trồng hoa 
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương 
Vớt con cá nhỏ lòng đòng 
Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ 

Vào non soi nguyệt tầm rùa 
Ðọc trên mai nhỏ xanh tờ lạc thư 
Thả rùa lại đứng ưu tư 
Muốn qua hang động sống như nguyệt rùa 

Em nghiêng nón hạ cầu mưa 
Sông ngâm mây trắng nước chưa buồn về 
Hoa sầu cỏ cũng sầu chia 
Lơ thơ xanh tụ đầm đìa vàng pha 

Ðất Nam có lão trồng hoa 
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông 
Lại đem bầu ngọc ra trồng 
Bầu khô cất nậm rượu hồng uống xuân 

Người vui ngựa chợ xe thành 
Ta leo cầu trúc bên ghềnh thác rơi 
Theo chân chim gặp mây trời 
Lại qua khói động hỏi người tu non 

Bông hoa trắng rụng bên đường 
Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng 
Con ong nhỏ mới ra giàng 
Cũng nghiêng đôi cánh nhụy vàng rụng rơi 

Mùa xuân bỏ vào suối chơi 
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa 
Múc bình nước mát về qua 
Ghé thôn mai nọ hỏi trà mạn xưa 

Chim từ bỏ động hoa thưa 
Người từ tóc biếc đôi bờ hạ đông 
Lên non kiếm hạt tơ hồng 
Ðập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay 

Người về đỉnh núi sương tây 
Ta riêng nằm lại đợi ngày mướp hoa 
Bến nam có phố giang hà 
Nghiêng nghiêng nậm ngọc dốc tà huy say 

Tình cờ anh gặp nàng đây 
Chênh chênh gót nguyệt vóc gầy liễu dương 
Qua sông có kẻ chợt buồn 
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm thu 

Mốt mai em nhớ bao giờ 
Bãi dâu vãn mộ cho dù sắc không 
Chân chim nào đậu bên cồn 
Ngựa xuôi có kẻ lại buồn dấu chim 

Ðợi người cuộc mộng thâu đêm 
Sông Ngân trở lệ dài thêm dòng nhòa 
Anh nằm gối cỏ chờ hoa 
Áo em bạch hạc la đà thái hư 

Em từ rửa mặt chân như 
Nghiêng soi hạt nước mời hư không về 
Thâu hương hiện kính bồ đề 
Phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi 

Ta về rũ áo mây trôi 
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan 
Rằng xưa có gã từ quan 
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say 

Ngựa xưa qua ải sương này 
Còn nghe nhạn lạc kêu hoài bãi sông 
Nước xuôi gờn gợn mây hồng 
Tiếng ca lạnh thấu hoàng hôn giục đò 

Hoa đào tưởng bóng đào xưa 
Thuyền sang bến nọ dòng mờ khói vơi 
Hoa dương vàng nhạt sầu người 
Ta về uống nước sông khuây khỏa lòng 

Ðưa nhau đổ chén rượu hồng 
Mai sau em có theo chồng đất xa 
Qua đò gõ nhịp chèo ca 
Nước xuôi làm rượu quan hà chuốc say 

Khăn trăng từ độ trao tay 
Nửa tan cát suối nửa mài nghiên sương 
Mốt mai lòng có nghe buồn 
Mảnh trăng hiện hóa thiên đường cõi chơi 

Nhện cheo leo mắc tơ trời 
Dòng chim qua hỏi mộ người tà dương 
Ðánh rơi hạt mận bên đường 
Xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa 

Nụ vàng hương rộ tháng ba 
Nửa đêm dậy ngó trăng tà tiêu tương 
Chẳng như cội liễu bờ dương 
Tóc xanh mướt giữa vô thường sắc không 

Mai nào thơm ngát thu đông 
Lược em chải rụng đôi dòng tơ xanh 
Ðôi chim hồng yến trên cành 
Ngẩn ngơ quên rỉa lông mình điểm trang 

Mùa xuân mặc lá trên ngàn 
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư 
Ðộng nam hoa có thiền sư 
Ðổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn 

Nến khuya lửa hắt hiu vàng 
Trang kinh lác đác đôi hàng nhạn sa 
Ý nào hóa hiện ngàn hoa 
Chữ nào cẩn nguyệt trên tà áo ni 

Dỗ non suối giọng thầm thì 
Ðộ tam thế mộng xá gì vóc hoa 
Ni cô hiện giữa ta bà 
Búp tay hồng ngọc nâng tà áo trăng 

Tiếng chim trong cõi vô cùng 
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương 
Tiếng em hát giữa giáo đường 
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng 

Ðố ai nhớ hết hoa vàng 
Ðố ai uống cạn sương tàng trăng thâu 
Ðố ai tát cạn mạch sầu 
Thì ta để tóc lên cầu đón ai 

Em về sương đẫm hai vai 
Dấu chân là cánh lan dài nở đêm 
Từ em hé nụ cười huyền 
Mùa thu đi mất trên miền cỏ hoa 

Guốc mòn lẫn tiếng sơn ca 
Sư về chống gậy trúc qua cầu này 
Ngó bờ suối lạnh hoa bay 
Thương sao giòng nước trôi hoài thiên thanh 

Có con cá mại cờ xanh 
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân 
Nửa dòng cá gặp phù vân 
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi 

Dù mai lều cỏ chân trời 
Khơi hương lò cũ khóc người trong thơ 
Em còn ửng má đào tơ 
Tóc xưa dù có bây giờ sương bay 

Lên non ngắt đóa hoa này 
Soi nghiêng đáy suối bóng ai nhạt nhòa 
Nom hoài chẳng rõ là ta 
Tắm xong khoác áo hát ca về làng 

Tay đeo vòng ngọc xênh xang 
Áo em bay giải tơ vàng thiết tha 
Bước chân tìm chán ta bà 
Ngừng đây nó hỏi : đâu là vô minh 

Hỏi con vạc đậu bờ kinh 
Cớ sao lận đận cái hình không hư 
Vạc rằng : thưa bác thiên thư 
Mặc chi cái áo thiền sư ỡm ờ 

Nước đi từ thủa bao giờ 
Dòng xuôi người đứng trên bờ ngó xuôi 
Chừng đâu dưới bến hoa tươi 
Buộc thuyền xưa đã có người ngó sông 

Từ hôm em bỏ theo chồng 
Áo trắng em cất áo hồng em mang 
Chiều nay giở lại bàng hoàng 
Mười năm áo cũ hoe vàng lệ xanh 

Ðôi chim nho nhỏ trên cành 
Giục nhau đan tổ cỏ xanh bên đường 
Nửa đời mây nước du phương 
Thiền sư ngắt cỏ cúng dường phật thân 

Gò chiều ùn bụi sương lên 
Hỏi ra mới biết nơi yên cành vàng 
Bên mồ chồn cáo đùn hang 
Chim kêu như lảnh tiếng nàng ngân nga 

Cuối xuân ta lại tìm qua 
Tiểu thư chi mộ thềm hoa dại tàn 
Sớm thu ta đánh đò sang 
Bên đường cỏ mộ lại vàng cúc hoa 

Trúc thưa cổng gió ơ hờ 
Em ra tựa cửa nghĩ chưa lấy chồng 
Sông ơi xanh nhé một dòng 
Mùa xuân cắp rổ ra đồng vớt hoa 

Ðường dài xao xác chim ca 
Người còn khoác nón theo tà dương nao 
Ván cờ bày trắng bông đào 
Sao lên núi thẫm trăng vào chén không 

Ðồi thu vắt suối mây hồng 
Chim xanh lác đác ngược dòng hoa tiên 
Bấc sầu lửa lụn chờ em 
Lệ xưa ai đã đổ nên dầu này 

Ðón em như ngóng chim trời 
Bãi xuân sớm đậu chiều dời khói thu 
Em còn áo trắng ngày xưa 
Trong anh muôn thủa bao giờ lệ hoen 

Khơi trầm thơm tụng kinh hiền 
Máu xuân mạch lạnh trong miền xương da 
Vườn chùa có nụ hàm ca 
Sương khuya : pháp bảo trăng tà : vô môn 

Mai tươi cánh nở bên cồn 
Mưa bay lấm tấm cành hương trắng ngời 
Thu đông tàng ẩn kho trời 
Hạt rơi rụng ngọc cánh rời rã hoa 

Cổng làng mở cánh sao sa 
Nhã lan loáng thoáng tiếng gà xóm mai 
Lên chùa dâng dĩa hoa nhài 
Chợt viền trăng lạnh trên hài tổ sư 

Chuông ngân chiều lặng trầm tư 
Tiếng lơi đẫm hạt thiên thư bềnh bồng 
Ðiệu về tay giấu chùm bông 
Gót chân đất phật trổ hồng hằng sa 

Bóng trăng tịch mặc hiên nhà 
Thành đàn nẩy hạt tỳ bà quyện hương 
Gió thu từ độ tha phương 
Về trên hốc gỗ bên đường lặng im 

Áo em vạt tím ngàn sim 
Nửa nao nức gọi nửa im lặng chờ 
Yêu nhau từ độ bao giờ 
Gặp đây giả bộ hững hờ khói bay 

Tình cờ như núi gặp mây 
Như sương đậu cánh hoa gầy tiêu dao 
Tỉnh ra thì giấc chim bao 
Chuyện mười năm cũ lại nao nao lòng 

Cành sen lá chĩu sương trong 
Áo ni xám vạt trời hong buồn về 
Tay nào nghiêng nón thơ che 
Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao 

Ðôi mày là phượng cất cao 
Ðôi môi chín ửng khoé đào rừng mơ 
Tiếng nàng vỡ bạc thành thơ 
Tụng dòng kinh tuệ trên tờ khói mây 

Tóc em rừng ngát hương say 
Tay em dài nụ hoa lay dáng ngà 
Mắt xanh bản nguyện di đà 
Bước trầm hương nhẹ lẫn tà dương chim 

Mắt nàng ru chiếc nôi êm 
Ru hồn tôi ngủ ngàn đêm tuyệt vời 
Em là hoa hiện dáng người 
Tôi là cánh bướm cung trời về say 

Một đêm nằm ngủ trong mây 
Nhớ đâu tiền kiếp có cây hương trời 
Cây bưởi trắng ngát hương đời 
Nụ là tay phật chỉ người qua sông 

Non xanh khoác áo sương hồng 
Con chim điểm tuyết ngoài đồng vụt bay 
Tiếng kêu lạnh buốt lòng tay 
Ngón buông lại chợt tuôn đầy lòng hoa 

Em bên cửa chuốt tay ngà 
Cội lan đông mặc nở qua mấy nhành 
Ngày em ướp áo hồ xanh 
Con uyên tha thiết trên cành gọi thu 

Ni về khép cửa chùa tu 
Sớm mai mở cổng quét thu vườn hồng 
Thu vương ngọn chổi đôi bông 
Thoảng dâng hương lạ bướm vòng cánh duyên 

Sư lên chót đỉnh rừng thiền 
Trong tim chợt thắp một viền tà dương 
Ngón tay nở nụ đào hương 
Cầm nghiêng tịnh độ một phương diệu vời 

Một dòng hoa nổi trên trời 
Một dòng hoa nở trong người trầm tư 
Cánh nào mở cõi không hư 
Phiến băng tuyết khảm một tờ kim cang 

Thư em ướp nụ lan vàng 
Lời em gió núi chiên đàn thoảng xa 
Áo em phất cõi di đà 
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ 

Chênh vênh đầu trượng thiền sư 
Cửa non khép ải sương mù bóng ai 
Non xanh ướm hỏi trang đài 
Trăm năm còn lại dấu hài động hoa 

Ngày xưa bên dậu vàng hoa 
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời 
Năm sau em bỏ đi rồi 
Ta về ngồi lắng mưa rơi giậu buồn 

Trên nền gạch nẻ rêu phong 
Xưa phơi nhã điệu giờ hong đóa quì 
Trẻ đào bãi cỏ xanh rì 
Ðược thanh kiếm quỉ bao kỳ thu han 

Non đem nhạn nhốt trong thành 
Cho sông chưa trở yếm xanh dưới cầu 
Người còn dệt lụa tằm dâu 
Ðêm nghe mưa rụng thiên thâu ngoài giàn 

Núi nghiêng suối vắt tơ đàn 
Nhìn ngoài thạch động mưa vàng lưa thưa 
Nghiêng bình trà nhớ hương xưa 
Từ vàng hoa nọ bây giờ vàng hoa 

Sáng nghe lan rụng mái nhà 
Chừng như mưa nhẹ núi xa mùa này 
Ðường về mù mịt ngàn mây 
Về nam đôi cánh chim bay xạc xào 

Mây dù chẳng chất non cao 
Ðường về dù chẳng sông đào nông sâu 
Ðêm đêm lòng dục nẻo sầu 
Thềm trăng ngỡ tưởng hoa cau rụng thầm 

Nhớ cha giọt lệ khôn cầm 
Dưới trăng lấp lánh như trâm vân quỳnh 
Nghiêng ly mình cạn bóng mình 
Tay ôm vò nguyệt một bình mây bay 

Gối tay nệm cỏ nằm say 
Gõ vào đá tụng một vài biển kinh 
Mai sau trời đất thái bình 
Về lưng núi phượng một mình cuồng ca 

Gây giàn thiên lý vàng hoa 
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây 
Xuống đầm tát cá xâu cây 
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim 

Khách xa nhớ đến nhau tìm 
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà 
Hứng nước suối thết bình trà 
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn 

Vào hang núi nhập niết bàn 
Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe 
Mai sau thí chủ nào nghe 
Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh 

Hoa vàng ta để chờ anh 
Hiện thân ta hát trên cành tẩm mai 
Trần gian chào cõi mộng này 
Sông Ngân tìm một bến ngoài hóa duyên 

Lớn lên giữa núi xanh rì 
Cỏ hoa như thể tứ chi cận kề 
Sao ta biền biệt chưa về 
Lưng đồi sim tím bốn bề chim ca 
Dù muôn dặm có bao xa 
Mà trong gang tấc vẫn là thiên thu
dzuylynh 05.10.2013 01:47:37 (permalink)
0


  
không


em
đến khai từ duyên hạnh ngộ
vai mang bình bát nước cam lồ
rửa chốn trần gian đầy thống khổ
ta dành trút chật mấy hồ lô

không đến không đi không ở lại
không thân không chấp chẳng hình hài
không khởi niệm tâm không khổ ải
không cộng nghiệp thời nghiệp bất lai

em
hái cành sen che giông tố
ta khơi bão nổi xé tâm thô
đem hồ lô đổ tràn mê lộ
hỉ nộ tham sân ngập ngã mồ

không thấy không nghe đời hiện tại

không quên không nhớ kiếp tương lai
không óan không hờn không si ái
không luyến không vương giấc huyễn dài

ta không hiện hữu đời chẳng thiếu
em xuống trần gian đời cũng dư
thiền sư đứng ngóng chuông nhà nguyện
thánh nữ ngồi nghe chú đại bi

em bán thánh kinh lời được mấy
ta buôn chuông mõ lỗ bao nhiêu
thiên đàng bít nẽo rong rêu đắp
tây trúc đường xa tít tắp mù

không 

minh văn
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.10.2013 08:59:48 bởi dzuylynh >
Đóa Hồng Tím 05.10.2013 04:34:09 (permalink)
0
 
 

kệ nó , vụng về lời bất chợt
ngũ cung , âm tiết tiếng loài chim
hải âu , hoàng yến , mơ hoàng hạc
sau một vầng mây ngọn gió chìm
 *
kệ nó , thích nghe lời bóng núi
tôi ru rừng ngủ giữa mùa trăng
lời ca dao cũ đầy tâm nhiệt
ấm cả vùng sao lạnh bạt ngàn
*
kệ nó , ôm đàn , tay khẻ khảy
giòng thơ phổ nhạc ngọt em về
mối tình thuở ấy trăm năm mãi
vẫn giọng anh cười hôn gió mê
 *
và em là tiếng dương cầm cũ
vụng về hàng nốt lỡ chùng dây
trên cả octave , lời như lũ
sau một mùa mưa , nắng trở gầy ...
 *
kệ nó , với tay gom thi ảnh
tôi hát cho đời thơm chút thơ
một chút hương yêu trong vũng lạnh
người quên , bỏ mặc tự bao giờ...

đông hương

 
 
Phù vân 05.10.2013 05:25:19 (permalink)
0
thương yêu


 
 

 
 *
kệ nó , với tay gom thi ảnh
tôi hát cho đời thơm chút thơ
một chút hương yêu trong vũng lạnh
người quên , bỏ mặc tự bao giờ...

đông hương

 
 


  kệ nó đônghương, ừ kệ nó đi hỉ !
  bài thơ thiệt là dễ thương chi lạ
 KỆ NÓ
 
M.H. Nguyen 05.10.2013 17:27:46 (permalink)
0
dzuylynh




 
không


em
đến khai từ duyên hạnh ngộ
vai mang bình bát nước cam lồ
rửa chốn trần gian đầy thống khổ
ta dành trút chật mấy hồ lô

không đến không đi không ở lại
không thân không chấp chẳng hình hài
không khởi niệm tâm không khổ ải
không cộng nghiệp thời nghiệp bất lai

em
hái cành sen che giông tố
ta khơi bão nổi xé tâm thô
đem hồ lô đổ tràn mê lộ
hỉ nộ tham sân ngập ngã mồ

không thấy không nghe đời hiện tại

không quên không nhớ kiếp tương lai
không óan không hờn không si ái
không luyến không vương giấc huyễn dài

ta không hiện hữu đời chẳng thiếu
em xuống trần gian đời cũng dư
thiền sư đứng ngóng chuông nhà nguyện
thánh nữ ngồi nghe chú đại bi

em bán thánh kinh lời được mấy
ta buôn chuông mõ lỗ bao nhiêu
thiên đàng bít nẽo rong rêu đắp
tây trúc đường xa tít tắp mù

không 

minh văn
 


 
Đẹp và Thiền thi vô ngần!
 
Xin cảm ơn tác giả Minh Văn( alias... quen thuộc gì đó nghen!)
 
Mến chúc cả nhà cuối tuần an tịnh.
 
 
 
Thay đổi trang: << < 222324 > >> | Trang 22 của 58 trang, bài viết từ 316 đến 330 trên tổng số 867 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9