Tản văn Nguyễn Đình Xuân
nhathoquandoi 05.07.2013 10:03:24 (permalink)
                                                                                                        Con đê đầu làng
 
          “Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng”
Câu thơ của Nhà thơ làng quê Nguyễn Bính từ lâu lắm cứ ám ảnh lòng tôi. Không chỉ bởi hình ảnh gái quê năm nào mai một vẻ đẹp chân quê, mất đi “cái áo lụa sồi. cái dây lưng đũi”, mà còn là hình ảnh quê nhà cứ hiện lên trong những năm tháng tôi đi xa. Mỗi lần trở về quê nhà thăm cha mẹ, họ hàng, bà con làng xóm, tôi lại đi trên con đê đầu làng ấy.
Quê tôi như một bán đảo được bao bọc bởi ba con sông. Và cùng với đó là đê bao ba mặt để ngăn nước sông mùa lũ lụt. Người làng tôi xưa đã rất vất vả vào mùa ngập lụt, nên có câu “trăm cái tội không bằng cái lội An Điền”. Làng tôi bây giờ đã đổi thay, đường sá đi lại dễ dàng, được bê-tông hóa từ ngõ ra đường xóm, đường cái chính của xã. Do trị thủy, xây các nhà máy thủy điện, nên hằng năm nước lũ trên các con sông không còn dâng cao, quê tôi không còn lo vào mùa ngập úng. Đồng ruộng ngoài đê vì thế đã được canh tác một năm hai đến ba vụ.
Trở lại với con đê đầu làng, con đê đã gắn bó với bao kỷ niệm ấu thơ của tôi. Đấy là những chiều cùng lũ trẻ con trong làng đi đổ nước bắt dế, chơi chọi cỏ gà, thả diều chạy nhong nhong trên mặt đê. Ngoài đê là hàng tre chắn sóng mùa nước lũ. Tre ken dày, trồng hàng ba hàng tư. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, khu bãi tre chắn sóng này được chọn làm điểm tập kết của những đợt hành quân tập làm bộ đội trong chương trình “Giáo dục quốc phòng” của Trường cấp 3 Nam Sách. Đây là nơi bắt đầu con đường 5B, từ bến phà Cổ Pháp. Con đường giao thông vòng tránh sự đánh phá dữ dội của máy bay Mỹ vào cầu Lai Vu và đường số 5 nối Hà Nội-Hải Phòng. Hồi ấy, cứ mỗi khi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, khu bãi tre này lại nhộn nhịp tiếng cười nói, những sắc màu trại của các lớp học sinh dựng lên.
Quê tôi ngày xưa nghèo, nhà tôi cũng nghèo. Con đê đầu làng gắn liền với kỷ niệm lam lũ của tôi, những tháng ngày giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ. Ngày đó thiếu củi than để đun nấu, tôi đã quang gánh ra con đê đầu làng nhổ cỏ may về phơi khô; quét lá tre để về đun nấu. Mà mỗi ngày cũng chỉ quét được ba đến năm tải. Hồi ấy hầu như nhà ai cũng nghèo, nên việc quét lá tre, nhổ cỏ may, chúng tôi cũng phải chia nhau theo từng khu vực. Có lần, tôi bị bác Bàn nhà ở gần đó, lại cậy lớn hơn thu của tôi mấy bao tải lá tre vì lý do “xâm phạm bờ cõi” và cấm tôi không được quét lá tre nữa. Tôi đã khóc vì công sức của mình bị tước đoạt, khiến mẹ tôi phải đến ý kiến với gia đình bác Bàn, vì chẳng phải đâu xa lạ đó là bác họ tôi. Chuyện quét lá tre nơi con đê đầu làng ấy đã là kỷ niệm. Bác Bàn bây giờ là Đại tá Quân đội, mỗi lần chúng tôi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa vẫn thấy cay mắt, như bị khói đốt đồng ngày mùa hiện nay thổi vào.  
Con đê đầu làng tôi đã chứng kiến bao cuộc chia tay. Đấy là những năm tháng kháng chiến chống Pháp, quê tôi nằm trong vùng địch hậu. Cha tôi, bác tôi và nhiều thanh niên làng tôi bí mật men theo triền đê vượt sông gia nhập Vệ quốc đoàn và các đại đoàn quân chủ lực cách mạng. Rồi những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi con đê đầu làng có những trận địa pháo, súng máy bảo vệ cầu Lai Vu, bến phà. Nơi những dân quân, thanh niên xung phong tham gia vận tải tiếp đạn, cứu thương và phá bom nổ chậm, nhanh chóng thông cầu, thông phà, thông đường. Con đê đầu làng cũng chứng kiến bao cuộc vợ chia tay chồng, đôi lứa yêu đương chia tay nhau để lên đường vào Nam chiến đấu, ra biên cương bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn Lào và Cam-pu-chia anh em...
Tôi cũng rời làng ra đi trên con đê đầu làng ngày ấy. Từ một chàng thư sinh bây giờ cũng trở thành sĩ quan quân đội. Bao dấu yêu về quê, con đê đầu làng luôn canh cánh lòng tôi, để mỗi khi thư thái, tôi lại nhớ khôn nguôi...
Hà Nội tháng 7-2013
Đình Xuân
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.07.2013 12:20:40 bởi nhathoquandoi >
#1
    nhathoquandoi 24.07.2013 12:18:44 (permalink)
    Trường Sa thao thức tiếng chim
     
              Tôi có cảm giác như ban mai ở Trường Sa tinh khiết hơn bất cứ đâu trên Tổ quốc Việt Nam này, nơi được thấy mặt trời mọc sớm nhất đất nước. Buối sáng ở đảo Sinh Tồn Đông cũng vậy. Khi người chiến sĩ nhỏ nhẹ gọi tôi dậy để đi ra bờ biển đón bình minh. Trong tiếng sóng dội về từ biển, tiếng gió lao xao phía hàng cây phong ba, bão táp, bất chợt tôi nghe tiếng chim gù thân thiết cùng đến. Tiếng chim lúc nhặt, lúc thưa khiến tôi ngỡ như đang ở một vùng quê đồng bằng thanh bình, như có cả cánh đồng lúa đang dậy hương thơm ngào ngạt đâu đây.
              Tiếng gù của chim bồ câu trên đảo Sinh Tồn Đông khiến tôi cảm thấy câu thơ "Thêm một tiếng chim gù, thành ban mai tinh khiết" của nhà thơ Trần Hòa Bình thêm hay hơn. Ở tuyến đảo tiền tiêu này, chỉ có chim hải âu hay loài nhạn biển mới sống được, mới chịu được sóng, chịu được gió ở Trường Sa. Thế mà có những cánh chim từ vùng đồng bằng Bắc bộ đã vượt sóng ra đảo, cùng người lính khắc phục hoàn cảnh, điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa để sống, bảo vệ vùng đất, vùng lãnh hải thiêng liêng, đã trở thành một phần cơ thể của Tổ quốc.
              Phụ trách đảo trưởng Sinh Tồn Đông là thiếu tá Nguyễn Thanh Ba, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), một trong những cán bộ có nhiều năm gắn bó với Trường Sa. Anh đã từng ba đợt ra công tác ở đảo. Hai lần trước anh công tác trên những đảo chìm Đá Đông và Đá Lớn. Sống ở đảo chìm quanh năm nghe sóng vỗ, nhìn những cánh chim hải âu bay vờn trên sóng mỗi sáng khiến anh nhớ về những cánh chim quê đến quặn lòng. Hồi còn niên thiếu, Ba cùng bạn bè đồng lứa thường theo người lớn đi bẫy chim. Những con chim ngói mang cả mùa thu và hương lúa chu du khắp chốn chợ quê để đổi lấy bát gạo. Ra đảo công tác mấy năm, năm ngoái, thiếu tá Ba được nghỉ phép về quê cưới vợ. Duyến-vợ anh, một cô gái cùng quê, làm ở khoa Dược, Bệnh viện huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Sau ngày cưới chưa đầy hai tháng, anh lên đường ra đảo Sinh Tồn Đông. Trước khi đi, vợ anh gửi ra đảo đôi chim bồ câu làm quà và bảo: "Chim bồ câu rất thủy chung, chỉ sống có đôi. Ra đảo anh nhớ chăm sóc chúng". Thế là chuyến tàu ra đảo năm ấy, trong hành trang của người lính - thiếu tá Nguyễn Thanh Ba, còn có đôi chim bồ câu, món quà từ quê hương mà anh luôn giữ gìn.
              Đến đảo Sinh Tồn Đông, một trong những công việc đầu tiên của thiếu tá Nguyễn Thanh Ba là bắt tay vào đóng chiếc chuồng chim bồ câu xinh xắn đặt trên thân cây trong hàng phi lao, ngay trên đường ra cầu cảng của đảo. Từ một đôi chim bồ câu của người vợ trẻ, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã chăm sóc, nhân giống thành đàn có đến gần chục con. Tiếng chim gù mỗi sáng sớm làm cho bộ đội thêm ấm lòng, như thấy gần với đất liền hơn. Sức sống của những cánh chim từ quê hương gửi ra, giống như tên của hòn đảo nhỏ-đảo Sinh Tồn Đông, từ đây chúng lại được nhân rộng ra trên các đảo Trường Sa. Cùng với cây xanh, Trường Sa ngày thêm bóng mát, giờ thêm những tiếng chim thủy chung cùng người lính.  
              Trên đảo Sinh Tồn Đông còn có thêm nữa một món quà đặc biệt, đó là chú chim cu gáy của những người lính cơ yếu thầm lặng. Gần bốn năm qua, tiếng chim cu gáy làm cho người lính thêm niềm vui cùng những thổn thức nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân yêu. Dường như số phận mỗi con chim trên đảo đều gắn với những câu chuyện tình thật lãng mạn. Hồi tháng bảy năm 2004, trung úy Đào Văn Đế, nhân viên cơ yếu Trường Quân sự (Binh đoàn Hương Giang) nhận nhiệm vụ tăng cường cho cơ yếu Trường Sa. Đế ra đảo Sinh Tồn Đông công tác cũng mang theo chiếc lồng tre với đôi chim cu gáy. Anh kể rằng đây là đôi chim do người con gái của một nghệ nhân chuyên nghề nuôi chim cảnh ở Bắc Giang tặng. Từ ấy, anh chăm sóc, giữ gìn đôi chim như báu vật. Đôi chim như hiểu tình cảm của chủ nhân dành cho chúng nên sớm thích nghi với điều kiện sống ở đảo. Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ trực nhận và dịch các bức điện mật mã, Đế lại xuống bếp xin gạo, xin đậu cho chim ăn. Tiếng chim cu gáy cùng với tiếng chim gù của bồ câu khiến đảo Sinh Tồn Đông trở nên thanh bình, đằm thắm. Năm 2006, hết thời gian công tác ở đảo, Đế trở về đất liền. Theo nguyện vọng anh em, Đế để đôi chim cu rất thân thuộc ở lại đảo. Đêm trước ngày lên tàu, Đế không sao ngủ được. Anh đến bên lồng chim, giãi bày tâm sự cùng chúng. Dường như hiểu được tình cảm của những người lính trên đảo, trong ngày tàu nhổ neo rời cảng, đôi chim hót vang, khiến không gian của đảo đầy ắp tiếng chim. Chắc biết vì nhớ Đế, nhớ những người lính trở về đất liền mà chim hót đến kiệt sức, sáng hôm sau một con chim cu gáy đã lìa xa mãi tiếng hót của mình. Nhớ những đồng đội đi trước, các nhân viên cơ yếu ra đảo sau này tiếp tục dành công sức chăm sóc cho chú chim cu gáy còn lại. Đại úy Nguyễn Hữu Thái, nhân viên cơ yếu của đảo kể về chú chim cu gáy mà giọng nói rưng rưng xúc động. Tết này, anh đón niềm vui khi vợ anh báo tin đã sinh con trai. Và trong thư, vợ anh còn kể theo lời dặn của anh, chị đã gửi theo chuyến tàu đi Tết ra đảo đôi chim cu gáy để làm bạn với chú chim đang sống trên đảo...
                                                                                 Trường Sa Xuân 2008

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 24.07.2013 12:19:48 bởi nhathoquandoi >
    #2
      NgụyXưa 25.07.2013 02:08:05 (permalink)
      "Trường Sa Thao Thức Tiếng Chim" đã được mang vào thư viện.
       
      Xin cám ơn tác giả.
      #3
        nhathoquandoi 25.08.2013 11:25:40 (permalink)
        Giàn trầu của Mẹ
         
                                                                                                       * Nguyễn Đình Xuân
         
        Đã lâu rồi, tôi chưa về quê, nơi mà đi đến đâu cũng có hình bóng mẹ, có dấu tuổi thơ tôi trong âm điệu du dương lời ru của mẹ. Dường như vẫn còn đây ánh mắt mẹ dõi mong con về và nụ cười trên đôi gò má nhăn nheo để lộ hàm răng hạt na đen nhánh của mẹ. Gần mười năm rồi, hình bóng mẹ luôn trở về trong ký ức tôi, bởi vì trong cái đêm mùa xuân năm thứ hai của thế kỷ mới, mẹ tôi đã trôi cùng ánh trăng, mà hôm ấy ánh trăng như pha màu đỏ đưa mẹ tôi về nơi xa xôi lắm. Đêm đầu năm còn lạnh, nhưng trời không nhiều mây, nên trăng càng sáng. Tôi thức trắng cả đêm trăng hôm ấy...
        Căn nhà nhỏ mẹ tôi đã từng ở được dựng lên bên bụi tre rậm rạp trước đây. Ở đó còn có cây bưởi tuy không thật sai quả nhưng ăn rất ngon, mỗi độ thu về hương bưởi thơm lừng, lan khắp xóm nhỏ. Dưới bóng mát bờ tre và trong hương bưởi, tôi và mấy đứa em gái con chú họ đã dựng lên những ngôi nhà lợp lá chuối thấp lè tè và chơi trò mua bán hàng với những đồng tiền lá mít... Rồi bờ tre, cây bưởi lần lượt bị chặt đi, ấy là sau khi anh trai tôi lấy vợ. Ba, mẹ tôi đã nhường lại ngôi nhà bao năm chắt bóp để xây dựng nên, cho anh tôi và ra dựng ngôi nhà nhỏ trên chỗ gốc cây bưởi, bên bụi tre này. Mẹ tôi tần tảo, đã chịu khổ từ lúc chưa ra đời, vì ông, bà ngoại tôi rất nghèo phải đi làm thuê, làm mướn, nên quen với công việc làm lụng, luôn chân, luôn tay. Ngôi nhà nhỏ dựng lên, để đỡ buồn mẹ tôi cất mấy phong kẹo lạc, kẹo dồi, đậu phộng, hộp bích quy, mấy bao thuốc lá, gói thuốc lào, can rượu, tất nhiên là cả những mớ rau mùi, rau húng, quả quất, quả chanh mà mẹ tôi trồng được từ vườn nhà, mùa nào thức ấy, bầy ra trước cửa để bán. Khi ấy tôi đã là bộ đội, nên mỗi lần về thăm mẹ, tôi thường hay đùa: "Mẹ lại chơi trò chơi giống bọn con ngày nhỏ hồi xưa ở cái góc vườn này"... Mẹ mắng yêu tôi: "Cha bố anh, tôi đã sắp vào tuổi cổ lai hy rồi mà anh lại bảo tôi chơi trò của bọn trẻ ranh à?". Nếu là con gái, chắc tôi đã sà vào lòng mẹ. Và tôi tự nhủ, bao giờ mẹ tôi mới hết vất vả, lo toan để được sung sướng? Khi tôi trả phép, mẹ giúi vào tay tôi hơn chục nghìn đồng bảo để uống nước dọc đường. Mẹ bảo nếu mẹ có sẽ cho con nhiều hơn. Tôi không biết nói gì, nhìn mẹ và quay bước thật nhanh, vì tôi sợ nhìn thấy mẹ khóc...
        Mỗi lần về thăm mẹ, tôi thường đi dưới giàn trầu không lá xanh rì. Những ngày hè nóng nực, tôi thường hay đứng dưới giàn trầu, hít hà hương vị nồng nồng, cay cay. Mẹ tôi nghiện trầu, cau, nên mẹ tự trồng lấy trầu để ăn. Giàn trầu mẹ trồng xum xuê lá, nhưng gốc của nó gân guốc, vỏ nhăn nheo. Nghĩ về trầu mà tôi lại nhớ dáng hình của mẹ. Hồi còn nhỏ, chẳng hiểu sao mùa đông năm ấy, cây trầu nhà tôi trụi sạch không còn chiếc lá nào. Mẹ đưa cho tôi một hào bằng hai đồng năm xu tròn có lỗ ở giữa, bảo tôi lên nhà bà Tầu ở gần chợ Tổng mua trầu cho mẹ. Tôi bảo sao mẹ không mua trầu ở nhà bà Trầu ngay ngõ nhà mình cho tiện. Mẹ tôi bảo, giàn trầu nhà bà ấy cũng lụi lắm, không còn bao nhiêu lá nên bà ấy để dành không bán, mà cũng không cho ai. Tôi cầm hai đồng tiền xu mẹ đưa vụt ra cổng, bước đi chân sáo. Ra đến đường cái bờ sông qua nhà ông Mẹo, gặp bọn thằng Hóa nhà ông Lai đánh đáo. Chúng nó rủ tôi vào cùng chơi. Mân mê hai đồng tiền xu trên tay, tiền để tôi mua trầu cho mẹ, nên tôi không chơi. Mà sao lúc đó bọn thằng Hóa nói những gì, vừa ngọt ngào, vừa kích thích lòng tự ái của tôi, thế là tôi quên bẵng việc mua trầu cho mẹ. Mỗi ván chơi đáo là một xu, chẳng mấy chốc hai đồng tiền năm xu của tôi chui gọn vào trong túi quần bọn thằng Hóa. Tôi chẳng biết làm sao bây giờ, đành đến nhà bà Tàu nói khó là để tôi mua chịu cho mẹ. Nhưng bà cũng nhất định không cho, bảo phải có tiền. Trời bắt đầu sẩm tối. Mùa đông nhanh tối, lại rét, khiến trong người tôi càng run hơn vì sợ mẹ mắng. Tôi nghĩ liều, lợi dụng trời nhá nhem tối lẻn qua rào ra sau nhà bà Trầu hái trộm năm lá. Cuộc trộm của tôi trót lọt, về nhà mẹ không nói gì vì mẹ không hề biết.
        Hôm sau mới tờ mờ sáng, cả xóm tôi bị đánh thức bởi tiếng chửi của bà Trầu. Mà bà ấy chửi hay lắm, có bài, có vần điệu hẳn hoi. Dường như cả xóm đã quen với tiếng chửi của bà. Mất gà, bà chửi. Mất mấy quả chay hay là chục quả táo, bà cũng chửi. Bà không biết chữ mà sao đếm giỏi thế, nhớ rất kỹ, rất lâu. Cây cối, hoa quả trong vườn chắc bà đã đánh dấu rất cẩn thận. Mất của bà chửi, nhưng nhiều lần mất nhãn, mất vải, hóa ra là các cháu của bà ăn trộm. Bà Trầu hà tiện lắm, hoa quả bà chẳng cho con cháu đâu, bà đem ra chợ tất. Tôi đã từng mua những sâu táo của bà, hai xu một chục quả, ăn đến bây giờ vẫn còn thấy hương thơm của thứ táo quả nhỏ sinh ra từ thân cây già nua, mốc thếch. Có những quả táo chín quá đã rụng, bà cũng nhặt xiên kèm vào, nhưng lũ trẻ con chúng tôi hồi ấy ăn vẫn thấy ngon lành. Buổi sáng này bà chửi không phải vì mất hoa quả mà vì bà bị hái trộm những lá trầu. Trong xóm nhiều người cùng tuổi mẹ tôi cũng ăn trầu cả, nhưng bà cứ quay hướng chửi vào nhà tôi. Tôi sợ mẹ nên không dám nói ra, còn mẹ tôi thì cam chịu, tự nói với mình: "Hôm qua xin cái lá thì không cho, nay chắc nghi ngờ mình đây?".
        Từ ấy, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc cây trầu cho mẹ. Tôi lấy đất mùn bón gốc, tưới nước cho trầu mong những chiếc lá sớm mọc trở lại. Mẹ tôi bảo, chắc mấy tháng trước con hái trầu ban đêm không xin "hồn cây" nên trầu giận. Từ ấy mẹ tôi dặn, con hái trầu buổi tối nhớ đọc chú nhé. Khi tôi trở thành sĩ quan quân đội, về thăm mẹ vẫn thấy giàn trầu xanh lá. Mẹ tôi giục tôi cưới vợ vì độ này trầu còn sai lá. Đêm ngủ trời hè, mẹ lo giắt màn rồi nghiêng đèn soi muỗi cho tôi. Tôi nghe rõ hơi thở nhẹ nhàng của mẹ, nhìn qua cửa sổ trong ánh trăng mờ, những lá trầu như những bàn tay đung đưa, vẫy vẫy.
        Mùa đông năm mẹ tôi bay theo ánh trăng, giàn trầu bỗng dưng khô héo thảm hại. Anh tôi năm ấy cải tạo lại ngôi nhà mà ba, mẹ tôi để lại cho, cũng phá luôn giàn trầu. Anh bảo, bây giờ nhà mình còn ai ăn trầu nữa đâu. Để đó chỉ thêm bận vì hàng xóm cứ lải nhải đến xin lá... Còn tôi về thăm mẹ, mỗi lần nhìn di ảnh thấy mẹ đôi môi vẫn đỏ bởi trầu. Tôi lại lặng lẽ ra chợ chọn những lá trầu đẹp nhất để dâng lên mẹ...
        Đ.X
        #4
          nhathoquandoi 30.12.2013 23:03:29 (permalink)
          Cảm ơn bạn đã quan tâm đến tác phẩm của tôi.
          #5
            nhathoquandoi 30.12.2013 23:08:15 (permalink)
            Pháo hoa tuổi thơ
                                                                                         Đình Xuân

                      Cứ vào đêm Giao thừa hằng năm, khi những đứa trẻ nhà tôi háo hức chờ đón màn bắn pháo hoa ở trung tâm thành phố, tôi lại nhớ đến những “màn pháo hoa” của tuổi thơ, nơi những đứa trẻ nhà quê chưa một lần lên phố.
                      Quê tôi là một làng ven sông Kinh Thầy. Hồi ấy vào những đêm giáp Tết, nhất là thời khắc đón Giao thừa, tiếng pháo nổ rộ lên, có cả những quả pháo bông hoa cà, hoa cải sáng một vùng. Đứa con ông chú tôi sống ở phố, Tết năm nào cũng được bố cho về quê chơi chúc Tết ông bà, họ hàng và không quên kể cho tôi nghe về đêm pháo hoa rực rỡ chào mừng năm mới. Lúc ấy tôi chỉ biết lặng im nghe và mong ước mình được sống ở phố, được xem đêm pháo hoa lung linh, muôn màu muôn sắc trên bầu trời.
                      Đêm Ba mươi Tết, trời thường không trăng, không sao, thế nên mới có câu “tối như đêm ba mươi”. Những người già quê tôi thường quan sát đêm Ba mươi Tết, nếu trời tối đen, đặc quánh như cầm nắm được thì bảo năm sau sẽ được mùa đỗ đen, còn nếu màn đêm loãng ra, ấy là năm được mùa đỗ xanh. Tôi nghe thì biết vậy nào hay đó là kinh nghiệm truyền đời. Tâm trí tôi đêm Ba mươi Tết, ấy là được thấy những chùm pháo hoa rực sáng, để khi nghe đứa con của ông chú kể tôi không phải còn há hốc mồm nghe nữa.
                      Nhưng nhà tôi ở quê làm sao mà ra phố. Thế là bọn trẻ con chúng tôi nghĩ ra cách làm pháo hoa cho riêng mình. Chúng tôi chọn những cây điền thanh khô róc, đã được bóc vỏ rồi đốt, làm sao để chúng không cháy hết, rồi đem giã nhỏ thành thứ bột mịn, đen nhánh. Bột than điền thanh được đong bằng cái chén sứ cũ thành những phần đều nhau. Chúng tôi dùng giấy từ vở học sinh đã loại ra để làm pháo. Bột than được gói lại bằng giấy, đầu kia được bịt lại bằng đất sét vừa để giữ cho bột than khỏi rơi vừa là phần để đẩy pháo hoa lên trời. Công việc sản xuất pháo hoa tuy không phức tạp, nhưng mặt mũi, áo quần chúng tôi thường đen nhẻm vì bụi và muội than bám vào. Có lẽ cũng vì thương bọn trẻ chúng tôi ở quê thiệt thòi nên ba, mẹ chúng tôi không la mắng vì trò chơi này. Vào đêm Ba mươi Tết, mỗi đứa trẻ chúng tôi cũng để dành được từ mười đến hai mươi quả pháo hoa điền thanh tự chế để chờ đón Giao thừa.  
                      Làng tôi gần sông, vì thế bọn trẻ chúng tôi lấy bờ sông là nơi tập kết “bắn pháo hoa”. Cũng là bởi vì than điền thanh nhạy bắt lửa, nếu chơi trong làng dễ xảy ra hỏa hoạn. Hồi ấy làng tôi nghèo, phần lớn trong làng là nhà gianh, lợp lá mía, rạ lúa nên dễ cháy. Vào giờ “bắn pháo hoa”, bọn trẻ chúng tôi xòe diêm châm lửa vào bầu giấy đựng than rồi huơ mấy vòng tay cho than cháy đều rồi ném lên trời. Bột than cháy tung ra thành những chùm sáng đỏ li ti, hoa cà, hoa cải rất đẹp. Mỗi đứa trẻ sản xuất kiểu pháo hoa kích thước khác nhau, người ném mạnh hơn, pháo hoa được tung cao lên trời. Tôi nhỏ hơn trong đám trẻ làng nên làm pháo hoa bé hơn nên thường chỉ ném được tầm thấp. Màn bắn pháo hoa đêm Ba mươi Tết của chúng tôi thường diễn ra đến cả tiếng đồng hồ, tiếng cười vui, tiếng trầm trồ khen ngợi.
                      Bây giờ đêm pháo hoa tuổi thơ đã xa vời vợi. Trẻ con quê tôi không còn làm pháo hoa nữa. Thay vào đó là những cây pháo bông, pháo giấy và nếu muốn thấy đêm pháo hoa chỉ cần lên trung tâm huyện đã xem mãn nhãn. Mấy năm nay thực hiện xã hội hóa việc bắn pháo hoa, nên trung tâm huyện tôi cũng trở thành một điểm bắn pháo hoa phục vụ bà con vui Tết. Những đứa trẻ quê tôi tha hồ được ngắm pháo hoa đón Giao thừa, nhưng màn pháo hoa “điền thanh” thì vẫn còn in đậm trong tâm trí tuổi thơ tôi./.
             

            Nguyễn Đình Xuân, Báo Quân đội nhân dân
            Số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội

            #6
              nhathoquandoi 02.04.2014 23:45:34 (permalink)
              Đom đóm vào nhà
                                                                                                                                                  *Nguyễn Đình Xuân
               
                        Khi đến tháng Tư âm lịch là đã sang mùa hạ. Thế mà trời vẫn trở gió Đông Bắc, đêm lắc rắc mấy hạt mưa. Để lấy khí trời nên tôi không đóng cửa sổ. Bất ngờ có chú đom đóm bay vào phòng ngủ, sáng lập lòe. Đèn trong phòng đã tắt nên ánh sáng đom đóm rõ hơn. Đom đóm bay vòng quanh nhà, sà lên trần màn rồi lại tất tả bay. Con trai nằm cùng tôi ngạc nhiên hỏi con vật gì mà sáng lập lòe thế. Ờ nhỉ, con đã bao giờ nhìn thấy đom đóm đâu. Những năm trước sống giữa khu phố cổ, rồi chỉ về quê khi đã nghỉ hè, hết năm học, làm sao con gặp đom đóm, để mà nhận biết?
                        Năm ngoái, tôi quyết định làm cuộc di trú, bán nhà trong phố ra vùng đất phía Bắc sông Hồng để ở. Nơi đây trước là làng quê, mới lập phường mấy năm nay. Mỗi sáng tinh mơ nghe tiếng gà gáy rộ, hít hà hương gió đi qua những mảnh ruộng sót lại của cánh đồng còn ngai ngái mà lòng tôi khoan khoái dễ chịu. Bây giờ gặp ánh sáng đom đóm, trong tôi lại ngẩn ngơ nhớ bâng khuâng.
                        Đom đóm bay ra là quê nhà đã tháng Ba. Câu ca dao mẹ ru tôi ngày nào còn nguyên trong trí nhớ “Bao giờ đom đóm bay ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Đom đóm gắn với tuổi thơ của tôi ở một vùng quê chiêm trũng. Hồi nhỏ, tôi cùng lũ trẻ con trong xóm nghịch ngợm bắt những chú đom đóm nhỏ xinh cho vào lọ thủy tinh, thường là lọ thuốc pê-nê-xi-lin. Những lọ thuốc ấy sau khi được nhân viên y tế tiêm cho người, cho gia súc vứt đi, chúng tôi nhặt về, bỏ lớp màng nhôm bọc ở đầu rửa sạch và giữ cái nút cao su cẩn thận. Thế là đêm đến, mỗi đứa trong tay một hoặc hai chiếc lọ thủy tinh nhỏ xíu ấy, chạy theo những chú đom đóm đang bay vòng tròn, lập lòe. Ban đầu chộp được một vài con, sau lũ đom đóm khôn dần bay ra xa, rúc vào những đám bèo tây trên mặt ao hoặc bụi cây ngoài xa. Chúng tôi huơ lên hua xuống chiếc lọ thủy tinh chứa đom đóm để làm mồi nhử những con đóm đóm sáng đang ở xa trên những mặt ao hồ. Vừa huơ đom đóm vừa hát: “Nếp, nếp, bố mày ăn cơm nếp/Mẹ mày ăn cơm tẻ/Đẻ ra mày rồi mày về với tao”. Quê tôi còn gọi đom đóm là nêm nếp. Câu chú ấy có linh nghiệm gì không mà bọn trẻ cứ nghêu ngao. Chẳng biết có phải là nghe được câu chú hay bị lừa bởi những ánh sáng lập lòe trong lọ thủy tinh mà đom đóm theo về. Bọn trẻ chúng tôi chộp được cả lọ đom đóm, đến nỗi tay chúng tôi còn ám cả cái mùi gây gây hôi hôi, ngai ngái nhựa đom đóm rồi mang vào giấc ngủ.
                        Cả bọn chúng tôi tụm năm tụm ba đuổi bắt đom đóm chẳng ai thấy sợ. Thế mà khi nằm trong ngôi nhà trát vách bùn rơm, đom đóm bay vào nhà, tôi cảm thấy rờn rợn. Mẹ tôi bảo đom đóm vào nhà là dễ có chuyện không tốt lành. Đấy có thể là linh hồn lạc về theo đom đóm. Thường khi đom đóm bay vào nhà kèm theo những cơn gió nhẹ. Rồi mẹ đọc câu thành ngữ chẳng biết ai đã đúc kết từ bao giờ: “Thứ nhất đom đóm vào nhà/Thứ nhì chuột rúc/Thứ ba hoa đèn”. Người xưa quan niệm chuột rúc rất độc, có lẽ vì lũ chuột sẽ cắn quần áo, các vật dụng trong nhà như là sự thoải mái trong ngôi nhà hoang. Còn hoa đèn là những đốm than đỏ sinh ra do bấc đèn bị cháy mà dầu không thẩm thấu qua được. “Sống dầu đèn, chết kèn trông”, đèn lụi mà không ai khêu thì rõ là người trong nhà thưa vắng rồi. Vả lại, nhà ai bị hoa đèn dễ bị mất trộm hoặc cháy bếp, cháy nhà. Trong số những thứ xui xẻo, độc địa ấy, đom đóm lại đứng thứ nhất. Có thể, đom đóm mang ánh sáng lập lòe, như những lân tinh thường lập lòe, sinh ra ở các nghĩa địa từ những mộ người mới chết. Đó là linh hồn hiện về chăng?
                        Chuyện mẹ tôi kể về đom đóm mang linh hồn người đã khuất in sâu trong tâm trí tôi. Một thời lũ trẻ con chúng tôi đã chơi đùa với những linh hồn mà chúng tôi không biết. Nhưng dù sao đó cũng là kỷ niệm thời thơ ấu không thể quên, bởi trẻ con chúng tôi còn có những trò chơi dân dã. Tôi kể cho con nghe, khi tôi bằng tuổi con bây giờ thường hay chơi bắt đom đóm. Các con tôi lấy làm thích thú với chuyện tôi kể, nhưng không thể cảm thấy được mùi hương ngai ngái, hôi hôi của đom đóm đi vào giấc ngủ. Giờ đây, mẹ tôi cũng đã khuất xa, có phải mẹ tôi đã trở thành linh hồn theo đom đóm vào nhà, nhắc tôi về những câu chuyện ngày xưa, về hồn quê một thời trong ký ức...
               
              N.Đ.X

               


              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9