Cuốn Theo Chiều Vắng (Trần Đại)
trandaik 12.04.2013 12:11:03 (permalink)
 

... từ buổi xa người dắt bóng đi 
vạt áo đề thơ chẳng hạn kỳ 
hồng nhan tri kỷ mờ quan tái 
đường ngậm ngùi xa bóng đổ dài ... 
 

 
1. Người đàn bà và mật hiệu


Tôi nghe nhiều mà chẳng biết chiều nghiêng nghiêng nắng ra làm sao nhưng lúc này nắng chiếu xéo vào chỗ tôi ngồi trong quán cà phê Starbuck vắng vẻ này, làm tôi cứ nghiêng người tránh nóng mà không dám dời sang bàn khác. Người ta dặn tôi phải ngồi sát cửa kính, đặt hai ly giấy lên bàn, một úp, một ngữa, rồi cũng qua cái email lạ hoắc đó, người ấy, chẳng biết là nam hay nữ cũng nhắn thêm rằng đừng mang ai theo cả. Tôi đã uống gần cạn ly Mocha và ánh nắng hạ chẳng ra hạ, thu chẳng ra thu cũng vừa hết làm khó tôi mà “người ta” vẫn chưa ra mặt. “Hay là mình bị lừa?” Tôi thầm nghĩ, “Chắc là không … vì cuộc hẹn này người lạ cho biết sẽ trao cho tôi một vật mà chắc chắn tôi sẽ qúi vô cùng … Vật gì vậy ta?”. Mưa bắt đầu rơi. Những cánh dừa lay động mạnh hơn trước gió, khách bộ hành kéo cổ áo, rão bước nhanh đi tìm nơi trú. Chẳng bao lâu thì mưa bay khắp trời phủi sạch những vệt nắng nghiêng nghiêng thật vô duyên ban chiều. Tôi dán đầu lên cửa kính quán hàng nhìn những làn mưa đuổi nhau chạy đến cuối đường. Lòng tôi gợn lên một thứ gì thổn thức như tình cảm của đứa con trai mới lớn trong những tháng ngày thường ngắm mưa ở một phố nhỏ trên cao nguyên.
Người phụ nữ bán cà phê kéo ghế ngồi xuống nơi bàn tôi nói tỉnh bơ:
- Để anh chờ lâu, đừng phiền em nhé!
Tôi ngơ ngác, hoang mang chẳng biết có quen nhau không, cũng “ất giáp bính đinh”:
- Ya, tôi ngồi chờ cũng khá lâu.
Chợt nhận ra người ta không có hỏi mà mình lại vô duyên trả lời, tôi hít hơi tự trấn tỉnh hỏi:
- Ô vậy ra người gởi email cho tôi là … cô à?
Người bán hàng vịn hay tay lên bàn, chồm đầu tới rồi lắc lư hỏi ngược:
- Anh không nhận ra em à?
Tôi bối rối đâm đầu vào cuộc đối thoại như một thí sinh kém trí nhớ:
- Không, tôi không nhớ được cô là ai. Nhưng mà cô biết tôi ngồi đợi với mật hiệu là một ly úp, một ly ngữa trên bàn y như lời cô dặn trong email, sao cô lại bắt tôi ngồi đợi lâu như thế mới ra mặt?
- Tại em muốn ngắm nhìn xem anh thay đổi như thế nào, có khác xưa nhiều không rồi cũng để chờ hết ca làm mới thủng thỉnh trò chuyện lâu với anh được. Có thật em không còn một nét nào để anh nhận ra mình quen nhau à?
- Chậc, chậc … thật là khó xử, hay là cô cho tôi biết tên để may ra tôi nhớ lại …
- Em mà nói tên ra thì mất hết thú vị, hay để em nói tên cúng cơm của anh nha!
- Khỏi, cô viết tên tôi trong email rồi còn nói làm chi.
- Vâng, nhưng mà cái tên ấy chỉ đúng cái họ thôi. Giời ơi, bây giờ người ta viết văn, làm thơ nên phải đổi tên, đổi tuổi cơ.
- Thế tên thật tôi là gì?
- Tên anh là Lân chứ không phải Đạt, hì hì … nhớ ra em là ai chưa.
Tôi giật bắn người như có ai rờ trúng … cánh. Cái tên hơn mấy chục năm mới được nghe có người gọi lại. Tôi giương mắt nhìn như một loài thú hoang về thành, đoán bậy:
- À thì ra cô là em gái của thằng bạn học nào đó của tôi ngày xưa. Đúng không?
- Nói thế thì em buồn muốn khóc ngay! Ai cũng nói em còn “đôi mắt ngày xưa” mà với anh thì xem như hõng. Thôi để em đi lấy “hàng” giao cho anh rồi xem như người xa lạ!
Nói xong nhưng nàng vẫn ngồi im và dí ngón tay lên, chạy theo những hạt nước mưa đang lăn dài bên ngoài cửa kính.
Một thoáng lặng thầm trôi qua, tôi chợt bật người tựa vào lưng ghế lên tiếng:
- À … này…
- Gì thế? Anh nhận ra em rồi hở?
- Chưa… À không… à mà món hàng gì vậy, cô cho tôi hay có ai nhờ trao lại …
- Giời! Vậy mà ngỡ là anh đã nhận ra em.
Tôi ăn năn, giọng tự nhiên ôn tồn, thành khẩn:
- Xin lỗi nhé! Thật tình thì nhất thời tôi không nhớ được nhưng em hãy nói tên hay nói nơi nào mình gặp nhau thì đó là em giúp tôi thoát khỏi cuộc …
- Cuộc gì ? Muốn về chứ gì?
- Hì hì … cuộc tra tấn trí nhớ quèn này.
- Tha cho anh đó … vì dữ hôn … tới bây giờ mới gọi em là em.
- Tôi … Tôi…
- Tôi tôi tôi tôi, xưng anh ngượng miệng à?
Tôi làm thinh, mặt sượng như khoai sùng. Người phụ nữ đứng lên, vào trong quầy rồi mang ra một gói giấy đặt lên bàn. Tôi ngỡ ngàng nhìn nét mặt “đường hoàng” nghiêm chỉnh của nàng chờ đợi. Một thoáng buồn “bốc hơi” bay đi, nàng tươi gương mặt đẹp sắc sảo chậm rải nói:
- Của anh đấy, mở ra đi!
Tôi đùa:
- Cám ơn cô, mở ra thì có bật mí được cô là ai không?
Nàng nhéo vào tay tôi rồi búng một cái vào vết đau, nũng nịu:
- Gọi em xưng anh được không, hở anh Lân.
Tôi mừng vui đến nghẹn lời:
- Kho..ỏi … không … không cần mở gói ra nữa … ực… ực … anh đã biết em là ai rồi! Trời ơi!
Thì ra cô bé Thiên-Thư ngày nào. Tôi đã đoán được qua cái nhéo tay rồi búng vào chổ đau nhưng lòng dịu mềm đi thay vì cương lên vì giải được bài toán đố “biết chết liền”. Tôi dành nói tiếp:
- Thiên-Thư đây à…
Nàng mĩm cười, chống cằm ngồi yên. Tôi tính nhẫm rồi tiếp:
- Hai mươi năm, ừ hai hai ba năm vậy năm nay Thư đã ba mươi ba rồi phải không?
Thiên-Thư gật đầu, dụi mắt đang long lanh, nghèn nghẹn nói:
- Gặp lại anh, em mừng lắm. Anh có mừng không?
Bàn tay tôi xoa nhẹ lên tay Thư vừa đặt xuống bàn và vô ý cạo nhẹ những móng son bị tróc vì pha cà phê cho quán. Tôi xúc động vì quay lại đoạn phim của một thời lao khổ sau cuộc chiến khốc liệt ở quê nhà, rồi những tháng năm biền biệt ngóng tin nhau… Thiên-Thư lại nhéo vào tay trách:
- Anh làm hõng móng tay em rồi, mai phải cho em đi sơn mới đấy!
- Ồ, anh vô ý quá!
_ Em đùa thôi, tại nước làm tróc nước sơn thôi.
Bên ngoài mưa xối xả làm chúng tôi ngồi lỳ trong quán cho tới giờ đóng cửa. Thiên-Thư nói rất nhiều về cuộc sống sau khi tôi bỏ nước ra đi. Chia tay nhau hẹn cuối tuần gặp lại, Thiên-Thư cứ nhắc đi, nhắc lại “về nhà mới được mở gói ra xem” rồi mới cho xe lao vào đường đêm đầy mưa gió.


2. Kỷ vật ngày xưa


Thiên-Thư đi rồi, tôi ngồi thừ trong xe nhìn mưa rơi bên ngoài, vừa nghe bản hoà tấu của gió và mưa gõ vào thùng xe, vừa cố gắng hình dung gương mặt cô bé Thiên-Thư họ Phạm mười ba tuổi và nét mặt tươi đẹp của nàng mới cùng trò chuyện mấy giờ vừa qua. Những cảm giác kỳ lạ trộn chung cùng cơn đói đang hành hạ tạo nên một hợp chất lạ lùng khó phân tích được tâm trạng tôi đang như thế nào. Sau cùng, cái tên trùng với một ông sư thi sĩ có bài thơ Động-Hoa-Vàng làm lòng tôi vui phơi phới với những kỷ niệm liếng khỉ của một quảng xuân thì.
Không cầm lòng được tôi háo hức mở gói giấy ra, rồi mở nắp hộp lớn có chứa hộp nhỏ, rồi mở đến nắp hộp bé tí cuối cùng tôi chỉ thấy một mảnh giấy với hàng chữ “Xí … Đã bảo về nhà mới được mở gói ra mà không nghe … Thế này nhé: Nhớ đón em lúc 2 giờ trưa ngày thứ bảy tại chỗ làm, sẽ cho anh xem báu vật”. Tôi ngượng thầm rủa, “nhóc này lém thật, bày đặt chơi chiêu úp mở với lão gia” nhưng tự bật cười vì “bà cô” này đâu còn nhóc như năm tháng “Ngày Xưa Hoàng Thị…Ngọ” nữa.
Ngày-Xưa-Hoàng-Thị là bản nhạc mà Phạm-Duy pháo trúng vào lứa tuổi tình yêu là trái táo thơm mà tôi mới ghé răng cắn vào. Cuộc hành trình đi tìm thiên đường tình ái của những thằng con trai thành thị thời đó gặp nhiều trắc trở, không kém thương đau … Riêng tôi, một cậu học trò nghèo, đường tình ái trong chỉ tay không suông sẻ, có nhiều gai lạ như nhánh xương rồng mọc ở bờ rào. Những năm cuối ở trung học tôi sống chung với bốn người đàn bà bốc lửa và một nàng đẹp như tiên nữ có hình in trên hộp bánh trung thu…
Hôm nay thứ bảy cuối tuần tôi nằm nướng đến gần trưa mới ngồi dậy đi tắm gội sạch sẻ, cắt móng, cạo râu. Chải chuốt xong, tôi nhìn đồng hồ thì đã đến giờ hẹn đón Thiên-Thư. Không biết vì sao tôi lại hình dung thấy một chồng thư tình “thương trộm nhớ thầm” của ai đó … đang nằm trong chiếc hộp mà Thư sắp trao cho tôi. Tôi vui vẻ nhấn mạnh chân ga, quên hẵn con đường thường bị phạt vào những ngày cuối tháng.
Tôi đến sớm hơn giờ tan việc nhưng Thiên-Thư đã đứng chờ sẵn ngoài thềm, trước cửa ra vào quán.
Thiên-Thư vừa ngồi vào xe đã lật bản đồ rồi nói:
- Bây giờ anh lái ra xa lộ đi về hướng biển, bắt qua freeway 5-North, mình đi Laguna Niguel, chừng một giờ lái xe thì tới.
Tôi thắc mắc:
- Sao lại đi xa vậy, để làm gì?
Thiên-Thư lại bí mật:
- Tới nơi hẵn biết.
Rồi nàng không nhìn tôi, nói bằng giọng con nít:
- Mới rửa xe phải không?
- À…ừ
- Mới cắt móng tay, móng chân phải không?
- Ya…
- Mới cạo râu, tỉa sâu rọm phải không?
- Hmm…
- Mới …
- Thôi đủ rồi nha!
Thiên-Thư qủy quái nắm tay úp che môi và quay nhìn tôi với con mắt xoay tròn như ăn năn xin tha thứ. Tôi phải bật cười:
- Người thì lớn mà tánh tình vẫn …
- Người thì già mà tánh tình vẫn gì ạ, thưa thầy?
- Anh đâu có nói em già.
- Vẫn gì ạ?
- Thì vẫn …vẫn như ô mai… cam thảo…
Thiên-Thư vùi hai bàn tay chắp lại vào giữa đùi như muốn thu cả người chui xuống đất. Trông nàng như vui vẻ tột cùng. Nàng nói rất khẻ:
- Gặp được anh, em thích quá!
Tôi ấp úng:
- Anh cũng vậy, lúc đầu thì hơi ngại vì nhận không ra Thư nhưng bây giờ thì thoải mái lắm vì tính tình em vẫn như hồi còn bé.
- Em vẫn nhớ mãi những ngày anh thường dắt em đi xem phim.
- Vậy Thư nhớ phim gì nhất, ai đóng?
- Phim Roméo et Julliete, Olivia Hussey và cái gì White… đó.
- Leonard Whiting, đóng vai Roméo.
- Vâng, đúng rồi nhưng anh còn nhớ lúc ấy em đòi đi xem cho được không? Phim cấm trẻ em nhưng anh cũng dắt em vào được trong rạp hát. Nhớ chưa? Hôm ấy em ăn mặc ra sao, nói thử xem!
Tôi ráng nhớ lại hình dáng của cô bé 13, 14 tuổi giả dạng người lớn đi xem phim nhưng lâu quá rồi, không tài nào nhớ được, tôi chịu thua và Thiên-Thư hí hửng nói:
- Em phải mặc áo nỉ dài quá gối và đi giầy cao gót, giời ơi! Vậy mà không nhớ.
Xe ra được xa lộ 5-North, tôi liền thay CD nhạc gồm toàn những bài hát của thuở học trò thường nghe ở nhà Thư như Tuổi-Đá-Buồn, Em-Hiền-Như-Masoeur, Em-Lễ-Chùa-Này, Bang-Bang, Tuổi-Biết-Buồn, Như-Cánh-Vạc-Bay …v…v… Tiếng nhạc như ru chúng tôi về quãng đời hoa mộng. “Như thế này thì không xong” bỗng dưng tôi nhủ thầm, ” gặp lại nhau đâu phải để nghe nhạc!” Tôi quay sang định hỏi thăm về cha mẹ, em Liêm của Thư nhưng nàng đã ngủ say tự bao giờ. Suối tóc mềm như tơ, phủ mượt về một bên gương mặt trắng hồng của một người đàn bà vừa … vừa như trái táo chín cây giữa độ đẹp, ngon nhất trên cành…
Tôi hạ cửa kính xuống để gió biển lùa vào xe, cố tình đánh thức Thiên-Thư dậy. Khúc đường này trữ tình lắm, có người khác phái ngồi chung xe thì còn gì thích bằng. Thiên-Thư vừa mở mắt vừa hỏi, vừa tự trả lời:
- Tới đâu rồi anh? À biển kìa, sắp tới rồi đó anh.
- Em nghe nhạc nữa không, anh tắt nhé.
- Đừng, vặn nhỏ volume lại vừa đủ nghe để anh em mình nói chuyện.
Thiên Thư nhìn qua tay lái như đang trông ra biển, đến khi nàng cười khì, tôi mới biết nàng đang nghía mặt tôi. Tôi hỏi:
- Em cười gì?
- Em cười vì thấy mình gặp vận hên.
- Trúng số à?
- Không phải. Là như vầy nè … Người tìm ra anh không phải là em mà là thằng Liêm.
- Vậy sao! bằng cách nào?
- Nó đưa em Email của anh và khẳng định đó chính là thầy dạy kèm của hai chị em ngày còn bé.
- Sao nó biết?
- Nó đọc truyện anh viết về nó và bài thơ nó xem lén khi anh nhờ nó chuyển cho cô bạn hồi còn trung học.
Tôi mắc cở mắng:
- Thằng cà chớn… nhưng mà nhớ dai. Nó sao rồi, đang ở đâu?
- Em Liêm bây giờ làm to lắm có vợ với hai con rồi.
- Nó giàu sao để chị đi làm công cho Starbuck?
Thiên-Thư làm mặt giận:
- Thôi em không nói chuyện với anh nữa, anh đi vào đời tư của người ta rồi đó.
Tôi hối hận năn nỉ hết lời nhưng khi quay qua thì Thiên-Thư đang cười tươi chẳng có chút gì hờn dỗi như âm thanh tôi vừa nghe nãy giờ.
Thiên-Thư đưa tôi vào một quán nhỏ vắng người. Nàng chọn cái bàn dưới chân thang lầu, chung quanh tường là những kệ sách vừa để bán vừa cho khách uống cà phê ngồi đọc. Cách nơi tôi ngồi hai ba bàn có hai mẹ con đang ngồi đánh cờ trên tấm trải bàn có in hình những ô đen, đỏ. Đối diện với tôi là một phụ nữ ngồi trên xe lăn. Một cuốn sách đặt trên tấm chăn đắp trên chân nhưng bà không đọc mà khẻ gật đầu chào tôi với đôi môi hơi méo mỉm một nụ cười khá khó khăn. Tôi chưa kịp chào đáp lại thì bà ta đã cúi xuống đọc sách. Thiên-Thư mang cho tôi ly cà phê với đường, sữa xong nàng lại bỏ đi lấy thức uống khác.
Tôi đang nóng lòng muốn xem kỷ vật mà Thiên-Thư cứ lề mề … Nàng bắt tôi lái xe cả tiếng đồng hồ đến nơi xa xôi như vầy lại còn ghé vào đây uống cà phê không biết nàng còn dở trò gì nữa chăng? Người đàn bà ngồi xe lăn lại ngước nhìn tôi, không biết bà méo miệng hay đang cười mĩa mai tôi rằng … đàn ông gì mà chẳng ga-lăng chút nào hay có thể bà đang khinh tôi đang dụ dỗ đàn bà con gái mới chọn ngồi một nơi kín đáo như thế này. Thiên-Thư trở lại bàn với ly cà phê và đĩa bánh. Tôi hỏi một câu tối kỵ:
- Sao lâu thế?
- Em phải đi vệ sinh
- Anh không bận gì cả nhưng anh muốn biết là mình ngồi đây có lâu không?
- Sao, anh không thoải mái à?
Tôi chồm đầu tới, nói thật khẻ:
- Mình ngồi chỗ khác nhé… Em đừng quay đầu lại …. cái bà ngồi xe lăn cứ nhìn anh tò mò về chúng mình.
Thiên-Thư cười khì:
- Giời, ngỡ chuyện gì, anh với em ngồi bên nhau ai cũng cho là nếu không phải vợ chồng thì là nhân tình của nhau… có gì lạ đâu? Thôi mặc bà ấy! Nếu ta đổi chỗ sẽ làm người tàn tật hiểu lầm, không nên.
Tôi đề nghị:
- Thôi uống đi rồi em còn đưa anh đến nhà nhận quà nữa!
Thiên-Thư bình thản hỏi:
- Đi đâu? Em mời anh vào đây để nhận quà kỷ vật mà!
Thiên-Thư đi vòng qua bàn, kéo chế ngồi sát bên tôi rồi móc ví lấy ra một chiếc hộp vuông nói:
- Anh Lân mở ra xem đi! Kỷ vật đó!
Tôi lưỡng lự vì dường như người ngồi xe lăn lại buông sách, đang tò mò nhìn xem vật gì trong hộp mà đàn ông đi nhận của đàn bà …
Thiên-Thư dục:
- Ủa, em ngỡ là anh mong biết quà gì lắm mà. Mở đi!
Tôi mở hộp và chợt hoảng hốt, mắt tôi hoa đi, tay tôi run run nâng chiếc đồng hồ Vintage Rolex cũ kỹ lên cao để nhìn cho rõ. Tôi không bao giờ tin được có ngày tìm lại được chiếc đồng hồ của thập niên 1930 mà ông nội cho tôi. Sợi dây đeo bằng da rắn hổ. Chưa lật mặt sau ra xem, tôi cũng biết có khắc hình con cá miệng kiếm.
Tôi ngồi xăm soi một hồi lâu mới bật được tiếng nói:
- Sao Thư có được chiếc đồng hồ này?
Thư vừa đeo vào cổ tay trái của tôi vừa đáp:
- Dì Yến đấy.
- Lạ thật! Đồng hồ này nó bị một bộ đội cai tù đoạt mất dạo anh và dì Yến đi thăm nuôi ba của Thư mà.
- Em đâu biết đâu. Dì bảo Liêm mang xuống đưa tận tay em rồi trao lại khi gặp anh.
Tôi xúc động, run run nói:
- Dì Yến bây giờ ở đâu? Anh muốn gặp dì ấy ngay, xa cách nào anh cũng phải gặp.
Người đàn bà ngồi xe lăn vừa đánh rơi cuốn sách xuống sàn nhà. Thiên-Thư đứng lên. Tôi tưởng nàng đi nhặt sách hộ người tàn tật nhưng nàng chỉ quay về chỗ cũ ngồi đối diện với tôi rồi mới đáp:
- Dì Yến ở gần đây thôi nhưng dì đi vắng không có nhà. Khi nào dì ấy về em sẽ đưa anh đi gặp.
Tôi đứng lên đi nhặt sách cho người ngồi xe lăn, hỏi bà ta có cần giúp gì không. Người đàn bà lắc đầu và nói cám ơn thật khó khăn vì trẹo miệng. Dường như tôi nghe bà nói bằng tiếng Việt. Tôi trở về bàn, hỏi Thiên-Thư:
- Em có số phone của dì không?
- Có, nhưng dì đâu có nhà mà gọi.
- Em cứ ghi ra giấy cho anh
-Thôi được, để rồi em sẽ ghi vào email gửi cho anh.
-Vậy cũng được.
Tôi lại mân mê cái đồng hồ và hồi tưởng lại người đàn bà tên Yến, lớn hơn tôi gần một con giáp.
Cạn ly xong, chúng tôi bưóc ra ngoài không quên nghiêng mình chào người ngồi xe lăn “dường như bà ta bị tai biến mạch máu” tôi nói nhỏ và Thiên-Thư ầm ừ không nói gì. Ngoài trời se lạnh. Những bụi mưa phùn lướt qua để lại những đọng sương trên tóc của Thiên-Thư thơ mộng như một thuở nào thuộc thành phố miền cao.


3. Những Trang Nhật Ký


Ngày…tháng…năm…
… Hôm nay anh Nam dẫn tên học trò xin dạy kèm cho Thư và Liêm đến ra mắt chủ nhà. Chà trông hắn cũng cao ráo, sáng sủa … Mặt hơi hơi sầu đời. Nếu cái môi trên không dầy thì cũng khá điển trai. Hai thầy trò đi bên nhau trông cũng khá giống anh em … mà sao mình ghét anh Nam… ghét quá đi …
Ngày…tháng…năm…
… Chị Oanh mua mang về trái mít thật thơm. Bóc một vài múi gói cho Lân, một gói nhờ trao cho Nam … hmmmmmm ghét ghét ghét … Sao không thấy ghé chiều nay …
Ngày…tháng…năm…
… Sáng nay chủ nhật mà sao mình buồn muốn tự tử cho chết phức đi! Lân đến dắt Liêm đi chơi bóng bàn. Chị lên đồn thăm anh. Bé Thư bị về bên nội. Trời ơi cô đơn ơi là cô đơn …ghét ghét ghét hết …
… Chiều nay sao lại yêu đời thế? Mình cứ như là con điên …
… Ngồi trò chuyện với Lân sao mình lại vui thế! … A tên này ít nói mà nói thì cũng không nhàm như mấy ông thầy Nam đạo mạo … Nam ơi … sao ngươi làm tàng quá vậy hở Nam? …
Thầy Nam dạy môn toán của tôi giới thiệu với chủ nhà xong thì để tôi ngồi làm quen với hai đứa trẻ, thầy ra hiên ngồi hút thuốc, tán gẫu với ông bạn học, Đại-úy Vũ. Con chị tên Thư 13 tuổi, thằng em tên Liêm mới lên mười. Bà mẹ rất đẹp kêu hết mọi người trong nhà lên cho tôi biết mặt trước khi cùng ăn buổi cơm chiều, “đây là ông Viện giữ vườn, ông Tư tài xế, bà bếp Năm-Tri, dì Yến vú em” bà xoắn cánh tay người vú em kẹp bên hông mình, âu yếm nói tiếp “dì ruột của hai đứa nhỏ đó”. Buổi cơm tối anh theo Tây, có thịt bít-tết, rau trứng luộc trộn xà-lách … Tôi cảm thấy đời mình bước vào… nói đúng hơn là trở về giai cấp thượng lưu như thời ông nội tôi còn sống. Những ngày sau đó, thứ hai-tư-sáu tôi cứ mong trời mau tối để đến nơi dạy kèm hai trẻ nhất là được nhìn chủ nhà là cô Oanh, đẹp từ đỉnh tóc tới lòng bàn chân.
Đại-úy Vũ đóng quân ở một tiền đồn nào đó không xa nhà lắm và cũng đi đi, về về thường xuyên. Thầy Nam của tôi thường đến chơi những lúc có mặt Đại-úy Vũ. Càng ngày tôi càng khám phá ra những chuyện lạ lùng trong ngôi nhà này. Liêm thích tôi lắm. Cô Oanh trả công tôi dạy Liêm đánh bóng bàn bằng bộ quần áo thể thao và cặp vợt xịn nhất. Thư … theo như thầy Nam kể cho tôi nghe chỉ vì hai câu “Ừ thì mình ngại mưa mau, cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi” Vũ đọc trong hôn lễ rồi lãi nhãi ngâm mỗi khi tửu nhập nên Vũ chọn cái tên tác giả là Thiên-Thư để đặt cho con trai đầu lòng. Chẳng dè lại sanh con gái và Oanh thích lại thích cái tên đó, Oanh cho rằng Thiên-Thư là tên con gái, không phải dành cho con trai. Thiên-Thư cũng có thiện cảm dành cho tôi. Cô Oanh, mẹ của thư có lối nói chuyện hay đặt tay lên vai người ta, từ bà bếp, anh Tư tài xế cho đến ngay cả tôi … làm tôi luôn xúc động và thích lắm. Đại-úy Vũ thì nóng tính, tốt bụng nhưng hay văng tục theo kiểu nhà binh, như một lần ông ta lầm tôi với anh cận vệ “Đ.M. đi mua gói thuốc không mà làm cái con C. gì lâu quá vậy?” Ông quát. “Dạ anh lính kia nhờ đưa cho chú” tôi đáp nhưng ông Đại-úy cứ tỉnh bơ rút thuốc ra hút. Bà Đại-úy nghe được, kéo tôi vào nhà (đặt tay lên vai tôi) “cậu đừng phiền anh nhé, nhà binh lính tráng hay văng tục với nhau” tôi chỉ dạ, bà chủ nhà đâu biết rằng trong mỗi trận banh tôi cũng …”Đ.M. nó đá nhẹ hều vậy mà mày cũng bắt hụt để lọt gôn” hoặc “mày đá cái con C. gì mà tao đưa banh tới chân sao không sút, Đ.M cứ sàng sê để mất banh hoài!”… Ra khỏi sân banh rồi thì tôi ít khi nào văng tục. Vì chuyện ông Vũ chữi thề này mà ai cũng cho là tôi tự ái, không chịu đến dạy học cho hai trẻ nữa.
Ngày…tháng…năm…
… Ôi con qủy … mày dám ôm hôn ông giáo Nam, đâu phải vậy cà … chính anh ấy ôm hôn mình trước mà… Nam ơi ! Nam ! …
…Vậy là Nam nhớ mình lắm. Ờ mà sao mình không ra ngoài gặp Nam…
Ngày…tháng…năm…
Hình như tên nhóc hay nhìn lén mình … nó cũng thích mình sao? Đúng tỏng rồi còn gì … không thích sao mỗi lần đi ngang qua phòng học, nó thường mất tự nhiên làm bộ ngó đi chỗ khác… Nó có biết mình với Nam yêu nhau không ta? chắc không biết…
Ngày…tháng…năm…
… Mình không biết Nam dạy thế hai đứa nhỏ để Lân học thi hay kiếm cớ để được gần mình thường xuyên hơn. Mấy tuần rồi mình cũng nhớ nhớ, Lân nó làm gì mà sao mình cũng mong nó đến thế?
Một hôm vừa mở cỗng vào nhà thì dì Yến nhảy ra từ một gốc thông hù tôi. Tôi giật mình ngơ ngác hỏi:
- Ủa Cô Yến, cô đến đây có chuyện gì không?
Dì Yến cầm bó hoa dại làm quạt, phe phẩy một bên má đáp:
- Đi thăm cho biết nhà thôi.
Tôi nửa vui nửa quýnh quáng vì chưa từng có khách tới nhà. Tôi mở cửa mời:
- Cô vào nhà chơi, cô đến bất ngờ chẳng có bánh trái trà nước gì cả. Cô Yến uống nước giếng nha!
Dì Yến không đáp, mắt cứ nhìn lên tường làm cho tôi bỗng dưng chột dạ “chết cha mình rồi!” tôi than thầm vì dì Yến sắp đặt vần đề giữa tôi và bốn người đàn bà bốc lửa cùng một nàng tiên đang treo trên tường. Tôi chờ đợi nhưng dì Yến bước tới kệ sách, kéo ra một vài cuốn xem tựa đề và tác giả. Tôi vội lủi ra ngoài đi kéo nước giếng. Lúc trở lại thì dì Yến đang đứng trước vách xoay lưng lại hướng tôi nói:
- Đây là Sophia Loren, đây là Marilyn Monroe và Brigitte Bardot … còn cô đào mặc bikini này với tiên nữ kia tên gì hở cậu?
Tôi ấp úng, sượng sùng đáp:
- Dạ … Raquel Welch và Miêu-Khả-Tú
- Cô tiên kia là tài tử Hongkong hở?
- Dạ đúng …
- Sao không thấy treo hình nam tài tử?
Tôi không biết trả lời sao. Dì Yến ngồi phịch xuống giường, nhịp tay lên áo gối hỏi một câu thật ngặt:
- Để gối như thế này thì nằm nhìn bốn mình tinh kia mới ngủ được hở?
- …
- Hình đẹp ghê, thấy cả mồ hôi với lông măng lông tơ kìa!
- …
Tay dì Yến vẫn đè lên cái gối “Ông nội ơi về cứu con” tôi vái thầm vì mỗi khi gặp nguy nan tôi có thói quen réo hồn ông tôi về giải cứu. May làm sao dì Yến đứng lên và cuốn playboy có hình lõa thể của hai chị em sinh đôi an toàn nằm yên dưới gối.
Ngồi trò chuyện cũng khá lâu về những đại văn hào và tác phẩm xong, tôi đưa dì Yến đi dạo chơi trên đồi thông. Đứng trên cao tôi chỉ tay về hướng nhà mình nói:
- Cái biệt thự là của hai vợ chồng giáo sư dạy trường Tây, ba căn nhà đá dưới thấp có lẽ là nhà của người làm vườn, nấu bếp, tài xế cho chủ nhà.
Dì Yến cất giọng nhão nhoẹt:
- Eo ơi, nhà xây bằng đá tưởng nhốt ai, căn của cậu thì cứ y như nhà mồ. Eo ơi không dám ở đâu!
Mặt trời sắp lặn tôi mới đưa dì Yến xuống đường đón xe lam về nhà. Lúc chia tay dì hỏi:
- Bộ giận ai sao không thấy đến dạy học.
Tôi ngạc nhiên đáp:
- Thầy Nam nói ông chủ đề nghị tìm sinh viên đại học hoặc giáo viên kèm tư gia chứ Lân còn nhỏ qúa…
Dì cắt ngang:
- Ủa thật vậy sao, hèn gì mấy hôm nay thầy Nam đến dạy hai đứa. Tụi nó chỉ muốn cậu thôi. Hay là mai lại nhà chơi hỏi chị Oanh cho rõ chuyện nha.
- Còn hỏi làm gì, chung quanh đây cũng có nhiều nhà mướn dạy kèm … không sao đâu.
Đêm đó nằm nhìn bốn cô đào ci-nê bốc lửa không còn như xưa nữa … Những đường cong mạnh mẽ trên thân thể của họ không bì được dáng người mãnh khãnh của dì Yến và Miêu cô nương tối ngày sách kiếm đứng … trên tường đâu cho tôi cảm xúc được dì Yến nắm tay, níu áo khi trèo đá, lúc qua mương. Tôi bâng khuâng mất ngủ, trằn trọc cả đêm. Vài hôm sau tôi được trở lại dạy kèm trẻ như cũ.
Ngày…tháng…năm…
Hôm nay buồn quá lại lang thang ghé nhà Lân tìm sách đọc. Cửa khóa nhưng lại được ông gác dạy cho cách tỉa hoa và ươm mầm, thích thật… Ông gác hiền lành dễ thương bao nhiêu, mình càng ghét lão viện nhà mình bấy nhiêu … Làm vườn không quen lấm hết áo quần phải thay ra vò giặt, phơi khô mà cái áo của Lân sao lại rộng thùng thình, mình mặc dài như cái đầm ngắn … A cậu ta coi bộ cũng cao lớn ghê … Buồn cười ông Gác cứ tưởng mình là chị hai của Lân…
Ngày…tháng…năm…
… Mẹ lên chơi nói chuyện gì với Nam ngoài vườn mãi cho đến giờ cơm? Lạ thật. Sao Nam bỏ về không chịu ngồi lại dùng cơm chiều? Mẹ cũng về sao không ngủ lại như mọi lần. Thật là điên cái đầu!
… Mình đưa tiền nhờ Lân dắt hai đứa nhỏ đi xem phim … lại bị chị Oanh rầy la may mà có mẹ binh mình…
Ngày…tháng…năm…
… Sao Nam không rủ mình cùng nhau đi trốn. Trời ơi thất vọng quá … Yêu ta mà chỉ biết gục đầu ngồi khóc như con gái vậy sao? Nhà ngươi hèn lắm … uổng cho ta kỳ vọng một tình yêu lãng mạng thầm kín.
… Mình cũng buồn, rồi cũng khóc… nằm nhớ Nam mà không muốn gặp nhau nữa. Tình yêu sao lạ kỳ thế.
Học trò đang nghỉ hè nhưng tôi vẫn phải đên dạy kèm khi thì ban ngày, lúc thì ban đêm. Một buổi trưa sau khi dạy xong, dì Yến kéo tôi ra vườn nói khẻ:
- Mấy hôm nay cậu giận tôi à?
- Giận cô chuyện gì, đâu có đâu!
- Tôi biết cậu giận đấy nhưng mà cậu hiểu lầm rồi.
Tôi nghi là chuyện tình cờ thấy ông Đại-úy bế dì Yến từ nhà tắm đi vào phòng của dì hai ba hôm trước lúc đó chỉ có một mình tôi ngồi đọc sách đợi chị em Liêm. Tôi liền qủa quyết:
- Cô Yến đừng bận tâm. Lân hứa sẽ không nói với ai một lời.
- Trời, tôi nói cậu hiểu lầm rồi … để từ từ tôi kể cho cậu nghe, tôi chắc là cậu chưa biết từ khi bước chân vào nhà này.
- Vậy cô kể đi, sao lại có chuyện hiều lầm
- Chuyện dài lắm … mai tôi sẽ đến nhà Lân nhân tiện mượn cuốn Jane Eyre đang đọc dỡ dang.
Đá trận banh nửa lạng mười cân, hòa từ đầu đến phút cuối, trước khi trọng tài thổi còi kết thúc tôi may mắn câu một quả lọt lưới vì thằng gôn ra xa, chạy về không kịp. Xong trận banh tôi bị hai ông thầy bắt cóc đem đi khao, quên bẵng có hẹn với dì Yến ở nhà. Mới đầu hai thầy uống bia, tôi uống xá-xị nhưng chẳng bao lâu thì thầy Nam bắt thầy Hải khui chai rượu của ông bố. Thầy Hải nhìn tôi hỏi:
- Uống rượu bao giờ chưa mậy?
- Dạ tí ti nhưng là rượu nếp.
- À trong nhà có nếp thang, mày uống không?
Thầy Nam xen vào:
-Cứ cho nó uống. Nò phải cạn ly với cuộc tình đã chết của tao với mày.
Nói xong thầy vịn vai tôi cất tiếng ca tình…chết hông đợi chờ … Tình xa ai nào …ngờ và nước mắt thầy bắt đầu tuôn … Rồi hai ông lấy đàn bắt tôi đệm, nào là … Thu đi cho lá vàng rơi …lá rơi cho đám cưới về … tôi đưa em sang sông, chiều sương mưa rơi âm thầm … nếu biết rằng yêu là đau khổ thì dương gian đành cố chôn vùi… Anh bây giờ có lẽ xin làm Người tình thua…Tôi ngưng tiếng đàn …chuông nhà thờ đổ lạnh … nhìn tượng Chúa gầy hơn xưa và nhìn hai ông thầy gầy guộc gục đầu xuống bàn nằm say xỉn, ke chảy dài ra khoé miệng…
Tôi về tới cổng thì tay chân bất ngờ lạnh ngắt, đầu óc choáng váng, chân đạp xuống đất bằng mà cứ thấy hố. Lê bước lảo đảo vào nhà trong khi người cứng lạnh mà mồ hôi hột rịn ra khắp người. tôi chỉ còn biết đói, lạnh, đau ..trời đất quay cuồng rồi không còn biết gì nữa …
Tôi thức dậy, người nặng như chì đành với tay lên đầu giường mở then cài cửa sổ. Nắng mai hồng ùa vào chiếu sáng chan hòa khắp phòng. Tôi tung chăn và hốt hoảng nhìn bộ pyjamas đang mặc, thò tay vào trong … không có quần lót, tôi mở banh cúc áo … bụi đất sân banh biến đâu mất và móng tay, móng chân đều sạch sẻ không một ghét bẩn. Tôi nằm yên, mỗi lần muốn nghĩ chuyện gì đã xảy ra thì đầu lại nhưn nhứt đau, đành nằm im chập chờn nhìn tia nắng đang loe ngoe cố chui vào khe nức của tường đá. Một lát sau tôi chìm vào cơn mơ …thấy người sạch sẻ, nhẹ hẫng được người ta quấn vải trắng tinh rồi bập bềnh như có thể bay được …Chết! tôi gào to kinh hãi khi nghĩ đến chết và bắt đầu rơi xuống vực sâu mà dưới đó đang có tiếng người vang vọng gọi tên tôi càng lúc càng rõ hơn và bất ngờ tỉnh cơn ác mộng. Dì Yến ngồi một bên gọi tôi thức dậy ăn cháo nóng. Tôi ngượng ngùng kéo chăn lên phủ kín tới cằm nhưng dì Yến lại kéo chăn ra “nóng thế này còn đắp chăn cho sốt thêm à” dì mắng nhưng lại cười hiền như … ma coeur.
Ngày…tháng…năm…
flower1. gif

Ngày…tháng…năm…
flower2. gif

Ngày…tháng…năm…
… Mình còn yêu người ấy không, sao hết nhớ nhung rồi?

Ngày…tháng…năm…
… Mình đang tính chuyện gì đây, thiên thần đang ngự hay ác qủy đang nhập. có lẽ thiên thần vì cậu ấy rất vui khi có mình và mình được sống lại những ngày thơ mộng mà họ đã đánh cắp của mình …

Ngày…tháng…năm…
… Hôm nay cô Linh đến chơi rủ đi xem bói. Thầy bói nói mạng mình vô chính diệu không có sao chủ mạng. Có đức, phùng thời thì số sung sướng, vô phúc thì khó suốt đời. Mình có nên tin bói toán không? Dường như số phận là thế … mình cảm thấy đời mình như một loại dây leo bám theo hạnh phúc của người. Có chồng không được dành riêng, muốn sinh con phải đợi lượt, còn yêu người thì ngang trái. Tộii cho L. Mình là nhánh xương rồng bám theo bờ dậu, tường rào … gai xương rồng đâm vào đời đầy tương lai sáng lạng của cậu ta.
Những mầm hoa vừa đâm chồi. Một khúc hoa xương rồng cắm dưới chân tường cũng vừa ra lá li ti. Dì Yến kéo tôi ngồi xuống ghế xích-đu nói:
- Cậu thấy thế nào, khỏe hẵn chưa?
- Cám ơn cô, trong người thấy khỏe mà hai chân vẫn liêu xiêu.
- Hôm nay mình kể cậu nghe chuyện nhà…
Tôi nghe dì xưng tiếng mình, cảm động nói:
- Mấy hôm nay nếu không có …
Dì Yến ngắt:
- Thôi bỏ đi! Chuyện nhỏ mà!
Nói xong dì đưa tay cài nút cổ áo cho tôi rồi kể “Hồi đó chị Oanh có bầu thằng Liêm, mẹ mình gửi mình lên săn sóc chị vì lần sinh bé Thư, chị Oanh suýt chết.” Im một lúc rồi dì Yến kể tiếp “Một đêm anh Vũ vào phòng mình … bảo im lặng không thôi người làm và chị Oanh nghe… Hôm sau mình bỏ về nhà khóc lóc với ba mẹ. Ba mẹ giận lắm nhưng khi khặp anh Vũ cùng bố mẹ xuống xin rước mình đi thì ba mẹ lại hài lòng, khuyên nhủ mình đủ điều. Mình chịu làm vợ nhỏ cho anh Vũ cũng chỉ vì dại dột nghe một câu rằng … “con làm nhỏ cho chị Oanh thì thằng Vũ không lén lút lấy người khác làm vợ bé…” Nói tới đó tự nhiên chị im bặt, nhìn lên những cành thông đang lung lay dưới nắng. Tôi hỏi ngu ngơ:
- Sao cô không có con?
- Mẹ mình dặn để chị Oanh hết thích thêm con thì đến phiên mình. Vậy gia đình mới hạnh phúc. Nhưng sau này không hiểu vì sao mình chẳng thấy có thai.
- Vậy à, tội nghiệp cô quá!
Dì Yến không buồn mà tươi cười hỏi?
- Thế chồng ẵm vợ có làm ai giận không?
Thấy tôi làm thinh, dì chữa lửa ngay:
-Thế sau này lấy vợ, cậu thích có mấy con?
- Dạ một … đội banh ạ!
Cả hai chúng tôi cùng cười vang vui vẻ. Gió đang về, thông bắt đầu reo. Dì Yến kéo tôi vào nhà nằm, nghe tôi kể tiếp đoạn Hoàng Dung phịa ra nhân vật Nam-Hải-Thần-ni để gạc Thần Điêu Đại Hiệp Dương-Qua từ bỏ ý định gieo mình xuống vực chết theo Tiểu-Long-Nữ…
Ngày…tháng…năm…
Ngày…tháng…năm…
Ngày…tháng…năm…
Một ngày đầu tháng tư năm sau, khi những bông hoa chung quanh ngôi nhà và cây xương rồng leo trên tường do dì Yến tự tay trồng và chăm sóc đã nở thắm muôn sắc màu thì chúng tôi xa nhau. Dì Yến theo gia đình xuôi Nam còn tôi đi ngược ra Nha Trang theo tàu của người anh cả đi tìm phần đất tự do còn lại trong những ngày tàn chiến cuộc. Tôi luyến tiếc căn nhà đá nơi trọ học và gần những chỗ dạy kèm. Tôi xa gia đình, lớn lên qua tuổi dậy thì một cách âm thầm, cô đơn trong căn nhà ấy lúc nào không hay. Những mùa nắng mưa, những đêm thông reo, những buổi chiều lam khói … từng chia sẻ những lúc tương tư, những thương trộm nhớ thầm … trong khuôn viên ngôi nhà đá. Rồi một ngày kia dì Yến thổi vào hồn niên thiếu của tôi với một phù phép tình yêu làm kén tôi mở ra để nhộng tôi hoá bướm… Một loài bướm yêu đời, yêu hoa đồng cỏ nội, bác ái với cuộc đời và độ lượng với chính mình…


4. Cuốn theo chiều vắng


Sau chiến tranh, tôi trở về mái nhà xưa. những bông hoa rực rỡ chung quanh ngôi nhà không còn nữa, thay bằng những luống khoai mọc cùng cỏ dại. Cây xương rồng leo trên tường khô héo, tàn tạ trông thật thảm thương. Ông Gác già đã qua đời. Phố phường thay màu áo mới … bạc phai như ngày ông nội tôi, từ âu phục trắng phau xuống màu cháo lòng bệnh hoạn. Nhà Thiên-Thư có chủ mới, trông cũng tiêu điều xơ xác. Trong một trang nhật ký dì Yến có nhắc đến chuyện gặp lại nhau nơi bến xe đò. Dì nghèo thảm não nhưng cũng mua cho tôi ba chén cơm trắng, mỗi chén có một miếng thịt kho đặt trên đỉnh như thức cúng cô hồn đói khát vào mùa vía vong linh. Tôi ăn ngon như chưa từng ăn ngon như thế, ngon vì mừng, vì thương cảm, vì gặp lại nhau trong đói rách. Sau đó tôi hộ tống dì đi thăm nuôi Đại-úy Vũ ở một trại tù giam những người buông súng hôm nào… Trên xe có những nón cối là những tấm bùa phù độ hành khách qua trạm gác nhưng đến khi lội bộ băng đồi thì tôi bị bắt và bị tước đoạt hết vật dụng trong số đó, có chiếc đồng hồ ra đời năm 1933 là kỷ vật của ông tôi để lại.
Dì Yến chấm dứt nhật ký khi những trang cuối dùng như sổ sách buôn bán có lẽ vì đời dì xem như đã hết chỉ còn biết lo cho người khác hoặc dùng giấy để viết nhật ký là một việc hoang phí giấy mực trong thời buổi cực kỳ thiếu thốn. Cô Oanh, mẹ của Thiên-Thư đi buôn hàng cấm, vẫn ăn ngon, mặc đẹp cho đến một ngày bà tạo được điều kiện để dì Yến dắt hai trẻ nhỏ lên tàu vượt biên. Nhiều năm sau cha mẹ ra đi theo diện đoàn tụ và gặp lại dì Yến với hai con. Dì Yến chia tay từ đó để tránh luật song hôn nghĩa là luật pháp bản xứ chỉ chấp nhận một chồng, một vợ.
Tôi vừa đọc xong cuốn tập cũ kỹ, nhầu nát mà phần sau là những trang vừa nhật ký vừa ghi đủ thứ lẫn lộn nhau như địa chỉ đi thăm nuôi tù, bo bo, gạo, muối, rau quả, hàng hóa thất lạc, bị tịch thu … Từ lúc bất ngờ gặp lại Thiên-Thư, cô gái nhỏ mà tôi dạy kèm trong những năm tháng còn ở trung học rồi cũng tình cờ có được cuốn nhật ký của dì Yến, người dì ruột cũng là má hai của hai chị em Thiên-Thư. Tôi đọc hai, ba lần. Lần đầu tôi chỉ tìm những chi tiết có kliên quan đến tên tôi, sau đó tôi đọc lại từ đấu đến cuối mới giật mình về giá trị của nó. Cuốn nhật ký bắt đầu bằng những tình cảm vu vơ, tâm trạng một người bước vào đời không như ước mơ nhưng sau đó là thân phận, tư duy, hệ lụy của một người đàn bà tiêu biểu cho hầu hết những người đàn bà Việt-Nam trong chiến tranh, những ngày tàn cuộc chiến và những năm tháng cực kỳ khốn khó sau chiến tranh. Tôi nhiều lần xúc động khi lật qua từng trang giấy, từ “những vần thơ non kém” còn in nét cánh phượng hồng, hoa ti-gôn nằm ép trong phần đầu cho đến những giọt dầu, nước mắm … và dường như có cả nước mắt ở những trang càng về phần cuối, Cuốn nhật ký rơi vào tay tôi cũng bất ngơ như số tôi thường gặp những bất ngờ không tính trước.
Liêm hẹn gặp tôi tại một khách sạn sang trọng ở Las Vegas nơi Liêm đang huấn luyện những khoá học chống dân chơi bài gian lận. Liêm từng bị tù vì cũng đã từng là một tay đánh bạc gian và trộm tiền-chip có hạng. Sự bất hòa của cha mẹ đưa đến việc học dỡ dang của Liêm. Cha thì ôm mãi một quá khứ của chiến tranh và đầu óc hoang tưởng chính trị trong khi mẹ vắng nhà thường xuyên với việc mua bán nữ trang, mỹ phẩm. Một hôm Liêm gây với cha rồi bỏ nhà ra đi, hắn tìm được dì Yến và được dì chu cấp cho cuộc sống rầy đây mai đó. Liêm ở tù ra thì dì Yến bị tai biến mạch máu không còn đi đứng, ăn nói được như xưa. Gặp nhau hai anh em mừng khôn tả và cùng ôn lại một thời vui buồn có nhau ở lứa tuổi học trò. Lúc chia tay nhau, một tay Liêm nắm chặt tay tôi, tay kia móc túi lôi ra một tập giấy nhầu nát “anh mang về xem, đây là nhật ký của một người mà em đã đọc qua rất nhiều lần trong tù. Trong này có khá nhiều trang nhắc tới anh và nhờ nó em mới biết cuộc đời thật khốn nạn, chiến tranh thật dơ bẩn nhưng đồng thời cũng có những tâm hồn cao đẹp, có một chuyện tình làm thằng khô khan như em đọc qua cũng bùi ngùi cảm xúc.” Liêm nói một hơi không nghỉ rồi đặt tập giấy vào tay tôi. Tôi định hỏi rằng nhật ký của ai, làm sao Liêm có được nhật ký này, nhưng rồi thấy không cần thiết nên thôi.
Thiên-Thư mặc áo tím hoa cà dưới nắng mai đầy ấn tượng, nàng ra mở cổng đón tôi vào trong rồi chỉ một thằng bé đang ngồi tập viết, giới thiệu:
- Con trai em đó. Tên nó là thằng Jim. Jimmy chào bác đi con!
Tôi thường không thích được chào miễn cưỡng nên đùa với Thiên-Thư:
- Bác chào cháu rồi!
Thiên-Thư cũng không vừa:
- Ngoan, bác ngoan chưa bắt đã chào.
Tôi cười hỏi một câu mà tên đàn ông nào cũng vấp phải khi gặp con nít:
- Thế ba nó đâu?
- Anh ấy đi “đứt” rồi
- Sao ba nó mất rồi à … thành thật chia …
- Ai nói ba nó chết hồi nào?
- Thư nói đi …”đứt”…
Thiên-Thư hiểu ra, nàng ôm ngực cười:
- Giời, ba nó đi Germany, công tác ở nước Đức đó thầy ạ!
- Ồ thì ra vậy. Anh xin lỗi.
Tôi nhìn chung quanh rồi nhìn qua cửa sổ sau vườn thắc mắc:
- Ủa sao không thấy dì Yến?
- Ai nói anh dì ở đây?
- Sao hẹn anh đến nhà này?
- Anh không thích nhà em sao?
- Ai nói thế hồi nào?
- Này anh, nãy giờ mình cứ hỏi qua hỏi lại mà chẳng ai trả lời cả. Bây giờ không được hỏi lại nha! phải trả lời nha!
- Ừ.
- Anh hỏi trước đi!
- Làm sao anh gặp được dì Yến?
- Dì không chịu gặp ai cả. Ngay cả anh.
- Vậy thì cho anh gọi phone được không?
- Dì Yến cũng không bắt phone.
- Sao vậy?
- Vô ích thôi vì dì Yến đã …
Tôi ngắt ngang, ôm đầu than:
- Trời! thảo nào dì trăn trối kỷ vật cho anh…
- Ối giời ơi! anh nghe em nói này …
- Khoan, hãy cho anh xin một phút cầu xin thương xót linh hồn dì-Yến.
- Ý không nên, không nên.
- Sao lại không nên.
- Trời ơi! Dì chưa có …chết.
- Dì còn sống sao anh không được gặp, được gọi phôn?
- Trời, khổ cho em quá. Em lỡ hứa với dì … không được nói cho anh biết.
- Nói không được thì viết
- Cũng không được báo tin bằng thư từ giấy mực luôn.
Tôi lấy làm lạ “chuyện gì đã xảy ra cho dì Yến?” nghĩ tới đó tôi chợt nhớ ra một cách:
- À hay là em làm động tác như chúng mình thường chơi đoán nghề hồi nhỏ.
Thiên-Thư phụng phịu, xoay qua, xoay lại một lát rồi gật đầu “anh ráng đoán xem nha” Thiên-Thư nói xong liền nắm đấm tay làm quơ hai hình tròn hai bên hông. Tôi đoán:
- A, dì Yến đang đi tập fitness thể dục.
Thiên-Thư mím môi, lắc đầu rồi đứng nắm hai góc của lưng ghế xong lại ngồi lên ghế … lăn …
- Trời, dì phải ngồi xe lăn.
Thiên-Thư gật đầu kế tiếp nàng với lấy cái khăn bàn đặt lên đùi rồi mở một cuốn sách ra nhưng không đọc.
Tôi suy nghĩ nát óc cũng không đoán được cho đến khi Thiên-Thư làm động tác pha cà-phê, rớt sách, nhặt lên, đeo đồng hồ … tôi mới từ từ nhớ đưọc. Tôi nói với giọng buồn thiu:
- Thì ra người ngồi trên xe lăn, đọc sách trong quán ở Laguna Niguel chính là dì Yến hả?
Thiên-Thư không dám mở miệng, chỉ gật đầu thật nhẹ.
Di Yến không trả lời thư tôi nhưng xuất hiện tình cờ trong thành phố tôi đang ở. Tôi đã biết từ khi bị tật nguyền, dì Yến tránh hết mọi người, sống âm thầm trong cộng đồng toàn người da trắng. Dì bất ngờ đến đây có lẽ vì cuốn nhật ký thất lạc mà tôi viết trong thư ước mong được gặp lại dì. Tôi cùng dì Yến thức suốt một đêm ôn lại chuyện xưa qua từng trang nhật ký. Có một lúc dì ra hiệu cho tôi lại gần, cố gắng sờ những sợi tóc mới bạc trên mai tóc tôi rồi viết “Anh Lân cũng sẽ già đi nhưng tôi nhớ mãi không quên cậu bé trong căn nhà đá hồi nào. Tôi đã chết từ lâu! Những trang nhật ký này của cô gái bất hạnh và người đàn bà may mắn biết yêu và được yêu. Rồi mai tôi với anh sẽ ra đi về cõi khác chỉ còn lại một không gian, một khoảnh khắc thời gian nào đó đã làm chứng cho sự hiện hữu của chúng mình. Vậy anh có muốn giữ nhật ký này và tùy nghi xử dụng thì cứ tự nhiên quảng đời qua tôi đã xem như cuốn theo chiều gió”
Một buổi chiều nơi vách đứng dọc theo bờ biển để du khách ngắm mặt trời lặn xuống biển khơi và hoàng hôn nhuộm đỏ đá ghềnh, bờ cát. Tôi mở dây và giấy bao cuốn tập cũ kỹ, nhầu nát mà phần sau là những trang vừa nhật ký vừa ghi đủ thứ lẫn lộn nhau như địa chỉ đi thăm nuôi tù, bo bo, gạo, muối, rau quả, hàng hóa thất lạc, bị tịch thu …
Tôi và Thiên-Thư làm theo ý dì Yến, cả hai ngồi xé vụn từng trang giấy của cuốn nhật ký cho vào cái chai. Dì Yến mân mê chai thủy tinh đã được đóng nút một lúc rồi trao cho tôi. Tôi lần xuống ghềnh đá dưới chân bờ vực, ra một mỏm đá xa nhất chỗ biên giới thủy triều đang vỗ sóng. Tôi hít hơi thật sâu, ném mạnh cái chai chứa một quá khứ không bao giờ lập lại vào lòng biển khơi.
Thiên-Thư lấy chiếc chăn đang phủ đôi chân của dì Yến, nàng nắm hai góc để gió biển mở tung ra rồi quàng qua vai dì. Thiên-Thư vẫn để yên đôi tay vừa vòng qua vừa ôm dì Yến vừa giữ chéo chăn. Gió biển thổi bay tóc hai người đàn bà mông lung hướng mắt về ánh tà dương đang chìm dần phía cuối trời Tây. Tôi ngồi trên tảng đá kề bên chiếc xe lăn. Tay tôi tìm nắm bàn tay khẳng khiu của dì. Những ngón tay dì Yến không còn sức để siết chặt tay tôi nhưng dường như tôi cảm nhận được mối thương tâm và cảm xúc đang hòa cùng nhau chạy về hai con tim. Có thêm một bàn tay vừa đặt lên vai tôi đang bấm nhẹ … Xúc cảm dâng lên như thủy triều, hồn tôi ngất ngây một thứ hạnh phúc thời niên thiếu. Tôi sẽ đứng lên, sẽ dang tay ra cho những đợt sóng bạc chồm lên chiêm ngưỡng đôi cánh thiên thần. Tôi sẽ lao ra khỏi bờ vực, xoải cánh lượn bay cùng hải âu, nói với biển cả, mặt trời, trăng, sao cùng vũ trụ rằng trong cái hằng hà xa số, trong cõi vô biên, đời đời kiếp kiếp chỉ có con người chúng tôi mới biết yêu thương. Tôi cũng yêu và đã sống trong quá khứ của người khác, cho dù quá khứ không lập lại nhưng một lần cũng đủ cho một thời để yêu…một đời để nhớ.
Mặt trời khuất dạng. Gió vừa mang hương đêm tràn về.
 
Trần Đại
Viết xong tại Sunset Clift, San Diego 10-15-2008

 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.04.2013 13:21:41 bởi trandaik >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9