nhathoquandoi
-
Số bài
:
134
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 30.08.2010
- Nơi: Báo Quân đội nhân dân
|
Re:Tản văn Nguyễn Đình Xuân-Giàn trầu của Mẹ
-
25.08.2013 11:25:40
Giàn trầu của Mẹ * Nguyễn Đình Xuân Đã lâu rồi, tôi chưa về quê, nơi mà đi đến đâu cũng có hình bóng mẹ, có dấu tuổi thơ tôi trong âm điệu du dương lời ru của mẹ. Dường như vẫn còn đây ánh mắt mẹ dõi mong con về và nụ cười trên đôi gò má nhăn nheo để lộ hàm răng hạt na đen nhánh của mẹ. Gần mười năm rồi, hình bóng mẹ luôn trở về trong ký ức tôi, bởi vì trong cái đêm mùa xuân năm thứ hai của thế kỷ mới, mẹ tôi đã trôi cùng ánh trăng, mà hôm ấy ánh trăng như pha màu đỏ đưa mẹ tôi về nơi xa xôi lắm. Đêm đầu năm còn lạnh, nhưng trời không nhiều mây, nên trăng càng sáng. Tôi thức trắng cả đêm trăng hôm ấy... Căn nhà nhỏ mẹ tôi đã từng ở được dựng lên bên bụi tre rậm rạp trước đây. Ở đó còn có cây bưởi tuy không thật sai quả nhưng ăn rất ngon, mỗi độ thu về hương bưởi thơm lừng, lan khắp xóm nhỏ. Dưới bóng mát bờ tre và trong hương bưởi, tôi và mấy đứa em gái con chú họ đã dựng lên những ngôi nhà lợp lá chuối thấp lè tè và chơi trò mua bán hàng với những đồng tiền lá mít... Rồi bờ tre, cây bưởi lần lượt bị chặt đi, ấy là sau khi anh trai tôi lấy vợ. Ba, mẹ tôi đã nhường lại ngôi nhà bao năm chắt bóp để xây dựng nên, cho anh tôi và ra dựng ngôi nhà nhỏ trên chỗ gốc cây bưởi, bên bụi tre này. Mẹ tôi tần tảo, đã chịu khổ từ lúc chưa ra đời, vì ông, bà ngoại tôi rất nghèo phải đi làm thuê, làm mướn, nên quen với công việc làm lụng, luôn chân, luôn tay. Ngôi nhà nhỏ dựng lên, để đỡ buồn mẹ tôi cất mấy phong kẹo lạc, kẹo dồi, đậu phộng, hộp bích quy, mấy bao thuốc lá, gói thuốc lào, can rượu, tất nhiên là cả những mớ rau mùi, rau húng, quả quất, quả chanh mà mẹ tôi trồng được từ vườn nhà, mùa nào thức ấy, bầy ra trước cửa để bán. Khi ấy tôi đã là bộ đội, nên mỗi lần về thăm mẹ, tôi thường hay đùa: "Mẹ lại chơi trò chơi giống bọn con ngày nhỏ hồi xưa ở cái góc vườn này"... Mẹ mắng yêu tôi: "Cha bố anh, tôi đã sắp vào tuổi cổ lai hy rồi mà anh lại bảo tôi chơi trò của bọn trẻ ranh à?". Nếu là con gái, chắc tôi đã sà vào lòng mẹ. Và tôi tự nhủ, bao giờ mẹ tôi mới hết vất vả, lo toan để được sung sướng? Khi tôi trả phép, mẹ giúi vào tay tôi hơn chục nghìn đồng bảo để uống nước dọc đường. Mẹ bảo nếu mẹ có sẽ cho con nhiều hơn. Tôi không biết nói gì, nhìn mẹ và quay bước thật nhanh, vì tôi sợ nhìn thấy mẹ khóc... Mỗi lần về thăm mẹ, tôi thường đi dưới giàn trầu không lá xanh rì. Những ngày hè nóng nực, tôi thường hay đứng dưới giàn trầu, hít hà hương vị nồng nồng, cay cay. Mẹ tôi nghiện trầu, cau, nên mẹ tự trồng lấy trầu để ăn. Giàn trầu mẹ trồng xum xuê lá, nhưng gốc của nó gân guốc, vỏ nhăn nheo. Nghĩ về trầu mà tôi lại nhớ dáng hình của mẹ. Hồi còn nhỏ, chẳng hiểu sao mùa đông năm ấy, cây trầu nhà tôi trụi sạch không còn chiếc lá nào. Mẹ đưa cho tôi một hào bằng hai đồng năm xu tròn có lỗ ở giữa, bảo tôi lên nhà bà Tầu ở gần chợ Tổng mua trầu cho mẹ. Tôi bảo sao mẹ không mua trầu ở nhà bà Trầu ngay ngõ nhà mình cho tiện. Mẹ tôi bảo, giàn trầu nhà bà ấy cũng lụi lắm, không còn bao nhiêu lá nên bà ấy để dành không bán, mà cũng không cho ai. Tôi cầm hai đồng tiền xu mẹ đưa vụt ra cổng, bước đi chân sáo. Ra đến đường cái bờ sông qua nhà ông Mẹo, gặp bọn thằng Hóa nhà ông Lai đánh đáo. Chúng nó rủ tôi vào cùng chơi. Mân mê hai đồng tiền xu trên tay, tiền để tôi mua trầu cho mẹ, nên tôi không chơi. Mà sao lúc đó bọn thằng Hóa nói những gì, vừa ngọt ngào, vừa kích thích lòng tự ái của tôi, thế là tôi quên bẵng việc mua trầu cho mẹ. Mỗi ván chơi đáo là một xu, chẳng mấy chốc hai đồng tiền năm xu của tôi chui gọn vào trong túi quần bọn thằng Hóa. Tôi chẳng biết làm sao bây giờ, đành đến nhà bà Tàu nói khó là để tôi mua chịu cho mẹ. Nhưng bà cũng nhất định không cho, bảo phải có tiền. Trời bắt đầu sẩm tối. Mùa đông nhanh tối, lại rét, khiến trong người tôi càng run hơn vì sợ mẹ mắng. Tôi nghĩ liều, lợi dụng trời nhá nhem tối lẻn qua rào ra sau nhà bà Trầu hái trộm năm lá. Cuộc trộm của tôi trót lọt, về nhà mẹ không nói gì vì mẹ không hề biết. Hôm sau mới tờ mờ sáng, cả xóm tôi bị đánh thức bởi tiếng chửi của bà Trầu. Mà bà ấy chửi hay lắm, có bài, có vần điệu hẳn hoi. Dường như cả xóm đã quen với tiếng chửi của bà. Mất gà, bà chửi. Mất mấy quả chay hay là chục quả táo, bà cũng chửi. Bà không biết chữ mà sao đếm giỏi thế, nhớ rất kỹ, rất lâu. Cây cối, hoa quả trong vườn chắc bà đã đánh dấu rất cẩn thận. Mất của bà chửi, nhưng nhiều lần mất nhãn, mất vải, hóa ra là các cháu của bà ăn trộm. Bà Trầu hà tiện lắm, hoa quả bà chẳng cho con cháu đâu, bà đem ra chợ tất. Tôi đã từng mua những sâu táo của bà, hai xu một chục quả, ăn đến bây giờ vẫn còn thấy hương thơm của thứ táo quả nhỏ sinh ra từ thân cây già nua, mốc thếch. Có những quả táo chín quá đã rụng, bà cũng nhặt xiên kèm vào, nhưng lũ trẻ con chúng tôi hồi ấy ăn vẫn thấy ngon lành. Buổi sáng này bà chửi không phải vì mất hoa quả mà vì bà bị hái trộm những lá trầu. Trong xóm nhiều người cùng tuổi mẹ tôi cũng ăn trầu cả, nhưng bà cứ quay hướng chửi vào nhà tôi. Tôi sợ mẹ nên không dám nói ra, còn mẹ tôi thì cam chịu, tự nói với mình: "Hôm qua xin cái lá thì không cho, nay chắc nghi ngờ mình đây?". Từ ấy, tôi dành nhiều thời gian chăm sóc cây trầu cho mẹ. Tôi lấy đất mùn bón gốc, tưới nước cho trầu mong những chiếc lá sớm mọc trở lại. Mẹ tôi bảo, chắc mấy tháng trước con hái trầu ban đêm không xin "hồn cây" nên trầu giận. Từ ấy mẹ tôi dặn, con hái trầu buổi tối nhớ đọc chú nhé. Khi tôi trở thành sĩ quan quân đội, về thăm mẹ vẫn thấy giàn trầu xanh lá. Mẹ tôi giục tôi cưới vợ vì độ này trầu còn sai lá. Đêm ngủ trời hè, mẹ lo giắt màn rồi nghiêng đèn soi muỗi cho tôi. Tôi nghe rõ hơi thở nhẹ nhàng của mẹ, nhìn qua cửa sổ trong ánh trăng mờ, những lá trầu như những bàn tay đung đưa, vẫy vẫy. Mùa đông năm mẹ tôi bay theo ánh trăng, giàn trầu bỗng dưng khô héo thảm hại. Anh tôi năm ấy cải tạo lại ngôi nhà mà ba, mẹ tôi để lại cho, cũng phá luôn giàn trầu. Anh bảo, bây giờ nhà mình còn ai ăn trầu nữa đâu. Để đó chỉ thêm bận vì hàng xóm cứ lải nhải đến xin lá... Còn tôi về thăm mẹ, mỗi lần nhìn di ảnh thấy mẹ đôi môi vẫn đỏ bởi trầu. Tôi lại lặng lẽ ra chợ chọn những lá trầu đẹp nhất để dâng lên mẹ... Đ.X
Nguyễn Đình Xuân - Tác giả của các tập thơ: "Tiếng sóng sông quê" (NXB Quân đội nhân dân - 2009, "Bóng nắng" (NXB Công an nhân dân - 2010), "Trăng mật với thời gian" (NXB Văn học-2012) và "Cánh chuồn ngủ quên" (NXV Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh- 2013) và các tập sách: "Đấu trí công nghệ cao" (Bình luận quân sự, NXB Quân đội nhân dân-2012), "Từ Tây Bắc đến Tây Nguyên (Ghi chép, NXB Quân đội nhân dân, 2013). http://
|