Truyện ngắn " Viên đạn đi sượt" do Nhà văn Băng Hồ viết tháng 6 năm 1952 tại Hà Nội, có gửi đang báo " Giác ngộ"..Sau đó Nhà xuất bản Văn học in lại trong Tập truyện ngắn " Phượng ơi ! Mùa dĩ vãng " năm 2002
VIÊN ĐẠN ĐI SƯỢT
Lâu nay, Th. thường chê tôi thời nguyên tử lực mà lúc nào cũng sướt mướt một chiếc lá rụng chiều thu, thương một chiếc áo màu trong ngõ tối hay ngậm ngùi với đôi ba số phận đêm giao thừa . Hỏng quá ! nước mắt nước mũi có giải quyết được gì đâu . Lại mang tội nữa trong lúc “ quốc gia đại sự “. Phải như “ người hùng “ của thời đại ấy : một trái tim lạnh , một cái đầu nóng và nhất là phải biết cười gằn.
Vâng, Th. Khiển trách , tôi đâu dám bào chữa. Nhưng khốn nỗi, mọi sinh vật trên cái cõi đời bụi băm này đều đã được tạo hóa ban cho một thuộc tính tự nhiên không thể sửa được . Như loài hổ báo thì hung dữ thích ăn thịt ,giống chim câu ưa sống hòa bình tình nghĩa . Loài chồn cáo thì nham hiểm hay rình mò vào ban đêm bắt gà con. Bọn thỏ, hươu nai ngược lại hiền lành, ngơ ngác thật đáng yêu .
Tôi hay sướt mướt cũng giống như ngài chính khách thường hay những lời ngon ngọt, anh trọc phú ưa khoe của cải, ông thầy dòng thích thuyết giảng khô khan…
Nhưng thôi…dài dòng mãi, chiều theo ý Th. Số báo này tôi không quay về với quá khứ để tỉ tê nỉ non những chuyện không đâu . Tôi sẽ kể một câu chuyện 100% thời cuộc nóng hổi, một câu chuyện của “ người hùng thời đại “, có đủ cả tiếng ùng oàng của ca-nông đại bác, đủ cả những lời tuyên bố hào hùng, những hành động sắt thép hiên ngang. Và nhất là không hề có chút nươc mắt nước mũi…
*
Tạm đặt tên anh là X. vì xét ra ở cái cõi đời ô trọc này không ai đáng đủ tư cách để trùng lẫn với tên anh. Trẻ nhỏ ra đời thì phải khóc phải không ? Nhưng chúng cũng hiểu rằng “ nước mắt không đi đến đâu cả “ nên cậu X ngay khi còn là cái thai nhi ướt át từ bụng mẹ chui ra chào ánh sáng tội lỗi ngoài đời đã không cần khóc tí nào . Ai bế cũng được, cậu X cứ trơ trơ đôi mắt nhìn thao láo. Cả khi bà mẫu có chậm cho cậu “ tí nhè” ,cậu cũng chỉ quẫy quẫy chân ra ý giục chứ không cần dùng nước mắt để vòi. Nhiều người đến thăm đã tiên đoán cậu X. cốt cách sau này ít nhất cũng phải làm đến “ thủ lĩnh ”. Và hơn một bà mẹ có tố nữ trong nhà , chẳng hiểu sao đã tự thấy chăm mang sữa bò đến cho X., săn sóc ý như con đẻ thật !
Đến cái tuổi lên bẩy, tám nhoai nhoai gì đó , thì X. từng nổi tiếng là “người hùng” nhất phố . Hầu hết trẻ con đều sợ cậu len lét . Cu Tần bị cậu “khiền” cho suýt gẫy chân vì gọi cậu là “ma-cà-bông”. Cu Hoạch bị cậu “choang” cho gần vỡ đầu vì quên không chia cho cậu quả chuối. Cũng như đá bóng thì nhất định phe cậu phải ghi bàn, nếu không thì anh “gôn” đối phương sửa soạn mà ăn bã trầu. Đánh bi, đánh đáo cũng phải vét nhẵn túi của bạn, rủi ro anh nào trót được của X. thì liệu ngày mai đem nộp giả ngay. Và liệu mà có lời xin lỗi.
Nghĩa là tuổi nhỏ của X. đã tượng trưng cho tinh thần “ người hùng “ rồi. Cái gì cũng phải thắng, cái gì cũng phải “ăn người”. Nói đến chuyện vào lớp mới càng đáng phục , X. chẳng bao giờ cần làm bài mà vẫn trôi như thường. Đã có những thằng bạn chịu đau khổ bóp đầu, bóp trán hộ: có khó khăn gì cậu X. chỉ cần giơ một quả tống lên là xong hết. Ông bà Y. ( hai người sáng tạo ra cuộc đời X.)rung đùi đắc trí. Cậu con trai tướng” quý tử”, tương lai ít nhất cũng phải làm đến “thủ lĩnh”.Nhưng làm thủ lĩnh thì không thể thích hợp với cuộc sống nhạt phèo, lệ thuộc ( đại khái như lớp học thì có một ông thầy)nên theo học Thành-Chung mới hơn một năm X. đã phá ngang .Anh về khuân ít tiền của ông bà Y. ra kinh doanh buôn bán. Mà ủa này lạ, anh buôn gì đắt nấy, buôn một cứ lãi mười. Chỉ qua một năm, anh đã giầu,giầu một cách ghê gớm, tậu một lúc hai cái nhà gạch. Có người xấu miệng bỏ nhỏ rằng của cải anh kiếm được toàn là của bất chính, và có nhiều lá đơ tố cáo anh ở Tòa. Nhưng chắc là tin vu khống vì chứng cớ là đến bây giờ X. vẫn bình chân như vại và vẫn tiếp tục làm giầu …một cách công khai.
Anh là bức khắc họa “chuẩn” nhất của mẫu “người hùng thời đại”. Cái miệng không bao giờ biết cười chứ đừng nói chi đến việc buông ra một câu tâm tình dễ lọt tai. Mặt anh cứ là khô,mắt lạnh lùng, cằm bạnh ra- đường gân chằng chịt trên trán .Bàn tay anh chỉ luôn được dùng để đếm những cuộn giấy bạc dày ắp, chứ chẳng thèm cầm đến cán bút để viết những câu gàn dở như tôi đâu. Họa chăng có cầm đến cán bút là khi anh ký bông nhận tiền hoạc thảo những giất tờ cho vay lãi từ năm,mười phân trở lên. Ít nhất, ngòi bút của anh có giá trị thực tiễn hơn chúng tôi, Th. Nhỉ ?
Về câu chuyện riêng của đời anh, một vài người đã khuyên: “ Anh đổ mồ hôi nhiều rồi, sao không kiếm một người đàn bà để quạt mát cho anh những khi mỏi mệt hay ít nhất cũng lo lắng hai bữa cơm hàng ngày “.
X. trả lời :
“ Người hùng thời đại không thể nghĩ nhiều đến đàn bà . Mồ hôi chảy đã có quạt trần. Dính đàn bà vào là gián tiếp cho họ cái quyền được sờ nắn túi mình. Dại lắm. Vả lại đời có tjiếu chi đàn bà . Vứt ra một trăm,hai trăm là đủ cả ”.
Nhưng cũng có loại chỉ một vài chục. X. chọn hạng dưới cùng rẻ tiền nhất, miễn là đàn bà là được rồi Làm kiếp anh đàn ông thì phải chiều theo cái quy luật tự nhiên của Tạo Hóa, Trời Đất ban cho mình.
Bởi vậy cho nên, năm ấy đã hơn 30 mà X. thật tình chưa hiểu thấu đáo nghĩa của hai từ “ rungh động” .Vì thế anh vẫn có thể cười khẩy vào mũi những anh chàng loạn óc về một câu chuyện phất phơ với tà áo đẹp :” Các anh gàn, các anh dại là các anh chết. Địa vị tôi ấy à ? Đừng hòng lấy nước mắt, nước mũi mà chài tôi nhé. Cứ kiếm đầy tiền vào rồi chẳng lo gạt ra không hết đàn bà con gái ấy ư ? Chứ áo rách , túi rỗng mà đi kêu gào tình yêu thì họa chăng cũng chỉ có những cô mắc bệnh tâm thần mới trả lời các anh thôi !”
Cái triết lý 100% thực dụng của X. ngẫm ra có nhiều phần đúng và thật là …sâu sắc đáng học hỏi.
*
Cái ngày trời đất nổi cơn gió bụi X. vốn là “người hùng” tất nhiên anh không thể quên nghĩa vụ lớn lao của người trai …thời loạn. Chứng cớ, anh đã vứt bỏ thẳng thừng bộ com-lê lượt thượt hàng ngày, thay vào một bộ võ phục loang lổ, vằn vện như da hổ, da báo- một cái mũ nồi đen có gắn huy hiệu cái sọ người và hai đốt xương chéo- đội lệch hẳn sang một bên rất ngạo đời, đôi giầy săng-đá anh mới từ chiếc “Zip” bước xuống , tận sân sau đã nghe rõ tiếng “lộp cộp”; đặc biệt cái quần anh sao mà lắm túi thế , đằng trước đằng sau dễ phải đến hơn mười cái túi , cái ông thợ quân nhu may thế là có dụng ý gì nhỉ ? Ngang lưng anh lủng lẳng một khẩu súng kín hở thò ra trong chiếc bao da luôn được đánh bóng.
Anh luôn mồm nói những câu khảng khái .Nhìn ai, anh cũng lắc đầu bĩu môi :” Hỏng ,hỏng,thanh niên mà xanh lướt như tàu lá chuối thế kia thì đất nước còn kỳ vọng được gì. Trong lúc quốc gia hữu sự , bộn phận của mọi người công dân là phải tham gia việc nước. Đả đảo những kẻ “trùm chăn” đả đảo những kẻ trong lúc này còn ngồi làm thơ tán láo !”.
Nhưng cũng có dăm ba kẻ (ý hẳn là không có “tinh thần” bị X. tẩy chay nên ghét X.) xì xào rằng : X. tham gia như vậy chẳng phải vì lý tưởng cao siêu gì đâu . Vì một lẽ khác, mà chỉ khi nào đi về các vùng quê, mười mấy cái túi của anh mới được quyền hiểu! Chứng minh bây giờ X. ngày càng giầu ra , giầu “ khủng khiếp” (thay cho từ “ ghê gớm” bên trên).Mặc, ai nói thì nói chứ tôi nhất định không tin. Bởi X. đã nhiều của lắm rồi, có họa là ch… thì mới tham như thế . Lòng yêu nước tương nòi,tinh thần giác ngộ của người ta mà ngộ nhận như thế là có tội đấy.
X. yêu nước đến cực điểm. Anh thường nói :” Mỗi khi nghĩ đến nỗi cơ cực của đồng bào , tôi nghẹn ngào không ăn, không ngủ được.” ( lạy trời! Anh có dáng dấp của ông Phật Di Đà ). Vì anh yêu nước nên kẻ nào đối lập dám…không yêu nước như anh ,X. coi là kẻ thù tất ,dù kẻ đó nói cùng một thứ tiếng ,thậm chí có khi cùng mang một dòng máu như anh. Có bận X. hạ lệnh đốt cả một làng vì khi anh kéo quân đi qua đã dám bắn vào anh. Tôi quên chưa kịp giới thiệu với Th. Đúng như lời tiên đoán của ông thầy tướng số ngày nhỏ. X. quả đã đóng vai thủ lĩnh thật, nghĩa là hiện giờ anh đang được làm… “ông tướng” trong một cánh quân ngót trăm người, tha hồ hò hét, ăn to, nói nhớn.
Dân trong làng lốc nhốc kéo ra , quỳ xuống khóc lóc van lậy anh xì xụp, trong đó có cả những ông già râu tóc bạc phơ như cước, X. phớt lờ như không, hét ầm lên :
- Quân bay ! Đốt m… nó đi ( Xin lỗi bạn đọc, tôi chỉ chép ngôn ngữ đúng của X. khi đứng trước mặt đám dân quê).
( Kiểm duyệt bỏ một đoạn ) Lửa cháy ,súng nổ, người khóc, máu chảy, mặt X. cứ trơ ra như không .Rồi anh hô ba quân xông vào làng. Để làm gì ? Họa riêng mười mấy cái túi quần của anh mới có thể trả lời được vì chúng luôn theo sát bên anh .
Đôi khi bên chén rượu khề khà, X. thường giải thích hành động của mình : Một khi lao mình vì “ nghiệp lớn” không thể kể đến tình cảm vụn vặt được. Cứ thương, cứ xót, thì thà mời ông cứ ở nhà mà ăn báo cơm vợ còn hơn. Những người làm được việc lớn phải là những người biết coi nhẹ tình riêng.
Quả là trái tim sắt đá , quả là một người hùng lý tưởng !
Đến như cái việc này nữa , thì ba quân dưới quyền anh chỉ biết có …phục lăn . Số là hôm đó ,theo báo cáo mật thời ở một làng kia có một nhóm người tản cư bị tình nghi có tư tưởng “chờ đờ” ( chống đối) ăn cây táo rào cây sung X. vỗ bàn truyền đem “ca-nông, mooc-chê” đến lôi cổ cả “tụi” về đây cho tao.
Một lũ người nhếch nhác, ngơ ngác trình diện trước mặt anh. X. đưa mắt nhìn từng người, ức như muốn moi gan, uống máu từng đứa được.
X. đang gườm gườm nhìn , bỗng một tiếng nấc, không , hai tiếng nấc nghẹn ngào nổi lên :
- Kìa con !
- Kìa cháu !
Một ông già và một người đứng tuổi xô lại gần anh . Không nhầm được nữa, đó là Y.( thân sinh ra X.) và Z. ( đẻ ra Y. tức là ông nội X.). Oái oăm thay hai người rời thành phố lang bạt về đây lại bị nghi oan là loại “ chờ đờ ăn cháo đá bát” , lại bị chính “ông tướng” X. gọi lên hỏi tội. Nhìn vẻ mặt hi vọng chờ đợi của ông và cha , X. mặt vẫn lạnh tanh như lưỡi hái của tử thần, thản nhiên ra lệnh:
- Bắn !
Z. mếu máo, Y. thất sắc :
- Kìa bố đây mà , ông đây mà. Bố đẻ ra anh, ông đẻ ra bố . Anh định bắn bố , bắn ông hay sao ? Chắc anh định bông đùa đấy chứ ?
X. cắu lắm rồi. Lệnh truyền mà có kẻ tưởng là một lối nói đùa, không thể tha thứ được. X. vỗ bàn hét ầm ĩ :
- Quân bay ! Lôi bắn bỏ mẹ chúng nó đi . Ông cáu lắm rồi ( xin lỗi bạn đọc vì có như thế mới là khẩu khí của “ anh hùng thời đại “ )
Ba quân được lệnh lôi sềnh sệch hai người đáng thương đó ra bãi bắn .
Về sau này nhắc lại , X. thường vênh vênh tự đắc :
- Đấy anh em xem . Bố tôi, ông tôi mà làm trái tôi cũng giết . Người hùng thời đại không thể vì tình cảm riêng mà quên lẽ sống còn của quốc gia được.
Th. nghe và đã hoảng chưa ? Tinh thần “xả thân vì nghĩa lớn “ có một không hai đấy nhé .
Bàn tay dúng máu. Phớt ! Nước mắt hay thây người dãy giụa . Mặc ! Ông cha hay người thân thích. Nghĩa quái gì ?
*
Càng ngày X. càng lập được nhiều chiến công ,nghĩa là càng bắn nhiều, giết nhiều.
Hôm đó là một buổi chiều sẩm tối, sau một vụ vây quét “ kết quả mỹ mãn” X. đang ngây ngất ngồi kiểm đếm từng đống giấy bạc ( ý hẳn là lương chính phủ ) thì bỗng có tiếng gõ cửa ,một tên lính len lét bước vào :
- Thưa chủ súy , anh em vừa bắt được một con điệp viên trà trộn vào đây . Xin đợi lệnh chủ súy .
X. lấy tay che vội lên đống giấy bạc rồi hét ầm lên :
- Điệp viên à ? Bắn !
Tên quân gãi tai :
- Dạ bẩm…. bẩm…
Ức vì tên quân không mau rút lui để còn kiểm giấy bạc , X. trợn trừng :
- Mày còn thương nó à ? Hay mày cũng muốn theo nó .
Mặt tên lính tái xanh :
- Dạ bẩm…không…không… ,nhưng con muốn thưa với chủ súy . Con điệp viên này trông xinh đẹp thành thị lắm mà cũng ngạo nghễ lắm không sợ gì cả . Bọn con tra hỏi mãi, nó vẫn không chịu khai ,lại còn mắng bọn con là đồ…đồ…
X. không chịu được nữa gầm lên. Gầm hét là đức độ của người anh hùng với kẻ dưới .
- Con gái cũng bắn. Quý phái thành thị cũng bắn. Hà hà , mày còn si tình thế thì suốt đời chỉ làm một tên lính hạng bét thôi , con ạ !
Tên lính chào, quay ra , X.nghe thấy tiếng thình thịch của những nhát vồ nện xuống đầu thanh cọc tre . Rồi lách cách tiếng súng lên đạn. Rồi păng păng năm sáu tiếng đạn nổ ròn cùng lúc . Rồi tên lính lại chạy vào mặt nhợt nhạt :
- Nó chết rồi chứ ?
- Dạ… dạ … nó chưa chết .
- Sao, năm sáu tằng chúng bay không bắn nổi một đứa con gái đã bị trói chặt chân tay à ?...
- Dạ …dạ… không hiểu sao bọn con bắn đạn cứ bay trệch cả lên trên không …
X. dữ tợn rút khẩu súng lục trong người ra . Một tiếng nổ đanh , tên lính rú lên một tiếng , quằn quại ngã vật xuống . Một giọt mắ tươi trào ra nơi ngực .
Như con thú bị thương , X. nhảy ra bãi bắn . Con khốn khiếp ,mày làm mất thì giờ đếm tiền của ông, lại còn dám chửi cả lính ông nữa , ông phải cho mày về chầu Diêm Vương mới xong ( người hùng thời đại vẫn thích xưng “ông” dù rằng với đàn bà ).
Quân lính đang xếp hai hàng trên bãi bắn thấy X. ra vội cung kính bồng súng chào . Nhưng X. không cần đáp lại , hằn học xông thẳng đến chỗ người nữ điệp viên đang bị trói giật cánh khuỷu bên chiếc cọc tre cắm sâu dưới lòng đất .Hắn hằn học nắm tóc cô gái hất ngược đầu lên. Hắn bỗng rùng mình, bàn tay cầm chắc khẩu súng bỗng như nới hẳn ra.
Chao ơi ! Sao cái con điệp viên kia lại có cái vẻ đẹp lạ lùng kiêu sa đến thế. Trên khuôn mặt tím bầm những vết bùn, đất xây sát nhưng vẫn tỏa ra một nét gì đó ngời sánh tinh khiết ( gần như hoàn hảo)như ẩn chứa một sức mạnh vô hình , chế ngự mọi sự càn rỡ của đối phương.
Đôi mi thanh tú, nước da trắng mịn, cái cằm nhỏ nhắn và đặc biệt đôi mắt: Chao ! đôi mắt vừa có cái tĩnh lặng của mặt nước hồ thu ,vừa có cái lạnh lẽo khô sắc, nhìn hắn như khinh thị, như coi thường cả khẩu súng trong tay hắn đang lăm le nhả đạn
X. thấy choáng váng ,nóng ran đầu tóc.
Từ trước tới nay chỉ quen với loại đàn bà giá rẻ hai ba chục đồng hoặc những loại dùng ...hỏa lực mà được không. X. quả tình chưa biết thế nào là " giai nhân" ,nhưng giờ đây , một "giai nhân" bằng xương bằng thịt hẳn hoi , lần đầu tiên xuất hiện trước mắt hắn tuy hoàn cảnh có trái ngang đôi chút .
X. nuốt nước bọt ừng ực . Nhưng chợt nhớ mình là " chủ súy' đứng giữa " ba quân" , là người vì " nghiệp lớn" mà từng dám cả gan nã súng vào đầu cha , ông , lại vừa chửi lũ lính là đồ cơm toi năm sáu thằng bắn một đứa con gái cũng không xong. X. vung mạnh khẩu súng lên, nhắm mắt bóp cò như một hành động vô thức .
Đoàng ! viên đạn nổ, mùi khói khét lẹt. Nhưng kia, người nữ điệp viên vẫn chưa gục ngã, đôi mắt càng như tình tứ quyến rũ thêm và cũng càng như ...khinh thị ,thách thức thêm nhìn hắn.
Viên đạn đã đi sượt sang bên. Lần đầu tiên trong cuộc đời lính tráng , X. bắn phí một viên đạn. Người nữ điệp viên không chết . Nhưng chính hắn có cảm tưởng hắn mới là kẻ... thoát chết vậy.
X. tra súng vào bao , quay lại phía "ba quân" ra lệnh :
- Cho chúng bay giải tán,miễn phải canh giữ nó.Cởi trói và điệu nó về giam tại phòng chỉ huy .Con này nguy hiểm lắm thuộc loại "thượng cấp" đây . Để đấy, đêm nay tao cần khai thác, tìm ra những chân rết đồng bọn của nó , tóm gọn cả ổ rồi trừ khử sau cũng không muộn.
Hắn giơ nắm tay quả đấm :
- Phải khai thác, tóm gọn cả ổ. Chúng mày hiểu chưa ?
X. đi vào dáng lảo đảo như người say .
*
Sáng hôm sau theo như thường lệ ,tên lính hầu cận bưng khay thức ăn điểm tâm, gõ cửa bước vào phòng chỉ huy. Bỗng hắn hốt hoảng kêu to lên một tiếng ,tay run lẩy bẩy đánh rơi cả khay thức ăn xuống đất , cốc pha lê, thủy tinh rơi vỡ tan vụn, đường sữa, cà phê , bánh mỳ rơi tung tóe.
Hắn há hốc mồm.Không thấy " chỉ huy" của hắn đâu cả và cô " điệp viên tù nhân " cũng đã biến đâu mất . Trên bàn một mảnh giấy con,nét chữ nguệch ngoạc chặn dưới một chai Martell nút mở, đã vơ quá nửa...
Và ngổn ngang bừa bãi trong phòng, trên bàn, dưới đất: mấy chiếc mũ sắt , mũ nồi có gắn hình chiếc sọ người và hai đốt xương chéo ,dăm bộ quân phục loang lổ vằn ngang, vằn dọc ,chằng chịt túi trên túi dưới, ba khẩu súng vừa "colt" , vừa tiểu liên và ngập ngụa lả tả những tờ giấy bạc vấy máu ...
*
....Mảnh giấy con con đó, tôi đố Th. biết đã viết những gì ? Mà thôi Th. chủ trương thuyết "người hùng" thì đoán sao nổi . Để tôi đọc hộ Th. nghe, chỉ vẻn vẹn vài câu ngắn :
" Chao ôi ! Mãi đêm nay , ta mới biết ta đang sống và thực sự là một con người .Những ngày trước đây, ta đã chỉ là một con vật ,một con ác thú . Bây giờ đã được trở lại làm người, vậy ta xin trả lại đây tất cả những gì thuộc về con thú !".
X.
Xin miễn bình luận ! Hà Nội tháng 6 năm 1952