Về một bức tượng đài
-
20.07.2013 11:15:36
VỀ MỘT BỨC TƯỢNG ĐÀI
Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnht
Năm nay, ngày 19 - 5 – 2013, kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như mọi năm, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước (cả người đương nhiệm và người đã nghỉ hưu) lại vào lăng viếng Bác. Trông đoàn người trịnh trọng đi trên quảng trường Ba Đình rộng lớn, tiến dần từng bước vào trong lăng, bỗng tôi sực nghĩ: Tại sao ở đây không đặt một bức tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh? Hay vì đã có lăng thì thôi không đặt tượng?
Thiển nghĩ, lăng và tượng hoàn toàn khác nhau, cả về hình thức cũng như về nội dung. Lăng dù có xây to lớn và đẹp đẽ như lăng Tự Đức, lăng Khải Định, hay quy mô vĩ đại như các Kim tự tháp của Ai Cập, thì xét cho cùng cũng chỉ là một ngôi mộ. Nơi lưu giữ di hài của một con người, khi đã kết thúc cuộc sống, cho dù đó là một vĩ nhân, hay là một người bình thường.
Tất nhiên việc giữ gìn di hài của người chết là vô cùng quan trọng. Vì đó là tình cảm, là sự biết ơn, uống nước nhớ nguồn, của người đang sống đối với người chết. Mấy chục năm nay ta vẫn đang đi tìm hài cốt các liệt sỹ ở khắp các chiến trường, người Pháp, người Mỹ sang Việt Nam, tìm hài cốt binh sĩ của họ, cũng là biểu hiện tình cảm của người sống không quên công ơn của người chết.
Song, “Cáo chết để da, người chết để tiếng”. Tiếng tăm quan trọng hơn hình hài. Nhất là đối với các nhân vật anh hùng của lịch sử, hình hài của họ dù quan trọng đến đâu, thì cũng không thể bằng sự nghiệp và công lao của họ được. Và xét về mặt thời gian, thì lăng mộ cũng không tồn tại được lâu dài băng tiếng tăm sự nghiệp của họ.
Nhân dân ta không ai biết lăng mộ các vua Hùng o đâu (nếu có). Nhưng ai cũng biết “Các vua Hùng có công dựng nước”.
Thời Nhà Trần, khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời, thi hài ông được mai táng bí mật, đến nay các nhà sử học vẫn chưa tìm thấy. Nhưng cũng không vì thế mà sự nghiệp và công lao đánh giặc giữ nước vĩ đại của ông bị giảm bớt giá trị.
Năm 1969, Bác Hồ qua đời. Miền Mam chưa được giải phóng/ Đảng và Nhà nước quyết định xây lăng, lưu giữ di hài của Bác cho đồng bào Miền Nam, sau ngày thống nhất được trông thấy Bác, là một quyết định đúng đắn, và hợp với lòng dân cả nước, chứ không riêng với đông bào Miền Nam. Song cuộc sống của con người là hữu hạn, mà thời gian thì vô cùng. Chúng ta hãy nhìn xa về thời tương lai thì sẽ thấy: Dân số nước ta rồi sẽ là hai ba, hay bốn năm trăm triệu người. Họ sẽ ra đời vào hai ba, hay bốn năm trăm năm nữa. Ở những thế kỷ ấy, liệu họ có nghĩ như chúng ta đang nghĩ hôm nay không? Và đến thời gian ấy, cái nhu cầu phải lưu giữ hình hài của một vị anh hùng dân tộc, để mỗi khi con cháu đến viếng thăm được trông thấy dung nhan, liệu có còn tồn tại không?
Có thể còn, mà cũng có thể mất. Chúng ta không thể khẳng định được. Vì đó là tư tưởng, là tình cảm, là quyền tự do của họ. Kể cả đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta đây, đến thời gian ấy, về căn bản cũng là của họ, của ba hay bốn trăm triệu con người đang sống, chứ có còn là của chúng ta, hơn tám mươi triệu con người đã chết từ lâu rồi đâu. Kim tự tháp Ai Cập, từ năm nghìn năm trước vón là nơi an nghỉ cuối cùng, vừa thiêng liêng, vừa bất khả xâm phạm, của các vị Hoàng đế Ai Cập. Nhưng năm nghìn năm sau, chính người dân Ai Cập, con cháu của các vị Hoàng đế ấy, lại khai quật Kim tự tháp để nghiên cứu khoa học.
Cho nên lăng mộ, hình hài, những giá trị vật thể của các nhân vật anh hùng để lại, không quan trọng bằng những giá trị phi vật thể của họ để lại. Và sự tồn tại của những giá trị vật thể ấy thì hữu hạn, còn những giá trị phi vật thể thì vô cùng, vĩnh cửu.
Còn tượng đài (tuy cũng là sản phẩm vật thể, nhưng đó là vật tượng trưng cho những giá trị phi vật thể) được xây dựng nên để tôn vinh, để quảng bá và để tri ân công trạng của các nhân vật anh hùng. Và một phần nữa cũng là để trang trí, làm tăng thêm vẻ đẹp, vẻ phồn vinh cho cảnh quan non sông đất nước. Cho nên tượng đài thường được đặt ở các địa danh lịch sử, ở vườn hoa, công viên hay quảng trường các thành phố, nơi tập trung đông cư dân sinh sống.
Nước ta, trong bốn nghìn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã xuất hiện rất nhiều nhân vật anh hùng, tên tuổi và sự nghiệp của họ đã làm vẻ vang cho đất nước. Nhưng tiếc rằng nước còn nghèo, chưa dựng được nhiều tượng. Ở Thủ đô Hà Nội mới có tượng của ba vị Hoàng đế, anh hùng dân tộc:
Thái tổ Lý Công Uản , người đã ban chiếu dời đô, khai sinh ra Kinh đô Thăng Long hơn một nghìn năm trước.
Bức thứ hai là tượng vua Lê Thái Tổ, gần sáu trăm năm trước, người đã bao vây Kinh thành Thăng Long, buộc bọn tướng giằc Minh, Vương Thông, Mã Kỳ phải mở cửa thành ra ký hoà ước đầu hàng.
Bức thứ ba là tượng Hoàng đế Quang Trung, người anh hùng năm 1789 đã tiêu diệt mấy vạn quân Mãn Thanh xâm lược ở Đống Đa, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, khiến tên tướng giặc Tôn Sĩ Nghị, nửa đêm phải bỏ cả ấn tín chạy trồn về nước.
Đó là các vị anh hùng thời xưa. Còn bây giờ người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh, người đã đọc Tuyên ngôn độc lập ngày mồng 2 - 9 – 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, sao vẫn chưa có tượng ở Thủ đô Hà Nội như các danh nhân khác?
Các bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được chế tác thành hai loại. Tượng bán thân được đặt ở các đền thờ. Tượng toàn thân đặt ở các cồng viên, quảng trường thành phố. Tuy nhiên cũng có trường hợp không phải là như vậy. Như bức tượng Bác đặt ở đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ.
Ông Tống Khắc Hài, nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh) cho biết:
“Quần đảo Cô Tô gồm ba mươi hòn đảo lớn nhỏ, nằm ở phía Đông Bắc, cách đất liền gần 100 hải lý. Diện tích 46,2 km2. Dân số gần năm nghìn người. Ngày 9 - 6 – 1961, Bác Hồ ra thăm đảo.
Năm 1962 Tỉnh Hải Ninh (thời gian ấy tỉnh Hải Ninh chưa sáp nhập vào khu Hồng Quảng, đảo Cô Tô thuộc tỉnh Hải Ninh) xin phép Bác để dựng tượng, được Bác đồng ý. Nhưng maĩ sáu năm sau, 1968 Cô Tô mới có tượng Bác và là tượng bán thân.
Năm 1976, nhân kỷ niệm mười lăm năm Bác ra thăm đảo, tỉnh Quảng Ninh dựng tượng Bác. Tượng toàn thân, cao 4,4m (cả bệ là 9m), bằng đá xanh khai thác ở Thanh Hoá”.
Bài báo “Cô Tô làm theo lời Bác”, của Phòng Văn thể, huyện Cô Tô viết: “Với vị trí tiền tiêu phia Đông Bắc của Tổ quốc, Cô Tô là một vị trí chiến lược quan trọng, chính vì thế Cô Tô là nơi duy nhất được Bác Hồ cho dựng tượng của Người…” (Báo Văn nghệ Hạ Long, sô 436, ngày 20/5/2013).
Như vậy, rõ ràng là việc dựng tượng Bác ở đảo Cô Tô, mục đích chính không phải là để tôn vinh công trạng của một vị anh hùng. Nếu là để tôn vinh, thì phải đặt tượng Bác ở quảng trường Ba Đình mới đúng chứ! Mà cũng không phải là để cho người dân đảo được lưu giữ một kỷ niệm quý, một vinh dự là đảo đã được Bác đên thăm. Vì dân số trên đảo 37 năm trước đây, chắc chỉ vài nghìn người là cùng, không bằng một làng ở trong đất liền, thì làm sao có đủ tiêu chuẩn để dựng tường Bác. Mà mục đích chính của việc dựng tượng Bác là để xác lập và khẳng định chủ quyền vùng biển đảo đó là của nước ta. Cũng tương tự như việc ngư dân Quảng Ngãi ra Hoàng Xa và Trường Xa, vừa khai thác thuỷ sản, vừa để khẳng định đó là vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thiển nghĩ, việc xác định chủ quyền trên một hải đảo, không có sự tranh chấp của quốc gia khác như đảo Cô Tô, thì chỉ cần cắm ở đó một cái cột mốc mang quốc huy của nước ta, thế là đủ, là xong, chứ sao lại phải dựng tượng đài?
Rất tiếc là tôi chưa có dịp đến thăm đảo Cô Tô. Nhưng trên ti vi, đã vài lân được trông thấy tượng Bác đứng giơ tay như vẫy goị cháu con, ở giữa nơi đồng không mông quạnh, chỉ có mây trời và biển sóng mông mênh vô tận…Rồi từ đấy, trong thâm tâm tôi, thỉnh thoảng lại gợn lên một chút áy náy, băn khoăn rằng, hơn 80 triệu người là con cháu của Bác (trong đó có cả bản thân mình) được hưởng cuộc sống yên bình với vợ con, anh em. bè bạn ở phố phường, làng mạc đông vui trong đất liền. Còn Bác, một đại lão đã 123 tuổi thì phải đứng canh ở ngoài hải đảo, y như một người lính biên phòng!
Như vậy, câu nói quen thuộc: “Đời đời ghi nhớ công ơn Bác Hồ”, chẳng hoá ra chỉ là một câu nói suông!
*
* *
Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin đề nghị Đảng và Nhà nước nên di dời bức tượng Bác ở đảo Cô Tô về, và đặt vào vị trí ngày mồng 2 - 9 – 1945, Bác đã đứng đọc Tuyên ngôn độc lập, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Còn ở đảo Cô Tô, để kỷ niệm ngày Bác ra thăm đảo, chỉ cần đặt một bức phù điêu chân dung Bác là vừa đủ, vừa đẹp.
Thưa bạn đọc, bạn có đồng ý với tôi không?./.
TP Uông Bí, ngày 2/6/2013
Tạ Hữu Đỉnh