Tản văn Nguyễn Đình Xuân
Con đê đầu làng “Hôm qua em đi tỉnh về Đợi em ở mãi con đê đầu làng” Câu thơ của Nhà thơ làng quê Nguyễn Bính từ lâu lắm cứ ám ảnh lòng tôi. Không chỉ bởi hình ảnh gái quê năm nào mai một vẻ đẹp chân quê, mất đi “cái áo lụa sồi. cái dây lưng đũi”, mà còn là hình ảnh quê nhà cứ hiện lên trong những năm tháng tôi đi xa. Mỗi lần trở về quê nhà thăm cha mẹ, họ hàng, bà con làng xóm, tôi lại đi trên con đê đầu làng ấy. Quê tôi như một bán đảo được bao bọc bởi ba con sông. Và cùng với đó là đê bao ba mặt để ngăn nước sông mùa lũ lụt. Người làng tôi xưa đã rất vất vả vào mùa ngập lụt, nên có câu “trăm cái tội không bằng cái lội An Điền”. Làng tôi bây giờ đã đổi thay, đường sá đi lại dễ dàng, được bê-tông hóa từ ngõ ra đường xóm, đường cái chính của xã. Do trị thủy, xây các nhà máy thủy điện, nên hằng năm nước lũ trên các con sông không còn dâng cao, quê tôi không còn lo vào mùa ngập úng. Đồng ruộng ngoài đê vì thế đã được canh tác một năm hai đến ba vụ. Trở lại với con đê đầu làng, con đê đã gắn bó với bao kỷ niệm ấu thơ của tôi. Đấy là những chiều cùng lũ trẻ con trong làng đi đổ nước bắt dế, chơi chọi cỏ gà, thả diều chạy nhong nhong trên mặt đê. Ngoài đê là hàng tre chắn sóng mùa nước lũ. Tre ken dày, trồng hàng ba hàng tư. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, khu bãi tre chắn sóng này được chọn làm điểm tập kết của những đợt hành quân tập làm bộ đội trong chương trình “Giáo dục quốc phòng” của Trường cấp 3 Nam Sách. Đây là nơi bắt đầu con đường 5B, từ bến phà Cổ Pháp. Con đường giao thông vòng tránh sự đánh phá dữ dội của máy bay Mỹ vào cầu Lai Vu và đường số 5 nối Hà Nội-Hải Phòng. Hồi ấy, cứ mỗi khi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, khu bãi tre này lại nhộn nhịp tiếng cười nói, những sắc màu trại của các lớp học sinh dựng lên. Quê tôi ngày xưa nghèo, nhà tôi cũng nghèo. Con đê đầu làng gắn liền với kỷ niệm lam lũ của tôi, những tháng ngày giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ. Ngày đó thiếu củi than để đun nấu, tôi đã quang gánh ra con đê đầu làng nhổ cỏ may về phơi khô; quét lá tre để về đun nấu. Mà mỗi ngày cũng chỉ quét được ba đến năm tải. Hồi ấy hầu như nhà ai cũng nghèo, nên việc quét lá tre, nhổ cỏ may, chúng tôi cũng phải chia nhau theo từng khu vực. Có lần, tôi bị bác Bàn nhà ở gần đó, lại cậy lớn hơn thu của tôi mấy bao tải lá tre vì lý do “xâm phạm bờ cõi” và cấm tôi không được quét lá tre nữa. Tôi đã khóc vì công sức của mình bị tước đoạt, khiến mẹ tôi phải đến ý kiến với gia đình bác Bàn, vì chẳng phải đâu xa lạ đó là bác họ tôi. Chuyện quét lá tre nơi con đê đầu làng ấy đã là kỷ niệm. Bác Bàn bây giờ là Đại tá Quân đội, mỗi lần chúng tôi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa vẫn thấy cay mắt, như bị khói đốt đồng ngày mùa hiện nay thổi vào. Con đê đầu làng tôi đã chứng kiến bao cuộc chia tay. Đấy là những năm tháng kháng chiến chống Pháp, quê tôi nằm trong vùng địch hậu. Cha tôi, bác tôi và nhiều thanh niên làng tôi bí mật men theo triền đê vượt sông gia nhập Vệ quốc đoàn và các đại đoàn quân chủ lực cách mạng. Rồi những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi con đê đầu làng có những trận địa pháo, súng máy bảo vệ cầu Lai Vu, bến phà. Nơi những dân quân, thanh niên xung phong tham gia vận tải tiếp đạn, cứu thương và phá bom nổ chậm, nhanh chóng thông cầu, thông phà, thông đường. Con đê đầu làng cũng chứng kiến bao cuộc vợ chia tay chồng, đôi lứa yêu đương chia tay nhau để lên đường vào Nam chiến đấu, ra biên cương bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn Lào và Cam-pu-chia anh em... Tôi cũng rời làng ra đi trên con đê đầu làng ngày ấy. Từ một chàng thư sinh bây giờ cũng trở thành sĩ quan quân đội. Bao dấu yêu về quê, con đê đầu làng luôn canh cánh lòng tôi, để mỗi khi thư thái, tôi lại nhớ khôn nguôi... Hà Nội tháng 7-2013 Đình Xuân
<bài viết được chỉnh sửa lúc 24.07.2013 12:20:40 bởi nhathoquandoi >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: