Tại sao tôi chưa tái nghiện
vietlong 14.04.2013 17:37:20 (permalink)
TRỞ VỀ TRONG SỰ XUNG ĐỘT
TRAO ĐỔI VỚI NGƯỜI HỒI PHỤC ĐÃ VỀ NHÀ: 

From Long Trần Hùynh Việt <longkit2@yahoo.com>
To nguyen hadinh <hadinhnguyen1943@gmail.com>
9g38 10-4-2013

Con đang cố viết về chính sự trãi nghiệm của con sau khi rời Bình Mình, nhưng nhiều người trong cơ quan của con, họ phản đối quá, nên mới viết được vài dòng thì tính thôi, nhưng nghĩ lại vì những người khuyên không nên viết, là do họ chưa hiểu hết, nhưng con cũng bị lung lay, nên gởi chú những gì con đang nghĩ và bắt đầu viết. Mong chú cho con lời khuyên, vì con chỉ có thể viết tại cơ quan, chứ về nhà thì không thể nào viết được với thằng giặc cỏ của con. Đề tài con muốn viết là TRỞ VỀ TRONG SỰ XUNG ĐỘT.
……………………………………………………………………………………..
From hadinhnguyen1943@gmail.com
To vietlong: longkit2@yahoo.com

TRẢ LỜI LONG-KIT2

Chú rất hào hứng nếu con có ý định viết lại những gì mình trải qua. Điều đó có ích cho bản thân, những bạn bè, và cho xã hội.
Chú nghĩ, bất cứ cái gì mình đã trải qua, dù nó không tốt, cũng trở thành hửu ích. Con có cái mà người thường không có, đó là con đã nghiện, đã vượt bỏ nó, và những hiểu biết về nó. Chú không có cái đó, nhiều người không có, tất nhiên họ có cái khác. Nói như thế, không có nghĩa là mình cũng muốn trải qua nghiện. Không ai chủ động chọn được mọi con đường mình đi, nhưng cái gì đã đến với mình thì không thể gạt bỏ nó ra khỏi quá khứ được, như là sự phủ nhận. Cách chối bỏ như thế là không đúng, vì nó không thật. Nó sẽ không tốt cho người đó. Và trong phạm vi rông lớn hơn, như xã hội, cách gạt bỏ, hay phủ nhận sai lầm là làm cho lịch sử méo mó, làm nó ngắn lại, gây rắc rối cho nhiều thế hệ sau. Thái độ đó là không khoa học, không sòng phẳng với chính mình, không đàng hoàng với lịch sử. Vấn đề là hiểu nó với sự hiểu biết thấu đáo hơn, càng nghiền ngẫm cái đã trải qua, giúp cho mình thấy cuộc sống quý giá hơn, và để lại những bài học. Nếu Bác sỉ Bob Wilson có ý nghĩ chối bỏ, quên đi như thế, thì sẽ không có chương trình 12 bước mà chúng ta và nhiều người khắp thế giới đang học, mà chính ông ta cũng không còn là BS Bob nữa.
Có câu chuyện về cô Tiến sĩ thần kinh học, tên Taillor, thuộc Viện Havard, đi giảng khắp nước Mỹ về thần kinh não bộ.
Bổng nhiên, chính cô bị tai biến mạch máu não, lúc đó mới 30 tuổi. Trong cơn đau đớn, cô thầm nghĩ, dù không muốn, nhưng mình đã “may mắn” làm sao, có biết bao nhiêu Tiến sĩ về thần kinh học, nhưng mấy ai có được "trải nghiệm" như mình, để có một khám phá mới...Sau 8 năm luyện tập ròng rã, cô hồi phục hoàn toàn, và để lại cho đời một tác phẩm, một khám phá tuyệt vời, giải mã được nhiều vấn đề của cuộc sống, liên quan đến trẻ em, đến người già, đến bệnh ma túy, đến cả vấn đề Thiền của Đức Phật. Hoặc trường hợp của tác giả cuốn sách nổi tiếng Papillon - Người tù khổ sai - Gần suốt cuộc đời của ông là ở tù và vượt ngục. Không phải là người giỏi chữ nghĩa, ở tù lúc 17 tuổi, càng không phải là nhà văn, nhưng hồi ký của ông là một tác phẩm lớn, nói lên cái ý chí đi tìm tự do như là một lẽ sống cao nhất nơi con người. Tác phẩm được dịch ra trên 20 thứ tiếng...Có biết bao điển hình như thế, nhiều lắm. ! 
Cuộc sống không nhất thiết là phải quên đi, phủ nhận cái đã qua, để lao tới phía trước, tìm kiếm cái "bên ngoài" (out side) của bản thân, mà cần quay lại tìm cái bên trong (in side) của mình, nó sẽ làm phong phú thêm cho cuộc sống. Quá khứ của mình, là một kho tàng của mình. Vấn đề là biết cách nhìn mới, nhìn theo cách tích cực và hửu ích. 
Con có nên băng khoăn về những lời góp ý của những người bạn không ?, vì họ không biết được nội tâm của con, và cũng không thể đòi hỏi họ phải hiểu như con. Mỗi con người là duy nhất, không thể có 2 người giống hệt nhau trong 6 tỷ người trên quả đất nầy. Chúng ta không thể tư duy theo kiểu "gà công nghiệp", nhất tề giống nhau và giống nhau, còn gì là cuộc sống ? Chỉ có duy nhất luật pháp thì mọi người phải tuân theo, cái lớn bao trùm còn lại là dành cho tự do, phải thừa nhận sự khác biệt và tôn trọng sự khác biết đó. “Tất cả những lời khuyên đều có thể đúng và tốt", con nên thêm vào câu đó là "động cơ" . Động cơ của họ là tốt, nhưng…

Bài viết của con mang một chủ đề rất chính xác : "Trở về trong sự xung đột". Đó là một chủ đề rất hay, cần thiết, đó là hoàn cảnh chung, nó chi phối mọi người "Hồi phục" trở về ,trong tình trạng phải đối diên với toàn bộ những người thân chung quanh và cuộc sống, đối diện không phải là chống đối, mà tìm cách giải tỏa, xử lý những khác biệt. Chú không phải là người nghiện, làm sao chú có thể mô tả chính xác được những ngóc ngách tinh vi trong mối quan hệ chằng chịt của mỗi hoàn cảnh ? Nếu mỗi người hồi phục mà không viết, thì ai đây ? Dấu dốt, che dấu sai lầm, phớt lờ nhược điểm đều không phải là cách hay. Mỗi người nghiện được hồi phục là một chiến thắng rất lớn lao, vì không dễ chút nào, và là một vốn quý. Hồi tưởng được, viết ra được, là cách nâng cao nhận thức của mình, là một cách giữ mình, cũng đồng thời là cách giúp cho nhiều người hiểu được mình, không phải là điều tốt sao ?

Thật là khổ, hôm qua có 2 chàng đã bỏ trốn trong giai đoạn "cắt cơn" ở cơ sở 1. Sau 2g thì tìm lại được. Giải nghiệp chẳng dễ chút nào, Long biết đấy ! Họ không chịu hiểu. 
Long hãy cố gắng.
Hẹn thư sau. HĐN.12g 10-4-2013.

******

Sau đây là giòng ký sự gởi đến Trung tâm CNMT Làng Bình Minh, nói lên những trăn trở của Long khi đối diện với đời thường, có lẽ nhiều người thân trong gia đình có người nghiện, và người nghiện hồi phục, nên đọc để biết, để có cách ứng xử phù hợp và cảm thông. 

TRỞ VỀ TRONG SỰ XUNG ĐỘT
(T.H.Việt Long. Ngay 10-4-2013 )

Điều gì đã giữ được tôi trong sạch, chưa tái nghiện với những ngày về thật ngổn ngang trăm mối ?

Thật sự, tôi đã ấp ủ những điều sắp nói ra đây suốt những năm qua, nhưng do thời gian cũng như các điều kiện để hội tụ kiến thức lẫn kinh nghiệm của bản thân chưa đủ, nên đến hôm nay tôi mới ngồi xuống viết lại những gì mình đã bước qua, cũng như những gì mình đã nhận và đang cảm nhận được từ trong chính cuộc sống của một người trở về từ Ma túy. Thật tình, những câu chuyện như thế này chẳng có gì là tốt, hay tự hào để ngồi lại, bỏ thời gian ra viết . Cũng có không ít người khuyên tôi, nên quên nó đi để cho đời thêm vui. Tất cả những lời khuyên đó rất đúng và rất tốt, nhưng nó lại không đúng với một người nghiện ma túy như tôi. Nghiện ma túy không phải như những loại nghiện khác ngoài xã hội. Nên người nghiên ma túy như tôi, không thể nào có quyền quên mình là người nghiện. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là một trong những điều kiện cần thiết thật sự, nếu tôi muôn từ bỏ nó hoàn toàn. 

1. Trở về trong sự xung đột.
Hầu hết những người nghiện ma túy như tôi sau một thời gian điều trị nhất định, đều phải quay lại với gia đình và chính cộng đồng xã hội xung quanh mình, nơi đã sinh ra và cũng là nơi họ đã gây ra nhiều rắc rối.
Trong những ngày tháng tôi được điều trị khép kín, trong một môi trường gần như tách biệt hoàn toàn với xã hội bên ngoài, cũng chính là lúc tôi bắt đầu hồi phục sức khỏe, những cảm xúc thật của một con người bình thường đã bị mất đi trong quá trình nghiện ngập. Chính thời gian này, sự xung đột về cảm xúc liên tục xãy ra theo từng giờ, không ngừng đấu tranh trong chính con người tôi. Sự xung đột đó đã đem lại trong tôi những nhận thức tội lỗi lẫn sự hối hận, tạo tiền đề cho những ước mơ, suy nghĩ, cảm nhận cuộc sống của người bình thường, những điều này đã được tôi và những người như tôi ấp ủ trong suốt quá trình điều trị ở trung tâm.

Ngày về, một ngày và một đêm.

Ngôi nhà đầu tiên. 
Tôi trở về trong một cảm giác tự do, hừng hực những cảm xúc mãnh liệt của một người bình thường xen lẫn những cảm xúc ảo tưởng cho chính căn bệnh của mình gây ra. Nghe có vẻ nghịch lý những đó là sự thật, người bình thường nghĩ rằng sau một thời gian sáu tháng, một năm… hay nhiều hơn nữa, khi trở về là căn bệnh đã hết hẳn. Điều đó là sai lầm. Hãy nên nhớ rằng, nghiện ma túy là một bệnh mãn tính về não, và khi não có bệnh thì nó luôn luôn mang vết hằng, chỉ cần “trái gió trở trời” là nó lại tái lại.
Ngày hôm đó, tôi rời khỏi trung tâm, tôi nhận được 4 triệu đồng, đó là số tiền tôi được trả, sau ba tháng được làm học viên thử thách tại trung tâm. Số tiền tuy không nhiều so với gia cảnh tôi, nhưng nó lại là niềm vui rất lớn. Nhìn cuộc sống xung quanh mình trong cảm giác tự do, pha một chút “hai lúa” thật là thú vị. Tôi chạy rất chậm, vừa chạy vừa cảm nhận những gì lâu nay mình không được thấy, trong đầu toàn là một màu hồng về những gì sắp diễn ra với tôi. Điểm đến đầu tiên là nhà người anh họ con bác, anh là con người mà tôi muốn gặp đầu tiền, vì ba mẹ tôi đều đã mất trước đó khoảng chín tháng”
Lúc này, tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất là mình nên mua quà gì cho anh chị và hai đứa cháu mình thôi. Những mãi suy nghĩ nên về đến nhà vẫn chưa mua gì. 
Một sự ngạc nhiên mới lại xãy ra, ngôi nhà cũ đã bi xóa bỏ hoàn
toàn, một ngơi biệt thự phố hiện đại, có camera quan sát hiện ra trước mắt tôi. Tôi dứng tần ngần rồi bấm chuông cửa, khoảng 5 phút sau thì cửa mở, người mở cửa là một người chị của chị dâu tôi. Khoảng khắc này thật là lạ, tôi như một người đang sốt bị dội nguyên thau nước vào người. Ngôi nhà này lúc trước tôi luôn được mở rộng cửa, hôm nay cửa chỉ một cánh và người chị kia đứng giũa khoảng sân trống, nhìn tôi với ánh mắt nữa xa nữa gần, pha lẫn chút nghi ngại và thương hại, cùng hiện lên một sự lo lắng về tôi. Lúc này, tôi chợt hiểu ra mình là ai, từ đâu trở về. Sau vài câu xã giao, tôi quay trở đi mà không bước vào nhà, cho dù tôi rất muốn. Vã lại, trong nhà cũng không có anh chị tôi và các cháu. Nỗi buồn và mặc cảm bắt đầu xuất hiện trong tôi, nỗi nhớ ma túy cũng bắt đầu thoáng qua trong đầu tôi. Nhưng ngay lúc đó tôi tự khuyên mình “tại không có anh chị mình ở nhà, chứ nếu có thì mình sẽ không cảm thấy như vậy”

Ngôi nhà thứ hai.
Giờ đây, tâm trạng, cảm xúc tôi đã khác rất nhiều so với lúc rời khỏi cổng trung tâm, tuy không nặng nề, nhưng nó thật sự là một cái gì đó rất khó diễn tả, cứ như thế tôi lặng lẽ đi đến ngôi nhà thứ hai. Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ thích những người trong ngôi nhà này, nhưng họ là những người tính theo huyết thồng với tôi là chung một dòng máu. Dù sao với tâm trạng tôi lúc này, họ vẫn là cái phao cứu sinh tốt nhất, duy nhất có thể tạm thời kéo ngược cảm xúc tôi lên. Ngoài ra, ngôi nhà này cũng đang thờ cúng di ảnh của ba má tôi trong suốt thời gian tôi xa nhà, để sống và điều trị tại trung tâm. Tại đây, tôi được người anh rể mời vào đàng hoàng, nhưng trong trạng thái mà tôi cảm nhận là không hề vui vẻ, tôi thầm nghĩ, chẳng qua, tôi chỉ là cậu em vợ.
Điều này đối với tôi không lạ lắm, vì lâu nay vẫn thế. Ngồi trong phòng khách, tôi nhìn lên bàn thờ, thấy hình ảnh ba má tôi, cảm giác mặc cảm, cô đơn cũng dần ấm lại, mọi cảm xúc không tốt hoàn toàn mất đi, chỉ còn lại trong tôi một ước mơ rất bình dị “một bữa cơm gia đình”. Cứ thế tôi ngồi đó và tận hưởng hy vọng chị mình về sẽ giữ mình lại, dùng một bữa cơm trong nhà, dù sao cũng 9 tháng rồi tôi chưa hề có một bữa cơm thuộc về gia đình.
Ước mơ suy nghĩ vẫn chỉ là ước mơ, ngay từ khi gặp lại người chị, tôi hoàn toàn mất cảm giác… “Cậu mới về à…, chờ chị một chút…,chị lấy sổ sách tính tiền với cậu”.
Tôi ngồi đó hoàn toàn bất động, chỉ gật và gật, chứ tôi biết nói cái gì đây, khi điều mình chờ đợi là sự động viên tình cảm của một gia đình, chứ đâu phải tiền. Cứ thế tôi ngồi đó, chị cứ nói và tôi cũng chẳng biết chị nói gì nữa, cho tới khi chị đưa tôi cọc tiền và yêu cầu tôi đếm, tôi chỉ cười nhẹ và nói không cần đâu chị…. Chị tôi lại nói, cậu có cần cầm nhiều tiền vậy không, cậu cứ gởi lại đây, chị… giữ cho, khi nào cần xài cứ ghé qua mà lấy !. 
Số tiền này là một phần hụi mẹ tôi chơi trước khi bà mất. 
Nghe chị nói mà tôi càng cảm thấy buồn, lòng đau như cắt, thực tế cuộc sống đã kéo tôi lại đúng ngay vị trí đang diễn ra cho chính những con người như tôi. Ngôi nhà này trước đây đã có phần xa lạ với tôi, thì giờ đây nó lại càng xa, cái xa này nó khác xưa nhiều lắm, cái xa mà trong sâu thẳm tâm hồn là sự đau đớn, là sự
ra đi nào đó, là sự mất mát mơ hồ, mà không gì có thể bù đắp được. 
Tôi lặng lẽ rời ngôi nhà trong trạng thái của một con người mất tất cả, mà cái mất lớn lao đó có lẽ là tình cảm ước mơ về một sự thay đổi đã được lập trình sẳn trong những ngày ở trung tâm, tôi ấp ủ nó, nuôi dưỡng nó suốt chín tháng trời, vậy mà giờ đây nó gần như biến mất. Nó đã gây cho tôi một tâm trạng thật là tồi tệ, nó buộc tôi phải đứng giữa ngã ba đường. Một ngã đi về phía trước, một phía trước vô định, một ngã quay lại với việc tái nghiện, và một ngã trong sạch không có ma túy, cứ thế nó giằng xé trong tôi, vì con đường nào cũng mờ ảo mênh mông. Chính thời khắc này, những bài học của chương trình đã có cơ hội ứng dụng, nó đã giúp tôi đi thẳng đến quán cà phê sách, trên đường Trần Quốc Thảo, mà không hề nghĩ tới những chổ nào khác.
Ngồi một mình trong góc tối của quán, lúc này cũng đã hơn 11 giờ trưa, nhấm nháp ly cà phê buồn, nhìn qua tấm kiếng, trong một tâm trạng nặng nề.
Sự bất mãn, thù hận, căm tức nào đó lại quay trở lại trong tôi, nhưng không phải như ngày trước, mà giờ đây nó chỉ là sự chua chát, pha lẫn vị đắng của cuộc đời, mà có lẽ trước đây tôi chưa bao giờ gặp phải. Lúc này, hình ảnh của mẹ tôi, cùng với ý tưởng về một bài học trong chương trình cùng xuất hiện. Nó đã giúp tôi rất nhiều… Câu chuyện chú cảnh sát và con chim đã làm tôi phần nào quên đi cuộc chiến giữa tôi và ma túy. “ nếu bạn nuôi chú cảnh sát thì chú cảnh sát sẽ mạnh mẽ, lúc đó con chim sẽ bị chú cảnh sát thổi còi mối khi nó hót, còn nếu ngược lại bạn nuôi chú chim thì chú cảnh sát sẽ yếu đi và chú chim sẽ tự do mà hót bên tai bạn”. Nếu tôi nuôi dưỡng lòng thù hận, nổi chua chát, thì con chim trong lòng tôi sẽ không cất lên được tiếng hót.

Vượt cạn. 

Có nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một ngày không có chốn để về. Mọi kế hoạch đã được tính toán từ trước, giờ đây đã tan biến trong phút chốc. Sự thất vọng, ê chề trỉu nặng trong lòng tôi, mắt tôi cay xè, cảm giác sợ hải, cô đơn xâm chiếm tôi.
Cuộc sống vẫn diễn ra theo cái cách của nó, chỉ riêng một mình tôi lẻ loi, ngồi co cụm trong một góc tối, tôi nhìn tôi trong trạng thái của một người đang rơi xuống đáy, cái đáy mà các bài học đã làm tôi nhận rõ, là do chính bản thân mình tạo ra.
Thời gian luôn là thứ hủy hoại tất cả, kể cả những cảm giác tồi tệ, nó kéo tôi lại với thực tại của mình. Tôi tự nhủ, mình không thể tiếp tục trong tình trạng này được, nó sẽ làm mình nguy mất. Chẳng có gì buồn hết Long ạ, cuộc đời là thế, nó luôn luôn sòng phẳng với mọi người. Nghĩ tới đây, tự nhiên tôi nhớ tới bài thơ tôi đã làm tặng các thầy, khi Trung tâm đưa tôi đi học thiền 10 ngày tại Viện thiền nguyên thủy.

Danh Không.
Thiền tâm, thiện tâm, tâm dậy sóng
Sóng đẩy tà tâm, sóng trong lòng
Lòng người trắc ẩn như bọt sóng
Sóng đập bọt tung đã tan không

Dòng đời người ta giống hệt sóng
Lúc lên lúc xuống chẳng biết dòng
Ham chi danh lợi chỉ hư không
Để rồi ngồi trách cái danh không.

Sau những khoảng khắc tồi tệ đó, tôi cảm thấy nhẹ hơn, tinh thần đã có vẻ sáng sủa hơn, những cơn sóng lòng không còn vồ vập lấy tôi như trước đó vài tiếng. Hình ảnh trung tâm và cuộc sống tại đó cùng một số khuôn mặt, trước đây không hẳn là hoàn toàn thân thíết, bây giờ nó lại rất đổi gần gủi, thân thương với tôi đến thế. Nghĩ tới đây tôi cảm thấy nhẹ hẳn, như một luồng gió mới thổi nhẹ trong tôi, khiến lòng tôi mát lại, cảm giác lúc này của tôi như một người vừa thoát ra khỏi một cơn ác mộng, tôi khẻ rùng mình, từ từ lấy lại cân bằng, trong tôi vang lên một câu nói trong
chương trình, nó củng cố lòng tin của tôi. “ Bạn không phải chịu trách nhiệm với những gì đã xãy ra, bạn chỉ chịu trách nhiệm với những gì diễn ra trong ngày hôm nay”. 
Tôi nghĩ phải làm một điều gì đó.

Những cuộc gọi điện thoại đầu tiên.

Những cú điện thoại và nổi cô đơn.
Cầm trên tay chiếc điện thoại mà tôi mua lúc sang nay trên đường về nhà, nhìn đồng hồ thấy cũng đã qua 12h trưa, bình thường ở trung tâm lúc nầy tôi đã ăn cơm, nên bây giờ thấy đói, nhưng không lẻ mình tự do mạnh khỏe thế này lại ăn một mình ? Tôi cuối xuống nhìn lại mình, thấy giờ đây ta cũng tròn trịa, đâu phải ốm o như lúc trước, đã khác xưa rất nhiều, ra đường chưa chắc có người nhận ra mình ngay. Tôi sực nhớ trong túi cũng có một món tiền kha khá..

Hít một hơi thật sâu, tôi bắt đầu bật danh bạ tìm số để gọi. Gần hai trăm số trong danh bạ mà chảng biết gọi cho ai, cuối cùng tôi cũng tìm được một số để gọi, đó là số của một người con gái. Cô ấy có đến nhà tôi ở lại một đêm, vào dịp mẹ tôi mất, có nấu cho tôi một tô nuôi, mùi vị còn phảng phất trong kỷ niệm.
Tiếng điện thoại đầu bên kia reo lên, tôi hồi họp chờ đợi. Giọng cô vang lên, gọi ngay tên mình, anh có khỏe không… Sau vài câu thăm hỏi, tôi lên tiếng mời cô đi ăn trưa. Cô lịch sự từ chối vì đã mới ăn xong, cũng đã sắp đến giờ làm việc, cô xin hẹn lần sau. Tôi hơi bị hụt hẩng, nhưng tự an ủi, dù sao vẫn còn có cái “hẹn lần sau”. Tôi tiếp tục cuộc gọi thứ hai, rồi thứ ba, đều bị từ chối lời mời, và cũng cùng một kết quả như cuộc gọi đầu : hẹn lần sau, cái “lần sau” hờ hửng của thời gian vô hạn. Lời hẹn hò càng đem lại cho tôi thêm nổi thất vọng. 
Bỏ điện thoại vào túi, tôi bần thần nghĩ ngợi. Lúc trước, cái thuở vàng son, mình gọi có ai từ chối đâu nhỉ, không có người này thì cũng có người khác. Cái mặc cảm đi cai mới về lại trỗi dậy, mà đúng thế, ai còn muốn gặp mình chứ !. Tôi chợt nhớ câu nói ngày xưa của ba tôi mắn tôi, trong thời gian tôi nghiện ngập :
“Làm người thì khó, làm “chó” thì dễ lắm, con ạ !”. 
Đến đây tôi chẳng thèm nghĩ gì nữa, tự nhủ sẽ không gọi cho ai nữa, và đi giải quyết cái bụng đói.
Cú điện thoại may mắn
Sau một hồi đấu tranh, tôi cũng đã gọi cho một trong hai người con gái mà tôi đã làm quen trên mạng, lúc tôi còn là nhiên viên tập sự của thời gian điều trị trong trung tâm.
Cô ấy cũng biết tôi là người nghiện, nhưng không biết gì nhiều về gia cảnh trước đây của tôi. Cuối cùng rồi tôi cũng có một người mời tới nhà ăn cơm, và chấp nhận lời mời của tôi một cách thoải mái, không hề lấn cấn về cái mà tôi đã từng trải qua.

Chuyến đi chơi và cuộc tình bất ngờ.
Lên xe chạy một vòng, tôi tìm mua vài hộp quà tặng người bạn, rồi chạy về trung tâm, trong lòng cảm thấy rất dễ chịu, không hề vướng bận với những gì đã xãy ra với tôi từ sáng đến giờ.
Về tới trung tâm, mọi người rất vui và ùa ra hỏi tôi sáng giờ đi đâu làm gì… tâm lý có ổn không… Mọi người trong đó là thế đó, họ luôn luôn quan tâm tới nhau, nhất là những người nghiện đang trong giai đoạn đầu như tôi. (người thành kiến nói họ đang soi mói mình, còn tôi thì nghĩ họ quan tâm tới mình, tùy theo cách nghĩ của mình). Gởi xe lại trung tâm tôi nhờ anh ca trưởng chở tôi ra bến xe Miền đông, mua vé xe đi Vũng Tàu, vì nhà bạn tôi ở Bà Rịa.
Chiếc xe 16 chổ đầy ắp người, tôi ngồi ghế gần cuối, bên trong là một cậu sinh viên, bên ngoài tôi là hai người đàn ông khoảng trên 50 tuổi, phía sau có thêm vài người lớn hơn tôi khoảng 5 sáu tuổi. Xe chạy được khoảng 30 phút, mọi người bắt đầu có vẻ quen dần với nhau, những câu chuyện về cuộc sống được cơ hội nổi lên rất vui và xôm tụ, sau một hồi sôi động, đề tài về ma túy lại nổi lên. Có lẽ những ngày tháng học tập tại trung tâm Bình Minh, đã tạo cho tôi một hiểu biết khá tốt, nên khi nói tới đề tài này tôi lại là người gây được chú ý, được nhiều người lắng nghe nhất, và câu chuyện chỉ dừng lại khi tôi đến chổ tôi cần xuống. Trước khi rời xe, đã có vài người hỏi đỉa chỉ của trung tâm và số điện thoại của tôi.

Do đây là lần đâu tiên tôi đến nhà người bạn gái mới quen, nên tôi phải gọi lại cho cô, nhờ cô chỉ đường cho anh xe ôm. Chiều nay tôi có cảm giác được tiếp đón như một người thân từ xa trở về. Cô ấy ở riêng, nhà không có người lớn tuổi, trong nhà chỉ toàn là người trẻ, mọi câu chuyện diễn ra khá thoải mái.
Tối hôm đó, chúng tôi kéo nhau ra Vũng Tàu ngắm biển, Vũng Tàu đối với tôi không lạ, nhưng hôm nay có khác, nó hấp dẫn hơn, đẹp hơn, như tôi chưa từng thấy biển về đêm bao giờ. Cái gì đã làm tôi vui như thế ? Có lẽ đó là cái hân hoan của tự do, trong sạch, thoát khỏi ma túy, lại có một chút tình yêu chớm nở thay thế nổi cô đơn ?
Tôi đang như một người mới, cứ đi trên bải biển, thoải mái vô tư, cảm nhận những làn gió. Nổi buồn sáng nay cũng tan biến. Tôi đang tận hưởng. Tôi gác lại mọi toan tính. “Bạn không nên lập kế hoạch cho ngày mai, bạn chỉ nên lập kế hoạch của ngày hôm nay.” Chương trình 12 bước đã dặn dò như vậy. Không lao vào những phức tạp, khi chưa hội đủ những yếu tố cần thiết. 
( còn tiếp : Những viên gạch đầu tiên )

LỜI NHẬN XÉT.
Chúng ta có thể hiểu gì về tâm lý người nghiện ? 
Chỉ trong một ngày và một đêm, anh ta đã làm được chừng ấy việc, quả là giỏi! Là do tính năng động yêu đời của anh ta, hay do trạng thái hưng phấn không thể trách, của một người nghiện được hồi phục vừa trở về ? Có thể là cả hai.

*Anh ta có quyền hưng phấn, có quyền vui và tự hào, khi đã phấn đấu vượt qua một thử thách lớn như thế về căn bệnh. Anh ta muốn mọi người thân phải có trái tim đập cùng nhịp. Mong cầu như thế là không sai, nhưng không thực tế, nên mới có sự hụt hẩng- là giận hờn và trách móc. Thông thường, anh có thể đặt niềm hy vọng đó ở thế hệ một, tức là cha mẹ, mới có đủ sức bắt cùng nhịp với niềm hân hoan của anh. Ở thế hệ hai, tức anh chị em, thì chưa thể “chuyển” kịp. Vả lại, anh ta quên rằng, trong thời gian nghiện ngập, anh đã gây nên nhiều thương tổn cho mọi người, và chưa làm gì để xóa vết thương đó, vết thương mà anh gây ra. Sự thương hại, hoài nghi và đề phòng là đương nhiên phải có nơi những người thân. Anh vừa trở về, vừa xuất hiện, biết đâu anh sẽ gây thêm rắc rối ?Mà rắc rối thường là tiền bạc như quá trình nghiện mà mọi người nghiện thường gây ra. Bà chị đã vội vàng tính sổ với anh, là điều có thể hiểu và cảm thông được. Lòng anh mơ một bữa cơm thân mật, để có điều kiện cho anh giải bày sự thành công và niềm vui của mình. Nhưng có vẻ là không ổn, đó trước hết là do anh cảm thấy. Có niềm tự ái dâng trào và anh đã quay đi. Tôi cho rằng nổi tự ái nầy cũng là cần thiết, vì anh đã biết về phẩm chất tự trọng. Tự trọng là yếu tố cần thiết để anh phục hồi lại giá trị của mình. Đó là một thành phần trong việc làm phục hồi từ chứng nghiện của chương trình 12 bước. Có lẽ, anh chưa đươc “nhuyễn”lắm về bước thứ 10 và 11 của chương trình. Đó là sự nhẫn nại về những khuyết điểm mình đã gây ra. Nhưng cuối cùng thì anh đã chiến thắng, vì đã vượt qua, bằng cách đi tìm một sự chia sẻ khác. Ở đây, ta chưa thấy anh suy nghĩ gì sâu sắc hơn về việc “phục hồi mối quan hệ” như bài học đã căn dặn. Anh chỉ mới gác qua thôi.!

*Người nghiện thường là cô đơn, dù khi đã phục hồi. Nhu cầu tìm an ủi nơi người khác giới là phổ biến và khá cần thiết, nhiều khi trở nên quay quắt ! Chỉ trong một buổi sáng, hay kéo dài tới trưa, anh đã xoay ra được một đối tượng để gặp gỡ. Anh đã thu xếp để “đi ngay”trong buổi chiều và tối hôm ấy. Cuộc phiêu lưu nầy thường có hai mặt, may và ruổi, nghĩa là rất hên xui. Thảm bại hoặc hanh thông. Ở Trung tâm CNMT Làng Bình Minh từng chứng kiến cả hai mặt: tốt và xấu. Do người nầy, do người kia, hoặc do cả hai ? 

Đi tìm cái nắp chai để vặn vào cái chai có ăn khớp nhau không, quả là chuyện may ruổi, không chỉ cho người nghiện phục hồi, mà “người thường” cũng vậy. Chúng ta chờ xem “những viên gạch đầu tiên” để xây dựng Tổ ấm của Long ra sao ! 
 

 

 
 
 
 
 
 

<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2013 19:49:44 bởi vietlong >
#1
    NgụyXưa 15.04.2013 10:42:59 (permalink)
    vietlong
    . Những cuộc gọi điện thoại đầu tiên.

    Chắc là truyện này chưa chấm dứt?

    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9