Nhà văn Băng Hồ - Đặng Trần Phiến( 1926-2008) xuất thân trong một gia đình có “nghiệp văn chương” ( lời của nhà văn Giang Quân): Ông nội là Cụ Đặng Trần Vỹ có bài thơ “Đề Trấn Võ quán” treo ở đền Quán Thánh –Hà Nội. Cha là nhà văn Đặng Trần Phất : một trong những người viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam .
Sau khi Nhà Văn Băng Hồ mất , gia đình đã cho xuất bản Tập “ Thơ của một người “, dựa trên tập bản thảo ông để lại . Tôi xin giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu trong tập :” Thơ của một người “ của Nhà văn Băng Hồ .Trong đó,tôi xin giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu trong 3 giai đoạn làm thơ trong cuộc đời người : Giai đoạn thanh niên
(
Tuổi hoa niên) ; giai đoạn trong kháng chiến chống Pháp (
Bút gươm) ; và giai doạn chỉ làm thơ cho gia đình (
Hương lửa)
Phần 1 : Tuổi Hoa niên Tuổi Hoa niên
Tuổi hoa niên rất đỗi dại khờ
Lắm nhớ ,nhiều thương chuyện ngẩn ngơ
Háo hức ruổi theo bao cánh bướm
Sảy trượt tay, đứng tiếc ngẩn ngơ
1950
Hoa Niên
Em muốn tìm thăm hiểu cuộc đời
Của người thơ trẻ gã đôi mươi
Chiều nay đi giữa mùa hương khói
Mớ nét thu gầy đếm lá rơi
Ngay xưa em nhớ nhé- ngày xưa
Có gã thư sinh mải cợt đùa
Lơ đãng mộng hồn bên lớp học
Nghe bày chim gỉang chép bài thơ
Ta chót làm thơ tự buổi đầu
Chót sầu vơ vần- nhớ không đâu
Chót cười quên cả bao năm tháng
Quên cả bên mình cuộc sống đau
Năm tháng hồn nhiên khúc ái ân
Yếu oanh bay lượn yến oanh gần
Một buổi ngòai xa đưa tiếng hẹn
Ôi đời ngơ ngác giữa tường câm
Ta xếp hiền nhân giả ngói nâu
Xênh xang bước dại dẫm lên sầu
Trang đời mở rộng thay trang sách
Rộn rã đường vui,áo nhuộm màu
Ta mải tìm thăm những gót sen
Của người gái đẹp mắt hư huyền
Ngập ngừng nghe bước chim run gió
Tập thử bên hồn một tiếng “em”
Nghe nói người ngoan ngỡ được chiều
Tuổi còn ngây dại biết bao nhiêu
Cái buổi đầu tiên thương nhớ gửi
Lệ chát hoen giòng đẫm nét yêu
Ta biết đời ta mãi chỉ là
Làm thơ dâng tặng những ” người ta”
Người không gần gũi người xa lắm
Đời cứ qua dần chẳng hẹn ta
Ta biết đời ta mãi chỉ là
Cô đơn thuyền nhỏ bến thi xa
Ngày không chuyển nắng ,chiều im gió
Ngõ lạnh,đường hoang,buổi chợ tà
Em đã nghe chăng ? em có thương
Đêm nay, ờ nhỉ,loạn sa trường
Có gã thơ kia hờn lẫn tủi
Chắp hoài thương nhớ gửi mười phương .
1951
Phần 2 : Sáng tác trong thời kỳ chống Pháp Nhà văn Băng Hồ đi tản cư lúc toàn quốc kháng chiến và sau đó do nhiều lý do đã trở về Hà Nội sống trong vùng tạm chiếm. Tuy sống trong vùng tề,nhưng tấm lòng ông vẫn hướng theo kháng chiến. Thời gian này ,ông chủ yếu sáng tác truyện ngắn,ký sự,tản văn cho một số báo ở Hà Nội.Những tác phẩm ấy của ông đã được Nhà Xuất bản Văn học in năm 2002 dưới tiêu đề Tập truyện ngắn “ Phượng ơi! Mùa dĩ vãng “. Tôi xin giới thiệu 2 bài thơ của Ông lúc di tản cư :
Bút gươm
Không ,không bút mỏng cũng như gươm
Phải diệt lòng tham,chống bạo cường
Gươm đã sắc nhiều nơi chiến trận
Bút nguyền xứng đáng với tiền phương
12/1946
Thơ tôi một thuở mờ chinh chiến
Thơ tôi một thuở mờ chinh chiến
Mang nặng trong lòng bóng dáng quê
Như gió rì rào trong bụi vắng
Như trăng ấp ủ mộng trên đê….
Tôi yêu đồng lúa trĩu bông vàng
Man mác hương thơm tỏa nhẹ nhàng
Khoai sắn nằm im nghe đất thở
Giòng đời tươi mạnh,tiếng kêu vang…
Tôi yêu phiên chợ quán gầy tanh
Gót mẹ già nua bước chẳng thành
Còm cõi trên vai đôi gánh nhỏ
Lần hồi kiếp sống ít đua tranh
Tôi yêu vẻ đẹp bác nông phu
Chẳng biết ưu tư,chẳng biết sầu
Khói thuốc mơ màng xây mộng ước
“Bao giờ giàu có tậu con trâu…”
Và yêu hơn cả cô thôn nữ
Má khẽ làm duyên ửng nắng hồng
Đôi môi se chỉ trầu thêm thắm
Gọi người trai trẻ chỉ bằng “ông”
Cô ở bên kia tôi bên đây
Nhớ thương cách giải khúc sông này
Có con bướm trắng mang tin đẹp
Đời dịu ân tình nhạt sắc mây…
Những chiều thôi nắng cô về chợ
Hay cả trong thu lượm lúa vàng
Tôi muốn làm thơ đề tặng gửi
“Khoan khoan thuyền hỡi chớ sang ngang”
Nhưng chửa thân tình đã hóa xa
Gót chân phiêu bạt hẹn đâu nhà
Mờ trong ánh lửa tôi mơ mãi
Cô gái làng bên,tình nở hoa…
Tôi trở về đây chốn bụi nhiều
Đắm trong tội lỗi của tình yêu
Lòng còn vương mãi mùi hương lúa
Dạo khúc thôn ca nhớ một chiều…
Ân Thi 1946
Phần 3 : Sáng tác sau năm 1954 Nhà văn Băng Hồ do mặc cảm là sống trong Hà Nội vùng tạm chiếm, nên sau tiếp quản Hà Nội 10/10/1954 ông không gửi bài cho các báo nữa, nhưng vẫn sáng tác đều đặn. Thời gian sau này Ông chỉ sáng tác những bài thơ cho Gia đình và gọi là phần ‘ Hương lửa”,trong đó chủ yếu là biểu lộ tình cảm với người bạn đời gắn bó:chỉ là một tiểu thư phố Hàng Bạc ,mà đã can đảm vượt qua mọi gian khó,thử thách… quyết một mình gánh vác,giữ vững gia đình trong thời gian sóng gió nhất !
Sau đó ,từ năm 1960,để kiếm sống , Ông làm kế toán cho Hợp tác xã may Bạch đằng, và có làm nhiều thơ có tính thời sự, phục vụ phong trào văn nghệ của Hợp tác xã … Trong tập “ Thơ của một người” Ông để một số bài thơ trong thời kỳ này trong phần 4 “ Chắp cánh”… Tuy nhiên tôi không đưa phần này lên đây nữa…
Hương lửa
Từ lâu,thơ vắng trao thiên hạ
Chỉ viết thân thương dệt những lời
Gửi em và gửi bày con nhỏ
Những nụ hoa thơm của đất trời…
Bài thơ Hương lửa
Giữa ngơ ngác chiều tà hoang vắng
Duyên trời ư ? Anh bỗng gặp em
Một góc phố xinh vương nếp áo
Heo may xào xạc lá bên thềm
Ôi em,cô gái nhỏ kinh thành
Mắt dịu mùa thu ,ngát hồn anh
Thon thon bút nở ,bông sen nở
Đời bỗng êm như thuở thanh bình…
Thuyền gặp bến rồi,thơ bắt nhịp
Dây đàn nắn lại,tiếng buông reo
Chàng bướm phong tân tìm chỗ nghỉ
Bên đài tim đỏ thắm tin yêu…
Nhớ chăng em chiều xưa hoa mộng
Mái nhà xinh thấp thoáng Thiên đường
Đàn sẻ tụ về xây tổ ấm
Khói bếp sau vườn tỏa vấn vương…
Quên sao hết yêu thương nóng bỏng
Những vội vàng ấp ủ con thơ
Giọng hờ ru đêm trường vắng lặng
Chiếc hôn âu yếm má măng tơ…
Nhớ chăng em tình ta đôi lứa
Đường Cổ Ngư sánh bước hàng cây
Đền Ngọc Sơn giao thừa hái lộc
Chiều Hồ Gươm khép nép gió bay…
Ôi quên sao dặt dìu năm tháng
Gối chăn ơi nguyên vẹn lửa hương
Nhạc bổng trầm,em ngồi đan áo
Tiếng học bài với tiếng thơ ngâm…
Phải nhớ cả em ơi ,nước mắt
Hai con thơ sớm vội lìa đường
Chiếc lá non trên cành sớm rụng
Xanh nấm mồ tiếng nhạn kêu sương…
Phải nhớ cả ,những đêm trăn trở
Khó khăn dần,em mắt kém vui
Chồng đĩa xô,anh ngồi chẳng ngủ
Chuyện áo cơm làm héo lòng người…
Và không quên,em ơi không quên
Trời êm ả bỗng đâu giông tố ?
Sạm mái đầu,giường chiếc xô nghiêng
Nhầu hoa bướm,bài thơ dang dở…
Ta muốn hỏi: Ở đâu chân lý ?
Kẻ gian tham độc ác nhởn nhơ
Người chính trực tấm thân vương tội
Giữa trắng đen chua xót chẳng ngờ !...
Ôi thương nhiều heo hút đò sông
Rộp đôi chân,em đi thăm chồng
Gói lương khô,cân đường,viên thuốc
Khuôn mặt gầy,tóc rối sầu vương…
Những đường thôn nát nhừ lửa đạn
Bước gập ghềnh em dắt bốn con
Bao gánh nặng chốn quê sơ tán
Em một mình chăm xới mầm non
Ôi quên sao lò than ,hơi lửa
Sân đình xay bột,cắn đôi răng
Chọc lò,nướng bánh mồ hôi vã
Miếng rách nơi quần bỗng rách thêm…
Như thế hai bảy năm ngày cưới
Nhớ chăng em chuyện cũ buồn vui
Lửa thử vàng ngọc thêm sáng chói
Qua đêm dài lại ánh dương soi…
Thác ghềnh nào đẩy nổi ta lui ?
Sấm sét nào bắt ta nhụt chí ?
Niềm tin yêu vững hơn chân lý
Bàn tay ta dựng lại cuộc đời…
Ta viu các con ta khôn lớn
Như đàn chim vỗ cánh bay cao
Mắt hồn nhiên,tim không bụi vẩn
Sống đơn sơ mà rất tự hào !
Ơi Noel,ta yêu thiết tha….
Dù đôi chiều nắng gắt mưa sa
Lửa vẫn nồng,hương thêm bền chặt
Nghĩa thủy chung son sắt mượt mà…
1979