ĐÔNG HẢI và thi tập Ở BÊN TRỜI [Xuất bản tại Úc năm 2000]
thuyaust 01.05.2013 18:18:41 (permalink)
Ở BÊN TRỜI
ĐÔNG HẢI Thi tập
Đông Hải-Nguyễn Đức Hiền (2003)
[Vần thơ lữ thứ]
Xuất bản tại N.S.W - Úc Đại Lợi - năm 2000  
GIỚI THIỆU 

Ở BÊN TRỜI là thi tập đầu tay của Đông Hải.

Hầu hết những thi phẩm trong thi tập này được viết bằng thể Đường luật và trong những năm gần đây [1995-99], một số bài đã được đăng tải rải rác trên báo chí Việt ngữ Úc châu trong hình thức thơ xướng họa với các thi hữu vong niên...  

Thi tập Ở BÊN TRỜI; một kỷ niệm, một tâm sự được nối dài từ năm 1975 – 1999. Hôm nay, bên đời lữ thứ; tâm sự và kỷ niệm đó được gom góp lại, chọn lựa lại rồi đóng thành tập và trân trọng gởi đến bạn hữu cùng tha nhân với ước mong nhận được sự chia sẻ chân thành trong đường lữ thứ, nơi đất khách.  

Trân trọng   
TRẦM THY Trọng đông năm Kỷ Mẹo.

(*)Thi tập Ở BÊN TRỜI đã được phát hành và ra mắt đồng hương tại N.S.W – Úc Đại Lợi năm 2000.    
VÀO TẬP

MƠ NGÀY HẠNH NGỘ
*
Mưa rơi tí tách suốt canh thâu,  
Năm tháng sương pha điểm mái đầu.  
Tâm sự mênh mang lòng kẻ Á,  
Thanh bình nhộn nhịp phố người Âu.  
Thương rừng nhớ tổ – chim thôi hót,  
Mất cội xa nguồn – gỗ có đau.  
Dệt mãi ước mơ ngày hạnh ngộ,  
Trời đêm mù mịt khói mây sầu.
  
ĐÔNG HẢI  
***
SẦU LY BIỆT  
(Mượn vần bài “Thăm mái nhà xưa”  của bà Kim-Y Phạm lệ Oanh)  
*
Vẫn trải lòng ra đón thế nhân,  
Tuổi theo năm tháng cũng qua dần.  
Ngoảnh nhìn cát bụi bờ oan nghiệt,  
Chợt thấy rêu phong bến thiện chân!  
Một kiếp vương mang cùng bút mực.  
Nửa đời tô điểm với thơ văn.  
Tha phương ray rứt sầu ly biệt,  
Dâu bể trầm luân nợ cõi trần!
 
ĐÔNG HẢI  
***
NHỚ NGƯỜI XƯA  
(Họa thơ “Quỳnh hoa công chúa”  của cố thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác.) 
*
Chim đêm buông tiếng gọi qua ngày,  
Tỉnh mộng cho lòng lặng phút giây.  
Mơ chút hương xưa, mơ bởi nhớ,  
Tưởng vầng trăng cũ, tưởng hay say.  
Nguyệt-hiên (1) một thuở thừa thi vị,  
Biệt-thất (2) mấy mùa thiếu dị cây.  
Ôn cố tri tân buồn viễn xứ,  
Ngoài kia gió cuốn lá hoa bay.  

(1)(2) Tân-Nguyệt-Hiên ở “Quỳnh Lâm Biệt Thất”  của cố thi sĩ Đông-Hồ và bà Mộng-Tuyết.  
ĐÔNG HẢI 
***
NGÀY CŨ 
Chia cách nào không khỏi vấn vương,  
Phong ba che khuất nẻo hồi đường.  
Hương xưa chất ngất màu mưa nắng,  
Ngày cũ điêu tàn phủ khói sương.  
Sử sách còn ghi dòng bão tố,  
Bia đời vẫn khắc nét đau thương.  
Hai mươi năm dễ làm phai nhạt,  
Tiếng quốc kêu khan nỗi đoạn trường!
 
ĐÔNG HẢI (1995)  
***
ĐÔI BỜ  
*
Man mác trời đêm nỗi nhớ nhà,  
Mưa buồn chẳng tạnh để phôi pha.  
Đèn khuya không tỏ người qua lại,  
Gió lạnh vẫn lùa cảnh xót xa.  
Trăng sáng có soi đầu núi Tản,  
Mây ngàn còn đợi cuối sông Đà.  
Rong chơi mãi chuỗi ngày ly biệt,  
Hun hút đôi bờ nẻo thiết tha.  

ĐÔNG HẢI  
***
CHIỀU  
*
Hoàng hôn nắng nhạt gió hiu hiu,  
Gợi nhớ quê xưa những buổi chiều.  
Tiếng võng nhà ai vang não nuột,  
Giọng hò thuở ấy vẳng cô liêu.  
Mờ mờ liễu rũ, chân con hạc,  
Thấp thoáng rừng xa, bóng chú tiều.  
Lờ lững thuyền trôi trên bến vắng,  
Thôn nghèo mái rạ ngả xiêu xiêu.  

ĐÔNG HẢI  
***
Ở BÊN TRỜI  
(tứ thủ liên hoàn)  
*
1- Nỗi sầu đọng mãi tự xa xôi,  
Một thoáng qua đi mất nửa đời.  
Hờ hững mây bay, sông vẫn chảy,  
Bâng khuâng gió thoảng, lá còn rơi.  
Chiều buông vệt nắng loang niềm nhớ,  
Ngày hết bầy chim xải rã rời.  
Lữ thứ trông hoài về cố quận,  
Ngậm ngùi thương kiếp sống bèo trôi!
 
2- Ngậm ngùi thương kiếp sống bèo trôi,  
Khúc hát quê hương đã nhạt rồi.  
Tiếng quốc lẻ đôi đêm vĩnh biệt,  
Giọng hò lỡ nhịp buổi chia phôi.  
Bài thơ hội ngộ bao giờ kết,  
Chén rượu tao phùng ước mãi thôi.  
Bến đó bờ đây xa mấy đỗi,  
Nhưng mà vời vợi cố nhân ơi.
 
3- Nhưng mà vời vợi cố nhân ơi,  
Nắng ấm bao năm khuất núi đồi.  
Quê cũ điêu tàn khi tái hợp,  
Làng xưa tan tác lúc chia đôi.  
Giăng giăng giông bão mờ thân phận,  
Mù mịt phong ba phủ kiếp người.  
Tạo hóa như dần quên vũ trụ,  
Bình minh chẳng đến ở bên trời.
 
4- Bình minh chẳng đến ở bên trời,  
Bi sử còn ghi nét tả tơi.  
Đọc áng văn xưa lòng thổn thức,  
Kết vần thơ cổ dạ bồi hồi.  
Ngàn phương mỏi cánh chim xa tổ,  
Bao bận nhớ nguồn rượu đắng môi.  
Trăng tiễn mây bay về chốn ấy,  
Nỗi sầu đọng mãi tự xa xôi!
 
ĐÔNG HẢI 4/1997  
***
MƯA ĐÊM  
*
Ngồi nghe réo rắt tiếng mưa rơi,  
Đen thẳm màu đêm phủ đất trời.  
Nhớ mái nhà xưa, ngày cách biệt,  
Mơ hương năm cũ, buổi chia phôi.  
Thủy chung vẫn giữ tròn hai chữ,  
Ân nghĩa còn ghi nặng một đời.  
Kỷ niệm tràn về bên trống vắng,  
Muộn phiền tâm sự cứ đầy vơi!  

ĐÔNG HẢI   
***
ĐÊM MƯA BUỒN  
(Họa thơ “Mưa đêm” của Đông Hải)  
*
Ngoài hiên mưa cứ mãi rơi rơi,  
Gợi nhớ xa xăm tận cuối trời.  
Đêm vắng làm tâm tư lắng đọng,  
Canh tàn ôm kỷ niệm phai phôi.  
Thương bờ bến ấy, thương quê mẹ,  
Tiếc tháng năm kia, tiếc cuộc đời.  
Réo rắt từng cơn ngoài cửa sổ,  
Giọt buồn pha giọt lệ chưa vơi!
 
TRẦM THY (phụng họa)  
***
NHỚ SÔNG XƯA  
*
Trăng treo một mảnh chiếu đầu non,  
Bàng bạc sương sa phủ lối mòn.  
Liễu rũ như buồn cơn sóng nhỏ,  
Tiêu vang tựa ngóng bóng thuyền con.  
Tiếng hò se thắt lòng cô lữ,  
Giọng hát vương sầu dạ sắt son.  
Nhớ mãi bầu trời đêm giã biệt,  
Sông kia chưa cạn, tủi đang còn!
 
ĐÔNG HẢI   
***
ĐÊM TRĂNG  
*
Bâng khuâng nỗi nhớ tối Nguyên Tiêu,  
Tri kỷ xưa nay vốn chẳng nhiều.  
Lá rụng ngoài song, đời lặng lẽ,  
Trăng soi bên mái, cảnh đìu hiu.  
Người đi xao xuyến tình cô lữ,  
Kẻ ở ngậm ngùi cõi tịch liêu.  
Trống vắng trải dài trên giấy mực,  
Buồn trong ánh nguyệt tỏa yêu kiều!
 
(Đêm Nguyên Tiêu năm Bính Tý)  
ĐÔNG HẢI  
***
NỖI LÒNG  
(Họa thơ “Đêm trăng”của Đông Hải)  
*
Quạnh vắng đêm nay nhớ tiếng tiêu,  
Bao năm hương cũ khát khao nhiều.  
Bâng khuâng trước bóng, trăng tàn úa,  
Lác đác bên thềm, mưa hắt hiu.  
Bút mực vương mang ngày lữ thứ,  
Nỗi lòng lắng đọng lúc cô liêu.  
Gió khuya man mác sầu xa xứ,  
Dáng nguyệt tha phương vẫn diễm kiều.
 
TRẦM THY (phụng họa)  
***
MỘT MẢNH TÌNH  
*
1- Lặng lẽ màn đêm phủ phố phường,  
Thu tàn chất ngất nỗi tơ vương.  
Tình xưa dẫu vẫn còn trong mộng,  
Cảnh cũ lại không ở cuối đường.  
Xao xuyến mỗi chiều buông nhạt nắng,  
Ưu phiền một bến khuất mờ sương.  
Gửi về bên ấy niềm tâm sự,  
Đong mãi cho đầy những nhớ thương.
 
2. Đáo tiết đông mang giá lạnh về,  
Tháng ngày lữ thứ vẫn lê thê.  
Trăng nhô bên mái, sầu mơ mộng,  
Mưa hắt ngoài hiên, tủi ước thề.  
Viễn xứ bao năm nương đất khách,  
Tha phương nửa kiếp nhớ hương quê.  
Dừng chân lặng ngắm đường phiêu bạt,  
Chỉ thấy sương khuya trắng cuối lề.
 
3. Gió lạnh ngày đông gợi với mình,  
Dòng đời vẫn cuốn kiếp nhân sinh.  
Trầm luân tang tóc, mùa ly loạn,  
Dâu bể điêu linh, lúc thái bình.  
Mấy kẻ chưa quên sầu cách biệt,  
Bao người còn giữ nét nguyên trinh.  
Đồng hương, chung cảnh, cùng mơ ước,  
Dệt mãi cho thơm một mảnh tình.
 
4. Mưa đông lất phất rải trên cao,  
Sương trắng như tơ quyện gốc đào.  
Một cõi phai đi...không hẳn thế,  
Trăm năm gẫm lại...có là bao.  
Niềm thương quê cũ làm ray rứt,  
Nỗi nhớ làng xưa cứ dạt dào.  
Thao thức mỗi lần đêm xuống lạnh,  
Ngắm đời rong ruổi, ngắm trăng sao!
 
5. Mưa đông rả rích bên đàng,  
Sầu vương đất khách ngập tràn trong tim!
 
*Trầm Thy Trang, đông 1997  
ĐÔNG HẢI  
***
CHIỀU ĐÔNG  
*
Hoa tuyết rơi rơi trải phố phường,  
Chiều về chẳng thấy bóng tà dương.  
Đông sang - xóm vắng buồn mưa lạnh,  
Thu hết - rừng hoang phủ khói sương.  
Lữ khách bâng khuâng sầu bến nhớ,  
Tha nhân lặng lẽ bước bên đường.  
Huyền Anh (1) gợi tủi đời luân lạc,  
Bao mảnh tình chung với cố hương!
 
*Canberra 7/1997
(1) Huyền Anh là mùa đông  
ĐÔNG HẢI  
***
HOANG PHẾ  
*
1- Thanh thanh trăng tỏa một khung trời,  
Lấp lánh sao dời đã mấy ngôi.  
Chạnh nhớ xứ mình mây vẫn phủ,  
Chợt buồn đất mẹ nắng không tươi.  
Quê hương đã mãi thôi mơ ước,  
Nhân loại đang còn nối cuộc chơi.  
Nửa thế kỷ, qua trong thác loạn,  
Điêu linh tang tóc khóc pha cười.
 
2- Tứ phía vây quanh vạn bức tường,  
Ngậm ngùi tổ quốc khóc quê hương.  
Mưa sa mắt lệ mờ xuân sắc,  
Nắng hạn vai gầy gánh gió sương.  
Khiếp hãi nhân sinh nhìn địa ngục,  
Ngây ngô thảo mộc ngắm thiên đường.  
Bi thương bốn biển còn vang vọng,  
Ảo ảnh quay cuồng nỗi vấn vương.
 
3- Để dòng sử chuyển đến ngàn sau,  
Tiếng khóc đêm đêm mẹ khấn cầu.  
Bão tố xuân kia vương gió bấc,  
Điêu tàn thu ấy phủ mưa ngâu.  
Đồng hoang lũ bướm vờn hoa dại,  
Phố vắng bầy dơi đón ánh thâu.  
Ký ức đong đầy trong biến loạn,  
Mênh mang viễn cảnh dệt tâm sầu.
 
4- Dáng hạc hoàng hôn bé tí teo,  
Cùng mây bay khuất cuối chân đèo.  
Rêu phong lối cũ con diều lượn,  
Cát bụi đường xưa vó ngựa reo.  
Một gánh đau thương mình vẫn quảy,  
Mấy thời nghiệt ngã họ đang theo.  
Trời chiều bóng ngả màu hoang phế,  
Lờ lững trôi đi những cánh bèo.
 
ĐÔNG HẢI - 1997  
***
TƠ VƯƠNG  
*
Gió đưa mây đến gợi niềm thương,  
Tím ngắt vườn hoang - vắng sắc hường.  
Ríu rít trên cành - chim xứ lạ,  
Bâng khuâng bên suối - kẻ tha phương.  
Mưa rơi - nắng nhạt, vì ngăn cách,  
Bão hết - trời quang, bởi lẽ thường.  
Năm tháng qua đi đời chẳng đợi,  
Để lòng se thắt mối tơ vương!
 
ĐÔNG HẢI  
***
HOÀI HƯƠNG  
*
Chỉ là ray rứt chẳng nguôi thôi,  
Nỗi đắng niềm cay đã đủ rồi.  
Bão tố cuộc đời kiên nhẫn quảy,  
Thời gian mưa nắng hững hờ trôi.  
Ngồi buồn nhớ mãi miền quê ngoại,  
Đứng ngóng thương hoài đất nước tôi.  
Cảm gió đưa hương từ chốn cũ,  
Để lòng se thắt, để mặn môi.
 
ĐÔNG HẢI  
***
HƯ VÔ  
*
1- Đêm phủ lâu rồi...đã sáng chưa,  
Phong ba mù mịt cuốn trong mưa.  
Bên bờ vực thẳm cheo leo ấy,  
Hoen ố một thời sách sử xưa!  

2- Ngăn cách ngàn trùng tựa giấc mơ,  
Nỗi lòng ai kết đẹp như thơ.  
Bên trời dĩ vãng mênh mang gợi,  
Lối cũ, quê xưa bỗng nhạt mờ.
 
3- Nỗi nhớ dạt dào dãy lúa xanh,  
Hương quê nhè nhẹ thoảng qua mành.  
Bàng hoàng chợt tỉnh trăng vừa tỏ,  
Để thấy sương khuya đẫm lá cành.
 
4- Xuân vắng lâu rồi hỡi nhạn ơi,  
Muộn phiền hoài bão vẫn chưa phơi.  
Buông lơi mơ ước nhân sinh vậy,  
Gẫm cái hư vô, gẫm mệnh trời.
 
5- Độc ẩm đêm này để biết cay,  
Rượu nào chưa uống đã như say.  
Bên đời kỷ niệm vương mang mãi,  
Năm tháng theo cùng cánh hạc bay.
 
6- Năm tháng theo cùng cánh hạc bay,  
Tìm đâu tuổi ngọc mất không hay.  
Mộng xanh phai mãi trong mây loãng,  
Tóc bạc thưa dần trước gió lay.  
Bão tố vẫn về cho biển động,  
Thủy chung còn đọng để thơ say.  
Đường đời vốn dĩ khôn bằng phẳng,  
Chỉ ngắm nhìn thôi chẳng giải bày,
 
7- Chỉ ngắm nhìn thôi chẳng giải bày,  
Để lòng thanh thản với hôm nay.  
Vần thơ cứ dệt khi chưa cạn,  
Men rượu không nồng lúc đã say.  
Khóm trúc vừa tàn mưa lại đến,  
Hàng dương chửa lặng gió còn lay.  
Tha nhân tự cổ hề đa dạng,  
Ai cảm ráng chiều mây trắng bay.
 
8- Ai cảm ráng chiều mây trắng bay,  
Bởi sầu thiên cổ phủ tương lai.  
Mệnh trời đã đặt, câu thành bại,  
Phận số còn mang, chữ rủi may.  
Nỗi nhớ u hoài trong ánh mắt,  
Niềm thương ôm ấp ở vòng tay.  
Mình về ngắm đoá hoa sen tự,  
Để gẫm cho đời sự đúng sai.  

9- Để gẫm cho đời sự đúng sai,  
Trăm năm cõi ấy vốn không dài.  
Đêm thu hoa lá rơi rơi rụng,  
Bên cửa trăng sao lấp lánh cài.  
Nhớ áng thơ xưa mình vẫn cảm,  
Quên bầu rượu cũ họ đang say.  
Ngoài hiên ánh nguyệt thanh thanh tỏa,  
Soi xuống mặt hồ một hoá hai.  

Trầm Thy Trang 3/98  
ĐÔNG HẢI  
***
ĐÊM THU  
*
Vỡ tổ chim bay khắp đất trời,  
Thu về lặng ngắm lá hoa rơi.  
Sầu theo mây quyện vầng trăng khuyết,  
Hận nối đêm tàn mắt lệ vơi.  
Nhớ mảnh quê xưa lòng khắc khoải,  
Dệt vần thơ cũ dạ trông vời.  
Xa xôi đất mẹ bên bờ ấy,  
Hạ có đi rồi cũng thế thôi!
 
ĐÔNG HẢI
***
TỪ THU ẤY  
(tứ thủ liên hoàn)  
*
1/ Mỗi độ thu sang phủ cảnh đời,  
Chạnh lòng một nỗi nhớ xa xôi.  
Ngoài hiên trăng tỏa màu hoang dại,  
Đáy dạ sầu dâng thoáng rã rời.  
Hình ảnh năm xưa còn rõ nét,  
Ân tình ngày cũ chẳng phai phôi.  
Ngồi đây nghĩ mãi về mai hậu,  
Để khóc quê mình buổi tả tơi.
 
2/ Để khóc quê mình buổi tả tơi,  
Bão thu Ất Dậu cuốn tơi bời.  
Tìm đâu một thoáng hương vương lại,  
Chỉ thấy nghìn dâu hận chẳng nguôi.  
Đất mẹ bia ghi dòng biến loạn,  
Văn Lang sử chép đoạn bồi hồi.  
Bốn ngàn năm lẻ thăng trầm trải,  
Nửa thế kỷ rồi lệ vẫn rơi.
 
3/ Nửa thế kỷ rồi lệ vẫn rơi,  
Đêm hoang mưa vọng tiếng ru Hời.  
Gợi buồn viễn xứ quên ngày tháng,  
Lặng nhớ quê hương khuất biển khơi.  
Một mảnh trăng soi bờ vực thẳm,  
Bao thu gió lộng cõi chơi vơi.  
Trí nhân ngã gục bên cường bạo,  
Từ ấy điêu linh ngập đất trời.
 
4/ Từ ấy điêu linh ngập đất trời,  
Bạch Tàng đem đến xót xa thôi. (*)  
Cổ nhân có khóc thời rong ruổi,  
Hậu thế còn mang kiếp nổi trôi.  
Lời mẹ nồng nàn khi vỡ tiếng,  
Điệu ru khắc khoải lúc nằm nôi.  
Để trong tiềm thức ai khơi lại,  
Mỗi độ thu sang phủ cảnh đời.
 
(*) Bạch Tàng là mùa thu.  
ĐÔNG HẢI - Trầm Thy Trang 1998  
***
BỐN ĐOẠN THƠ TÂM SỰ  
1- QUẨN QUANH (1985)  
*
Lặng nghe bão tố lộng khua mành,  
Hoa lá từng hồi rớt rụng nhanh.  
Rét mướt đông sang, sương phủ trắng,  
Nồng nàn xuân đến, mộng trồi xanh.  
Đêm thu gió rít buồn thơ thẩn,  
Ngày hạ mưa rơi nghĩ quẩn quanh.  
Nguyễn Trãi năm nao mài kiếm đợi,  
Thời nào Nguyễn Huệ phá quân Thanh.

2- CHIẾN SĨ VÔ DANH (1986)  
*
Rừng đêm rộn tiếng thú kêu sương,  
Nghĩa sĩ mài gươm diệt bạo cường.  
Sông núi tủi hờn vang tiếng gọi,  
Đồng bào khắc khoải nuốt đau thương!  
Phong ba vẫn đến cùng oan nghiệt,  
Bão tố còn qua với máu xương.  
Nối chí tiền nhân gương bất khuất,  
Mong ngày trỗi dậy cứu quê hương!

3- LỐI VỀ (1995)  
*
Một mảnh quê hương khuất bến bờ,  
Cuối trời thăm thẳm ngỡ như mơ.  
Vườn xưa hoa nở màu hoang vắng,  
Cảnh cũ tình vương dạ thẫn thờ.  
Gửi gió tâm tư người viễn xứ,  
Chờ trăng sầu muộn kẻ yêu thơ.  
Lối về bão tố giăng giăng phủ,  
Chợt thoáng thương đau mắt lệ mờ!

4- HOÀNG HÔN (1996)  
*
Thấm thoát thoi đưa bóng xế về,  
Quãng đời xa xứ trải lê thê.  
Chiều tàn hoa lá màu phai úa,  
Ngày hết chim muông lướt mải mê.  
Hoài bão vẫn còn vun ước nguyện,  
Tha nhân như đã giũ lời thề.  
Nhìn quanh chỉ thấy trời mây rộng,  
Lặng ngắm hoàng hôn dạ tái tê!  
Thơ rằng:

Mẹ Việt nam ơi nỗi đoạn trường,  
Bốn ngàn năm lẻ lệ còn vương.  
Hồn thiêng sông núi phò dân tộc,  
Nung mãi trong tim chí quật cường.
 
ĐÔNG HẢI  
***
LAN HOA TRANG  
*
Năm ấy xuân sang viếng cụ Trần,  
Xứ người nắng ấm trải đầy sân.  
Hương xưa như bỗng về đâu đó,  
Cảnh cũ dường đang hiện đến gần.  
Vịnh áng thơ sầu, chào viễn khách,  
Ngoạn vườn lan quí, lụy thi nhân.  
Tha phương chung đoạn đường luân lạc,  
Cảm chút tình quê buổi trốn Tần.(1)
 
(1) “trốn Tần” chữ của cụ Tú Phan trong bài “Ngẫu Phùng”  
ĐÔNG HẢI (1996)  
***
TƠ LÒNG  
(Cảm đề khi đọc tập thơ ‘’Bèo Mây 3’’ của nhà thơ LỆ HOÀNG)  
*
Ba tập Bèo Mây góp với đời,  
Tơ lòng vẫn trải ý không vơi.  
Ngậm ngùi tâm sự vương bên lối,  
Man mác hương thơ tỏa khắp trời.  
Tiếng nhạn tha phương sầu muộn gọi,  
Con đò viễn xứ lững lờ trôi,  
Đôi bờ một mảnh tình chưa nguội,  
Nửa kiếp đau thương vắng nụ cười.
 
TRẦM THY - ĐÔNG HẢI  
***


XUÂN HOÀI  
(Riêng tặng Trầm Thy - 1995)  
*
Xuân đến rồi đi ở cuối trời,  
Để làm héo úa cánh hoa tươi.  
Mười năm lận đận - hai màu tóc,  
Một gánh cưu mang - nửa kiếp người.  
Nhớ mãi rừng xưa - chim mất tổ,  
Thương hoài biển cũ - cá xa khơi.  
Hương quê viễn xứ tìm đâu thấy,  
Bó gối đề thơ cũng thú chơi.
 
ĐÔNG HẢI  
***
XUÂN TUYẾT LỆ  
*
Ngập ngừng khai bút gởi về đâu,  
Thăm thẳm trời mây ướp mộng sầu.  
Cúc trúc năm xưa gây nỗi nhớ,  
Mai đào ngày cũ gợi niềm đau.  
Hè đi – thu lại, cây thay lá,  
Đông hết – xuân sang, tóc đổi màu.  
Chẳng đợi không chờ sao cứ đến,  
Bâng khuâng Tuyết Lệ với đêm thâu. (*)
 
(*)Tuyết Lệ là Sydney  
ĐÔNG HẢI  
***
XUÂN TRÊN ĐẤT KHÁCH  
(họa thơ ‘’Xuân Tuyết Lệ’’ của Đông Hải)  
*
Ngậm ngùi mây tiễn gió về đâu,  
Sao mãi bâng khuâng nhặt trái sầu,  
Xa cách nghìn trùng cho tiếc nhớ,  
Chia ly đôi bến để thương đau.  
Tết về đất khách hoa không thắm,  
Xuân đáo quê xưa nắng nhạt màu.  
Cứ đến rồi đi ta chẳng đợi,  
Cảm hờn thiên cổ trải canh thâu.
 
TRẦM THY phụng họa  
***
CẢM XUÂN  
*
Ngàn trùng tâm sự gởi chim bay,  
Cảm nắng xuân nào đọng đó đây.  
Lối cũ đông tàn - người bước rộn,  
Đường xưa Tết đến - trẻ chơi bầy.  
Quê hương xa khuất mờ sương khói,  
Lữ khách sầu vương ngút gió mây.  
Thắp nén hương tàn lòng chất ngất,  
Rượu cay say giấc mộng cuồng xoay.
 
ĐÔNG HẢI  
***
XUÂN XƯA  
*
Nước trong, liễu rũ, ánh trăng ngà,  
Soi bóng nàng xuân những buổi xưa.  
Thấp thoáng con thuyền trôi lờ lững,  
Bổng trầm tiếng sáo vẳng xa xa.  
Tao đàn - họa, xướng đưa bạn đến,  
Thi hứng - rượu, trà đón khách qua.  
Nghe pháo đầu năm đâu đó nổ,  
Sum vầy ấm áp đượm hương hoa.  

ĐÔNG HẢI  
***
SANG CANH  
*
Đêm xuân chim đã ngủ trên cành,  
Thơ thẩn từng đàn cá lội quanh.  
Vằng vặc trăng soi chân nước bạc,  
Xôn xao gió thổi đỉnh non xanh.  
Trời cao thăm thẳm mây trôi chậm,  
Biển rộng chập chùng sóng vỗ nhanh.  
Tết đến bên bờ xa khuất ấy,  
Cho lòng trĩu nặng lúc sang canh!
 
(Giao thừa Xuân Mậu Dần tại bờ biển Wollongwong.)  
ĐÔNG HẢI  
***
KIẾP THA HƯƠNG  
(Họa thơ “Sang canh” của Đông Hải)  
*
Xuân sang hoa thắm nở đầy cành,  
Nắng ấm cho đàn én lượn quanh.  
Mơ mãi nhành mai chen đối đỏ,  
Nhớ hoài cánh hạc xải đồng xanh.  
Thương đời lữ thứ tình phai vội,  
Cảm kiếp tha hương tuổi chất nhanh.  
Thấm thoát hai mươi năm cách biệt,  
Tết về xao xuyến trải thâu canh!  

TRẦM THY phụng họa (Xuân Mậu Dần)  
***
XUÂN QUA XỨ LẠ  
(tứ thủ liên hoàn)  
*
1- Xuân ơi xa vắng tự lâu rồi,  
Đất khách vương sầu viễn xứ thôi.  
Đông hết bâng khuâng nhìn én lượn,  
Đêm tàn thổn thức ngắm hoa cười.  
Mai đào phố cũ còn khoe sắc,  
Cúc trúc vườn xưa có thắm tươi?  
Thương mãi bến bờ lưu luyến ấy,  
Ngậm ngùi khai bút gửi đôi lời.
 
2- Ngậm ngùi khai bút gửi đôi lời,  
Nắn nót vần thơ cổ lẻ loi.  
Chia nỗi bi thương cùng đất mẹ,  
Cảm niềm hờn tủi với quê tôi.  
Xuân sang cảnh cũ làm xao xuyến,  
Tết đến tình xưa gợi rã rời.  
Nhắn áng mây bay về bến nớ,  
Để hồn lắng lại lúc chơi vơi.
 
3- Để hồn lắng lại lúc chơi vơi,  
Sống cõi phù sinh ngắm cuộc đời.  
Nghe gió miệt mài xua biển động,  
Nhìn trăng thầm lặng tiễn mây trôi.  
Đông đi - xuân đến, hoa đua nở,  
Hè hết - thu về, lá rụng rơi.  
Rón rén Thanh Dương (*) qua xứ lạ,  
Bao giờ nàng mới thật lên ngôi?
 
4- Bao giờ nàng mới thật lên ngôi,  
Tiếng thét nhân sinh vọng một thời.  
Vỡ tổ chim bay đời lạc lõng,  
Mất rừng hổ sống kiếp buông xuôi!  
Trầm trầm lữ thứ đường hiu quạnh,  
Lặng lẽ tha phương bước tả tơi.  
Tống cựu - nghinh tân, còn ước mãi,  
Xuân ơi xa vắng tự lâu rồi!  

(*)Thanh Dương là mùa xuân  
ĐÔNG HẢI Trầm Thy Trang - xuân Mậu Dần 1998  
***
XUÂN THA HƯƠNG  
(Tâm sự riêng tặng Trầm Thy)

Hoa lá trên cành phất phới bay,  
Xuân sang lặng ngắm mảnh hình hài.  
Bao năm tết đến - vui cùng gió,  
Mấy bận đông tàn - tủi với mây.  
Mỏi gối đi hoài đường viễn xứ,  
Bạc đầu nhìn mãi lối trường nhai.  
Nghìn sau vẫn cõi ta bà ấy,  
Cạn chén rượu này để thấm say.
 
ĐÔNG HẢI  
***
MỘNG CHIỀU

Giấc mộng yên lành dưới ánh dương,  
Trời chiều nắng khuất mịt mù sương.  
Rừng xa cánh hạc miên man xải,  
Xóm nhỏ chuông chùa lặng lẽ buông.  
Thương nỗi gian truân miền đất mẹ,  
Sầu niềm trắc trở bến sông Tương.  
Bao giờ quy lại trời nam nhạn,  
Để đón xuân về với cố hương.
 
ĐÔNG HẢI  
***
XUÂN ẤT MÃO

Đông tàn gợi nhớ mãi khôn nguôi,  
Kỷ niệm bi thương một quãng đời.  
Dạo ấy nắng vàng chưa bớt nhạt,  
Năm mà mộng thắm hãy còn tươi.  
Quê mình giông bão vùi mơ ước,  
Đất mẹ phong ba lấp tiếng cười.  
Giặc giã qua đi trong thống hận,  
Chơi vơi bên ảo tưởng xa vời.
 
ĐÔNG HẢI  
***
TÂM SỰ  
(Họa thơ “Xuân Ất Mão” của Đông Hải)

Nỗi sầu ray rứt mãi chưa nguôi,  
Một mối đau thương, một cõi đời.  
Đông hết quê mình mây nắng nhạt,  
Xuân về đất khách lá hoa tươi.  
Tình kia chan chứa trong câu hát,  
Tâm ấy vương mang ở nụ cười.  
Xa cách bao năm bờ bến cũ,  
Để lòng xao xuyến dạ trông vời.
 
TRẦM THY phụng họa (1977)  
***
GỞI MẸ  
(Mượn vần bài “Xuân Ất Mão” của Đông Hải)

Nỗi buồn xa cách chẳng hề nguôi,  
Bởi đã sinh ra, sống giữa đời.  
Biển rộng - công cha tô vẫn thắm,  
Sông dài - nghĩa mẹ giữ luôn tươi.  
Tháng ngày trôi nổi nhiều giông bão,  
Mưa nắng gian truân thiếu nụ cười.  
Bỉ cực, thái lai vòng chuyển vận,  
Thương về Chu-Phước bến xa vời. (*)
 
(*) Chu Hải và Phước Tỉnh - Nhân ngày Mother’s Day 1997  
TRẦM THY (NTT)  
***
CHA  
*
Cha ơi!  
Tình cha như biển rộng  
Như mặt trời tỏa ấm giữa mùa đông  
Như dòng sông bồi đắp những cánh đồng  
Như bóng mát một đời trong nắng hạ.
 
Cha ơi!  
Tình cha như trăng sáng  
Ánh trăng rằm giữa đêm tối mênh mông  
Soi sáng cho con từ ngưỡng cửa tuổi hồng  
Dắt con đón ngày bình minh tươi sáng.
 
Cha ơi!  
Ơn cha như vũ trụ  
Như hải hà trên trái đất bao la  
Tạo con ra trong thương mến mặn mà  
Ơn nghĩa ấy suốt đời con ghi tạc.  

Cha ơi!  
Ơn cha trong đáy dạ  
Vẫn luôn đầy như ngọn thủy triều dâng  
Vẫn muôn vàn kính mến lẫn ân cần  
Thiêng liêng nhất – thiêng liêng tình phụ tử.  

TRẦM THY  
***
TRĂNG ĐÊM NAY  
(kỷ niệm lần giỗ thứ 7 của mẹ)  
*
Xóm vắng trăng khuya thiếu ánh ngà,  
Sao mai lấp lánh tỉnh hồn ta.  
Sương rơi mờ khuất niềm tâm sự  
Gió thoảng ru buồn nỗi xót xa.  
Dáng nguyệt thanh thanh sầu muộn tỏa,  
Chòm mây bàng bạc thẫn thờ qua.  
Đêm nay cũng tháng này năm ấy,  
Nhớ cảnh em thơ khóc mẹ già.
 
TRẦM THY TRANG 29/11/1996  
***
TÌNH THƠ

Chưa quen nhưng tựa mến từ lâu,  
Đọc mãi vần thơ bắc nhịp cầu.  
Dẫu chẳng một lần vui chén tạc,  
Mà như trăm bận trải canh thâu.  
Tiếng lòng chung gởi niềm tâm sự,  
Đáy dạ cùng mang nỗi cảm sầu.  
Chạnh nhớ Cao, Thanh thương bạn hữu, (*)  
Bởi tình tri kỷ dễ tìm đâu.
 
(*) Cao Phong và Thanh Hương trong  ‘’Nhóm Bảo Vệ Nam Phong’’ Queensland  
ĐÔNG HẢI  
***
DUYÊN THƠ - trong Brisbane Tạp Chí

Queensland nắng ấm một khung trời,  
Gió quyện mây ngàn rộn khắp nơi.  
Người kết tình thơ - chim kết bạn,  
Duyên hoà bút mực - nước hoà khơi.  
Để hương năm cũ thơm trên giấy,  
Cho áng văn xưa đượm với đời.  
Xướng hoạ, nhịp cầu giao cảm đẹp.  
Thú vui thanh nhã - nhã mười mươi.
 
ĐÔNG HẢI  
***
HỘI NGỘ

Hội ngộ lâng lâng chén rượu này,  
Cuộc tàn, bầu cạn vẫn chưa say.  
Tình như gói ghém cùng duyên mệnh,  
Thơ đã chan hoà với gió mây.  
Một buổi tao phùng - lòng vẫn nhớ,  
Mười năm luân lạc - dạ không phai.  
Nghìn sau tri kỷ gìn như ngọc,  
Tựa mảnh trăng tròn chẳng xẻ hai.  

ĐÔNG HẢI    
***
LAN HOA TRANG TAO PHÙNG

Tình thơ vốn nặng tự xưa nay,  
Tri kỷ tìm nhau nghĩa vẹn đầy.  
Xướng họa đôi vần, vui với bạn,  
Tơ vương nửa mối, thẹn cùng mây.  
Tao phùng, nét chữ làm xao xuyến,  
Hội ngộ, chén trà thấy ngất ngây.  
Bao ngả đường đời chung điểm gặp,  
Trăm năm nhớ mãi một ngày này.
 
*Làm tại Lan Hoa Trang 12/1/98  
ĐÔNG HẢI  
***
VÃN THI TRUY ĐIỆU CỐ THI HỮU TÚ PHAN(1)

Cụ Tú Phan ơi, cụ Tú ơi,  
Sao đành từ giã thế gian rồi!  
Sông đời vạn khúc, ông đà trải,  
Giấy mực nghìn trang, bác bỏ rơi!  
Một cõi phiêu du thôi vĩnh biệt,  
Trăm năm mãn hạn phải buông xuôi!  
Mênh mông nghĩa bút tình thi xã,  
Cụ Tú Phan ơi, cụ Tú ơi!  

Trầm Thy Trang 19/8/1999  
TRẦM THY + ĐÔNG HẢI  
(1) Thi sĩ Tú Phan tên thật là Thẩm Tú Phan  từ trần tại Bệnh viện Canterbury N.S.W ngày  18/8/1999, hưởng thọ 80 tuổi.   
***
BẠN TÔI (1)

Nhân sinh hưởng thọ tuổi năm mươi?  
Mình đã bốn lăm với cuộc đời.  
Bể khổ vô bờ, ai vẫn khóc,  
Niềm đau bất tận, bạn quên cười!  
Trần ai...lụy mãi trần ai ấy,  
Không sắc...vương hoài không sắc ơi!  
Kẻ ở, người đi luân chuyển sự,  
Trước sau, nhanh chậm tại thiên thôi..!
 
Trầm Thy Trang 29/7/99  
(1) Viết cho người bạn thân và đau khổ  trong cơn nghiệt ngã của cuộc đời.  
ĐÔNG HẢI   
***
TAN TÁC  
(Nhân đọc trên báo chí Việt ngữ về  một tù nhân chính trị VN được phóng thích...)  
*
Ảo mộng qua đi...quả lạ lùng,  
Một đời tan tác cõi lao lung.  
Quê hương thoi thóp bên bờ vực,  
Khổng tước bi thương cạnh cửa lồng.  
Nửa thế kỷ trong cơn thác loạn,  
Hai mươi năm với nỗi hoài trông.  
Thái lai hay thoát vòng giam hãm,  
Tiếng thét, vần thơ quặn thắt lòng!
 
ĐÔNG HẢI    
***
QUỲNH HOA

Nhìn quỳnh hoa nở cảm thương thay,  
Tạo hóa sinh chi cảnh chóng chầy.  
Nàng đến nửa khuya phô sắc thắm,  
Hương bay một thoáng tỏa thân gầy.  
Không chờ nắng sớm bình minh lại,  
Chẳng đợi trăng tàn giã biệt ngay.  
Khoe dáng kiêu sa cùng dạ nguyệt,  
Màng đâu bướm lũ với ong bầy.
 
ĐÔNG HẢI  
***
TỰ VỊNH  
(Mười đã)  
*
Bao năm đã cách biệt quê xưa,  
Đã sống rong rêu, đã sống thừa.  
Đã khóc cố hương nhiều tủi hận,  
Đã sầu viễn xứ những đêm mưa.  
Đã thương ngày cũ tình còn đượm,  
Đã thấy hôm nay tóc đổi thưa.  
Đã kết vần thơ trong nỗi nhớ,  
Đã buồn thân phận, đã hay chưa!
 
ĐÔNG HẢI - Trầm Thy Trang 10/1997   
***
THƯƠNG ĐAU!  
(Cảm đề khi đọc bản thảo thi tập Ở BÊN TRỜI)  
*
Chân trời lận đận lắm thương đau,  
Góc biển phiêu lưu trải nỗi sầu!  
Giông tố phũ phàng trong biến cố,  
Ngậm ngùi thế sự giữa vàng thau!  
Lênh đênh Bèo,Nước đường xa xứ,  
Bóng ngả trăng tà kiếp bể dâu!  
Lữ thứ nghiên còn câu huyết thệ,  
Vọng hoài bút ký gạt hồng châu!
 
Lidcombe 31.12.1999  
BẠCH VĂN NHÀN    
***
BÊN TRỜI CÓ NHAU  
(Cảm đề khi đọc bản thảo thi tập Ở BÊN TRỜI)  
*
Gió ru ước mộng hiu hiu  
Ngước trông cố quận trăng chiều buồn tênh  
Non sông nặng gánh chênh vênh  
Quan hoài nửa nhớ nửa quên phận người  
Trao đời một nụ hồng tươi  
Dẫu cho mưa nắng bên trời có nhau!
 
LỆ HOÀNG     
***
TỈNH MỘNG.  
(Tặng anh chị Trầm Thy và Đông Hải  nhân ngày ghé thăm anh chị - 13.10.2006)  
*
Qua hiên quán trọ cuộc đời.  
Vết phù sinh vẩn bụi thời gian trôi.  
Về qua rũ tóc sương phơi.  
Giũ xiêm áo bạc một thời công danh.  
Tình lơi những giọt tơ mành.  
Gió đong đưa nhẹ lời thanh tiếng vàng.  
Mộng đời thế thái nhân gian.  
Phủi tay gác lại muôn ngàn tỉnh say.
 
Thoát hài nhẹ gót thang mây.  
Tử sinh thoáng chỉ vài giây mơ màng.
 
LÊ ĐÌNH VIỄN LAN.
 ***  
CHO TÔI.  
*
Bên thơ từ thuở nằm nôi.  
Mẹ yêu con hát ru hời võng đưa.  
Con nằm ngủ giấc say sưa.  
Thơ chung võng cứ...ầu ơ...một đời.  

(Tặng anh chị TT+ĐH với căn nhà thơ - nhạc; nhà tuyệt vời.)  
LÊ ĐÌNH VIỄN LAN.
*** 
NẮNG THU  
(Tặng Trầm Thy + Đông Hải)

Thấp thoáng vườn thơ cánh bướm vờn,  
Đan thanh ai vẽ nét hồn đơn.  
Trầm tư thi hữu lòng xao xuyến  
Dào dạt biển đông sóng dập dồn.  
Tri kỷ tương phùng đâu dễ gặp,  
Tâm đầu ý hợp mấy ai hơn.  
Nhạc- thơ quấn quýt chờ thu đến,  
Chắp cánh bay lên nắng chập chờn.  

VIỆT NHI   
***
BẠT 
Nỗi niềm gởi gấm cho ai..?!
 
Qua thi tập Ở BÊN TRỜI - tác phẩm thi ca đầu tay của nhà thơ kiêm nhạc sĩ Đông Hải.  

Đây không phải là tiếng lòng của một kiếp người lưu vong đứng trước một mệnh số, mà là nỗi niềm của cả một dân tộc từ sau cái ngày tháng tang thương máu lửa ấy.  Hôm nay, Đông Hải đã nhập cuộc chơi văn nghệ trong những ngày tháng tận năm cùng của một thế kỷ. 

Đây quả là một thách đố với nghiệp chướng, một món nợ khó trả, đó là món nợ văn chương và qua tâm cảm của anh đã gởi gấm trong thi tập BÊN TRỜI để nói về một quê hương tang tóc, về một chia lìa đớn đau đã kéo dài suốt bao nhiêu năm, sau ngày dứt chiến chinh.  Đây không phải là nỗi hoài vọng tội nghiệp về thân phận của một dân tộc bị vẫy vùng trong vũng lầy của chủ nghĩa mà là nỗi hoài vọng của đòi hỏi vượt thoát, mối oan khiên đã tích tụ trong tâm linh anh thành đứa con tinh thần hôm nay. Thơ Đông Hải đã gieo cho ta cả một trời thương nhớ trong lòng những kẻ tha hương lưu đầy mong gửi gấm nỗi niềm về bên kia trời quê hương. Chúng ta thử đọc bài "Ngày Cũ" của anh:  

Chia cách nào không khỏi vấn vương,  
Phong ba che khuất nẻo hồi đường.  
Hương xưa chất ngất màu mưa nắng,  
Ngày cũ điêu tàn phủ khói sương.  
Sử sách còn ghi dòng bão tố,  
Bia đời vẫn khắc nét đau thương.  
Hai mươi năm dễ làm phai nhạt,  
Tiếng quốc kêu khan nỗi đoạn trường!
 
Sau tháng Tư năm 1975, Đông Hải đã tiêu phí bảy năm trong trại cải tạo mà anh gọi đó là những ngày tháng chết oan, những đêm dài ác mộng, những năm tháng chịu tội trên thánh giá đời. Con chim mang tên Đông Hải đã bay thoát khỏi ngục tù quê hương, bay qua biển đông để đến được bến bờ tự do và nhập cuộc chơi văn nghệ.  Đây là cuộc dấn thân tận cùng của ý thức trước thân phận mong manh của đời người, vì chấp nhận chơi văn nghệ trên một siêu xa lộ của thế kỷ tin học. Quả là một hành động tự phóng sinh cho thân phận mình, tự trải tấm thảm thần của Aladdin và bay vào cõi trời vô biên tự tại...  

Đông Hải đã chọn thi ca, lựa hành trang chữ nghĩa, một trò chơi liều lĩnh hơn trò chơi của những tên đu bay không có lưới an toàn ở bên dưới, chỉ cần một sơ sót nhỏ là ta có thể bị tan xương nát thịt, bởi vì thời gian của những kẻ sống sót sau cái tai trời ách nước ấy là cái tự do ta tìm lại được còn trân quý hơn kim cương, châu báu hơn cả bạc tiền và mọi tiện nghi vật chất.  

Những bài thơ Đông Hải viết về quê hương, về thân phận mình đã nói cho ta nghe về một trang sử đời người đã đi qua, bỏ lại Ở BÊN TRỜI quê hương xa cách ngàn trùng. Tôi xin cúi đầu cảm phục lòng can đảm của nhà thơ Đông Hải khi chứng kiến anh đã chấp nhận nhập cuộc và chọn đúng cách chơi của mình, vì không đi về với lịch sử, với quê hương, với thân phận mình thì làm sao ta có thể nói lên tiếng lòng u uất của đời ta với đồng loại, nhất là với thế hệ mai sau...
 
Thôi! Chúng ta hãy đi vào thi tập của Đông Hải, chúng ta hãy mở rộng đôi cánh cửa của trái tim để đón nhận những dòng thơ điêu luyện và trữ tình quê hương của anh; vì thơ là con đường ngắn nhất để ta nhận diện được nhau, để ta trở về với lịch sử và thơ cũng là một cách tốt nhất để biểu lộ ý chí tự do của con người.  Đông Hải đã bước qua một giai đoạn lịch sử hoang phế đầy chông gai, để hầu mong tìm kiếm lại được tự do trọn vẹn. Chúc thơ Đông Hải bay cao và bay xa trên khắp mặt địa cầu để sưởi ấm lại những tấm lòng băng giá hôm nay.
 
LK - ANH TUẤN - Queensland 31-12-1999
                                                    *** 
ĐÔNG HẢI: người nghệ sĩ đa sầu đa cảm  
(Cảm nghĩ khi đọc bản thảo thi tập Ở BÊN TRỜI) 

Đây là những cảm nghĩ rời, vụn, chắt chiu trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình. Nhưng vì không muốn phụ lòng bạn hiền nên đành thưa thốt vài hàng. Xin cái nheo mắt của bạn đọc thông cảm, biết sao hơn.  Ở đời, hiểu được lòng nhân thế đâu phải chuyện dễ, huống chi là những rung cảm của một nghệ sĩ tài hoa như Đông Hải!  

Tôi đã làm quen với Đông Hải qua dĩa nhạc đầu tay của anh mang tên Thu Khúc, lâng lâng với nghững âm điệu như mây theo gió một đời, một kiếp…như tình yêu là trò cút bắt dị thường, mệt vậy mà ai cũng ham yêu!  Âm điệu trong Thu Khúc ru đời bằng những vuốt ve, mơn trớn. Buồn nhưng không ảm đạm. Rời rạc nhưng không tắc nghẹn. Chán chường nhưng không tuyệt vọng…chừng ấy đã đủ đưa tên tuổi Đông Hải góp mặt trong dòng nhạc viễn xứ vốn đã khan hiếm và hạn hẹp trong cuộc sống đẩy xô trước mặt.  

Sức sáng tác của Đông Hải quả thật mãnh liệt và tuyệt vời. Anh làm chóa mắt giới thưởng ngoạn bằng cuốn CD mới trình làng còn vang vang âm hưởng ngọt ngào. Mới đó, nay anh lại cho ra mắt tiếp thi tập Ở BÊN TRỜI...hầu hết những bài thơ trong thi tập này được viết bằng thể thất ngôn bát cú và xướng họa với những tên tuổi sáng chói hiện thời tại Úc.  
Tôi tin chắc bạn đọc yêu thơ sẽ coi Ở BÊN TRỜI như một người bạn tri kỷ của mình.  

N.S.W 24/12/1999  
PHẠM QUANG NGỌC (thi-nhạc sĩ)
- Đã đưa vào TV 
Việt Dương Nhân
*Cùng một tác giả; mời quý vị đọc tiểu thuyết CẦU TRE LẮC LẺO qua đường dẫn cũng trong VNThưQuán nầy=>  http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?high&m=822855&mpage=1#822855
Về Thi tập Ở BÊN TRỜI=>http://diendan.vnthuquan....957&mpage=1#822957 
ĐÔNG HẢI tổng quát=>https://www.facebook.com/DongHaiNDH   
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.06.2016 13:43:12 bởi thuyaust >
#1
    thuyaust 09.05.2013 09:53:59 (permalink)
    VÀI NÉT CĂN BẢN VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
    TRẦM THY
     
    Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại nói chung và tại Úc nói riêng - sau hơn 25 năm về sắc thái đã nở rộ, tạo thành một vườn hoa đầy màu sắc rực rỡ, đó là điều đáng mừng về sự đóng góp tích cực cho nền văn học nghệ thuật nước nhà trong mai hậu.

    Bài viết này, người viết muốn đặc biệt trình bày những nguyên tắc rất căn bản trong thơ Đường luật - nhân dịp thi tập Ở BÊN TRỜI được dự định để tái bản lần thứ hai. 

    Khi nói đến thơ - thì; ngoài hồn thơ, ý thơ (tứ thơ) người ta đặc biệt chú ý đến niêm luật của bài thơ đó nếu là thơ Đường luật (giống như khi chúng ta đánh cờ tướng - thì chúng ta cũng phải tuân theo các luật lệ ràng buộc phải có của nó, chứ chúng ta không thể cho tướng sĩ ra ngoài cung, tượng qua bên kia sông, chốt đi ngược...được). Ở đây, người viết không nhằm ủng hộ hay không ủng hộ bất kỳ một thể loại thơ nào, mà chỉ nhằm đề cập đến những chi tiết rất căn bản về thơ Đường luật mà thôi.
     
    Trong thể loại Đường luật mà chúng ta thường gặp nhất, là những loại thơ như: thất ngôn bát cú, thất ngôn liên hoàn, thất ngôn tràng thiên, thất ngôn tứ tuyệt, thơ phân đoạn...v...v...(thơ phân đoạn là thơ gồm nhiều bài thất ngôn tứ tuyệt tạo thành; như bài “Hai sắc hoa Tigôn” của T.T.Kh chẳng hạn). 

    Thời tiền 75; ở bên nhà - trong chương trình Việt văn cho bậc trung học đệ nhất cấp có dạy về cách làm thơ, viết văn..v..v...và “Niêm luật, bằng trắc...” cho loại Thơ thất ngôn bát cú như sau: (B là bằng, T là trắc)
     
    -Thất ngôn bát cú vần trắc: 
    T T B B T T B, 
    B B T T T B B. 
    B B T T B B T, 
    T T B B T T B. 
    T T B B B T T, 
    B B T T T B B. 
    B B T T B B T, 
    T T B B T T B.

    - Thất ngôn bát cú vần bằng: 
    B B T T T B B, 
    T T B B T T B. 
    T T B B B T T, 
    B B T T T B B. 
    B B T T B B T, 
    T T B B T T B. 
    T T B B B T T, 
    B B T T T B B.

    Như thế là niêm thì; câu 1 niêm với câu 8, câu 2 niêm với câu 3, câu 4 niêm với câu 5, và câu 6 niêm với câu 7. Niêm ở đây có nghĩa là giống nhau về bằng trắc (theo màu trong bảng mẫu) và được chia làm 4 cặp là: cặp đề (Câu 1 và 2)- cặp trạng (còn gọi là thực - câu 3 và 4)- cặp luận (câu 5 và 6) - cặp kết (câu 7 và 8) và nếu để ý thì ta thấy chữ cuối cùng của những câu một, hai, bốn, sáu và tám đều là vần bằng và chữ cuối cùng của những câu ba, năm và bảy đều là vần trắc. (trừ trường hợp trốn vần, khi trốn vần thì chữ cuối cùng của câu một không theo vần và có thể là vần trắc...v...v..hoặc Thơ phá thể thì ngược lại, tức là chữ cuối của những câu 1, 2, 4, 6 và 8 là trắc và chữ cuối của những câu 3, 5 và 7 là vần bằng ...v...v... ) 

    Thơ thất ngôn tứ tuyệt (và dĩ nhiên cả thơ phân đoạn nữa) là loại thơ không có hai cặp câu đối ở giữa (tức là cặp trạng và cặp luận) mà chỉ dùng cặp đề và cặp kết để tạo thành mà thôi và niêm thì câu 1 niêm với câu 4, câu 2 niêm với câu 3.
     
    - Thất ngôn tứ tuyệt - Vần bằng [chữ màu xanh] 
    B B T T T B B, 
    T T B B T T B. 
    T T B B B T T, 
    B B T T T B B. 
    B B T T B B T, 
    T T B B T T B. 
    T T B B B T T, 
    B B T T T B B.  

    -Thất ngôn tứ tuyệt - Vần trắc [chữ màu xanh]
    T T B B T T B, 
    B B T T T B B. 
    BB T T B B T, 
    T T B B T T B. 
    T T B B B T T, 
    B B T T T B B. 
    B B T T B B T, 
    T T B B T T B. 

    Trong chữ Việt; những chữ mang dấu huyền và không có dấu là vần bằng, còn những chữ mang dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã và dấu nặng là vần trắc. (nghĩa là ngoài những chữ không có dấu và những chữ có dấu huyền là vần bằng, còn những chữ có những dấu còn lại là vần trắc).   

    Bây giờ chúng ta nói đến những điều căn bản tối thiểu cần phải giữ trong thơ Đường luật (như những luật lệ phải giữ khi đánh cờ tướng vậy):

    1/ Nhất tam ngũ bất luận - nhị tứ lục phân minh: nghĩa là trong mỗi câu của bài thơ thì chữ thứ nhất, chữ thứ ba và chữ thứ năm không nhất thiết phải giữ theo luật bằng trắc. Còn những chữ thứ hai, chữ thứ bốn và chữ thứ sáu thì nhất định phải giữ theo luật bằng trắc của nó. Phải giữ như vậy trong mỗi câu thơ. (nếu cả nhất tam ngũ và nhị tứ lục đều “phân minh” thì tốt, còn không thì chỉ giữ nhị tứ lục thôi là đủ; chứ nhất tam ngũ và cả nhị tứ lục đều “bất phân minh” cả thì mình đã làm sai niêm luật của thơ Đường luật!!!)

    Ta có thể lấy hai bài thơ (đã đi vào văn học sử dân tộc) của Bà Huyện Thanh-Quan làm tiêu biểu; đó là bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ” (vần trắc) và bài “Chiều Hôm Nhớ Nhà” (vần bằng) để làm hai bài thơ mẫu; đại loại như sau: 

    “THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ”
    (vần trắc)
    Tạo hoá gây chi cuộc trường, 
    Đến nay thấm thoát mấy tinh sương. 
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, 
    Nền lâu đài bóng tịch dương. 
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, 
    Nước còn cau mặt với tang thương. 
    Nghìn sau gương soi kim cổ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.  

    Và bài “ CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ”
    (vần bằng) 
    Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, 
    Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn. 
    Gác mái ngư ông về viễn phố, 
    sừng mục tử lại thôn. 
    Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi, 
    Dặm liễu sương sa khách bước dồn. 
    Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
    Lấy aikể nỗi hàn ôn.  
         
    Những chữ có gạch đít và in đậm là những chữ đã (phải) giữ đúng “luật bằng trắc” (nhị tứ lục phân minh). Người viết [đề nghị] dùng hai bài thơ này làm “Hai bảng mẫu” để đối chiếu niêm luật cho thơ Đường luật - vì nó dễ nhớ hơn “Hai bảng mẫu bằng trắc” (như đã ghi ở trên) và dĩ nhiên hai bài thơ này “Nhị tứ lục rất phân minh” lại ở dạng thất ngôn bát cú - chữ nghĩa, đối đáp rất vững vàng dùng để kiểm soát những bài thơ Đường luật chung quanh rất dễ dàng, nhanh chóng.    
    Để kiểm soát niêm luật của thơ thất ngôn tứ tuyệt (và dĩ nhiên cả thơ phân đoạn nữa) thì ta dùng cặp đề và cặp kết của “hai bảng thơ mẫu” này. Ta hãy thử đọc lại một vài đoạn trong bài “Hai Sắc Hoa Tigôn” của T.T.Kh:
     
    Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn, 
    Nhặt cánh hoa rơi, chẳng thấy buồn. 
    Nhuộm ánh nắng qua mái tóc, 
    Tôi chờ người đến với yêu thương.
    ...  
    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, 
    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi. 
    từng thu chết, từng thu chết, 
    Vẫn giấu trong tim một bóng người. 
    ... 
    Ta thấy hai đoạn này, đoạn đầu là vần bằng, đoạn sau là vần trắc và dĩ nhiên nhị tứ lục rất phân minh, được kết thành bởi cặp đề và cặp kết của thơ thất ngôn bát cú (tnbc). 
     
    2/ Điệp tự: là những chữ đồng âm và đồng nghĩa, tức là trong một bài thơ không nên có những chữ giống nhau về âm thanh và giống nhau cả về nghĩa. Còn những chữ đồng âm dị nghĩa thì không gọi là điệp tự (tức là những chữ giống nhau về âm thanh nhưng khác nghĩa) và “chữ láy” cũng không gọi là điệp tự thí dụ như cặp trạng của bài “Quỳnh Hoa Công Chúa” của cố thi sĩ Đông-Hồ: 
     
    - tuyết băng trinh ngọc chuốt, 
    -Chút vàng hương điểm chút hương say.
        
    Trong trường hợp này; chữ là và chữ chút là láy không phải là điệp tự. (điệp tự nếu có trong một bài thơ thì không phải là bài thơ đó sai). 
     
    *Thơ thất ngôn liên hoàn là nhiều bài thất ngôn bát cú (tnbc) dính vào nhau tạo thành một bài liên hoàn (không giống như thơ thất ngôn tràng thiên cũng gồm nhiều bài tnbc để tạo thành nhưng mỗi bài tnbc là một bài riêng biệt). Thí dụ: tam thủ liên hoàn là có ba bài tnbc dính vào nhau - bởi câu cuối cùng của bài thứ nhất là câu đầu của bài thứ hai, câu cuối cùng của bài thứ hai là câu đầu của bài thứ ba và câu cuối cùng của bài thứ ba là câu đầu tiên của bài thứ nhất. Lại không nên có “điệp vần” (?) tức là vần thơ của bài thứ nhất không nên dùng lại trong vần thơ của bài thứ hai và bài thứ ba...v...v...(bởi tuy là nhiều bài tnbc tạo thành nhưng là một bài liên hoàn). Như vậy mới hay, trọn vẹn, khó lạc đề và công phu. (vần thơ: chữ cuối cùng của những câu một, hai, bốn, sáu và tám. Thí dụ như trong bài “Chiều Hôm Nhớ Nhà” của Bà Huyện Thanh-Quan là những chữ hôn, đồn, thôn, dồn và ôn). Tuy nhiên nếu có “điệp vần” trong thơ liên hoàn thì cũng không phải là bài thơ đó sai. 

    3/ Câu đối: (cặp trạng và cặp luận) ta nên dùng cùng một loại tự để đối với nhau thí dụ; danh từ đối với danh từ, tĩnh từ đối với tĩnh từ, động từ đối với động từ ...v...v... hay màu sắc đối với màu sắc...hoặc chữ ngoại ngữ đối với chữ ngoại ngữ...(thí dụ chữ gốc Hán, chữ Anh, chữ Pháp...v...v...) nhưng nếu không đối hay đối không chỉnh hoặc là có điệp tự hay “điệp vần” mà chỉ giữ đúng niêm luật thôi thì bài thơ đó không sai nhưng kém về giá trị. 
     
    Nếu hiểu như thế, thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy một bài thơ Đường luật được làm đúng quy cách - mà bài thơ đó ý tứ không xuất sắc lắm, hồn thơ không hay lắm mà lại có người cứ đọc đi, đọc lại như ngắm một bức tranh lập thể rồi tấm tắc khen hay. Bởi vì bài thơ đó khó có thể (hay không có thể) tìm được những chữ hay hơn để thay vào mà không thay đổi ý thơ và không sai niêm luật.

    Thật ra thơ Đường luật bây giờ cũng có nhiều người làm và nhiều người thưởng thức - nhưng loại "thơ bất niêm luật" (?) làm thì cũng được, nhưng chỉ nên làm để đọc chơi hay cùng lắm là xuất hiện trên báo chí mà thôi, chứ không nên in ấn thành sách để phát hành như người viết đã từng đọc được đâu đó rải rác ở Úc và cả các nơi khác trên thế giới. Vì như thế có thể là “điều đáng tiếc” cho người đọc, người làm và cả cho văn học nữa?! 

    Những bài thơ được làm theo thể Đường luật trong thi tập Ở BÊN TRỜI của Đông Hải đã giữ được tất cả những điều căn bản như đã trình bày ở trên; duy có điệp vần trong bài “Hư Vô” (gồm đoạn đầu là thơ phân đoạn và được nối tiếp với tứ thủ liên hoàn) vốn được hoạ từ bài thơ “Một Thoáng Tâm Sầu” của Trần Thiện Hiếu và một điệp tự “tơi” (chữ thứ sáu, dòng thứ hai, đoạn thứ hai) trong bài “Từ Thu Ấy” - Điệp tự này có lẽ tác giả đã không loại bỏ được! Ngoài ra Đông Hải còn phá niêm trong bài ‘’Xuân Xưa’’. (chữ ‘’lờ’’ - chữ thứ sáu, câu thứ ba)

    TRẦM THY - 2000

    (*) Bài viết trên đây đã được đăng tải nhiều lần từ năm 2000-2008 trên báo chí, tập san… tại NSW – Úc.
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.06.2014 17:37:41 bởi thuyaust >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9