Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG
Thay đổi trang: << < 45 > | Trang 4 của 5 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 71 bài trong đề mục
NhàQuê 07.04.2013 22:06:58 (permalink)
Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 46

Đầu năm 1968, tôi rời thành phố Nha Trang trong số quà mang về có món khô mực ... khô mực mua ở chợ Đầm, Nha Trang ngày đó sao mà tuyệt hảo, càng lớn lại càng mềm, khô nướng nhai ngọt tận kẽ răng ... Bây giờ nhìn món khô ấy còn phải lưỡng lự xem có nên không, vì đụng tới nha sĩ tiền trả bill "khẩm hột" ...

Vào mùa thanh long, chợ Đầm rực đỏ tím màu của thứ trái còn xa lạ với người miền Nam như tôi, thực ra tôi chưa thử món ấy lần nào trong suốt thời gian ở miền Trung, nhưng nhìn phần cơm trắng có li ti điểm đen, tôi cũng đoán được mùi vị chẳng khác xa trái xương rồng (tứ đại), xương rồng thường trồng các ranh đất quê tôi là mấy ... Hình như tôi chỉ mới thử món thanh long vào năm 1999 trong chuyến về giỗ Má tôi, thanh long giờ đây đã lan tràn vô tận trong Nam ... bà con chòm xóm khi có đám tiệc đã mang đến làm quà, làm lễ vật ....

Trong chuyến đi du lịch tháng 6, 2012 nầy, hầu như món tráng miệng sau mỗi bữa ăn đều có thanh long, dưa hấu ... có nơi có cả cam vỏ xanh mà ngọt lịm, khác với cam ở Mỹ khi chín màu vàng cam, tôi không nhớ rõ cam xanh ấy tôi gặp lúc ở Nha Trang hay nơi nào trong chuyến đi .... Nhưng khi thấy cam ở miền Trung tôi liên tưởng tới dạ tiệc liên hoan đêm 05-01-1968, trong tiệc ấy mỗi khẩu phần có món "cam giấy Khánh Hòa" .... đọc thực đơn là vậy, nhưng ration của tôi là trái quít ở quê tôi .... rồi cuộc sống theo dòng đời cuốn hút, tôi không có dịp để tìm hiểu có phải cam giấy là quít hay không .... và trong khẩu phần đêm tiệc đó có một quả trứng vịt, mà lần khác tôi nói theo giọng và cách người Nam là "hột dịt" làm ai cũng cười ..



Đặc biệt bữa ăn sáng của khách sạn Yasaka cũng vẫn hình thức buffet, nhưng địa điểm thoáng mát ở sân sau, như một loại quán cà phê sân vườn, thức ăn đặt dọc theo dãy nhà phục vụ và tường, tạo thành hình chữ U, các bàn đặt rải rác gần các tàn cây hoặc dù che hay lều bạt... có lẽ chúng tôi đã gặp lại nhiều món, nhiều lần nên không cảm thấy gì đặc biệt kể cả món cháo trắng với món mặn kèm theo mà tôi thích ...Giờ giấc giữa điểm tâm và chương trình di chuyển trong ngày tương đối thoái mái nên bao giờ chúng tôi cũng có thời gian nhâm nhi cà phê ... Cà phê ở VN thường có hương vị thơm ngon quen thuộc cho dù cà phê "chùa" ... Cà phê nóng pha sẳn, khách chỉ gia giảm theo sở thích của mình, tùy khẩu vị thêm đường, sữa tươi hay sữa đặc ... trà cũng thơm nghi ngút khói ...Hay là "tại bị" lâu lắm mới gặp lại "người xưa" mà cảm thấy như vậy chăng ?

Xe lại đi dọc theo đường ven biển đi lên hướng Bắc, không vòng vèo trong phố như xưa để đến cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra ... nhà phố hai bên san sát có nhiều cao ốc làm tôi không hình dung được đã qua những nơi nào ... Trước khi ra khỏi thành phố xe dừng lại tôi đoán gần chủng viện và Hòn Chồng ngày xưa để đoàn xuống ngắm cảnh, nhất là ngắm núi Cô Tiên ... Phải tập trung mọi khả năng tưởng tượng mới hình dung ra Cô Tiên nằm xỏa tóc, tôi nhớ lại không biết là thơ hay văn của thời chinh chiến: "Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ-Em nằm xỏa tóc đợi chờ anh ..." của anh chàng có lẽ thụ huấn ở quân trường Đồng Đế ngày xưa cảm hứng viết nên đó chăng . Cái pho tượng màu trắng trên đỉnh núi mà khóa sinh nào cũng phải leo lên đến chân tượng một lần trước khi được gắn cấp bậc ra trường ... tôi có ý nhìn tìm mà không thấy nữa ... Ngày trước mỗi tuần theo xe từ Nha Trang về Dục Mỹ, trước khi qua đèo Rù Rì tôi đều nhìn lên .







Chúng tôi đi tiếp bàng con đường khá tốt chạy cặp ven biển và vòng qua mõm núi chứ không băng ngang núi bằng đèo Rù Rì quanh co như xưa. Thuở ấy ngồi trên xe 10 bánh mà phó mặc vận mệnh rủi may cho bác tài xế nhà binh, mà mấy trự nầy chạy xe "thì phải biết!" ... Có một lần sao tôi được ngồi xe nhỏ hơn, bụng cũng mừng thầm, dè đâu lên đến đỉnh đèo chỗ có cái miếu, bác tài bỏ tôi và một người nữa ở đó đợi anh ta quay lại Nha Trang vì "quên cái gì đó" có trời mới biết . Nhờ vậy tôi biết rằng đường đèo cũng rộng rãi chứ không như lúc ngồi trên xe đổ dốc thấy cơ hồ đầu hai xe lên xuống muốn cụng vào nhau .
Sau khi xuống đèo rồi qua khỏi các vườn trồng chuối đến đèo Rọ Tượng chỉ có một xóm làng chài lưới còn ngoài ra rất hoang vắng đến buồn hiu.

Vậy mà lần trở lại nầy, nhà cửa vườn tược kề nhau như ngầm thi đua ... có cả một vùng gọi là Làng Việt Kiều vườn rộng nhà cao ... Có lẽ đó là những biệt thự khang trang, chủ nhân là những người đã từng vái van, nôn ói khi những lượn sóng biển khơi thả vòi trắng xóa.

Mãi nhìn cảnh mới nơi chốn xưa đã nhiều lần qua lại mà chúng tôi sắp đến thị trấn Ninh Hòa không hay. Khi Hòn Hèo đã bên cánh phải của chúng tôi, tôi cố nhìn về hướng Dục Mỹ để tìm đỉnh Vọng Phu, hôm ấy dù nắng gắt nhưng mây trắng quá dầy phía Trường Sơn nên tôi không có dịp chỉ cho Tư Lịnh tôi ngọn kỳ sơn nầy .

Xe không vào ngã ba Ninh Hòa, nơi xưa có quốc lộ tách ra khỏi "Con Đường Cái Quan" để lên Ban Mê Thuột .... Đoạn quốc lộ 1 mới nầy đi vòng ngoài phía Đông của thị trấn Ninh Hòa đến đèo Bánh Ít ... Đầu năm 1970 trong lần về trường PB chấm thi, tôi có lái cùng các sĩ quan giám khảo khác đến chân đèo rồi quay lại không dám đi xa hơn ... Đó cũng là lần duy nhất tôi qua khỏi cầu Sông Dinh ... thường thì chỉ đến ngã ba vô tiệm nem nướng Thái Thị Trực khá nổi tiếng Ninh Hòa một thời, xong long vòng gần đó rồi đi xe lam về Dục Mỹ . Ngày nay món nem nướng Ninh Hòa đã trở thành tên gọi phổ biến trong các nhà hàng của người Việt khắp nơi trong và ngoài nước.

Qua khỏi đèo Bánh Ít không xa, xe rẽ phải hướng về bãi biển Dốc Lết nhìn ra vịnh Vân Phong, suốt buổi ấy tôi mấy lần xuống tắm, bãi tắm không sâu và ít sóng thành kém hứng thú hơn những nơi khác ... xen kẽ đó lên bờ thưởng thức những món hải sản ... Riêng món tàu hũ nóng ngon làm sao khi mới vừa trầm dưới nước lên...





Trong thời gian dưới nước, có dịp trò chuyện cùng vị khách đến từ Hà Nội và từ đó đến lúc chia tay giữa "hai đàng" khoảng xa cách "giữ thế" gần lại hơn .

Buổi trưa chúng tôi trở lại Nha Trang ăn trưa, trước khi đưa một số ít trong đó có chúng tôi đến trạm cáp treo để ra khu du lịch Vinpearl ở ngoài đảo tự túc. Ở đây người ta không gọi đảo mà nói là hòn ... Nhóm còn lại đi Tháp Bà .... Theo chương trình chúng tôi tự lo liệu ăn tối và khám phá Nha Trang riêng


NhàQuê Dec 24, 2012
#46
    NhàQuê 11.04.2013 05:26:13 (permalink)
    Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 47

    Hồi xưa mỗi lần tắm biển Nha Trang, tôi nhìn ra các hòn đảo mà ao ước có ngày nào đó được ra thăm cho biết, dù rằng thuở ấy cũng có ghe thuyền thuê bao du ngoạn, nhưng thực tình vì an ninh bản thân, tôi chưa dám phiêu lưu như thế .

    Trên miền biển Khánh Hòa có biết bao nhiêu là đảo hay hòn. Có lẽ hòn sừng sững ngay tầm mắt từ bờ của thành phố Nha Trang ngó ra là lớn nhất nhì đó chăng ... Không biết trong số cơ man nào đó có hòn nào tên là Hòn Yến không ? Vì trong những món hàng đắc quí của Nha Trang có "yến sào" ... Thú thiệt tôi chưa từng mua hay thưởng thức món ăn vương giả nầy ... Tôi có vài lần dự tiệc, thực đơn có món đó nhưng tôi không tin mình được nhâm nhi món yến sào thứ thiệt, hàng của các anh Ba Tàu không tin được ... Tôi cũng có tìm tòi đọc thử những bài viết về các loại tổ yến và mực hạng của chúng, nhưng rồi mau chóng quên đi dĩ nhiên tự nhận biết về thân phận nhà quê của mình...

    Gần đây trên thị trường thấy bày bán la liệt món "nước yến" như là loại giải khát tăng cường hay phục hồi sức ... Lại "nước đường" hay xi rô hoặc mật đường bắp gì đây chớ làm gì có giọt nhỏ yến nào trong đó, không chừng độc hại là đàng khác ... Cái gì liên quan tới "Yến" thì nên thận trọng .

    Trước đây khoảng 20 năm hay lâu hơn chút đỉnh, tôi có đọc bài viết của ông NVC, Luật Sư và là Thượng Nghị Sĩ của VNCH. Ông mô tả khi được cụ Trần Văn Hương thả ra (Ông luật sư thượng nghị sĩ nầy bị ông Thiệu giam) ông và gia đình đã dồn khơi khơi vô bao tử hết mấy cân yến cuối cùng, trước khi rời ngôi biệt thự bỏ chạy vào những ngày cuối tháng 4-1975... Thứ đắc tiền vậy mà còn tới mấy cân ... Người sang có khác ... . ... Nay mới biết rằng vụ ăn yến phải tắm rửa sạch sẽ, nằm thẳng ngay trên giường rồi có người đút cho mới là cách ăn yến trước khi vào giấc ngủ, tóm lại là ăn yến xong là không hoạt động gì cả nó mới "phiêu" mới bổ dưỡng ... chứ không phải nuốt vội và chạy liền ...

    Nói lòng vòng vậy vì trong thời gian đến Nha Trang kỳ nầy, chúng tôi có được đưa đến cửa hàng Yến, là thứ đem lại nguồn lợi không nhỏ cho thành phố, địa phương nầy ... mà ngày nay yến thiên nhiên ít đi ...còn phải mua thu gom từ nhiều nơi nhiều nguồn ... 

    Hòn đảo du lịch Vinpearl hình như có tên là Hòn Tre (??) chăng ... Chúng tôi đang trên đường cáp treo để ra đó ... Đường cáp khá dài ... Từ trên nhìn lại toàn cảnh Nha Trang và vùng biển lân cận rất thú vị, chúng tôi định chuyến trở vô bằng tàu ... nhưng chiều hôm ấy mưa lớn nên chuyến về đất liền cũng bằng phương tiện nầy .



    Chuyến đi ra trời quang đãng gió nhẹ, từ trên cáp treo nhìn xuống biển như một thảm nhung xanh ngọc ... Nhưng chuyến trở vô bờ mặt trời chỉ le lói trước khi lặn và mây u ám sau cơn mưa .

    Một trận mưa lớn đột ngột trút xuống, chúng tôi chỉ kịp gom vật dụng và ly cà phê đang uống dở để chạy vào bên trong nhà hàng trú ẩn ... dĩ nhiên phải đứng vì các bàn đã chật kín rồi, dựa vào một cây cột mà phải xoay tới lui mấy lần vì gió tạt và nước ngập lé đé do rút không kịp.

    Trong thời gian chờ đợi cơn mưa qua đi, có vài người nhận ra chúng tôi là khách từ nước ngoài về, làm quen và nói chuyện, thăm hỏi rất chân tình ... thì ra tình cảm cùng giống nòi vẫn còn âm ỉ trong những con tim cùng nguồn cội tổ tiên Hồng Lạc ... Làm chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn những khi ...



    Lúc chưa mưa trong khi ngồi uống nước, chúng tôi nhận điện thoại liên tiếp các con và cháu chúng tôi từ Mỹ gọi về thăm, khi chúng biết chúng tôi đang ở Nha Trang, nơi nầy chúng có đến trong lần về Việt Nam trước đây, nhưng lúc đó chưa có Vinpearl, từ đất liền ra đảo phải đi bằng ghe có gắn động cơ .



    Nói chung Vinpearl hay các khu giải trí có trò chơi như Đầm Sen (SG) không có gì mới lạ với những người từ Mỹ về, vì rằng mọi hình thức trình ra với du khách thì đi sau nhiều, làm sao sánh được những Disneyland , những SeaWorld ở San Antonio, TX hay ở San Diego, CA. ..., những trò chơi ở Six Flags ...., "Các loài thủy tộc" còn nghèo nàn hơn ở tầng hầm của Mall thành phố Minnepolis, MN ... Riêng về loại vật sống dưới biển, ở khu du lịch Vinpearl không thấy có whales, dolphins, hải cẩu mà những nơi khác nhất là Seaworld luôn luôn có các show của thủy động vật đã huấn luyện thành thục nầy thật ngoạn mục, tuyệt vời.

    Bãi biển dành cho du khách thông thường như chúng tôi khá tốt, ấm, sóng vừa phải, đá ngầm nhiều rong làm bàn chân mát lạnh thích thú





    Show trình diễn của Mỹ Nhân Ngư hình như chỉ một lần mỗi ngày, vào lúc ấy các loại cá dữ chắc đã cô lập ... Tượng "Người Cá" đặt ở phía Nam cuối của khu giải trí và từ đó có thang bộ và thang máy phối hợp đưa khách trở lại nơi lấy cáp treo trở vô đất liền ... Khoảng hơn 7 giờ chuyến chúng tôi có vài ba cô gái trẻ mặc đồng phục nói cười vui vẻ ... Họ đã xong ca của họ trong ngày ... Tôi cố tìm những nơi xưa tôi thường đến như Cầu Đá, Chợ Chụt có phở trứ danh ... nhưng không thể nào xác định được ...44 năm rồi còn gì !?


    NhàQuê Jan 09, 2013


    -o-o-o-o-o-o-


    @SeaWorld - San Antonio - Texas - USA










    #47
      NhàQuê 12.04.2013 18:19:35 (permalink)
      Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 48

      Từ khi rời đoàn để ra đảo cho đến sáng ngày hôm sau, mọi chi phí chúng tôi phải tự tục như là thời gian sinh hoạt riêng ... Vào tới đất liền trời đã tối, chúng tôi lấy taxi và nhờ đưa đến tiệm phở nào đó và bác tài vui vẻ giới thiệu chỗ khá ngon, nhưng không thể tìm hương vị của các nơi phở ngon ngày trước ... đến đâu tôi thường hay thử món nầy dù rằng tôi là dân giá sống chánh hiệu con nai vàng ... Tư Lịnh tôi thì chọn món khác có trong thực đơn .

      Buổi sáng hôm sau vẫn như thường nhóm ở khách sạn nào ăn sáng ở khách sạn đó, chuẩn bị trả phòng, chúng tôi không quên đổi tiền dằn túi xài dọc đường và khi đến địa điểm mới ... Chúng tôi giã từ thành phố biển Nha Trang còn sớm, sương mù còn là đà trên mặt biển.

      Dừng lại Long Sơn Tự, lại viếng cảnh chùa ... Năm 1967 tôi có đến đây một lần, lúc đó vị trí chùa thuộc ngoại ô Nha Trang, nay thành phố mở rộng hơn về mọi phía, đường tốt, nên thoáng chút chúng tôi đã đến nơi ... Chùa ở ven quốc lộ 1 cũ trên đường xuôi Nam vô Diên Khánh (Thành) ... Hồi đó ngay bên kia đường đối diện chùa có trụ cây số ghi Sài Gòn 500 Km ... Nhìn khoảng cách xa quê đó làm tôi buồn vô hạn, lần đầu trong đời xa nhà như thế .... Tôi không phải là người sanh trưởng tại thành phố Thủ Đô Sài Gòn, nhưng như phần đông người miền Nam lấy đó làm điểm gốc trả lời khi có ai hỏi về quê quán ... chứ nói dài dòng ở hóc bà tó "Cà Mau, Rạch Giá, Bến Tre" không ai mường tượng được ...



      Nơi có tượng Phật màu trắng thấy mờ mờ giữa tấm hình ngày trước tôi có leo lên đến đó, ...và hình như ngày đó tượng làm chưa xong còn để nằm (Không biết trí nhớ tôi có đúng không ?)... Đứng trên đỉnh núi nhìn được toàn cảnh Nha Trang nhà cửa còn đơn sơ chứ không như ngày nay... Dù rằng Nha Trang chưa mở mang vì còn chiến tranh, đã là nơi du lịch và ước mơ của nhiều người muốn một lần đặt chân đến thành phố thuỳ dương cát trắng nầy! 







      Chánh điện của ngôi Chùa cũng không có nguy nga như bây giờ, cũng không có những kiến trúc phụ thuộc cất thành nhiều dãy lầu như hiện nay .

      Khi xe chúng tôi thực sự hướng về phía núi .... Thành phố Nha Trang dần dần xa phía sau lưng ... Xin giã từ như người bạn quen xưa, "Người Sang" giờ làm mặt lạ ... 

      Từ hôm khởi đầu các chuyến du lịch tới nay, chỉ có Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Hải, Ngã Ba Dầu Giây và Nha Trang là những nơi trong thời trước 1975 tôi có đến hoặc ghé qua ... còn lại đều mới lạ ... Điều đó cũng dễ hiểu của người trai trẻ chưa gì đã bị xô đẫy vào cuộc chiến với tương lai bất định, chính mình không làm chủ được mạng sống của mình ... Tôi chẳng gì hổ thẹn nói lên sự thật quê mùa của tôi .... Nhưng bù lại dù chưa tới nhiều nơi mà do tìm hiểu thành ai cũng tưởng tôi rành rẽ lắm !!!

      Xưa kia và trước đây khi con cháu chúng tôi từ Mỹ về và thuê bao xe đi Nha Trang và Đà Lạt, thì khi từ Nha Trang lên Đà Lạt phải trở vô Phan Rang và đi ngã đèo Ngoạn Mục, còn nay chúng tôi đi bằng con đường mới mở nên gần hơn chỉ hơi quá trưa chúng tôi đã dùng cơm trưa ở Đà Lạt .... Hãy tưởng tượng Nha Trang, Phan Rang, Đà Lạt làm thành một tam giác mà bây giờ chúng tôi chỉ đi có một cạnh, còn trước đây phải đi 2 cạnh của tam giác tưởng tượng đó!

      Con đường mới nầy chưa biết đưa vào xử dụng bao lâu rồi, khá rộng khá tốt dù nhiều đoạn còn đang hoàn thiện có tổng chiều dài khoảng 90 Km ... Sau khi xuyên qua gần hết địa phận của huyện Diên Khánh vào huyện Khánh Vĩnh, con đường bắt đầu leo dốc và từng đoạn có bảng báo khi chúng tôi đạt cao độ mới chênh lệch với cao độ cũ 10, 20, 30 hay 50 mét, từ trong xe nhìn ra hai bên núi trùng trùng điệp điệp có những đoạn mây bay ngang chúng tôi .... nhưng rừng nguyên sinh còn đang im lìm trong giấc ngủ. 

      Trở Lại Nha Trang

      Phi đạo Cam Ranh xưa có đáp
      Nay vòng cặp biển lướt ngang qua
      Nha Trang loáng thoáng trong tầm mắt
      Bốn bốn năm quay lại Khánh Hòa

      Mường tượng đâu đây vài hoa hậu
      Khoe khoang dáng vóc tắm nắng chiều
      Thùy dương đứng ngắm từng đàn sóng 
      Cùng gió thì thầm khúc nhạc yêu

      Khi xe đến khoảng gần chợ Chụt
      Cố tìm sao chẳng nhận được ra
      Cầu Đá ngày nào quen thuộc lắm
      Cáp treo nhìn xuống... hỏi chăng là ?!

      "Em Nằm Xỏa Tóc" nắng xanh trong
      Có nhẩm bài thơ ... nhớ thuộc lòng
      "Tượng Đứng Ngàn Năm Thao Diễn Nghỉ"
      Tan rồi hay lỗi hẹn chờ mong

      Dưới chân Rọ Tượng xóm nhà giàu
      Càng mới lại càng nhón gót cao
      Toàn những Việt Kiều không ...đấy phải
      Mỉm cười nhớ lượn sóng nghiêng chao

      Khi tới Ninh Hòa nhìn hướng núi
      Vọng Phu hôm ấy khuất mây che
      Muốn thăm Dục Mỹ ...thôi đành lỗi
      Hòn sỏi hoàn cho Dốc Lết hề !

      Nha Phu sóng nhỏ hơn Phan Thiết
      Cũng chẳng mặn bằng Mũi Né đâu
      Tàu hủ thơm gừng... màu lụa mới
      Giọt đường cũng biết hẹn lần sau

      Giã từ thành phố sáng mù sương
      Khánh Vĩnh đôi nơi ghé dọc đường
      Nhìn xuống rừng còn thiêm thiếp ngủ 
      Xa dần biển thẳm rặng thùy dương

      NhàQuê Sep 12, 2012



      Chúng tôi cũng được dừng lại giữa chừng Khánh Vĩnh để xả hơi, giải khát nhất là "hái hoa bắt bướm" . Cái "Thị Trấn Giữa Đàng" nầy chỉ có năm ba quán hàng mà khách ghé qua tấp nập, thị trấn nằm cạnh dòng suối mùa khô nước trong sát lòng lạch ... Nhưng tôi hiểu rằng vào mùa mưa thì "Cô Em" nầy không phải nhu mì như thế



      Nhìn bảng thực đơn của "Nhà Hàng" giữa núi rừng, vậy mà viết bằng hai ba thứ tiếng, tôi chợt mỉm cười nhớ lại vài chuyện vui buổi sáng của thầy Huỳnh Chiếu Đẳng gởi qua email nhóm MTC (Morning Tea Club)



      Và cũng tại cái thị trấn giữa đàng nầy đã trả lời cho tôi một thắc mắc mấy chục năm qua là "xu hào" có người gọi trái, có người gọi củ, vậy thì gốc nó từ cây hay dây: Dây! Dút khoát là dây

      Nhớ lại hồi mới vô trung học có bạn thành thị nói: Để Hè nầy tao theo mầy xuống Ba Tri leo lên cây "dưa hấu" hái trái chơi!



      Xe lại lên đường lại ngừng nghỉ theo yêu cầu, Khi vào địa phận Lạc Dương hình như không còn dốc cao để leo nữa ... chỉ thoai thoải từ khi ngang qua "thị trấn" Đa Nhim (??) có cả trường Phổ Thông Trung Học và phố xá khang trang.

      Vào Đà Lạt, đường xá như hẹp lại, HDV cố ý cho xe theo lộ trình thấy được nhà ga Đà Lạt có chiếc đồng hồ đã tắt nghỉ vào đúng thời điểm đường hoả xa đến Đà Lạt ngưng hoạt động.

      Bữa ăn trưa đầu tiên ở Đà Lạt nầy tại một khu phố có nhiều bảng hiệu có vẻ chủ nhân là người miền Tây lên đây lập nghiệp chăng ? Còn nấn ná mang tên quê mình theo lên tận miền cao nầy!

      Đã lâu mới gặp lại quả chuối già da còn xanh mà trong ruột đã chín ngọt ngào trong phần món tráng miệng

      Cái lạ đầu tiên của tôi là nhìn quanh ai cũng khăn choàng nón đội, găng tay ... như đang mùa Thu miền Đông Bắc Mỹ ... Hay đây là "mốt" chưng diện của nơi được gọi là xứ lạnh của VN ... trong lúc tôi gần như muốn thả áo ngực cho mát



      Ba cặp chúng tôi ở Yasaka dưới Nha Trang, giờ đây được đưa đến khách sạn Ngọc Lan, nghe đâu vốn là rạp hát cải biến thành khách sạn 4 sao .... Điểm khác biệt là hầu như các khách sạn ở Đà Lạt không có máy lạnh cũng như đường phố không có đèn xanh, vàng, đỏ hướng dẫn lưu thông



      Từ sân thượng Ngọc Lan nhìn được bao quát toàn cảnh thành phố nhất là nhìn xuống hồ Xuân Hương rất gần, hồ nước trong veo khác với tin đầy rẫy gần đây là hồ đã khô cạn đầy rác rưởi ... 

      Có lẽ tin ấy rơi vào thời điểm nơi đây người ta hút cạn nước, vét lại, tu bổ định kỳ (5 năm /lần)

      Lại ngủ trưa theo phong tục để chuẩn bị chương trình buổi chiều đi nhiều nơi ...


      NhàQuê Jan 13, 2013
      #48
        NhàQuê 13.04.2013 21:17:58 (permalink)
        Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 49

        Mãi tới 70 tuổi An Nam tôi mới lần đầu tiên đến Đà Lạt, vào cái thời còn đi học rồi mưu sinh thì những từ danh Đà Lạt, Nha Trang, Huế, ...chỉ có trong chuyện kể từ những người giàu có, thế lực hay chí ít cũng phải có thân nhân đang sinh sống ở những nơi nầy đi nghỉ mát về nói lại ... Đến thời "tuổi lính" đuổi nà quá trong số bạn bè cũng lắm chàng hào kiệt đến đó vì món nợ hồ thỉ tang bồng, còn riêng tôi không có được chí khí như vậy cho nên Đà Lạt vẫn còn là thành phố mù sương! Còn xa lắm!

        Giờ đây tôi đang đứng giữa cái thành phố "hàm thụ" trong thời gian dài của cuộc đời tôi, ngay cả Tư Lịnh và các con tôi cũng không ngờ tôi chưa biết Đà Lạt, cái thành phố thơ nhạc nào là Thành Phố Sương Mù, Xứ Lạnh, Xứ Hoa Anh Đào, Xứ Hoa Mimosa ... Nhiều bản nhạc hay viết từ cảm hứng về "thành phố mộng mơ" nầy ... Nhiều thế hệ ca sĩ nơi đây hay khởi nghiệp từ đây rồi danh lừng thiên hạ: Thanh Tuyền, Khánh Ly, Lê Uyên Phương, Diễm Liên ... vừa đây Nguyên Thảo, giọng hát Nguyên Thảo chinh phục tôi hoàn toàn qua các nhạc phẩm: Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời, Tình Ca, Chỉ Ngần Ấy Thôi, Hoa Rụng Ven Sông ... và nay tôi đóng dấu ký tên chấp thuận Đà Lạt là Thành Phố Ngàn Hoa; Hoa ngoài nghĩa thông thường còn bao gồm những tài năng đủ dạng ... Ngàn ngoài là số đếm, số lượng xin thêm vào đây là rừng núi!

        Quả thật từ khi leo dần dốc đèo Khánh Vĩnh đến đây, cái oi bức mùa Hè bỏ lại sau lưng cho miền ven biển ... cao nguyên có độ mát đầu mùa Thu của miền ôn đới, suốt đường dẫn vào thành phố ngút ngàn thông, những khu vực dân cư xen kẽ với vùng trồng hoa màu thênh thang lẫn cây trái xinh tươi ... có nhiều giống rau quả ngày nay không còn là độc quyền của Đà Lạt nữa, tuy nhiên theo tôi hương vị những loại đã lan trà đi các nơi vẫn không bằng của Đà Lạt ... những món ăn nhiều rau trong thơi gian đôi ngày nầy tôi cảm thấy có cái gì thích thú khỏi dè chừng ...

        Chương trình buổi chiều đầu tiên sẽ đi ba nơi: Biệt điện Bảo Đại, Chùa và thác Datanla ...

        Trích Tài Liệu:

        Dinh thự Bảo Đại ở Đà lạt

        Đà lạt có 3 Dinh thự nổi tiếng được rất nhiều người quan tâm vì nó gắn liền với một nhân vật lịch sử, đến vị vua cuối cùng của nền Quân Chủ của Việt Nam. Không những thế, 3 ngôi diện này còn được biết đến bởi sự nguy nga tráng lệ, với lối kiến trúc trang nhã, thơ mộng mang đậm nét kiến trúc thời canh tân của Châu Âu.

        Dinh I



        cao 1550m có rừng thông bao quanh. Tổng diện tích khoảng 60ha, độ dốc trung bình khoảng 500. Nguyên đây là biệt thự của nhà triệu phú - một viên chức người Pháp - Robert Clément Bourgery. Ông là chủ nhà máy điện ở Thượng Hải và đã cho xây dựng biệt thự này vào trước những năm 1940. Công trình được xây dựng ở giữa rừng thông, trên một chỏm đồi nhìn xuống thung lũng rừng săn bắn xưa kia của Bảo Đại.

        Sau khi Bảo Đại được người Pháp đưa trở lại nắm quyền (1949), thấy nơi đây khá đẹp và yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8-1949 và cho sửa sang toàn bộ dinh cơ này. Vua Bảo Đại đã dùng dinh cơ này làm tổng hành dinh và nơi làm việc cho các quan chức trong “lãnh thổ” của mình. Đến năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng làm dinh dành riêng cho tổng thống. Dinh được sửa sang lại, làm thêm đường hầm, hai bên có phòng làm việc của các phụ tá, sĩ quan,… Đường hầm này là lối thoát hiểm, kín đáo thông ra một sân bay trực thăng nhỏ, đề phòng các cuộc pháo kích và đảo chính. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, dinh thự này vẫn được dùng làm nơi nghỉ mát của các nguyên thủ quốc gia kế tiếp của chế độ cũ cho đến năm 1975. Sau năm 1975, được dùng làm nhà khách của Trung ương và sau đó do Công ty DRI quản lý và sử dụng.

        Dinh nằm trong một rừng thông xanh thẫm. Lối vào dinh là một con đường rải nhựa với hai hàng cây tràm thân trắng cao vút. Cuối con đường là một đảo hoa hình quả trứng (oval) làm bình phong trang trí để xoay chuyển hướng đến sảnh đón chính của toà nhà. Chính yếu tố này đã tôn thêm vẻ cổ kính cho công trình. Quanh đó còn có một số hạng mục công trình kiến trúc khác như nhà dành cho ngự lâm quân, nhân viên phục vụ và một hệ thống sân sườn, bể nước vòi phun, lối đi dạo, vườn ngự uyển dẫn vào rừng săn bắn có chỗ nghỉ chân với hồ tắm thiên nhiên tạo thành một quần thể kiến trúc đẹp, sang trọng và hoàn chỉnh.

        Tòa nhà chính gồm một tầng hầm, một tầng trệt, một tầng lầu. Mặt bằng được bố cục đối xứng với lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang mở ra hai bên. Tầng trệt có sảnh lớn, phòng tiếp khách, phòng họp lớn,... Lầu 1 gồm các phòng ngủ bao xung quanh một hành lang giữa.

        Dinh I được xây dựng kiên cố, tường xây gạch đá, mái lợp ngói. Trên mái có nhiều cửa sổ, mái bẻ góc ở đuôi, có một số ống khói. Nét cổ điển không chỉ thể hiện ở sự đối xứng nghiêm ngặt trong mặt bằng mà còn nằm trên hệ cửa sổ với những vòm cung tròn. Phần nửa dưới của tầng trệt xây bằng đá chẻ, phần còn lại xây gạch. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu, vật dụng đều bằng gỗ. Cửa chính cũng có dạng vòm cung nguyên nhưng lại được kết hợp với mái đón bằng ngang, đó là một điểm cách tân trong kiến trúc dinh I. Mặt đứng công trình được trang trí với nhiều tiểu tiết càng làm tăng thêm dáng vẻ cổ kính, uy nghi mà tao nhã. Dinh I là một công trình kiến trúc độc đáo, thể hiện rõ những ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc tân cổ điển của châu Âu.

        Dinh II



        Dinh II là dinh thự mùa hè của toàn quyền Decoux hay còn gọi là Dinh toàn quyền, là nơi ở và làm việc của toàn quyền Decoux vào mùa hè hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 10). Tọa lạc trên một đồi thông rợp bóng với độ cao 1539m so với mực nước biển, được bao bọc bởi đường Trần Hưng Đạo và Khởi Nghĩa Bắc Sơn. Diện tích tự nhiên rộng khoảng 26ha, trong đó khu dinh thự 10ha và khu vực cảnh quan được quy hoạch 16ha.

        Đây quả là một toà lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng, nằm trên đỉnh đồi cao, quanh năm bát ngát thông xanh và xen giữa là những thảm cỏ mọc tự nhiên. Từ độ cao này, phía trước những tán lá thông có thể nhìn thấy thấp thoáng mặt hồ Xuân Hương gợn sóng lăn tăn ở cách xa khoảng 500m. Phía trên mặt hồ là đồi Cù với những mặt cỏ xanh mướt, và xa hơn nữa đỉnh núi Lang Biang ẩn hiện trong mây. Tất cả như một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.

        Công trình này do các KTS A.T. Kruzé, D. Veyssere, A. Léonard thiết kế và P. Foinet trong trí nội thất. Việc xây dựng tiến hành từ năm 1933 đến năm 1937 mới hoàn tất. Hình thức kiến trúc dinh thự này chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu cách tân kiến trúc châu Âu. Sự cách tân được thể hiện ở việc nó được thiết kế với các mái bằng đồ sộ với bố cục hình khối lớn ở dạng cân bằng không đối xứng. Cả mặt bằng và mặt đứng công trình đều được giải phóng khỏi thế đối xứng nghiêm nghị của trường phái cổ điển, đi vào khai thác các bố cục hình khối tự do.

        Nhằm thỏa mãn vừa là mục đích nơi ở, nơi tiếp khách và nơi làm việc, nên mặt bằng công trình được bố trí khá hiện đại. Toàn bộ tầng trệt được bố trí cho các phòng làm việc, phòng tiếp khách gắn liền với các tiểu kiến trúc công viên. Tất cả các phòng ngủ ở tầng trệt được nhóm lại xung quanh một sảnh lớn. Ở đây các tác giả dự kiến sự phát triển sau này của Đà Lạt có thể phải sử dụng các phòng ở riêng làm phòng khách lớn. Không gian kiến trúc ở đây như hòa trộn với nhau thông qua các lối đi vào cửa sổ bằng kính có khung thép rất lớn nhưng vẫn không phá vỡ không khí ấm cúng của các phòng. Cuối đại sảnh là một cầu thang lớn dẫn đến các phòng có bố cục không đối xứng nhưng lại rất hợp lý với đầy đủ tiện nghi được sắp xếp một các hài hòa. Toàn bộ tầng lầu được dành riêng cho sinh hoạt gia đình.

        Mái hiên lối vào chính, đồng thời là sân trời cho tầng hai, có hình vòng cung. Các đầu máng xối cong là những đường nét đặc trưng của trào lưu hiện đại của công trình này. Dường như các kiến trúc sư không quan tâm đến những chi tiết trang trí, do đó mặt đứng công trình thật đơn giản với những mảng - hình khối lồi lõm một cách linh động. Phía trước đại sảnh có một mái che vươn ra đón khách khi xe đỗ (porch), đây là một giải pháp nhằm tăng tính uy nghi, bề thế cho công trình.

        Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên sử dụng vật liệu đá rửa (màu sáng) phủ tường ngoài, cũng như các bộ phận vốn làm bằng gỗ thì nay được làm bằng kim loại mang từ Pháp. Công trình được gắn với một khoảng sân lộ thiên có đặt vòi phun nước, có tượng thần vệ nữ sơn nhũ vàng. Xung quanh sân bao bọc bởi những bức tượng thật duyên dáng làm cho con người dường như ấm hơn lên trong tiết trời se lạnh của thành phố cao nguyên.
        Từ khi Phủ toàn quyền về đây, Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5m, cao khoảng hơn 1m, có nhiều ngõ ngách và được đúc bằng bê tông chắc chắn.

        Dinh II là một trong những công trình kiến trúc đẹp của Đà Lạt, mang nhiều dấu ấn gắn liền với lịch sử của đất nước. Sau 1975, nơi đây trở thành nhà khách Trung ương và hiện nay được dùng làm nhà khách của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

        Dinh III



        Dinh III là tên gọi để chỉ biệt điện của vua Bảo Đại (Dinh Bảo Đại), vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ 1948 rồi thành lập “Hoàng triều cương thổ” vào 1950, nơi đây còn được gọi là biệt điện Quốc trưởng.

        Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng. Dinh được bố trí trên một đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Đà Lạt của KTS Hébrard dành cho dinh toàn quyền. Ngọn đồi này có độ cao 1539m ở đường Triệu Việt Vương.

        Về hình thức kiến trúc, Dinh III cũng là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở châu Âu. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Tại đây trồng nhiều cây cảnh được cắt tỉa đẹp, những cụm hồng quý nở quanh năm theo những bố cục đối xứng qua hai trục. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ giữa các đám cỏ xanh.

        Tương tự như dinh II, dinh III cũng là một công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng - khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Phía trước sảnh chính cũng có mái hiên đưa ra che vị trí đậu xe. Tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Đặc biệt, các phòng làm việc đều được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc, các không gian trong và ngoài liên hệ với nhau qua các cửa đi và cửa sổ bằng kính khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.

        Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh. Dinh III là một công trình kiến trúc đẹp, gắn liền với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta.

        Có thể thấy rằng, tất cả các dinh thự đều được nằm ở vị trí trên đỉnh đồi cao, chiếm một diện tích lớn với rừng thông bao phủ xung quanh. Công trình kiến trúc chỉ là một điểm nhấn nhẹ nhàng, thấp thoáng giữa cây cỏ, thiên nhiên. Như vậy, tất cả các dinh thự ở Đà Lạt tuy ảnh hưởng của những hình thức kiến trúc khác nhau nhưng đều có giá trị và đặc biệt là sự hòa hợp với yếu tố tự nhiên, vừa tận dụng vừa tôn tạo thêm cho vẻ đẹp của thiên nhiên.

        Địa chỉ:
        * Dinh I: đường Trần Quang Diệu, Tp. Đà Lạt (cách trung tâm chừng 4km về hướng Đông Nam)
        * Dinh II: đường Trần Hưng Đạo và Khởi Nghĩa Bắc Sơn, Tp. Đà Lạt.
        * Dinh III: đường Triệu Việt Vương, Tp. Đà Lạt (Cách trung tâm chừng 2km, hướng Tây Nam)





        Có vào nơi vua chúa ngự ngày xưa, những gì người ta cho là cực kỳ xa hoa tráng lệ của mới nửa thế kỷ trước đây thôi, giờ đem so với tương tự chỉ ở cấp đại gia bình thường thì nơi gọi là biệt điện của vị cựu hoàng chưa thấm vào đâu ... nói chi đến những vị vua không ngai hay những nhà giàu có tầm cỡ vang lừng nhân loại ... 











        Chúng tôi rời Dinh số 3 với lòng buồn rượi rượi ... đi vòng vài nơi bên ngoài và các khu hoa lá cây kiểng quanh ngọn đồi được chăm sóc cẩn thận với túi tiền du khách các nơi đổ về .

        Trước khi ra xe di chuyển đến nơi khác, tôi nhìn lại lần nữa nơi chốn một thời của vị vua cuối cùng của Việt Nam mà thuở nhỏ tôi đã cầm đồng tiền Ba Má tôi cho có in hình NGÀI trên đó, hình y hệt mà tôi đứng cạnh chụp trong phòng NGÀI ... 

        Và hình nầy cũng có lần in trên lá phiếu gọi là "Trưng Cầu Dân Ý" , Ngài đã bị gạch chéo trên mặt trước khi: Khỏi chọn lựa...

        Trở lại trường sau ngày bỏ thăm, chúng tôi lượm vô số trong lớp học còn lợp bằng lá dừa nước, dùng làm phòng đầu phiếu đó, mà cử tri lấm lét làm theo lịnh người có súng là có quyền ...

        Tôi miên man trong dòng suy nghĩ rằng cuộc đời mình dù có lao đao nhiều thứ, nhưng diễm phúc thay đã được trải suốt chiều dài những biến chuyển lớn của lịch sử Việt Nam thời cận đại ... Tương đương 13 thời Tổng Thống của Mỹ Quốc (Từ Roosevelt, Truman, Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush, Clinton, Bush, Obama), mà 3 vị Tổng Thống kể sau cùng tôi có bấm máy bầu cho, không ai áp lực. Dù chỉ là công dân hạng thứ nhưng cuối đời nầy cũng hưởng được cuộc sống theo hướng lạc quan.

        NhàQuê Jan 18, 2013


        -0-0-0-0-0-

        Nhìn Lại Khoảng Đường Qua 

        (Cảm Nghĩ Sau Lần Sinh Nhật)

        Bước qua tuổi mới được đôi ngày
        Dọc suốt đường đi những đổi thay
        Thoái vị ngôi vua triều đại mãn
        Khởi đầu chánh phủ kiểu Âu Tây
        Kiếm cung một thuở đâu lường trước
        Sách vở khi không mất ghế thầy
        Lồng lộng đất trời chân vướng xích
        Sang trang sử khác... khác vòng quay

        Thế kỷ hai mươi phần hậu bán
        Bao nhiêu chuyện lạ đến long trời
        Quyền uy thấy đó rồi mất đó
        Của cải ngút ngàn bỗng chốc trôi
        Dựng khởi đời sau trên đất lạ
        Ươm gầy lớp mới tận xa xôi
        Đời người chứng kiến nào đâu dễ
        Tạo hóa an bài ...phải thế thôi !

        Nhà bên máy hát tuồng San Hậu
        Đám trẻ ngồi nghe đến thuộc làu
        Hát Bội năm nào tuồng vẫn vậy
        Cải Lương thời đó tận xa đâu
        Lên xe dâu biển ngàn cay đắng
        Xuống bến tang thương vạn nát nhầu
        Ngoảnh lại hỏi mình sao sống sót
        Xin lần quỳ xuống tạ ơn sâu

        NhàQuê 31-08-09


        Cảm khái

        Trải mấy triều vua nhục lẫn vinh
        Văn tài võ đức luyện tôi mình
        Danh cao chức trọng không kiêu hãnh
        Vận rũi thời suy chẳng sợ khinh
        Đã biết biển dâu lần biến dạng
        Lạ gì hưng phế chuyển thay hình
        Đường qua dài ngắn đều ... duyên định
        Mừng được an khang tiếp...lộ trình

        GHH 31.8.09
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.04.2013 21:19:14 bởi NhàQuê >
        #49
          NhàQuê 15.04.2013 19:24:25 (permalink)
          Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 50

          Nói thật là tới chỗ nào chúng tôi cũng được dẫn tới chùa chiền ... Ở nơi quê tôi cũng cùng phong cách: Ngày nay các ngôi Phật Tự được tu bổ, xây cất thêm và người xuất gia tu tịnh cũng nhiều ... có lẽ sau chiến tranh dài dẵng đưa con người tới những nhận thức mới mà con đường tu tịnh mong tìm lối đi giải thoát khỏi biển khổ nầy chăng ... 

          Những ngôi chùa viếng thăm hay đúng ra với tôi chỉ là tới ngắm nhìn cảnh đẹp mấy ngày qua, chỗ nào cũng sơn son thiếp vàng, nguy nga tráng lệ gần như không giấu diếm thi đua ... người tới chiêm bái Phật Tổ, Quan Âm nườm nượp một ngày như mọi ngày đều là đại lễ là ngày hôi... Những từ ngữ thâm sơn cùng cốc, tĩnh mịch, thâm u... hình như chỉ còn là những ước lệ của câu chữ ... không còn là sự thực nữa ... Và nói huyên thuyên như tôi e rằng không phải lúc, dễ hiểu lầm hay dễ đụng chạm chăng ! Nhưng công tâm mà nói những chùa chiền, đền miếu, lăng tẩm thực tế là những nơi có cảnh đẹp, bông hoa cây kiểng, hòn non bộ, giả sơn được chăm sóc chu đáo!





          Đà Lạt là nơi mới đến lần đầu nên đi tới đâu hay đó chứ không còn có khái niệm địa dư, vị trí nữa ... theo chương trình thì Trúc Lâm Thiện Viện chúng tôi sẽ ghé qua trên đường về ... và ngôi phật tự nầy không phải là Trúc Lâm Thiền Viện vì tôi đã thấy hình các con tôi đến chiêm bái và ghi lại trước đây ... Ngoài cổng có tên, nhưng cái tánh làm biếng ghi chú nên giờ lục lại trí nhớ đã thất thoát đâu rồi!













          Cuối buổi chiều sau khi ngồi khá lâu uống nước chờ khách đồng hành xuống xem thác ... mọi chuyện đã xong với một ngày vừa di chuyển đường xa, vừa gấp rút đi nhiều nơi như thể cho đủ tiết mục đã ghi trong lịch trình chuyến du lịch ... và hình như cố ý chờ sụp tối, trên đường về HDV cho xe đi ngang "ngôi nhà ma" mà nhiều người không dám nhìn vào!

          Trích truyện đã đọc trước đây:

          VÁN CỜ MA QUỶ

          Hồ Ông

          Trên đường từ thác Prenn đến thị xã Đà Lạt có ngôi biệt thự cổ xây trên một ngọn đồi thấp, đã bỏ hoang từ nhiều năm. Người ta đồn rằng trong ngôi biệt thự đó có hồn ma thường hiện về phá phách nên chủ nhân buộc phải khóa kín cửa, bỏ vào thị xã Đà Lạt cách đó khoảng 3 cây số, mua ngôi nhà khác ở.

          Sau năm 1975, ngôi biệt thự vẫn nằm chênh vênh giữa cảnh thiên nhiên kỳ tuyệt với đồi thông reo vi vút quanh năm, bên thung lũng giăng kín sương mù vào mỗi buổi bình minh, khiến người ta có cảm giác như kiến trúc cổ kính đó được xây lơ lửng giữa tầng mây.

          Một chỗ ở lý tưởng như vậy, lại bỏ hoang nhiều năm, thì cái lý do “có ma” quả thật dễ làm người ta tin đó là sự thật. Nhưng dù có ma hay không, ngôi biệt thự vẫn nguyên vẹn hiện diện bên con đường ngoằn ngoèo, kích thích óc tò mò của du khách trên đường từ Sàigòn ra Đà Lạt nghỉ mát vào mỗi dịp hè.

          Từ xứ Đà-Lạt sương mù, nó trở thành câu chuyện làm quà hấp dẫn cho du khách đem về kể lại với thân nhân, bè bạn sau một chuyến đi xa. Một trong những huyền thoại về ngôi biệt thự đó, tôi được nghe qua lời kể của người bạn thân là anh Trần Duy Vũ, một người thích tìm hiểu về thế giới tâm linh.

          Trong một chuyến đi nghỉ mát tại Đà-Lạt, khi xe chạy ngang ngôi biệt thự lẻ loi, kỳ bí đó, bác tài xế xe đò như một hướng dẫn viên ngành du lịch, đã giới thiệu với hành khách về những hiện tượng ma quái xảy ra trong ngôi biệt thự bỏ hoang. Câu chuyện khá hấp dẫn, nên khi xe vừa tới bến, Vũ đã bám sát bác tài xế, mời vào quán cà phê Thủy Tạ bên Hồ Xuân Hương và khẩn khoản nhờ bác kể lại chi tiết từ đầu câu chuyện.

          - Ông thích nghe chuyện về ngôi biệt thự đó lắm hả?
          Bác tài xế nhìn Vũ, đoạn nói tiếp:
          - Ông có tin rằng cách đây hơn 20 năm, chính tôi đã cùng một người bạn thân sống trong ngôi biệt thự đó không?
          Vũ hỏi:
          - Bác hoặc người bạn là chủ nhân của ngôi biệt thự đó hả?
          Bác tài xế lắc đầu:
          - Không! Cả hai chúng tôi không ai là chủ nhân cả. Đúng hơn, người chủ của ngôi biệt thự là bạn cố tri của cụ thân sinh ra Ngạc, tên người bạn tôi. Khi thấy ngôi biệt thự tuyệt đẹp đó bị bỏ hoang khá lâu, Ngạc đã đến nài nỉ ông Thanh, người chủ ngôi biệt thự, cho anh ta và tôi đến ở. Dù Ngạc biết lý do ông Thanh phải rời bỏ nơi đó vì những hiện tượng ma quái đã liên tục xảy ra từ ngày gia đình ông Thanh, gồm hai vợ chồng và cô con gái tên Đoan Trang, dọn về ở sau khi sang lại của một người bạn Hoa kiều. Can ngăn mãi không được, ông Thanh trao chìa khóa cho Ngạc và chỉ hai ngày sau, chúng tôi mỗi người một va-ly quần áo, đến sống tại ngôi biệt thự...

          Kế đến đây, bác tài im lặng, đôi mắt bác mỗi lúc một trở nên xa xăm. Khói thuốc bay lơ lửng. Tiếng kèn saxo từ dĩa hát kéo dài những âm vang xa tít tắp. Rồi dường như từ một cõi mênh mang vĩnh cửu, bao nhiêu hình ảnh của quá khứ, cựa mình trổi dậy trong tiềm thức bác.

          - ... Dọn về ngôi biệt thự cả tuần lễ, tôi và Ngạc không thấy có hiện tượng gì khác lạ. Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ về những chuyện ma quỷ vẫn thường hiện hình trong ngôi biệt thự này, như lời kể của ông Thanh. Có lẽ ông bị một ám ảnh nào từ quá khứ và nỗi ám ảnh đó được kích thích thêm do cảnh trí tĩnh mịch của môi trường chung quanh khiến phát sinh ra ảo giác cũng không chừng.

          Ngoài những giờ học ở trường Chính trị Kinh doanh, tôi và Ngạc say mê chăm chút vườn hoa đầy màu sắc, cạo rửa sạch lớp rêu xanh phủ trên những phiến đá lót thoai thoải từ sân trước của ngôi biệt thự xuống con đường đất đỏ tẻ ra mặt lộ.

          Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã lột bỏ lớp vải liệm thời gian phủ kín ngôi biệt thự và thay vào đó bằng lớp áo màu muôn sắc của các loài hoa.

          Ngôi biệt thự trở thành địa điểm họp mặt picnic lý tưởng của bạn bè chúng tôi vào những ngày Chúa nhật. Sinh khí của tuổi trẻ đã phá vỡ bức màn hoang tịch nơi đây. Chút dè dặt ban đầu khi hai chúng tôi đặt chân đến ngôi biệt thự bỏ hoang đã hoàn toàn tan biến. Trái lại, cả Ngạc lẫn tôi đều nôn nao muốn được “diện kiến” con ma nào đó, nếu quả thật có, một lần cho biết.
          Những đêm khó ngủ vì uống quá nhiều cà phê, tôi và Ngạc hết học bài, đọc sách lại bày bàn cờ tướng ra đánh với nhau. Ngạc rất say mê trò giải trí này. Hắn bỏ công ra các nhà sách mua những cuốn sách cờ thế của nhiều kỳ thủ nổi danh về nghiên cứu. Nhưng mỗi lần đấu với tôi, Ngạc vẫn bị thua một cách khít khao làm hắn trở nên cay cú. Hắn cứ bắt tôi đấu tiếp hết bàn này tới bàn khác, dù đêm đã khuya.

          Ngạc nói:
          - Ông chỉ giỏi cặp Ngựa. Tìm cách triệt được cặp Ngựa của ông là tôi thủ thắng như chơi.
          Tôi cười:
          - Đồng ý! Nhưng đâu dễ gì! Bằng mọi giá tôi phải bảo vệ cặp Ngựa vàng của tôi chứ!
          Tôi đi một nước Ngựa, chuẩn bị chiếu “Tiền Mã, Hậu Pháo”. Nước đi của tôi làm Ngạc bối rối. Hắn khum khum bàn tay trên con Xe nghĩ ngợi, đôi mắt hắn chăm chú đến thất thần.
          Tiếng củi nổ lách tách trong lò sưởi. Tôi quấn chặt chiếc khăn phu-la quanh cổ, nhưng vẫn rùng mình vì cái lạnh như từ xương tủy lạnh ra. Bên ngoài hình như trời nổi cơn dông. Qua khung cửa đóng kín, tôi vẫn nghe rõ tiếng reo của ngàn thông mỗi lúc một lớn dần thành tiếng hú rờn rợn trong đêm hoang tịch.
          Ngạc vẫn để bàn tay lơ lửng trên quân cờ. Hắn bất động như một pho tượng. Tôi giục:
          - Đi đi chứ bạn! Nghĩ mãi, buồn ngủ thấy mồ!
          Ngạc vẫn im lặng dán mắt vào những quân cờ. Bên ngoài gió vẫn thổi mạnh. Tiếng những trái thông khô rơi rụng trên mái ngói, tiếp theo là những làn mưa quất mạnh vào khung cửa kính.
          - Mưa lớn quá!
          Tôi buột miệng nói và tiến lại phía cửa sổ nhìn xuống thung lũng tối đen bên sườn đồi. Thỉnh thoảng một ánh chớp loé lên soi rõ làn mưa trắng xóa phủ trên những ngọn thông đen sẫm, nghiêng ngả lắc lư trong tiếng gió hú vang từ những ngọn đồi cao tràn xuống thung lũng.
          - Quốc!
          Nghe tiếng Ngạc gọi, tôi quay phắt lại nhưng chưa kịp lên tiếng. Ngạc đã xua tay ra dấu cho tôi im lặng, nghe ngóng.
          Ngạc rời bàn cờ nhẹ nhàng đến sát bên tôi, thầm thì:
          - Ông có nghe gì không? Hình như có tiếng gõ cửa.
          - Vô lý! Giờ này ít nhất cũng 1 giờ đêm rồi, còn ai đi ngang khoảng đường này nữa!
          Trả lời cho nhận xét của tôi là tiếng gõ cửa mỗi lúc một rõ hơn, thôi thúc hơn. Hai chúng tôi nhìn nhau ngầm hỏi ý kiến. Sau cùng Ngạc nói:
          - Dù sao mình vẫn phải ra mở cửa. Mưa gió thế này, biết đâu có kẻ lỡ đường...
          - Nhưng kẻ nào lại tự tiện trèo qua cổng ngoài để vào tận trong này gõ cửa?
          Ngạc nói:
          - Dây chuông cổng nhà mình đã hư rồi, bắt buộc họ phải làm thế nếu không muốn chết cóng dưới cơn mưa bão ở khoảng đèo chỉ có mỗi một ngôi biệt thự này.
          Rồi một cách dứt khoát, Ngạc bước nhanh ra phía ngoài. Tôi vớ vội chiếc đèn pin bám sát theo Ngạc đề phòng bất trắc.

          Ngạc vừa mở chốt gài, xoay nhẹ nắm đấm cửa, một luồng gió lạnh buốt mang theo bụi mưa thốc mạnh vào, làm cả hai chúng tôi phải bước thụt lùi mất bước, suýt ngã.
          Liền đó một bóng người quần áo trắng toát, ướt sũng loạng choạng bước vào. Tôi và Ngạc nhanh nhẹn kề vai rán sức khép chặt cánh cửa trước sức gió mỗi lúc một hung bạo.
          Rồi không ai bảo ai, chúng tôi cùng lượt xoay lại nhìn người khách bất đắc dĩ. Nếu không kịp tự chủ, cả hai chúng tôi đã bật la lên vì kinh ngạc.

          Trước mắt chúng tôi là một thiếu nữ tuyệt đẹp, bộ quần áo mỏng ướt sũng nước dán sát thân hình càng làm nổi rõ những đường cong tuyệt mỹ. Nàng đưa tay bóp nhẹ những lọn tóc đen nhánh, bết nước phủ trước ngực và im lặng nhìn chúng tôi. Thú thật trong đời tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người con gái nổi tiếng hoa khôi, nhưng chưa hề thấy người nào có đôi mắt đẹp như cô gái này. Đôi mắt, tôi phải diễn tả như thế nào đây? Nó vừa thăm thẳm diệu vợi, vừa quyến rũ mê hoặc, làm tê liệt người đối diện. Tôi không hiểu đây có phải là đôi mắt mà các nhà văn vẫn thường ca tụng là “đôi mắt liêu trai” hay không!

          Tôi và có lẽ cả Ngạc, đều bị thôi miên bay mất cả hồn vía trước ánh mắt... liêu trai của người con gái. Chúng tôi quên hẳn là cô gái đang lạnh run trong tình trạng gần như lõa lồ.
          Ngạc không giấu được vẻ bối rối, lên tiếng trước:
          - Xin lỗi! Mời cô vào trong này.
          Cô gái nhẹ gật đầu, lặng lẽ đi theo. Ngạc quay lại ra hiệu cho tôi lấy khăn tắm, bộ quần áo ngủ và chiếc áo choàng của Ngạc vì vóc dáng hắn nhỏ nhắn hơn tôi nhiều.
          Ngạc đưa cho cô gái:
          - Xin lỗi, nhà không có phụ nữ, cô thay tạm bộ quần áo này kẻo cảm lạnh.
          Trong lúc cô gái vào phòng tắm thay quần áo, Ngạc và tôi trở lại phòng khách. Chúng tôi loay hoay pha trà và thêm củi vào lò sưởi.
          Tôi nói với Ngạc:
          - Đúng là một tuyệt thế giai nhân từ... trời rơi xuống, biến chúng ta thành hai chàng Lưu Nguyễn. Nhưng cô gái này có vẻ kỳ bí quá! Từ lúc bước vào đây, cô ta chưa nói một lời. À, mà sao bên ngoài lạnh như cắt da xẻ thịt, mà cô nàng chỉ mặc trên người có mỗi bộ quần áo mỏng manh. Hay là...
          Tôi bỏ dở câu nói, nhưng Ngạc vẫn hiểu ý. Hắn nhìn tôi, tia mắt sáng long lanh:
          - Nếu cô nàng là ma, tôi vẫn sẵn sàng yêu nàng.
          - Cậu không sợ à?
          - Có gì mà sợ? Đọc “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, tôi vẫn mơ ước có ngày được gặp những người đẹp yêu ma như các nhân vật trong truyện. Đối với tôi, sắc đẹp trên hết, dù sắc đẹp đó thuộc về người hay về ma.
          Tôi đùa:
          - Các nhân vật trong truyện của Bồ Tùng Linh, vừa gặp nhau là...”bèn giao hoan”, bạn có giống như vậy không?
          Ngạc trách:
          - Ông không nên đùa như vậy! Tôi nhận xét cô gái này có vẻ học thức và ít nhất cũng xuất thân từ một gia đình danh giá. Cứ nhìn cử chỉ, dáng đi của cô ta, tất cả đều toát ra một phong cách sang cả, quý phái, mặc dù cô ta đang trong tình trạng ướt như chuột lột.
          - Ngạc ơi, ông bạn bị tiếng sét ái tình rồi đấy!
          Nói xong tôi cười phá lên.

          Bên ngoài cơn dông vẫn lồng lộn gào rú với ngọn gió mãnh liệt lướt qua từng chập, ném những cành cây khô rào rào trên mái ngói và khung cửa sổ. Qua ánh chớp, rừng thông bên sườn đồi biến thành những bóng đen ma quái, nghiêng ngả chập chờn trong bản luân vũ ma quỷ kéo dài như bất tận.

          Khoảng 15 phút sau, cô gái từ nhà tắm bước ra trong bộ quần áo ngủ màu hột gà và chiếc áo ấm của Ngạc choàng hờ trên vai.
          Rất tự nhiên, cô gái ngồi xuống ghế salon và đưa bàn tay búp măng trắng muốt đỡ tách trà nóng Ngạc rót mời.
          - Cám ơn, tôi phiền hai anh nhiều quá!
          Giọng nói êm êm chẳng khác gì tiếng hót thánh thót của loài chim quý, có sức thu hút không kém gì đôi mắt đầy quyến rũ của nàng.

          Tôi và Ngạc lúc này ở trong trạng thái say say, chập chờn giữa ảo giác và thực tại. Cá nhân tôi mặc dù bình thường rất ngổ ngáo trước đám bạn gái, nhưng không hiểu sao, cũng như Ngạc, tôi bất ngờ cảm thấy bối rối trước cô gái, chẳng khác nào con chuột nhắt bị thôi miên co rúm lại trước ánh mắt của con linh miêu.

          Còn người con gái lạ, khác hẳn thái độ e dè, kín đáo ban đầu, nàng hoàn toàn chủ động và hoạt bát trước chúng tôi.
          - Rất tiếc cho đến bây giờ tôi vẫn chưa được hân hạnh biết quý danh của hai vị ân nhân.
          Tôi ngượng ngùng nói:
          - Chúng tôi không dám nhận hai tiếng “ân nhân” đâu. Giúp đỡ người lỡ đường chỉ là điều nhỏ nhặt. Cô cứ gọi tôi là Quốc, còn anh bạn đây là Ngạc. Chúng tôi cùng đang theo học tại trường đại học Chính trị Kinh doanh.
          - Còn tôi là Mỹ Linh, sinh viên năm thứ hai đại học Văn khoa Sàigòn, phân khoa Triết*.

          Nói xong Mỹ Linh nhìn nhanh một lượt phòng khách, giọng nàng trở nên mơ màng:
          - Cách đây lâu lắm, tôi đã từng sống những tháng hè trong ngôi biệt thự này...
          Tôi và Ngạc sửng sốt chồm người về phía trước nhìn nhau thật nhanh, rồi tiếp tục dán chặt ánh mắt vào Mỹ Linh. Nàng nói tiếp:
          - Lúc đó, tôi còn nhỏ, chừng 9, 10 tuổi gì đó. Tôi được cha mẹ gửi lên đây nghỉ mát với gia đình ông Hàng Vây Chi là bạn thân của ba tôi. Ông Hàng Vây Chi là một nhà kinh doanh nổi tiếng trong giới Hoa Kiều ở Chợ Lớn. Ông có người con gái tên là Hàng Tố Hoa rất xinh đẹp. Tôi và chị Hoa thân nhau chẳng khác gì chị em ruột thịt. Chị vừa học giỏi vừa nhan sắc, nổi tiếng một vùng. Vậy mà, hồng nhan bạc mệnh, bất ngờ trong một chuyến nghỉ mát, chị Tố Hoa đã thắt cổ chết mà không ai biết lý do. Sau đó ngôi biệt thự này được bán rẻ cho một người khác.
          Đến đây, Mỹ Linh nhìn suốt tôi và Ngạc, đoạn nói:
          - Phải chăng hai anh là chủ nhân hiện thời của ngôi biệt thự?
          Bị bất ngờ trước câu chuyện của Mỹ Linh, cả tôi và Ngạc như chết sững trên ghế. Mãi sau Ngạc mới lên tiếng:
          - Không. Ngôi biệt thự này là của ông Thanh mua lại. Ông Thanh là bạn thân của ba tôi. Thấy ông ấy bỏ hoang...
          Kịp nhận ra mình lỡ lời, Ngạc im bặt, chớp chớp mắt, né tránh tia nhìn của Mỹ Linh. Tôi nhanh trí xoay qua chuyện khác:
          - Xin lỗi, tôi có hơi tò mò... Vì lý do gì cô bị lỡ đường trong đêm khuya khoắt gió bão như thế này?
          Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, Mỹ Linh đứng dậy tiến về phía lò sưởi nhặt một thanh củi ném vào đống than hồng, rồi nàng chậm rãi nói:
          - Tôi bị thôi thúc bởi ý muốn mãnh liệt và không thể cưỡng lại được về một chuyến đi xa... Bây giờ thì tôi thấy đã thật sự nhẹ tênh. Đứng trong căn phòng này, tôi như thấy lại tuổi thơ. Thời gian vẫn đè trĩu trên hai vai tôi, đã trở nên vô nghĩa! Có lẽ những con chim bay ở tuốt tầng cao mới thấy cuộc đời này là nhỏ bé, tạm bợ và nó sẽ chẳng còn tiếc nuối gì những cọng rơm chắt chiu làm chiếc tổ trên cây. Ở trên cao thật cao từ một cõi vĩnh hằng nhìn xuống chốn cũ, mới thấy rõ đó chỉ là cõi tạm.
          Mỹ Linh ngừng nói, chầm chậm bước về phía cửa sổ kính nhìn ra bên ngoài. Mưa gió đã ngớt. Bầu trời chợt loé lên vài tia chớp xanh xao, yếu ớt. Từ trên từng cao, tiếng sấm ùng ục, đục ngầu từ từ chuyển động, nhỏ dần rồi mất hút ở cuối trời.
          Vẫn xoay lưng về phía chúng tôi, Mỹ Linh nói tiếp:
          - Vì những tham vọng, đam mê từ cuộc sống, con người ta đâm ra sợ hãi trước cái chết và cứ bám riết lấy nó một cách u mê. Có ai hiểu rằng những người trút bỏ được cái thân xác trần gian tạm bợ kia, họ rất vui khi bước chân vào cõi cực lạc muôn đời!
          Dứt lời, Mỹ Linh xoay người lại nhìn tôi và Ngạc mỉm cười, nụ cười tiêu dao, thanh thoát, hiếm thấy ở một người trẻ tuổi như nàng. Rồi thật bất ngờ, Mỹ Linh đề nghị:
          - Khuya lắm rồi. Có lẽ hai anh cũng nên đi nghỉ. Ngày mai tôi sẽ rời khỏi nơi đây trước khi trời sáng.
          Nghĩ rằng Mỹ Linh muốn rời khỏi ngôi biệt thự trong lúc trời chưa sáng rõ, để tránh tiếng một người con gái đã ở qua đêm với hai thanh niên trong ngôi biệt thự hoang vắng trên khoảng đường đèo, Ngạc định nhường buồng ngủ với đầy đủ tiện nghi của chúng tôi cho Mỹ Linh, nhưng nàng từ chối:
          - Cám ơn hai anh. Tôi muốn nghỉ tại phòng ngủ cách một gian buồng của hai anh. Đó chính là chỗ trước đây dành cho tôi và chị Hàng Tố Hoa.
          Tôi bật hỏi:
          - Cô không... ngại à? Một căn buồng đã bị bỏ trống từ nhiều năm nay...
          Mỹ Linh cười để lộ chiếc răng khểnh vô cùng duyên dáng:
          - Có gì đâu! Căn phòng đó luôn luôn đầm ấm đối với kẻ trở về. Biết đâu tôi sẽ gặp lại chị Tố Hoa thân yêu...
          Tôi nhìn Mỹ Linh trân trối:
          - Một cô gái dịu hiền như cô, mà không sợ... ma sao?
          Mỹ Linh hỏi lại tôi:
          - Thế ông có sợ ma không?
          - Ma thì có lẽ tôi không sợ, nhưng sợ... cô, cô Mỹ Linh à!
          Câu nói của tôi làm Mỹ Linh bật cười. Tiếng cười từ từ vút cao, lanh lảnh nhọn sắc đến độ nếu có một kẻ nào bất chợt đi ngang qua ngôi biệt thự vào giờ này, chắc chắn sẽ rởn gai ốc và cắm đầu bỏ chạy...

          oOo

          Buổi sáng tôi thức dậy khá muộn. Có lẽ Ngạc đã đưa cô gái đi từ sớm, tôi đoán thế, vì ngôi biệt thự hoàn toàn im ắng. Nhớ tới những sự kiện xảy ra vào lúc nửa khuya, tôi có cảm giác như đó chỉ là cơn mộng. Nhưng rõ rệt ba chiếc tách trà vẫn còn nguyên vẹn trên bàn khách. Tôi mở cửa đi xuống nhà để xe xem xét và không thấy chiếc Honda 90 của Ngạc.

          Buổi trưa vẫn còn ẩm đục. Những tia nắng mỏng yếu ớt không đủ xuyên qua đám sương mù trôi là đà trên thung lũng ven đồi. Làm vườn chán, tôi rửa chân tay rồi vào nhà đọc sách. Tôi thầm nghĩ hôm nay là Chúa nhật, Ngạc lại vừa quen được một cô gái xinh đẹp như Mỹ Linh, dễ gì anh chàng chịu bỏ về nhà đem bàn cờ tướng ra đấu suốt buổi với tôi như mọi ngày nghỉ khác.
          Vì đêm truớc thiếu ngủ nên chỉ nằm suy nghỉ vẩn vơ một lát, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ mệt nhọc tôi mơ thấy Mỹ Linh bay là là trên thung lũng sương mù.

          Nàng ngoái lại vẫy tay hối thúc Ngạc đuổi theo. Ngạc cúi rạp người trên yên xe rú mạnh tay ga. Bỗng từ trên đỉnh đèo xuất hiện một chiếc xe đò bon bon đổ dốc và tông mạnh vào chiếc Honda của Ngạc. Cả xe lẫn người bị hất tung vào vách núi...

          Cơn ác mộng làm tôi sợ hãi thét lớn và giật mình tỉnh dậy, mồ hôi tuôn nhớp nháp lưng áo mặc dù trời đang lạnh.
          Lúc này hình như còn sớm, tôi đoán thế, nhưng ngoài các cửa sổ đều buông rèm kín nên căn phòng nhá nhem tối. Tôi để tay lên ngực, chỗ trái tim đang đập mạnh làm tôi muốn ngộp thở, rồi xỏ dép tiến về phía bức tường đặt công tắc điện.

          Khi ngọn đèn vụt sáng, tôi thấy Ngạc đang ngồi lặng lẽ nhìn vào bàn cờ tự hồi nào. Có lẽ Ngạc đang suy nghĩ nước đi của ván cờ dang dở hồi tối hôm qua trước khi Mỹ Linh xuất hiện.
          Sau phút thảng thốt, tôi hỏi Ngạc:
          - Cậu đưa người đẹp Mỹ Linh đi chơi tận cõi ta bà thế giới nào mà mãi bây giờ mới dẫn xác về vậy?
          - Xa lắm!
          Ngạc đáp nhẹ như hơi gió thoảng, trong lúc bàn tay hắn với năm ngón cong cong vẽ những nước đi tưởng tượng trên bàn cờ tướng. Tôi tiến lại ngồi đối diện với Ngạc bên bàn cờ, rồi nói với hắn:
          - Tôi vừa gặp một cơn ác mộng. May mà cậu đã về đây.
          Ngạc nói, mặt vẫn cúi xuống bàn cờ tướng:
          - Ông để ý làm gì chuyện đó. Ở cõi tạm này thì thực hay mộng cũng vậy thôi, có khác gì nhau đâu! Một ông vua giàu sang quyền quí trị vì vài ba chục năm, thì cũng chẳng khác gì một giấc kê vàng, khi ông ta xuôi tay từ giã cõi đời.
          Nghe Ngạc nói, tôi bật cười bảo hắn:
          - Gớm! Mới gần cô Mỹ Linh có một đêm một ngày thôi mà bạn đã lây cái máu triết lý của nàng rồi! Nghe bạn nói, tôi cứ tưởng như chính cô ta nói vậy!
          Bỗng Ngạc đưa tay xóa nhanh bàn cờ dang dở, đoạn ngước lên nhìn tôi nói bằng giọng khẩn khoản ít có:
          - Ông có thể chiều tôi, đánh với tôi một ván cờ cuối cùng không? Tôi hứa! Chỉ một ván cuối cùng thôi!
          Tôi vui vẻ đáp:
          - Ồ, nếu bạn thích, tôi sẵn sàng đấu với bạn bao nhiêu ván cũng được. Bạn sắp cờ đi, tôi bắc chút nước pha trà, trời lạnh quá!
          Ngạc đưa tay ngăn lại:
          - Thôi khỏi cần! Tôi chỉ đấu một ván cờ cuối cùng thôi mà!

          Tôi cảm thấy có một cái gì là lạ trong thái độ của Ngạc trưa nay. Hắn cứ lập đi lập lại câu “ván cuối cùng”. Hay là anh chàng bị dày vò bởi mặc cảm thua sút bạn bè? Có thể lắm! Trong việc học hành, mặc dù Ngạc rất chăm chỉ cần mẫn, nhưng ngay từ hồi còn ở bậc Trung học, tôi vẫn luôn luôn đứng trên hắn trong bảng xếp hạng và những kỳ thi tốt nghiệp. Về mặt tình cảm, nhũng người con gái Ngạc yêu chân tình, say đắm nhưng hắn vẫn bị ruồng rẫy. Trong khi đó, đối với những người con gái chúng tôi cùng quen biết, tôi chỉ đùa giỡn vòng ngoài, lại được họ yêu tha thiết. Điều kỳ lạ là Ngạc tuy không đẹp trai, nhưng có vóc dáng thật nghệ sĩ và rất đa tài. Hắn làm thơ khá hay, thổi sáo, chơi đàn guitar, piano, violon thật tuyệt diệu. Chính tôi có lần đã phải thốt lên: “Bạn tài hoa nghệ sĩ quá Ngạc ạ! Nếu tôi là con gái, tôi sẽ sẵn sàng quỳ xuống dâng trái tim cho bạn”. Câu nói thành thật của tôi khiến Ngạc xúc động, nhưng hắn chỉ cười buồn: “Thời buổi này đám con gái chỉ thích những tên thanh niên vai u thịt bắp! Bởi thế tôi luôn luôn cô đơn giữa thế giới loài người. Họa chăng tôi chỉ có thể tìm được tình yêu ở những cô gái... liêu trai!”

          Sắp xong những quân cờ, Ngạc bảo tôi:
          - Ông đi trước đi!
          - Bạn chứ! Tôi đáp.
          Ngạc lắc đầu:
          - Không! Bạn đã chấp tôi đi trước nhiều lần rồi, trên bàn cờ cũng như ngoài cuộc đời, nhưng rút cuộc tôi vẫn luôn luôn thua bạn. Cái thua của kẻ được chấp nó nặng nề lắm!
          Nước cờ đầu tiên của tôi lên Tượng. Ngạc vào Pháo đầu.
          Hắn nói:
          - Bạn lại nhường tôi ở thế tấn công rồi!
          - Đừng nghĩ thế. Hãy coi chừng hai con Mã của tôi vượt qua sông với những thế chiếu liên hoàn là bạn kẹt lắm đó!
          Ngạc đáp, giọng lạnh lùng, quyết liệt:
          - Bằng mọi giá tôi sẽ giết cặp Ngựa của ông ở ván cờ cuối cùng này!
          Những nước cờ sau, Ngạc dồn cả hai con Xe và Pháo chận đuổi, quyết bắt cho được con Mã của tôi, chính vì thế Ngạc bị sơ hở lớn trong thế thủ. Nếu như mọi lần, tôi chỉ cần đi thêm vài nước là thủ thắng vì mặt Tướng bên Ngạc trống, lại bị khuyết mất Sĩ là hai tay “cận vệ” quan trọng.
          Tôi liếc nhanh Ngạc. Môi hắn mím lại, khuôn mặt tái xanh như da người chết. Hắn nhìn chằm chằm thế Mã giao chân của tôi như con hổ rình mồi, thèm thuồng, nhưng chưa dám tấn công.
          Không khí căng thẳng một cách vô lý, bất thường. Tiếng những trái thông khô rơi rụng và tiếng “Tác! Tác!” của loài nai từ rừng xa vang vọng. Tất cả như đọng lại tại bàn cờ.
          - Thí!
          Bất ngờ Ngạc la lớn và cầm conXe đỏ đập mạnh trên con Mã của tôi, vang lên một âm thanh chát chúa. Nhìn những quân cờ còn lại trong ván cờ tàn của hai bên, tôi bỗng trở nên bối rối. Hơn Ngạc một con Xe lại bền Sĩ Tượng, thêm ba con Chốt sắp vượt qua sông, tôi sẽ thắng Ngạc dễ dàng nếu muốn. Nhưng thực tâm tôi không muốn thế. Nhìn nét mặt căng thẳng của Ngạc, tôi thấy dường như có một cái gì nghiêm trọng sau ván cờ này. Lòng tôi dấy lên một nỗi lo sợ vu vơ. Tôi quyết định: Phải thua! Nhưng thua làm sao thật tự nhiên để Ngạc không thể khám phá ra.

          Tôi cầm con Tượng kéo xuống để hở mặt Tướng, sau khi con Xe đỏ của Ngạc đã tàn sát cặp Sĩ của tôi. Tiếp đến vì một nước đi “lơ đễnh”, tôi lại bị Ngạc bắt mất con Mã vốn là nỗi đe dọa đối với hắn.
          Ngạc sung sướng reo lên:
          - Nhất định ông phải thua tôi ở ván cờ cuối cùng này!
          Tôi nhìn vào bàn cờ làm ra vẻ suy nghĩ thật lâu. Mà thực ra tôi cũng đang điên đầu để tìm ra được nước thua kín đáo. Cuối cùng tôi xuất Tướng và chỉ chờ có thế, Ngạc cầm con Xe đỏ vỗ mạnh. Tướng tôi lại thụt vào.
          Rồi chỉ bốn nước sau, con Chốt đỏ của Ngạc nhập cung. Ngạc cầm con Xe đỏ lên. Nước cờ quyết định thắng bại đã rõ. Tôi liếc Ngạc và cảm thấy hài lòng về nước thua kín đáo tôi đã khéo léo tạo ra từ những nước đi trước.
          Nhưng thật bất ngờ, Ngạc ném mạnh con Xe đỏ của hắn vào bức tường đối diện, thay vì đặt lên bàn cờ chiếu bí tôi. Ngạc nói bằng giọng tuyệt vọng:
          - Ông vẫn thắng! Tôi luôn luôn là kẻ bại trận!
          Tôi làm bộ ngạc nhiên:
          - Sao thế? Ông chỉ chiếu thêm một nước là tôi bí mà?
          Ngạc lắc đầu:
          - Không đâu! Ông thắng tôi ở sự cao thượng của tình bạn. Vừa rồi vì háo thắng, mặc cảm, tôi tưởng rằng đã giết được cặp Mã của ông và thủ thắng. Nhưng giờ thì tôi hiểu tôi đã thua. Ông đã “tặng không” cho tôi con Xe và cặp Mã!
          Nói đến đây Ngạc đưa tay lựa con Xe và hai con mã Xanh bỏ vào túi quần rồi từ từ đứng dậy. Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt thăm thẳm, miệng lẩm bẩm:
          -Tôi vẫn thua ở ván cờ cuối cùng này. Cám ơn bạn đã chu đáo dành cho tôi... “chiếc xe song mã”. Vĩnh biệt!
          Ngạc xoay lưng bước ra cửa. Tôi vừa toan đứng lên giữ hắn lại, nhưng bất chợt tôi nhìn thấy nguyên một phần đầu phía sau của Ngạc dập nát, óc và máu bầy nhầy ướt đẫm lưng áo.
          Tôi hét to với nỗi kinh hoàng cùng cực và ngã xuống ngất lịm.

          Kể đến đây, bác tài xế rút khăn tay lau những giọt mồ hôi lạnh nhơm nhớp trên trán. Đoạn nói tiếp:
          - Ông biết không, tôi nằm bất tỉnh như thế khá lâu. Đến khi mở mắt ra, tôi ngạc nhiên thấy phòng khách lố nhố những người, trong số có cả hai nhân viên cảnh sát.
          Thấy tôi đã hồi tỉnh, Đoan Trang khẽ nói:
          - Anh ở một mình, trúng gió như thế này nguy hiểm quá. Lúc ba em và mọi người đến thấy hai cánh cổng sắt bên ngoài và cánh cửa trong này vẫn mở toang.
          Linh tính có chuyện không may đã xảy ra, tôi hỏi Đoan Trang:
          - Có chuyện gì vậy em?
          Ông Thanh đứng bên cạnh con gái, đỡ lời:
          - Bác báo cho cháu biết một tin vô cùng đau đớn: Ngạc đã tử nạn vì bị chiếc xe đò tông văng vào vách núi, gần khoảng thác Đa Tăng La. Nguyên phần sọ phía sau bị dập nát. Ngay sáng mai bác sẽ điện về Sài-Gòn cho gia đình cậu ấy biết.

          Nghe ông Thanh nói tôi choáng váng. Sự kiện xảy ra hoàn toàn trùng hợp với giấc mơ kinh hoàng của tôi. Từ việc Ngạc bị chiếc xe đò tông vào vách núi gây vết thương trí mạng phía sau ót, đến việc Ngạc rủ tôi đánh ván cờ sau cùng trước khi tôi ngất đi. Thực và mộng quện chặt lấy nhau đến độ tôi nghi ngờ ngay cả sự có mặt của ông Thanh, Đoan Trang, hai nhân viên cảnh sát. Họ đang hiện hữu thực sự, hay cũng chỉ là hình ảnh, sự kiện nối tiếp của cơn ác mộng? Tôi cắn vào môi mình. Cảm giác đau điếng đủ cho tôi hiểu, ít nhất ở thời gian này, tôi đang tỉnh.

          Tôi vụt rời khỏi giường bước nhanh đến chỗ bày bàn cờ tướng. Những quân cờ hai bên vẫn còn nguyên với những diễn tiến của trận đấu của ván cờ tàn vừa qua. Con Chốt đỏ của Ngạc đang nằm trong cung và chỉ thêm một nước chiếu nữa là bên xanh của tôi bị thua. Tôi nhớ lại, Ngạc đã cầm con Xe đỏ và thay vì chiếu bí tôi, hắn đã ném mạnh vào bức tường. Tôi nhìn xuống đất. Con Xe đỏ vẫn còn nằm lăn lóc bên những mẩu thuốc lá theo thói quên bừa bãi, tôi thường búng tứ tung thay vì dúi vào chiếc gạt tàn. Một điều nữa khẳng định sự có mặt của Ngạc vừa mới đây là: bộ cờ thiếu mất con Xe và hai con Mã xanh - những quân cờ Ngạc đã lấy bỏ vào túi trước khi xoay lưng bước đi...

          Rửa mặt thay quần áo xong, tôi theo cha con ông Thanh và hai nhân viên cảnh sát đến nhà xác bệnh viện Đà Lạt. Trời chiều lạnh buốt. Rừng thông dưới thung lũng ven đường qua cơn giông bão đêm trước, nhoài mệt ủ rũ dưới sức nặng của những đám mây xám chập chùng từ bốn phương tám hướng trôi về. Đầu óc tôi bềnh bồng, hư ảo. Những hình ảnh, những sự kiện giữa mộng và thực vẫn đan chéo vào nhau trong cùng một khoảng không-thời-gian nhiều biến động.
          Tới bệnh viện Đà Lạt tôi lặng lẽ bước xuống xe theo ông Thanh, Đoan Trang và hai người cảnh sát vào khu nhà xác. Mới đến cửa tôi đã nghe nhiều tiếng khóc thút thít vang ra.

          Người cảnh sát đi bên tôi chép miệng nói:
          - Lúc này tai nạn xảy ra nhiều quá. Trưa hôm qua chiếc xe lô chở hơn mười hành khách lao xuống vực, không ai sống sót hết!
          Từ bên trong, tiếng một người đàn bà thảng thốt la lên:
          - Trời ơi đúng là Mỹ Linh, con gái tôi! Tại sao con bỏ mẹ con đi thế này con ơi là con ơ-i-i-ơi...!
          Cái tên của người con gái bị tử nạn khiến tôi giật mình bước nhanh lại chỗ thềm xi-măng quàn hàng chục xác người. Tôi nhìn mặt người chết. Đúng là cô gái đêm qua đã đến ngôi biệt thự của chúng tôi giữa cơn mưa bão. Da mặt tuy đã tái nhợt, nhưng cũng không xóa hết vẻ thanh tú hiếm có mà ai đã từng gặp một lần, khó thể nào quên. Không cầm lòng được, tôi buột miệng hỏi người đàn bà:
          - Thưa bà, có phải cô Mỹ Linh học năm thứ hai phân khoa Triết ở Đại học Văn Khoa?

          Không ngước lên nhìn tôi, người đàn bà rền rĩ: “Trời ơi tự dưng một hai nó đòi đi thăm lại căn nhà cũ của con Hàng Tố Hoa, đứa bạn gái của nó đã chết từ đời thuở nào rồi. Thật là khổ thân tôi!”

          Một cảm giác lạnh buốt vụt chạy nhanh từ xương sống lên đến đỉnh đầu. Cô gái đang nằm đây bị tử nạn vào trưa ngày hôm qua. Thế mà vào buổi tối cũng ngày hôm đó, tôi và Ngạc đã cùng ngồi nói chuyện, uống trà với cô ta!

          Đang bàng hoàng trong cơn chấn động thần kinh, tôi bị ông Thanh nắm vai kéo lại chỗ đặt xác Ngạc. Bị thôi thúc bởi sự tò mò cùng với niềm sợ hãi tột cùng, tôi lật tấm vải quàn, trước ánh mắt ngạc nhiên của ông Thanh, tôi thò tay vào túi quần Ngạc...
          Rút tay ra giơ lên trước mặt, tôi từ từ xòe từng ngón.
          Trong lòng bàn tay tôi là ba con cờ: Con Xe và hai Con Mã!

          Bác tài xế kết thúc câu chuyện bằng tiếng thở dài:
          - Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn sợ hãi khi nhìn thấy bất cứ con cờ nào của bàn cờ tướng. Tôi còn bị ám ảnh bởi Ván cờ ma quỷ!
          Hồ Ông

          *** Trước 1975 gọi là ban Triết, không ai gọi là phân khoa Triết.






          Bữa cơm tối trong một nhà hàng mà đường dẫn lên qua nhiều bậc thang và hành lang người đi chậm như tôi gần bị thất lạc.

          NhàQuê Jan 20, 2013
          #50
            NhàQuê 16.04.2013 18:17:42 (permalink)
            Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 51

            Buổi tối trở về khách sạn sau một ngày di chuyển liên tục, chúng tôi xuống phố riêng tìm về hướng những con đường nhộn nhịp của thành phố để biết "Đà Lạt Về Đêm"... Qua vài phố thấy chỉ toàn những tiệm ăn đủ thứ bảng quảng cáo theo như chúng tôi chưa ăn xong chắc phải nuốt nước bọt ừng ực trong khi chờ mang thức ăn tới !

            Thấy không gì lạ nên chúng tôi tìm nơi nghe nhạc, vốn dĩ xứ Hoa Đào nầy đã cho giới thưởng ngoạn nhiều tài danh lừng lẫy mà tôi có nhắc đến trong Tạp Khúc 50 vừa rồi



            Chúng tôi chọn điểm PHỐ NÚI để đến .

            Khi nhân viên phục vụ đem thức uống đến như chúng tôi gọi cũng là lúc chương trình bắt đầu.

            Khởi đầu nhạc nhẹ và ca sĩ cũng có tuổi tôi thích loại nầy, càng về sau các ca sĩ có vẻ còn mới nhất là các cô ... Thôi thì ồn ào nói chuyện với nhau phải ra dấu!

            Có lẽ vào ngày làm việc nên ít khách, nhìn quanh tôi nghĩ khách tới nghe nhạc có nhiều vị trông như ở xa và con cháu, bè bạn mời tới đây như thù tạc hay giới thiệu sinh hoạt của thành phố về đêm với khách không phải cư dân Đà Lạt 

            Thành phố nầy có vài đứa con tới du lịch 5, 7 lần, nhất là gia đình đứa con trưởng lúc còn ở VN và qua Mỹ sau cùng, vì rằng cứ mỗi lần có các em về thăm quê hương lại trước sau gì cũng đều tổ chức đi lên đây ... 

            Khi chúng tôi định ra về thì người điều khiển chương trình giới thiệu bản nhạc cuối, thành thử chúng tôi nán lại "cho trọn tình với nhau"!!





            Sau khi ăn sáng trên tầng thượng của khách sạn xong, còn dư thời giờ đợi bộ phận còn lại ngụ nơi khác đến, chúng tôi tranh thủ ra sân của tầng nầy chụp hình và ngắm toàn cảnh Đà Lat ... Khách sạn ở vị trí khá gần nhìn được toàn cảnh hồ Xuân Hương và những vùng mở rộng hai bên trái phải so với hồ nầy ...

            Nói chung như tôi là người lần đầu đến đây, phải công tâm mà nói Đà Lạt cũng chấp nhận được về vệ sinh đường phố, về cảnh quang tươi mát, về lịch sự của người buôn bán, phục vụ, những khu thăm viếng di tích có bảo tri, tu bổ, chăm sóc .... Nếu có dịp lưu ngụ thời gian dài biết đâu sẽ còn những khám phá mới

            Nơi đầu tiên trong ngày chúng tôi đến viếng nhà thờ .... Ngôi giáo đường không lớn nhưng có những cơ sở sản xuất từ thức ăn bánh kẹo đến hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch .... HDV có kể lan man về nhiều thứ chung quanh ngôi giáo đường nầy ... nhưng tôi không mặn mòi với những câu chuyện như thế nên phút chốc lãng quên ngay .

            Chúng tôi chụp hình chung toàn đoàn ngay bậc thang lên giáo đường, riêng tư lịnh tôi còn chụp được ảnh nơi hang đá và sau đó mỗi gia đình được cấp cho một hoặc vài tấm đã chụp chung tuỳ ít hay đông . Và chúng tôi lại lên xe di chuyển .







            Nói là Thung Vũng Tình Yêu mà không có chút gì thơ mộng, toàn cảnh dựng để chụp hình ... Đoàn quân chụp hình mướn nhiều vô số kể ... cỏ xanh không có ... đã tiêu sơ dưới chân du khách qua lại ngược xuôi còn trơ đất đỏ







            Đường đến Langbiang khá xa, rồi cũng tới nơi sau khi xuyên qua phố xá có tên na ná những bộ tộc thiểu số ... Tôi không hiểu đây có phải là đỉnh núi mà các chàng Võ Bị ngày xưa phải chinh phục trước khi ra trường hay trong thời gian thụ huấn chăng 

            Gọi là núi nhưng đứng từ chân nhìn lên không cao, nên ai muốn đi bộ lên hay đi bằng xe Jeep phải trả tiền tuỳ lựa chọn ...

            Chúng tôi nhờ HDV mua vé đi xe giùm ... Xe leo núi cũ kỹ được cải tiến để chở nhiều người hơn, tiếng máy chạy leo dốc như bò rống ... và con đường vừa hẹp lại quanh co lại hai chiều lên xuống đi chung, nên tôi liên tưởng tới lần đầu tiên ngồi xe GMC qua đèo Rù Rì trên quốc lộ 1 từ Nha Trang ra Ninh Hoà . Lên tới đỉnh và xuống tới chân rờ khắp mới hay mình còn ... Đúng là "dại dột"

            Từ đỉnh Langbiang nhìn ra mọi phía cảnh núi rừng sông suối mây trời đều đẹp kể cả góc có khu phố, không khí mát dù lúc đó trưa Hè

            "Leo lên cho biết Lâm Viên, ra về mới biết đau tim bởi vì ....."


            (Tư Lịnh và cô HDV Ngọc Trâm)

            NhàQuê Feb 01, 2013
            #51
              NhàQuê 18.04.2013 07:57:30 (permalink)
              Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 52

              Ban trưa lại về khách sạn nghỉ ngơi cho đúng phong tục mới, thời gian nghỉ nhiều hơn vì ban sáng vừa đi vừa chạy với lại các điểm đến tham quan gần hết , nên chương trình buổi chiều chỉ còn 2 nơi một chánh và một phụ . Chánh là đi vườn hoa thành phố Đà Lạt để xem hoa thật và hoa người cùng nhau tranh sắc . Điểm phụ là xâm nhập chợ Đà Lạt (chợ Hoà Bình).

















              Có thể nói Vườn Hoa Thành Phố Đà Lạt rất phong phú, đủ loại cây cảnh từ những loại lá hoa thường gặp khắp các vùng, các nơi, các miền khác nhau về khí hậu trên khắp Việt Nam và các nước lân cận đều có mặt trong vườn hoa nầy ... và cả những loại thuộc miền ôn đới Âu Mỹ

              Việc chăm sóc cắt tỉa khá công phu .... Trong dãy dành cho các loại lan rất đa dạng ... Tôi không phải là người am tường về hoa, cây cảnh nhưng có nhận xét là vườn hoa ngoài trời nầy cũng loại tầm cỡ ... Nhưng có lẽ thua vườn thảo mộc trong nhà và ngoài trời ở thủ đô Washington DC - USA về mức độ "khối và chất" về kỹ thuật siêu đẳng chăm sóc và về nét quý phái của nơi mà hàng chục triệu du khách năm Châu đến viếng hàng năm! Đơn cử sự phong phú dù nhỏ nhặt là vườn thảo mộc có cả rau càng cua (rau tiêu), bạc hà, sả, ớt, ... Tức "thượng vàng hạ cám" khắp bốn biển năm Châu đều có mặt ở đây!

              Điểm phụ là chúng tôi trở lại chợ Đà Lạt mua sắm để hôm sau trở về Sài Gòn kết thúc chuyến du lịch nầy .... Chúng tôi đã thưởng thức món "kem bơ" đầu mùa vốn nổi tiếng của Đà Lạt, thật danh bất hư truyền!

              Và rất quan trọng với tôi là mua được một bịch dao cạo râu .... không có thứ nầy mấy ngày nay râu ria tôi bạc phếu trông già đi khi đứng cạnh "bông hoa riêng" của tôi ... Cám ơn Đà Lạt vụ nầy vì trong suốt thời gian rời Ba Tri lên đường đi chơi xa chỉ mang theo có 1 và đã bỏ rác mà không biết đâu để mua dùng!





              Bữa ăn tối coi như bữa ăn chung cuối cùng ở Đà Lạt, như thường lệ có rượu chát, ngoài Tư Lịnh tôi không uống rượu, còn lại cùng nhau nâng ly "dô dô" vui vẻ nhất là mấy cô bé người Tàu trong mấy ngày qua thường bới cơm cho tôi (tại thấy tôi già nhất : Kiến Lão Đắc Thọ" ) Nhà hàng ở địa điểm ở một đầu của cáp treo của Đà Lạt nhà hàng trông trang nhã hơn

              Cuối bữa ăn, riêng chúng tôi nói lời từ giã cô HDV và gởi cô quà tặng phần chúng tôi .

              Chúng tôi cũng bắt tay từ giã vợ chồng khách từ Hà Nội vào thăm gia đình ở Sài Gòn rồi lại tình cờ ghi danh cùng chuyến với chúng tôi ... Sau mấy ngày đi chung, trò chuyện sự xa cách nhất là về "địa dư" đã không còn . Ngày mai 2 vị ấy tách đoàn về Sài Gòn bằng máy bay từ phi trường Liên Khương để từ Tân Sơn Nhất kịp chuyến bay về Hà Nội 

              Thông thường cuộc chia tay nào cũng ít nhiều luyến tiếc

              Đêm ấy là đêm thứ hai và đêm chót ở khách sạn NGỌC LAN, tên nghe đẹp làm sao!

              NhàQuê Feb 02, 2013
              #52
                NhàQuê 28.04.2013 00:41:40 (permalink)

                Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 53

                 
                Hoa ĐỒNG BẰNG & Lan ĐÀ LẠT













                #53
                  NhàQuê 01.05.2013 19:50:47 (permalink)

                  Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 54


                   
                  Hoa ĐỒNG BẰNG & Hoa Lá KINH ĐÔ WASHINGTON DC













                  #54
                    NhàQuê 08.05.2013 05:21:54 (permalink)

                    Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 55

                     
                    Hoa ĐỒNG BẰNG & Hoa Lá KINH ĐÔ WASHINGTON DC













                    #55
                      NhàQuê 08.05.2013 05:23:55 (permalink)

                      Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 56


                       
                      Hoa ĐỒNG BẰNG & Hoa Lá KINH ĐÔ WASHINGTON DC













                      #56
                        NhàQuê 08.05.2013 05:26:24 (permalink)

                        Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 57

                           


                        Bữa điểm tâm trước khi rời Đà Lạt vẫn trên tầng cao nhất của Khách sạn nơi đã nghỉ 2 đêm rồi, các vị khách khác có vẻ như về đây dự hội nghị hay công tác gì đó, vì thấy họ ăn mặc chỉnh tề "côm lê cà vạt" chứ không lè phè như chúng tôi ... ăn xong cũng còn  sớm, chúng tôi ra sân ngắm lại phong cảnh lần cuối cùng trước khi rời cái thành phố mà tôi chưa mấy thoả mãn vì chưa được đến những nơi xưa kia gần xa đến bạn bè trang lứa về đây mài kiếm múa gươm ...
                        Không biết những người sanh trưởng ở đây yêu mến thành phố như thế nào, riêng tôi nếu chọn nơi sinh sống thì tôi không ngần ngại chọn nơi có núi có biển mà Đà Lạt chưa đủ  ... Chính vì vậy mà hai mươi mấy năm qua tôi chưa khi nào có ý định dời đi nơi khác, cho dù thành phố tôi định cư và sinh sống có lúc xếp vào hạng những nơi tệ nhất nhì nước Mỹ ... Tôi quan niệm phải an cư trước và may mắn thay ngày nay tôi cảm thấy hạnh phúc với đàn cháu con lạc nghiệp!
                        Buổi sáng ấy còn có tiếng chuông thúc giục tôi mau mau về nơi mà tôi có những kỷ niệm thời tuổi trẻ: Thành phố Bến Tre có dù không đẹp như nơi đây, nhưng luôn sống mãnh liệt trong lòng tôi từ khi tôi rời xa nó .... Bây giờ đám bạn già của tôi đứa còn đứa mất, tứ tán nhiều nơi, gần đây khi tôi về nước tụ họp thù tạc nhắc chuyện xưa trong giây lát nhưng chưa bù đắp được như mong muốn .... Sáng nay những người bạn ấy nhắn tôi bảo cho biết ngày về lại Bến Tre để chuẩn bị thêm cuộc mừng vui mới ... Cũng vậy, khi tôi còn ở Nha Trang bạn bè đã không quên chuyền điện thoại liên tiếp kể cho tôi nghe đang "cụng ly" cùng với Tường Lam, nó đã từ Mỹ về trước tôi vài ngày. Cuộc họp vui vẻ ấy ai cũng tiếc thiếu tôi .
                        Xe rời thành phố Đà Lạt theo cung đường mới như loại đường cao tốc nhưng không xa lắm nối vào quốc lộ 20 dẫn xuyên qua hết tỉnh Lâm Đồng đê về ngã ba Dầu Giây nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Buổi trưa chúng tôi dừng lại Di Linh ...trong lúc chờ đợi dùng cơm trưa, khu thương mại nầy có cái lạ với tôi là cũng giống cung cách Huế, có phần trà nước có bánh mức không tốn tiền như hình thức quảng cáo sản phẩm địa phương. Vì điểm dừng của 2 chiều tuyến đường nên người đông đúc, nhà hàng phục vụ không kịp, phải chờ và họ dùng loa báo tin khi đoàn chúng tôi tới phiên; Đúng là ăn uống qua loa!
                        HDV có mách trước là đừng mua trà bánh mứt ở đây vì xe còn dừng ở Bảo Lộc ngon hơn !?!? Sau nầy tôi được biết là khi đưa khách ghé mua thì HDV có hoa hồng!

                        Khi xe rời cửa hàng trà bánh ở Bảo Lộc lên đường "tiến về Sài Gòn" đúng vào lúc "anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái quạt nước ..." Đó là lúc tôi ngại nhất theo kinh nghiệm lái xe vì lớp bụi trên mặt lộ dễ làm xe trượt vô phương điều khiển .... nhưng cũng may không lâu cơn mưa đi qua hay chúng tôi ra khỏi vùng mây phủ ....
                        Xe lại chất thêm lỉnh kỉnh đồ đạt phải do chính phụ xế sắp xếp theo đúng hành lý của từng người, vì hàng mới mua thêm gần giống nhau và cùng màu sắc bao bì giõ đựng ... Phần tôi cả trên chục ký trà ô long và các loại trà đóng gói khác, số nầy đem về Mỹ cho đứa con trưởng, nó ghiền trà toàn thứ độc, nó gọi về căn dặn ... Tư Lịnh tôi thì cộ bánh mứt, các món ngọt nầy tôi vốn không ưa, nhưng trước khi mua có thử hàng mẫu với trà đặc biệt pha đãi chúng tôi vì cô HDV là mối thường trực đem khách tới ... trà đặc biệt đó với món mức vỏ quít (trần bì) có hương vị lạ hấp dẫn ... Tư Lịnh tôi mua làm quà cho bà con khi về Bến Tre và Ba Tri  ... Tôi ện một thùng rượu nho đem về Bến Tre họp mặt .
                        Điểm ngã ba Dầu Giây là nơi dừng chót để giải quyết mọi "tồn đọng" vì từ đây tới Sài Gòn khoảng đường gần 70 Km đó không có chỗ nào "thoáng" đối với tôi mang bịnh "thời trang" thì đây là "đại lộ kinh hoàng" xuất mồ hôi hột .  ... Tại Dầu Giây cặp bạn trẻ về từ California rời đoàn vì quê họ ở đây ... các bạn nầy ngụ chung khách sạn suốt tuyến và có khi đi ăn vặt ban đêm riêng cùng nhau ... 
                        Từ ngã tư Hàng Xanh xe rẽ vào Thị Nghè không vào Đa Kao (cầu Phan Thanh Giản) như chuyến đi ... Đoạn đường Thị Nghè nầy kẹt xe ghê gớm, nhích từng chút một... tôi phải tìm sự suy nghĩ nhìn cảnh "ngựa xe như nước áo quần như niêm" để xua áp lực ngày càng cấp bách ... Khi xe dừng lại ở bên kia đường của trụ sở chánh của hãng du lịch góc Lê Thánh Tôn-Tự Do, tôi xô cửa vào văn phòng và chạy thẳng vào Restroom như cơn lốc!!! "Đại Lộ Kinh Hoàng"!!!
                        Đáng lý ra chúng tôi xuống ở đây, nhưng giờ chót tôi báo cho HDV là tôi theo xe đến trạm kế tiếp ở đầu đường Trần Hoàng Quân (Nguyễn Viết Thanh, Nhân Vị) vì tôi muốn tìm khách sạn qua đêm trong khu vực Chợ Lớn có lẽ rẻ hơn ngoài trung tâm Sài Gòn .
                        Khi từ giã các cô bé người Tàu, họ chỉ chúng tôi tới khách sạn ở An Đông, nhưng chúng tôi cuối cùng thay đổi ý định là sẽ tới khu Lữ Gia bằng taxi .
                        Lại một cậu tài xế taxi ranh ma thay vì chỉ một khu phố (một block đường) là tới lấy đường Nguyễn Văn Thoại sau khi hết trường đua Phú Thọ chỗ bịnh viện Trưng Vương quẹo trái vào Lữ Gia  ... Đàng nầy cậu ta đi vòng vo qua Nguyễn Tri Phương, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành rồi mới vô Lữ Gia cho xa hơn, dĩ nhiên có lợi  ... Taxi mà !!!
                        Từ ban trưa tôi gọi về Bến Tre nhờ đứa em đặt giùm chúng tôi một chiếc xe loại 4 chỗ ngồi, rước chúng tôi ở Sài Gòn sau đó còn xử dụng xe nầy khi về tới Bến Tre thay vì mướn xe từ Sài Gòn về Bến Tre sẽ phải trả ngay cho họ quay về .... Và cũng đặt phòng ở khách sạn Hàm Luông, cũng may họ chỉ còn một phòng loại rẻ nhất ...không sao!
                        Sau khi nhận phòng ở Lữ Gia bỏ đồ đạt, chúng tôi thả bộ tìm tiệm hủ tiếu Nam Vang gần đó theo chỉ dẫn của tiếp tân khách sạn ... Sau khi ăn xong trở về, tôi nãy ý mới và gọi ngay về Bến Tre là xe sẽ rước chúng tôi sáng hôm sau và không về Bến Tre ngay mà đi Bình Dương, tôi định trong thời gian xen giữa để tham quan "Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến" mà tôi có xem qua slide show ...
                        Buổi sáng thức dậy nhìn xuống đường thấy xe từ Bến Tre lên rước vừa tới vì  bảng số có cho biết trước rồi, đang tìm chỗ đậu ... lát sau điện thoại tôi reo .. báo cho biết xe đang đợi bên dưới
                        NhàQuê Feb 04, 2013 

                         

                        #57
                          NhàQuê 20.05.2013 04:43:45 (permalink)

                          Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 58

                            
                           
                          Những Hình Ảnh Ghi Nhận Tại "Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến"











                          Trích Bài Trên NET
                          Lạc Cảnh Đại Nam Văn HiếnBách khoa toàn thư mở Wikipedia

                          Cổng vào Lạc Cảnh Đại Nam Văn HiếnĐại Nam thế giới du lịch (hay Đại Nam Quốc Tự), tên giao dịch: Công ty cổ phần du lịch Đại Nam - tên quốc tế: Dainamgroup là một khu du lịch tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam, cách Ủy ban nhân dân thành phố vào khoảng 7 km về hướng huyện Bến Cát. Đây là công trình du lịch thuộc loại quy mô với tổng kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng. Đại Nam thế giới du lịch hiện đang được xây dựng và đã khánh thành giai đoạn 1 vào ngày Quốc khánh Việt Nam năm 2007.Mục lục  [ẩn] 1 Đặc điểm2 Các hạng mục công trình trong khu du lịch Đại Nam2.1 Kim Điện2.1.1 Cổng Thanh Vân2.1.2 Kim Điện3 Khu trò chơi4 Kỷ lục5 Vườn thú Đại Nam6 Dãy núi Bảo Sơn7 Biển Đại Nam8 Ảnh9 Chú thích10 Liên kết ngoài[sửa]Đặc điểm
                          Với tổng diện tích giai đoạn 1 là 261ha, giai đoạn 2 là 450ha, Đại Nam Thế giới du lịch có đủ cả biển, hồ, sông, núi và tường thành, với dụng ý làm toát lên vẻ đẹp của đất nước Việt Nam[1], trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là đền thờ Đại Nam Quốc Tự và dãy núi Bảo Sơn. Ngoài ra, tại khu du lịch còn có nhiều hạng mục quan trọng khác sẽ xây dựng như Việt Nam thu nhỏ rộng 30 ha, thể hiện vẻ đẹp về thiên nhiên cũng như phản ánh những thành tựu nổi bật của 64 tỉnh, thành trong cả nước và những hình ảnh giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam[1].Chủ nhân của khu du lịch này là ông Huỳnh Phi Dũng,[2][3][4] người có liên quan đến một số vi phạm pháp luật trong kinh doanh.[5][6][sửa]Các hạng mục công trình trong khu du lịch Đại Nam
                          [sửa]Kim Điện[sửa]Cổng Thanh Vân

                          Trần của cầu Ngọc BíchCổng tam quan to lớn phía trước khi vào Đại Nam Quốc Tự, phía trên cổng Tam Quan Thanh Vân là các câu đối ca ngợi non sông Việt Nam của tác giả Huỳnh Ngu Công. Câu đối có nội dung:Lạc Cảnh Đại Nam Văn HiếnHẹn bước Thanh VânKính thư tiên tổ tạ long ânChào cả Tiên Long hội giáng trầnTôn dựng bốn nghìn năm diệu sởViệc thời xin hẹn bước Thanh VânMặt sau của cổng Thanh Vân cũng có bài thơ có nội dung như sau:Về thăm Văn Hiến rồng tiênMỗi trang sử một thề nguyền đinh ninhVề thăm Văn Hiến diễm tìnhKhi về chở cả cây Quỳnh cảnh DaoKiến trúc của cổng Thanh Vân hoàn toàn xây dựng bằng chất liệu gỗ từ trong ra ngoài. Trước cổng Thanh Vân là bến xe điện và nhà rường kiểu Huế ở cả hai bên được lợp bằng ngói lưu li xanh.Sau cổng Tam Quan này là dãy hành lang miêu tả 54 dân tộc Việt Nam trải dài cập theo cổng Tam Quan.Từ cổng chính vào, du khách sẽ qua cầu Ngọc Bích và Hồ Ngọc Bích. Sau khi cầu Ngọc Bích và Hồ Ngọc Bích, du khách sẽ đến cổng chính của Đại Nam Quốc Tự. Khuôn viên chùa rộng 5.000m², cầu thang đi lên có 9 bậc tam cấp. Đây là lối đi cao, muốn lên Đại Tự, du khách phải leo lên 9 bậc câp này. Phía sau đền thờ còn có thang máy dành cho người khuyết tật và người già. Hành lang bao quanh chùa được lát đá khổ lớn nhập từ Tây Ban Nha. Đây là gạch gương, mỗi viên có giá 2.800.000 đồng một viên. Tổng cộng có có 28 bộ cửa làm bằng gỗ quý, trên các bộ cửa có chạm khắc hình ảnh 28 giai đoạn lập quốc của Việt Nam.Tất cả các bức chạm khắc trên đều được khảm dát vàng 24k. Khu vục dát vàng du khách không thể sờ hiện vật và được bảo quản.Phía trước chính điện là một hồ rộng có phun nước. Tổng cộng có 54 cột nước tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. Phần hồ nước rộng phía trước có hệ thống nhạc nước, được sử dụng vào các dịp lễ hội và các chương trình sân khấu lớn.[sửa]Kim Điện

                          Bệ thờ chính, từ trên xuống là tượng Phật Tổ, vua Hùng, Hồ Chí Minh được mạ vàng theo cách xếp đặt cũ. Hiện nay khu vực này là khu vực cấm chụp ảnh - ảnh này chụp trước khi có lệnh cấmĐây là một công trình kiến trúc Việt cổ có diện tích 5.000 m² với chất liệu chính là gỗ, đá và mạ vàng. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng công trình mang nét lai căng Trung Hoa và có ít đặc điểm kiến trúc Việt.

                          Cửa bên hông Kim ĐiệnChính điện gồm ba tầng thờ tượng Đức Phật Tổ, vua Hùng Vương và vua Trần Nhân Tông, hai bên là tượng của chủ tịch Hồ Chí Minh, danh tướng Trần Hưng Đạo và Mẹ Âu Cơ đều được mạ vàng. Bên dưới có bảng thờ 54 dân tộc và hơn 2.000 dòng họ Việt Nam. Các cánh cửa đền được khắc những câu chuyện lịch sử và dân gian của đất nước. Hai bên hông ngoài đền thờ là hai bức tượng Thánh Gióng và danh tướng Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa, cũng mạ vàng. Trước đây, 3 bệ tượng là tượng Phật Tổ, vua Hùng, Hồ Chí Minh (xem hình bên phải) nhưng nay đã thay đổi [7].Để vào đại điện, du khách phải mang vớ vào và để dép cẩn thận tránh mất đồ .[sửa]Khu trò chơi


                          Khu trò chơi Đại NamTàu lộn vòng siêu tốc.

                          Tàu lộn vòng siêu tốcĐây được xem là phiên bản tàu lộn vòng siêu tốc có đường ray dài nhất Việt Nam. Độ lộn vòng của tàu cũng nhiều hơn so với các phiên bản khác.[8]

                          Vượt thác Đại NamĐua xe

                          Đua xeĐây được xem là trò đua xe duy nhất của Việt Nam tương tự đua xe của Thái Lan. Không giống như đua xe điện thông thường. Đua xe này có độ khó và độ dốc và tốc độ khá cao gây cảm giác mạnh và thú vị như thật.

                          Trò chơi trứng khủng longThập nhị cung kỳ án.Khu thập nhị cung là công trình mới khai trương của khu du lịch mô phỏng 12 kỳ án thời dựng nước của Việt Nam được xây dựng hoành tráng và quy mô. Du khách sẽ được phiêu lưu trong các vụ án với các hình nhân như thật.

                          Thập nhị cung kì ánPhim 4D

                          Rạp chiếu phim 4DCũng giống như Túi càn khôn vũ trụ của Suối Tiên, phim 4D của Lạc Cảnh Đại Nam xây dựng lớn hơn nằm bên trong kinh thành. Chiều không gian thứ tư là cảm giác giúp khách có cảm giác như thật. Các chương trình quý khách lựa chọn: Hành trình khám phá thế giới cổ đại, Tham quan dãy ngân hà, Cứu công chúa trong cây đèn thần,..v..v..Thuyền đụng

                          Thuyền đụng Đại NamLà trò chơi du khách tham gia chiến đấu bằng thuyền đụng, lướt trên mặt nước và điều khiển thuyền của mình. Thuyền đụng được xây dựng trên hồ sương mù khá lạ mắt. Trên hồ còn có quán cà phê sương mù cho du khách vừa nhâm nhi cà phê vừa xem thuyền đụng và ngắm tòa lâu đài cổ quái.

                          Phượng Hoàng cungThế giới tuyếtMô hình trò chơi tuyết duy nhất của Việt Nam. Với âm 3-5 độ, du khách phải trang bị áo gió và giày và tham gia các trò chơi duy nhất của Việt Nam như: trượt tuyết, đắp người tuyết, và đùa giỡn trong không gian của tuyết.

                          Thế giới tuyếtKỳ lân cung - 18 tầng địa ngục.Đây là công trình mô phỏng theo Phật Giáo về kiếp luân hồi - tương tự Suối Tiên đưa du khách khám phá địa ngục qua 18 cửa ngục. Công trình to lớn này có 3 kim lân và có Ngưu Đầu, Mã Diện canh gác cổng, công trình đã hoàn thành và đang phục vụ.Phượng hoàng cungĐu quay dây văngĐu quay dây văng có 2 loại: Đu quay dây văng võng đơn và đu quay trên mình thú, hai trò chơi này tương tự Vinpearland - Nha Trang.

                          Đu quay dây văngẾch nhảyĐộc đáo nhất là trò chơi xà ngang ếch nhày này mà Đại Nam đưa vào khu du lịch của mình. Với độ cao nhất định, xà ngang đưa du khách lên cao rồi thả tự do từ trên xuống.

                          Trò chơi 18 tầng địa ngụcVượt thácTương tự trò chơi vượt thác của Đầm Sen- thế nhưng độc cao của thác Đại Nam khiến du khách e ngại - khá cao và cảm giác mạnh hơn.Khám phá rừng rậm AmazonMô phỏng trò chơi du hành vào rừng rậm Amazon huyền bí.Tàu lộn ngangTàu trượt ngang - trò chơi tương tự của Đầm Sen, xe trượt ngang trên đường ray hình vuông.Thiên đường tuổi thơĐây là một thiên đường đúng nghĩa khi Đại Nam cho xây dựng hoàng tráng với rất nhiều trò chơi như xe điện đụng, đua xe, v..v... Công trình này đang xây dựng chưa hoàn thành.Phim 4D mái vòmCông trình đang xây dựng này giúp du khách có cái nhìn tổng thể hơn và giúp du khách có cảm giác như thật khi tham gia vào công trình này. Bằng việc ứng dụng mái vòm, phim 4D mái vòm cho du khách cảm giác như chính mình tham gia vào nội dung phim.[sửa]Kỷ lục
                          8 kỷ lục của khu du lịch Đại Nam Văn HiếnKhu du lịch có diện tích lớn nhất Việt Nam (450ha), bao gồm cả núi sông, hồ, biển bao trọn cả một khu du lịch.Bức tường thành bao bọc gắn với hệ thống khách sạn dài 13,5 km, với 5.000 phòng nghỉ, hiện nay khu vực này chỉ xây dựng 1 phần, sau khi xây dựng xong, nó sửa được đăng kí kỉ lục Việt Nam.Cột cờ có hình dáng đài sen cao 9m, có thể được xem là cột cờ cao nhất Việt Nam. Trụ cờ có hình Long đầu trượng, biểu tượng của sự thanh cao và quyền quý. Cây cột cờ xây dựng theo kiến trúc của Cổ Loa Thành.Đền thờ Đại Nam quốc tự rộng 5.000m² được xây dựng theo kiến trúc cổ, được xem là đền thờ rộng lớn nhất hiện nay.Núi Bảo Sơn hay Ngũ Hành Sơn trong khu du lịch Đại Nam dài 250mét, gồm 5 ngọn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với ngọn núi trung tâm cao 68mét là ngọn núi nhân tạo lớn nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay). Trong núi này là khu Việt Nam thu nhỏ và các hạng mục công trình vẫn đang trong quá trình xây dựng.Biển nhân tạo với diện tích 22ha, được xem là biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam có thiết bị tạo sóng và nước biển có nồng độ ổn định như nước biển thật, phục vụ cho hơn 30.000 du khách đến đùa vui. Đường bờ biển dài 30m, cát trắng mịn, cột sóng cao 1,6m, do Thụy Điển chuyển giao công nghệ.Vườn thú nhiều thú trắng nhất Việt Nam: với bộ sưu tập phong phú nhiều loại thú đặc biệt là các loài thú quý hiếm như: sư tử trắng, cọp trắng, công trắng..v..v.Trò chơi Tàu lộn vòng siêu tốc có đường ray dài nhất Việt Nam.[sửa]Vườn thú Đại Nam


                          Voi tại vườn thú Đại NamVườn thú Đại Nam là vườn thú mở duy nhất của Việt Nam sẽ đưa du khách tiếp cận thật gần với đời sống của các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Tại đây những con thú không bị nhốt mà được thả tự do[9] đi lại trong môi trường thiên nhiên gần với môi trường sống của chúng, chỉ cách ly với con người qua những con suối, hàng cây. Vườn thú rộng mát với khuôn viên 12,5 hécta, đa dạng về chủng loại. Đặc biệt các loài thú quý hiếm như: sư tử trắng, tê giác trắng, hổ trắng, công trắng, ngựa vằn, Kanguroo, rùa da báo, hươu cao cổ, Hà mã, hổ Đông Dương, Khỉ sóc Nam Mĩ, Báo lửa, Nai cà tong, Hồng hoàng, Linh dương sừng kiếm.Khu thú nhỏ được nuôi tự nhiên và ngăn cách bởi tấm kiếng giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về các loại thú vật. Sở thú mở này được các em thiếu nhi rất thích.[sửa]Dãy núi Bảo Sơn


                          Dãy Bảo SơnDãy núi Bảo Sơn gồm 5 ngọn núi liên hoàn cao 65m, dài 250m, được đánh giá là ngọn núi nhân tạo cao nhất Việt Nam[1]. Núi có ngọn bảo tháp cao sừng sững tạc bài thơ hay và suối thì chảy róc rách. Bên trong dãy Bảo Sơn là công trình Việt Nam thu nhỏ và các vị Bồ Tát, Di Lặc ,.v...v.. Cùng bao quanh dãy Bảo Sơn là con rồng vàng dài bao bọc cùng dòng Bảo Định Giang chảy róc rách ngày đêm.[sửa]Biển Đại Nam


                          Biển Đại Nam được xem là biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam hiện nay

                          Biển có mức sóng vỗ 1,6mĐược xây dựng trên diện tích gần 22 ha, tổng diện tích mặt nước 20.000m², chiều dài bờ biển 1,4 km... đây được xem là biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Được khai trương nhân ngày 18/1 nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí mang lại cảm giác thật như biển.Biển có các bãi tắm, hệ thống tạo sóng nhân tạo có thể làm ra những con sóng cao 1,6 mét, đây được xem là biển nhân tạo có mức sóng cao nhất đáp ứng yêu cầu tắm biển của du khách.

                           

                          #58
                            NhàQuê 20.05.2013 04:47:43 (permalink)

                            Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 59

                              
                             
                            Những Hình Ảnh Ghi Nhận Tại "Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến"












                             

                            #59
                              NhàQuê 20.05.2013 04:50:05 (permalink)

                              Đoản Rời: Tạp Khúc HÀNH HƯƠNG 60

                               
                              Những Hình Ảnh Ghi Nhận Tại "Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến"












                               

                              #60
                                Thay đổi trang: << < 45 > | Trang 4 của 5 trang, bài viết từ 46 đến 60 trên tổng số 71 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9