GIAI ĐIỆU PHÙ TRẦM
Thay đổi trang: << < 313233 > >> | Trang 32 của 58 trang, bài viết từ 466 đến 480 trên tổng số 867 bài trong đề mục
thiên thanh 26.12.2013 00:56:39 (permalink)
0


               

 

phù trầm giai điệu tiết đông miên
dzuylynh tạp kỹ với bạn hiền
tri âm tri kỷ hàn huyên quán
chúc Giáng Sinh bình an thế gian

  * * *
 
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=oLorJk8SBj0[/YouTube]
thiên thanh 27.12.2013 04:59:28 (permalink)
0
 
NGỌN NẾN LUNG LINH
Nguyên Nhung
 
1-
Tôi không nhớ được mùa Giáng Sinh năm ấy tôi bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chỉ độ lên mười. Có lẽ đó là một mùa Giáng Sinh khá buồn và ảm đạm vì các anh chị tôi đi làm, đi học xa không về được, ở nhà quạnh quẽ chỉ còn hai mẹ con. Thời thơ ấu, tôi thèm lắm những bóng đèn xanh đỏ chớp nháy trên cây Giáng Sinh, một hang đá bằng giấy quết mực đen với những tượng Thánh xinh xinh bằng đất nung. Nhưng mộng ước ấy xa vời lắm đối với một đứa trẻ mười tuổi quá bé bỏng, trong lúc mẹ tôi xoay sở lo cho các con cơm ăn áo mặc đã vất vả, thời buổi ấy quả là một gánh nặng nhọc nhằn, trên đôi vai bé nhỏ của người đàn bà góa bụa.
 
Là một đứa trẻ con, nhưng dường như ông Trời đã cho tôi một tâm hồn khá nhạy cảm để âm thầm tìm niềm vui cho mình từ những nhỏ nhoi nhất. Bởi vậy, đêm Giáng Sinh năm ấy dù không có đèn sao nhấp nháy, những trái châu xanh đỏ, nhưng tôi đã biết dùng những chiếc kẹo đủ màu để treo lên nhánh cây dương xỉ nhặt được trong khu nhà thờ, khi người ta đến đó trang hoàng hang đá cho mùa Giáng Sinh. Duy nhất một ngọn nến trắng bập bùng, ánh sáng lung linh hắt lên tường bóng một cành cây và một bóng người. Ngọn nến trắng đêm ấy đã làm cho cành cây và cái bóng của đứa trẻ thơ như lớn hơn, in lên tường chập chờn một giấc mơ tuyệt vời ấm áp. Tôi không nhớ được hết cảm giác đó vì thời gian qua đi khá lâu, nhưng cảm nhận về ngọn nến trắng thời thơ ấu đã giúp tôi vượt qua nhiều nỗi buồn, mỗi khi lẻ loi, thất vọng, tôi vẫn cứ nhớ hoài ngọn nến trắng mùa Giáng Sinh năm tôi mười tuổi. Tôi còn nhận được một món quà đặc biệt của bà hàng xóm, bạn của mẹ tôi, cho đến bây giờ dù thời gian qua đi mấy chục năm, tôi vẫn hình dung ra được hình dáng và mùi vị của nó: một củ khoai lang nướng.
 
Món quà Giáng Sinh nghèo nàn của bà hàng xóm quê mùa thật vừa bụng tôi lắm, dù rằng mẹ tôi có làm vài món ăn đặc biệt cho ngày Lễ. Tôi mơ màng nhìn ngọn nến lung linh soi lên cây Giáng Sinh của tôi, cứ gọi như vậy vì nó là niềm vui có thể làm được của một đứa trẻ con mười tuổi, củ khoai nướng gói trong mảnh lá chuối còn nóng hổi, mùi mật ngọt của khoai bốc lên thơm lừng, mùi rơm rạ hình như còn ủ trong lớp vỏ khoai cháy xém. Nụ cười trìu mến trên khuôn mặt hiền lành của bà hàng xóm, khi đưa cho tôi món quà Giáng Sinh nghèo nàn ấy. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ khuôn mặt quê mùa, chân thật của bà, củ khoai lang nướng đêm Giáng Sinh ngày thơ ấu đã theo tôi vào đời. Khi trưởng thành, những lúc bụng đói mắt cay, đời gặp lúc gian nan, buồn tủi, tôi cũng nhớ củ khoai nướng, nhớ mùi khoai lang nướng. Khi sung sướng hạnh phúc ở quê người, đời no đủ những cao lương mĩ vị, tôi cũng nhớ mùi vị củ khoai nướng. Phải chăng trong tôi vẫn vấn vương thứ TÌNH NGƯỜI nhỏ nhoi ấy, không thể mua được bằng tiền. . .
 
2-
Tôi yêu đóm lửa ngọn nến trắng từ hồi còn thơ ấu, chắc là ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm xưa cũng đi theo tôi đến những chặng đường còn lại của đời người. Có một câu chuyện tôi sắp kể ra đây, đó là câu chuyện của ông cụ Rôbéctô tôi có dịp gặp ở ngôi nhà nguyện. Mỗi ngày, sau Thánh Lễ buổi sáng, mọi người đã lục tục ra về, ngôi nhà nguyện đóng kín cửa như chìm trong yên lặng và bóng tối, chỉ còn lại duy nhất một ngọn nến trắng trên bàn thờ. Ánh nến hắt lên tường những chấm sáng lung linh, soi lên bức tượng Đức Mẹ bồng con bằng thạch cao trắng toát. Nến trắng và tượng trắng, tất cả chỉ là một màu trắng nhưng nghe trong thinh lặng chút bình an tràn ngập tâm hồn.
 
Tôi ngồi lại một lúc giữa những hàng ghế chỏng trơ không còn ai, nhìn chăm chăm lên ngọn nến. Tôi ở lại một mình chỉ vì thích đóm lửa nhỏ nhoi của ngọn nến, say sưa nhìn đóm lửa nhỏ lay lắt tỏa ánh sáng hắt hiu xuống chiếc khăn trải bàn cũng màu trắng, trong cái tĩnh lặng của tâm hồn. Tôi không cầu nguyện gì đâu, nhưng cảm giác bình yên khi nhìn ánh sáng của cây nến trắng đã rất đủ. Chắc hẳn trong mỗi đời người ai cũng có lúc thèm sự yên tĩnh của tâm hồn. À không, ở dãy ghế bên kia còn một ông già Mễ Tây Cơ, ông vẫn quỳ im lặng nhìn lên ngọn nến như tôi vậy, nhưng khác hơn là miệng ông mấp máy cầu nguyện. Mặt ông héo quắt với chòm râu bạc, đôi mắt đăm đăm nhìn lên ngon nến, nét mặt thành khẩn như đang cố bám lấy một niềm hy vọng nơi bức tượng Thánh trên bàn thờ.
 
Buổi sáng nay đi ngang công viên để đến nhà nguyện, tôi đã nhìn thấy mùa Đông trở về, một rừng lá vàng khô xôn xao đuổi nhau lăn xuống cuối dốc, trơ lại những nhánh cây khô, treo trên đó là những thân tầm gửi đang đong đưa theo gió sớm. Buổi sáng đầu mùa Đông mang theo chút giá buốt, khu công viên chỉ lác đác dăm người đi bộ, và những cây hoa dại có một sức chịu đựng dẻo dai, nở những bông hoa li ti trên bờ cỏ ven đường.
 
Khi ngọn nến tàn là lúc ấy tôi với ông già Mễ cũng ra khỏi ra nguyện. Ánh sáng leo lét của ngọn nến cháy bập bùng rồi gần như lả xuống trong lòng chiếc bình thủy tinh trong suốt, y như cái ngoẹo đầu cuối cùng của một người khi từ giã cõi đời. Ông già Mễ mỉm cười chào tôi trước sân nhà nguyện, ở đấy có một vườn hoa nhỏ và hai băng ghế dài đặt song song đối diện nhau. Có khi tôi cũng ngồi lại một chút để nhìn vẩn vơ lũ chim sẻ đang nhảy nhót trên sân tìm mồi, bỗng đồng loạt bay ào lên khi thấy có bóng người bước tới. Đôi khi tôi và ông Rôbéctô hay trao đổi vài câu chuyện nhỏ, cái miệng móm mém của ông phều phào kể cho tôi nghe những nỗi buồn nho nhỏ trong gia đình, ông hay đi nhà thờ để cầu nguyện cho đứa cháu đang đi lính ở phương xa.
 
Khi biết tôi ở lại một mình cũng chỉ vì thích ánh sáng lung linh của ngọn nến trắng, và câu chuyện mùa Giáng Sinh thời thơ ấu, ông RôBécTô cảm động lắm. Đôi mắt ông hấp háy, nhòa ướt qua giọng nói khàn khàn ẩm đục. Mùa Giáng Sinh đến, trời bắt đầu lạnh hơn, tôi có ý nghĩ chuẩn bị một món quà cho ông bạn già vong niên trước ngày Lễ Giáng Sinh. Có gì đâu, tôi lại nhớ đến củ khoai lang nướng bà hàng xóm tặng tôi đêm Giáng Sinh, bây giờ nghe ông Rôbéctô thích vài món ăn Việt Nam, tôi nghĩ đến chuyện tặng ông một hộp cơm rang và chục cái chả giò tôm thịt. Chẳng có gì hơn bằng một món quà đáp ứng đúng sự ưa thích của người nhận, ông Rôbéctô cảm động lắm khi nhận món quà của tôi buổi sáng trước ngày Lễ Giáng Sinh, tôi thấy đôi mắt ông nhòa lệ khi nắm lấy tay tôi nói phều phào những lời cảm ơn.
 
Tôi không nghĩ đến việc cho đi để nhận lại một món quà thật dễ thương của ông Rôbéctô vài hôm sau đó. Khi tan buổi lễ, ông gặp tôi trước sân nhà nguyện, với một gói giấy hoa thật đẹp, thì ra ông già đã nhờ cô con gái mua hộ cho tôi một món quà thật xinh: đó là chiếc áo len màu hồng nhạt. Vẫn cái giọng Mễ Tây Cơ lùng bùng những thanh âm nằng nặng, ông nói rằng món quà này thật là thích hợp cho tôi, người phụ nữ Á Đông có dáng dấp nhỏ nhắn và nước da trắng trẻo. Quả thật chiếc áo len màu hồng khi mặc vào đã làm tôi như trẻ lại hằng chục tuổi. Món quà của ông Rôbéctô đã thắp lại trong tôi ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm nào, với củ khoai lang nướng khi tôi là cô bé lên mười thuở ấy. . .
 
Ông Rôbéctô đã qua đời vài năm nay, ông chết vì bịnh ung thư phổi. Những năm cuối của cuộc đời, ông không đến được nhà nguyện mỗi ngày, nhưng trước khi chết ông vẫn mong được gặp những khuôn mặt yêu thương của những người Việt ông quen biết. Rất tiếc là tôi không thường gặp ông sau này, nhưng tôi biết ông ra đi rất êm ả. Người ta kể rằng trong những giây phút cuối cùng của đời người, ông chỉ xin đốt lên cho mình một ngọn nến. . .
 
3-
Những ngày cuối năm với những cơn mưa mùa Đông làm ẩm ướt không gian, đất trời như nặng trĩu một nỗi sầu da diết. Trong căn nhà vắng lặng, bóng chiều hình như đến vội với những giọt mưa rả rích ngoài hiên. Trời rét lắm, gió và rét khiến những chú chim sẻ nhiều chuyện không ríu rít như mọi ngày, chúng rủ nhau vào trốn gió sau bụi mía, lả mình vào hàng rào đang rung rung những chiếc lá úa. Những con chim sẻ mùa Đông trông thật dễ thương, xù lông ra tròn quay như một cụm len màu nâu xám biết nhảy nhót.
 
Góc vườn nơi cửa sổ nhà bếp rất khuất gió, bụi mía sắp tàn như một mái nhà tranh trống trước hở sau, che tạm cho một gia đình nghèo khổ. Sau cơn mưa, trời chuyển qua những đợt gió lạnh buốt xương, tôi đứng từ trong nhà nhìn ra khung cửa kính nhà bếp, tò mò nhìn mấy chú chim sẻ núp dưới vòm lá mía. Cũng đỡ buồn lắm khi ngắm nhìn bầy chim sẻ mùa Đông, y như những đứa trẻ bụi đời trên vỉa hè thành phố một đêm mưa nào đó, rúc vào nhau trong tấm chiếu trải bên lề đường, cuộn tròn lại với nhau đưới tấm chăn bẩn . Mấy con chim sẻ cũng khôn ngoan rủ nhau tụ vào một chỗ, có con đang co ro ngủ gật, có con mắt láo liên, thỉnh thoảng lại lách chách bay lên tàu lá như vừa tìm được một con mồi đỡ lòng cho ngày Đông buốt giá. Nhu cầu ăn để sống vẫn bắt nó phải tìm mồi dù đôi cánh lảo đảo trong gió rét như muốn rơi xuống thảm cỏ, trông thật tội nghiệp.
 
Đứng trong nhà nhìn qua lớp cửa kính trong suốt, ở góc phòng chớp tắt những chiếc đèn nhấp nháy trên cây Giáng Sinh, tôi thấy con chim bé bỏng đang vỗ vỗ đôi cánh nhỏ, rồi gõ cái mỏ nhỏ xíu lên mặt kính, cũng tò mò nhìn tôi, làm như nó cũng thèm thuồng được vào trú ẩn trong căn nhà có ánh đèn ấm áp. Tôi chia xẻ được gì đây? Người và chim là hai thế giới khác hẳn nhau, và có lẽ dù được cho ăn no, chú chim sẻ vẫn không thích thú gì khi bị con người giam chú vào cái lồng chim chật hẹp. Những chú chim sẻ mùa Đông như những búp len xậm màu, xếp hàng xúm xít vào nhau để trốn gió sau rặng mía ven bờ rào, lại dẫn đưa tôi đến một khía cạnh khác của con người, mà ở câu chuyện này tôi vẫn thấy cái đẹp nhỏ nhoi của Tình Người ấm áp biết bao nhiêu. Đó là câu chuyện của hai người vô gia cư, hay là chuyện "lá rách đùm lá nát" đã làm thức dậy chút bâng khuâng trong tâm hồn những quả tim chai đá.
 
4-
Một buổi tối mùa Đông trước ngày Lễ Giáng Sinh, trời mưa phùn, rét như cắt ruột. Đường phố vắng xe qua lại, phía xa là những ánh đèn màu rực rỡ chớp tắt quấn trên những thân cây ven đường. Suốt một tuần sắp lễ Giáng Sinh, thời tiết bỗng dưng âm ỉ rét, những đợt gió lạnh từ hướng Bắc thổi về, người có việc ra đường co ro trong những chiếc áo ấm dày cộm và khăn phu la quấn quanh cổ. Hình như người ta ngại đi ra đường vào một tối trời mưa như vậy, chỉ còn một vài cửa hàng bán "fast food" và cà phê là còn mở cửa, có dăm người khách ngồi im lặng trầm ngâm trước khay thức ăn ăn uống uể oải. Khách đến tiệm vào giờ này có lẽ là những kẻ xa nhà, thiếu một bếp lửa hồng để sưởi ấm cõi lòng cô quạnh, ngày giáp Lễ thường sau giờ làm việc, ai nấy hối hả về nhà chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh.
 
Người phụ nữ bán hàng đang dọn dẹp mấy thứ lặt vặt, mong đến giờ đóng cửa để đi về, vì chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến nửa đêm. Bà nghĩ đến hai đứa con đi học xa vừa về nhà với mẹ mấy hôm nay, đã lâu lắm người mẹ chỉ mong được gặp các con trong những dịp Lễ Tạ Ơn hay mùa Giáng Sinh, và bà đã chuẩn bị những món ăn truyền thống mùa Giáng Sinh cho các con từ mấy ngày hôm trước. Gia cảnh đơn chiếc vì năm ngoái người chồng đã qua đời sau một tai nạn, bà vẫn ở một mình trong căn chung cư cũ kỹ, những ngày gió mưa căn nhà nhỏ như càng ẩm ướt, lạnh lẽo.
 
Ngay khi ấy, cánh cửa tiệm bật mở đem theo một làn gió buốt lạnh vào trong tiệm ăn, hai người đàn ông chùm đụp trong những tấm chăn bẩn bước vào tiệm. Người phụ nữ nghĩ đó là hai người khách cuối cùng, vì bà cũng nhớ ra đó là hai người đàn ông nghèo khổ, không có một mái nhà, chỗ trú của họ là cái gầm cầu ngoài xa lộ đi về hướng Galveston. Thỉnh thoảng họ có dắt nhau đến đây, trông họ có vẻ là hai anh em, người đàn ông lớn tuổi trông vẻ mặt rất ngây ngô như một đứa trẻ chậm phát triển.
 
Trong hai người đàn ông ấy, ông già gương mặt đờ đẫn, ngờ nghệch nhìn thế giới xung quanh ông như nhìn một thế giới khác, thời gian đã cày lên khuôn mặt ông những nếp nhăn chằng chịt, bộ râu hung hung nay đã xám ngoét, bết vào nhau như một cụm rơm bẩn. Người đàn ông kia trẻ hơn, có đôi mắt màu xanh lơ trông hiền lành như màu biển, co ro trong chiếc áo rét bằng dạ xám bẩn và cũ. Họ rét lắm, chằng đụp lên người những quần áo và chăn bẩn, bốc lên một mùi hôi. Ngoài trời, cơn mưa phùn mùa Đông như những chiếc kim khâu luồn từng giọt căm căm vào xương tủy, gió nhiều hơn mưa, mưa và gió lại là hai vị Thần nguy hiểm của những người bần cùng, nghèo khổ.
 
Hai người đứng xếp hàng chờ đợi. Người đàn ông trung niên vét mãi hết túi này đến túi kia được một nắm hào lẻ, chưa đầy một đồng bạc nhưng cũng đủ mua một ly cà phê nóng. Theo quy định của cửa hàng, khách vào tiệm phải mua một món gì mới được phép ngồi lại. Trời rét ngọt ở bên ngoài, nhưng trong tiệm thật ấm vì có máy sưởi, quần áo của hai người đàn ông nghèo khổ toát ra một mùi hôi khiến những người trong tiệm phải nhăn mặt. Mua xong ly cà phê, họ vội vã dẫn nhau vào cái bàn xa nhất, như sợ rằng mùi hôi trên quần áo, cái nheo nhóc, bẩn thỉu của thân phận người nghèo cũng sẽ làm những người xung quanh khó chịu.
 
Người phụ nữ bán hàng để ý nhìn hai người "homeless" mà chỉ mua có một ly cà phê. Khi nhận ly cà phê trên tay bà, người đàn ông trẻ hơn vội vã đưa cánh tay dìu người đàn ông già đi về chiếc bàn trong góc tối. Hình ảnh đó khiến bà xúc động, một người "không có gì" cũng đang cố sức giúp một người" không có gì" gượng đứng trên cõi đời đầy đau khổ, khi họ nhường cho nhau ủ đôi bàn tay lạnh cóng vào ly cà phê nóng còn bốc khói. Người đàn ông trẻ hơn đẩy ly cà phê vào đôi tay ông bạn già đang run rẩy, rồi một chốc người kia lại đẩy ly cà phê sang phía người đối diện, họ cứ chuyền tay nhau ly cà phê nóng còn bốc khói mà không uống ngụm nào. Họ cần một chút ấm trong đêm nay, mà cơn gió tháng chạp lạnh lẽo đã luồn vào gầm cầu trống trải khiến họ rét run bần bật . Thời tiết và thời gian là đôi bạn đồng hành ác độc đè lên đôi vai họ một cách nghiệt ngã, để họ không còn sức chịu đựng mà chống chỏi cơn giá rét mùa Đông như những năm trước.
 
Người phụ nữ đứng trong quầy hàng, như bức xúc trước cái khổ của đồng loại. Dù sao bà cũng có một mái nhà để chui ra chui vào, dù sao bà cũng có hai đứa con, và lát nữa đây khi tiệm đóng cửa, con bà sẽ đến đón mẹ về nhà để đón mừng ngày Lễ Giáng Sinh. So sánh giữa hai cái khổ, bà vẫn thấy mình hạnh phúc hơn hai người đàn ông "homeless" kia. Không biết nghĩ sao, bà móc túi tìm vài đồng bạc lẻ, và thật sung sướng khi đóng vai một người khách, bà có đủ tiền mua tặng cho hai người đàn ông nghèo khổ một khay thức ăn nóng hổi. Bà bưng khay thức ăn đến cái bàn của hai người đàn ông, với một nụ cười dịu dàng và câu chúc "Giáng Sinh Vui Tươi", bên chiếc khay còn thêm một ngọn nến trắng cắm trong cái ly nhỏ bằng thủy tinh trong suốt, bà vừa mua nó hồi trưa nay tại một tiệm chín mươi chín xu để buổi tối đặt trên bàn ăn, đốt lên ngọn lửa giáng sinh ấm áp mừng ngày xum họp trong gia đình.
 
Hai người "homeless" ngỡ ngàng nhìn người phụ nữ. Người đàn ông mắt màu xanh lơ có chòm râu bạc nhìn chăm chăm vào khuôn mặt của người phụ nữ tốt bụng, nói lời cảm ơn nghẹn ngào với đôi mắt rưng rưng. Ông đẩy khay thức ăn qua cho người bạn già ngớ ngẩn của mình, bằng ánh mắt thương yêu trìu mến. Ngọn nến mà người đàn bà tốt bụng vừa đốt lên để mừng Giáng Sinh, cho họ một cảm giác cực kỳ hạnh phúc, vì họ đang tận hưởng được sự trân trọng như những con người bình thường trong xã hội.
 
Sau khi ăn xong khay thức ăn, người đàn ông trẻ tuổi dọn dẹp rồi lại dìu người bạn già ra khỏi tiệm ăn. Đi qua chỗ người phụ nữ, ông ta ngước đôi mắt xanh và mấp máy một lời chúc tốt lành nhất mùa Giáng Sinh đến người phụ nữ, họ mỉm cười với nhau. Đã tới giờ đóng cửa, hai kẻ cùng khổ không nhà ấy dẫn nhau trở về cái dạ cầu, nơi trú ẩn của họ hằng bao nhiêu năm nay, họ xin người đàn bà cho họ mang theo ngọn nến trắng. Bụng đã no, lòng đã ấm vì tình người như một món quà Giáng Sinh quá bất ngờ, vừa rơi xuống từ Trời để họ biết là vẫn còn những tấm lòng tử tế trên cõi đời này. Người phụ nữ cũng sửa soạn ra về, mang theo trong lòng một niềm vui nhỏ nhoi mà thật là ấm áp. Đôi mắt xanh hiền hậu của người "homeless" nhìn bà lúc nãy trông quen quá, dường như bà đã nhìn thấy ở đâu? Sau một phút nghĩ ngợi, bà chợt "à"ø lên một tiếng nhỏ. Phải rồi, đó là đôi mắt tượng Chúa treo trên vách nhà nguyện, ngồi giữa một bầy trẻ thơ đang ríu rít đứng xung quanh.
 
5-
Người ta kể cho tôi nghe một câu chuyện khác, lần này thì tôi nhớ ra ông Tom, người đưa thư da đen quen thuộc vùng ngoại ô SouthEast. Ông Tom gốc gác người Phi Châu, da đen bóng, tổ tiên ông bao đời đã từng sống nơi vùng đầm lầy Lousiana, người du lịch đó đây có thể thấy bên ven đường đi Baton Rouge, đài kỷ niệm những bước chân đầu tiên của người nô lệ da đen trên xứ Mỹ.
 
Ông Tom làm nghề phát thư cho khu vực này khá lâu, từ khi hàng cây sồi ven đường còn bé tý, những căn nhà khang trang thuở ấy nay đã cũ kỹ, và chủ nhân những căn nhà ấy bây giờ có thể là một bà cụ già đi không vững, đám trẻ đã đi đâu mất, chỉ còn những tiếng chim ríu rít trên rặng sồi là còn y nguyên. Ông Tom biết hết những căn nhà trên con đường River, biết cả những căn nhà lần lượt đổi chủ, và những phụ nữ xinh đẹp dễ thương năm nào, nay bước vào tuổi già còn lại một mình trong khu nhà êm ả đầy bóng cây râm mát.
 
Ông Tom thân với cụ Mary nhất, cũng từ cái hôm ông bị một con chó trong khu vực ra được cổng rào, rượt ông chạy trối chết rồi vấp chân vào bậc xi măng bên vệ đường, ngã lăn ra trước cổng nhà cụ Mary, đúng vào lúc bà cụ ra mở thùng thư để lấy thư như thường lệ. Bà cụ nhìn người đưa thư da đen ái ngại, rồi bà mời ông vào ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá ở sân trước, trong khi ông Tom chưa hoàn hồn vì cái ngã đau làm đầu gối ông bị trầy trụa, rướm máu.
 
Bà cụ Mary vào nhà, lúc trở ra bà bưng cho ông một ly nước cam, với một túi vải đựng dăm thứ thuốc sát trùng và băng cá nhân. Bà dịu dàng bảo ông Tom vén ống quần lên cho bà xem vết thương, nhẹ nhàng lau vết thương cho ông rồi băng lại cẩn thận. Ông Tom cảm thấy dễ chịu quá, trước kia ông vẫn ngấm ngầm cho rằng đâu đó là sự chia cách của màu da, của con người giữa những tầng lớp xã hội, và những đau buồn của dĩ vãng từ đời tổ tiên khiến ông có ít nhiều mặc cảm với người da trắng. Hai người mỉm cười với nhau, chỉ có thế mà ông Tom nhớ mãi vì hôm ấy là một ngày đẹp nhất của mùa thu . . .
 
Từ đó họ thành đôi bạn vong niên của nhau. Ông Tom cũng biết thêm bà cụ Mary sống cu ky có một mình, con cháu bà ở một thành phố khác, từ khi cụ ông qua đời thì bà Mary cô quạnh thêm vì vắng người hủ hỉ. Mỗi ngày đem thư đến khu vực này, ông Tom luôn mong thấy khuôn mặt và nụ cười hiền lành của bà bạn vong niên ra lấy thư, hôm nào vắng bà cụ là ông Tom lại cảm thấy không yên bụng.
 
Năm nay mùa Giáng Sinh lại đến. Mùa Đông rét hơn mọi năm, hay là ông Tom nay đã yếu để thấy rằng cơn gió mùa Đông Bắc bỗng dưng lại khắc nghiệt hơn những năm trước. Sau mùa Giáng Sinh ông Tom sẽ có những ngày nghỉ phép, ông về thăm lại anh em của mình ở vùng đầm lầy Lousiana, ông sẽ trở về khu nhà tồi tàn, cũ kỹ nhưng ấm áp tình thương gia đình. Trước khi đi, ông Tom sẽ nói cho bà Mary biết những ngày ông đi vắng, và ông cũng mong rằng con cháu bà sẽ về xum họp với bà trong những ngày nghỉ lễ cuối năm. Những ngày cuối năm bận rộn, ông Tom lái xe đem đầy nhóc những cánh thiệp Giáng Sinh, thùng thư nào cũng có những cánh thiệp mang đầy lời chúc tốt đẹp, nhưng hai ngày qua mà thùng thư của bà Mary vẫn còn nguyên, không thấy bà lấy thư như mọi khi.
 
Ông Tom lái xe đi rồi lại băn khoăn nghĩ ngợi mãi, không yên lòng chút nào cả. Bà bạn già của ông không biết đi đâu, ra sao? Lúc trước mỗi lần đi vắng đôi ngày, bà có nói cho ông Tom biết, nhưng lần này ông chỉ nghe bà khoe người con trai sẽ về thăm, lũ cháu đi nghỉ Đông với bạn bè ở miền Bắc. Chắc chắn là bà Mary ở trong nhà, nhưng lý do nào mà thùng thư của bà hai hôm rồi vẫn chưa lấy? Đáng lẽ ông Tom lái xe về Bưu Điện khi đã bỏ hết thư trong ngày, nhưng nghĩ sao ông lại quành xe về nhà bà cụ Mary, và ông rón rén mở cánh cổng rào thấp, hồi hộp gõ cửa chờ đợi. Ông gõ năm, bảy lần, ông bần thần trong dạ, linh tính cho ông biết bà bạn già không đi đâu, nhưng chẳng biết vì sao bà không mở cửa.
 
Tuổi già sống một mình như bà cụ Mary là chấp nhận tất cả nỗi cô đơn, buồn rầu, hiu quạnh, chưa kể những cơn bịnh đến bất ngờ không chống đỡ được. Ông Tom định bỏ đi nhưng lòng không an ổn, ông nhớ lại buổi chiều thu hôm nào bà Mary đã lật đật lấy cho ông một ly nước cam, đã lau chùi băng lại vết thương trầy trụa trên đầu gối ông, đã cho ông một nụ cười hiền dịu nhất của tình nhân loại. Không nghĩ gì nữa, ông Tom quyết định gọi "emergency" để báo cáo về sự vắng mặt của bà bạn già dễ mến của mình. Khi người ta phá cửa vào nhà, bà Mary chỉ còn thoi thóp thở, nằm bất động trên giường với khuôn mặt xanh lướt. . . .
 
Câu chuyện của người đưa thư da đen cứu sống một người đàn bà già nua cô độc trong căn nhà ở đường River, người ta có đưa lên chương trình truyền hình địa phương một buổi tối áp lễ Giáng Sinh. Chẳng biết có ai nghĩ gì về những nỗi buồn đầy ắp trong cuộc sống thường ngày, hay chỉ có ông Tom đang cầu nguyện cho bà bạn già mau bình phục.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.12.2013 05:01:37 bởi thiên thanh >
Phù vân 27.12.2013 09:04:58 (permalink)
0
  Những hình ảnh để đời năm 2013

 
  Em bé cõng chú chó vượt qua trận lụt kinh hoàng ở Manila , bé trai bị mẹ đâm hơn 90 nhát ở Trung Cộng, Giáo hoàng Francis ôm hôn người “mặt quỷ”… là những hình ảnh nổi bật, gây xúc động nhất trong năm 2013

 

Một cậu bé cõng chú chó vượt qua nước lụt do mưa kéo dài ở Manila , Philippines. Ảnh: AP
 

Ông Bill Iffrig, 78 tuổi, ngã gục xuống đất khi nghe tiếng nổ bom thứ hại tại vạch đích cuộc thi Marathon ở Boston . Ảnh: Reuters



Các vận động viên dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của vụ đánh bom Boston Marathon trước khi bắt đầu  ở  London Marathon ở Greenwich, phía đông namLondon. Ảnh: Reuters


Giải cứu em bé từ đống đổ nát tại hiện trường của một tòa nhà dân cư bị sập ở Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 11. Ảnh: Reuters




Bé Xiao Bao (8 tháng tuổi) ở Giang Tô, Trung Cộng, bị mẹ ruột đâm 90 nhát kéo vì cắn mẹ khi bú.
 

Cặp vợ chồng trẻ ôm nhau giữa đống đổ nát trong ngôi nhà mình một ngày sau khi cơn lốc xoáy tàn phá thành phố 

của Moore , Oklahoma (Mỹ). Ảnh: Reuters


 
Giây phút hạnh phúc nghẹn ngào của cặp đôi đồng tính Michael Knaapen và John Becker khi nghe tin Luật ngăn chặn hôn nhân đồng tính bị phá bỏ ở Canifornia. Ảnh: EPA


Người biểu tình tặng hoa hồng cho một binh sĩ Thái Lan tại Bộ Quốc phòng trong cuộc biểu tình ở Bangkok


 
 “Superman” mỉm cười với bé Joao Bertola, 2 tuổi, và cha của cậu bé tại Bệnh viện Infantil Sabara ở Sao Paulo, Brazil.
 


Garrett McNamara nỗ lực phá vỡ kỷ lục thế giới về lướt sóng cao nhất tại Nazare, Bồ Đào Nha.



Cả gia đình Tammy Holmes phải dầm mình xuống nước tránh cháy rừng lịch sử tại Dunalley (Úc). Ảnh: AP



 
Cậu bé buồn bã nhìn vào phía trong Vườn thú Quốc gia ở Washington , D.C. đang ngừng hoạt động tạm thời do chính phủ Mỹ đóng cửa. Ảnh: Reuters 


Du khách xem cảnh phun nước ở hồ chứa Xiaolangdi trên sông Hoàng Hà của Trung cộng
 

Chú chó Figo lưu luyến bên linh cửu của "người bạn đồng nghiệp" - cảnh sát Jason Ellis, đã thiệt mạng sau khi bị 1 tay súng tấn công trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Ảnh: Reuters


Hình ảnh trở thành biểu tượng của cuộc biểu tình phản đối việc phá hủy cây cối trong công viên để làm đường đi bộ tại quảng trường Taksim ở trung tâm Istanbul. Cô gái mặc váy đỏ bị cảnh sát chống bạo loạn Thổ Nhĩ Kỳ xịt hơi cay. Ảnh: Reuters


 
Giải cứu một phụ nữ ra khỏi chiếc ô tô bị sa lầy ở Athens hồi tháng 2. Ảnh: Reuters


Một người biểu tình chống chính phủ tại Bahrain bị thiêu sống sau khi cảnh sát chống bạo động bắn vào bom xăng trong tay người này. Ảnh: AP


Một trung sĩ không quân bất ngờ gặp được vợ và con gái trong một trận đấu giữa New York Giants và Green Bay Packers. Ảnh: Brad Penner / USA TODAY Sports


Hình ảnh Đức Giáo Hoàng ôm hôn và cầu nguyện cho người đàn ông bị u sợi thần kinh, khiến giáo dân thế giới rung động. Ảnh: EPA



Bé sơ sinh Bea Joy sinh ra trong cơn bão haiyan ở Tacloban - niềm hy vọng giữa đống đổ nát. Ảnh: Reuters

  nguồn: email ônggiáo



<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.12.2013 10:49:27 bởi Phù vân >
SongHuong 27.12.2013 21:26:32 (permalink)
0

THĂM LẠI SÔNG THU

Con về 
Thăm lại sông Thu
Chiều nay
Gió chướng
Lời ru quặn lòng

Trở mình
Sau giấc lập đông
Câu Lâu thầm lặng 
Giữa vòng đa đoan

Uốn mình
Ôm những gian nan
Thu Bồn như dãi lụa
Quàng vai quê 

Con đi biền biệt 
Chưa về
Phù sinh bến gởi
Mải mê…xứ người

Vai trần
Mẹ quảy buồn vui
Tựa đôi vai mẹ
Ngọt bùi…
Cho con

Huế 12/2013
Sông Hương  
sen dat 27.12.2013 21:57:49 (permalink)
0
mạng chậm quá là chậm!
        Mời đọc bài báo trong nước dưới đây.
        
          NgocDoa
        
         
        Đặc sản KHÔ miền Tây 'ruồi tránh xa dân tha về'


        Đã từ rất lâu, cá khô là món ăn dân dã treo giàn bếp của những người dân quê miệt vườn ở vùng Tây Nam Bộ. Nhưng hiện nay, cá khô không chỉ là món 'nhà quê', nó được nâng cấp lên thành quà đặc sản mà mỗi du khách khi đến miền Tây đều mua về.
        
        Tuy nhiên trong thời gian gần đây, thông tin sử dụng hoá chất Trichlorfon vốn được dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu và diệt côn trùng để bảo quản cá khô khiến nhiều người tiêu dùng choáng váng.
        Dùng hóa chất diệt côn trùng để bảo quản cá khô
        Khi biết được thông tin về các loại cá khô đặc sản miền Tây được bảo quản bằng hóa chất độc hại Trichlorfon, người tiêu dùng ở TP HCM bị một phen hãi hùng. Lại thêm một món ăn trong thực đơn ưa thích đã bị nhiễm hóa chất.
        Có hay không cá khô bị tẩm hóa chất Trichlorfon - một loại hóa chất dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu và thuốc diệt côn trùng? Chúng tôi đã có chuyến thị sát một số cơ sở chuyên bán các loại khô đặc sản miền Tây như: khô cá lóc, cá basa, cá chim, cá sặc … ở chợ An Đông ( quận 5 ), chợ Bình Tây, chợ Phú Lâm ( quận 6 ) …
        Vừa đặt chân vào sạp bán các loại khô bên trong chợ An Đông, chúng tôi được bà chủ ở đây đon đả giới thiệu đủ các loại khô cá đặc sản, cá lóc, tôm, mực ... Thấy dãy khô cá lóc được sắp xếp ngay ngắn ở đầu sạp, tôi tiến lại và hỏi thì được bà chủ tận tình giới thiệu đây là khô cá lóc của An Giang, “hàng mới về, chú cứ lấy về bán, hàng ở đây thì yên tâm không bao giờ thối, móc meo đâu, có gì cứ đem đến đây đổi lại”.
        Khi chúng tôi hỏi khô cá để lâu có bị hư không, ngay lập tức, bà chủ sạp đảm bảo sẽ “bao sử dụng 1 năm”. Khi chúng tôi mắc tại sao khô để 1 năm không hư, có bí quyết gì không thì bà chủ sạp khô tỏ ra khó chịu và tìm cách lảng tránh, không trả lời.
        Rời chợ An Đông, chúng tôi tìm đến chợ Bình Tây (quận 6). Khác hẳn với vẻ khó chịu của chủ sạp chúng tôi vừa gặp, người bán hàng giới thiệu tên Trâm (40 tuổi), chủ sạp bán khô cá lóc ở khu A chợ Bình Tây đã tận tình giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua khô cá các loại với số lượng lớn để đem về bán lẻ.
        Nhưng thấy chúng tôi than phiền, lo lắng chuyện bán hàng chậm, khô sẽ bị hư móc là “toi” vốn, để trấn an chúng tôi, chị Trâm tận tình chỉ dẫn cách bảo quản khô để bán được lâu hơn, cũng như cách “tút” lại hàng cũ sao cho giống y như hàng mới.
        Sau khi tạo được lòng tin, chủ sạp bắt đầu tiết lộ các ngón nghề. Theo đó, để khô giữ được lâu thì cần sử dụng hóa chất Trichlorfon mua ở chợ Kim Biên, rồi pha khoảng 5 muỗng cà phê hóa chất với 10 lít nước và ngâm tất cả khô vừa mua vào khoảng 20 phút, sau đó vớt ra rồi đem phơi nắng.
        Sau khi phơi xong, chỉ việc bày bán và người bán yên tâm sẽ bảo quản được hơn 1 năm thì không sợ hư. Nhìn sạp khô tràn lan nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ con ruồi nào bâu, trong khi đó sạp bán lạp xưởng ở bên cạnh thì luôn tay xua đuổi ruồi, chúng tôi thắc mắc về việc “ruồi bâu, kiến đậu” thì chị chủ chỉ trả lời ngắn gọn “chất đó ruồi nó kỵ lắm”.
        Hiện nay, khô cá được bày bán tràn lan trên thị trường từ chợ, siêu thị đến tiệm tạp hoá. Tuy nhiên, việc phân biệt khô cá có sử dụng chất bảo quản Trichlorfon hay không là điều bất khả kháng đối với người tiêu dùng.
        Khi đứng trước quầy hàng ngổn ngang khô đuối, khô sặc, khô mực, khô cá ba sa … tôi nhớ một người bạn vốn là dân “phượt” từng thắc mắc, sao trước đây ở chợ quê, người ta thường treo cái quạt cũ, có gắn nilon ở cánh quạt để xua ruồi nhặng, nhưng giờ không cần nữa. Bây giờ đọc được các thông tin về khô cá được “trang bị” Tichlorfon như một cách bảo quản chống côn trùng, tôi giật mình.  Hóa ra, vì khô ướp độc chất nên ruồi nhặng cũng sợ chẳng dám ăn.
        Đầu năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện các cơ sở sản xuất khô cá quy mô lớn dùng Trichlorfon trong quy trình sản xuất. Chỉ trong vòng một tháng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang) đã phát hiện khô cá tra bị nhiễm Trichlorfon. Ngày 19.6, kết quả kiểm tra nhanh đã phát hiện mẫu thử dương tính với hóa chất bảo vệ thực vật.
        Cơ quan chức năng đã tiêu huỷ 1.034 kg khô cá tra nhiễm Trichlorfon của cơ sở sản xuất khô cá tra tại khóm Xuân Hòa (thị trấn Tịnh Biên). Trước đó, 2,99 tấn khô cá của các hộ sản xuất ở ấp An Thái, xã Hoà Bình (huyện Chợ Mới) cũng bị phát hiện nhiễm Trichlorfon.
        Ngay từ tháng 12.2011, khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện mẫu khô của hai cơ sở sản xuất khô tại ấp An Thái có hàm lượng Trichlorfon vượt 8.446,77 microgram(µg)/kg trong khô cá tra và 13.413µg/kg trong khô cá chim.
        Đến tháng 5.2013, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra 8 cơ sở sản xuất khô tại đây, nhưng chỉ kiểm tra được 2 cơ sở (6 cơ sở bất hợp tác), phát hiện và tiêu hủy 124 kg khô cá nhiễm Trichlorfon. Rất khó để biết nguồn hàng từ những cơ sở này đã được phân phối tới đâu.
        Người tiêu dùng khó có thể phát hiện khô cá có chất Trichlorfon
        Trichlorfon là một loại hóa chất hữu cơ dùng làm thuốc trừ sâu và diệt các côn trùng như gián, dế, rệp, bọ chét, ruồi... Chất này còn được áp dụng trong chăn nuôi để kiểm soát ký sinh trùng của cá trong môi trường nước với dung lượng được chỉ định. Đây là một loại thuốc bảo vệ thực vật gốc lân hữu cơ đã bị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản từ ngày 17.3.2009.
        Trichlorfon có độc tính cao, dễ dàng hấp thụ qua da, có thể gây dị ứng nặng cho da và các cơn co thắt cơ bắp bất thường. Nếu hít phải chất độc này, nguy cơ xuất huyết đường mũi, ho, tức ngực, thở khó do co thắt ở ống phế quản sẽ xảy ra. Mắt thường tiếp xúc với Trichlorfon cũng sẽ bị chảy máu mắt, mờ mắt dẫn đến mù lòa. Sau khi tiếp xúc với hóa chất này, cơ thể sẽ bị phản ứng trong vòng từ vài phút cho đến 12 giờ.
        Người nhiễm độc nặng chất sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, nói líu lưỡi, mất phản xạ, suy nhược, mệt mỏi … Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bài tiết không chủ động, rối loạn tâm thần, nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật và hôn mê, suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
        Giám đốc Sở Y tế TP HCM  Nguyễn Tấn Bỉnh xác nhận, chất Trichlorfon trong khô cá có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng khi ăn phải. Người sử dụng chất này để tẩm ướp vào thực phẩm là đã vi phạm pháp luật, nhưng nếu muốn xử lý cơ sở có sử dụng chất cấm trong thực phẩm thì phải theo qui trình.
        Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Quang Trí - trưởng phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ Thực phẩm thuộc trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết: “Trichlorfon là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng và tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất Trichlorfon vào công nghệ chế biến thực phẩm là vi phạm nghiêm trọng đối với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm”.
        Theo ông Trần Văn An - uỷ viên Ban chấp hành Hội Hóa học TP.HCM: “Không phải loại khô cá nào cũng chứa hóa chất độc hại, nhưng khó để xác định trong đó có dư lượng vượt mức hay không nếu chỉ nhìn bằng mắt, sờ bằng tay. Cơ quan chức năng các cấp cụ thể cần phải siết chặt trong kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm.  Đó là biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân”.
        BS Ngô Dũng Cường - trưởng khoa Cấp cứu hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Triều An cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc Trichlorfon từ cá khô, thuốc diệt cỏ, ngộ độc quá liều thuốc và methanol trong rượu giả. Về ngộ độc hóa chất thì mỗi loại hóa chất đòi hỏi phương pháp xử lý khác nhau. Cách phổ biến nhất để sơ cứu nạn nhân ngộ độc hóa chất ngay tại chỗ là gây nôn.
        Tuy nhiên, Trichlorfon là chất có thể bay hơi nên gây nôn không phải là giải pháp tốt vì nạn nhân vẫn có thể hít dạng khí của chất này ngược vào cơ thể. Cách tốt nhất là đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất để được súc dạ dày và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có giải pháp điều trị tối ưu.
        BS Cường cũng lưu ý, khi sơ cứu ngộ độc bằng cách gây nôn, uống nhiều nước muối là một cách khá dễ làm. Tuyệt đối không tự ý móc họng, làm nôn khi nạn nhân đã bất tỉnh. Vì khi mê man, thực quản có phản xạ tự đóng, nếu cố tình làm nôn, nạn nhân dễ bị ngạt bởi chính thứ họ nôn ra....Sưu tầm/web/Qk2
dzuylynh 28.12.2013 20:34:32 (permalink)
0
TỔ QUỐC GHI ƠN
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
CA NHẠC SỸ VIỆT DZŨNG



Người Lính Không Mang Súng
là em, Việt Dzũng!
hợp âm kia, đạn réo nã quân thù
tiếng hát này, lời xung phong sát cộng
đất nước mình từ đổi đời dậy sóng
em làm Người, đã sống với non sông
với cây đàn và ước vọng mang vai
tự bao giờ ngôn ngữ có âm giai
là từ thuở dặm dài em ra quan tái
tôi khóc em, Dzũng chàng trai nước Việt!
trăng mới tròn vừa khuyết giữa đêm nay
thang âm vỡ nửa chừng thay dấu lặng
nhưng bản trường ca chưa im ắng bao giờ
gửi đến em vần thơ người tỵ nạn
thay lời buồn giã bạn phút phân ly
em đã về hay chỉ mới ra đi...
tổ quốc, giòng nhạc sử - chiến công ghi !

dzuylynh.thunglũnghoavàngbắcCaliforniamộtngàymùaĐông.Dec2013
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.12.2013 08:30:56 bởi dzuylynh >
dzuylynh 29.12.2013 08:32:19 (permalink)
0


 
                        
NGƯỜI LÍNH KHÔNG CẦM SÚNG
sángtác|trìnhbày Dzuylynh
- ca khúc viết tưởng nhớ anh linh ca nhạc sĩ Việt Dzũng / ViệtNam Hải Ngọai - 

Buổi sáng mùa đông buốt giá tha hương
Thấy một hạt sương sa xuống giữa trời
Nghe tiếng đàn chợt đứt ngang cung
Thung lũng hoàng hoa lặng lẽ vô cùng...


Tôi tiếc em người anh hùng Việt Dzũng

Tôi thương em người nhạc sĩ tha hương
Cánh chim Bách Việt luân lạc muôn phương
Giọng hát từ nay đi vào cõi vô thường...

Việt Dzũng không còn nữa! Đứa con yêu của tổ quốc đã ra đi

Việt Dzũng không còn nữa! Vừa mới bỏ ta đi ...
Người Lính Không Cầm Súng đã buông đàn xuôi tay
Vũ khí là lời ca, quân trang là nốt nhạc, ba lô nặng tình non nước
Đã miệt mài hành quân bất kể tháng ngày.
Việt Dzũng không còn nữa! Người Da Vàng lưu vong!
Người thương binh không số quân, không thẻ bài
Người Lính Không Cầm Súng, không tượng đài vinh quang
Nhưng trong tim bao người vẫn nhớ mãi tên em
Tội nghiệp đôi nạng gỗ, từ nay bơ vơ một mình không còn theo em nữa
Sẽ không còn theo em nữa, để in dấu chân tròn trên khắp nẽo đường tha hương... 
 
Tôi nguời lính già một thời đánh mất giang san nay nghe tin em không còn nữa.
Đêm Cali mùa đông thêm lạnh giá 
ngồi buồn một mình thương nhớ em, đồng đội chung chiến tuyến đã ra đi mãi mãi
Việt Dzũng không còn nữa...
Em chỉ vừa theo hồn thiêng tử sĩ, non sông 
Ôm đàn rong chơi hát ca vang vọng đỉnh trời...
Và em cũng bỏ lại tôi với vô vàn thương tiếc xót xa
Người đã xa từ đây! Chưa kịp nói lời giã từ, chưa kịp về ViệtNamSàiGòn 
Để ngẫng cao đầu cùng nhau đi dưới Quốc, Quân kỳ
Cho nước mắt da vàng lăn trên Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay!
Việt Dzũng! Người Lính Không Cầm Súng!
Việt Dzũng, người lính không cầm súng!
Tổ quốc khắc ghi công!
Người đã xa từ nay, đã ngủ say trên vùng địa đàng
Nhưng tiếng nhạc lời ca muôn đời vẫn còn đó
Vẫn còn đó, mãi ngân vang... mãi ngân vang... giữa muôn trùng...

San Jose, Bắc California Dec 23.2013.Dzuylynh
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.12.2013 16:06:39 bởi dzuylynh >
Ct.Ly 29.12.2013 18:47:12 (permalink)
Đóa Hồng Tím 31.12.2013 07:25:03 (permalink)
0
 
XIN CHÚT TỪ TÂM


cuộc đời bên viả hè, phố xá
lết lê đôi dép rách phong trần
gió tát lên vai đàn chim bé
cánh vừa lông lá tuổi vài Xuân
*
một chút ngọt ngào trong nước lạnh
soi giấc thần tiên ấm nắng hồng
ai mở túi hồn chia hy vọng
làm rỡ trời thương trong mắt trong
*
tôi bụm trên tay từng giọt lệ
mà em , mà nó rót mời tôi
nghe xót xa lòng, tôi không thể
không uống dù cho quá mặn môi
*
giòng lệ cuộc đời, em, hắn, nó
trắng dã màu tang chế biển đời
chảy giữa vô tình sông thiên hạ
bên bờ, cuộc sống vẫn vui chơi
*
không đánh mà đau, tim rớm máu
mơ về một xứ có nhân tình
mắt trẻ thơ thôi chờm hư ảo
lửa ánh từ tâm dọi bóng đêm ...

đông hương

Phù vân 31.12.2013 12:13:16 (permalink)
0
CUỐI NĂM QÚY TỴ NÓI CHUYỆN ... RẮN QÚY

Vùng đất của bầy hổ mang chúa khổng lồ
Giới khoa học ghi nhận hổ chúa ở Western Ghats (Ấn Độ) có thể đạt kích cỡ tới 7 m, nặng gần 20 kg.



Western Ghats là vùng đất rộng mênh mông, bao quanh dãy núi chạy dọc bờ biển phía tây nam Ấn Độ.



Vùng đất này rộng tới 16.000 km2, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là vùng đất đa dạng sinh học. Vô số loài vẫn chưa được khám phá ở đây.



Western Ghats nổi tiếng là vương quốc của loài hổ mang chúa.



Rắn hổ mang chúa xuất hiện khá phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở các nước này, loài hổ mang chúa đang dần suy kiệt bởi sự săn bắt và thu hẹp môi trường sống.



Hiện Western Ghats được coi là nơi mà số lượng loài hổ chúa còn nhiều nhất thế giới. Nhiều khu bảo tồn rắn hổ chúa đã được quy hoạch ở Western Ghats để bảo tồn loài rắn này.



Việc bảo tồn loài hổ chúa ở Western Ghats rất thuận lợi, bởi người dân Western Ghats rất tôn trọng rắn hổ chúa, coi chúng như thần linh, không bao giờ giết loài rắn này.



Môi trường sống phù hợp, được bảo vệ nghiêm ngặt, nên hổ chúa ở Western Ghats có điều kiện phát triển rất tốt, đạt kích thước cực đại.



Chúng sống được tới 30 năm và không bao giờ ngừng phát triển. Đó chính là lý do mọi người có thể gặp những con rắn chúa khổng lồ ở Western Ghats.



Các nhà khoa học nghiên cứu về hổ chúa từ khắp thế giới đã đến vùng đất này và ghi nhận hổ chúa ở đây có thể đạt kích cỡ tới 7 m, nặng gần 20 kg.



Western Ghats là nơi ẩm ướt nhất hành tinh. 40% lượng nước của Ấn Độ được cung cấp bởi những con sông, suối bắt nguồn từ Western Ghats.



Môi trường ẩm ướt phù hợp với rất nhiều loài bò sát, gồm những loài có nọc độc, trong đó, hổ mang chúa thống trị các loài. Vì thế Western Ghats còn được coi là vùng đất chết chóc.



Từ nhiều năm nay, cư dân đã mở rộng môi trường sống vào vùng lõi. Nhiều ngôi làng đã mọc lên bên trong Western Ghats.



Cư dân xây dựng nhà cửa, phát rừng làm nương, trồng cấy lương thực, thu hút loài chuột tìm đến cộng sinh.



Hổ mang chúa là loài ăn thịt đồng loại, đặc biệt ưa thích rắn săn chuột, nên chúng cũng tìm về các ngôi làng để săn mồi.



Mỗi năm, rắn hổ chúa thay da 4-5 lần. Sau khi thay da, chúng thường tìm nơi ấm áp để trú ẩn. Những ngôi nhà của con người là môi trường lý tưởng để chúng trú ngụ, chờ đợi lớp da mới cứng cáp hơn.



Thế nên, việc các cư dân phát hiện hổ mang chúa trong bếp, trong phòng ngủ, trên mái nhà là việc xảy ra hàng ngày.



Người dân và loài rắn chúa có thể chung sống hòa bình, chấp nhận để chúng ở nhờ trong thời gian mới thay da. Con người không tấn công chúng, nên chúng cũng không có lý do để phản đòn.


Những gia đình sợ hãi loài hổ chúa, không muốn chúng ở trong nhà, thì có thể gọi nhân viên của các khu bảo tồn đến bắt chúng thả vào rừng.



Ở Western Ghats, hàng ngàn nhân viên làm công việc cứu hộ rắn hổ chúa, cũng như các loài khác. Riêng công việc cứu hộ loài hổ mang chúa khi chúng lạc vào nhà dân cũng đã quá vất vả và nguy hiểm.



Nọc độc của hổ mang chúa vô cùng kinh khủng. Một cú đớp của hổ mang chúa sẽ cướp mạng con voi nặng vài tấn. Lượng nọc độc trong cơ thể hổ mang chúa đủ giết vài chục người.

Theo VTC news 

 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 31.12.2013 12:16:29 bởi Phù vân >
da vàng 31.12.2013 14:24:49 (permalink)
0
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=7pqR-_a0tCY[/YouTube]
da vàng 31.12.2013 14:36:26 (permalink)
0
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=jW1CC572FP0[/YouTube]
 
 
da vàng 31.12.2013 14:38:52 (permalink)
0
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=2FG6H-d_uhE[/YouTube]
da vàng 31.12.2013 14:41:53 (permalink)
0
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=Y8RDFZS-_tY[/YouTube]
da vàng 31.12.2013 14:44:44 (permalink)
0
 
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=5q7cKUeKvWw[/YouTube]
 
 
[YouTube]http://www.youtube.com/watch?v=iVfaPEFoYTU[/YouTube]
Thay đổi trang: << < 313233 > >> | Trang 32 của 58 trang, bài viết từ 466 đến 480 trên tổng số 867 bài trong đề mục
Chuyển nhanh đến:

Thống kê hiện tại

Hiện đang có 0 thành viên và 4 bạn đọc.
Kiểu:
2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9