Phái yếu can đảm hơn phái mạnh?
Lại Bối Y 23.05.2003 01:36:02 (permalink)
Phái yếu can đảm hơn phái mạnh?

Nàng đi nhổ răng, tự lái xe về nhà, nấu cơm, giặt quần áo, giúp con làm bài tập ở nhà. Chàng đi nhổ răng, cả vũ trụ như dừng lại khi chàng chờ cho vết đau qua đi. Đó là một bức tranh biếm hoạ? Một nghiên cứu mới cho thấy điều này không hề vô lý - phái vốn luôn được coi là yếu đuối lại có khả năng chịu đựng giỏi hơn.

“Tôi biết rằng đàn ông vẫn luôn âm thầm tự hỏi làm sao phụ nữ có thể trải qua cuộc vượt cạn giỏi đến vậy, họ hẳn rất kiên cường. Bây giờ chúng tôi đã có bằng chứng ủng hộ điều này, phụ nữ chịu đau giỏi hơn đàn ông - ít nhất là trong từng giai đoạn của cuộc sống”, tiến sĩ James N. Dillard, tại Đại học Columbia, Mỹ, tuyên bố.

Bí quyết là gì? Chính là estrogen. Được sản sinh ra từ buồng trứng với số lượng lên đến đỉnh điểm vào những năm sinh nở và giảm dần về cuối cuộc đời, tầm ảnh hưởng của hoóc môn này có thể vượt ra ngoài bộ máy sinh sản của phụ nữ mà vươn thẳng tới trung tâm điều khiển cảm giác đau ở não.

“Mặc dù nỗi đau bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, rõ ràng estrogen đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng của mỗi cá nhân”, tiến sĩ Jon-Kar Zubieta tại Đại học Michigan nói. Một cách mà estrogen giúp phụ nữ đương đầu với nỗi đau là tăng lượng endorphin - một hoá chất trong não giúp giảm phản ứng với vết đau.

Khi hàm lượng estrogen cao, nó làm gia tăng số khu vực trong não mà endorphin có thể trú ngụ. Càng có nhiều nơi như vậy thì càng tụ tập nhiều endorphin chờ đợi để đem lại cho cơ thể những hoá chất gây dễ chịu có thể lấn át cảm giác đau.

“Đó chính là một lý do vì sao phụ nữ có thể vượt qua được cơn đau sinh nở. Ngay trước khi sinh, lượng estrogen tăng vọt, vì thế khả năng đối chọi với cơn đau cũng được tăng cường”, Zubieta nói.

Ngược lại, nghiên cứu cho thấy hàm lượng chất endorphin có thể giảm khi phụ nữ tiến gần tới gần giai đoạn mãn kinh, thời điểm mà lượng estrogen có thể sụt giảm. Thực tế đó có thể lý giải vì sao nhiều phụ nữ cảm thấy đau và nhức nhiều hơn khi họ bước vào giai đoạn trung niên.

“Điều đó không có nghĩa là cơ thể của họ đang gặp trục trặc, mà thực tế họ vẫn trải nghiệm những cơn đau mà trước đó họ không cảm thấy”, Dillard giải thích.

Vào năm 1993, một nghiên cứu trên động vật được in trên tạp chí Pain cho thấy khi buồng trứng còn nguyên vẹn, chuột cái chịu đau ít hơn so với khi buồng trứng bị cắt bỏ. Trong khi đó, hàm lượng testosterone thay đổi không đáng kể trong việc chuột đực trải nghiệm cơn đau như thế nào. Điều này cho thấy testosterone không có ảnh hưởng đối với nam giới như estrogen đối với phụ nữ.

Nhưng trong việc cảm nhận vết đau thì không chỉ có hoóc môn là ảnh hưởng. Nó còn là một quá trình học tập từ những kinh nghiệm với cơn đau trước đó.

Do phụ nữ ít nhất cũng được làm quen ở một mức độ nào đó với cơn đau kinh nguyệt hàng tháng, chưa kể tới sự khó chịu trong suốt thời gian mang thai, họ có thể không phản ứng một cách thái quá khi có cơn đau kiểu khác xảy ra.

“Nghiên cứu cho thấy một người nào đó càng lo lắng về nỗi đau - dù là đàn ông hay phụ nữ - thì họ càng có xu hướng cường điệu những tín hiệu đau và càng cảm thấy đau. Vì vậy, nếu một phụ nữ đã quen với các cơn đau, người đó có thể không hoảng hốt trước những tín hiệu đau và vì thế mà chịu đựng tốt hơn”, Dilliard nói.

Nghiên cứu về khả năng chịu đau ở mỗi giới vẫn đang trong quá trình sơ khai. Và trong khi người ta nhận thấy rằng phụ nữ có những lợi thế sinh hoá học, thì điều lạ lùng là họ lại có khả năng mắc các bệnh gây đau, như u xơ hay đau nửa đầu, nhiều hơn.

Minh Thi (theo Healthscoutnews)


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9