Khi chuẩn bị để viết một chút tản mạn về ngựa, tôi nghĩ ngay đến chuyện ngắn
“Người ngựa, Ngựa người” của Nguyễn Công Hoan đã đọc lâu rồi. Đại khái chuyện kể trong đêm giao thừa, một người phu xe ráng chạy thêm giờ để có tiền đem về ăn Tết. Anh gặp một cô gái hết thời không có nhà để về bắt anh kéo xe đi lông rông rồi đề nghị trả công bằng “chuyện ấy” thay vì tiền kéo xe: Một người phải làm ngựa kéo xe và một “con đĩ ngựa” trong phận làm người, thật là chua xót. Sau này nhà văn Xuân Vũ cũng viết chuyện
“Ông Chủ Xe Thổ Mộ và Chú Ngựa Già”, mô tả con ngựa gầy yếu phải làm việc vất vả mà không được cho ăn đầy đủ, chủ có đánh đau mấy ngựa cũng không đi nổi. Chủ liền nghĩ ra kế cột mớ cỏ non trên gọng xe làm mồi nhử để nó ráng kéo. Ngựa đâu hiểu nó có ráng mấy cũng không với được bó cỏ, vì thực chất của Xã hội Chủ Nghĩa là nghèo khổ lừa dối, những chiếc “bánh vẽ” chỉ để ngắm nhìn ca tụng, không ăn được! Thế nhưng chuyện về ngựa không phải chỉ là hai câu chuyện buồn như thế, cũng có chút vui vui, nhất là trong dịp đầu năm Ngọ mình cũng nên quên đi những phiền muộn, quên đi
“Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang” để cùng vui Xuân. Vậy mời bạn
“Khớp con ngựa ngựa Ô”, cùng tôi
“Ngựa phi đường xa” trong
“Vó ngựa giang hồ” trên những con đường thênh thang
“Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau” và dù
“Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương” cũng xin vững dây cương trên lưng con “Ngựa Hồng” mà tặng nhau một
“Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa”. Vâng, dù có khi thất bại ngã ngựa, nhưng
“Ngựa vẫn hí vang đường xa, vọng suốt đất trời kia” …. bạn nhé.
Tôi xin bắt đầu với các con ngựa trong thần thoại Tây Phương. Thời ấy, hình ảnh con Nhân Mã đầu người mình ngựa rất phổ biến, trong Thiên Văn cũng có chòm sao tên là Nhân Mã và trong mười hai quẻ bói Tây Phương cũng có con bài Nhân Mã. Riêng con ngựa của người khỏe vô địch Hercules mang tên Arion thì có chân người, nói tiếng người và chạy rất nhanh. Thủy Vương Neptune có biệt tài tạo ra những loài ngựa pha giống kỳ lạ như loài Hyppocampus với thân mình của rồng hay cá, chỉ có hai chân trước. Con ngựa thần unicorn xoãi cánh, đầu có một sừng ở giữa trán cũng là hình ảnh con ngựa trong thần thoại rất đẹp.
Kế tới con ngựa gỗ thành Troy cũng rất nổi tiếng. Cuộc chiến dai dẳng 10 năm tại vùng đất Hy Lạp cuối cùng chấm dứt nhờ mưu kế của Odyssey. Odyssey cho làm một con ngựa gỗ khổng lồ rồi để lính vào trốn trong bụng, khi quân thành Troy mở cửa nhận ngựa làm chiến lợi phẩm cũng chính là khi họ rước quân địch vào. Sau con ngựa gỗ này, trong văn chương Pháp nổi tiếng có nhà văn Alexandre Dumas với bộ chuyện
“Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” (Les Trois Mourquetaires) đã được làm thành phim ảnh cũng như phim hoạt họa. Hình ảnh ba chàng lính vẫy vùng trên lưng ngựa với thanh gươm làm câu chuyện thật sống động. Với khẩu hiệu “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”, các chàng ngự lâm tính khí hào hùng đã làm “vang bóng một thời”. Câu chuyện này đã được cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong nhóm Ðông Dương Tạp Chí dịch ra Việt Ngữ năm 1921. Tôi nhột lắm vì khẩu hiệu của các tay ngự lâm này tôi chỉ thực hiện được vế sau, tức là “mọi người vì một người”. Tôi chỉ muốn người khác phục vụ để ý tới mình, còn mình thì ngại khó, ơ hờ không theo tinh thần “một người vì mọi người”. Ước gì tất cả chúng ta đều có tinh thần hy sinh yêu nước, vì việc chung để nước Việt khá hơn.
Con ngựa nổi danh khác trên thế giới là con Bucephalas của vua Alexandros. Chuyện kể rằng có người lái buôn Ba Tư dắt con hắc mã đến bán cho vua Philippos II của Macedonia, nhưng tất cả các tay kỵ mã tài giỏi nhất đều chịu thua con ngựa bất kham này. Hoàng tử Alexandros lúc đó hãy còn nhỏ, đã đi chậm rãi đến bên ngựa, dịu dàng đưa tay vỗ nhẹ vào cổ khẽ lái ngựa hướng về phía mặt trời, nhờ thế ngựa không còn sợ bóng của chính mình và cuối cùng đã trở thành tuấn mã. Vị vua trẻ cỡi con Bucephalas chinh phục cả nước Ba Tư để dựng lên một đế quốc mới ở châu Á. Đọc xong chuyện này tôi rút ra bài học là muốn trị những người nóng nảy khó tính, mình phải “dịu dàng” và tìm cách hướng người đó về điều không làm họ nổi điên lên nữa. Nói vậy nhưng không dễ các bạn nhỉ, nhẹ nhàng thì cũng phải có giới hạn, có lẽ vì thế nên biết bao cặp đã phải ly dị vì hết kiên nhẫn để “dịu dàng” với nhau.
Chuyện vua Darius của nước Ba Tư lên ngôi cũng lạ. Sau khi hoàng đế Smerdis băng hà, tất cả người trong hoàng tộc đều đồng ý nếu sáng hôm sau ngựa của người nào lên tiếng trước thì người đó sẽ được làm vua. Ngựa của Darius vốn mến chủ, vừa trông thấy ông đã hí vang để chào mừng, nên Darius được lên ngôi hoàng đế. Thế mới biết lời chào quan trọng như thế nào, tôi phải học kinh nghiệm này để luôn nhanh nhẩu thăm hỏi người khác, tỏ sự quan tâm không thờ ơ vô cảm.
Qua tới thời Hán Sở Tranh Hùng, con ngựa được nhắc tới là con Ô Truy – một con ngựa chứng xuất hiện tại núi Ðồ Sơn – đã phá phách xóm làng, làm hại mùa màng không ai trị được. Hạng Võ nghe tin đã dùng thần lực để khuất phục Ô Truy, sau đó cùng thần mã tạo ra nhiều chiến công oanh liệt. Sau này vì trúng kế của Hàn Tín và tiếng sáo Trương Lương, Hạng Võ đã bị vây tại Cửu Lý Sơn. Vợ của Hạng Võ là Ngu Cơ đã phải tự sát để chồng rảnh tay phục nghiệp, nhưng Hạng Võ nghĩ mình đã làm 8000 đệ tử đất Giang Ðông bị hại nên thua buồn tự vận. Con Ô Truy không phục ai nên đã nhào xuống sông chết theo chủ. Riêng nàng Ngu Cơ sau khi chết, trên mộ lại mọc lên một loại cỏ sắc xám rất đẹp mà người ta gọi là Ngu Mỹ Nhân Thảo. Cũng như Ngu Cơ, xưa nay nước ta đã có biết bao nhiêu người vợ hiền hy sinh tất cả cho chồng con, nhất là trong thời chồng đi tù “Cải tạo”, không biết bao nhiêu bông hoa, bao nhiêu ngọn cỏ quý mới đủ để vinh danh những người phụ nữ Việt Nam này.
Ðời Hậu Hán, trong cuộc chia ba chân vạc giữa Tây Thục – Bắc Ngụy – Ðông Ngô; Lưu Bị đã được con ngựa Ðích Lư cứu thoát khỏi cuộc mưu sát của vợ Lưu Biểu và Thái Mạo. Ngựa đã vượt qua một dòng suối nhỏ tên là Đàn Khê khi bị truy binh đuổi theo rất nguy ngập. Sau này thi sĩ Tô Ðông Pha nhà Tống đã làm bài thơ vịnh với tựa đề
“Dược Mã Ðàn Khê” để ghi nhớ sự kiện này. Ðích Lư dưới mắt có chỗ trũng như chứa nước mắt, cạnh trán lại có điểm trắng nên nhiều người xem tướng bàn với Lưu Bị không nên dùng. Lưu Bị không tin, cho là người ta sống chết có số. Quả vậy, Đích Lư cứu chủ chứ đâu có hại chủ, nếu bạn tin bói toán phong thủy bạn cũng nên cân nhắc lại nhé. Gần 90 triệu người Việt đâu có sanh cùng ngày mà sao phải cùng chịu khổ, chịu đàn áp dưới chế độ hiện tại?
Ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường cũng tạo ra nhiều chiến công giúp Lưu Bị tạo dựng sự nghiệp. Sau này do mưu kế Ðông Ngô, Quan Vân Trường bị mất thành Kinh Châu phải lấy cái chết để đền ơn tri ngộ. Xích Thố dù được bên địch “o bế” rất kỹ, nhưng đã nhịn ăn chết theo Quan Công chứ nhất định không cho ai khác cưỡi. “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, thì ra không phải chỉ loài chó mà loài ngựa cũng rất trung thành. Nói tới lòng thủy chung của ngựa cũng nên nhắc tới câu nói
“Ngựa Hồ, Chim Việt”. Tích xưa kể rằng khi dân Hồ ở phương Bắc mang triều cống vua Hán Võ Ðế con Thiên Lý Mã, vua cho chăm sóc đặc biệt tại vườn Thượng Lâm nhưng ngựa luôn buồn rầu, chỉ khi nào thấy gió Bắc thổi tới thì mới hí lên vui mừng. Sau đó ngựa bỏ ăn và chết. Đọc những điển tích này tôi thấy rất xấu hổ, vì mình là con người nhưng lòng thủy chung, son sắt với quê hương như thế nào? Biết bao nhiêu người đã vì lợi danh mà phản bội người có ơn với mình, hoặc từng “ăn cơm Quốc gia mà thờ ma Cộng sản”, hình thức này hình thức khác đã làm hại đất nước, không lẽ lại nặng lời mắng họ là còn thua loài trâu ngựa!
Gia Cát Lượng thì biết sử dụng trâu gỗ, ngựa máy. Ngựa của Gia Cát tiên sinh là một thứ ngựa máy có thể thay thế ngựa thật để vận tải quân lương, giúp thành công trong việc chia ba thiên hạ. Ngoài ra dã sử Trung Hoa cũng chép chuyện vua nước Lương có ngựa quý chạy ngàn dặm, tên là Tiêu Sương. Khi Tiêu Sương bị vua Tống đánh cắp đem về, nó nhớ chủ cũ bỏ ăn rồi chết. Đường Huyền Tông cũng nổi danh là ông vua mê ngựa, ông có đến bốn vạn con ngựa quý.
.Vừa qua là chuyện ngựa thế giới, riêng ngựa Việt Nam ta lại hay hơn nhiều vì đã góp phần trong việc chống quân Tàu xâm lăng, tôi xin trích vài chuyện tiêu biểu.
Tượng Thánh Gióng
Trước hết, có lẽ không ai không biết chuyện con ngựa sắt của Thánh Gióng. Chuyện vào đời vua Hùng Vương thứ Sáu khi có giặc Ân từ phương Bắc qua xâm phạm bờ cõi; thế giặc quá mạnh nên vua phải kêu gọi hiền tài trong nước chống đỡ. Lúc đó tại làng Phù Ðổng – thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay – có chàng trai đã xin vua đúc con ngựa sắt và thanh gươm để giết giặc. Người thanh niên này rất lạ, lúc ba tuổi vẫn chưa biết nói biết cười, cứ nằm im như cục bột, thế nhưng khi hay tin giặc tới, đứa bé ăn nhiều, lớn lên như thổi và đột nhiên nói được rồi cưỡi ngựa sắt xông pha ra trận. Phá xong giặc Ân, Gióng đã phi ngựa lên núi Sóc Sơn bay về trời. Tương truyền rằng vó ngựa sắt in dấu rất sâu, tạo thành các ao hồ từ vùng Kim Anh, Ða Phúc cho đến Sóc Sơn. Vua Hùng nhớ ơn nên cho lập đền thờ và phong chàng là Phù Ðổng Thiên Vương, tức là Thánh Gióng.
Lịch sử Việt Nam còn nhiều chuyện kể về công lao của ngựa trong việc bảo vệ tổ quốc như nhờ kỵ binh mà vua Lê Ðại Hành đã giết chết Hầu Nhân Bảo – tướng nhà Tống tại ải Chi Lăng. Cũng nhờ kỵ binh phối hợp mà Lý Thường Kiệt đã đại phá ba châu là châu Khâm, châu Liêm và châu Ung của nhà Tống và đánh tan quân Chiêm Thành.
Chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung dịp đầu xuân Kỷ Dậu 1789 cũng đã được ghi vào lịch sử. Vì quân Thanh qua xâm lăng nước ta lần này mang theo rất nhiều kỵ binh cỡi ngựa, nên vua Quang Trung đã có sáng kiến dùng voi để chống lại. Quả thế, ngựa quân Thanh thấy voi Việt thì mất vía tan hàng, Sầm Nghi Ðống đành treo cổ tự vận ở Ðống Ða. Tôn Sĩ Nghị đang đêm nghe tin bỏ cả ấn tín, người không kịp mặc giáp, ngựa chẳng kịp đeo yên chạy rút về Tàu để thoát thân.
Ngoài ra còn có một địa danh liên hệ tới ngựa mà ta nên hãnh diện nhắc tới: Đó là núi Mã Yên – còn gọi là gò Yên Ngựa tại Chi Lăng. Trong trận chiến kháng Minh, dưới sự lãnh đạo của anh hùng áo vải Lam Sơn – tức Bình Ðịnh Vương Lê Lợi, trận chiến cuối cùng để giải ách nô lệ cho dân Việt sau gần 20 năm đô hộ của quân nhà Minh là trận chiến xảy ra tại núi Mã Yên này.
Tranh “Mã đáo thành công”
Ngày xưa, các sĩ tử đậu ông nghè ông cống đều được Vua ban ngựa để cỡi về quê vinh qui bái tổ, ngựa này sẽ được thắng kiệu vàng, tra khớp bạc: Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. Thế nên theo phong tục Việt Nam khi gửi thiệp mời đám cưới, trên các tấm thiệp thường in hình ảnh cô dâu, chú rể cỡi ngựa che lọng rước dâu về nhà chồng. Còn theo phong tục Tây Phương thì người ta tặng móng ngựa cho cô dâu chú rể trong ngày cưới. Những câu
“Cân đai xe ngựa, Lên xe xuống ngựa” để nói về những người có sự nghiệp lớn. Khi phải ra hầu tòa người ta nói là phải đứng trước vành móng ngựa, có lý do tại sao lại dùng nhóm chữ
“Vành móng ngựa” nhưng bài dài quá rồi, nếu bạn chưa biết thì chịu khó “gú-gồ” nhé. Trong các chứng bệnh nguy hiểm có bệnh “Thượng mã phong” cũng nên nhắc tới cho đủ bộ phải không các bạn.
Một trong những nhục hình ngày xưa có hình phạt
“Tứ Mã Phanh Thây” – tức là cột tứ chi của tội nhân cho bốn con ngựa kéo về bốn phía khác nhau để chết thật là đau đớn, nạn nhân điển hình là Kinh Kha khi mưu sát hụt Tần Thủy Hoàng. Dưới thời Cộng Sản, bọn cầm quyền tuy không thi hành bản án tứ mã phanh thây nhưng đã bắt bỏ tù, trấn dập hành hạ người dám lên tiếng cho Nhân Quyền bằng những cách tàn ác không kém. Thương thay cho những anh hùng ngã ngựa, dù chết trong lao tù nhưng tôi tin tinh thần bất khuất của họ sẽ sống mãi để làm gương cho hậu thế.
Ngựa có đặc tính lạ hơn các loài động vật khác thích ngủ đứng, ban đêm bất kỳ khi nào đi xem xét, người ta luôn thấy ngựa đứng nhắm mắt ngủ. Tội nghiệp ghê, ngủ vậy có mỏi chân và ngon giấc không nhỉ? Ngựa lại biết xem dự báo thời tiết, nếu đang đi bỗng nhiên ngựa dừng lại, đập mạnh móng xuống đất thì trời sắp mưa hoặc có mạch nước ngầm ở vùng đó. Ngày nay với máy móc phương tiện phát triển cao, nhưng người ta vẫn lấy sức ngựa (mã lực) làm tiêu chuẩn tính sức mạnh của động cơ.
Tượng ngựa đá tạc nơi sườn núi Stone ở Mỹ
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều câu nói, điển tích liên quan tới ngựa đã được xài thường xuyên hầu như ai cũng biết. Chẳng hạn khi muốn nói tới chuyện phúc họa khó lường, được hôm nay nhưng mất ngày mai, người ta dùng câu
“Tái ông mất ngựa”. Nói về sự phản bội, cha ông ta có câu:
“Thay ngựa giữa dòng”, nói về lòng tham vô đáy thì có
“Ðược đầu voi, đòi đầu ngựa”. Để đo lường ý chí biết vượt qua thử thách người ta dùng câu
“Đường dài mới biết ngựa hay”.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” ý để nói người xấu luôn tìm tới với nhau để làm chuyện xấu. Riêng về gia đình, vợ chồng thì có câu
“Gái có chồng như ngựa có cương”, rồi thì
“Đầu trâu mặt ngựa, Làm thân trâu ngựa, Ngựa dập voi giày, Như ngựa bất kham, Cỡi ngựa xem hoa, Lên xe xuống ngựa”… Nếu sống không định hướng, không có mục đích rõ ràng người ta ví “lông bông như ngựa chạy”, người phụ nữ nào hư thân trắc nết thì có thể bị bà con chửi là
“Con Ngựa Thượng Tứ”. Gái điếm trở về làm ăn lương thiện thì ví là ngựa hoàn lương. Ba gai, bất trị thì được tặng danh hiệu ngựa bất kham. Mặt chảy dài buồn rầu lo lắng thì bị ví là mặt dài như mặt ngựa. Con cái hư hỏng, không giáo dục được gọi là ngựa đứt dây cương… tất cả đều được dùng rất thường xuyên trong đời sống, đủ để thấy vai trò của ngựa quan trọng như thế nào.
Ngựa cũng có tình mẫu tử rất cao. Chuyện kể rằng khi quan nước Thi Lợi muốn thử xem nước Xá Vệ có người tài hay không, bèn đem hai ngựa mẹ và ngựa con giống hệt nhau để bắt phân biệt. Bên Xá Vệ xem xét tỉ mỉ từ tai đến chân nhưng không có cách nào nhận ra, may thay có cô gái hiến kế là hãy mang một ít cỏ tươi đến sẽ biết kết quả. Thật thế, khi ngựa mẹ thấy cỏ liền nhường cho con ăn trước; trong khi ngựa con thì “vô tư” nhai ngấu nghiến ngay, Xá Vệ thắng cuộc nhờ cách thử này.
Ngoài ra giống ngựa cũng rất tinh khôn, biết phân biệt được gia đình dòng tộc của chúng. Dù cho ngựa bị đem đi lưu lạc phương xa nhưng nếu gặp lại nhau, chúng ngửi mùi mồ hôi thì biết có họ hàng với nhau hay không, nên loài ngựa thì không có chuyện loạn luân ăn ở với nhau lung tung xèng như các giống vật khác. Loài người chúng ta nếu cứ loạn luân, đem thân “cho không biếu không” thiếu lý trí thì có đáng xấu hổ không nhỉ?
Thịt ngựa không được nhắc tới nhiều như món ăn quý, ngoại trừ cao xương ngựa trị được chứng đau nhức xương khớp, làm mạnh gân cốt nhờ ngựa có nhiều loại acid đặc biệt và protein. Thế nhưng người ta có một món trà rất quý gọi là
“Trảm Mã Trà”: Trên núi Vân Vụ bên Tàu có trồng nhiều trà, buổi sáng người ta cho ngựa nhịn đói phi lên núi ăn đọt trà. Sau khi ăn no thì giết chết ngựa lấy trà trong dạ dày ra. Nhờ dịch vị trong dạ dày ngựa, trà đã được biến hóa thành loại trà quý. Thì ra ngoại trừ cafe cứt chồn và cafe cứt voi, món trà Trảm Mã này xem ra cũng là sản phẩm đặc biệt mà có lẽ chỉ chú Ba Tàu mới nghĩ ra được, chắc là ngon và thơm vì không phải mang tên cứt ngựa và không phải đi qua khâu cuối ở chỗ đó! Nói tới đây tôi phải nhắc tới màu xanh rêu đậm cũng được gọi là màu cứt ngựa. Có lần tôi hỏi con trai cái quần màu cứt ngựa của con đâu rồi, nó tiếng Việt vu vơ nên trố mắt ra nhìn, khi nghe giải thích xong nó giận dỗi bảo:
“Con không muốn mẹ nói quần con là cứt ngựa!” Trong Kinh thánh Cựu ước xưa cũng có nhắc tới bốn con ngựa của Apocalypse: Chúng là biểu tượng của sự chinh phục, chiến tranh, nạn đói và cái chết. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan, 4 con ngựa này được coi là dấu hiệu của sự phán xét trong ngày tận thế. Chúng có màu trắng, đỏ, đen và xanh xám. Tại Ấn Độ, thần Kalki – biểu tượng của tương lai – là hình ảnh một con ngựa. Trong đạo Hồi, thánh Mohamet lúc giáng trần cũng cưỡi bạch mã. Hình ảnh Chúa Giêsu cỡi lừa và tay phải cầm chiếc gậy khi vào thành Jerusalem là một hình ảnh rất ý nghĩa. Còn theo đạo Phật, khi Thích Ca ra đi tìm sự giác ngộ cũng đã cưỡi ngựa trắng và khi tạo đạt rồi thì chỉ thấy ngựa, không thấy ngài đâu nữa, tức là Phật Thích Ca đã hóa thân vào con ngựa của ngài.
Trong chuyện chưởng, ngựa là phương tiện giao thông hàng đầu, các nhân vật trong chưởng đều phi ngựa như bay, làm hình ảnh họ càng thêm anh hùng. Riêng anh chàng Vi Tiểu Bảo thì nhờ ma lanh nên đã thắng cá cuộc đua ngựa với Ngô Ứng Hùng cả vạn lạng bạc. Tiểu Bảo thừa biết loại ngựa Vân Nam của Ứng Hùng sẽ ăn đứt bầy ngựa của mình, nên bày mưu đút lót, rủ rê lính chăm sóc ngựa đi uống rượu chơi gái, rồi tìm cách cho bầy ngựa Vân Nam ăn bả đậu để chúng đau bụng tiêu chảy, nhờ thế ngựa của Tiểu Bảo thắng cuộc chạy đua. Vua Khang Hy cũng phải lắc đầu khen Bảo khôn lanh. Riêng tôi thì không ưa nhân vật Vi Tiểu Bảo, có lẽ vì hắn ma lanh, hay cà rởn, thế mà lúc nào cũng được bao nhiêu mỹ nữ yêu thương giúp đỡ!
Bây giờ trở lại chuyện thực tế, tôi xin nhắc tới một trong những trò vui xuân là phi ngựa đuổi theo bắt lại mũi tên đang bay, kỵ sĩ phải vừa dũng cảm vừa khôn khéo mới điều khiển được tuấn mã, và dĩ nhiên ngựa phải phi nhanh hơn tên bay mới mong thắng cuộc.
Hàng năm vào ngày 16 tháng 8 là ngày tết Ngựa được tổ chức ở thành phố Labay, Hòa Lan. Vào ngày này, ngựa được chiều chuộng cho ăn những món đặc biệt hơn ngày thường. Xem ra ngựa ở đây còn sướng hơn những người dân Việt nghèo khổ, dù ngày Tết tới vẫn đói rách thèm thuồng.
Người Hungary cũng có các ngày hội truyền thống để người ta có dịp xem cầu thủ ngựa ra sân thi đá banh. Hai đội bóng toàn là ngựa không có người điểu khiển đã được huấn luyện đặc biệt để đá quả banh vào khung gỗ tranh tài, coi bộ cũng lý thú quá nhỉ?
Ở Việt Nam từ thời vua Hùng cũng có tổ chức các cuộc đua ngựa, đặc biệt là thi cưỡi ngựa làm cơm. Người dự thi được phát một bó đuốc, một ống nứa trong đó sẵn gạo nếp và nước. Sau một hồi trống lệnh, các kỵ sĩ phải vừa cho ngựa chạy vừa lấy lửa đốt đuốc làm sao cho chín ống cơm. Cơm chín trước và ngon thì thắng cuộc được thưởng, dĩ nhiên là không được vụng về làm cháy bờm ngựa. Binh lính thời Lê Trung Hưng và thời Tây Sơn cũng đã áp dụng cách nấu cơm độc đáo này để vừa hành quân vừa nấu được cơm ăn tiết kiệm thì giờ. Ừ nhỉ, ở hải ngoại thì giờ quý hiếm mà mỗi ngày lái xe về nhà hay bị kẹt xe, nếu mình có nồi điện trên xe để vừa nấu cơm vừa lái thì tốt biết mấy!
Trong binh chủng Việt Nam Cộng Hòa, 5 phi đoàn trực thăng của Không Quân đã được mang 5 năm danh hiệu của loài ngựa mỗi khi bay hành quân như Bạch Mã 217, Hắc Mã 211, Hồng Mã 225, Phi Mã 227 và Hải Mã 255. Các phi hành đoàn này phải dùng những danh hiệu trên để liên lạc với đài radar “Paddy” mỗi khi cất cánh.
Tượng Đức Trần Hưng Đạo cỡi ngựa – thánh tổ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tại Bến Bạch Đằng Saigon, tượng Lê Lai cỡi ngựa mặc hoàng bào cứu Chúa, tượng thánh tổ ngành truyền tin Trần Nguyên Hãn cũng cỡi ngựa, đã là những hình ảnh oai hùng trong lịch sử Việt.
Cảnh sát các nước bên Mỹ, Úc, Canada…. ngày nay vẫn còn cỡi ngựa đi tuần trên đường phố, làm dàn chào danh dự, dẫn đầu các cuộc diễn hành trong các ngày đại lễ. Quan tài của cố Tổng Thống Kenedy hay công nương Diana đều được đoàn xe ngựa kéo tới thánh đường rồi ra nghĩa trang, sau đó mới chuyển bằng xe về an táng tại quê nhà.
Lông đuôi ngựa làm sợi dây kéo đàn vĩ cầm tốt và hay hơn bất kỳ các dây đàn làm bằng chất khác.
.../...