Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG
Những "con đường xưa Em đi"
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 1
Chỉ là ghi lại một chuyến thăm quê 5 tuần lễ từ 12 tháng 5 đến 16 tháng 6 năm 2012. Sẽ có những đoạn không vui hay không hài lòng do chạm vào ốc đảo Địa Phương cũng có những "Kịch Cỡm" bi hài và cũng có suy tư nghĩ về khi bất chợt nửa đêm thức giấc.
Nói chung ghi nhận rất chủ quan của người viết, xin mọi thứ lỗi thường lệ
NhàQuê
Phần Mở Đầu
Gọi là chúng tôi gồm có NhàQuê và Tư Lịnh, chuyến đi đột ngột nhưng lại có chuẩn bị vài tháng trước ngày khởi hành.
Đột ngột vì do thực tế bên nhà cần phải về gấp trước khi quá trễ, đột ngột vì chính NhàQuê chưa có ý định nào cho việc như thế trong năm 2012 nầy, đột ngột vì lẽ ra đợi đến lúc các cháu nội ngoại nghỉ Hè và đột ngột lẽ ra sau khi dự lễ tốt nghiệp Đại Học như mong đợi của cháu nội Amy PhượngLoan Trần; Nhưng:
Có sự chuẩn bị khá rõ ràng về mục đích, chương trình, những nơi sẽ HÀNH HƯƠNG, những gặp gỡ bạn bè, những du hành sau đó .
Về mục đích bao gồm những điểm chánh sau:
- Thăm lại mộ phần Ba Má, giỗ Ba và viếng mộ phần Nhạc Phụ
- Vấn an Nhạc Mẫu tuổi đã quá 95
- Thăm bà con Nội Ngoại ...Dâng hương ông bà cô chú bác cậu dì ...
- Gặp lại bạn bè, người quen cũ mới
- Kỷ niệm 50 năm từ khởi đầu bước lập gia đình
- Du hành nếu điều kiện cho phép
Như thế có là sự chuẩn bị chăng ....có thể nhiều thiếu sót không tránh khỏi, nhưng phần nào vừa ý
NhàQuê Jun 26, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 2
Có Phải
Cộng hàng số: 3369+4669+1379=9417 nếu là số tiền hoạnh tài trên trời rơi xuống ắt là có chút mừng mừng, đàng nầy dãy số đó là chiều xa của đoạn đường chim bay tính bằng miles ....ơi thôi là ngán ngẩm , vốn xưa nay đã chẳng thích thú chút nào khi ngồi vào ghế cho "thầy cô HÙ" choàng khăn cắt tóc ...chỉ 5, 10 phút thôi mà ớn thấu trời huống hồ gì giờ phải bó rọ trong khoang hành khách với vé hạng bét trong 20 giờ 10 phút trong chuyến bay vượt Thái Bình Dương nối 2 châu Mỹ-Á.
May thay ngày nay khi đi lâu như thế đều có được các phương tiện như TV, Laptop, máy nghe nhạc, game, ... giúp quên thời gian dài thườn thượt, cất tạm gánh lo âu, tạm gác qua bên những phiền hà đang chờ ở nơi sẽ đến.
Vậy mà đó là Quê Hương ...Hai tiếng thiêng liêng của tất cả màu da và ngôn ngữ chính thống không phải loại pha màu.
Những lúc ngồi chờ lên hay chờ đổi chuyến, nhìn những chiếc Boing 777 chất hàng để thấy sức mạnh phi thường của các máy phản lực đã nhấc bổng và mang đi hàng mấy chục tấn "người và của" trong mỗi chuyến bay xa.
Vậy mà còn thua xa lòng tự hào huyền hão
Sáng trưa chiều tối không còn tuần tự theo lẽ tự nhiên, ...những giấc ngủ ép gượng gạo, những bữa ăn khác giờ giấc ...tất cả không bình thường, ....
Vậy mà bằng lòng chịu đựng
Thay đổi khí hậu đới, thảo mộc, môi trường, tiện nghi cuộc sống đột ngột trong khảnh khắc 24 giờ ngắn ngủi
Vậy mà phải nhanh chóng thích nghi
Từ những thủ tục giản dị, thái độ niềm nỡ, lịch sự trên cả lễ phép đến rườm rà, hách dịch, soi mói đến cả gây khó dễ từ những nhỏ nhặt, những tham lam
Vậy mà nén xuống làm ngơ
Nơi mà phụ nữ không dám chưng diên đeo những quí kim quí thạch, nơi mà giấy tờ tiền tùy thân, tiền bạc phải giấu trong mấy lớp áo quần có khuy có nắp gài cài cẩn thân....
Vậy mà phải ráng giữ gìn cẩn trọng, bỏ thói quen cố hữu xuề xòa
Bởi vì hai tiếng QUÊ HƯƠNG ...Bởi vì 2 tiếng ấy không ngôn từ nào khác có thể giải thích đủ đầy hơn ..
PHẢI ĐI !!! Và khi trở về nơi sinh sống,biết rằng nơi đó người ta nói bằng thứ ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ của mình nhưng cũng đủ hiểu rằng CHÀO MỪNG ÔNG TRỞ VỄ NHÀ!! Thèm câu tương tự CHÚC BẠN VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG VUI VẺ tiếng của người cùng mẹ Âu Cơ!? Nhưng 10 năm, 20 năm nữa hay chẳng bao giờ
NhàQuê July 17, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 3
Đường Về
Phi cơ từ Đài Loan chếch hướng Tây Nam vào không phận Quảng Nam-Đà Nẵng rồi hướng về Sài Gòn. Từ trên cao nhìn được bãi biển cát trắng và sóng li ti, núi rừng xanh thẳm. Phi cơ hạ thấp cao độ từ Long Khánh Biên Hòa rồi Thủ Đức, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn dễ dàng nhận biết, nếu không có các điểm mốc ấy thì các nhà cao thấp mái đủ màu thoạt nhìn như những thành phố lớn nào đó
Từng nghe nhiều người vẻ hãnh diện nói về "bây giờ đất nước phát triển lắm, đường xá mở mang, có đường cao tốc, có bao nhiêu cầu treo, đường hầm, ....có thể sẽ đi lạc ngay trên tỉnh nhỏ Bến Tre" . Hình như các nước trong vùng đều không đạt kịp tiến nhanh đó.
Phi cơ chạm đất nhẹ nhàng lướt trên phi đạo ...Những dãy nhà vòm trước thời hồng thủy mười mấy năm vẫn còn "trơ gan cùng tuế nguyệt" nhưng có vẻ bệ rạc rổng tuếch, chúng còn lại vì chúng chẳng còn gì để tháo gở chăng !? ..... Phi trường quốc tế như một bao diêm chật hẹp chưa thành cái bật lửa Zippo thông dụng. Tạp nham cũ mới.
Cái khác đầu tiên sau khi các tiếp viên cúi chào nói lời cám ơn hành khách và lời hẹn gặp lại dù đó chỉ là câu giao tiếp thông thường. Cái khác đó là được đi vào đường ống thay vì xe buýt như trước đây, mà dọc theo đường ống ấy để dẫn đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh lố nhố những công an sắc phục mặt khó đăm đăm chứ không là các hướng dẫn viên tươi cười thân thiện chỉ lối, khác xa những nước đã có lần du lịch hoặc ghé qua.
Không có gì mới hết bạn ơi! Vẫn 5 đô Mỹ kẹp trong mỗi passport nơi quầy đóng dấu nhập cảnh nếu bạn không muốn mất thì giờ bởi những câu hỏi trên trời dưới đất. Vẫn 10 Đô La qua cửa quan thuế . Và đặc biệt 20 đô cho cái ông veston cà vạt ngồi coi máy kiểm hành lý khi ông giữ lại 2 va li trong đó có 7 chai Rémy Martin XO và 1 chai Hennessy XO định thết đãi anh em bạn bè cho biết mùi tạm gọi là của dân giàu...Nhưng không sao, vốn thương hại những người có ăn có học biết chạy chọt tìm chỗ gở vốn, tiến thân. Họ đưa tay nhận tiền thản nhiên như người mua kẻ bán.
Thời gian ngột ngạt, chậm chạp đó cộng thêm cái nóng hầm hập mới thấy hết giá trị của chuyến di hành. Mới thấy con bịnh vô phương cứu chữa ...thảm thương thay cho đất nước tự hào!
NhàQuê July 19, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 4
Những Đợi Mong
So với xưa kia, những con đường có mở rộng ra hơn nhưng vẫn tắt nghẻn; Đó là hình ảnh Sài Gòn được ghi nhận trước nhất . Xe hơi đủ cỡ đủ loại, xe hai bánh có động cơ và không động cơ ... chạy như chen lấn nhau lạn qua lách lại đến chóng mặt. Thật tình mà nói với 44 năm biết ngồi sau tay lái, lái đủ loại xe kể cả xe móc hậu kéo nước, kéo pháo ....nhưng chắc là không dám ....
Những mái tóc văn thơ, những gương mặt thanh tú làm trái tim sai nhịp đã không còn nữa trên đường phố Sài Gòn, không còn tìm thấy nơi thành phố khoe sắc khoe hương nầy , không còn gặp lại trong tất cả dòng xe cộ bất cứ nơi đâu. Chắc chắn có người gật đầu hay vẫy tay chào mà không biết là ai ....
Về thời trang phải nói Sài Gòn hơn hẳn ....có khi đi trước, cho dù đất nước vốn triền miên... chưa bao giờ được xếp vào trăm hạng đầu tiên.
Con đường cao tốc Sài Gòn - Mỹ Tho nằm phía Tây của quốc lộ 4 ngày xưa, mỗi chiều 2 làn xe với tốc độ hạn chế, có thu phí ở hai đầu, mới xây chưa bao lâu mà có chỗ cần tu bổ, có lẽ không đáp ứng nổi với loại xe vận tải hạng nặng cần thiết cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa công nghiệp ...đường hẹp hơn xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa được xây trong giữa thập niên 50 thế kỷ trước, xa lộ nầy ngày nay là một phần của Quốc Lộ 1 (gọi chung là xa lộ Hà Nội ?) ...riêng đường Trường Sơn hay đường Hồ Chí Minh ngoài Trung cũng hẹp 1 làn xe mỗi chiều và nhiều khoảng cong nguy hiểm, nhiều cầu qua sông suối cheo leo ....
Đường cao tốc đến Trung Lương thuộc Mỹ Tho là hết, về Bến Tre phải chạy lòng vòng xuống phố chứ không có lối ra dẫn thẳng lên cầu Rạch Miễu mới xây để về Bến Tre . Cầu nầy theo được biết được thiết kế và xây dựng với ngân khoản hoàn toàn địa phương ....cầu có vẻ mỏng mảnh, khá dài vượt qua 3 đoạn sông chảy giữa hai cù lao
Qua hết cầu đi theo con đường mới nằm phía thượng nguồn nếu lấy sông Ba Lai làm chuẩn, vì vậy cảnh vật 2 bên còn xa lạ với người vốn còn lãng vãng hình ảnh của "Con Đường Xưa Em Đi"
Không khó khăn gì nhận ra những vòng xoay mới là nơi nào khi xưa, điểm dừng thứ nhất là thành phố Bến Tre với chờ đợi bữa cơm trưa trễ hơn đôi chút, gặp lại trong vui mừng và cả tin bạn bè có đứa mới vừa từ giã cuộc chơi. Hôm đó ngày 12 tháng 5 Dl năm 2012
NhàQuê July 22, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 5
Nghe Như
Đoạn đường Bến Tre - Ba Tri ngày xưa dài chỉ 36 Km, đi xe đò ít nhất cũng 2 tiếng đồng hồ, xe chạy ì ạch, ngừng nghỉ nhiều lần lên xuống khách, chất chở thêm hàng hóa, có khi hành khách phải ngồi trên mui xe nhất là chuyến chót . Xe gắn máy lúc đó còn ít, tiến dần từ Mobylette đến Goebel rồi các loại xe Nhật: Honda, Suzuki, Kawasaki, Bridgestone, ...mà người sở hữu thường là lớp người có thu nhập khá hoặc ổn đinh.
Cũng đoạn đường ấy, ngày nay đủ loại xe cộ, "xế hộp", xe 7 chỗ ngồi trở lên, ..xe buýt, xe vận tải hạng trung, xe cải tiến thành xe vận tải . Loại xe cải tiến nầy gần như thiếu an toàn về nhiều mặt về lưu thông, về ô nhiễm, về chất chở hàng hóa ...chạy sau chiếc xe thuộc loại Pick Up Truck chất đầy dừa xiêm còn nguyên quài mà chỉ ràng rịch sơ sài, không biết dừa sẽ sút cuốn do dằn xốc rơi xuống đường bất kỳ lúc nào, trông mà cứ hồi hộp
Nhà cửa cất theo kiểu "mạnh ai" theo kiểu thi đua cũng đoán được thành phần xã hội của gia chủ ....không còn nhìn thấy những cánh đồng "thẳng cánh cò bay" ...nhìn được chăng là như những thửa vườn ốc đảo như muốn nói lên ý phản kháng chánh sách cải cách, hợp tác gì đó chăng?
Nói chung quang cảnh quen thuộc ngày xưa nay không còn nữa trên địa hình địa vật, không dễ dàng nhận biết dấu mốc, ngã ba, ngã tư, giao lộ cũ ...Có nhiều đường mới mở ... tài xế bấm còi liên tục đủ nói lên tình trạng và mức tuân thủ luật giao thông.
Lạ lẫm, nhưng cuối cùng xe dừng lại trước nhà, để các đứa em chuyển hành lý xuống, chúng tôi ôm chầm các em, mẹ già đang mừng rỡ ... thấp nhang và bốn lạy trước bàn thờ có di ảnh thân nhạc phụ mà chúng tôi không có mặt vào lúc Người tiên cảnh viễn du
Đưa hai passport nhờ đứa cháu trình công an sở tại.
Chúng tôi đã có mặt trên "thành phố" quê xưa.
NhàQuê July 25, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 6
Hương Cũ
Sau bữa cơm trưa ngày 13-05-2012 , chú em trai út của tôi từ Tân Thủy vô Thị Trấn chở tôi về quê và dự định ở lại đó tới xong đám giỗ Ba tôi ...Tư Lịnh tôi ở lại bên Bà Nhạc ít hôm, sẽ ra Tân Thủy sáng sớm ngày đám giỗ .
Buổi chiều 13 gồm có tôi, chú em trai kế từ Cần Thơ về, vợ chồng cô em gái từ Giồng Trôm xuống, vợ chồng chú em trai út thủ trại, đã cùng chung bữa cơm gia đình mà phần lớn món ăn đều nhắm vào các món tôi thích hoặc không có bên xứ người .
Ai cũng ngạc nhiên với yêu cầu: rau lang luộc, canh rau nhúc, cá khoai nấu ngót, cá mòi gà nấu mẳn ...dễ ẹt!
Nhưng mục đích chính là xếp đặt công việc cho ngày đám giỗ Ba tôi vốn cúng chay, nay kèm thêm tiệc mặn nhân tôi về thăm gia đình. Tôi cắt đặt công việc:
- Vợ chồng chú em kế lo phần đám giỗ vì chú ấy đã được chia lo phần vụ nầy nhiều năm rồi, cũng như chú em Út phần cúng giỗ Má tôi.
- Vợ chồng cô em gái đặt mua, nấu các món cho tiệc xum họp
- Vợ chồng đứa em trai Út phụ trách chuẩn bị tiệc phối hợp cùng vợ chồng chị gái và các cuộc tiệc khác như bàn ghế , chén dĩa, thức uống, ....
- Ngày kế tiếp tôi cùng chú em trai Út đi thăm bà con Nội Ngoại, lễ ông bà và mời anh chị em con của Bác, Chú Cô, Cậu, Dì, hàng xóm và vài người có những kỷ niệm cùng tôi. Tuyệt đối không có ý định mời "Viên Chực" nào cả.
Đêm ấy lần đầu tiên sau 26 năm tôi ngủ lại nơi làng quê sinh quán.
Sáng sớm ngày hôm sau 14-05, đứa em trai út, 2 đứa em cột chèo và tôi thả bộ ra chợ địa phương ăn sáng, uống cà phê, đồng thời mua trà bánh đủ những phần dự định thăm viếng ông bà cô cậu chú bác.
Chính sự có mặt vào lúc mới sáng sớm nầy làm tôi gặp rắc rối, ...
NhàQuê July 28, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 7
Nép Trong Lòng
Cả hai kiến họ Nội Ngoại tôi rất khắt khe trong việc giữ lễ nghi ...Lớp Chú, Bác , Cô, Dì của tôi nay còn vài người bàng hệ, trực hệ chỉ còn thế hệ ngang tôi .
Do đó về phía Nội, tôi cũng có vai vế lớn vì Ba tôi đứng thứ nhì trong 4 anh em. Bên phía Ngoại, tôi vào hàng nhỏ nhất vì Má tôi là con gái út trong gia đình .
Dong dài như vậy để nói lên vì sao tôi phải đích thân đến mời anh chị em hai bên dự tiệc họp mặt nhân tôi về thăm quê hương. Có lần em tôi đi mời đám cưới cho con hay tương tự như vậy mà vài anh không có nhà, nên không chờ gặp, phải nói lại với con của các anh, bị bắt lỗi là mời nhắn, không dự ...thật sự tôi rất mong muốn gặp mặt anh chị em bà con, biết đâu được đây sẽ là lần cuối cùng ...Tới ngày nay mà sơ suất như vậy cũng bị bắt lỗi ....nhất là tôi vừa từ nước ngoài về càng phải thận trọng hơn ...
Chờ vợ chồng cô em gái tôi từ Giồng Trôm xuống và chúng tôi lên đường, theo hương lộ ngày xưa nay đã tráng nhựa, ghé nơi nào trên đường đi gặp trước .
Điểm đầu tiên ghé viếng mộ anh Tô Kim Bảng, anh mất cách đây vài năm, là người giữ gia phả bên phía bà nội tôi . Tôi và anh cùng tuổi đời và đi làm "Thế Vì Khai Sanh" năm 1952 cùng lúc, dùng vào việc học về sau . Anh vào trường Kiến Hòa sau tôi một năm và gọi đi Thủ Đức sau tôi một khóa . Khoảng sau nầy anh được giao giữ vai trò gì đó đứng hàng số 1 của đình Tân Hòa, ngôi đình chánh của xã, nơi đó ngày xưa tôi đã theo học lớp vỡ lòng .
Tiếp theo không xa lắm là nhà Nội tôi, thực sự thì ngày nay không còn nữa mà là nhà của anh con trai trưởng của Bác tôi cất lại trước 1975 vài năm, thuở đó năm nào đám giỗ, chúng tôi cũng tụ họp về, trong phần ly mời ly tạc anh thường kể lại mối liên hệ gia đình từ người bà con xa gần ...anh kể chi tiết từ trong kiến họ Nội hoặc Ngoại từ bốn, năm đời trước cho chí tận hàng thuộc vai con cháu sau nầy ...tôi bái phục trí nhớ của anh . Anh kể nhiều lần rồi mà mỗi khi cần tôi phải coi lại tờ gia phả quý anh sao chép gởi và tôi hiện đang giữ bảng copy.
Những năm tản cư, Ba Má anh em tôi có sống ở căn nhà cất tạm trong vuông đất nầy và Má tôi làm mai người cháu họ là vợ anh từ bấy (Khoảng năm 1953). Anh giờ là trưởng tộc chúng tôi .
Tôi xin phép lễ tạ Ông Bà Nội và Bác tôi trước khi anh em uống trà thăm hỏi nhau về đời sống và sức khỏe, mấy ngày sau chỉ có chị dự tiệc tôi mời, vì anh không đi xa và ngồi lâu được ....Chúng tôi bùi ngùi từ giã, không biết còn gặp lại không ...
Mươi phút sau tôi đã hiện diện ở nhà "CẬU MẦY", người chị tôi thương quí, người chị quê mùa, mộc mạc từ cốt cách đến suy nghĩ .... cách mấy ngày trước khi tôi về , chị có ghé thăm chú em út tôi và nghe đọc bài thơ "Cậu Mầy" tôi viết về chị với những tình tiết rất thật ...nghe nói chị cười ....
Sau khi tôi đã trở qua Mỹ rồi, chị nhờ em tôi đọc lại bài "Cậu Mầy" cho chị nghe ...lần nầy chị khóc ...
CẬU MẦY
Chị mồ côi mẹBa chấp nối Má sanh tôiCùng lớn lên trong căn nhà chật chộiNhưng thương yêu lại rộng khôn cùng
Ngày tôi về thămChị kêu được Cậu Mầy rồi khóc mướtLàm tôi cũng chẳng hơn gìĐứa cháu đứng nhìn ông nộiKhông giống thường khi
Chị cõng em và dắt tôi chạy giặcTận Bến Đường Tắt** bìa rừngBa Má còn ở trên đồngDặn trước cứ theo bà con mà trốn.Nghe tiếng hú Cành-NôngĐâu kể thân mìnhChị vội che hai em mếu khóc
Thời của chị đâu có trường mà họcNên chi chị chưa khỏi i tờChưa đọc thông vần ngượcSách sử thường rất ít vần xuôiThế mà chị tôiSuốt đời với tôi gương sách quý
Lâu lâu gởi tiền quà chịKhi tôi về chị mở vẫn còn nguyênChị nói bên nây khi nào nhớ CậuLấy ra coi rồi khóc hồi lâuChị còn hiểu xứ nầy:Cậu Mầy không sống nổi đâuChị em mình xa nhau là phải
Đêm đêm chị van vái nguyện cầuBên xứ lạ em phật trời phò hộQuời đặng bằng anĐừng rề rề như hồi nẵmThuốc Bắc thuốc NamChị đi hốt mòn đàngTôi đầu cúi, ngậm ngùiNghe chị tôi, người dốt nói...
Ngày tiễn tôi chị biết Sài Gòn lần thứ nhấtMột bà già quệt nước mắt ngoài phòng cách lyTối hôm trước bữa ăn có người hầu rót nướcChị ngại ngùng cứ khều hỏi người sắp điTiện nghi nào cũng lạ ...
Thương chị quá, chị ơi
NhàQuê 2006
** Bến Đường Tắt: Bến ghe xuồng, có rạch nhỏ gần nhất thông ra biển. Hiện vẫn còn, thuộc xã Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre
Con đường chánh, con đường xương sống đi qua ấp 2 Tân Bình nhà tôi, đến ấp 3 Tân Thành nhà Nội và "CẬU MẦY", còn tiếp tục đến cuối ấp 4 Tân An nhà Cô , cô em gái út và duy nhất của Bác, Ba và Chú tôi . Ngày xưa qua khỏi nhà cô vài nhà đến ngôi miếu là hết ...nhưng bây giờ nhiều nhà tường gạch, mái ngói mới tinh cất thêm cho đến gần Giồng Nần một xóm ấp thuộc xã Bảo Thuận giáp ranh, quê Ngoại tôi .
Vừa vào ấp 4 theo dự định tôi sẽ ghé nhà bác họ cũng là thầy học của tôi năm lớp 3, Bác là thân phụ các anh chị: Tô Thị Hồng Vân, Tô Kim Bằng, Tô Phước Hậu, Tô Thị Bảy, ... nhưng ngôi nhà ấy khóa cửa vì các anh chị đều sống nơi xa, hằng năm chỉ về dịp giỗ bái hay Tết nhứt mà thôi; Bác và Ba tôi là anh em cô cậu ruột; Bà Nội tôi là em ông Nội chị Hồng Vân ....Lần trước cách đây 17 năm khi bác gái còn sanh tiền, từ nước ngoài về tôi có ghé một lần thắp nhang lễ Bác trai và người anh con của Bác, anh và tôi nhập ngũ theo lệnh động viên cùng khóa; Tấm bằng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương không còn trên bàn thờ anh nữa .... ; Đó là lần gần nhứt.
NhàQuê July 07, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 8
Chờ Khi
Trước khi đến nhà Cô tôi, có một con lộ nhỏ gọi là lộ Cầu Ngang ở khoảng giữa đường nằm trong địa phận ấp 4, con lộ nầy nối xã quê tôi và xã Bảo Thuận quê ngoại. Lộ Cầu Ngang như gạch nối của chữ H .
Tôi dừng lại trước ngôi mộ người chị thứ tư, con của cậu 2 , người cậu ruột duy nhất ...chị là một trong năm người con gái của cậu (cậu mợ có 2 con trai và 5 con gái) ...theo tôi chị là người xinh đẹp nhất mà lại nghèo nhất ...khi còn nhỏ mỗi khi về quê ngoại chị thường tranh nhau ẳm bồng, cho ăn món nầy món nọ ...nên tôi luôn no nứt ...Sau nầy lớn lên do công việc, tôi sống ở quận lỵ, nên khi có dịp đi chợ chị hay ghé thăm và đem cho các loại nông thủy sản mà chị có ...Trong dự định trước khi về nước, tôi sẽ ghé thăm chị, nhưng chị đã ra đi chỉ vài ngày trước đó ..ngôi mộ đang xây dở giữa chừng chưa xong. Định mệnh đã không cho chị em tôi còn được gặp nhau .
Một bất ngờ lý thú là nhà cô tôi hôm đó có đám giỗ, nhờ vậy khi đến thăm, tôi đã gặp mặt tương đối đầy đủ các em con của cô . Cô đã qua đời trên hai mươi năm rồi, sau Dượng cũng ngần ấy năm
Cô Dượng có 4 trai và 2 gái trong đó 2 trai giữ những chức vụ quan trọng và đã hy sinh trong kháng chiến, tôi và các em nhà cô đã không cùng chiến tuyến ...nhưng không vì thế mà chúng tôi mất niềm kính trọng nhau, khi còn sống vẫn lén lút qua trung gian gia đình nhắn lời thăm nhau. Giờ con của cô chỉ còn lại một người trai thứ tư (theo miền Nam) và 2 em gái ...
Tôi xin phép thắp hương Cô Dượng và sang từng nhà thắp nhang viếng các em nay đã khuất ...vai em chứ trừ chú út, còn lại các em khác đều lớn tuổi hơn tôi .... Vuông đất thổ cư của cô dượng khá rộng nên nhà con cháu cất quây quần gần nhau, tuy có cái gần cái xa đường lộ chánh .
Cuộc chuyện vãn khá lâu, nhưng tôi và các em cùng đi đã khước từ dự đám vì cũng mới vừa ăn sáng trước khi khởi hành....Lúc từ giã để trở lại hành trình có người đến chào tôi, tôi nhận liền tức thì. Má nó và tôi là chị em bạn dì ruột (dì 6) ...vụ việc nầy làm cháu cảm động hết sức là qua mấy chục năm bao nhiêu thay đổi mà tôi còn nhớ ra khi gặp gỡ tình cờ ....
Hai cô em gái con nhà cô có chồng dưới xã Bảo Thạnh (Xã có mộ cụ Phan Thanh Giản và Võ Trường Toản), dịp ghé nầy tôi không gặp chồng của 2 cô , nhưng các em rể đó thân với tôi quá xá ...mấy cháu con các cô em đang trong quân ngũ, đang mức ranh bước qua hàng Tướng mà còn quá trẻ, trong tương lai suông sẻ những ngôi sao bọc bìa vàng Tướng Lãnh chắc cũng có khi mang, quan lộ còn thênh thang ....
Như vậy đó, nhưng tôi không chút nào cảm thấy lạc lõng khi đến gia đình các em Cô-Cậu
NhàQuê Aug 08, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 9
Vừa Vặn
Cái ấp 4 Tân An có khi gọi là Đục Giồng Bông vốn là nổng cát cao, triên thoai thoải về hai phía: Phía Tây có cánh đồng chung hai xã Tân Thủy và Vĩnh Hòa có chùa Kim Cang trên một gò giữa ruộng.Phía Đông một phần là ruộng muối, một phần là ruộng lúa .
Lộ Cầu Ngang phát xuất từ lưng nổng cát dẫn về hướng Đông, sau khi qua hết triền dốc rồi con lộ là một bờ đê ngăn giữa ruộng muối và ruộng lúa để nối với nổng cát phía thuộc xã Bảo Thuận, nổng cát nầy gọi là Đục Mộ (vì cuối nổng có mộ thân sinh cụ Phan Thanh Giản ??, có mấy cây trôm cao từ xã khác nhìn thấy được)...vì vậy Lộ Cầu Ngang như gạch nối của chữ H mà hai vạch song song kia là Đục Giồng Bông và Đục Mộ
Hàng năm Ba Má gánh anh em tôi mỗi đứa một đầu phải qua lộ Cầu Ngang nầy để về quê ngoại đám giỗ . Trong trí nhớ non nớt nay còn hình dung lại được: Cầu Ngang là một bờ trụi đất bùn khô, khoảng giữa có cầu bằng thân cây bắt ngang con lạch tới đó đã cùng, vì đất nhão nên chưa đắp thành bờ đươc phải làm cầu. Khoảng năm 1956 sau nhiều lần tu bổ, xe bò và xe Lam ba bánh đã qua lại Lộ Cầu Ngang ...Ngày nay đã tráng nhựa và các xe du lịch, xe hạng nhẹ lưu thông dễ dàng
Và phía phải lúc đó chưa là sân muối, mãi sau nầy khi kỹ thuật làm sân muối được du nhập từ Phan Thiết vào thì cả khu mấy trăm mẫu trở thành "Cánh Đồng Muối Trắng"
Phía phải nói là ruộng lúa chứ thật sự bị nhiễm phèn nặng nên chỉ cấy được loại lúa đốc lì (gạo đỏ) năng suất thấp ...dần dần bỏ hoang ...mùa khô có thể băng ngang như đi theo đường chéo của hình chữ nhật để tới nhà cậu 2 cho mau ....Ngày nay hệ thống kinh đào hình như cải thiện được vùng ruộng lúa cỏ năn nầy .
Khi Lộ Cầu Ngang gặp nổng Đục Mộ rồi, cứ giữ hướng như thế thì phía phải khoảng vài ba trăm thước nổng sẽ bị gián đoạn chừng 1 Km vì ruộng muối. Xong nối tiếp Đục hay Giồng Bà Tang thuộc xã An Thủy ngày nay. Bây giờ khoảng gián đoạn (Hình như gọi là Rạch Lấp ??) đã có đường tráng nhựa thông nối liền 3 xã với nhau .Cái lạ là khoảng gián đoạn nầy thuộc xã Tân Thủy
Nếu đi thẳng sẽ có đường đi dọc bìa rừng chà là xen kẽ rừng mắm bần ,... Đường nầy do lòng hảo tâm của các chủ đất vì đi qua sân nhà nhiều ...Khi xưa đường mòn nầy có là do vào mùa nắng nổng cát nóng hừng hực nên không thể di chuyển trên đó được..
Ngày nay đường trên lưng nổng đã tráng nhựa, lưu thông tiện lợi ...đường mòn cặp mé rừng xuyên qua các xóm không biết còn xử dụng nữa không...Hai bên đường tráng nhựa bây giờ nhiều nhà gạch mới xây, có nhiều cái không thua gì những biệt thự ở đô thị ...Tôi không còn nhận ra bất cứ nhà bà con nào ...Chú em út và vợ chồng cô em gái lại rất rành vì mỗi năm ít nhất vài lần đi đám tiệc hoặc giỗ bên phía Ngoại ...Cám ơn các em đã bỏ công ra làm hướng đạo ...Ngày xưa con đường đi trên nổng cát nầy tôi rành từng vuông đất một và cả cái hố sâu, rộng có đến vài chục mét đường kính mà Ba Má tôi kể là do "Cù Dậy" trong năm "Thìn Bão Lụt" nào đó còn để lại dấu vết
Con lộ trên lưng đồi ngày nay là con đường chánh chạy xuyên qua các ấp của xã Bảo Thuận, nối xã Bảo Thạnh về hướng Bắc, xã An Thủy về hướng Nam, Phía Tây có ranh với xã Tân Thủy bằng một cánh đồng, Đông có rừng nước mặn và biển. Rừng và biển đã là nguồn lợi mang lại giàu có cho quê Ngoại tôi nhờ muối và nuôi nghêu xò ...
Bộ mặt xã Bảo Thuận, quê Ngoại thay đổi hẳn; Tuy nhiên do mức tăng dân số nên không tính được có bao nhiêu người bỏ lên thành hay lập nghiệp xa ...lâu lâu mới về thăm quê ....
NhàQuê Aug 14, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 10
Lâu quá không còn nhớ từ khi anh 2, con trưởng nam của cậu về ở vuông đất nầy, tôi có đến lần nào không, hình như không vì lúc nghe tin anh về ở phần đất ông bà Ngoại để lại thì tôi không còn được tự do đi đó đây, đi khỏi xã ấp phải xin phép mà xin chưa chắc đã cho dù rằng đứa cháu con chị tôi đang vai thứ nhì quyền lực của xã ...tôi không muốn làm chuyện "ruồi bu" đó .
Anh 2 giờ là trưởng tộc bên ngoại, anh thờ cúng và giỗ ông bà ngoại theo cách phân chia hương hỏa miền Nam sau khi cha mẹ tức cậu mợ tôi đã qua đời .
Khi tôi được sanh ra thì hình như ông bà ngoại còn sống và đã mất trước khi tôi biết, nên tôi không chắc chắn lắm ...Lúc Má tôi còn sanh tiền, tôi lại quên hỏi ...Còn ông bà Nội tôi đã quá vãng lâu trước khi tôi khóc oe oe ...Tôi đã không nhớ và không biết mặt cả hai ông bà Nội Ngoại, không còn hình ảnh gì lưu lại, ...ngày xưa đó nếu có chỉ là ảnh họa
Nếu lấy lưng đồi hướng Nam-Bắc làm chuẩn thì anh 2 ở phần phía trái, địa phương gọi là phía mặt trời lặn ...phía ruộng. Phần phía phải hay phía rừng được chia cho anh 7, em trai anh ...phần nầy trước đây thường thấy trồng thuốc hút (thuốc giồng).
Sau khi chuyện vãn thăm hỏi và lễ ông bà xong, tôi khẩn thiết mời anh dự tiệc họp mặt và anh nhận lời ...Tôi có kỷ niệm hay đúng hơn là thọ ơn anh ...nhiều lần, nhưng lần đáng kể ra là anh đã gởi cho tôi 1 hay 2 liếp thuốc giồng anh trồng khi anh đi thăm ông suôi của anh cùng trại cải tạo với tôi ...thời đó tôi ghiền thuốc rất nặng, không như bây giờ đã bỏ, ngay cả ai ngồi gần mà phà khói đã cảm thấy khó chịu ...
Khi Má tôi qua đời anh đến lo toan giúp các em tôi vượt qua bối rối ...anh rất hoạt bát, khi tôi khoảng 6, 7 tuổi thì anh đã là xã trưởng xã sở tại . Anh đã trên tám mươi mắt còn sáng, còn minh mẫn đọc thơ cho tôi nghe .
Điểm kế tiếp phải đi ngược lại vài vuông đất để thăm chị thứ 5, em anh 2 ...chị mừng vô kể có thể khoảng 50 năm mới gặp lại nhau, khi xưa lúc có chồng chị ở cách xa đó khoảng 1 cây số, nay anh đã qua đời mà thấy chị đang cất thêm thắt vốn nhà gạch mái ngói làm tôi nghĩ đời sống của chị khá giả, cũng mừng .
Tiếp tục đi về hướng Bắc, chúng tôi ghé thăm người anh chú bác ruột, anh về sống đây quê vợ, vợ anh lại cũng do Má tôi làm mai ...hình như chị phải gọi tôi vai chú lớn nhưng giờ lại là chị dâu tôi, gọi Má tôi bằng thím ...Má và tôi đều lỗ thấu xương !!!
Nắng càng lên cao, dù khỏi phải lội trên nổng cát như ngày xưa nhưng sức nóng vẫn hừng hục có lẽ cũng khoảng 105 độ F, mấy ly nước ở nhà các anh chị đã bốc hơi hết rồi ...Thấy có quán nước ven đường mừng vô kể ...Ực hết một trái dừa lạnh mà không thấm vào đâu ...Chú em út tôi nhận được điện thoại từ bà xã chú, cho biết rằng: Trưởng công an xã có đến nhà bảo nếu tôi có ngủ lại làng ấp quê cũ phải xin phép xã, trình giấy tờ ...Tôi quyết định tức thì, chiều nay về Thị Trấn ngủ ...Đó là rắc rối đầu tiên ...Có người nói tại tôi "quên" mời họ ăn nhậu hoặc cho tiền ...Trời mới biết! ...
Suốt 5 tuần, tôi chỉ nghỉ lại làng quê nơi tôi được sanh ra và bị đuổi từ thành thị về đây sinh sống trước khi bôn đào ..chỉ có một đêm ...Gần 40 năm rồi mà không gì mới mẻ hết, sợi dây thừng chưa được mở ra, nghĩ mà buồn cho quê hương ...
NhàQuê Aug 15, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 11
Hơn 50 năm rồi mà tôi còn nhớ như in ngôi nhà của cậu 2 cất theo hình chữ "Đinh" quen thuộc , nhà chánh quay cửa về hướng Tây, hướng ruộng, tức quay lưng ra lộ với khoảng cách khá xa . Giữa sau nhà và lộ có phần mồ mả bên ngoại ....Có lúc Má tôi dặn khi Người qua đời thì chôn cất trên nghĩa địa nầy, nhưng sau cùng chúng tôi quyết định để Má nằm cạnh Ba và cùng một khuôn viên mộ trên phần đất nơi tôi được sanh ra .
Phần gạch của chữ Đinh nằm đầu song hướng Bắc không sát ranh láng giềng mà còn khoảng rộng đặt cối quết bánh phòng Tết và giã gạo lúc chưa có nhà máy xay lúa ở gần ...Trước cửa nhà có vườn trầu tươi tốt. Mợ 2 và Má tôi đều ăn trầu, khu vực vườn trầu thường có mấy thạp nước mắm rươi, khi đi đám giỗ cậu mợ nhắn đem theo mấy chai lít lấy nước mắm về ăn . Nước mắm rươi giầm bất kỳ loại cá nướng nào cũng vét nồi ...thiếu cơm,.... ngay cả chan cơm không thức ăn cũng bá phát !
Bây giờ ngôi nhà ấy không còn nữa, người anh thứ 7 (cậu mợ 2 chỉ có hai người con trai là anh 2 và anh 7, còn lại là gái), nay ở phần đất nầy, anh và các con anh cất nhà quay mặt hướng Đông và gần lộ để kinh doanh buôn bán . Khi tôi tới thăm và thắp hương lễ cậu mợ, anh đang ngủ trưa, nghe chị kêu, anh tốc dậy , anh có lẽ lớn hơn tôi chừng 2 tuổi là cùng ...lúc nhỏ từ 2 nơi khác nhau, chúng tôi cùng vô trường quận để học tiểu học ... Thời đó cả Ba Tri chỉ có 2 nơi có dạy đến bậc tiểu học là trường Quận có tên dài sọc là Trường Tiểu Học Bổ Túc Ba Tri và trường Mỹ Chánh (Ba Mỹ).
Thật sự bất ngờ, anh chị làm ăn khấm khá, có cả xe du lịch Toyota đời mới nhưng style sao không thấy ở Mỹ, thông thường như Camry, corolla, Avelon,...Xe đấp mền nhưng tôi có hí coi thử . Ở một nơi xa xôi tận cùng cù lao Bảo mà được vậy quả là "hết biết" ...Lễ vật tôi mang tới anh chỉ nhận tượng trưng phần trà mà thôi.
Đường mòn vào nhà có những vũng nước mưa còn đọng, băng ngang qua vườn chuối xơ rơ mùa nắng, chúng tôi ghé thăm chị 9 bà con bạn dì ruột, má chị thứ 6, má tôi con út của Ngoại, nhà chị cất lại trở hướng khác hơn xưa nhưng vách phên rách trống, vẫn nền đất chỉ có mái nhà lợp ngói nhưng trông cũ kỷ ...mấy con gà ốm tong thấy người lạ thất thần bỏ chạy ...Phải gọi lớn mấy lần chị mới từ đâu sau vườn chạy lên ...chị nhìn tôi hồi lâu mới nhận ra ...Trên 50 năm rồi còn gì !!! chị sống quá bụa đã lâu có thể đến 50 năm. bằng khoảng thời gian từ lần gần nhứt tôi đến thăm chị, con chị ở quanh quẩn gần xa đâu đó. Chị hiền lành không khác chi bà chị "Cậu Mầy" của tôi .
Một TV mỏng có chân để trên bàn dành cho chị tiêu khiển . Đó là người chị thứ 3, con cậu 2 ....Chị cũng sống một mình, các con chị đều đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới quay về ...Chị là người dễ xúc động, ...chị lần từ ngón tay tôi, từng bàn tay vừa khóc vừa hôn lên đó ..trong ràn rụa nấc nghẹn chị kể lể nỗi nhớ thương người em cô cậu của mình bao năm viễn xứ. ...
Tôi xa chị từ lần chị bịnh "thập tử nhất sanh" đến nằm nhà má tôi chăm sóc thuốc thang mà sau kỳ nghỉ hè đó tôi lại đi và biền biệt ...Khi kiếu từ chị lại khóc ôm hôn tôi ...có lẽ đây là lần chị em tôi vĩnh biệt, chị ngoài 80, tôi vừa thất thập ...
Nhà chị Út có khu vườn xoài đang xanh trái, loại xoài ghép ngày nay chỉ vài năm đã ra quả khi cây chỉ mới ngang đầu, vườn chị còn trẻ và ngôi nhà khang trang cũng mới cất không lâu tuy rằng theo kiểu cổ điển thôn quê cũng nói lên sự sung túc gia đình chị ...Anh chị tạm gác mọi chuyện tiếp tôi bên bàn trà nóng nhưng lạ kỳ thay lại làm hạ bớt cái hừng hực gay gắt tháng hè vùng ven biển ...Anh chị đều nhỏ tuổi hơn tôi ít nhất cũng 5 tuổi, nhưng gọi tôi bằng cậu gần như "cậu mầy" một cách tự nhiên quyền thế ...chị là con gái út của cậu mợ 2 ...khi sanh chị, tôi đã đi ăn giỗ bên phía ngoại bằng đôi chân của mình, Ba Má tôi khỏi gánh anh em tôi mỗi đứa một đầu như trước đây nữa, tôi đã có thể vật lộn với mấy đứa bà con bên ngoại cùng chạng khi được cáp độ ...Thời kỳ chiến tranh những đối thủ ấy chia làm 2 phe mà ngày nay không biết còn đầy đủ không!?
Tôi cũng thanh minh, giải thích cho anh nghe những tin đồn đại, chụp mũ, gán ghép, kết tội mà tôi không bao giờ có trong cuộc chiến tranh mà chánh quyền mới hay những người muốn lập công bịa đặt tung ra ...chuyện ấu trỉ mà cũng tạo được lớp người hùa theo! Anh nghe đồn thì chỉ hỏi cho biết chứ anh thuộc "phe ta".
Khi anh chị tiễn tôi và chỉ dẫn đường tới nhà anh chị 6 thì chị 6 lại chạy xe đạp ngang qua, chị đi đâu về gấp, vù cái đã vượt khỏi có đến 50m, xa vậy nên chị không nhận ra anh em tôi ...chị nói vói phải về liền đi gieo mạ ...cuối cùng rồi chị cũng dắt bộ trở lại vì đối thoại với khoảng cách xa như vậy bên nào cũng "hốc cổ" ..Chị mừng rỡ hơn cả chúng tôi mừng trông thấy chị còn tráng kiện ....mời anh chị và hẹn gặp trong ngày tiệc, đã không đến nhà anh chị vì sợ làm mất thì giờ anh chị đang bận rộn công việc đồng áng mùa màng mà trời có dấu hiệu sắp mưa . Anh là một cán bộ đã nghỉ hưu ...khoảng 1982 có gặp anh trong chốc lát trên đường khi anh "đi họp". Đó là lần gần nhất sau chiến tranh.
Nếu không gặp chị 6 bất ngờ theo lộ trình sau khi thăm anh chị, chúng tôi sẽ đến xóm Cây Me thuộc Bảo Thạnh ghé thăm vài chỗ nữa ...rồi theo đường liên xã Bảo Thạnh-Tân Thủy (cũng là con đường Đục Giồng Bông nối dài) ngang qua Giồng Nần
Chúng tôi quay lại Nhà Thờ Bảo Thuận và theo con lộ băng qua cánh đồng để đến Giồng Nần thắp hương Dì 6 là chị ruột Má tôi cùng anh 10 con dì ...Mọi việc bình thường, chỉ lạ là hai bên đường băng qua cánh đồng ấy giờ san sát nhà cửa và cả trường học ...Nói chung quê ngoại bây giờ nhiều thay đổi, hình ảnh ngày xưa đã là "cổ tích" .
Khoảng đường từ Giồng Nần đến đầu Đục Giồng Bông (Ấp 4 Tân Thủy) không tráng nhựa nên có đoạn gồ ghề chỉ hơn xưa đôi chút, khi ngang qua miễu đầu Giồng Nần có cây trôm, tôi có cảm giác rờn rợn như ngày xưa vì chuyện kể đã lâu xãy ra ở đâu đó mà tôi cứ mường tượng nơi miễu nầy ....Chuyện kể răng cô vợ bị cọp tấn công, người chồng cứu được, ôm vợ leo lên cây trôm thì cô vợ đã chết, người chồng ôm xác vợ mấy ngày liền mà không dám xuống vì cọp vẫn dưới đất nhìn lên ...mỗi lần cọp dợm nhảy lên (cọp không biết trèo) thì trên nầy xác chết lại cười ...cuối cùng kiệt lực người chồng sau khi khấn vái đành buông tay và xác vợ anh bị cọp tha đi . ..Hồi nhỏ qua miễu ấy tôi đều chạy hoặc mùa khô tránh tìm đường khác .
Khi về đến ranh ấp 4 và 3 của Tân Thủy chúng tôi rẽ hướng Vĩnh Hòa (Giồng Giá) để ghé nhà Diễn đứa học trò đã có thời gian cùng nhau đi buôn bằng ghe thương hồ xuôi ngược . Ba của Diễn và các bác đều là liệt sĩ, trong đó người thứ 6 là thầy dạy tôi năm lớp 4 là một trong những huyện đội trưởng chiến đấu can trường thời Đồng Khởi .Diễn cũng là đảng viên, bộ đội phục viên và không còn sinh hoạt đảng nữa ...Thầy trò rất mừng khi gặp lại nhau mà không báo trước , tôi cũng mừng cho em ngày nay ổn định, nhà cửa vườn tược thênh thang chẳng khác nào trang trại ...Em cũng không hay biết gì về bài thơ "Con Khô Rớt" tôi viết tặng em khi nhớ về thời hai thầy trò thương hồ ...cho tới ngay cả khi tôi viết bài nầy .
Con Khô Rớt
(tặng DIỄN, kỷ niệm thời thầy trò đi buôn)
Mở bịch tôm khô sang keo đựng
Vài con” bất phục” rớt trên bàn
Kể như công thưởng vui vẻ nhận
Răng già trệu trạo ngon hết can
Có dù rớt đất ta cũng lượm
Tiếc chỗ từ xa gởi qua đây
Tôm cá nơi nào mà chẳng có
Thương sao bên đó nhớ bên nầy
Chiêu ngụm trà lài sẳn “đưa cay”
Mới đó thời gian vun vút bay
Nhớ thuở thương hồ thầy đệ tử
Ra vàm ghé bến khắp Miền Tây
Nhóm bếp nửa đêm nấu ấm trà
Lục lạo lon đường mới nhớ ra
Hồi sáng lại quên mua bánh kẹo
Tôm khô thắc ngặt được quá là !
"Gia Long Tẩu Quốc” được vậy đâu
Mắm sống bần chua cũng nuốt nhầu
Ngư ông bày vẽ trà buổi sáng
Tôm khô, chưa chắc dễ “dân giàu”
Nay viết bài thơ như nhắc lại
Miền quê cũng lắm thú ăn chơi
Khô lân chả phụng, chà... cao quá!
Quanh quẩn vườn sông đủ sướng đời
NhàQuê 21-08-08
Vàng và Đỏ đêm đêm chúng tôi neo đậu lai rai trà nước chẳng có dấu tích gì là ranh giới kể cả ranh giới thầy trò... đôi khi tôi cảm thấy tôi nợ những người có tầm nhìn tình nghĩa như vậy .
Như thế đó cả hai bên Nội Ngoại tôi ở 2 phía khác nhau, hết chiến tranh tình cảm gia đình không gì phân cách ...Riêng tôi cũng không đòi hỏi sự can thiệp giúp đỡ gì ...Tôi luôn tâm niệm là mỗi người chịu sự chi phối của luật pháp của chánh quyền nơi mình sinh sống, tôi đã làm tròn bổn phận một công dân, nên chưa bao giờ tôi cảm thấy có tội gì với đất nước với quê hương. Không chút hận thù những hãm hại mà tôi phải gánh chịu trong cuộc đời đã qua
NhàQuê Aug 20, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 12
Nếu đứng trên tỉnh lộ 26 mặt nhìn về hướng Đông, hướng biển thì ấp 2 Tân Bình quê tôi có 2 phần, phần bên trái tỉnh lộ là Giồng Bông nhà tôi .Phần bên phải có tên là Gảnh Giồng Bông có chiều dài non 1km tính trên con đường chạy dọc theo lưng đồi (nổng), khi sắp đến chùa Thiên Tiên thì đó là lằn ranh 2 xã Tân Thủy và An Hòa Tây, ... Nổng còn tiếp tục đến tận bờ sông Hàm Luông sau khi qua khỏi miễu Bà Bèo một đoạn . Cả phần nầy gọi chung vắn tắt là GảnhNgười địa phương khi đi hướng đó họ nói là đi Gảnh ... Tên nguyên thủy trước đây có trong sách vở gọi là Gảnh Mù U. Người quê ngoại khi đi về hướng nhà tôi gọi là "Đi Xuống Lộ Đá" ...lộ đá là tỉnh lộ 26 vào thời trước là con đường duy nhất được trải đá, có lục lộ bảo trì, xuống chỉ từ phía Bắc đi đến phía Nam .
Nói dong dài để chỉ rằng trên phía Gảnh chưa tới chùa Cao Đài Thiên Tiên có nhà của người anh thứ tư của chúng tôi. Anh đã qua đời mấy năm trước, buổi sáng ngày 16-05-2012 chúng tôi đến thắp nhang, viếng phần mộ anh và vấn an bà chị dâu ...Hôm ấy là sau ngày đã đi về quê Ngoại và trở về thị trấn Ba Tri nghỉ đêm.Con đường làng chưa được tráng nhựa, nhiều vũng nước mưa còn đọng lại, xe 2 bánh phải chạy lạng lách, người ngồi sau phải co chân lên tránh ướt ...
Các cụ quê tôi có trí tưởng tượng rất phong phú, cho rằng các nổng cát hợp chung có hình dáng của Rồng chạy dài từ bờ sông Hàm Luông liên tiếp theo Gảnh Mù U, Gảnh Giồng Bông, Đục Giồng Bông, Đục Mộ, nổng Bảo Thuận qua Bảo Thạnh đến tận sông Ba Lai có thêm các con giồng rời ra như xóm Vàm,Tiệm Tôm, Bãi Ngao (Ngao Châu), Giồng Bà Tang, đục Bà Tang, gảnh Miễu Bà Xay, Giồng Sao, ...những con giồng, nổng cát rời ra nầy như hình ảnh của chân rồng hay những vân mây ... Vậy là tôi được sanh ra gần "Long Mạch" đó nghe ?! hà hà hà !!! Hy vọng ngày kia vị "Minh Quân" sẽ từ nơi nầy hạ thế, bước xuống đời cứu dân cứu nước!
Nhà chú tôi ở xóm Vàm hay ấp 6 nay thuộc xã An Thủy (gồm ấp 5,6,7,8 của Tân Thủy ngày xưa), giữa đoạn đường từ "Nhà Việc Cháy" đi Tiệm Tôm (Ấp 8). Chú là em kế liền Ba tôi . Chú thím chỉ có 2 người con gái đều lớn tuổi hơn tôi, nay chú thím và cô con gái nhỏ đều mất, chỉ còn lại người con gái lớn . Thuở nhỏ có lúc chú thím xin tôi về làm con trai nhưng thật sự là chăn trâu cho chú thím . Tôi bỏ trốn về mất cơ hội sau nầy làm quan chức ABC .
Các con của cô em chú bác nầy đều học trường sĩ quan lục quân, con gái đều bác sĩ . Khi đến thăm, tôi được "báo cáo" như vậy . Mừng cho sự thăng quan tiến chức như rồng lên mây . Mục đích đến để thắp nhang lễ chú thím xong, tôi kiếu từ ...Ra đường còn đứng lớ ngớ, tôi vụt có ý đi Tiệm Tôm thăm lại "Thành Phố" mà ruồi bay vi vu như đàn ong mật, khi chúng đậu vào thức ăn chỉ cần đuổi chúng bay đi rồi ăn nhậu vô tư, "Thành Phố" nặng mùi tôm, khô, cá biển ...Thật là dại dột nhỡn nhơ trước cửa đồn công an biên phòng trong lúc bản thân mình là người xa lạ không ai biết mình là ai ... Cũng may "Trời không hại người ngu"!!
Điểm cuối cùng là ghé đốt nhang chị tôi ...chị là em liền kế của bà chị "Cậu Mầy". Mấy năm trước, khi con tôi chụp hình chị đem về Mỹ, tôi nhìn không ra vì chị đang thời kỳ nguy kịch trước khi qua đời ...Chồng chị, anh rể tôi nguyên là một huyện ủy viên và con chị đều có thời gian là trưởng công an rồi chủ tịch UBND xã, lúc tôi còn mang họ "Quản" (Quản Chế) tại đây . Cuộc đời éo le như thế, phải qua mới thấm thía và thêm ý nghĩa cuộc trần ai ...
Chiều hôm đó 16-05-2012 sau khi đã đầy đủ các nơi thăm viếng, chúng tôi quay về nhà lo cúng giỗ "Bữa Tiên" cho Ba tôi ... Sau nhiều năm ở Mỹ, cũng thấy có nhiều gia đình Việt Nam còn giữ lễ giỗ ông bà cha mẹ nhưng nếu có mời bạn bè tới dự thì thường là ngày thứ bảy hay chúa nhật chứ không đúng ngày giỗ trước đây khi còn ở Việt Nam...dần dần tôi quên tục lệ nơi quê tôi là đám giỗ có 2 ngày: Bữa Tiên là ngày hôm trước tức ngày còn sống và Bữa Chánh tức ngày mất ...Cám ơn các em tôi còn gìn giữ nền nếp tục lệ nầy ...
NhàQuê Aug 21, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 13
Khu đất nhà tôi giờ gồm 3 phần: - Phần dành phần mộ gia đình có mồ mả Ba Má tôi . - Phần là nhà ở của đứa cháu gọi tôi bằng chú, con của anh tôi . - Phần còn lại trước đây có nhà Má, giờ chú em Út ở và lảnh phần giỗ Má ...cũng trong phần nầy có nhà của chú em kế liền tôi, chú lảnh cúng giỗ Ba ....nhưng do điều kiện làm ăn của các đứa con của chú nên gần như cả gia đình chú sinh sống trong Cần Thơ, chỉ về nhà dịp lễ giỗ và ngày Tết. Nhà chú nhờ chú em út trông coi. Riêng về đất rẫy cấy lúa mùa do ngày nay con rạch đã bị hàn chắn ngang tại nơi có tỉnh lộ 26 chạy qua, nên phần đất nầy đã lên vườn sau khi chánh quyền hoàn trả lại. Trước đây địa phương chia cấp cho người khác lúc ruộng đất phải vô tập đoàn và chia theo nhân khẩu. Ngày giỗ tính theo âm lịch, năm nay rơi vào ngày 17 tháng 5 dương lịch, ngày trước đó mọi việc sắp xếp đã xong xuôi và vợ chồng các em tôi về tụ họp đầy đủ ..suốt đêm hôm đã cùng nhau lo chuẩn bị nấu các món ăn, món xôi, món bánh chay mặn. Khác với thành thị khách mời đến vào khoảng 11 đến 12 giờ trưa, ở thôn quê vẫn giữ nét riêng là 9 giờ sáng đã dọn cúng và khách có mặt lai rai trước 10 giờ sáng, sau khi phần cúng kiến xong là dọn và mời nhập tiệc ngay. Khoảng 7 giờ sáng Tư Lịnh và tôi đi taxi từ Thị Trấn ra cũng trước khi heo quay lò đem giao . Ngày nay có taxi cũng tiện lợi, khỏi phải nhờ các đứa cháu chở bằng xe gắn máy 2 bánh mà loại xe nầy ngày nào cũng có tin tai nạn trong một địa phương nhỏ, một quận hẻo lánh ...Đi taxi mỗi chuyến chưa tới 80 ngàn tiền có hình "cụ Hồ", cho luôn tiền "Tip" đúng 100 ngàn tức gần 5 đô la Mỹ. Như hàng năm phần dọn cúng Ba tôi là những món chay, lúc sanh tiền Người thuộc hàng chức sắc của họ đạo Cao Đài hệ phái Nguyễn Ngọc Tương tại thánh thất địa phương ...tôi cũng phụ giúp công quả trong phần vụ thơ ký trong các ngày Ba Mươi-Mùng Một và Mười Bốn-Rằm những tháng ở tỉnh về nghỉ Hè ...Lúc Ba, Má và Anh tôi qua đời, nhà chùa có cả một ban do Đầu Họ Đạo tới phối hợp và tụng niệm cho đến khi mọi việc xong xuôi và cầu siêu ở chùa sau đó. Ngày nay do xa xôi, tôi không còn giữ tròn đạo gia đình nầy, nhưng ân nghĩa nhà chùa đối với gia đình tôi ...tôi ghi tạc thâm ân. Riêng năm nay do là con trai lớn nhất còn lại, nên việc cúng vái chú em nhường cho tôi và đã không bỡ ngỡ gì khi mọi ánh mắt hướng nhìn tôi, tức thắp nhang khấn nguyện và lạy tạ vẫn đúng cách giống như anh tôi, anh tập "sói trán" trước ngày cưới vợ mà tôi rình coi từng động tác một, tuy có vất vả vì cái bụng "thực dân" của mình. Nhớ lại chuyện cũ, có lần đi đám giỗ Nội tôi do anh con của Bác tôi cúng, tới phần con cháu lạy lễ ông bà, anh ngăn không cho, tôi ngỡ ngàng không biết chuyện gì, anh vào trong đem ra cái áo pyjama của anh bắt tôi khoác vào; Thì ra tôi mặc áo ngắn tay mới gặp "sự cố" như thế. Để thấy rằng cả hai phía nội, ngoại tôi đều khắt khe trong nghi lễ . Chị em trong nhà ngày giỗ không thiếu ai cả, các cháu con các anh chị em cũng về đầy đủ tuy có người trước kẻ sau, các anh chị em bên nội ngoại mỗi gia đình riêng đều có mặt ít nhất một người ...hàng xóm cũng đông vầy, những người láng diềng còn bắt tôi nhắc lại xem còn nhớ tên nhớ thứ không ... Trong số gọi là khách có 4 người đặc biệt: - Cô bạn thân nhất của Tư Lịnh tôi..Thời mới yêu còn rụt rè, chúng tôi gặp nhau ở nhà cô bạn nầy. - Diễn, đứa học trò mà những năm bị đuổi khỏi thị trấn về giồng không việc gì làm đã cùng nhau đi thương hồ đó đây khắp miền Tậy -Cậu Út bà con xa, người mà cả cậu và mợ trước lúc thành vợ chồng đã nhờ tôi viết thơ giùm tỏ tình qua lại, thành ra tôi phải đóng 2 vai ...ngày nay cậu mợ đã con cháu đầy đàn . Trong các sáng tác có bài "Tờ Giấy Xếp" nói về tình duyên Cậu Mợ ngày ấy: Tờ Giấy Xếp
Vở học trò cuối năm còn trắng
Đem viết thư gấp xếp thẳng ngay
Hình chữ nhựt gói giùm ý diễn
Dúi vào tay… rồi ngóng từng ngày
Người ngỏ ý ta kêu bằng Cậu
Chòm xóm thôi …hình chẳng họ hàng
Tuổi trạc cỡ quê nghèo ít học
Thôi đành nhờ… từ đó ơn mang
Trước khi xếp đọc qua một lượt
Người “đứng đơn” đắc ý gật đầu
“Ông Mai Giấy” lòng vui tở mở
Và đợi chờ chưa phải là lâu
Cô Xóm Gảnh sau nầy kêu Mợ
Ghé nhà thăm bẽn lẽn thập thò
Cậy đọc giúp lá thơ vừa nhận
Thư trả lời nhờ một ta lo
Ba bốn lượt “Ông Mai” hết việc
Họ hẹn riêng… ta trở lên thành
Năm học mới…tin quê bỗng nhắn
Mời về ăn đám cưới …(ta)…cười lăn
Cậu Mợ giờ con đàn cháu đống
Mấy chục năm... đạn thiệt... bom bừa
Cây hạnh phúc… góp phần ngày đó
Đã um tùm kín mảnh đất xưa
Gần đây thôi bên nhà nhắn hỏi
“Ở bển Thằng Hùng mạnh giỏi hông?”
Đêm ta nằm phim xưa chiếu lại
Hình dung giờ tóc trỗ màu bông
NhàQuê Dec 11, 2008 - Người cuối cùng cũng phải nói là rất rất rất đặc biệt đó là "Ông Mai", không phải ông làm mai mối gì, vì ông nhỏ tuổi hơn ...Ông thực sự là người xúi tôi "đâm đơn" tỏ tình cùng Tư Lịnh tôi bây giờ, "Ông Mai" giữ phần đưa "Thỉnh Nguyện Thư" và chuyển Lời Nhắn qua lại...Hiện nay ông ở ngoài chòi giữ ruộng và trồng trặc, nhờ em tôi mời giùm, ông nói: Ở Mỹ mấy chục năm, nay về còn nhớ "Ông Mai" ha ! Ông là em ruột cô bạn thân nhất của Tư Lịnh tôi có kể bên trên . Ngày giỗ như ngày kỷ niệm, ngày xum họp ...không còn là ngày đau buồn nữa ...tất cả chén thù chén tạc ai cũng liêu xiêu ...tới tận xế chiều Vài người đặc biệt được rỉ tai mời ở lại cùng anh em tôi đẫy "2 cái tửu XO" mà tôi cất công đem về mời thưởng thức cho biết, chứ nơi quê nghèo khó nầy, từ xưa đã là rượu đế làm chuẩn, các loại khác đều bị chê lạt phèo Với tôi biết đâu là lần gặp lại sau cùng NhàQuê Aug 27, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 14
Lợi dụng kẽ thời gian, tìm cách gặp gỡ bạn bè ăn sáng, uống cà phê ...phải nói bây giờ về mặt "phái triển" kiểu cà phê sân vườn thì Ba Tri không thua gì những nơi khác mà tôi đã có đi qua trong chuyến về quê lần nầy ...Không còn là mùa học cũng thấy khá đông dáng thư sinh nam nữ chiếm góc khuất, góc riêng, laptop kè kè ... Ngoài vài bạn bè và đồng nghiệp xưa, tôi gặp lại người bạn mà mức thân quen chúng tôi vẫn "Mầy Tao" từ hồi còn vừa qua tiểu học . Người bạn 26 năm về trước đã ngày đêm cùng thức suốt trong sự căng thẳng để đưa con thuyền vượt khoảng đại dương cập vào Kelantan, vùng đất liền cực Bắc nước Malaysia năm 1986 . 11 tháng sau chúng tôi chia tay nhau sau 6 tháng học Anh Ngữ ở Philippines, chúng tôi rời Bataan trước sau 1 tháng để định cư Hoa Kỳ năm 1987. Rồi bẳng đi có đến 15 năm mới có dịp hội ngộ ... Trong suốt 26 năm qua kể từ ngày ra khơi, người bạn tôi, hay đúng là người ân của tôi chưa hề về lại Việt Nam lần nào . Kỳ nầy khi mọi chuyện đã xong, nghĩa là có chuyến bay, tôi điện thoại báo cho "Nó" biết, mới hay "Nó" sẽ về lần đầu tiên trước tôi 3 tuần ...Hẹn gặp nơi quê nhà vậy. Khi đã ngồi ở quán, bên con rạch nhỏ mà chủ quán cố tạo vẻ thiên nhiên như dòng suối róc rách, tôi bàn ý định có bữa tiệc họp mặt nhỏ ...Sau đó chúng tôi tìm nhà hàng và tham khảo thực đơn ...Tôi chọn nhà hàng khách sạn Đông Phương ...chúng tôi chuyển điểm đến nhà hàng ấy để xem trước và quyết định, chúng tôi lai rai thử vài món họ cho là xuất săc. Khung cảnh trông có vẻ tạm được, nhưng thực đơn phải nói là nghèo nàn, giá cả vừa phải ...Tôi đặt 3 bàn với 10 món ăn và bia ...Kế đó chúng tôi chén thù chén tạc với một phần đồ nhấm của nhà hàng và một phần cậu tài xế của bạn tôi chạy đi "hoạt" bên ngoài những món hợp sở thích chúng tôi. Đứa con của bạn tôi đã từ Mỹ gởi tiền về sắm sẳn 1 chiếc SUV mới tinh dành gia đình khi về có xe đi lại đó đây, nên thời gian ở VN "Nó" di chuyển bằng phương tiện "cơ hữu" nầy ... Xin cám ơn bạn tôi và vài chỗ thân quen khác sẳn sàng để cho tôi sử dụng xe cộ riêng với cả tài xế bất cứ lúc nào tôi cần ...Nhưng tôi từ chối vì những lý do riêng, hay nói đúng hơn là muốn thoái mái riêng tư ... Vợ chồng các em tôi được thông báo ở nán lại 1 ngày dự tiệc nầy, cộng với vợ chồng các em bên Tư Lịnh vừa đúng một bàn ...Bạn hữu một bàn...và bàn còn lại ngoài Tư Lịnh và tôi thì toàn khách đặc biệt cố cựu, đồng nghiệp và người bạn tôi vừa nói trên ... Người cố cựu có anh Phan Hữu Dương, cựu giám học trường Trung Học Ba Tri, phải đi ngược lại thời xa xưa mới thấy ở anh nhiều điều khâm phục: Thuở chúng tôi còn đi học, đến Tết mới về quê nghỉ đến mùng 6 al , trong khoảng Tết cả bọn chúng tôi làm gì cũng kéo tới nhà anh đòi nhậu, vì anh đã là giáo viên chánh ngạch tức là ngon lành, đã rủng rỉnh, còn bọn tôi còn "mốc bọc" ... anh từ không biết uống rượu "nhờ" chúng tôi luyện tập lần lần đến thượng thừa, tốt nghiệp"ưu hạng" , chỉ vậy thôi đâu, chúng tôi còn truyền nhiễm sang anh nhiều thói hư khác .... nhưng bên cạnh đó trên chuyện học hành thì anh mới là chuyện dưới thế ít ai, anh leo lên từ giáo viên tiểu học qua đủ mọi ngạch đến tận giáo sư trung học đệ nhị cấp thượng hạng từ bằng trung học đệ nhất cấp rồi tự học qua cử nhân đến xong cao học 2 ... Thành tích nầy đáng bái phục ... tưởng là cám dỗ anh được ư ...không ! Đời sống đạo đức của anh đã xiêu lòng cô gái Bắc Ninh : Đặng Thị Lộc có khi chị lấy bút hiệu Đặng Thị Bắc Ninh ... Hôm họp mặt Tư Lịnh tôi cứ trầm trồ nhan sắc chị hoài! Nhà hàng dành riêng cho một phòng, nhưng bàn ghế quá đơn sơ không thích hợp cho yến tiệc trang trọng . Phải nói vợ chồng Thu Râu đã vì chỗ thân tình đã không quản ngại đường xa đáp lời mời và sau tiệc hội ngộ ấy lại trở về Lương Phú cách Ba Tri ngoài 30 Km ngay trong đêm ...Khi mà nhờ Internet đã liên lạc được nhau, tôi có bài thơ "Kể Từ" nhắc lại kỷ niệm giữa hai chúng tôi thời tuổi vừa quá 30: Kể Từ
(Gởi Thu Râu)
Nó nhắn ráng về chơi nhe mậy
Rụng hết rồi còn lại mấy ngoe
Ông Cả giờ không dùng một giọt
Chỉ tao cầm cự với mầy hè
Đọc thư xong muốn rơi nước mắt
Mới đó mà đã mấy chục năm
Nhớ buổi chia tay quanh lơ láo
Nay thiệt rồi xa biệt mù tăm
Đứa út giờ sắp thành gia thất
Chưa thấy hình, thấy mặt lần nào
Hy vọng sui gia thôi đành lỗi
Đâu còn gì để hứa lần sau
Mỗi khi dịp đó đây dự cưới
Lễ nghi làm tao vụt nhớ về
Lần hai đứa áo dài che lộng
Nơi nầy sao giống được bên quê
Cau đông lạnh vỏ màu dưa cải
Trầu lươn xanh mấy xấp kín mâm
Khác xa lắc cau dầy Lương Phú**
Trầu nhà tao vàng hực tơ tằm
Ngày bốn cữ uống tiêm đủ kiểu
Tới bữa ăn lếu láo cho qua
Nhưng nhất định chừng nào gặp lại
Hứa với mầy lần chót thả ga !
NhàQuê Apr 14, 2008
** Lương Phú: nơi quê bạn tôi,
trồng nhiều cau nhất Bến Tre Cái đáng hoan nghinh nhất là bữa tiệc nầy bắt đầu tương đối không trễ nãi lắm ...chuyện khó thấy trước nay . Sau khi vài dòng nầy nọ như thường lệ của người tổ chức, tôi nói về dịp chúng tôi kỷ niệm 50 năm kể từ bước đầu tiên tiến đến hôn nhân trong bất ngờ của mọi người và vỗ tay không thua gì Út Trà Ôn vô 'vọng cổ bù lon". Tiệc vui như vậy mà ngoài bia chỉ cưa đúng 2 chai Rémy Martin XO ! ...còn những 2 chai còn nguyên xi đành trở về đoàn tụ với 2 chai đang nằm chờ lên đường đi tỉnh lỵ. Còn một điều làm tôi suy nghĩ là ngày nay không biết do cách xa nhau quá lâu, do ở nước ngoài về, hay do gì đó mà gần như không có sự gần gũi như ngày xưa của số bạn bè mức độ thân tình trước đây, nhiều người từ chối lời mời ... Tôi vẫn là anh chàng Nhà Quê như thuở nào, anh chàng luôn quí trọng kỷ niệm ... Hay tôi là hạt nước chảy qua chân cầu và đã ra trùng khơi thăm thẳm NhàQuê Sep 02, 2012
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 15
Nói mà xấu hổ, trong suốt chuyến đi tôi luôn phải mặc quần cặp không kể quần lót ...4 túi quần ngoài chỉ để lặt vặt số tiền vừa đủ xài hay dự tính cho việc gì đó cùng máy ảnh và điện thoại. Nếu hôm nào mặc áo túi có nấp có khuy cài thì 2 món đó có nơi ẩn náu thanh lịch hơn và giúp cho sợi dây nịt đỡ vất vả ... Cái quần thứ nhì bên trong là loại quần Jean ngắn dầy có 6 túi mà 2 túi sau và 2 túi bên đùi đều có khuy cài hoặc dán: 2 túi sau để giấy tờ tùy thân, 2 túi bên thường không chứa gì cả vì e dễ bị lọt ra ngoài khi đứng lên ngồi xuống, 2 túi bên đùi để 2 bọc nylon có zipper chứa phân nửa số tiền dùng cho cả chuyến đi (Phân nửa kia Tư Lịnh cất phòng trường hợp mất một lượt) ...Không thoái mái chút nào! Nên để an toàn mọi di chuyển chúng tôi thường dùng xe taxi, car, van hoặc SUV tùy nơi muốn đến không la cà chỗ đông người, chỉ vô khu buôn bán, chợ búa khi thật cần thiết. Và lần nầy chúng tôi đã nhờ con gởi tiếp về sau một phần khi liên lạc nhắn tin chứ không đem về một lượt Có thể bị cho là quá đáng, chứ thực tình hôm ra chợ huyện Ba Tri một sáng để thăm đứa cháu, có gặp một người bán vé số vốn là học trò ngày trước của trường nhưng không phải lớp tôi dạy ...việc đầu tiên hỏi tôi có phải là thầy T. không và nài mua vé số, tôi từ chối ...vậy mà lúc tôi đang đứng lên từ giã đứa cháu dâu để ra về thì "người bán vé số" xuất hiện lại nài mua ...lại từ chối ...một tấm thẻ chìa ra hỏi phải của tôi không, trả lời không phải nhưng Tư Lịnh tôi nhìn ra nói là của tôi, vì đó là danh thiếp của tài xế taxi đưa cho dành khi cần thì gọi mà tôi bỏ túi áo. (Hôm đó tôi mặc áo ngắn tay vừa cho mát, vừa giản dị như mọi người) ....Để thấy rằng "trình độ vồ" ngày nay đã đạt mức siêu tốc, siêu đẳng, thượng thừa ... . Tôi thường dùng từ Tư Lịnh để ám chỉ Bà Xã "quyền thế" của tôi, thực ra là một phụ nữ hiền thục và có đức tính thương người dù không tới chùa niệm hương khấn Phật . Hằng năm dịp gởi tiền bạc về giúp nuôi dưỡng nhạc mẫu tôi, đám giỗ, tảo mộ , Tết của 2 gia đình, nàng đều có gởi thêm biếu tặng người ăn kẻ ở xưa và bà con, chòm xóm nghèo, láng diềng cũ ... Nên nàng chưa nghỉ hưu khi còn khỏe mạnh là một phần như thế . Đến khi không cần để đồng hồ báo thức ban sáng thì cuộc sống gói ghém lại và mọi chuyện sẽ giảm thiểu .... Ra đường bao giờ Tư Lịnh cũng đổi tiền loại 10,000 để cho những người hành khất không đợi người ta chìa tay xin bố thí, thực tế còn cho nhiều hơn số đó tùy theo mức độ thống khổ mà nàng đánh giá. Chuyện không tới chùa xuất phát từ cách nay khoảng gần 10 năm, khi ấy Tư Lịnh cùng đứa con dâu đi chùa Đạo Quang, vùng Richardson gần Dallas, tiểu bang Texas dịp Tết, bị các nhà sư lơ là không chào hỏi tiếng nào dù nàng là người lạ không thường đến mà lễ vật chỉ có hương hoa quả mà không cúng tiền... Các nhà sư xum xoe cùng các tín nữ với phong bì dày Dollar...Từ dạo ấy ai có quyên góp từ thiện nàng đều từ chối ...Lý do "Tôi còn nhiều người cần sự giúp đỡ hơn" . Chấm Hết! Những món ngon nổi tiếng ngày xưa ở thị trấn Ba Tri như cháo lòng bánh hỏi, hủ tiếu chú Xìu, suôn dì 7 Dung ...sao bây giờ riêng tôi không còn hợp khẩu vị nữa hay là do cái bao tử bị tấn công tới tấp ...Nên sáng sáng, tôi gọi mời vài người bạn, các em tôi và các em cột chèo ngoài xã vô đi lòng vòng thay đổi hàng quán sau đó uống cà phê .... nhờ vậy tôi kiểm chứng được rằng: Mỗi tụ điểm có loại khách riêng không giống nhau và tôi được khuyên không nên ghé vào nơi nầy nơi nọ, nhưng tôi không nghe, tôi muốn thử thâm nhập tìm cái "hay ho" luôn cả nhân tình thế thái ....Một địa phương nhỏ bé thân thiết ngày xưa bây giờ trở nên phức tạp. Thời gian hơn tuần lễ qua mau và coi như đã theo đúng những gì dự trù, chúng tôi quyết định bước kế tiếp: Đi Thị Xã . Thật ra thị xã nay gọi là thành phố Bến Tre đối với tôi mới đúng là nơi có nhiều kỷ niệm của 7 năm thời trai trẻ, thời thư sinh, thời lột xác ... Chúng tôi sẽ lưu lại 3 ngày để có dịp gặp bạn bè cũ mới, mua sắm vài cần thiết ....Sau đó chúng tôi lên đường đi các nơi xa hơn . Lên "Mạng" tìm đặt khách sạn và nhà hàng, tham khảo thực đơn, khi đã nhận được hồi báo những nơi đó, chúng tôi điện thoại mời bạn bè .... Và hợp đồng xe cộ chuẩn bị tạm rời Ba Tri. NhàQuê Sep 10, 2012
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 5 bạn đọc.
Kiểu: