NHỮNG CHUYỆN QUANH TÔI

Tác giả Bài
Nguyễn Lương Tuấn
  • Số bài : 223
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 15.03.2011
NHỮNG CHUYỆN QUANH TÔI - 01.04.2013 18:04:30
1. LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU
Trên Thế giới, số người bị đau khớp chiếm tỉ lệ cao, chủ yếu nhiều nhất là người có độ tuổi từ 50 trở lên.
Có một điều ta thấy là ít ai bị tử vong vì khớp. Thế nhưng, tôi có một người anh bên ngoại lại qua đời vì chứng viêm khớp. Nhà ông ở trong Thành nội, bên hông Tử Cấm thành, đường Yết Kiêu. Hằng năm, khi rỗi rãnh, tôi đều về Huế, vào ngoại tham dự việc cúng giỗ, chạp mộ cùng gia đình ông anh.
Cách đây 5 năm, tôi nghe ông bị đau khớp đầu gối. Nghĩ rằng bị đau khớp là chuyện bình thường của người lớn tuổi, tôi ít quan tâm. Vã lại thấy ông vẫn đi chạp, đi bộ vượt năm, sáu cây số lên truông để thăm mộ, tôi nghĩ ông không sao.
Tôi không ngờ rằng, ông đi được bình thường là nhờ có ông bác sĩ tên Thản, ở đâu gần nhà, đến chích thuốc cho ông.  Khi tôi hỏi người con trai của ông :
 - Ba được chích thuốc gì mà chóng khỏi thế ?
Đứa con trai nói :
 - Con cũng không biết nữa, hỏi, ông bác sĩ không nói, ông chỉ chích thuốc vào chỗ đau của ba con, thế thôi. Chỉ biết rằng sau đó ít phút là ba con tươi tỉnh, vui vẽ như thường.
Tôi nói với người cháu :
 - Bác sĩ chích thuốc cho bệnh nhân thì phải công khai tên loại thuốc, còn nếu không thì ông ta không phải là thầy thuốc mà là ác quỷ !
 - Con vẫn nghĩ là ông bác sĩ này chích thuốc không được phép của Bộ Y tế và nói ba con đừng chích nữa nhưng ba con la và phản ứng dữ quá,  nên con đành chịu, để cho ông làm gì thì làm !
Tôi nói :
- Không được ! phải dừng lại ngay !
Thế nhưng, những gì tôi nói cũng không đem lại hiệu quả.  Hai năm sau, tôi về Huế chạp mộ bên ngoại, tôi được tin ông đang nằm hấp hối. Ngạc nhiên quá, tôi không nghĩ rằng có người lại chết vì đau khớp. Tôi và ông anh ruột bước vào thăm ông.
Ông đã qua đời, thân thể gầy nhom, tôi không ngờ lại nhanh thế. Tuy nhiên có điều đặc biệt, rất lạ lùng mà tôi muốn lưu ý bạn là khi người ta kì cọ rửa xác cho ông để khâm liệm, tôi chợt nhìn thấy «chân giữa» của ông không còn nữa. Tại chỗ ấy tôi thấy để lại một dấu vết như một cái núm vú nhỏ của trẻ sơ sinh. Tôi ngạc nhiên hỏi ông anh ruột :
 - Con chim của anh Cháu mất đâu rồi!?
 Anh tôi nói nhỏ bên tai tôi :
- Hình như thằng cha bác sĩ chích thuốc morphin nhiều quá đến độ teo cơ và "bay chim" luôn ?
Tôi không hiểu và không hiểu. Và tôi liên hệ lại mình. Từ lâu tôi mua thuốc uống khi bị đau khớp : các loại như voltaren, diclofenac, Paracetamol để uống cũng qua được cơn đau, mà tại sao cha bác sĩ này lại không xử lí như thế lại chích morphin !  Mà có phải thật sự là thằng chã này chích morphin hay là một loại thuốc nào khác? Mà là thuốc gì??? Và tại sao thuốc đó chích thế nào mà lại dẫn đến hiện tượng «bay chim» ?
Tôi nhớ trở lại câu nói của một bình luận viên đài VOA trong mục "Sức khỏe": «Khi một thầy thuốc chích thuốc cho một bệnh nhân mà không công khai tên thuốc thì đích thị ông ta là một ác quỷ, chứ không phải là một thầy thuốc!»
Ông anh bên ngoại tôi mất cách đây 2 năm vì trường hợp như trên, năm ấy ông 71 tuổi.
Và vị bác sĩ ấy sau này nghe đâu được nhà nước khen tặng là «lương y như từ mẫu».  Ông hiện đang làm việc tại bệnh viện TĐHYK Huế.
Ôi ! Lương y như từ mẫu !
 
2. CON TÔI KHÔNG CÓ ĐẠO ĐỨC
Đạo đức học được định nghĩa như là một khoa học khảo sát những quy luật đạo đức hướng dẫn con người sống sao cho hợp với nhân tính và điều thiện. Ví dụ làm con thì phải có hiếu với cha mẹ. Phải kính trọng người già cả, gặp người hoạn nạn thì phải giúp đỡ, …Đó là những mệnh lệnh, có tính quy phạm, nghĩa là bó buộc lương tâm con người phải thực hiện, vô điều kiện.
Như thế, khi ta phê phán một người không có đạo đức, thì đó là một nhận định bình thường và phổ biến, nghĩa là ai cũng hiểu là người đó đã mắc phải một hành động nào đó không phù hợp với nhân tính và điều thiện thuộc phạm trù đạo đức.
Tuy nhiên, coi chừng chúng ta sẽ nhầm to khi ta gặp một lời ta thán xuất phát từ một ông quan, cán bộ nằm trong guống máy của Đảng CSVN.
Đây là câu chuyện có thật 100%.
Anh tôi làm nghề thợ sắt xây dựng trước 1975, sau này vì tuổi đã cao, bệnh huyết áp, ông không làm nữa, giao lại cho con trai. Nói chung đây là một gia đình tiểu thủ công nghiệp, thuộc thành phần tốt, theo nhận định của mấy ông cách mạng. Nhà ông anh ở ngay ngã tư ngọeo Dần Xay, An Cựu. Một ngôi biệt thự lớn có sân trước, vườn sau rộng đến 600m2. Nhà này nguyên trước kia của một gia đình người Pháp, sau này họ về nước để lại cho bà vợ Việt Nam. Cộng sản vào mua lại và đổi lấy cho ông anh, nhà ở ngoài đồng An Cựu, đối diện ty cảnh sát Thừa Thiên cũ dùng làm nhà Văn hóa.
Ông anh không làm việc gì nữa, chỉ đứng coi cho bà vợ cái quán bán nước mỗi khi bà đi đâu, ngoài ra là thời gian ông uống nước trà, tiếp bạn bè, tán gẫu chuyện thời sự.
Những người hay tới nói chuyện với ông anh gồm đủ hạng người, bạn bè, láng giềng, bà con sống trước 1975, mấy ông cán bộ ở kế cận, …nói chung là đủ thành phần. Ông anh lại có tính hay nói thẳng và nói chuyện theo kiểu điếc không sợ súng…
Trong xóm có một ông cán bộ đã về hưu, nhưng vẫn còn sinh hoạt trong Đảng ủy. Ông cán bộ vẫn thỉnh thoảng đến chơi nhà ông anh, uống trà.
Ông anh kể: Dạo đó đúng vào dịp bầu cử tổng thống Mỹ, đảng Dân Chủ liên danh đang tại chức và đảng Cộng Hòa là ông G. Buste. Vừa kịp lúc ấy đảng Dân Chủ thất bại, kể cả phiếu của cử tri đoàn. Ông cán bộ nói: Thế là Dân Chủ đã thất bại rồi đấy, lại phe Cộng Hòa lên. Ôi! Bầu cử gì, toàn mua phiếu hết!!!. Ông anh tôi vội nói:
- Bác nói vậy chứ không dân chủ làm sao mà một đảng đang cầm quyền lại thua phiếu một đảng ở ngoài . Bác nghĩ xem tôi nói như vậy có gì sai không?
Ông cán bộ im re không nói gì.
Một lần khác, ông cán bộ qua chơi, trong lúc vui chuyện, ông tỏ ý muốn xin câu nước. Ông anh tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ũa! Sao lạ vậy? thế từ lâu bác dùng nước ở đâu?
- Tôi dùng nước của ông Chức, bên cạnh nhà anh đấy. Vừa rồi, ông Chức bảo tôi phải đăng kí nhà nước, ông không đồng ý cho câu nữa. Theo ông Chức, đồng hồ tôi có vấn đề.
Ông anh suy nghĩ một chốc rồi trả lời:
- Được rồi bác, tôi hứa sẽ để bác câu nước  nhưng để tôi tìm hiểu xem tại sao bác Chức lại có ý kiến như thế.
Ông anh tìm hiểu nguyên nhân và được biết là đồng hồ nước của ông cán bộ bị sai nhưng ông không đồng ý cân lại đồng hồ. Sau đó ông anh tôi gặp ông cán bộ và hướng dẫn ông cán bộ gỡ đồng hồ, mang lên thủy cục để cân lại, có giấy chứng nhận. Kể từ đó chuyện nước của ông xem như êm.
Mùa thi tuyển vào Đại học qua đi, một hôm ông cán bộ qua chơi, ông ngõ ý muốn gởi con trai cho qua học nghề nhà ông anh. Ông anh mĩm cười, nói:
- Bác gửi con qua học nghề con trai nhà tôi cũng tốt thôi. Nhưng tôi thành thật khuyên bác thế này nghe, ấy là bác nên cho cháu hoặc tiếp tục học, sang năm thi lại hoặc cho vào trường trung cấp chuyên nghiệp, tôi nghĩ tốt hơn. Còn nói thực, cháu học nghề thì nghề sắt rất vất vã, đi làm cho người ta cũng bầm dập, nhất là xã hội bây giờ.
Bác cán bộ nghe anh tôi nói, không nói gì.
Ba năm sau, một bửa ông qua chơi, mang tặng anh tôi một gói quà, gồm trà Bắc Thái, bánh cốm, …ông nói:
- Tôi rất cảm ơn anh, nhờ anh khuyên, con tôi bây giờ đã có chỗ làm ổn định, lương tháng cũng khá.
Anh tôi hỏi:
- Cháu làm nghề gì?
- Cháu làm bưu điện. Lúc bác nói, tôi về quyết định cho cháu thi vào trường Cán sự Bưu điện, cháu đỗ, hai năm sau ra trường. Bây giờ cháu làm tại Đà Nẵng, cuộc sống ổn định, tôi khỏi lo.
Anh tôi nói:
- Bác thấy không, theo chỗ tôi biết, cháu rất nết na, đàng hoàng, lễ phép. Tôi nói chuyện với cháu một lần, thấy cháu rất đáng mến.
Ông cán bộ nói:
- Bác nói vậy chứ cháu không có đạo đức bác ạ.
Anh tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bác nói sao lạ vậy, theo tôi,  cháu là người lễ độ, ăn nói có thưa gửi. Như vậy dứt khoát không thể là người như bác nghĩ được.
- Cháu không được vào Đoàn, Đảng, như vậy là không có đạo đức.
Anh tôi bật cười:
- Bác nói sao lạ vậy. Một người được xem là đạo đức có nghĩa là người đó sống có hiếu với cha mẹ, biết vâng lời cha, mẹ. Ăn nói lễ phép với người lớn tuổi, ra đường biết giúp đỡ người hoạn nạn, ..chứ sao không được vào Đoàn bác lại bảo là không có đạo đức. Theo tôi nghĩ, bác phải xem lại cách đánh giá con cái. Đôi khi điều bác nghĩ, có thể ngược lại.
Ông cán bộ suy nghĩ một chốc rồi trả lơi:
- Đạo đức ở đây được căn cứ trên lòng yêu cách mạng, yêu chủ nghĩa Mác Lê Nin.
- Ô hô bác nói như vậy thì chết cha tôi rồi! Tôi cũng không có đạo đức bác ơi!!!
Một năm sau, ông cán bộ hưu trí ấy qua đời. Anh tôi nghe tin, qua nhà thăm đám. Lúc đó, có một người đàn ông tuổi độ trên 60, ngồi tiếp chuyện với anh tôi, sau một lúc nói chuyện, người đàn ông nói:
- Hình như anh là người ở phía trước nhà ông anh tôi?
- Đúng vậy anh, bác qua đời nhanh quá, tôi rất lấy làm tiếc, xin chia buồn!
 Người đàn ông cảm động kể:
- Lúc anh tôi hấp hối, ông có nói với tôi, quanh đây, chỉ có ông ở trước mặt nhà là tốt thôi. Bây giờ, tôi nghĩ ông anh tôi muốn nói là anh đây rồi.
Anh tôi buồn rầu:
- Ấy, lúc còn sống ông nhà hay qua chơi nhà tôi nhiều. Mỗi khi nói chuyện, tôi hay cải với ông. Tôi vẫn nghĩ là ông không ưa gì tôi. Không ngờ bây giờ nghe anh kể lại như vậy.
 Ôi! Cuộc đời vô thường!
 
3. Ở BẦU THÌ TRÒN, Ở ỐNG THÌ DÀI
Đà Nẵng, mấy hôm nay khí trời oi bức.  Hơi nóng ủ vào cơ thể, người cứ hâm hấp, mồ hôi rịn trên da, rin rít khó chịu. Buổi chiều Huệ rủ tôi đạp xe đi dọc sát đường bờ sông Bạch Đằng, vừa thể dục, vừa hóng mát.
Con đường Bạch Đằng chạy dài từ trên Viện cổ Chàm xuống tuốt chân cầu Thuận Phước ngót đến vài ba km, cầu có lề đường dành cho người đi bộ rộng trung bình đến 10 mét với những hàng cây tõa bóng mát, những bồn hoa , những thảm cỏ rất dể chịu.
Chúng tôi đạp xe , xuyên qua dưới gầm cầu sông Hàn. Chiếc cầu quay, dành cho những chiếc tàu lớn, khi đi ngang qua, phải đăng kí trước. Để đúng 3 giờ sáng, cầu sẽ quay, tàu mới đi được.
Chuyện kể, có lần cầu quay, tàu chưa kịp đi, trên cầu, giờ đó không hiểu sao có người đi xe Dream II, chạy thoăn thoắt, người ta la lên, nhưng xe vẫn chạy. Kết quả, cả xe và người rơi tõm xuống sông Hàn. Sau này mới vỡ lẽ, người đó là cán bộ cấp cao, Trưởng ban thanh tra Đảng gì đó. Ông đi thanh tra thế nào, đi về say quá, chẳng biết trời đất gì hết. Thế là đi đời.
Chúng tôi đạp xe đến gần  chân cầu Thuận Phước rồi dừng lại. Huệ bảo:
- Lên ngồi trên ghế đá nghỉ đi anh!
- Ok! Vậy ta dắt xe để sát ghế rồi nghỉ!
Tôi cảm thấy dễ chịu. Buổi chiều đang xuống dần ngoài biển.  Những chiếc ghe thuyền đậu sát bờ kè. Một chiếc ghe nhỏ đang lướt nhẹ. Ba mẹ con, tôi đoán thế, đang thả lưới và thuyền họ lướt nhẹ nhàng ra xa.
Huệ nói: Dưới đó là một thế giới anh hí? Thuyền nọ đậu sát thuyền kia và họ là láng giềng với nhau. Trai gái quen nhau, yêu nhau và đẻ con. Một biển yêu hạnh phúc phải không anh?
Tôi mĩm cười:
- Hạnh phúc là sự bằng lòng của chính mỗi cá nhân. Nếu cá nhân vẫn ngập đầu trong dục vọng thì cho dù hắn có hằng hà sa số bạc vàng, châu báu, hắn vẫn đau khổ, bất hạnh.
Huệ cười khúc khích:
- Như anh trong túi không có một đồng rách vẫn sống vô tư, không lo nghĩ. Chắc anh hạnh phúc lắm?
- Chứ sao, em không biết đâu? Anh lúc nào cũng hạnh phúc!
Chúng tôi cười vang,. Trời tối dần, hàng trăm ngọn đèn trên cầu Thuận Phước đã tõa sáng. Chiếc cầu lớn thật, đẹp và dài, nối liền Thuận Phước với Sơn Trà. Cầu dài ngút, cao chới với. Tôi nhìn lên trên, xe cộ, người đi thoăn thoắt trên đó trông như những con chuột. Có người nói, gặp những ngày có gió lớn, coi chừng xe honda chạy trên đó có thể bị hất tung xuống xuống lòng nước, cao cả trăm mét.
Bỗng Huệ đưa tay húc nhẹ vào cạnh sườn tôi. Nàng cười khúc khích, nói:
- Anh coi tề,  cặp trai gái.
Tôi nhìn ghế đá bên cạnh, đứa con gái nằm gọn trong lòng đứa con trai. Người con trai gục mặt xuống ngực người con gái, không hiểu tình tiết thế nào mà đứa con gái, đôi chân giựt giựt liên tục.
Tôi nói với Huệ:
- Quan hệ trai gái bây giờ kinh lắm. Tình yêu hình như là một khái niệm rất xa vời với họ. Trai gái bây giờ chỉ biết tình dục.
- Anh nói như rứa chứ em nghĩ họ cũng có có yêu mới làm việc ni.
- Yêu với quỷ, em coi chúng nó mặt mày non choẹt, chưa mọc răng!
Huệ nói:
- Anh nì, thời của bọn mình ngây thơ vô tội. Ngày trước để ý tới một người nào, tưởng tượng  lúc cầm tay nhau là em thấy run, toát mồ hôi.
- Cha răng! Ngày trước lúc còn đi học lớp đệ tứ trường Nguyễn Du Huế, anh đi bộ, trên đường Chi Lăng, cùng đường, có một cô học cùng lớp với anh, cô ôm cặp, đôi vai gầy, người dong dỏng cao. Anh thích cô ta, rứa mà quái lạ, không khi mô anh nghĩ là mình có thể tiến lên đi song song và nói chuyện. Trong lúc nớ, về nhà cứ làm thơ: “Đôi vai gầy thường đi dưới trời mưa…”
- Rứa mới có người nói anh là thằng bờm, nhát gan.
- Có rứa ngày nay em mới gặp được anh!
Huệ nheo mắt:
- Phước ba đời anh mới gặp được em!
Tôi bật cười:
- Hình như rứa!
Huệ nghiêm nét mặt một thoáng, nàng đổi giọng triết gia:
- Con người chỉ là sản phẩm của xã hội anh ạ, xã hội như thế nào con người như thế ấy.
Tôi cười tủm tỉm:
- Em ngộ ra khi mô rứa.  Môi trường sống thật ra là một phần của giáo dục, có nghĩa là hệ thống giáo dục nhà trường, nếp sống thực tiển chung quanh góp phần quyết định nhân cách, hành động của cá nhân
- Thế còn giáo dục gia đình?
- May mà còn có giáo dục gia đình đó em! Với tính kế thừa, truyền thống và ảnh hưởng di truyền mà ngày nay con cái chúng ta không làm chúng ta thất vọng.
- Có nghĩa là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn?
- Đúng rồi!
- Đã tối rồi. Chúng ta về thôi anh !
- Ừ! Chúng ta về thôi.
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 02.04.2013 12:38:18 bởi Tuấn Nguyễn >