Nhân vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên Da Đen 18 tuổi, không có vũ khí trong tay, vào ngày 9 tháng Tám, ở thành phố Ferguson, Missouri, gây bạo loạn nổ ra khắp nơi, chúng tôi dịch bài phóng sự về việc làm của cảnh sát ở Chicago để bạn đọc có ý niệm về một số việc làm của cảnh sát ở điạ phương.
Tyrone Hood đã ở tù 21 năm và có thể được tha vào năm 2030. Ông ta luôn luôn cho rằng mình vô tội và nói: “điều này còn quan trọng hơn cả mạng của tôi. Có một hệ thống của sự băng hoại.” Photo courtesy: Stefan Ruiz/The NewYorker • Phải chăng Sở Cảnh Sát Chicago đã ép cung nhân chứng, và buộc tội oan cho một người không phải là kẻ sát nhân? Câu chuyện dưới đây cho thấy Hoa Kỳ là một quốc gia có hiến pháp thành văn, có luật lệ rõ ràng, và tại điạ phương còn có luật Brown Act và Luật Sunshine Government buộc chính quyền làm gì cũng phải minh bạch, công bằng, và lương thiện. Nhưng thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, cảnh sát đã dùng bạo lực, biạ chuyện để buộc tội kẻ bị tình nghi.
• Nhân vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên Da Đen 18 tuổi, không có vũ khí trong tay, vào ngày 9 tháng Tám, ở thành phố Ferguson, Missouri, gây bạo loạn nổ ra khắp nơi, chúng tôi dịch bài phóng sự về việc làm của cảnh sát ở Chicago để bạn đọc có ý niệm về một số việc làm của cảnh sát ở điạ phương.
Cali Today News - Vào khoảng 2 giờ 30 trưa ngày 8 tháng Năm năm 1993, Marshall Morgan ra khỏi nhà của mẹ anh ở khu South Side Chicago, và lái chiếc Chevrolet Cavalier mầu xanh nước biển ra đi. Morgan mượn xe của mẹ để lái đi chơi, và cậu hứa sẽ rửa xe cho mẹ. Hôm đó trời khá nóng, cậu mặc chiếc quần soóc bằng vải jean, áo sơ mi sọc đen trắng, và đôi giầy vải mầu đen. Sau khi rửa xe xong, cậu tính lái xe về nhà, và đi tập thể dục. Cậu có hẹn với cô bạn gái vào buổi tối.
Morgan năm nay được 20 tuồi, cậu là sinh viên năm thứ hai tại Học Viện Kỹ Thuật Illinois. Cậu chơi trong đội bóng rổ, giữ vai trò hậu vệ. Mùa thi đấu năm nay vừa mới bắt đầu, và cậu chơi rất xuất sắc. Trung bình mỗi trận cậu ghi được 18 điểm thắng, chưa kể cậu còn đè bẹp đối thủ trong vài trận. Trước đây, cậu về hạng nhì trong danh sách lực sĩ được vinh danh là tuyển thủ sáng giá nhất trong Hội Nghị Chicagoland Collegiate Athletic. Huấn luyện viên của cậu, ông Ed McQuillan nói với tôi rằng cậu Morgan là “một đứa trẻ xuất sắc”, chơi hết mình, và tính tình thật dễ mến. Cậu rất nhanh nhẹn khi rút về thế thủ. Cậu có thể ném bóng rất xa, lọt lưới dễ như không. Cậu luồn lách, qua mặt các đấu thủ khác dễ dàng.
Khi cậu Morgan không trở về nhà, mẹ cậu, bà Marcia Escoffrey bắt đầu lo. Bà và cậu Morgan thân với nhau lắm. Bà mang bầu cậu Morgan khi bà mới 15 tuổi, và cậu là đứa con duy nhất của bà. Đích thân bà nuôi nấng, dạy dỗ cậu bé. Bà Escoffrey nói với tôi: “Cả đời tôi chỉ có hai mẹ con với nhau.”.
Cha của cậu Morgan, ông Morgan Sr., mới quanh trở lại tìm gặp đứa con trai của ông sau khi xa cách hai mẹ con gần 17 năm trời. Ông đi xem cậu con trai thi đấu, và tìm đủ mọi cách để làm hoà với hai mẹ con. Chính ông đã thuê một căn phòng ở khách sạn cho Morgan và cô bạn gái tên là Lorena Peete tại khách sạn Days Inn trong vùng. Bà Escoffrey lưu ý, và cảnh báo cậu con về cái thái độ ngọt ngào, tử tế bất thường của người cha. Nhưng cậu Morgan không tin, và rất thích những gì cha cậu làm cho cậu, cho gia đình. Cô Peete nói với tôi: “Anh ấy lúc nào cũng muốn gia đình đằm thắm.”.
Bà Escoffrey nhìn chằm chặp vào chiếc điện thoại hàng giờ đồng hồ, bà mong tin đứa con trai. Morgan bao giờ cũng gọi về nhà nói cho mẹ biết mỗi khi cậu về trễ. Cho đến lúc trời tối, bà đành phải gọi điện thoại báo cảnh sát con bà bị mất tích.
VỤ MORGAN BỊ MẤT TÍCH trở thành tin tức sốt dẻo vào bản tin buổi chiều ở Chicago. Cảnh sát lập ra đường giây điện thoại miễn phí, và khuyến khích dân chúng ai biết tin tức về cậu Morgan thì gọi vào. Cảnh sát trưng hình Morgan khắp nơi trong khu South Side. Chín ngày sau khi Morgan mất tích, người ta tìm thấy chiếc xe Cavalier đậu trước một bin đinh cũ trên đường South Michigan Avenue, gần đường Fifty Eight Street. Người dân trong xóm ngửi thấy mùi hôi thối xông ra từ kẽ hở của cánh cửa sổ phía sau. Toán điều tra tội phạm tìm thấy một xác người đã rục nát ngồi kẹt trong băng ghế phía sau, một vết đạn loại 38 li bắn vào bụng, và hai phát nữa bắn vào lưng. Thân thể của nạn nhân trần truồng ở phía dưới, chỉ còn có chiếc sơ mi sọc trắng đen trên người. Khám nghiệm răng xác nhận tử thi là Morgan.
Các điều tra viên phụ trách về sát nhân đơn vị Area One, khu đường 58 và Michigan Avenue đứng ra làm công việc điều tra tiếp. Mặc dù trong thành phố Chicago nơi nào cũng xảy ra giết người, án mạng, trung bình mỗi ngày ba vụ, riêng khu vực Area One này thì hết sức bận rộn. Đây là nơi lãnh điạ của băng đảng Robert Taylor Homes, tên của khu nhà chính phủ, cao 28 tầng, do bọn băng đảng chuyên buôn bán ma tuý thao túng khu này. Chúng bán ma túy công khai ở cầu thang bin đinh. Hãm hiếp, cướp bóc, giết người xảy ra hàng ngày. Kenneth Boudreau, một thám tử kỳ cựu ở khu vực Area One mô tả khu này như sau: “Chúng nó giết nhau ở bên trái, giết nhau ở bên phải, ở khắp mọi nơi.”. Đại đa số cư dân trong vùng toàn là Da Đen, trong lúc một trăm phần trăm cảnh sát là Da Trắng. Mỗi bên đều cố gắng dành quyền thống trị khu vực. Nhiều khi dân thuê nhà trong chung cư trông thấy cảnh sát đến là họ ném rác qua cửa sổ cho rơi xuống đầu cảnh sát. Rất nhiều vụ tội phạm không tìm ra manh mối.
Những vụ lôi cuốn sự tò mò của giới truyền thông được gọi là “heaters”, tức là những vụ nóng hổi. Chúng thường làm cho cảnh sát phải nỗ lực điều tra lâu hơn, bắt vài tên đưa ra toà.Theo một bài nghiên cứu của Giáo sư luật Myron W. Orfield Jr, của trường University of Minnesota, viết năm 1992 thì những vụ “nóng hổi” đó được ghi vào bảng thống kê hơn là kết thúc bằng những việc truy tố thực sự. Nhiều thám tử muốn bớt bị “stress” tìm cách lảng tránh không dính vào những vụ “nóng hổi”. Năm 2005, một thám tử hồi hưu nói với báo Chicago Tribune: “Tôi lạy trời đừng bắt tôi dính vào những vụ nóng hổi. Nhức đầu lắm, chẳng đi đến đâu.”. Một số thám tử khác như ông Boudreau thì bình tĩnh hơn, sẵn sàng chấp nhận thử thách.
Vụ giết chết Morgan là một “heater”. Chuyên viên giảo nghiệm đến quan sát hiện trường, lấy dấu tay để lại trên chiếc xe Cavalier. Họ tìm được một dấu tay trên cổ chai bia Miller High Lite, và trên một lon bia Lowenbrau. Dấu tay đó ăn khớp với dấu tay trong hồ sơ tội phạm của một gã có tên là Tyrone Hood, đang sống ở vùng South Side, cách đó khoảng tám dậm. Hai điệp viên lập tức đi tìm kẻ bị tình nghi.
Khoảng gần 4 giờ chiều, Hood đang đi bộ từ nhà đến cửa hàng đầu đường, tiệm Munch Shop, vài cảnh sát viên lái chiếc xe ẩn tế, kéo sát lề đường và xông ra bắt hắn ta. Họ nói cho Hood biết cảnh sát tìm ra được bằng chứng y dính líu đến một vụ giết người. Hood lúc bấy giờ được 29 tuổi, mạnh khoẻ, trên đầu còn đầy tóc đen, và một dòng chữ xâm tên hắn, Tony, trên cánh tay trái. Hood có vợ và ba đứa con, sống bằng nhiều nghề lặt vặt: sửa xe hơi, công nhân xây cất, và làm việc văn phòng. Hắn lớn lên trong một gia đình đông con, tám mười anh em, và có nhiều xáo trộn trong gia đình. Anh trai của hắn bị tù vì đánh cướp tiệm ăn Mc Donald. Khi Hood được 17 tuổi, hai thằng ăn trộm bắn chết cha của Hood. Sau đó không lâu, chính Hood cũng bị bắt vì tội đánh người gia trọng. Lần đầu dùng vũ khí bất hợp pháp, còn lần khác thì đánh nhau vì tàng trữ cần sa, ẩu đả, và ăn trộm. Hood phải ngồi tù một năm, sau đó bị quản chế. Ngay khi bị cảnh sát chặn bắt, Hood lớn tiếng kêu oan, bảo rằng không thể có chuyện có dấu tay của hắn trên chai bia gần xác chết. (Tuy nhiên, hắn đồng ý đến ty cảnh sát để làm sáng tỏ vấn đề, và để tên tuổi hắn được trong sạch.).
Hood kể lại rằng vào ngày 8 tháng Năm, hắn ở nhà chơi với gia đình, chiều tối hắn ngồi coi phim “CoPs” trên truyền hình với vợ hắn là cô Tiwanna. Sau đó, trong một lần thẩm vấn khác, hắn khai thêm rằng có vài người bạn đến nhà chơi. Trong số những người bạn này có Wayne Washington. Khi được hỏi vào ngày 9 tháng Năm, tức là ngày Mother’s Day hắn đã làm gì. Lúc đầu hắn khai là đến nhà mẹ chơi, thăm bà ấy. Về sau, hắn lại khai hắn ở nhà với Tiwanna.
Thám tử Kenneth Boudreau và bạn đồng sự John Halloran phụ trách phần thẩm vấn trong những ngày kế tiếp. Boudreau thường tự hào là một chuyên viên thẩm vấn siêu hạng. Ông có thể moi tất cả những bí ẩn trong đầu óc của kẻ gian. Ông khoe với tôi: “Tôi đã từng phỏng vấn can phạm nhiều lần. Tôi đã được FBI huấn luyện rất kỹ. Bạn không cần phải đánh đập người ta để bắt người ta nói.”. Tuy vậy, đội ngũ cảnh sát Chicago từng bị mang tiếng rất nhiều là ưa dùng bạo lực, phương pháp hỏi cung tàn bạo. Năm 1931, một uỷ ban của Bạch Cung cảnh cáo rằng thẩm vấn viên có thể can tội giết người cấp ba nếu dùng phương pháp gây thương tích về thể xác, hay tinh thần để lấy tin tức. Đó là một tội hình. Nhưng ở Chicago, ngưởi ta vẫn coi lời cảnh cáo ấy là “số không”. Thẩm vấn viên ở đây dùng cuốn điện thoại niên giám đánh lên đầu nghi can, vừa đau, choáng váng cả người, mà không để lại dấu tích gì cả. Vào thời thập niên 1960’s, cảnh sát viên Chicago bắn chết thành viên của đảng Black Panthers khi chúng đang nằm trên gìường. Thân nhân của người này được bồi thường một số tiền khá lớn. Năm 1982, trung úy cảnh sát Jon Burge bị truy tố vì đã hành hạ một nghi can tên là Andrew Wilson. Tên này là kẻ mưu sát hai cảnh sát viên, và đang bị giam giữ tại ty cảnh sát. Bác sĩ khám nghiệm thấy rằng Wilson bị đánh bầm dập nhiều chỗ, mặt mũi sưng vù, nhiều vết cắt trên người. Wilson khai rằng hắn bị trói gô vào một lò sưởi, và người ta dùng dây điện, cho điện giật trên môi, trên nướu răng, và dương vật của hắn. Trung Úy Jon Burge bị sa thải vì hung dữ khi thẩm vấn.
Boudreau, một cảnh sát viên vóc dáng mạnh mẽ, chắc nịch, ở lứa tuổi trên năm mươi, nói với tôi rằng ông chưa hề dùng thân xác to lớn của ông để doạ nạt nghi can trong lúc thẩm vấn. Vào thời điểm Boudreau thẩm vấn Hood, ông đang là một quân nhân trừ bị. Năm 1990, ông được gửi đi Ả Rập Sê U khi có chiến tranh Vùng Vịnh. Sau biến cố 9/11, ông tham dự trong việc cứu nạn tại Ground Zero. Khi thảo luận với tôi về vấn đề thẩm vấn, ông nói say sưa như một sinh viên khoa học nói về vấn đề nhận thức của não bộ. Ông tóm lược: “Tất cả có thể tóm lại là phần não bên trái và phần não bên phải. Khi người nào nhớ lại sự việc gì trong quá khứ, đương sự dùng não bên trái. Nhưng khi cần sáng chế ra điều gì mới để trả lời, thì đương sự dùng não bên phải.”. Ông khẳng định rằng người nào khi nói chuyện lấy tay che miệng, người đó đang làm điều gì khả nghi. Người nào khi nói chuyện lại rung đùi, người đó sẵn sàng bỏ chạy khi có cơ hội.
Hood phải làm xét nghiệm máy thử nói dối. Mặc dù máy thử nói dối bị nhiều học giả chỉ trích là không chính xác, nhưng cảnh sát vẫn thường xuyên dùng loại máy này. Người cán sự sử dụng máy khám phá ra rằng câu trả lời của Hood có vài chỗ “gian dối”. Khi Boudreau và Halloran quay vặn Hood về những điểm không nhất quán trong câu trả lời của y, Hood lặng thinh, không gỉải thích, y chỉ vắn tắt nói: “Nếu tôi không có gì để giải thích, tôi sẽ ngồi tù lâu. Nếu tôi tìm cách giải thích, tôi cũng phải ngồi tù. Có gì khác nhau đâu.”. Sau này Hood báo cáo cho biết hai thẩm vấn viên Boudreau và người đồng sự bực tức về câu trả lời của Hood, không khai gì thêm, nên họ táng vào đầu Hood, quật báng súng vào mặt y, và nói y có thể về nhà sau khi ký tên vào lời khai. (Ông Boudreau nói với tôi rằng ông không hề đánh Hood, còn Halloran thì không bình luận gì cả)
Sau 48 giờ tạm giam, Hood vẫn cả quyết là y vô tội. Boudreau và đồng sự không làm gì khác được. Họ không thể giam Hood lâu hơn mà không làm thủ tục truy tố. Nhưng họ không đủ bằng chứng để đưa y ra toà. Ngày 22 tháng Năm, họ cho Hood về nhà.
Ba ngày sau khi Hood ra khỏi ty cảnh sát, các điều tra viên lại tìm ra một loạt bản in dấu tay tìm thấy trên xe của Morgan. Kỳ này, họ thấy ăn khớp với dấu tay của Joe West, ở cách nhà Hood hai dẫy phố. Ngày 27 tháng Năm, hai thám tử đi tìm West. Họ không gặp West, nhưng lại bắt gặp Hood đang đứng chơi với Wayne Washington tại tiệm tạp hoá Much Shop. Cảnh sát nhớ ra là trong lời khai Hood có nói là Washington đến chơi với hắn. Cảnh sát bèn nảy ra ý kiến mời Washington đến Ty Cảnh Sát để lấy lời khai. Hood nói y không muốn Washington khai bậy, nên tình nguyện đi theo Washington đến Ty.
Tại Ty Cảnh Sát, Hood và Washington được đưa vào hai phòng riêng. Trong lúc đó, các thám tử tiếp tục truy tìm tên West và một người bạn khác của Hood, tên là Jody Rogers. Boudreau và ba điều tra viên thay phiên nhau thẩm vấn West. Lúc đầu, y chối không biết chút gì về vụ sát hại Morgan. Nhưng sau khi được cho biết là có dấu tay của West để lại trên lon bia, hắn lại khai ra một câu chuyện hoàn toàn khác trước. Wayne Washington và Jody Rogers cũng cung khai câu chuyện của chúng, với những chi tiết ăn khớp với câu chuyện của West.
Vào buổi chiều hôm xảy ra án mạng, Washington và Rogers đang đứng chơi vớ vẩn trước hiên nhà Hood. Rogers đề nghị đi kiếm chút gì hút chơi cho đời lên hương. Theo Washington, đề nghị của Rogers ám chỉ rằng chúng rủ nhau đi mua ít bột cocaine, rắc lên thuốc lá, để chia nhau hút. Washington là thành viên của băng đảng trong xóm, chuyên mua bán ma túy. Y nói y còn thiếu khoảng $30 đô la mới đủ để mua cocaine. Hắn khai với cảnh sát rằng Hood có ý kiến ba thằng rủ nhau đi cướp cạn một chỗ nào để có tiền. Rogers là đứa từng ở tù vì tội cướp bằng vũ khí. Hắn đang ở tình trạng quản chế, nên không dám đi ăn cướp nữa. Hắn đưa khẩu súng 38 ly cho Hood, và Hood cầm lấy.
Theo Washington thì hắn và Hood khởi sự ăn cướp bằng cách đi bộ. Sau vài dẫy phố, chúng phát hiện một chiếc xe mầu xanh, và một gã đàn ông bước ra khỏi xe- người đó chính là Marshall Morgan. Hood nói với bạn: “Kiếm ra được một con nai tơ rồi.”. Hood nói xong là chĩa súng vào Morgan đòi lấy tiền. Morgan đưa hết tiền trong túi cho Hood, đang định móc nốt túi quần bên kia, thì Hood bắn liền vào bụng Morgan. Trong lúc Morgan cúi gập người xuống ôm bụng, kêu cầu cứu. Hood và Washington nắm lấy tay chân của Morgan, kéo hắn ra sau xe, và ấn hắn vào băng ghế sau chiếc xe. Washington kể lại là Hood lấy chìa khoá xe trong túi của Morgan, và ngồi lên xe, lái đi.
Joe West khai với cảnh sát rằng vào ngày 10 tháng Năm, y trông thấy Hood lái chiếc xe du lịch mầu xanh đi loanh quanh trong xóm, ngoắc hắn lại. Lúc đó Joe West muốn mua một gói cần sa để hút chơi. Y biết Hood có thể giúp y làm được việc đó. West nhảy vào trong xe, hắn phải xô những lon bia không, để đầy trên xe qua một bên để lấy chỗ ngồi. Hai đưá đi về hướng đông đi mua cần sa. Có một quãng đường, Hood vượt đèn đỏ, và West sợ cảnh sát bắt gặp, y ngoái đầu nhìn về phía sau. Y trông thấy có người nằm ở băng ghế sau. Y hỏi Hood có chuyện gì xảy ra vậy. Hood lặng thinh không nói gì cả. West kể tiếp là đến đầu đường, Hood bước ra khỏi xe để mua cần sa. Sau đó, Hood lái xe đưa West về nhà. Khi West bước ra khỏi xe, y buột miệng nói: “Bọn bay là một lũ mọi đen điên khùng.”.
West khai với cảnh sát y nhìn theo xe của Hood đi từ từ xuống cuối con đường, và ngừng lại cách đó vài trăm thước. West thấy ánh đèn xe loé lên một cái, rồi y nghe hai tiếng súng bắn. Y sợ quá, chạy vội vào trong nhà.
VỚI LỜI KHAI CỦA WESTatrong tay. Các thám tử xông vào phòng thẩm vấn Hood đang ngồi chờ, và họ kết tội Hood đã giết Morgan. Washington cũng bị kết án. Văn phòng luật sư Quận Hạt Cook giao hồ sơ cho biện lý Michael Rogers – ông này không có bà con gì với Jody. Là một biện lý phải đối đầu với đủ mọi loại tội phạm baọ hành năm này qua năm khác, biện lý Michael Rogers có quan niệm đầy thành kiến về lòng dạ con người. Trước đây, ông có dịp làm việc chung với thám tử Boudreau trong một vụ án ba thằng đàn ông hãm hiếp một phụ nữ, rồi ném xác bà ta vào lửa. Ông viết một báo cáo dài 40 trang, gửi lên văn phòng công tố tiểu bang năm 2004, có một đoạn như sau: “Hầu hết những kẻ sống trong thế giới tội phạm tiếp tục đi mãi trên con đường cũ hứa hẹn sẽ cứa đứt cuộc đời họ ra từng mảnh.” .
Văn thư luân lưu của ông Rogers là một lời nhắn nhủ cho các biện lý công tố trẻ tuổi chớ có dại mà lý tưởng hoá cuộc đời, để rồi uốn cong lương tâm, bẻ lái luật lệ, tạo ra tội nhẹ hơn cho những tên tội phạm. Làm như thế tức là họ đã xúc phạm vào các vị quan toà. Ông Rogers cũng cảnh cáo chớ nên chọn những vị làm bồi thẩm có nhã ý muốn bênh vực cho bị cáo.
Hood đi thuê luật sư biện hộ. Nhưng sau đó hắn không đủ sức trả tiền luật sư, và phải đầu hàng, xoay qua nhờ luật sư do chính phủ chỉ định, gọi là public defender. Tên người luật sư tình nguyện là Jim Mullenix. Ông là một luật sư trẻ, từng sang Phi châu theo Đoàn Chí Nguyện Hoà Bình giúp dân nước Sierra Leone. Ông Mullenix nói với tôi: “Những luật sư cãi thí như tôi, chỉ mong gặp những ca bất ngờ, nghi can bị kết án oan.”. Khi ngồi xuống thảo luận với Hood trong nhà giam, luật sư Mullenix nghe Hood nằng nặc nói rằng y vô tội. Nhưng với lời khai của ba nhân chứng, cùng với dấu tay trên chai bia, luật sư Mullenix đành phải chịu thua.
Chánh án Michael Bolan dự trù sẽ xử án vụ này vào tháng Tư năm 1996. vào buổi chiều ngày tuyển lựa bồi thẩm, ba thám tử muốn củng cố thêm nhân chứng cho vụ kiện dứt điểm, họ đi thăm khu xóm của Hood ở, và hỏi thăm một người đàn bà về tính hạnh của Hood. Họ cho bà xem vài tấm hình chụp bằng máy Polaroids, và nhờ bà xác nhận kẻ trong hình. Trong đó có một tấm chụp Hood, và một tấm chụp hình chiếc xe Cavalier. Ngay lúc đó trong nhà bà ta có người hôn phu của em gái bà đến chơi. Anh ta buột miệng nói: “Tôi có trông thấy cái tên này.”.
Người hôn phu của em gái bà chủ tên là Emanuel Bob, trước đây làm nghề cai ngục. Ông ta chỉ vào hình Hood, và nói ông đã đụng đầu với tên này vài lần trong mấy năm qua. Ông ta kể lại rằng cách đây ba năm, ông đang ngồi trong nhà ở lầu hai, nhìn ra của sổ, trông thấy Hood đang ngồi trong chiếc xe Cavalier lúc 3 giờ sáng. Hỏi tại sao ông không báo cảnh sát. Ông ta bảo rằng ông cứ nghĩ nội vụ đã được giải quyết xong, và đăng lên báo rồi. Bà ủy viên công tố vụ xử là Rosemary Higgins đứng ra truy tố Hood, nói rằng những lời khai của ông Bob đúng là nhân chứng do trời xếp đặt để kết thúc vụ án mau chóng.
Hood xin được đưa ra Bồi Thẩm Đoàn hỏi ý kiến, và đặt số phận của hắn trong tay chánh án Bolan. Hai tuần sau, với ý kiến của bồi thẩm đoàn, Hood bị kết án là có tội giết người, và cướp có vũ khí. Tại buổi điều trần trước khi tuyên án, bà Higgins đọc lá thư của mẹ Morgan. Bà yêu cầu chánh án Bolan chớ dành sự thương hại nào cho kẻ sát nhân. Bà nói: “Kẻ giết người đã lấy đi mạng sống của con tôi một cách dã man. Nó phải đền tội về những đau đớn mà cha mẹ nạn nhân phải trải qua vì mất đứa con. Sau đó, bà Higgins gọi Hood là “tên sát nhân không còn nhân tính.”, y không còn có thể cải sửa được nữa. (Hiện nay bà Higgins lên làm quan toà, bà từ chối không đưa ra mội lời bình luận nào.) .
Gia đình và bạn bè của Hood cố gắng vận động với chánh án Bolan để được giảm án. Thân nhân y cố đưa ra bằng chứng Hood là “một người cha dễ mến, hết lòng lo cho vợ con.” với “nụ cười rạng rỡ như mặt trời”. Luật sư Mullenix thì viện dẫn rằng Hood đã trải qua ba năm ngồi tù trước ngày xử án, và sau đó, hắn chưa bao giờ gặp rắc rối với cảnh sát. Trước ngày bị bắt, Hood đã ráng học xong trung học, lập gia đình, và nuôi nấng con cái, theo học trường đại học cộng đồng về ngành sửa xe, lấy được 12 tín chỉ. Một vị trưởng ban trong cơ quan Catholic Charities, làm việc chung với Hood khen hắn là một nhân viên được mọi người cảm mến. Luật sư Mullenix cũng nộp giấy khen của học viện PAGE, một chương trình dạy nghề, và học vấn dành cho tù nhân, khen ngợi Hood là người học trò ham học. Hood tốt nghiệp hàng đầu, và viết những bài báo rất hay, làm gương cho các học trò khác, đăng trên báo của học viện PAGE. Ai cũng nói Hood sẽ có một tương lai rạng rỡ.
Chánh án Bolan không mấy xúc động trước những chứng từ khen ngợi về tính hạnh của Hood, ông quất cho y bản án 75 năm tù. Trước khi rời khỏi phòng xử, Hood trao cho luật sư Mullenix một lá thư trần tình. Vị luật sư trẻ tuổi này đọc lớn trước phiên toà cho mọi người nghe. Hood viết rằng: “ Mạng sống của một người vô tội sắp sửa bị lấy đi. Tôi cầu nguyện sao cho sự thật sẽ sớm được phơi bầy. Trong Kinh Thánh, phần Thánh Luke, chương 17, từ câu số 17 đến 18 viết rằng: Bất cứ điều gì bị che dấu sẽ có ngày được phơi bầy, khi đó, sự thực sẽ được tìm thấy. Tôi tự nhủ với lòng mình: Tony, mày sẽ tìm ra mày là kẻ vô tội, chịu khó kiên nhẫn, Chúa sẽ giúp mày.”.
Hood được gửi đến nhà giam có hệ thống bảo vệ an ninh nghiêm khắc nhất ở Menard, tiểu bang Illinois. Nhà tù nằm dưới chân một ngọn đồi bên bờ phía đông con sông Mississippi, xây cất từ thế kỷ thứ 19, bằng đá nhám, trang trí với những tranh vẽ tượng thần Hy Lạp và Ai Cập đang tranh đua nhau. Trông bề ngoài nhà tù giống như một trường học thời cổ.
Đến nhà tù chưa được bao lâu, Hood nghe bạn tù cùng phòng kể chuyện một tên tù khác đã giết chết bạn tù bằng cách đập cái TV lên đầu người bạn. Hood bắt đầu đi tập tạ để tăng sức mạnh cơ bắp, tự vệ lấy bản thân. Cuối cùng hắn xin được chân chiên thức ăn trong nhà bếp. Làm việc trong nhà bếp được ba năm, Hood được đổi sang làm trong xưởng may, may áo T-shirt cho tù nhân mặc. Tại đây hắn được hưởng một chút thù lao, nhưng tiền bạc ở trong tù không thành vấn đề. Hắn tâm sự với tôi: “Càng được đi làm việc nhiều càng tránh được những rắc rối trong tù.”.
Nhà tù Menard cách Chicago bảy giờ lái xe, nên vợ hắn cô Tiwanna ít có cơ hội đưa con đến thăm Hood, mà gọi điện thoại thì tốn tiền quá. Bảo cô ta viết thư thì Hood nói cô ấy ngại viết thư lắm, nặn mãi cũng không ra được một chữ. Vài bạn trong tù khuyên Hood hãy quên cô ta đi. Đàn bà là giống bạc tình, họ sẽ bỏ rơi hắn ta thôi.
Một hôm Hood gọi điện thoại về nhà hỏi thăm. Hắn nghe loáng thoáng có tiếng đàn ông lạ trong nhà, và phản ứng của Tiwanna cũng hơi kỳ cục. Cô ta nói với Hood cô đang tiếp bạn ở trong nhà. Hood tâm sự với tôi: “Chắc ông đã từng nghe nói đến lá thư chia tay “Dear John” của những người vợ ngoại tình gửi cho thằng chồng bị cắm sừng. Tôi đã nhận được lá thư Dear John đó.”. Hood nói thật là đau lòng cho y, hắn chẳng hề giết người, thế mà bị vô tù, và bị vợ bỏ. Cuối cùng hắn tìm một tấm hình chụp hắn với Tiwanna gửi lại cho cô ta, và làm đơn xin ly dị.
Năm 2000, Hood đệ nạp đơn chính thức xin kết bạn thư tín với người ở ngoài đời có lòng tốt muốn liên lạc thư tín với tù nhân. Trong lá đơn, hắn nói rằng hắn là một tù nhân bị kết tội oan, muốn tìm một người bạn ở ngoài đời để hắn có điểm tựa thu thập hồ sơ chứng minh hắn bị oan. Nhiều tháng sau, hắn nhận được thư trả lời của một phụ nữ người Úc. Người đàn bà này tên là Barbara Santek. Nhân một lần tham dự phiên họp của tổ chức Ân Xá Quốc Tế ở Fremantle, một thành phố nhỏ bên ngoài thành phố Perth, Úc châu. Bà nhận lời liên lạc thư tín với một tù nhân Mỹ. Lúc đầu bà cũng hơi ngần ngại, bà không tin rằng thủ tục pháp lý có thể gỡ tội cho một người bị oan. Tuy nhiên, bà tâm sự với tôi: “Chơi trò viết thư cho tù nhân làm cho tôi bớt trống trải, có chuyện phải suy nghĩ, động não.”.
Sau vài là thư trao đổi, Hood gửi bằng bưu điện cho Santek một thùng tài liệu gồm biên bản ghi tại toà, lời khai của nhân chứng, và hồ sơ của cảnh sát. Trong một lá thư gửi cho cô Robyn Fisher, bạn của Santek, Hood cũng cả quyết rằng mình vô tội. Y viết: “Nếu biện lý hỏi tôi nếu chịu nhận tội, tôi sẽ được hưởng án nhẹ, tôi vẫn cương quyết trả lời KHÔNG, bởi vì tôi đâu có làm chuyện đó. Khi không đi nhận tội như vậy là nói láo. Sau này tôi sẽ phải giải thích như thế naò cho Chúa vào ngày Phán Xét.”. Sau khi mẹ của Hood bị ngã bệnh, y lại càng nôn nóng. Y viết: “Tôi cố gắng hết sức để ra khỏi đây, để được nhìn mặt mẹ tôi lần cuối, lỡ khi bà có mệnh hệ nào.”.
Hood năn nỉ Santek đừng vội tin lời hắn, hãy đọc thật kỹ các tài liệu hắn gửi đi, sau đó xin Santek tự quyết định lấy.
SANTEK BẮT ĐẦU ĐỌC LƯỚT QUA những tài liệu trong kiện hàng Hood gửi đến. Là một phụ nữ 47 tuổi, nàng có đôi mắt mầu xanh hồ thủy, mái tóc vàng sợi nhỏ, khá xinh. Nàng lớn lên trong một gia đình nông dân ở dẻo đất phía tây nam của nước Úc. Cha mẹ nàng khá giả, sinh được bốn người con. Cả đời nàng chưa bao giờ gặp một người Da Đen cho đến khi nàng vào trường nội trú ở thành phố duyên hải Busselton, ở tuổi 15. Sau khi tốt nghiệp, nàng ở lại Busselton, lấy chồng và có hai đứa con, rồi ly dị, và lập gia đình một lần nữa, có thêm đứa con thứ ba. Anh chồng thứ hai này là một thằng vũ phu. Hắn đánh nàng nhiều lần, đến nỗi phải vào bệnh viện. Cuối cùng nàng phải chia tay. Hiện nay nàng sống một mình trong căn apartment cạnh bờ biển. So với cuộc sống hồi còn ở thành phố Busselton, thì cuộc sống ở đây thật là êm ả, nhưng hơi buồn chán. Để cho đỡ buồn, và làm một việc gì có ý nghĩa, nàng tình nguyện gia nhập tổ chức Ân Xá Quốc Tế, và đi họp thường xuyên với tổ chức.
Nàng chỉ biết chút ít về luật pháp. Nhưng khi đọc tài liệu về trường hợp của Hood, nàng linh cảm thấy vụ án này có điều gì khuất tất, không đúng như kết quả của vụ án. Trong nhiều giai đoạn của quá trình xử án, người ta thấy rõ cả ba nhân chứng dùng để kết tội Hood, như Wayne Washington, Joe West và Jody Rogers đều biạ chuyện nói dối.
Ba năm kể từ 1993, ngày Morgan bị sát hại, và sau đó Hood bị kết án. Tám tháng tính từ ngày Joe West khai với Boudreau là y rủ Hood đi mua cần sa, và trông thấy Hood trong xe Cavalier, người Luật sư trẻ tuổi Mullenix đến gõ cửa nhà West xin được đích thân phỏng vấn West. Ông ta muốn kiểm chứng lại những chi tiết bất nhất trong lời khai của West. Ông giải thích với tôi: “Nhiều khi nhân chứng chẳng hiểu mình khai cái gì với cảnh sát. Đến khi gặp nhân chứng ngoài đường, đừng kéo họ vào Ty Cảnh sát, họ sẽ nói khác hẳn, so với những gì đã khai với cảnh sát.”.
West mời luật sư Mullenix vào trong nhà, và nói với ông rằng tất cả những gì y khai với cảnh sát từ chuyện đi mua cần sa, ngồi chung xe với Hood, đều là chuyện biạ đặt không có thật. Hắn nhớ lại là ở Ty cảnh sát các thám tử quay hắn dữ quá về chuyện dấu tay để lại trên lon bia, và kết tội hắn vừa mới giết một ngôi sao bóng rổ ngang ngửa với Michael Jordan. West nhớ rõ một cảnh sát viên cầm khẩu súng chỉ vào mặt hắn và nói cách duy nhất để hắn đuợc trả về nhà là hắn phải quy tội giết Morgan cho một kẻ khác.
Trong bản báo cáo về sự biạ đặt câu chuyện, luật sư Mullenix viết rõ: “Câu chuyện của West rõ rệt là chuyện hư cấu. Hắn không hề gặp Tyron Hood ngày hôm đó, hắn chưa hề trông thấy Tyron Hood lái xe, chưa bao giờ trông thấy xác người ở băng ghế sau, và cũng chưa bao giờ nghe hai phát súng nổ.”.
Ít lâu sau, luật sư Mullenix lại đi tìm gặp Jody Rogers. Tay này là một đưá đang ở tình trạng parolee (quản chế), và theo lời khai chính hắn đã đưa súng cho Hood. Rogers ngồi xuống xem lại lời khai cùng với ông Mullenix. Rogers nói với ông Mullenix: “ Cảnh sát đã lôi đầu tôi ra khỏi nhà, và bảo rằng tôi dính líu đến một vụ mưu sát. Tại Ty cảnh sát, hai thẩm vấn viên Boudreau và Halloran cho tôi chọn: Hoặc phải nhận đã đã trông thấy Hood bắn chết Morgan, hai là phải nhận đã nghe Hood kể lại như vậy.”. Nếu không thì có chọn lựa thứ ba- tuy cảnh sát không nói ra- song phải ngầm hiểu là nếu không hợp tác với cảnh sát thì a lê hấp đi nằm ấp ngay, vì họ có thể biạ chuyện tôi vi phạm qui luật quản chế. Sự thực thì Rogers kể với luật sư Mullenix là y chẳng bao giờ nghe Hood nói về vụ giết người. Rogers ký vào tờ giấy xác nhận những lời khai trước đây của y với cảnh sát là biạ đặt.
Sau đó, đến tháng 8 năm 1995, Washington, kẻ bị kết án tòng phạm với Hood bị đưa ra tham dự buổi họp trước ngày xử án. Tại đây, Washington phản cung, y nói rằng tất cả những gì y khai với cảnh sát trước đây đều là do bị ức hiếp, cưỡng bách phải khai như vậy. Ông Halloran đã tát vào mặt nó, và gài bẫy để nó nghĩ rằng nó có thể được về nhà nếu đồng ý ký vào lời khai viết sẵn. (Hắn có sửa vài chỗ để lời khai có vẻ như là chính thống.). Phiên toà xử Washington diễn ra vào cuối năm 1995, và đi đến kết quả “hung jury” tức là không có kết quả. Các bồi thẩm hoài nghi lời khai của y. Tuy nhiên, sau đó văn phòng bộ tư pháp tiểu bang cho chuẩn bị xét lại vụ án. Và sau khi trông thấy Hood lãnh bản án 75 năm, Washington bèn nhờ luật sư của hắn thương lượng với biện lý để y nhận tội, hưởng án nhẹ, y sẽ có ngày được về thấy mặt vợ con. Năm 2005, sau khi ngồi tù 12 năm, Washington được tạm tha, hưởng qui chế parolee.
Luật sư Mullenix nghi rằng hai thám tử Boudreau, Halloran và những cảnh sát viên khác đã ráp nối những tình tiết nhỏ của câu chuyện, rồi cưỡng bách các nhân chứng làm đúng theo hư cấu của họ. Từ chuyện dấu tay của West trên lon bia, đến việc Hood lưu ý Washington có thể khai bậy, họ vá víu lại thành một câu chuyện sát nhân cho có tình tiết ly kỳ. Nhưng trước khi vụ án của Hood được đem ra xét sử lại, thì công trình tạo lập lại vụ án của ông Mullenix bị sụp đổ hoàn toàn. Lý do West bị chết vì ung thư, còn Jody Rogers thì gặp nạn. Ông biện lý Michael Rogers đến nhà giam của quận hạt Cook để thăm hỏi Jody Rogers. Hắn bị giam ở đây về tội ăn cướp xe hơi, và tàng trữ cocaine. Lúc đầu Jody xác nhận trước đây y đã khai láo, biạ chuyện. Nhưng ông Michael cảnh cáo Jody rằng nếu xác nhận y đã khai man để xí gạt bồi thẩm đoàn y có thể bị tội nói láo. Nhưng y có thể thương lượng được: nhận giữ lại lời khai cũ thì tội ăn cướp xe và tàng trữ cocain có thể được giảm nhẹ. Jody đồng lý chọn giải pháp sau, tức là giữ nguyên lời khai cũ.
Khi Jody đứng khai trước toà trong phiên xử Hood, luật sư Mullenix lên tiếng đả kích thậm tệ những gì hắn khai. Theo sự cật vấn của luật sư, Jody thú nhận y dùng rất nhiều tên khác nhau để né tránh sự theo dõi của cảnh sát. Hắn có tất cả 8 tên gọi, và ba ngày sinh nhật khác nhau. Hắn cũng xác nhận hắn đã thương lượng, và giữ lời khai cũ vì muốn hưởng ân huệ. Luật sư Mullenix tuyên bố trong phiên toà: “Những lời khai của Jody ngày hôm nay là lời khai bị mua chuộc.”.
Chị Barbara Santek cảm thấy kinh hoàng sau khi đọc những tàì liệu trong hồ sơ của toà án. Trước tình trạng lời khai bị ép cung, khai láo, và những điểm mâu thuẫn trong các lời khai, làm sao vị chánh án có thể đi đến kết luận Hood có tội mà không hề đặt nghi vấn?
Lời khai của nhân chứng không phải là khía cạnh duy nhất khiến Santek tin rằng Hood vô tội. Chị còn tin rằng luật sư Mullenix đã tìm ra được ai là thủ phạm giết chết Morgan.
Một ngày cuối năm 1995, trong lúc Mullenix chuẩn bị cho vụ xử Hood, ông nhận được điện thoại của cô Renee Ferguson, nữ phóng viên điều tra hình sự của đài NBC ở Chicago. Cô thu thập được nhiều tin tức theo cô nghĩ có lợi cho việc bào chữa cho Hood.
Trước đó vài tháng, ông hiệu trưởng trường tiểu học James R. Doolitle khu South Side đã liên lạc với cô Ferguson sau khi cô giáo Michelle Soto, dạy môn computer tại trường của ông bị sát hại. Cảnh sát tìm thấy thi thể trần truồng của cô Soto nằm kẹt giữa băng ghế sau của chiếc xe Chrysler hiệu LeBaron. Cô bị bắn vào mặt, và chết vì vết thương đó. Thám tử mở cuộc điều tra, thẩm vấn người hôn phu của cô Soto, nhưng không bắt giam ông ta. Đây không phải là một vụ hình sự thuộc loại “heater”, nóng hổi.
Tuy nhiên, thân nhân của cô Soto vẫn cho rằng người hôn phu của cô Soto là thủ phạm. Ông hiệu trưởng nhờ Renee Ferguson xem xét sự việc,và điều tra vụ này. Cô phóng viên tìm hiểu ra là người hôn phu đó là người lao công, 39 tuổi, phụ trách dọn dẹp vệ sinh trong trường. Y có một quá khứ hay đánh người, và chuyên giết người để lấy tiền bảo hiểm. Hai năm trước con trai của hắn cũng bị giết, nằm kẹt phía băng sau chiếc xe hơi. Người hôn phu của cô Michelle Soto tên là Marshall Morgan Sr.
Marshall Morgan Sr. sinh ra ở Chicago, hắn có dáng dấp khá điển trai, nước da đen mầu nâu đồng, với bộ ria mép cắt tỉa rất khéo. Năm 1972, y kết hôn với người yêu thời còn trung học, cô Marcia Escoffery. Hai người có một đứa con trai, lấy tên cha đặt cho con. Morgan chỉ sống với gia đình cô Escoffery một thời gian ngắn, nhưng hắn có tật hay đi chơi đêm, và săn gái. Cô Escoffery phải nộp đơn xin ly dị. Cô kể lại cho chúng tôi biết: “Tôi nói với hắn nếu anh muốn tự do đi chơi đêm, tôi cho anh đi luôn ra khỏi nhà.”.
Trong thời gian này, Morgan Sr có mối quan hệ hục hặc với một người bạn tên là William Hall. Hai đứa đánh nhau chỉ vì món nợ $100 Morgan vay của Hall, không trả. Sau đó, theo Morgan kể lại với nhà chức trách, vào một buổi tối, sau khi hai đứa đậu xe trước cửa một tiệm bán rượu, Morgan đã “vô ý, lỡ tay” lấy súng bắn chết Hall. Ra toà, Morgan nhận tội, và bị kết án với tội danh ngộ sát, lãnh bảy năm tù. Sau hai năm ngồi tù, hắn được ra ngoài, và ở tình trạng quản chế.
Ra tù, hắn lấy vợ, ly dị, và rồi lại lấy vợ một lần nữa. Tháng Năm năm 1992, bà vợ thứ ba của hắn tên là Dolores Coleman phải xin án lệnh cấm Morgan Sr đến gần, bởi vì hắn từng bóp cổ cô suýt chết, kê súng vào đầu, doạ bắn cô. Cuối cùng hai người ly dị.
Tiền bạc của hắn bắt đầu suy xụp. Một giấy công chứng xác nhận hàng tháng hắn tiêu xài nhiều hơn đồng lương kiếm được khoảng $1,600. Tháng 9 năm 1992, hắn nhận được giấy xiết nhà của ngân hàng gửi đến. Qua tháng sau, hắn lấy ra $50,000 đô la trong kế hoạch (policy) bảo hiểm nhân thọ từ hãng Allstate. Đó là tiền bảo hiểm của người con trai, cũng tên là Morgan, một tuyển thủ bóng rổ nổi tiếng. Cậu ta là đứa con trai hắn bỏ rơi từ lúc còn chập chững mới biết đi. Bảy tháng sau, cậu con trai bị sát hại. Sau khi xác của cậu được tìm thấy, người cha lãnh thêm $44,000 đô la của hãng bảo hiểm Allstate.
LẤY ĐƯỢC TIỀN BẢO HIỂM CHƯA ĐỦ để Morgan Sr., giải quyết khó khăn về tiền bạc. Năm 1993, một phụ nữ khác, có con với y, và y phải đóng tiền trợ cấp hàng tháng cho đưá con rơi, thưa hắn ra toà để đòi tiền trợ cấp con tư sinh. Ngân hàng tiếp tục truy hắn để đòi nợ. Trong khoảng thời gian đó, hắn và cô giáo dạy computer Michelle Soto cùng nhau mua một căn nhà “split level” trong khu sang trọng Country Club Hills, ngoại ô của Chicago. Cô Soto vừa mới ly thân với chồng cũ, ông Reynaldo Soto, một chiến binh Thủy Quân Lục Chiến. Hai vợ chồng có với nhau một đứa con gái tên là Micaela. Cuối tuần, cô bé thường ở chơi với mẹ, và tên Morgan Sr. Cô Micaela nhớ lại rằng Morgan đã mua chuộc, tán tỉnh mẹ cô bằng nhiều món nữ trang. Tháng Hai năm 1995, hắn đứng ra mua bảo hiểm nhân thọ cho cô Soto.
Tuy nhiên, một thời gian sau, mối tình của hai người trở nên cay đắng. Một buổi chiều, cô bé Micaela nhớ lại là mẹ cô và Morgan Sr cãi nhau to tại căn nhà ở Country Club Hills. Cô bé nghe hai người chửi nhau trong phòng ngủ. Mẹ cô nói: “Tao sẽ bỏ mày ra đi.” Marshall trả lời: “Mày chớ có dại dột mà làm điều đó. Coi chừng chết với tao.”. Cô Soto không màng để ý đến lời đe doạ của Morgan, và đem Micaela ra đi. Chỉ ít lâu sau, cô bị mất tích.
Sau khi cảnh sát tìm thấy xác của cô Soto, họ mở cuộc điều tra vụ sát nhân. Em gái của cô Soto, cô Doreen Brown, nói với cảnh sát rằng khoảng hai tuần trước khi chết, cô Soto đưa cho cô giữ dùm một bao thơ trong đó có “những giấy tờ quan trọng”. Cô ta còn dặn Doreen đừng cho Morgan Sr. biết về bao thơ này nếu có chuyện gì xảy ra cho cô. Hình như cô biết trước có người sắp giết cô. Cô Doreen Brwon khẳng định với cảnh sát chính Morgan Sr đã giết chị của cô.. Ngoài ra, Alonzo Burgess, cháu trai của Morgan Sr cũng nói với cảnh sát rằng: “Hình như chú của tôi đang mưu tính một vụ giết người.”. Theo bà Burgess, tức người vợ cũ của Marshall Morgan, tên trước đây là Dolores Coleman, thì Morgan Sr có nói với bà rằng hắn đang tính làm một chuyện khó khăn vì muốn có tiền.
Cảnh sát thẩm vấn Morgan Sr vài lần, và họ thấy lời khai có điều gì bất nhất. Lúc đầu hắn lờ đi không nói về chương trình bảo hiểm nhân thọ của cô Soto. Sau đó, hắn khai lại là hắn quên vì có sự hiểu lầm. Nhưng bao giờ hắn cũng chối không biết gì vê cái chết của cô Soto.
Bà Laura Burklin, chuyên viên thẩm định tiền bồi thường của công ty bảo hiểm Allstate, xem xét hồ sơ của Morgan, cả quyết rằng Morgan Sr có liên quan đến cái chết của cô Soto. Hắn vừa nhận được số tiền $30,000 về chiếc xe bị mất cắp, sau đó vài tuần hắn bán căn nhà ở Country Club Hills, sử dụng những chứng từ gỉả về chủ quyền của căn nhà. Tháng Sáu năm 1997, một quan toà chấp thuận vụ dàn xếp về căn nhà, và cho Morgan được hưởng $107,000 đô la.
VÀI THÁNG TRƯỚC NGÀY XỬ LẠI VỤ ÁN CỦA Hood, luật sư Jim Mullenix và luật sư bảo vệ công chúng (public defender) thu thập tất cả những tin tức cần để chuẩn bị bênh vực cho Hood. Theo ông Mullenix mọi thứ đã sẵn sàng kể cả vấn đề dấu tay của Hood trên lon bia. Giả thuyết của ông cho rằng Morgan Sr đã âm mưu giết đứa con trai, rồi y ra bãi rác ôm đại một mớ lon bia về, liệng vào trong xe, để đánh lạc hướng các thám tử. Trường trung học Corliss, nơi trước đây y làm lao công một thời gian, chỉ cách nhà của Tyrone Hood có hai dẫy phố.
Tại phiên toà của Hood, luật sư Mullenix vặn hỏi Chánh án Bolan tại sao ông không nêu nghi vấn về sự liên hệ giữa hai cái chết, có bàn tay của Morgan Sr., nhúng vào. Ngoài ra, ông cũng cho mời bà Burklin, chuyên viên về bồi thường của công ty bảo hiểm Allstate, ra khai trước toà. Bà khai trước toà: “Tôi tin chắc rằng Morgan Sr đã tìm mọi cách để moi tiền bảo hiểm.”. Khi luật sư đưa ra điểm này trước toà, các ông biện lý phản đối, và chánh án Bolan đứng về phe họ.
Ra trước toà, Morgan Sr đưa ra những lời khai trước sau mâu thuẫn. Lúc đầu y nói rằng y gặp con trai của y vào trưa thứ Bảy, bây giờ y khai là hai bố con gặp nhau vào buổi sáng. Lúc đầu y khai y cho cậu con trai $125 đô la để cậu đi chơi với bạn gái. Bây giờ, y khai y cho cậu ta $350 đô la. Luật sư Mullenix gạch đỏ những điểm bất nhất này, và muốn cật vấn Morgan Sr. trước toà về vụ giết chết người bạn của y hồi năm 1977. Nhưng Chánh án Bolan bác bỏ lời yêu cầu này.
Khi Mullenix hỏi Morgan Sr về số tiền bảo hiểm nhân thọ: “Ông đã lấy được bao nhiêu trong phần bảo hiểm nhân thọ của con trai ông?”. Cả bà Higgins lẫn ông Rogers, Luật sư công tố của tiểu bang đều phản đối, không cho luật sư Mullenix hỏi. Có một lúc, chánh án Blan tức giận cắt ngang cuộc đối chất của luật sư Mullenix. Ông nói luật sư Mullenix không tìm ra sự liên hệ giữa vụ án của Hood với quá khứ của Morgan Sr.,Theo ông nếu có sự tương đồng nào giữa cái chết của Morgan Jr với cái chết của cô giáo Soto thì chẳng qua đó chỉ là “sự tình cờ”. Ông cười ngạo về sự tranh biện của luật sư Mullenix. Ông mai mỉa nói rằng lý luận của ông ta giống như tuồng hình sự trên đài truyền hình: “Unsolved Mysteries.” “Những Bí Ẩn Không Tìm Ra Giải Đáp.”.
CUỐI NĂM 2001, chị Barbara Santek tình cờ đọc được loạt bài phóng sự trên báo Tribune ở Chicago, loạt bài tựa đề là: “Cops and Confessions””Cảnh Sát và Những Lời Khai”, trong đó người ký giả viết về việc cảnh sát Chicago thường hay sử dụng “kỹ thuật ép cung, bất chính ” để chế ra cho bằng được những lời khai theo ý của họ. Trong những bài báo này, ba ký giả Maurice Possley, Steve Mills, và Ken Armstrong đã mô tả kỹ hồ sơ cá nhân của thẩm vấn viên Kenneth Boudreau, người điều tra viên hư cấu về vụ Hood bị kết tội giết người bằng lời khai bịa đặt của West, Rogers, và Washington. Bài báo cũng viết thêm rằng Boudreau đã từng giúp lấy lời khai của khoảng hơn một chục bị can trong nhiều vụ án mạng với mục đích để bản án bị hủy bỏ, hay bị cáo được tha bổng. Mặc dù Sở Cảnh Sát bị tai tiếng khá nhiều về vấn đề biạ đặt lời khai, nhưng Boudreau vẫn oai phong đứng vững. Ông ta còn nổi tiếng là có tài doạ nạt, làm nhiều nghi can phải hoảng sợ. Ông thường đánh, đá, và đấm vào mặt nghi can trong lúc thẩm vấn. Một nghi can tên là Derrick Flewellen bị ở tù bốn năm rưỡi sau khi nhận tội hiếp dâm và giết người. Anh ta nói với báo chúng tôi: “Tôi không muốn bị ăn đòn, đánh đập nữa, nên tôi phải nhận đại cho xong.”. Về sau, khi thử nghiệm DNA, nghi can được tha bổng. Trong thời gian từ năm 1991 và 1993, Boudreau cố tình biạ đặt ra được ít nhất năm lời khai của những nghi can sau này được tha bổng.
Chị Santek tức muốn phát bịnh sau khi đọc bài báo. Chị nói với chúng tôi: “Cũng chính cái tên thẩm vấn viên này đã biạ chuyện trong vụ Hood.”.
Năm 2002, Santek đi nghỉ phép dài hạn ở Mỹ. Khi lưu lại ở Pittsburg, chị kết bạn với một kỹ sư người Mỹ, và cuối năm họ thành hôn. Hai người xây dựng gia đình mới ở Pennsylvania. Họ đứng ra nhận ba bé gái làm con nuôi. Trong khi đó Santek và Hood tiếp tục liên lạc với nhau bằng thư từ. Sau hai năm kết bạn tâm thư với Santek, Hood tâm sự trong một lá thư: “Bây giờ thì tôi hạnh phú lắm, tôi không còn cô đơn nữa.”.
Năm 2006, Santek và người bạn gái tên là Robyn Fisher đến thăm Hood tại nhà tù. Lính coi tù hộ tống hai người vào phòng chờ đợi dành cho khách từ xa đến. Santek nhớ lại là khi Hood xuất hiện, bước qua cánh cửa vào phòng, chị không tin người đó là Hood. Lúc bấy giờ Hood cắt tóc ngắn, gần như cạo trọc, râu mép và râu dưới cằm lốm đốm bạc, mầu muối tiêu. Nhà tù đã biến Hood thành một người đàn ông trung niên chững chạc. Hood nói với tôi: “Tôi đã học được bài học đáng giá là chớ bao giờ tò mò dính mũi vào chuyện của người khác. Ở trong này có nhiều kẻ kiêu ngạo, lúc nào cũng cho là mình đúng.”. Vừa nói, anh ta vừa nhún vai, dè dặt muốn tránh né mọi đụng chạm.
Họ ngồi nói chuyện với nhau rất lâu, hàng giờ đồng hồ. Hood làm cho chị Santek nhớ đến hình ảnh của cha chị - “lúc nào cũng nhỏ nhẹ, khiêm tốn”. Bây giờ, chị không còn nghi ngờ gì về những lá thư của Hood. Đó là những lá thư chân thật, không gian dối. Chị nói với tôi: “Tất cả những điều anh ta viết cho tôi trong nhiều năm qua là đúng, anh là con người nói trong thư.”.
Vài ngày sau, Hood viết cho chị Fisher một lá thư: “Trong suốt thời gian hai chị thăm tôi, tôi có cảm tưởng như mình không còn ở trong nhà tù. Sau khi hai chị về, tối đến tôi nằm ngủ mà cứ nhớ mãi đến Barbara (Santek) với nụ cười đôn hậu, nhân ái.”.
Hood và Santek bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều bằng điện thoại, mỗi tháng vài lần, anh ta cũng siêng viết thư cho Santek. Trong một lá thư anh viết: “Sức mạnh của của cô làm tôi có thêm sức sống.”. Trong một lá thư khác, anh ta mạnh dạn hơn: “Sự can đảm của cô làm tôi rung động. Óc khôi hài dí dỏm của cô làm tôi thêm phấn chấn. Sự khôn ngoan của cô làm cho tôi muốn thành người hữu dụng.”. Trong một lá thư khác, anh còn viết đậm đà hơn: “Đây không phải là lời tuyên bố mà tiếng Anh, hay bất cứ ngôn ngữ nào có thể diễn đạt hết được tấm lòng của tôi. Cô có biết tôi trân qúi sự Hiện Hữu của cô đến mức nào không?”. Chính Santek cũng xúc động, và cảm thấy bắt đầu yêu Hook. Cô có ý định ly dị. Cuối cùng, chị chỉ ly thân với ông chồng, hai người bắt đầu ngủ riêng, mỗi người một phòng.
Vào đầu năm 2007, Santek quyết định nhờ tổ hợp luật sư Loevy & Loevy, một văn phòng luật sư nổi tiếng ở Chicago chuyên phụ trách về những vụ cảnh sát làm bậy, hay những vụ kiện sai trái. Để bảo đảm văn phòng luật này chú ý đến vụ án, Santek và Fisher dùng tem thư quốc tế, giả vờ như gói bưu kiện được gửi từ nước Úc sang. Bà Gayle Horn, luật sư trong văn phòng đồng ý đứng ra biện hộ không lấy tiền. Khi Hood nghe được tin này, anh mừng vô cùng. Anh viết cho Fisher một lá thư, trong đó anh kể: “Tôi đã đi đúng con đường để tìm được tự do. Chúa sẽ giúp tôi bằng cách tiếp sức cho tôi đi nốt đoạn đường còn lại. Tôi phải bước ra khỏi nơi này.”.
SAU KHI THẨM ĐỊNH LẠI VỤ ÁN, luật sư Horn và đồng nghiệp đi tìm nhân chứng để phỏng vấn. Wayne Washington xác nhận rằng những lời khai của y là sai. Y nói: “Các thám tử nói với tôi rằng họ sẽ không tha cho tôi nếu tôi không nhận tội giết Marshall Morgan.”. Jody Rogers cũng ký vào một tờ giấy hữu thệ xác nhận lờì khai của y trước đây là bịa đặt. Sau đó, anh trai của Jody là Michael còn tiết lộ một chi tiết động trời: “Tôi đã được cảnh sát Chicago bí mật trả tiền để làm cố vấn cho Jody khai với cảnh sát.”. Michael viết trong một lời khai hữu thệ: “ Mỗi khi cảnh sát đến đón tôi đến Ty là tôi lại được cho ít tiền.”. Họ còn dặn rằng nếu tôi bị đưá nào trong xóm gây rắc rối cứ báo cho họ biết, họ sẽ giúp đối phó với bọn này. Sự kiện đó khiến cho Luật sư Horn nhớ lại án lệ Brady chống tiểu bang Maryland năm 1963. Theo đó Tối Cao Pháp Viện cấm tuyệt đối việc chính phủ giữ kín, không cho phổ biến những tin tức có thể giúp biện hộ cho bị cáo.
Trong một đơn kiện đòì bồi thường dân sự chú trọng vào cách hỏi cung dã man, văn phòng luật sư Horn đòi thưa các thám tử liên hệ đến việc truy tố Hood. Khi thám tử John Halloran, bạn đồng sự của Boudreau được hỏi là ông có đánh Washington trong lúc thẩm vấn hay không, Halloran trả lời: “Tôi xin được từ chối trả lời, viện dẫn Tu Chính Án thứ Năm của Hiến Pháp.”. Tuy nhiên, ông Boudreau lại nói với văn phòng luật sư Horn khác: “Tôi không phải là Bố Già Michael Corleon. Tôi không cần dùng đến Tu Chính Án số Năm.” (Thực ra, ông ta bị bác khước không cho dùng Tu chính án số 5 hồi năm 2005).
Luật sư Russell Ainsworth, một thành viên trong tổ hợp Loevy & Loevy, hỏi ông Boudreau ông có nắm cánh tay Jody Rogers, và bẻ tay nó không. Boudreau trả lời rằng: “ Có thể tôi ấn cái còng số tám vào tay nó. Muốn còng tay người nào, mình phải bẻ cánh tay y ra sau. Tôi không hiểu khi ông dùng chữ vặn cánh tay, là ông muốn ám chỉ điều gì?”.
Luật sư Ainsworth hỏi tiếp: “Thế ông có xô nó vào tường không?”. Boudreau bèn hỏi lại “Ông định nghĩa thế nào là xô, là ấn. Chữ “push” có nhiều nghĩa lắm…”
Boudreau hiện làm Thượng Sĩ Thường Vụ phụ trách trông nom tổng quát chương trình bài trừ băng đảng ở các trường trung học. Gần đây tôi có dịp gặp ông tại nhà hàng Bridgeport, một khu Da Trắng Ái Nhĩ Lan ở vùng South Side. Chúng tôi ăn uống qua loa, chỉ có miếng bánh táo, ly cà phê, dùng đĩa giấy. Một cơn gió luà thổi ập vào của nhà hàng, lạnh ớn xương sống. Khi tôi vừa bấm nút máy thu âm. Ông ta vội vàng chặn tôi: “Xin ông đừng ghi âm buổi nói chuyện tối nay.”.
Ông nói với tôi rằng những lời tố cáo bảo rằng tôi đã đánh đập, hay ép cung người bị thẩm vấn là “chuyện ngớ ngẩn, không khá được.”. (Nhiều năm trước đó, trong một văn kiện chính thức, Boudreau từng nói rằng từ ngữ “dùng bạo lực qúa đáng” chỉ có ý nghĩa tương đối. Có thể đối với người thường thì có vẻ như mạnh tạy, nhưng đối với bọn tội phạm thì nhằm nhò gì.). Trong một văn thư công chính năm 1992, một người bị kết tội sát nhân tên là Kilroy Watkins than rằng trong lúc hai thám tử Boudrau và Holloran thẩm vấn, y bị cột bằng còng số tám vào một khoen sắt gắn ở tường, và thám tử Boudreau bóp cổ đánh y hết sức tàn nhẫn cho tới khi y phải ký vào một lời khai gian dối. Năm 2000, một tội nhân khác, bị kết tội sát nhân tên là Jaime De Avila khai trong một bản khai hữu thệ, nói rằng Boudreau hăm doạ sẽ dựng ra câu chuyện một thằng mọi Đen (nigger) có mặt ở phạm trường. Thằng mọi đó sẽ khai là đã lái De Avila trên chiếc xe của nghi can. Boudreau nói đi nói lại nhiều lần: “Mày sẽ ngạc nhiên về những gì thằng mọi đó sẽ làm.”. Boudreau thường lên mặt thầy đời chửi rủa tội nhân: “Chúng mày phải sớm học cái thói kính nể cảnh sát ngang với Đức Chúa Trời. Chớ bao giờ tỏ ra vô lễ với Bố chúng mày. Coi thường cảnh sát tức là coi thường Chúa.”.
Boudreau chối, không nhận đã nói những lời hăm doạ thô bỉ như vậy, ông nói: “Ông cứ thử đặt câu hỏi mà xem, vì sao có những lời tố cáo như vậy? Chúng xuất phát từ trại cải huấn mà ra.”.
Trong hai thập niên vùa qua, thành phố Chicago đã phải tốn khá bộn tiền về chi phí luật pháp liên quan đến những vụ án do ông Boudreau thẩm vấn. Năm 2011, thành phố phải bồi thường $1 triệu 250 ngàn để giải quyết vụ án Harold Hill. Người tội nhân này được xoá án nhờ thử nghiệm DNA, sau khi y bị Boudreau gán cho tội hiếp dâm, giết người bằng lời thú tội gian dối. Khi được hỏi ông nghĩ sao về vụ án của Hill ông Boudreau vẫn tin rằng Hill là kẻ có tội. Ông tin lời khai của y là đúng, và ông cảm thấy tức tốí khi tên tội phạm này được thong thả bước ra khỏi nhà tù.
Ông Boudreau còn nói rằng những tổ hợp luật sư “cà chớn” như tổ hợp Loevy & Loevy đã giúp tạo ra cả một ngành kỹ nghệ làm tiền bằng những lời tố cáo sai. Về sau, tôi nói chuyện với ông Martin Preib, một cảnh sát viên ở Chicago, và là một tác giả viết sách về toà án, hình sự. Ông nói rằng ông Boudreau bị một số tổ hợp luật sư xấu bụng dùng làm mồi câu để kiếm tiền bồi thường. Ông Preib gọi ông Boudreau là “một điều tra viên tài ba hiếm có.” Và các tổ hợp luật sư “đã chôn vùi tên tuổi của một cảnh sát viên xuất chúng.”.
Sở Cảnh Sát Chicago thường bị tố cáo là từ chối không chịu nhìn nhận họ có nhiều vấn đề xấu trong nội bộ Sở. Cách đây hai năm, một cô gái bán rượu kiện thành phố đòi bồi thường sau khi một cảnh sát đã đánh cô ta ngoài giờ công vụ, ngay tại tiệm rượu nơi cô làm việc. Cảnh sát dùng qui luật “im hơi lặng tiếng” để che dấu tội cho nhau, khiến cho cuộc điều tra về hành vi xấu của người cảnh sát không thể tiến hành được. Một bồi thẩm đoàn quyết định bồi thường cho cô ta $850,000 để dàn xếp nội vụ.
Tại bữa ăn tối với tôi, ông Boudreau phân trần: “Tôi có thể nói với ông bạn chuyện gì sẽ xảy ra. Tổ hợp Loevy & Loevy muốn giúp Hood được đem ra xử lại. Tiểu bang họ không nghe, tên Hood sẽ tiếp tục tranh đấu, và tổ hợp Loevy & Loevy sẽ thưa tôi ra toà.”. Ông ngừng nóí để uống một ngụm cà phê. “Tôi biết rằng mọi người chúng ta khi chết, sẽ lên Thiên Đàng hay xuống Điạ Ngục. Tôi tin rằng tôi sẽ là người đứng ở cánh cửa của Thánh Phê rô cùng với một số nạn nhân bị giết oan đứng ở bên tay trái, và một số tên giết người đang xin Chúa tha tội, đứng ở bên tay phải. Và tôi biết chắc tụi làm việc cho tổ hợp Loevy & Loevy sẽ đi thẳng xuống Điạ Ngục vì chúng làm chuyện tồi tệ khi còn trên dương thế. Chúng nó gọi đó là danh dự, song thực ra chúng đang giúp những tên tội phạm được tự do ra đi.”.
Chúng tôi bàn luận về một câu nói mà Hood khai trong lúc bị thẩm vấn. Y nói: “Nếu tôi không nói điều gì để gỉải thích, tôi sẽ ngồi tù rất lâu. Nếu tôi đồng ý khai chuyện gì đã xảy ra, tôi cũng ở tù.”. Tại phiên toà, ông biện lý nhắc đi nhắc lại câu này nhiều lần để chứng tỏ rằng tên Hood mặc nhiên thú nhận y có tội. Hood chối, y cả quyết không hề nói câu đó.
Ông Boudreau hỏi tôi: “Như vậy tức là tôi đã biạ đặt câu nói này?”. Ông cười mai mỉa: “Tôi mong rằng tôi đã biạ ra câu đó. Nhưng nói thật với ông, nếu tôi biạ đặt, tôi sẽ biạ đặt hay hơn câu đó nhiều.”.
MỘT BUỒI SÁNG THÁNG TÁM NĂM 2007, Hood được đưa lên xe buýt của nhà tù đưa lên vùng phía bắc. Văn phòng Bộ Tư Pháp tiểu bang ra chỉ thị cho gọi y lên Chicago để phỏng vấn. Vài ngày sau, y ngồi trước mặt hai biện lý công tố. Một ông mở tập hồ sơ trưng ra, Hood trông thấy tấm hình một người y đã nhận diện trong phiên xử trước. Đó là tấm hình của Marshall Morgan Sr. Ông biện lý giải thích với Hood rằng tên Morgan sắp phải ra toà về tội giết chết người bạn gái tên là Deborah Jackson.
Nội vụ làm cho người ta nhớ đến cái chết của người bạn, người hôn thê, và đứa con trai của y. Ngày 8 tháng Chín năm 2001, Morgan Sr. cãi nhau với người bạn gái về chuyện ngăn tủ trong nhà bếp. Nửa chừng, y phải đi làm ở trường tiểu học Barton Elementary School, khu South Side. Vài phút sau, cô Jackson lái xe đến trường, trông thấy Morgan đang quét rác, gọi hắn ra. Hắn chui vào trong xe của Jackson. Hai người tiếp tục cãi nhau, cô Jackson lái xe. Sau khi đi được vài dậm, cô Jackson ngừng xe lại, Morgan Sr bước ra ngoài. Cô Jackson cũng bước ra khỏi xe, và đi bộ theo hắn. Hắn nhớ rằng sau đó cô ta tát vào mặt hắn, và hắn “đẩy cô ta ngã xuống”.
Cái bóp của cô Jackson tuột khỏi vai, rơi xuống đất. Theo Morgan Sr. kể thì lúc đó một khẩu súng ở trong bóp rơi ra ngoài, lẩy cò, phát nổ. Hắn chụp lấy khẩu súng, sau vài giây dằng co, hắn lấy được súng và bóp cò. Viên đạn cắt ngang cùi chỏ, và ghim vào ngực cô ta. Hắn bắn thêm phát nữa trúng bụng cô. Khi điều tra viên hỏi vì sao hắn bắn cô ta những hai lần, hắn trả lời có lẽ vì “giận quá, mất khôn.”.
Morgan Sr cho biết phát đạn không làm cô Jackson chết ngay. Khi hắn mở thùng xe để ném xác cô vào trong, hắn thấy cô đưa tay quơ cào trong không khí. Trong lúc cô ra máu rất nhiều, hắn tỉnh bơ lái xe trở lại trường học quét dọn tiếp cho hết giờ làm việc. Sáng hôm sau, hắn dời xe của cô Jackson đi nơi khác, và lấy khẩu súng. Cuối cùng, hắn ném khẩu súng xuống hồ Michigan.
Một tuần sau người ta tìm thấy xác của cô Jackson, và cảnh sát thẩm vấn Morgan Sr. Trong mấy ngày đầu, hắn chối tội giết người. Nhưng rồi cuối cùng hắn thú tội trong một lời khai được ghi âm. Hắn nói với cảnh sát: “Tôi muốn lương tâm được thanh thản.”.
Hood lắng nghe hai người phụ tá bộ tư pháp tiểu bang trình bầy vụ án. Hắn nghĩ rằng họ sẽ đi đến kết luận cho rằng Morgan Sr đã giết cô bạn gái, vì thế đó là bằng chứng cho thấy hắn không thể giết con trai của hắn được. Nhưng rút cuộc, họ không đi đến kết luận như vậy, trái lại họ hỏi Hood có được Morgan thuê để giết đứa con trai của y hay không. Hood trả lời rằng: “Tôi chưa bao giờ gặp người cha, cũng như gặp người con.”. Sau đó, họ hỏi chuyện Hood, có ý muốn Hood buộc y nhận tội làm kẻ giết mướn. Hôm sau, hắn lại được đem trả về nhà tù ở phía nam. Năm 2008, Morgan Sr lãnh án tù 75 năm về tội giết cô Jackson. Morgan Sr. từ chối không cho chúng tôi phỏng vấn.”.
Luật sư Gayle Horn, người nhận lời biện hộ cho Hood, nói với tôi rằng vì cố ý chọn sai thủ phạm, ông Boudreau và các thám tử khác đã thả lỏng một tên giết người, để nó được tự do ở ngoài. Luật sư Horn kết luân: Morgan Sr thực chất là một tên đa sát, serial killer. Lẽ ra nó phải bị bắt để truy tố từ năm 1993. Nhưng thay vào đó, nó ở ngoài vòng pháp luật, và giết thêm hai phụ nữ khác.”.
THÁNG HAI NĂM 2011, ÔNG RAHM EMANUEL đắc cử Thị Trưởng thành phố Chicago. Ông chính thức ngỏ lời xin lỗi về những chiến thuật cảnh sát bị lạm dụng khi điều tra. Ông gọi những hành vi đây là “một chương sử tăm tối” trong lịch sử của Chicago. Ông nói: “Chúng ta không phải là những con người xấu xa như thế.”. Cùng lúc đó, chính quyền tiểu bang Illinois thành lập một Ủy Ban Điều Tra và Sửa Sai Tệ Nạn Đánh Đập Hành Hạ. Ủy ban này sẽ cưú xét lại đơn xin xét sử của khoảng một chục tù nhân, từng bị thám tử Jon Burge thẩm vấn. Ông này bị sa thải vì tội “bạo hành, đánh đập nghi can.”. (Năm 2010, Burge lãnh án về tội khai gian, và cản trở công lý. Mặc dù lúc đó chánh án đã trưng ra “cả núi bằng chứng” về hành vi tàn bạo của ông ta.). Quận hạt Cook County vội vã cho trả tự do rất nhiều tù nhân bị xử oan. Tổng số tù nhân được trả tự do nhiều nhất trên toàn quốc. Nhưng liệu số tù nhân được trả tự do như vậy đã đủ hay chưa? Phải chăng vẫn còn một số tù nhân đáng được hưởng tự do?.
Trong một bài diễn văn đọc hồi tháng Hai năm 2012, bà Anita Alvarez, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Illinois nói rằng: “Việc làm của tôi không phải chỉ nhằm kết tội bừa bãi. Việc của tôi là đi tìm công lý – dù cho việc đi tìm công lý đó có thể đưa đến sự việc là chúng tôi phải thừa nhận đã phạm phải lỗi lầm trong quá khứ.”. Báo hiệu trước sẽ có sự thay đổi trong triết lý của Bộ, qua việc thành lập Đơn Vị Truy Tố Chính Đáng, để đảm bảo rằng: “chỉ truy tố đúng kẻ có tội mà thôi” ngay tại Quận Hạt Cook. Phát ngôn nhân của bà Bộ trưởng, bà Sally Daly nói với nhật báo Tribune họ sẽ bắt đầu cải tổ bằng việc xem xét lại vụ án của Hood.
Ba tháng sau, phụ tá Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang là ông James Papa đặc trách trông coi đơn vị điều tra, đích thân đến nhà tù ở đông nam Illinois để phỏng vấn Jody Rogers. Lúc đó tay này đang ngồi tù vì tội ăn cướp. Rogers nói với ông Papa về Hood như sau: “Tên đó (Hood) nó không làm chuyện giết người.”. Rogers còn nói rằng hắn sợ cảnh sát quá nên khai đại như vậy. Y tiếp tục khẳng định y không hề biết chút gì về chuyện giết người. Rogers nói về Hood như sau: “Hãy thả nó ra khỏi nhà tù.”. Ông Papa và các điều tra viên lái xe đi Michigan để tìm cách nói chuyện với Washington. Nhưng Washington từ chối nói chuyện nếu không có sự hiện diện của luật sư, ông Papa không tiếp tục theo dõi tiếp sự việc này. Ông Papa và các điều tra viên bay đi Florida để hỏi cung Emanuel Bob - kẻ đã khai rằng y trông thấy Hood ngồi trên xe vào buổi tối, khi y đứng cách xa khỏang 100 feet. Bob vẫn tiếp tục giữ vững lập trường: “Không ai có thể đặt điều cho tôi nói.”. (Theo chương trình Innocence Project, gần ba phần tư những vụ truy tố đều sai, sau khi có những bằng chứng do xét nghiệm DNA. Lý do, cảnh sát đã lấy lời khai bố láo từ nhân chứng.).
Tại toà án hình sự của Quận Hạt Cook, ông Papa phỏng vấn Hood. Y nói với ông rằng trước ngày y bị bắt, y thường chỉ uống bia hiệu Miller hay rượu rum. Y mô tả đã bị hai thẩm vấn viên Boudreau và Halloran hăm doạ, và quần thảo đến mềm người. Hood nói còn một thẩm vấn viên khác nện báng súng vào y và quất y năm roi. Ông Papa hỏi có bao giờ Hood gặp Morgan Sr chưa. Y trả lời: “Chưa bao giờ gặp người này.”.
Hai tháng sau, ông Papa đi gặp Morgan Sr ở nhà tù Stateville cách Chicago 40 dậm. Y nằng nặc nói rằng y không hề giết con trai của y. Hắn nói: “Ông có thể nghĩ sao về con người của tôi cũng được.Tôi đếch cần. Trong lúc này tôi đành an phận với hoàn cảnh của mình.”. Hắn cũng chối, nói rằng hắn không hề gặp khó khăn về tiền bạc trong thời gian đó. Hắn còn bảnh choẹ nói rằng hắn đem tiền chia cho những người cần giúp đỡ. Y nói y mua bảo hiểm nhân thọ cho cậu con trai Morgan là do lời yêu cầu của mẹ cậu ấy, tức bà Marcia Escoffery. Hỏi thăm bà Escoffery về điều này. Bà bỉu môi :”Dóc tổ! Đừng tin nó.”. Morgan Sr nói với ông Papa: “Các ông đã bắt trúng thủ phạm rồi đó. Đừng thắc mắc làm chi nữa.”.
Một năm sau ngày bà Alvarez thành lập Đơn vị Conviction Integrity Unit, ông Papa ra trước toà trình bầy cho chánh án rõ tất cả những gì ông tìm hiểu được trong vụ của Hood. Ông không đề nghị lật ngược phán quyết cũ, cũng không gỉải thích lý do vì sao.
QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TƯ PHÁP làm cho các luật sư bênh vực cho Hood và cô Santek chưng hửng, không biết tin tưởng vào đâu. Cô Santek đệ đơn xin Freedom of Information (Quyền tự do thu thập thông tin) để lấy ra kết quả điều tra, và phương pháp làm việc của Conviction Integrity Unit. Một tuần sau, cô nhận được một lá thư của Unit cho biết họ “không có tài liệu nào để trả lời thơ yêu cầu của cô”. Họ cũng nhấn mạnh một điều là không hề có văn kiện chính thức nào về việc thành lập hay hoạt động của Conviction Integrity Unit.
Luật sư bênh vực cho Hood thỉnh nguyện ông Richard Brzeczeck, cựu chỉ huy trưởng trường Cảnh sát Chicago, xin ông cho một bản sao cuộc phỏng vấn ông Papa hỏi Hood. Thỉnh nguyện thư này không hề đề cập đến Conviction Integrity Unit. Ông Brzeczek nhận xét về cuộc phỏng vấn của ông Papa với Hood là “phiến diện, có tính chất mầu mè, chỉ nhằm sửa chữa lỗi một cách cẩu thả.”. Cuộc phỏng vấn đã bỏ sót không xoay mạnh đến điểm Morgan Sr bị kẹt về tiền bạc, cũng như sự tương đồng trong những cái chết của bạn y, con y, cô hôn thê, và cô bạn gái. Tất cả đều bị bắn chết bằng súng, xác vứt trong xe, rồi mới đem đi quăng. Ông Brzeczek kết luận rằng tội nhân Hood “đáng được đem ra xử lại.”.
Trong nhiều năm qua, ông Brzeczek quan sát để theo dõi Văn Phòng công tố Quận Hạt Cook trong cuộc chiến đấu bài trừ một số phần tử xấu, nhưng họ đã thất bại.Theo ông phần lớn những cố gắng làm sạch guồng máy chỉ có tính chất vá víu, theo nhu cầu chính trị, chứ không gột rửa sạch những gì cần loại trừ.
Giáo sư luật khoa của đại học Chicago, ông Craig Futterman, một thành viên trong Ủy Ban Điều Tra và Sửa Sai Tệ Nạn Hành Hạ, Đánh Đập nói với tôi rằng văn phòng công tố Quận Hạt Cook vẫn giữ lập trường bênh vực những thám tử lạm quyền, đánh đập tội nhân vì họ sợ rằng khui hồ sơ ra, sẽ có rất nhiều nghi can được đem ra xét sử lại, tốn kém vô cùng, chưa kể là còn phải bồi thường cho những người này để giải quyết êm thắm nội vụ.Giáo sư Futterman nói có đến 80% sĩ quan cảnh sát ở Chicago bị dân chúng gửi thư than phiền về thái độ tàn bạo của họ. Hồ sơ tại toà án cho thấy trong năm 2012, có 38 vụ than phiền về thái độ bạo ngược của thẩm vấn viên Boudreau. Giáo sư Futterman cho rằng việc làm của Conviction Integrety Unit chỉ có tính cách chiếu lệ, chẳng ra tích sự gì, nặng tính chất “ngoại giao” để trấn an dư luận.
Ông Papa từ chối bình luận về những nhận xét tiêu cực đối với đơn vị ông đang trông nom. Bà Sally Daly, phát ngôn nhân của đơn vị, biện bạch rằng: “Chẳng nên chỉ vì vụ án Hood mà vơ đũa cả nắm. Có tất cả khoảng 12 cá nhân được phỏng vấn liên quan đến vấn đề mở lại cuộc điều tra.”. Theo bà Sally Daly từ năm 2012 đến nay, văn phòng đã thẩm định lại được 9 trường hợp bị truy tố oan, và còn đang cứ xét hàng trăm hồ sơ khác nữa.
Một biện lý công tố trước đây từng kết án Hood, bây giờ ông là phụ tá văn phòng biện lý tiểu bang. Tên ông ta là Kurt Smitko, cũng có mặt trong nhóm duyệt xét lại hồ sơ vụ án liên quan đến Hood. Tôi đặt câu hỏi như thế có xảy ra vấn đề “mâu thuẫn quyền lợi” hay không. Bà Daly nói với tôi rằng không có gì là mâu thuẫn cả. Ông Smitko đã cùng với ông Papa phỏng vấn bà Marcia Escoferry. Ông tạo được sự tin tưởng nơi bà Escoferry. Mọi chuyện đều diễn tiến rất tốt đẹp.
Tôi đến thăm bà Escoffery vào một đêm tuyết rơi trong tháng Giêng. Bà và người em gái, Sharon Murphy mời chúng tôi vào phòng khách. Ở đó có cây đàn piano loại baby grand, khá lớn, nhiều cây cảnh rất đẹp, trông ra cửa sổ lớn, nhìn ra ngoài đường tuyết phủ trắng xoá. Hôm đó là ngày sinh nhật của Morgan, cậu con trai của bà bị sát hại cách đây 18 năm. Bà than thầm: “Lạy Chúa tôi, nếu thằng bé còn sống thì giở này nó được 41 tuổi.”. Mắt bà nhòa lệ. “Hôm nay trời nhiều tuyết quá, tôi ra ngoài không được. Lẽ thường ra, tôi thường đi ra mộ của cháu, đem theo sáu lon bia để viếng mộ, và khấn nguyện cho cháu.”.
Tôi hỏi thăm hai bà có nghĩ rằng ông Morgan Sr có dính líu đến cái chết của con trai bà hay không? Bà Murphy trả lời: “Nói một cách hợp lý thì nếu kẻ nào lấy tiền bảo hiểm nhân thọ của cháu trai tôi, kẻ đó ắt hẳn phải có một mưu đồ gì đó.”
Bà Escoffery nhìn xuống sàn nhà, gật gù đồng ý. Theo dõi diễn tiến vụ án liên quan đến Hood cách đây 18 năm, bà tin rằng Hood có tội. Nhưng bà cũng không loại trừ khả năng Morgan Sr dính líu đến vụ án này. Bà nói: “Lão ta không thèm nhìn mặt đứa trong suốt 17 năm, khi không lại xuất hiện, và mua bảo hiểm nhân thọ cho thằng nhỏ. Biết đâu hắn chả giết con để lấy tiền bảo hiểm. Nếu qủa thực hắn giết con vì tiền, hắn đáng bị trừng phạt. Giết cha nó đi…Nếu người ta có thể chứng minh hắn đã giết con của tôi, đưa súng cho tôi, tôi sẵn sàng bóp cò để giết nó.”.
MỘT BUỔI SÁNG THÁNG TƯ, chị Santek đang ngồi trong bãi đậu xe với đứa con gái bên ngoài nhà tù Menard. Chị đang sửa lại mái tóc, nhìn vào kính chiếu hậu của chíếc xe hơi chị thuê. Chị và cô con gái, cháu Nyasia, bước ra khỏi xe, tiến về phía cửa đi vào văn phòng. Cháu Nyasia năm nay được 13 tuổi, có mái tóc cong tít, từng theo mẹ vào thăm Hood trong nhà tù vài lần. Cô bé vẫn nói chuyện với Hood bằng điện thoại, và con Hood như người cha dượng. Sau khi chị Santek ký tên vào sổ thăm viếng, người phụ nữ phụ trách an ninh khám xét sơ thân thể hai mẹ con, và cho hai người vào ngồi chờ Hood.
Hood bước vào phòng tiếp khách, không bị mang còng tay. Cô bé Nyasia muốn nhảy lên ôm lấy cánh tay của Hood. Hai người ôm lấy nhau, và Hood hôn lên trán cô bé. Chúng tôi được chỉ định ngồi trên nhũng chiếc ghế đẩu xếp vòng quanh một cái bàn bằng sắt. Hood ngồi xuống một chiếc ghế, đối diện với người cai tù. Trên kệ của sổ có nhiều cây nha đam.
Hood ngỏ lời xin một ly nước. Sáng hôm đó nhà tù khóa ống nước vì một sự kiện xảy ra ngoài ý muốn. Người gác tù miễn cưỡng gật đầu, làm theo yêu cầu của Hood. Trong khi thăm Hood, chị Santek thèm thuốc lá qúa, cứ phải xin phép ra ngoài hút thuốc hai ba lần. Chị chữa thẹn: “Khi nào tôi bị stress, tôi lại cần đến thuốc lá.”.
Hood vội vàng trấn an: “Điều này không làm cho anh bớt yêu em.”. Anh ta nheo mắt nhìn Santek, và đưa bàn tay vuốt ve bàn tay chị.
Nếu không có gì xảy ra, đến năm 2030, Hood có thể được tại ngoại với qui chế tạm tha- parolee. Khi đó, anh sẽ được 67 tuổi, và chị Santek cũng khoảng bảy chục. Luật sư của anh hy vọng sẽ giúp anh ra tù sớm hơn nhiều. Năm 2009, hai luật sư Gayle Horn và Karl Leonard đệ đơn thỉnh nguyện xin cứu xét lại bản án cũ cho Hood với lý do: những bằng chứng buộc tội anh vô căn cứ, và vị sĩ quan thẩm vấn có một “lịch sử rất dài về tư cách xấu.”. Hơn thế nữa, Morgan Sr, với án tích mới nhất là “ bằng cớ hiển nhiên chứng tỏ Morgan Sr sẵn sàng biết bạn bè, người thân yêu để lấy tiền bằng cách bắn chết những người này…và để thân thể của họ trần truồng một nửa, hay hoàn toàn, chờ chết ở bên trong, hay bên cạnh chiếc xe hơi bỏ phế.”.
Bản thỉnh nguyện kê khai một số yếu tố như: Morgan Sr có một “kiểu giết người” độc đáo chỉ mình hắn làm, điều này chứng tỏ Hood vô tội. Yếu tố thứ hai là thái độ rất xấu của người cảnh sát thẩm vấn. Yếu tố thứ ba là cảnh sát đã thuê tiền cho anh của Jody Rogers làm thầy dùi cho nó khai láo. Chánh án Neera Walsh cho phép điều trần về vụ cảnh sát cho tiền người ngoài để giúp khai gian. Nhưng ông toà này bác bỏ hai yếu tố còn lại. Ông nói rằng lý luận về “kiểu giết người” của Morgan Sr không có căn cứ cụ thể, và thái độ hành xử xấu của cảnh sát không thể làm cơ sở để cho rằng Hood vô tội. Ngày điều trần về việc cảnh sát cho tiền người làm nhân chứng chưa được ấn định.
Bộ tư pháp tiểu bang cũng ra lệnh điều tra về chất sợi giống như tóc người ta, dính trong băng keo tìm thấy trong thùng xe hơi của Morgan Sr. Y nói đó là lông con chó con mà cô con gái của Michelle Soto nuôi. Đến tháng Năm kết quả giảo nghiệm cho thấy đó là lông hay tóc của một phụ nữ. Luật sư Horn hy vọng ông chánh án sẽ cho điều trần về sợi tóc này.
Hood ngồi lặng thinh trong phòng thăm viếng. Anh tỏ ra vô cảm khi thấy số phận của anh hoàn toàn đặt vào sự chuyên đoán của các quan toà Quận Hạt Cook, và các biện lý ở đây. Trong chuyến viếng thăm trước đây, tôi hỏi anh có tức giận không?
Anh trả lời: “Tức lắm chứ! Ngày nào tôi cũng tức giận. Ông nghĩ lại coi, hai mươi mốt năm tù, dài lắm. Ở đây chỗ nào cũng tham nhũng.”.
Hood biết ở nhà tù Menard có bốn tù nhân được xoá án vào năm 2010, và được trả tự do về nhà. Anh nói với tôi: “Mắt tôi trông thấy người ta được trắng án, và được trả tự do. Còn tôi, tôi có tội gì? Mọi bằng chứng đều chứng minh cho thấy đứa khác làm nên tội. Chì có vài dấu tay vớ vẩn rồi đem buộc tội cho tôi. Oan cho tôi quá.”. Anh có cảm tưởng công lý là một trò chơi may rủi giống như xổ số. Anh mắc phải số con rệp, nên dính vào tù. Anh hậm hực rủa thầm: “Tôi làm gì nên tội? Khổ thân tôi chưa!!.”
Phóng sự điều tra của Nicholas Schmidle trên The New Yorker ngày 4/8/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch