THỜI GIAN KHÔNG TRÔI ĐI
Truyện ngắn
Khi tôi lớn lên dì Hạnh vẫn còn trẻ lắm. Vết chân chim lờ mờ hai bên khóe mắt vẫn không làm xấu đi khuôn mặt tươi trẻ của dì. Dì sống tại khu phố cũ với đứa con trai bị lùng khùng từ nhỏ. Nhà của dì nằm lọt thỏm giữa một vườn cây đủ loại, từ các loại cây ăn trái như mít, xoài, ổi cho đến các thứ cây cảnh được trồng không theo một thứ tự qui hoạch nào. Và dường như tất cả được phủ lên bằng một lớp rêu xanh cũ kỹ cho phù hợp với mái ngói âm dương đang trân mình cố chịu dãi dầu với dòng thời gian không ngừng đi qua trước ngõ…
Nhà dì ở khá gần sông nhưng không khi nào dì đi ra bờ sông mặc dù mùa hè ở đây rất mát và cảnh trí không ngừng được công ty cây xanh tu tạo ngày càng thêm đẹp đẽ. Dì chỉ quanh quẩn với khu vườn, căn nhà và cái quán may nhỏ bé của mình nằm bên cạnh cổng. Hồi nhỏ tôi rất thích cái quán may của dì vì lúc nào nơi đây cũng tíu tít tiếng cười đùa của những cô gái học việc. Họ thường là những người ở quê ra với nguyên xi những chân chất thơ ngây, thậm chí thô vụng của mình. Và vì vậy dì tôi rất thương yêu họ.. Nhưng điều hấp dẫn tôi lúc đó ngoài tiếng máy may kêu xành xạch là mấy thẩu bánh kẹo to đùng và đủ loại mứt hoa quả do dì chế biến từ các nhóm cây trái trong vườn… Tôi thường đạp xe qua nhà dì, làm bộ lăng xăng lít xít để được dì cho ăn, nhưng ngại nhất là sợ bị phải trông coi thằng Tuấn - con dì. Nó thường hay đi lang thang đâu đó rồi đi lạc khiến mọi người phải cuống cuồng tìm kiếm. Những lúc ấy dì tôi trông lo lắng đến tội nghiệp…
Lên khoảng sáu bảy tuổi thì thằng Tuấn bị bệnh rồi mất. Dì ở lại một mình trong căn nhà hai gian rộng và hoang vắng. Tôi lại càng hay qua lại với dì nhiều hơn, để dì đở buồn, má tôi vẫn thường nói như vậy.
Lớn hơn một chút tôi mới biết thêm về cuộc đời dì qua lời kể của má và bà ngoại. Hóa ra ngày xưa dì cũng là cô giáo. Dì tốt nghiệp Đại học cộng đồng duyên hải Nha Trang từ trước
bảy lăm và về đây dạy học. Năm
bảy ba dì lấy chú Khoa là bạn học cũ thời trung học. Năm ấy chú Khoa vừa tốt nghiệp trường Quốc gia hành chánh ở Đà Lạt và đi làm việc tại Phú Bổn. Dì Hạnh vừa mang bầu thì xảy ra biến cố bảy lăm, bắt đầu từ Tây nguyên. Chú Khoa mất tích trong đoàn người di tản tán loạn lúc đó. Tại thị xã dì Hạnh cũng bị cuốn đi trong cơn lũ tháo chạy. Dì bị chìm ghe trong lúc vượt qua sông. Rồi cũng chẳng biết nhờ đâu dì được cứu thoát và khi tỉnh dậy trên bờ cát, tiếng súng vẫn còn nổ ì ầm trong đêm. Dì thất thểu quay về nhà ngoại. Còn chú Khoa vẫn bặt vô âm tín. Mãi tới khi mọi việc xong xuôi, chính quyền mới được thành lập, rồi được triệu tập đi dạy trở lại, dì vẫn cứ mãi ngóng trông vì nghĩ rằng chắc chú Khoa chỉ bị thất lạc đâu đó. Sau này có người nói đã thấy chú bị đạn chết trên đường dì cũng vẫn không tin, vẫn bình thản chờ đợi như thể chú vẫn còn đi làm xa đâu đó chưa về. Sau đó dì sinh thằng Tuấn. Không hiểu do bẩm sinh hay vì ảnh hưởng của đạn bom mà từ lúc sinh ra nó đã bị ngớ ngẩn. Dì Hạnh xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc con từ đó…
Điều đặc biệt là dì không hề tỏ ra khắc khổ hay ưu phiền quá độ. Dì vẫn cười nói, vẫn vô tư và vui vẻ. Chỉ có điều khái niệm thời gian của dì hình như dừng lại, và đối với dì như vậy là đủ. Mẹ tôi nói dì vô tâm vô tính. Nhưng tôi nghĩ khác, phải là một người hết sức yêu quí cuộc đời dì mới vượt qua được những khó khăn chồng chất, kể cả về tinh thần. Một vài người đàn ông đến với dì rồi lặng lẽ ra đi như thể không cách nào hòa nhập được vào cái thế giới nhỏ nhoi nhưng đầy ắp hoài niệm của dì. Chỉ có tôi, đứa cháu gái tong teo của dì là lần mò theo từng vùng ký ức của dì qua những lần trò chuyện bâng quơ cũng như có chủ đề…
xxx
Những ngày còn nhỏ tôi thường hay qua nhà ngủ với dì trong những đêm mưa lũ. Thích nhất là nằm nghe tiếng nước chảy ào ào ngoài sông, tiếng rả rích mưa rơi trên mái ngói và tiếng dì kể chuyện rì rầm. Dì hay kể cho tôi nghe về những chuyện tinh nghịch ngày xưa khi còn bé sống với các chị và ông bà ngoại, về những ngày tháng khi còn đi học, về những bạn bè của dì có những cái tên nghe lạ hoắc lạ hươ như trong một miền cổ tích nào xa lơ xa lắc… cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ êm đềm. Thường trong những lúc đêm khuya, tôi hay lén sờ vào vú dì, có khi ôm lấy bai bầu vú đầy đặn rắn chắc của dì, có khi lấy ngón tay nghịch lăn tăn cái đầu vú nhỏ như đầu mút đũa. Những lúc ấy dì thường đẩy tay tôi ra và nói: “Con bé này hư quá!” Rồi ôm riết tôi vào lòng như muốn chuyền trọn vẹn cái ấm êm của thân thể lẫn tình cảm bị dồn nén của mình cho tôi. Những lúc như vậy tôi cảm thấy thật là hạnh phúc.
Rồi đến những ngày bước vào cấp ba, tôi được phép qua ở với dì Hạnh luôn để dì chăm lo và kềm kẹp việc học hành. Trong những ngày này, mùa nắng cũng như mùa mưa, dì Hạnh thường hay gọi tôi dậy vào lúc sáng sớm để đi lễ nhà thờ. Tôi không biết dì thật lòng tin vào Chúa hay đó là cái tính cách được hình thành từ những thói quen được lập đi lập lại nhiều lần. Tôi cũng theo dì và có được thói quen đó. Có lần tôi hỏi, dì có cầu nguyện không, dì trả lời có. Dì có xin được lấy chồng khác không, dì cốc đầu tôi nói cái con này, tào lao ghê!...
Ngoại tôi chỉ có ba người con. Má tôi, đến dì Đức và cuối cùng là dì Hạnh. Má tôi cũng có ba người con: chị hai, chị ba và tôi. Má tôi thường nói mày giống dì Hạnh y hệt, vô tâm và… lạc hậu. Tôi hỏi dì, tại sao má chê dì lạc hậu, dì nói bởi vì dì không “à la mốt”. Mà đúng thật như vậy, trong tủ áo của dì toàn là những trang phục được may từ những năm bảy mươi mấy. Hơn mười cái áo dài bông cổ thấp, không chít eo và ngắn củn cởn không còn hợp thời dì Hạnh vẫn vui vẻ mặc như thường. Tôi hỏi dì sao không may áo khác đúng mốt hơn, dì nói không cần. Dì quen mặc như vậy từ thời đi dạy học. Tôi nói như vậy là quê lắm, dì chỉ cười nói chưa chắc ai quê hơn ai.
Tôi thường hay kể với dì về những buồn vui bắt gặp và những điều xảy ra ở trường, ở lớp. Có lần tôi suýt thất tình vì anh chàng lớp trưởng, buổi sáng nằm khóc vùi, dì kéo tung mền gối dựng tôi dậy và nói: “
Sáng hôm nay cháu của dì buồn như một con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh/ Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình/ Để anh giận sao chả là nước biển…” Tôi la lên dì nói tầm bậy gì vậy? Sao tầm bậy, thơ tình đó cháu ơi. Tôi thút thít: Con buồn muốn chết đây mà dì còn nói con là chó, là mèo, là cá ươn… Ai biểu cháu thất tình làm gì. Thôi ngồi dậy rửa mặt dì cho cái này ăn ngon lắm…
Dì Hạnh cũng thường hay nói chuyện văn chương cho tôi nghe. Dì nói Chinh phụ ngâm hay hơn truyện Kiều. Tôi cãi: Ai cũng công nhận truyện Kiều là đệ nhất tác phẩm của Việt Nam. Dì nói: Truyện Kiều cũng hay nhưng buồn quá. Cái buồn của Chinh phụ ngâm dễ chịu hơn, ngôn ngữ mang nhiều hình ảnh và màu sắc hơn. Rồi dì đọc:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc/ Đường bên cầu cỏ mọc còn non/ Đưa chàng lòng dặc dặc buồn/ Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền… Tôi chê: Tối nghĩa quá, dì lại đọc sai nữa: “ngoài đầu cầu” chớ sao lại “ngòi đầu cầu”? Rồi cái gì lại “dặc dặc”, phải là “dằng dặc” mới đúng. Còn “khôn” bằng ngựa “khôn” bằng thuyền là làm sao? Quá khó hiểu!
Dì Hạnh cười: Đây là cổ văn nên cháu không hiểu. Ví dụ như “khôn” có nghĩa là “đi” đó cháu ơi. Cháu chả biết gì hết. Phải hiểu nghĩa của từ mới thấy được cái hay của câu, của đoạn. Mà thôi, dì đọc cho cháu nghe bốn câu này:
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió/ Hỏi ngày về chỉ độ đào bông/ Nay đào đã quyến gió đông/ Phù dung lại nở bên sông bơ thờ… Đó, cháu thấy hình ảnh có đẹp không? Hay cũng không hiểu nữa hả con… khỉ đột…
Còn nhớ năm đầu tiên ra trường đi dạy học ở một vùng xa tôi đã yêu một người. Mối tình đầu đối với tôi thật đậm sâu và trọn vẹn. Lòng yêu của tôi mạnh mẽ đến độ tôi đã một lần dạn dĩ trao thân cho anh ta mà không hề hối hận. Chỉ đến lúc bị nói lời từ biệt tôi mới thật sự hoảng loạn. Tôi đã chạy ngay về nhào vào đôi tay dì Hạnh khóc như mưa. Dì âu yếm ôm tôi vào lòng để nghe tôi kể cho dì tất cả nỗi niềm. Lặng đi một chút, dì hỏi: Cháu có thật lòng yêu người ấy không? Tôi trả lời có trong tiếng thổn thức. Không sao đâu, cháu của dì đừng buồn - dì áp đầu tôi vào ngực nói nhỏ nhẹ - miễn là cháu có yêu. Bà Nguyễn Thị Hoàng có nói “
Cho không phí, chỉ có nhận mà không biết dùng mới phí”, nên người mất chính là anh ta chứ không phải là cháu. Cháu xinh đẹp và tốt bụng như vậy nhất định rồi sẽ hạnh phúc. Tôi không biết bà Nguyễn Thị Hoàng là ai nhưng quả thật những lời an ủi của dì đã mau chóng giúp tôi tìm lại được niềm vui tưởng chừng như không bao giờ trở lại.
xxx
Ngày tôi lấy chồng dì Hạnh vui mừng tíu tít. Dì lo lắng cho tôi từ chiếc khăn tay cho đến cái nịt ngực. Tôi đùa: Con lấy chồng chớ dì có lấy chồng đâu mà vui quá vậy? Dì nói, dì vui vì thấy lại hình ảnh của mình nhiều năm về trước. Trước buổi tiễn dâu, dì lén vào phòng đưa tôi một chiếc hộp vuông nhỏ. Dì nói: Dì nghèo quá không có gì cho cháu, tặng cháu cái này. Tôi mở ra. Trong hộp là chiếc nhẫn mặt ngọc bằng vàng tây đã cũ. Trên mặt đá có khắc hai chữ H và K lồng vào nhau theo kiểu cổ điển. Tôi không nhận, nói đây là vật kỷ niệm của vợ chồng dì. Dì không chịu, nói, thôi thì cứ coi như cháu giữ dùm cho dì vậy. Mắt tôi bất chợt cay cay. Dì vuốt má tôi: Đừng khóc, lấy chồng thì phải vui lên chứ. Tôi chỉ biết nghẹn ngào vì thương dì quá đỗi…
Cuộc sống gia đình tôi cũng rất bình thường. Chồng tôi là một người đàn ông tốt. Anh ấy cũng dạy học như tôi. Ngoài những giờ trên lớp anh ấy chỉ ở nhà chăm sóc tôi, con gái và nhà cửa. Không thể nói rằng tôi không hạnh phúc. Nhưng đó hình như là một thứ hạnh phúc hơi buồn. Tôi cũng chả nhớ gì về mối tình đầu của một thời dại dột. Có vẻ như thế hệ của chúng tôi bình yên quá. Mà cũng có thể bởi cuộc đời chẳng có một biến cố hay thay đổi kinh khủng nào nên những tháng ngày của tôi chỉ là những tháng ngày nhàn nhạt. Chỉ những lúc đến với dì Hạnh, hòa nhập vào cái thế giới nhỏ bé riêng tư của dì tôi mới thấy lòng mình như lắng lại, như mơ hồ có một khoảng không gian và thời gian không thật chập chờn đâu đó…
Bây giờ dì tôi không còn nữa. Dì mất vì bệnh ung thư lúc vừa bước sang tuổi năm mươi. Dì ra đi cũng bình yên và tĩnh tại. Căn nhà được khóa lại và vườn cây lá rụng um tùm. Chỉ có tôi những lúc nhớ dì lại chạy về quét dọn và đốt lên vài ngọn nến nhỏ trên bàn thờ. Thường những lúc ấy tôi tôi hay nằm trên chiếc võng treo ở nhà sau khe khẽ đong đưa mà nhớ thương dì đến chảy nước mắt. Bà ngoại và má tôi đòi bán căn nhà đi nhưng tôi nhất quyết không cho. Bởi lẽ ngoài dì ra chỉ có tôi là người duy nhất biết được rằng ngay tại căn nhà và khu vườn này thời gian không trôi đi. Nó cứ chậm rãi lượn lờ rồi quẩn quanh đâu đó. Một lát nữa thôi, bước ra ngoài đường kia sẽ là phố xá với nhịp sống hối hả. Còn trong ngôi nhà này, đã có dì, và chắc sau này sẽ là tôi với những hoài niệm về một thời đã qua ngọt ngào và cay đắng…