



Thời điểm này TQ sẽ hành động ngang ngược, công khai ở Trường Sa (GDVN) - Thời gian gần đây phía Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây quan ngại, căng thẳng ở Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Có thể nói các hoạt động thực tế và tuyên truyền của Trung Quốc trên Biển Đông (đặc biệt là ở hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) là những hành động nằm trong ý đồ chiến lược lâu dài và xuyên suốt là chiếm toàn bộ Biển Đông trước giai đoạn 2025-2030.
Ngày [link=tel:20/3/2013]20/3/2013[/link], Tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96382 TS.
Các hành động này thường được các tổ chức, ban, ngành (ngư chính, hải giám, hải quân, ngoại giao, truyền thông… của Trung Quốc) phối hợp với nhau rất chặt chẽ, bài bản và có ý đồ, khi thì tiến hành bí mật (đổ trộm vật liệu, xây dựng công sự trái phép tại các bãi đá, san hô ở quần đảo Trường Sa), khi lại được công khai với sự hậu thuẫn của báo chí và các phương tiện truyền thông của TQ.
Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt và chiếm đóng phi pháp từ năm 1974. Từ đó đến nay, TQ luôn tìm cách ngăn cản, gây rối, bắt bớ tàu thuyền ngư dân của ta đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, phía Trung Quốc tiếp tục có những hành động vi phạm chủ quyền, gây quan ngại ở Biển Đông như:
Ngày [link=tel:20/3/2013]20/3/2013[/link], Tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96382 TS đang hoạt động bình thường tại vùng biển có chủ quyền của Việt Nam. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
Ngày 6/5/2013, Trung Quốc tổ chức đưa 32 tàu cá ra khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh bắt trái phép trong khoảng thời gian 40 ngày. Đáng chú ý, đường cơ động của 32 tàu cá Trung Quốc men theo cái gọi là đường lưỡi bò 9 đoạn hướng về phía bờ biển của Việt Nam.

32 tàu cá Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thả neo và đánh bắt trái phép trong vùng biển phía cực Tây Nam quần đảo Trường Sa
Vào lúc 16 giờ 45 phút chiều [link=tel:13/5/2013]13/5/2013[/link], 32 tàu cá Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành thả neo và đánh bắt trái phép trong vùng biển phía cực Tây Nam quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc công khai tọa độ vị trí các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép nằm ở 6,01 độ Vĩ Bắc, 108,48 độ Kinh Đông, cực Tây Nam quần đảo Trường Sa.
Cũng trong ngày [link=tel:13/5/2013]13/5/2013[/link] khi 32 tàu cá Trung Quốc đến khu vực này, Hải quân Trung Quốc đưa tin một biên đội tàu hộ vệ mang tên lửa của hạm đội Nam Hải đang thực hiện cái gọi là "tuần tra sẵn sàng chiến đấu" và tập trận thường niên trái phép trong vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngư dân Trung Quốc hạ neo chuẩn bị đánh bắt trái phép tại vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Từ ngày 6/5/2013 đến ngày [link=tel:14/5/2013]14/5/2013[/link], Trung Quốc tổ chức khảo sát đảo trái phép xâm phạm chủ quyền Trường Sa. Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã phái 1 đoàn khảo sát trái phép một số đảo, bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, một hành động leo thang gây căng thẳng Biển Đông. Đây là lần đầu tiên tỉnh Hải Nam, Trung Quốc phái 1 đoàn khảo sát trái phép ra Trường Sa kể từ khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp, phi lý và vô hiệu hồi tháng 6 năm ngoái.
Đoàn khảo sát của tỉnh Hải Nam đã đáp tàu Ngư chính 310, con tàu hiện đại nhất của lực lượng Ngư chính Trung Quốc trên Biển Đông kéo ra xâm nhập và khảo sát trái phép Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (3 điểm đảo, bãi đá này đang bị lính Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và bãi ngầm James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km.
Mục đích của chuyến khảo sát phi pháp này theo Tân Hoa Xã là nhằm điều tra thực địa để phục vụ cho việc làm quy hoạch phát triển cái gọi là "thành phố Tam Sa", một âm mưu độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.

Tàu Ngư chính 310 chở đoàn khảo sát đảo Hải Nam, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa từ 6/5 đến 14/5
Ngày [link=tel:15/3/2013]15/3/2013[/link], Nhân Dân nhật báo, một tờ báo được coi là cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất bản trên toàn thế giới với số lượng từ 3 đến 4 triệu bản mỗi ngày chưa kể phiên bản điện tử (tờ báo này cung cấp thông tin trực tiếp về các chính sách và quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các phiên bản đa ngôn ngữ) đã đăng tải bài viết với nội dung xúi giục Đài Loan nên "cứng rắn với Việt Nam" ở Trường Sa bằng cách "không cần cảnh cáo, bắn thẳng vào tàu hoặc máy bay của Việt Nam" nếu đi vào vùng biển phụ cận đảo Ba Bình.
Theo dõi những động thái mới nhất này của phía Trung Quốc, có thể nhận thấy, việc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (tiếng Anh: United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam của phía Trung Quốc ngày càng tăng về số lượng và tính chất vụ việc.
Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc liên tiếp có các hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam (chưa tính đến việc gây căng thẳng với Phillippines, xúi giục Đài Loan nhân sự kiện tàu cá bị bắn cháy đả đũa Malina)?
1. Mục tiêu trước mắt nhằm gây hấn trên thực địa, tăng cường thị uy trước thềm đối thoại an ninh khu vực Shangri-La 2013, cảnh báo và đe dọa các bên liên quan.
Câu trả lời có thể ít nhiều được lý giải bởi sự kiện Đối thoại Shangri-La 2013 sắp sửa được tổ chức tại Singapore (từ 31/5 đến 2/6/2013) tới đây với sự tham gia của nhiều quan chức an ninh và chính quyền cao cấp của 27 quốc gia ở khu vực và thế giới.
Một nhà quan sát ở Hà Nội cho biết, cũng giống như các thời điểm trước thềm hội nghị đối thoại an ninh Shangri-La 2011, Shangri-La 2012 được tổ chức trong các năm trước, Trung Quốc vẫn dùng chiêu bài cũ đó là cố tình tạo ra căng thẳng về chủ quyền để thể hiện rằng Trung Quốc là nước có ảnh hưởng lớn nhất đến an ninh, trật tự trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang đã thực sự bắt đầu thực hiện chiến lược quay lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tham gia đối thoại Sangrila 2013
Trung Quốc muốn tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn đối các "nước thứ 3" gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản – các quốc gia chắc chắn đã và sẽ can thiệp vào vấn đề Biển Đông vì chiến lược và lợi ích của họ (an ninh hàng hải, đi lại tự do, hợp tác làm ăn…) tại khu vực này.
Không chỉ có vậy, các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ để đánh tiếng với dư luận về sự ảnh hưởng của nước này đối với khu vực mà đó là những bước đi cụ thể trong “lộ trình đoạt trọn Biển Đông” được diễn đạt bằng tuyên bố “đường lưỡi bò chín đoạn” (phi lý, phi pháp) bao trọn 1,7 triệu km Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cũng như tại một số bãi cạn mà Philippines tuyên bố có chủ quyền.
Về diễn đàn đối thoại an ninh Sangrila 2013, đây là diễn đàn không ràng buộc về mặt pháp lý. Tất cả những vấn đề được đưa ra bàn luận tại hội nghị chỉ là để thảo luận, không đi đến bất cứ kết luận ràng buộc nào và các nước tham dự diễn đàn này không phải chịu bất cứ trách nhiệm quốc tế nào. Tuy nhiên, Shangri-La cho đến nay vẫn được đánh giá là diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mục đích chính của Đối thoại Shangri-La là trao đổi, thảo luận về nghiên cứu chính sách quốc phòng và tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Được xem là một kênh xây dựng lòng tin bổ sung cho Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La), do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh, đứng ra tổ chức hằng năm tại khách sạn Shangri-La ở Singapore.
[nguồn GDVN]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2013 13:55:40 bởi TRAN NAM VUONG >