Thoáng đấy mà chàng đã xa quê hương hơn ba mươi cái Tết. Chưa một lần trở lại quê hương, mặc dù người thân trong gia đình giục giã chàng về. Cha mẹ chàng đã khuất núi từ lâu, mấy anh cũng đã mất, chỉ còn hai chị nay tuổi đã cao. “Em ạ, có dịp em về chơi để các chị gặp em lần chót vì tuổi già, chẳng biết lúc nào…” “Vâng, em cũng nhớ quê hương và nhớ các chị lắm. Em muốn được nhìn lại ngôi nhà mẹ sinh em ở đó, ngôi nhà ông bà nội và thầy mẹ dựng lên. Em muốn đi trên con đường làng tới khu đình, tới ngôi trường tiểu học em học khi xưa (ông thầy giáo dạy em chắc nay chẳng còn); em cũng muốn thăm ruộng đồng và con sông chảy qua làng, cầm nén nhang ra thắp trước mộ thầy mẹ và ông bà nội, thăm ngôi giáo đường nhỏ đã dầm dãi với nắng mưa cả thế kỷ; thăm ngôi chợ phiên khi xưa mẹ vẫn bán hàng xén và mỗi buổi chiều em đứng cổng ngõ chờ mẹ đi chợ về với món quà như bánh đa kê, bánh nếp, bánh giò, bánh rán…trao cho em với nụ cười thật tươi trên môi. Em cũng muốn nhìn lại những bức trướng liễn treo trong nhà mình mà chữ viết trên đó là đại tự của thầy. Em muốn coi lại hết mọi thứ em đã nhìn ngày xưa sau hơn nửa thế kỷ em xa quê, nghĩa là từ cuộc di cư 1954… “Vậy thì về đi chứ em!”
Chàng thương hai chị, gửi quà bánh nhưng nói đến về chàng lại ngại. Giả sử còn cha mẹ…Vả lại, chàng cũng đã đi vào tuổi già, còn trẻ trung gì đâu!
Ngày Tết nơi đất khách phải nói là tẻ nhạt và buồn! Chàng nhớ cha mẹ, nhớ các anh các chị, các cháu. Khi xưa mỗi độ Xuân về, cùng cha mẹ đi chúc Tết ông bà nội ngoại, chàng tung tăng như con chim non vừa rời tổ, nhìn cái gì cũng đẹp, thức ăn gì cũng ngon, làng xóm đâu cũng vui, tấp nập và rộn rã.
Nhớ nhất là những đêm 30 tháng chạp, ngoài trời rét căm căm, cả nhà ngồi đón Giao thừa bên nồi bánh chưng sôi sùng sục. Có Tết cha mẹ chàng đến nhà ông bà ngoại bên Đông thành, Thái bình; có Tết lại ở ngay làng quê với ông bà nội; con cháu bên nào cũng đông cả ba, bốn mươi người xum họp đầm ấm, tiếng cười nói rộn rã mấy gian nhà. Lửa nấu bánh bập bùng trong gian bếp, gió heo may rào rạt thổi ngoài vườn làm những tàu lá cau cọ vào nhau nghe xào xạc. Ông ngồi kể chuyện cổ tích cho con, cháu nghe như Sự tích bánh chưng, bánh dày; chuyện Trầu Cau, chuyện Phù Đổng thiên vương, chuyện ăn khế trả vàng v.v… Mọi người ngồi nghe đợi Giao thừa lên nhà trên, gian chính giữa dùng làm phòng khách, nơi đó đã thiếp lập bàn thờ có bài vị tổ tiên, con cháu dâng hương, lòng thành nhớ ơn tổ tiên và khấn vái các Ngài …về vui Xuân với con, cháu.
Bánh pháo Giao thừa nổ đẹt đùng khắp làng trên xóm dưới báo hiệu năm mới đã sang, mọi người cầu chúc nhau sức khoẻ dồi dào và những điều tốt đẹp.
Ngày mồng 1 Nguyên Đán thường có thi bơi chải dưới sông, thi đánh roi, quyền cước và đô vật ở sân đình. Ngày mồng 2, nấu cơm thi, đôi khi các cụ chơi bài chòi cờ tướng. Những đứa trẻ như chúng tôi, nhất là con trai sính võ nghệ, chúng tôi không bỏ môn thi đấu nào. Giờ này quan sát đàn anh bắt chước những ngón hay để sau này mình cũng có dịp biểu diễn sau khi đã học tập đầy đủ từng bộ môn, từng thứ hạng tựa như đai vàng, đai nâu, đai đen của võ Judo và võ Đại Hàn.
Cũng có năm được mùa, dân làng ngả trâu, giết bò, mổ lợn chia thịt cho khắp mọi nhà cùng hưởng lộc trời ban. Ai nấy mặc quần áo mới và đẹp, dáng điệu nghiêm trang, trịnh trọng. Những đứa trẻ đầu còn để trái đào, súng sính những bộ quần áo mới, mặt tươi hơn hớn đi cạnh cha mẹ đến mừng tuổi ông bà, chú bác, cô dì rồi nhận những đồng tiền mừng tuổi. Ai cũng giữ lời ăn tiếng nói sao cho lịch sự và vui vẻ trong những ngày đầu năm. Những đứa trẻ hay nói tục ngày hôm nay cũng phải sửa đổi.
Bài thơ sau đây mô tả lại những háo hức của tuổi trẻ thời xa xưa ấy:
Tết Quê Xưa Tôi lang thang trên vỉa hè Nữu Ước Trưa mồng 1 đúng ngày Tết năm Dần Nhìn phố phường lòng nhung nhớ bâng khuâng Ngày hôm nay, quê tôi mồng 2 Tết! Thuở thiếu thời mừng Xuân vui hết biết Cùng mẹ cha đi mừng tuổi họ hàng Quần áo đẹp, giầy mũ diện thật sang Túi rủng rỉnh những đồng tiền mừng tuổi! Ba mươi Tết dạo chợ hoa cả buổi Nào thược dược, hoàng cúc với thủy tiên Những cành đào trong gió sớm cười duyên Nũng nịu cánh mai vàng đang gọi Tết! Mẹ đã ninh chục bánh chưng, bánh tét Vại giưa hành, nồi thịt lợn nấu đông Ngay trước sân, xác pháo nổ đỏ hồng Bố cắm nêu, chiếc khánh sành ru gió! Người lại qua, dập dìu ngay truớc ngõ Câu chúc mừng năm mới sẵn trên môi Dăm cô gái quê, môi má đỏ bồi hồi Nghe câu hò những chàng trai thôn dã! Ngoài sân đình, thanh niên chạy việt dã Rồi đô vật, quyền cước, đấu roi thi Chục chiếc thuyền, ông thuyền trưởng uy nghi Sắp bơi chải, sẵn sàng đoàn trai tráng! Cuộc thi đua để còn phân thứ hạng Và mồng 3 những mâm cỗ dự thi Các chủ nhân, những thôn nữ mong gì? Được chấm nhất là đắt chồng, mau mắn! Làng quê tôi khi hoa đào nở thắm Đón Xuân về, vui nồng ấm thôn trang Đến nửa dêm còn nghe trống thúc vang Hát Quan họ, hát chia phe trai gái! Nửa thế kỷ, xa quê, tôi đi mãi Nhớ làm sao bao kỷ niệm ấm lòng Cha mẹ tôi, còn tựa cửa ngóng trông? Đứa con trai, biệt phương trời, ngày ấy! (tđn)
Ngày vui qua mau! Tuổi hồn nhiên không còn ở mãi với tôi. Những ngày ảm đạm bắt đầu.
Chiến tranh đã cướp đi những ngày vui ấy. Chiến tranh đã phủ lên non sông một lớp khăn tang trắng xóa như trên mái đầu những góa phụ và các trẻ thơ. Chàng trai trẻ ra đi vào ngày cuối cùng khi chiến cuộc vừa tàn với những nhức nhối day dứt khôn nguôi. Cái Tết này là cái Tết thứ 35 của cuộc đời tị nạn.
Ngày đầu năm, cảm khái trong lòng, chàng lấy bút giấy ghi lại:
Năm Mới Xứ Người Năm mới xứ người bình lặng quá! Tôi ngồi nhớ lại những năm xưa Tiếng pháo Giao thừa sao rộn rã Tiếng cười, tiếng tí tách hạt dưa… Trống làng thùng thùng đang réo gọi Thầy tôi kính cẩn đứng giữa sân Thắp hương chăm chú nhìn riêng cõi… Như có hồn thiêng của tiền nhân Sáng mồng một chúc tuổi ông bà Đầy đàn con cháu khắp gần xa Nhân ngày Nguyên đán về họp mặt Những tấm lòng, quà bánh phương xa! Nhiều năm tôi đã đi biệt xứ Tết đến làm chi khiến não lòng Quê hương thuở ấy bao tình tự Có cảm thông cùng kẻ lưu vong? Tết đến mai vàng càng gợi nhớ Những cành đào vui gượng, lẻ loi Lan với thủy tiên nhìn bỡ ngỡ Ngậm ngùi bao xa cách, chia phôi! (tđn)
Nhiều người tại hải ngoại đã về thăm quê hương. Người bạn quen tôi về, người em họ của tôi cũng về. Tôi gửi em cả tấm lòng, nhờ em hãy mang về nơi chôn nhau cắt rốn giùm tôi.
Em hãy đi thăm con sông chảy qua làng đục ngầu phù sa. Kia là cái giếng dân làng ra lấy nước ăn, mỗi buổi chiều đầy những thiếu nữ quảy đôi hũ sành gánh nước về nhà. Thăm giùm tôi bờ đê chạy dài tới chân trời, đi xuyên làng này sang làng khác, mỗi khi nước lũ về ai nấy sợ vỡ đê mà đã một lần làng bị. Tiếng trống hộ đê dồn dập ba tiếng một vang lên. Cả mõ, chuông nhà thờ và chuông chùa. Khẩn cấp! Khẩn cấp! Đàn ông trong tổng và cả đàn bà chạy nhanh ra bờ đê, xắn cao ống quần, người xắn đất, kẻ vác, kẻ đội đất từ trong ruộng đắp lên bờ đê cho cao cho chắc để ngăn nước. Hàng ngàn cây tre dài được đóng xuống để giữ cho chân đê chắc trước khi đổ thêm đất. Nước càng dâng cao thì lòng người càng hồi hộp, đất đắp mãi vào cho bờ đê cao và dầy hơn để ngăn nước lũ. Khi nào cảm thâý đê đã vững, nước lũ không phá được thì người người mới lơi tay để nghỉ, ăn uống lấy lại sức. Nếu nước tràn vào làng, vào ruộng được là năm đó nhìn thấy cái đói, cái rét, khổ sở vô cùng! Làng tôi chỉ sống bằng cây lúa, lúa bị lũ lụt phá thì còn cái gì làm lẽ sống nữa!
Em Về Cho Anh Gửi Mai em về bên nớ Cho anh gửi tấm lòng Thăm làng quê quá nhớ Từ lâu vẫn đợi mong Cho anh thăm bờ ao Thăm bụi tre, giậu rào Thăm dòng sông nhẹ chảy Lên tháp chùa ngắm sao Cho anh thăm bờ đê Cuối năm lũ tràn về Hàng ngàn dân xẻng cuốc Sợ đê vỡ não nề Cho anh thăm chợ huyện Tháng chỉ họp sáu phiên Hàng trâu bò, kê khuyển Lụa sản xuất riêng miền Cho anh thăm sân đình Dân làng vẫn cung nghinh Nào tượng thờ Trời, Phật Nơi thi đấu võ sinh Cho anh thăm đồng lúa Đều đặn có hai mùa Tháng năm và tháng mười Đất ngọt pha đất chua! Cho anh thăm ngôi nhà Của cha mẹ, ông bà Để lại cho con cháu Trên mảnh đất làng ta! Nhớ ơi, sao mà nhớ! Nơi phần mộ tổ tiên Nơi chôn nhau cắt rốn Kỉ niệm chẳng sao quên! (tđn)
Chơi Xuân, hưởng Tết; riêng với con trai có cái thú uống rượu. “Nam vô tửu như kỳ vô phong” anh thanh niên không uống rượu không khác gì cờ không có gió, không bay phấp phới ngạo nghễ được. Các cụ ta quan niệm thanh niên phải có rượu mới là thanh niên hùng dũng, khoẻ mạnh. Phụ nữ xưa cả đời không uống rượu. Thanh niên không biết uống rượu có khác gì phụ nữ, những người chân yếu tay mềm, không phải là nam nhi chi khí! Hội Xuân, cúng đình hay làng vào đám bao giờ cũng có ngả trâu hoặc bò, hay lợn và có rượu (thứ rượu trắng quê ta cất lấy xưa kia, ngon và bổ) bởi chén rượu là đầu câu chuyện trong những bữa tiệc, khao vọng, mừng rỡ, đón Xuân ở trong làng, trong tổng.
Nào mời ! Nào mời bạn nâng ly! Hãy quên mọi thứ đi Quên đất trời mưa nắng Quên quá khứ gian nguy Quên thân phận con người Ông Trời luôn trêu ngươi Quên đất bằng nổi sóng Quên tiếng khóc, tiếng cười! Hãy uống cho thực say Để nhớ lại những ngày Bên gia đình êm ấm Chan chứa mộng vơi đầy! Ngày mai ta lên đường Dò theo ánh thái dương Bằng lòng với vũ trụ Gò lưng giật giây cương! Hỡi người bạn tâm tri! Quên đời quên người đi Nào cùng nhau cạn chén Và quên hết sầu bi! (tđn)
Tài tử với giai nhân luôn có nhiều gắn bó. Họ được sinh ra cho nhau và để yên ủi nhau vì cuộc đời có nhiều bất trắc, rủi nhiều hơn may, bận lòng nhiều hơn thanh thản. Nhưng họ hiếm khi được hưởng hạnh phúc lứa đôi cùng nhau như Roméo-Juliette, tướng Trần khắc Chung với Huyền Trân công chúa, danh sĩ Phạm Thái với Trương Quỳnh Như, Kim Trọng với Thúy Kiều v.v…Họ thường bị lạc nhau giữa chợ đời.
Họ mong Xuân sang để được gặp lại nhau, mang lại hạnh phúc lứa đôi cho nhau bởi hạnh phúc lứa đôi là lẽ sống của con người.
Bao Giờ Xuân Sang ? Mùa Xuân tôi sống làng Yên Một hôm lạc lối tôi lên Vân Hàng Vào hè tôi sống với nàng Hiu hiu gió mát, trăng vàng dạo chơi Mùa Thu mây ở muôn nơi Giã nàng tôi muốn vào chơi động vàng Mùa Đông trở lại kiếm nàng Để mùa Xuân tới có nàng bên tôi Tôi như một áng mây trôi Xuân, Thu, Đông, Hạ biết nơi nào tìm Còn nàng mải miết cánh chim Tôi đi biển Bắc nàng tìm biển Nam Bao giờ Xuân mới lại sang? Để tôi đi đón nàng về với tôi! Nàng kia, tim đập bồi hồi Tôi nghe rộn rã một trời đắm say Em ơi, ta hãy nắm tay Hưởng muôn hạnh phúc bõ ngày cách chia! (tđn)
Kể ra những trò chơi ngày Tết còn nhiều, kể đến “tối” cũng chưa hết nhưng bài báo Xuân có hạn, xin hẹn quí bạn đọc một dịp khác, chúng ta lại trà dư tửu hậu, kể những chuyện lý thú cho nhau nghe lúc giao mùa!
Tết Hải Ngoại
Bút Xuân Trần Đình Ngọc
(Những bài thơ trên trích từ 3 Thi tập Như Áng Mây Trôi I và II và Nắng Quê Hương tác giả Trần Đình Ngọc)
nguồn:
http://vietlyhuong.net/20...g-van-tho-on-xuan.html