Cuộc tang thương - (Phần 5 : hết ) ( Tiếp theo Phần 4 và hết ) Thị Hạnh trông người ấy thì không quen bao giờ, mà sao người ấy lại biết tên mình, bụng nghĩ lạ quá :” Sao ông lại biết tên tôi, ông là ai, tôi trông không quen ?” Người ấy lại cười nói :” Mợ không biết tên tôi, nhưng tôi biết rõ mợ, và ông bà đẻ ra mợ nữa, vì tôi thường về quê mợ chơi luôn,nên nhiều khi được trông thấy mợ, nay được gặp mợ ở đây thật là lòng giời !..”
Giọng nói ngọt ngào con mắt hữu tình chòng chọc nhìn ả, khiến cho ả cũng phải động tâm nhìn lại thì thấy người ấy mặt tròn trĩnh, da trắng trẻo, người trông khỏe mạnh đẹp đẽ. Người ấy đứng trước ả mà đã làm cho ả sinh cảm tình yêu mến, chẳng khác chi hòn đá nam châm hút các chất kim khí vậy.
Nguyên chàng này tên là Sở Cường cũng là hạng cờ gian bạc lận kiếm ăn ở đất Hà Nội, lại có tài ngôn luận làm siêu lòng con gái phải mê, nên bấy lâu chỉ sinh hoạt bằng hai nghề này. Chàng vẫn hay về làng ông Hàn đánh bạc nên biết Thị Hạnh là nàng hầu ông,nay thấy ả đi một mình lại thấy đeo hoa hột, biết là trong mình có bạc, định ve vãn kiếm tiền.
Chàng thấy ả cúi đầu nghĩ, bèn nhìn ả rất hữu tình mà rằng :” Chả mấy khi gặp mợ, tôi xin trộm phép mời mợ vào hiệu khách kia uống chén nước hỏi vài câu chuyện …”
Vừa nói vừa lấy tay chỉ vào hiệu cao-lâu khách ở gần phố ngoài ga. Thị Hạnh còn dùng dằng e lệ, chàng lại tán :” Trước lạ sau quen, vả lại tôi cũng có quen ông bà Phó, can chi mợ ngượng ?”
Ả nghe chàng ta nói có quen biết cha mẹ mình liền lặng yên, nhìn chàng ta tỏ ý bằng lòng đi.
Hai anh chị rủ nhau vào hiệu cao-lâu đó , chọn một cái bàn sạch, bắc ghế ngồi đối nhau nói chuyện. Dưới ánh đèn điện , mặt giáp mặt, nhưng vẫn còn e lệ, chỉ thỉnh thoảng con mắt đưa đẩy liếc nhau mà thôi. Thị Hạnh nhìn chàng ta cũng có ý ưa , hễ thấy chàng nhìn thì cũng nhìn giả . Vay giả giả vay mấy cái nhìn ,mỗi cái nhìn là một ngọn lửa tình bốc lên trong ruột. Nước pha đã nguội, hai anh chị uống được vài chén rồi, Sở Cường mới cười nói với ả rằng :
” Ấy ngồi đây chơi nói chuyện lại, tôi trước cũng định hỏi mợ , vừa tính mượn người mối lái đến nói với ông bà Phó , thì mợ đã về hầu ông Hàn rồi !...”
Ả chưa giả lời, chàng đã nói luôn :” Tội nghiệp! Ông Hàn trông ốm yếu thế , chắc chết mất ! Sao mợ còn trẻ thế mà đã lấy ông ta ? có hoài không ?”
Thị Hạnh xúc cảm buồn bã chỉ thở dài : ” Tôi lấy ông ấy cũng là sự bất đắc dĩ “
“ Bất đắc dĩ, thiếu gì người vừa lứa phải đôi mà lấy người tuổi tác như thế, còn có xuân tình đâu nữa, chẳng cũng phí cái nhan sắc hoa tươi phong nhị của mình đi ư ? “
Nghe chàng nói đến hai chữ xuân tình ,dục tình ả bừng bừng nổi lên như lửa cháy , chỉ ngồi nghe chớ không nói gì . Sở Cường dò biết ý tứ ả, mới dở hết giọng thiết tha tử tế : “ Thật đáng tiếc cho mợ !”
Lại thở dài một mình :” Mà đáng thương cho tôi vô duyên bây giờ mới gặp mợ thì sự đã quá rồi, chả biết còn mong được gì nữa không ? ”. Vừa nói vừa thở dài thở ngắn ,Thị Hạnh nhìn chàng, bụng đã siêu hết tám chín : “ Cám ơn ông đã có bụng thương yêu đến em !...”
“ Tôi gọi mợ bằng mợ , sao mợ nỡ vô tình gọi bằng ông , nào tôi đã già gì ?...”
Nói rồi liếc mắt cười,nhìn Thị Hạnh, ả lần này cũng liếc nhìn chàng ta một cáh hữu tình hơn hẳn lần trước: “ Thôi hôm nay đã khuya rồi, để lần khác sẽ lại nói chuyện !”
Sở Cường làm ra vẻ buồn rầu quyến luyến :“Lần khác là lần nào? Xa một phút cũng còn nhớ mợ, huống chi là đợi đến bao giờ mợ mới buồn cho giáp mặt ?’
Chàng dùng những giọng nói rất đầm thấm, làm cho Thị Hạnh mồm tuy nói vậy mà bụng cũng không còn muốn rời chàng ta nữa . Chàng liền hỏi Thị Hạnh bao giờ về quê nhà , ả giả lời mua bán xong thì về , nhưng ả thấy chàng quyến luyến , thì bảo chàng rằng :” Hôm nào tôi về, cậu về với tôi thì hay lắm, chớ tôi không thể ở lâu ngoài này được. Tôi nhận cậu là anh em họ hàng với tôi, thì ông Hàn không nghi gì nữa !”. Sở Cường mừng lắm :” Được vậy thì mợ thương tôi biết bao nhiêu ! Tôi lo gì không được cùng mợ sau này…” Chưa nói hết câu thì Thị Hạnh đã bảo :” Sáng ngày kia tôi về sớm, cậu cứ ra ga đợi tôi. Thôi, bây giờ để tôi về kẻo khuya..!”
Sở Cường đưa nàng về tận nhà trọ.
Cách hôm sau, vào lúc buổi sáng chuyến tàu thứ nhất xuôi nam. Thị Hạnh và Sở Cường y như lời hẹn đều gặp nhau, lấy vé rồi cùng lên tàu xuôi…
Về đến nhà, Thị Hạnh đưa Sở Cường ra mắt ông Hàn nói rằng chàng là anh em. Ông thấy chàng ăn nói lễ phép khiêm tốn, bụng tin lắm ,sai dọn buồng ngay cạnh buồng ông cho chàng ở. Ông người hay mỏi mệt nên thường lúc nào cũng phải đi nằm,hai anh chị thừa lúc ấy đưa nhau tới những chỗ kín nói chuyện , tối Thị Hạnh lừa ông ngủ , lại lẻn sang buồng Sở Cường. Hai đứa gian phu dâm phụ tối nào cũng thế, mà ông Hàn không biết chi cả. Một hôm ông buồn, uống rượu say quá phải đi ngủ ngay .Thị Hạnh chắc là tối ấy ông ngủ say,vừa thấy ông đặt lưng nằm đã sang ngay buồng Sở Cường , đến nửa đêm ông lên cơn đau bụng, gọi ả lấy dầu Vạn ứng xoa thì không thấy ả đâu,ông đã hơi nghi, đốt đèn lên soi cũng không có,ông đứng yên nghe kỹ thì hình như có tiếng ả bên buồng Sở Cường.Tay chân run lẩy bẩy, ông rón rén bước đến cửa buồng thì thấy cửa đóng chỉ có ánh đèn xuyên qua khe cửa ló ra tia sáng con con, nhìn kỹ chỉ trông rõ cái đuôi gà đàn bà rủ xuống. Phải rồi , chính là Thị Hạnh! Ông uất người lên ,muốn đạp cửa xông vào bắt quả tang, nhưng ruột đau đớn quá, ngã người xuống…
Lâu lâu tỉnh dậy, lại rón rén bước về buồng mình,lên giường nằm thì đã thấy mình nóng như lửa,người phát sốt. Bây giờ ông mới biết là ông bị cái ái tình giả dối của Thị Hạnh lừa, làm cho ông bỏ cả vợ con không thiết,bây giờ ông mới biết là bà Hàn là vợ hiền, cậu Ngô Tòng là con thảo của ông, chỉ vì ông mà phải đất khách bơ vơ. Trong cơn đau đớn ông tưởng tượng như linh hồn bà hiện lên khóc lóc bảo ông rằng :” Ông bị cái sắc nó lừa, cái bẫy dục tình nó kẹp rồi,bây giờ ông mới biết à ?”
Cả đêm hôm ấy ông trông thấy cái chết trước mắt ,cái chết đau đớn đập vào tưởng như con dơi đói muỗi,sáng hôm sau thì ông ốm nặng. Thị Hạnh lại khéo vờ vĩnh hỏi ông :” Mình ốm làm sao, trong mình có đều gì không ?” Ông nghe giận sôi lên, muốn ngồi ngay dậy bóp cổ chết tươi, mà ngặt nỗi người đã yếu lả đi, cổ đã nghẹn không nói được, chỉ trông Thị Hạnh mà khẽ nói trong cổ :” Mày thật là con dao đâm vào ruột tao, người mày thật là cái bánh rử cho trẻ con nín khóc, tao đã ăn phải cái bánh của mày rồi.Tao thật là một đứa trẻ dại dột !”. Thực thì Thị Hạnh trông ông ốm nặng, chắc mười phần phải chết, bụng mừng thầm :” Từ nay ta được tự do lấy chồng khác !’.
Ông ngồi trước mặt thị Hạnh chẳng khác chi người trực kiến lớp trò quỷ thuật thực hư hư thực, xem xong nghĩ ra mới biết! Đến bây giờ biết là con mắt mình như đui mù ,để cái hào quang sắc dục làm lóa mắt,..những sự vật hữu hình ở đời ,nguyên nhân cũng toàn hư vô cả …Ông nghĩ mình như con chim bị tên ,bay lạc vào rừng, bị thương nặng sống sao được ? Hồi tưởng đến vợ con, mà mình quá phụ bạc , thương xót hối hận biết chừng nào ? Vợ ông đã yên giấc suối vàng rồi, còn Ngô Tòng là con ông đương cô thân đất Hà Nội , ông bèn cố gượng viết một cái thơ sai người đưa ra ngay cho cậu. Cậu vừa bắt được thơ đi về nửa đường thì ông đã mất .
IV
Cậu Ngô Tòng về đến nhà thì ông đã mất được hơn một ngày, Thị Hạnh đã cho khâm liệm ông bỏ vào áo quan để giữa nhà. Giường thờ bài vị đâu đấy sẵn sàng, mấy cây nến thắp lung linh cả ngày trông cảnh tượng nhà khác hẳn…
Cậu trông thấy cảnh đau lòng cất tiếng khóc vang, quỳ lạy trước quan tài cha mà khấn vái lầm rầm..Thị Hạnh cũng giả bộ thương xót ,gục đầu vào bàn thờ ông mà khóc rằng :” Mình ơi, mình ới, mình đi minh bỏ tôi để tôi ngày nay bơ vơ một thân, biết nương cậy vào ai ? Mình ơi , mình có thầu tình cho tôi không ? “. Cậu Ngô Tòng nghe tiếng Thị Hạnh khóc liền nghĩ đến những lời tên người nhà nói,giận quá mắng thầm trong bụng :”Mày là đứa giết người không dao , mày làm cho cha ta chết rồi còn khóc gì nữa ?” Cậu không biết rõ đầu đuôi làm sao ông chết ,nên cũng không có cớ chửi mắng thị Hạnh ..Các đầy tớ trong nhà thấy chủ chết đều xin về cả ,còn Thị Hạnh nhờ gia sản ông làm giấy cho đã lâu, nay ông mất được thừa nghiệp cái nhà bây giờ ,và tất cả ruộng nương về tay ả hết. Lúc ông hấp hối đã hỏi những văn tự nhà ruộng đã đưa ả khi trước, nhưng ả khôn giấu biệt. Bởi thế phần cậu Ngô Tòng chẳng được gì ..Cậu thu xếp an táng ông xong lại lên Hà nội chờ việc làm. Còn Thị Hạnh từ ấy rước bố mẹ về ở nhà ông Hàn.
Cậu vừa lên đến Hà Nội thì nhận được giấy nhà nước bổ làm thư ký sở Kho Bạc Hà Nội .Được việc làm rồi cậu liền thuê nhà ơ phố Hàng Bè,ở một mình trên gác. Chàng Lê Cần muốn rủ cậu về ở chung ,nhưng chàng từ chối vì muốn yên tĩnh. Hai anh em tuy cách nhà, không được ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, nhưng đi lại chơi bời với nhau lúc nào cũng như lúc nào, tình tân ái nghĩa kim lan vẫn khăng khít giải đồng tâm xe chặt với ai,…Nghĩa bè bạn mà hóa như tình giai gái, yêu nhau đùm bọc lấy nhau,bao la giời đất một màu, đoạn tràng ai có qua cầu mới hay
Cậu Ngô-Tòng từ ngày tòng-sự tại sở Kho-Bạc, thì cứ ngày hai buổi đi làm, tối lại về ngồi một mình trên gác, không giao thiệp chơi bời với ai, chỉ có chàng Lê-Cần là thường thường đi lại truyện trò với cậu, ngoài ra gác rộng, thân cô, chẳng khác chi thày tu khổ-hạnh ngồi trong chốn thuyền-lâm tịch mịch. Cậu đây cũng như người tu tại gia tâm-giới đối với cảnh-ngoại đã thấy phản-đối, không lấy gì làm ưa, vì cảnh-ngộ cậu điên-bái lưu-ly như thế, cái sầu đã chất thành gò núi trước mắt, lúc nào cũng trông thấy. Người mà đến mấy năm hết buồn này, đến khổ khác, sống ở trong cảnh gia-đình tang-thương, không được biết cái vui xum họp gia-đình là gì, thì còn ham muốn gì nữa? Con người ta sinh ra, bước đường thứ nhất mình đi là chốn gia-đình, nay cái bước đường thứ nhất của cậu đã thất-lạc, thân cậu bây giờ như một cây cỏ mọc cheo leo giữa giời, không bám bíu vào đâu, cảnh ấy nguy-hiểm biết là đường nào, đáng buồn đáng lo biết là bao nhiêu? Cảnh-vật tuy có vui mà cũng là nơi thành sầu bể thảm của con người ưu-hoạn như cậu, đường thân-thế tuy đã có mục-đích mà bước tương-lai còn xa lăng lắc, suy chẳng tới nghĩ chẳng nên, thuyền ai một lá cánh buồm bên sông, nghĩ lòng lại sót xa lòng đòi phen. Ai đánh mà đau, ai bắt mà sầu, chẳng qua cỏ nội hoa hèn vứt bỏ, mà mây ngàn mờ khuất, giăng tà chiều hôm, bức tranh Vân - Cẩu ngàn dâu hiu hắt, nhìn đất giời con mắt đăm đăm. Tạo-hóa có thù chi khách hồng-quần mà bắt phong trần cũng phong-trần như ai. Sự đời đã bất thường khe khắt như thế thì đời phồn-hoa cũng là đời bỏ đi. Chàng Lê-Cần thấy cậu lúc nào cũng ủ rột như cánh hoa thu, vừa buồn lại vừa thương, cảnh chàng cũng buồn, nhưng chàng là người kiên-tâm nhẫn-nại, có tư-tưởng, bao nhiêu sự đau khổ tự-nhiên đều bỏ hết được, mà một niềm làm lụng cho khuây. Lê-Cần trông cậu rầu rĩ thái quá, bèn khuyên rằng:
“Anh buồn mà chi, sầu nữa mà có ích gì? Chẳng qua ở đời tạo-hóa tuần-hoàn, người ta sinh ra thường trong mười phần vừa ý, thất ý đến tám chín phần, không ai là không phải đau khổ, nhưng sống ở đời phải hoạt-động, phải có công-việc, phải có lo toan, nếu anh cứ thế mãi thì sau ra làm sao?”
Nhờ những lời chàng khuyên cậu, nên cậu đỡ buồn; lúc rảnh rang chàng liền lấy lẽ phải khuyên cậu lấy vợ, cậu chỉ giả lời:
“Lấy vợ! Lấy vợ mà làm gì?”
Lấy vợ, lấy vợ mà làm gì, đó là một cái luận-đề mà cậu đương suy nghĩ, suy nghĩ vẩn vơ chưa ra nhẽ phải.
Cảnh cậu ngày nay quạnh quẽ vắng vẻ đã chẳng khác cái một bãi xa-mạc mông mênh, không có vết chân lạc-đà bước qua, mây sầu khỏi tỏa chân giời, tịt mù nào biết ai người đồng-tâm, không có lẽ lỗi việc đền trông cậy ở cái thịnh-tình của chàng Lê-Cần hay sao? Đành rằng phải lấy vợ, nhưng vấn đề lấy vợ này thế mà khó giải-quyết, giải-quyết làm sao? Biết lấy ai? Ai lấy? Lấy con nhà giầu có buôn bán chăng, e không có nết! Lấy con nhà thế-phiệt nho-gia chăng, e không phải là người làm ăn? Lấy con nhà hàng phố buôn bán chăng, e đức-hạnh không phải là người đứng đắn. Huống chi con gái đời nay, phần nhiều mắt cậu trông, tai cậu nghe, đều không phải là người có thể cậu lấy được.
Tối hôm ấy.... giời ấm áp, cận trong bụng bứt rứt không yên, bèn mặc áo chít khăn, dặn thằng nhỏ trông nhà rồi đi. Nghe những người đi đường nói truyện với nhau rằng Quảng-lạc độ rầy hát nhiều vở tuồng hay lắm, bèn quyết-ý định vào xem tuồng.
Đến ngõ Sầm-công, thì rạp hát đương giáo-đầu cậu lấy vé hạng nhất, đưa người xé vé, rồi vào, thì các ghế ngồi trong rạp hát đã đông cả, từ trên gác xnống dưới nhà đen nghịt, những người. Vé cậu có số, nên không ai tranh được, tìm mãi mới thấy, vừa ngồi được một lúc, thì người ra đóng vai giáo-đầu đã rở vào, màn đã hạ, đèn điện đã sáng. Trong rạp hát ồn ào những tiếng nói cười, huyên-náo quá chợ Đồng-Xuân. Một giẫy ghế hạng nhất gần chỗ cậu, ghế nào cũng có người, trông ra toàn là các ông, các bà, các chàng thiếu-niên bận tây rất choáng, các cô nữ-trang ăn mặc rất, mĩ-miều, có thầy thì áo tây khuy có đính cái hoa hồng con đỏ chói, có cô thì tay đeo đồng hồ Bracelet vàng, lại có cô thì ngồi cắn hạt rưa; những mùi thuốc lá sực nức mũi, ở giữa rạp hát đông người bay lên trên không như một đám khói trùng trùng, rồi những tiếng cắn hạt rưa nghe cũng chẳng khác chi tiếng tích-tắc máy đồng hồ hỏng nghe ban đêm thanh vắng. Mặt nọ ngoảnh nhìn mặt kia, mắt kia liếc nhìn mắt nọ, người nọ trông người kia mỗi người như có cái gì lạ trong mình, làm cho người khác phải nhìn rút lại quần áo phô-phang, dục-tình chọi với dục-tình mà thôi.
Cậu Ngô-Tòng tuy ngồi nhà hát, nhưng trí-não mộng-du trong cảnh người với người, càng trông cái cảnh-tượng huyên-náo này càng lấy làm khó chịu....
Mới lấy chương-trình xem diễn vở tuồng gì, thì là tích Dự-nhượng đả, long bào, xem xong vội vàng gập lại để vào lòng, chẳng may chỗ ấy đông quá, người ngồi chật hai bên, cậu vô ý thế nào tay đụng ngay vào cái đuôi gà lõng thõng ra sau ghế trước, thì thấy một cô con gái ngoảnh lại, cậu biết mình sơ ý liền nói tạ lỗi cô, nhác nhìn cô diện-mạo đoan-trang, mày thanh, má phấn môi son, khổ mặt trái xoan, cái khăn xa-tanh hoa vấn trông rất xinh sắn tròn trặn, hai còn mắt trông sắc mà không lẳng lơ, không vô-duyên, càng nhìn càng thêm yeu mến. Lần này là lần thứ nhất cậu được trông thấy một người có sắc, mà đáng mến như cô, thật là một sự tình cờ, tự nhiên mà sui cho cậu có một cái cảm-tình vô hạn đối với cô. Cô là ai? Có duyên gì với cậu mà đã làm cho cậu quyến-luyến rồi.
Cô con gái ấy nghe cậu tạ lỗi, không nói gì nữa, quay đầu lại. Bên cạnh cô có một bà cụ độ năm mươi tuổi, chừng là bà đẻ cô, một lúc thấy bà cụ bảo cô: “Đưa cho mẹ miếng dầu!”, rồi thấy cô lấy dầu để trong cái khăn mù-soa lụa trắng đưa ra. Cậu ngồi dưới có ý nhìn cô, càng nhìn càng đáng yêu. Trông người cô vừa vặn thanh-tú, mình mặc một cái áo đoạn chơn, mỗi bên tay có hai đôi xuyến chạm, tuổi độ 19, 20 là cùng....
Lạ thay, con mắt cậu trông người cũng nhiều, mà chưa được người nào như cô vừa có vẻ phong-lưu yểu-điệu, lại vừa có vẻ chín chắn nết na. Tình cờ mà trông thấy cô, chắc là một cái duyên may, không nên bỏ qua. Có lẽ cô là người mà cậu đương băn khoăn tìm hỏi đó chăng?
Một hồi lâu, còn hai cảnh nữa mới hết, thì đã thấy hai mẹ con cô con gái ấy đứng giậy ra về, bà cụ bước ra trước, còn cô vội vàng bước theo sau, lúc đứng giây, bỏ quên mùi-xoa đựng dầu rơi trên ghế, cậu bèn nhặt lấy, gọi cô lại đưa giả. Cô cầm mùi-xoa nói: “Giã ơn cậu!”
Tiếng nói thanh-tao, như sui dục lòng cậu thêm cảm-tình quyến-luyến, hình như có cái động lực gì phát-khởi trong mình cậu, cậu lúc này chẳng khác chi miếng sắt bị đá nam-châm hút; cô đi, cậu cũng theo sau. Ra đến cửa, thấy bà cụ gọi xe mặc cả hai xu về đầu hàng Bạc; cậu muốn biết rõ chỗ cô ở, bèn cũng gọi xe theo sau, một lúc xe bà cụ và cô con gái đỗ gần đầu phố có máy nước ngay bên cạnh cột đèn, chỗ sáng, nên cậu xem rõ được số nhà, liền quay xe về....
Nguyên cô con gái này tên là Ngọc-Lan, năm nay mới có 18 tuổi là con bà cụ này. Bà hóa chồng đã được sáu bẩy năm nay, ông xưa kia chỉ chuyên có nghề làm hàng bạc, đánh vòng, kéo xuyến rất khéo mà trở nên giầu có, nhà tậu được hai ba cái. Từ khi ông mất đi, hai mẹ con nhờ được cơ-nghiệp giầu có, cùng nhau giữ nghề cũ, chuyên-cần ngày đêm, một ngày một khá. Bà có một mình cô, nên rất yêu mến, đòi gì được nấy, lại cho cô thêm hai ba nghìn để làm vốn riêng; ngoài cái tiền bà cho cô, cô cũng buôn bán làm ra được vài trăm nữa. Bà yêu chiều cô thật, nhưng giữ gìn cô, không để cô đi đâu, cũng không cho cô đua chơi bời với chị em; ngày ngày hai mẹ con chỉ ngồi trong nhà làm công việc, ai kéo nhẫn, trạm hoa thì đưa đến để bà hay cô làm ở nhà trong, chứ không có cửa hàng.....
Thành ra cô vẫn là con gái cấm cung, được bà khéo giậy, nên kể cũng là người hiền lành, chưa có tai tiếng hư hỏng gì. Cô sở thích nhất là ăn mặc ngắm vuốt, thỉnh thoảng có đi lễ với bà, thì ăn mặc rất điểm-trang; quần áo đẹp vào cô rất hợp, vì người cô vốn có sắc. Hôm nào cô ăn mặc vào mà bước chân ra đường, là y như hôm ấy ai cũng phải nhìn.....
Ai nhìn thì nhìn, cô cũng chả nhìn ai, trong bụng cô nghĩ cũng chưa có người con giai nào ra tuồng mà nhìn; những chàng thiếu-niên bảnh bao hay riễu ngoài phố, cô cũng không ưa, bởi thế đã nhiều thày đỗ cao, làm tòa nọ sở kia, lương một tháng hàng trăm hoặc hơn một trăm mượn người dạm hỏi cô, bà bằng lòng mà cô không thuận. Cửa xuân-tỏa mặc người qua lại, mà mắt xanh vẫn chưa để vào một ai!
Hôm ấy hai mẹ con rủ nhau xem Quảng-Lạc, thế nào cậu Ngô-Tòng gập, thành ra một sự tình-cờ, mà cậu phải để-tâm chủ-ý.
Cậu biết rõ nhà cô rồi, hỏi thăm được gốc tích và tính-nết cô, nghe người nào cũng nói rằng cô không đi đâu, ở phố ấy không có tai tiếng gì, bụng mừng lắm, quyết định nhờ bà Dì chàng Lê-Cần đánh tiếng nói giúp, để khi nào cậu đoạn tang sẽ cưới.... Bà Dì chàng Lê-Cần nghe cậu mượn nói giúp, vui lòng nhận ngay lập tức tìm người quen thân với bà Thân-sinh ra cô Ngọc-Lan nói đầu đuôi, người này cũng hứa sẽ hết mức nói dùm cho xuôi việc.
Khi hai mẹ con cô Ngọc-Lan nghe nói cậu Ngô-Tòng hỏi, trước còn dùng dằng bảo cậu bồ côi cha mẹ, họ hàng không có ai, tất là người lêu lổng, đã toan không gả, nhưng sau nghe nói cậu đã đỗ bằng Thành-Chung, hiện đương tòng-sự sở Kho-bạc, lại trông người cậu khôi-ngô đẹp đẽ thì bằng lòng, ngỏ ý bắt cậu phải ở gửi rể....
Ba năm vừa qua, cậu Ngô-Tòng và cô Ngọc-Lan đã lấy nhau rồi. Cậu ở gửi rể, nên không thuê nhà ở hàng Bè nữa.
Nhà bà thân sinh ra cô Ngọc-Lan rộng rãi, hai vợ chồng cậu ở trên gác, còn bà thì ở dưới nhà. Bà được chàng rể như cậu, cũng vui mừng. Cậu ăn ở với bà hết lòng kính-trọng, chẳng khác chi mẹ đẻ, bà yêu cậu lắm, còn mợ thì lại chiều cậu hết mực, trong cảnh gia-đình đã có vẻ hòa-khí an-lạc. Tình thân-ái trong vợ chồng đã là cái tình độc-nhất vô-nhị của loài người, do lẽ âm dương gập nhau, thì sự vợ chồng trẻ mới lấy nhau, phần nhiều là chăn loan gôi phượng xum vầy, ngày xuân nhớ lúc đi về với xuân, không cần phải nói.
Tục-ngữ có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn” phu xướng phụ tòng, như thế thì cơm trắng chả chim, mới xứng đáng. Xem ra hai vợ chồng cậu Ngô-Tòng sự yêu nhau cũng rất mực, mà tư tưởng đôi bên nhiều khi xung-đột. Công việc trong nhà không phải là không biết thu xếp có ngăn có nắp, nhưng mợ chỉ chăm chút những việc to, mà không thèm nhìn đến việc nhỏ, cần-kiệm những việc tiêu hàng đồng, nhưng không cần kiệm những việc tiêu vài hào. Cái tính mợ lại thích soi gương đánh phấn, có đi đâu tất phải điểm trang ăn mặc chải chuốt. Cậu thì tính nết lại khác mợ, tuy là một người đàn ông, nhưng không hoang-phí, rất cần kiệm, từ 1 xu một hào phí cậu cũng tiếc! Lại ưa sự sếp đặt cửa nhà có ngăn nắp, còn đến đường ăn mặc thì cậu không ưa lòe loẹt sang trọng, chỉ cốt sạch mắt dễ trông. Cậu thấy mợ có những tính trái với cậu thế, thì thường khuyên mợ:
“Đàn bà quý-nhất là có đức-hạnh, xứng là người tề-gia nội-trợ, chớ ăn mặc ngắm vuốt làm gì?”
Cậu nói muốn mợ phải theo mà nghe, nhưng mợ đã muốn cái gì, cũng không ai phản-đối được:
“Tề-gia nội-trợ và đức-hạnh, đó là trách-nhiệm đàn bà nói đã đành, còn ăn mặc ngắm vuốt thì ai là không muốn mà có hại chi?”
“Không hại chi à? Ăn mặc ngắm vuốt chỉ vụ khoe khoang lẳng lơ, người không có đức-hạnh mới thế?”
Mợ nghe cậu nói mỉa mình, thì giả lời:
“Dễ cậu bảo ai ăn mặc ngắm vuốt cũng khoe khoang, cũng lẳng lơ, cũng vô-đức-hạnh sao? Cậu nói sao cậu không nghĩ....”
Cậu nói một câu, mợ cũng nói một câu thành ra hai bên cứ phản-đối nhau, mợ tính nóng nói lắm thì không chịu, bèn cãi to tiếng, cậu biết điều phải thôi.
Một hôm cậu đương ngồi xem sách, mợ đi đâu về, tay cầm gói giầy cườm rở ra hỏi cậu:
“Đôi giầy này tôi mua 7£.50. cậu bảo có đắt không?
Cậu nghe mợ hỏi không giả lời sao, một lúc mới nói:
“Sao mợ chỉ thích sắm sửa thế? giầy Gia-định chả đẹp chán còn mua giầy cườm làm gì nữa?”
Cậu nói trái ý mợ làm cho mợ đương vui, mặt rịu ngay lại, cầm đôi giầy cườm miệng lầm bầm:
“Đem mà vứt đi cho rảnh!”
Cậu thấy mợ rỗi, thì ôn tồn khuyên mợ rằng:
“Vợ chồng có đều lầm lỗi thì phải khuyên bảo nhau là chỉ muốn cho nhau hay, như tôi có nói mợ, cũng vì thế. Mợ xem như đàn bà con gái mà chỉ vụ ăn mặc, phấn sáp quá, nào có ai khen đâu? Ai người ta cũng khen người ấy có nết, chớ có ai khen người ấy ăn mặc đẹp. Mợ nên biết rằng cái nết đánh chết cái đẹp mới được!”
Mợ đáp:
“Ai chẳng biết cái nết đánh chết cái đẹp mà cậu phải dậy, vợ chồng có đều lầm lỗi thì khuyên bảo nhau, nhưng tôi tưởng tôi chả có đều gì là lỗi với cậu cả, tôi không ăn hoang làm hại, đĩ dại theo giai thì cậu cũng phải để tôi ăn mặc chứ, chả lẽ chị em người ta quần nọ áo kia, mà mình thì mình trần hay sao?”
Cậu nói:
“Mợ không nghe tôi, thì thật mợ ương ách quá. Làm đàn bà lấy chồng như mợ, phải biết theo chồng. Mợ quên câu “xuất-giá tòng phu” rồi ư?”
Mợ không cãi lại được nữa, chỉ nói:
“Động một tỵ thì dở nghĩa-lý, ngu dốt biết đâu mà theo.”
Từ rầy cậu đừng nói gì đến sự tôi ăn mặc thì tôi mới vui được, nếu không thì tôi giận cậu mãi!”
Mợ nói câu ấy, tưởng là nói dọa cậu, thì cậu không khuyên bảo ăn mặc, nhưng cậu nhất định nói:
“Tôi vốn rất ghét con người trai lơ ăn mặc, chỉ biết có cái gương hộp phấn, lúc nào cũng cạo nhổ tô điểm, nếu mợ không bỏ được tính ấy thì mợ để cho tôi sầu não vì mợ đó!”
Mợ đã nguôi giận, đỡ tức mình, thấy chồng lại chỉ chích đến sự ăn mặc, thì cũng nói:
“Thật trần đời không có ai người như cậu, làm thân đàn bà con gái ai cũng thích ăn mặc sung sướng, không ai không. Thì sự đó là thường, cậu hà tất phải soi đến những việc ấy, quý hồ tôi không ăn ở lầm lỗi với cậu điều gì thì thôi, cậu bảo gì tôi xin nghe, nhưng cậu bảo tôi không nên ăn mặc gì, thì tôi quyết không thể nghe được, vì tôi bẩm sinh từ bé chí nhớn đã có cái tính ấy rồi.” Nói xong, chậy xuống nhà, không ngồi đó nữa.
Bà thấy hai vợ chồng thỉnh thoảng lại có điều nọ tiếng kia với nhau thì khuyên bảo cả hai người rằng:
“Vợ chồng phải yêu thương nhau, châm chước cho nhau mới được chứ, nến cứ nay rầy vò, mai tiếng nặng tiếng nhẹ, thì sau này ăn ở hòa hợp với nhau thế nào được?”
Bà tuy khuyên đã lắm, mà hai vợ chồng cậu vẫn đôi co nhau như thế. Bên nào cũng không chịu nghe, thành ra vợ chồng mà tâm-tính thật xung khắc nhau.
Đông hết sang xuân, cậu Ngô-Tòng độ ấy làm nhiều công việc, nên hôm nào cũng đến tối mới về nhà.
Chàng Lê-Cần thường hôm nào cũng lại nhà cậu chơi, hôm nào cậu đi vắng, thì lại ngồi chơi với mợ. Thân thiết chẳng khác chi anh em ruột, bởi thế đi lại tự do, lúc cậu không có nhà cũng như có, ra vào không phải hỏi han gì ai cả.
Chiều hôm ấy, mợ một mình ngồi trên gác, buồn quá chả có việc gì, bèn lấy truyện ra kể, đương kể được nửa chừng, thì có người chị em bà Phán Sự đến chơi. Chuyện phào một lúc, bà Phán hỏi mợ:
“Hôm nay dưới đền Hai Bà có đốt mã làm chay vui lắm, chị em ta đi chơi đi?”
Mợ đáp: “Cậu cháu sắp về, không đi được!”
Bà Phán muốn rủ mợ cùng đi với mình cho vui:
“Ông Phán nhà tôi mới về kia rnà, ta đi bây giờ rồi về ngay cũng còn sớm chán “
Mợ lắc đầu giả lời: “Đi thế nào được, nhỡ cậu cháu biết lại mắng ngay, tính cậu cháu ghét lễ bái, không muốn cho xem đốt mã làm chay!”
Bà Phán Sự cười nói: “Rõ ông Phán nhà bà sao mà lẩn thẩn thế, đi xem đốt mã mà cũng giữ, hay là có ý ghen đấy, sợ bà đi....”
“Không phải là ghen đâu, bà không rõ, chỉ vì ghét lễ bái, nên không muốn cho cháu đi!”
Nói xong, thở giài:“Sao đàn ông bây giờ nhiều người lố lỉnh thế, có vợ mà không muốn để cho đi đâu, cấm cả từ ăn mặc cho chí lễ bái, hơi một tý thì ghen tuông nghi-hoặc, cả ngày không dám để rời vợ ra, sợ người khác vồ ngay lấy hay sao? Còn mình chơi bời đĩ bợm, thì vợ có giữ được đâu!....”
Mợ nghe bà nói xong, cũng thở giài đáp:
“Bà không nói thì thôi, chớ nói cháu càng thêm thẹn, thực cháu lấy cậu cháu đây cũng phải cảnh như người bà vừa nói, cả ngày chả được đi đâu, chị em quen biết nhiều người cũng rủ cháu đi lễ phủ đền, mà cậu cháu biết thì nhất định không cho di. Cậu cháu rở quá, cấm cả từ đánh phấn soi gương, mặc tắm gội.”
Bà Phán Sự nói:“Đàn ông mà cấm vợ cả từ soi gương đánh phấn, thật là người nhỏ nhen.”
Mợ chưa giả lời, bà đã đứng giậy cáo từ ra về:“Thôi, bà không đi, tôi đi một mình vậy.”
Bà về rồi, mợ ngồi nghĩ những lời bà nói súc-động tâm-tình, bỗng hai mắt rưng rưng. Quả từ ngày mợ làm bạn với cậu, không được đi đến đâu, không thân mật với ai, không được ăn mặc như lúc còn con gái. Mợ nghĩ mợ đã như cái hoa xuân tươi tốt, mà không được bón tưới, ngày đêm rầm mưa rãi nắng; những sự hành-vi của mợ đều bị cậu phản-đối, muốn cưỡng-bách mợ phải phục-tòng pháp-lệnh cậu. Làm con gái nhan-sắc có, của cải có như mợ, nhất đán không phải ỷ-lại vào người chồng, mà cũng không được biệt-đãi vào một cái địa-vị sung sướng, lợi quyền không được ngang với đàn ông thì cực gì bằng. Nghĩ bao nhiêu buồn bấy nhiêu, hay đành liều má phấn cho rồi ngày xanh. Trong bụng mợ bất-giác sinh cảm giác bi-ai, vừa toan đứng giậy lấy quyển Nhị-độ-mai ra kể, thì chợt thấy chàng Lê-Cần bước lên, trông mợ đã chào hỏi ngay:
“Chào chị, thưa chị anh tôi chưa về ư?”
Mợ giả lời chưa, chàng liền ngồi ngay xuống ghế gần chỗ mợ, nhìn mợ thấy trong khóe mắt có hơi ngấn nước mắt, mặt trái soan, da ngọc ngà, con mắt sắc lại có nước mắt chạy quanh, trông chẳng khác chi bông hoa hồng tía mới nở buổi sáng, trên cánh còn điểm mấy giọt sương, đã có cái thế-lực gì làm cho chàng Lê-Cần trong lòng nẩy ngay một cái cảm-tình mến và thương. Bụng chàng lúc này như bị một sức gì đè nén, làm cho điên đảo lao-đao, hai mắt đã bị cái hình-dung mợ làm cho mê-loạn, ngồi gần mợ như đã có cái giây giao-tình cách-cảm lôi kéo, nhìn mà muốn cầm ngay mù-soa lau nước mắt mợ, ôm mợ vào lòng để rỗ rành nưng niu và an ủi:
“Chị có điều gì mà âu sầu thế?”
Mợ ngẩng mặt lên trông chàng, thì hai con mắt vừa gập hai con mắt chàng, đúng như lúc hai luồng điện-khí gập nhau xung-đột, bỗng lòe ra một ánh hào quang. Chàng Lê-Cần vội ôm ngay lấy mợ hôn, trong người mợ cũng như bị cái động-lực ở người chàng ta làm rung rẩy, nên không cựa cậy gì, gục ngay đầu vào ngực chàng, mợ lúc này đã như cái hoa có nước tưới, chàng thì như con mèo đói, lọt vào tràn vớ được thịt, hôn lấy hôn để. Hai người nhìn nhau đều có ý thẹn. Chàng Lê-Cần nói:
“Tôi yêu mợ, từ nay xin phép mợ cho tôi được đem một chút tình gửi, gọi là đi lại yêu nhau!”
Đang nói, thì nghe có tiếng giầy tây đi lên gác, chàng và mợ liền trông ra, té ra cậu đi làm về, anh em thấy nhau mừng rỡ, truyện độ mười phút, cậu liền đi ăn cơm.
Cái dục-tình trong lòng người ta như con thú dại, trông thấy gươm giáo cũng liều không sợ chết, dám xông vào người ta. Trong khi sống ở đời, hành-vi xử-sự càn rỡ, mà lương tâm không ảnh-hưởng được cũng vì dục-tình có cái thế-lực độc-nhất vô-nhị, tốc-độ bắt mau như chớp nhoáng.
Chàng Lê-Cần và mợ bấy giờ như hai người ăn phải bùa mê, tư-tưởng không còn đường lối nào chánh đáng nữa, ngoài sự ân-ái với nhau, hai người đã là một cặp giai gái ham muốn nhau rồi. Thỉnh thoảng lại rủ nhau đi chơi các nơi phang cảnh vắng-vẻ, mà cậu Ngô-Tòng không biết chi cả.
Trong sở cậu làm, có một thầy ký tên là Lương-Giám, đôi khi có đến chơi nhà cậu, biết mặt mợ. Một hôm gần tối, chàng thơ thẩn một mình trên Bách-Thú, bỗng gập một cặp giai gái đi trước mặt, nhìn rõ thì người con gái ấy chính là vợ cậu Ngô-Tòng, còn người đàn ông kia thì không biết là ai, người phong-nhã đẹp đẽ, ăn mặc rất nền, chàng ghi nhớ sự gập gỡ đó vào lòng, định hôm nào nói rõ để cậu Ngô-Tòng biết.
Từ khi mợ đem lòng yêu mến chàng Lê-Cần, thì đổi hẳn cách cư-sử đối với chồng, chồng có hỏi han gì chỉ ầm à nhạt nhẽo, khác hẳn mọi ngày, cậu thấy vợ bây giờ thế, chả hiểu làm sao chỉ buồn riêng trong bụng. Hôm ấy đương ngồi trong sở làm, thì thấy chàng Lương-Giám bắc ghế ngồi gần, rồi vỗ vai cậu bảo rằng:
“Anh ạ, tôi trông thấy chị nhà anh hôm kia vừa đi chơi với một người con giai trẻ trung nào!”
Câu nói sác thực, làm cho cậu bán tín bán nghi, hỏi thăm chàng Lương-Giám diện mạo người con giai đi với vợ mình, thì chàng nói đúng hệt diện-mạo giáng giấp chàng Lê-Cần. Lạ thật lạ, không lẽ là chàng Lê-Cần được? Nhưng cậu vốn đa-nghi, nghe nói mợ như thế, thì bụng nhất định rò cho ra mối.
Tối hôm ấy về nhà cậu bảo mợ rằng: “Tôi có việc phải xuống Hải-Dương ba ngày, nói cho mợ biết!”
Lại đến nhà chàng Lê-Cần bảo chàng: “Tôi phải xuống Hải-Dương mấy hôm, vậy nhờ anh làm ơn thỉnh thoảng qua lại nhà tôi trông nom hộ cho!”
Nói câu ấy, chủ-ý cũng để dò ý-tứ chàng ta, bụng cậu tuy tin yêu chàng, nhưng đa-nghi mới lập mẹo bảo chàng, xem chàng giả lời sao. Chàng nghe cậu nói, đáp rằng: “Được anh đã dặn, tôi xin vâng!”
Mặt chàng có vẻ hớn hở mừng, cậu lại nói: “Nhà tôi duy có mình tôi là đàn ông, nếu tôi đi vắng, thì không có ai nữa. Hay cứ tối đến anh lại nhà tôi mà nghỉ, nhân thể trông nhà hộ, cửa ngõ đêm hôm mợ nó vô-ý, e đến trộm nó lẻn vào khuân đồ đạc trong nhà đi!”
Chàng Lê-Cần không hiểu là câu nói dò, chỉ đáp: “Anh có bụng tin cho phép như thế, tôi rất cảm ơn, nhưng đâu dám. Thôi anh cứ đi, việc nhà anh tôi xin chu tất anh không ngại!”
Dặn đâu đấy, cậu liền xách va-li đi, kỳ-thực thuê một cái săm quanh quất gần đấy, ngày đêm rong xe qua cửa nhà mình dò xét.
Cả ngày hôm ấy đổ mưa to, ngoài đường bùn lầy bẩn thỉu quá. Chàng Lê-Cần nhờ lúc mới tối, đèn điện chưa lên, đi xe lại ngay nhà cậu Ngô-Tòng, len lẻn lên gác thấy mợ đương ngồi têm giầu, liền lấy tay đổ cơi giầu ra một chỗ, ngồi cạnh mợ nói: “Anh đi rồi, chị với tôi đi chơi đi?”
Miệng nói mắt nhìn mợ một cách rất lẳng lơ, mợ trông chàng đáp rằng: “Đi, ngộ có ai biết thì làm sao?”
Chàng cười nói: “Có một người biết thì mới sợ, người ấy đi rồi, còn ai biết được nữa!”
Con mắt nhìn chòng chọc vào mặt mợ, mợ cũng nhìn chàng, hai người tự-nhiên như bị một cái sức gì nó ép làm một, đều ôm lấy nhau, chàng Lê-Cần mồm để ngay lên môi mợ:
“Mợ ơi..... mình ơi...... người rất đáng yêu mến của tôi ơi?”
Lâu lâu hai người mới buông nhau ra. Chàng Lê-Cần tưởng như sung sướng vào động tiên, mắt nhìn mợ, tay thì vuốt đuôi gà: “Người yêu của tôi ơi.....”
Mợ đưa mắt láy chàng ta: “ Ỡm ờ gì mà!”
Đùa bỡn với nhau một lúc, rồi rủ nhau đi. Mợ quấn khăn vuông che lấp trán, còn chàng Lê-Cần thì mặc áo tơi cao-su (imperméable) co lên đến tận cổ. Hai người ra cửa gọi hai cái xe cao-su, bảo kéo đến săm gần nhà ga. Hai cái xe vừa đỗ xuống hè, chàng và mợ vừa lên ngồi, thì chợt có một cái xe cao-su mui buông kín mít chạy ngang qua, khi gần hai cái xe này, thì đi thong thả. Giời mưa, xe nào xe ấy đều rương mui, mắc áo tơi cánh gà nên người ngồi xe không trông thấy nhau được. Cái xe cao-su kia là cái xe của cậu Ngô-Tòng ngồi, cậu đi xe lượn đi lượn lại đến bốn năm lần qua cửa nhà cậu, lần này mới trông thấy chàng Lê-Cần và mợ ở trong nhà bước ra cửa........
Khi hai cái xe chàng Lê-Cần và mợ đỗ cửa Săm gần nhà ga, thì xe cậu Ngô-Tòng vừa chạy kịp, còn cách độ mười thước, cậu ngồi trong xe, thò mặt ra nhìn, thấy chàng và mợ đi vào trong. Giời đã tối một rẫy buồng thuê đèn điện sáng, cậu trông đích sác một rõ mười là chàng Lê-Cần đì với vợ mình.
Chàng và mợ thuê buồng hạng 1 đồng, ngoài cửa có đề số 1, hai người vào vội vàng đóng cửa lại, vừa hay cậu Ngô-Tòng đến nơi, cách có vài bước, nhận rõ số buồng. Bụng cậu không còn hồi hộp nghi ngờ gì nữa. Chàng Lê-Cần mê vợ cậu, vợ cậu phải lòng chàng Lê-Cần, hai người đưa nhau vào săm làm điều dâm-ô. Cơn ghen khí tức ở đâu cháy trong gan cậu, cậu vội vàng chạy ra ngoài cửa Săm, người canh cửa cản lại: “Đi đâu, thế có thuê săm thì đưa tiền đây!”
Cậu giả lời: “Khoan đã, để chốc nữa tôi lại!”
Nói xong, lập tức chạy lại hiệu khách bán tạp-hóa hỏi mua con giao-ríp to, chọn con nào lưỡi sắc, giả tiền xong lại quay lại nhà Săm. Lẳng lặng đến cửa Săm số 1 thì nghe rõ tiếng Lê-Cần đương nói với vợ mình: “Người yêu của tôi ơi, tôi gập mình thật đã phỉ lòng mơ ước!”
Cậu đứng ngoài nghe như bị dao đâm vào ruột, tức quá không ngồi yên được, bèn giáng hết sức đạp mạnh cánh cửa, cửa khóa không chắc mở bung ngay ra, cậu đã vào đến nơi.
Chàng Lê-Cần và mợ trông thấy cậu, chẳng khác chi ma hiện hồn ban đêm, mặt mày tái hẳn đi, đứng lui lại nép hẳn một chỗ. Cậu trông thấy hai người, như trông thấy thù-nhân, cầm con giao ríp trong tay dơ lên toan đâm chàng Lê-Cần, rồi đâm vợ. Tay vừa dơ lên, thì đã run, dao rơi xuống:
“Lũ chúng mày thật đồ lang-tâm cẩu-hạnh. Đáng lẽ tao giết chúng mày cho rồi, nhưng tao không muốn bửn lưỡi dao tao. Tao cho phép chúng mày cứ sung sướng, ăn ở với lương-tâm của chúng mày!”
Chàng Lê-Cần nghe cậu nói, mơ màng như rượu say đã tỉnh, quỳ trước mặt cậu mà rằng:
“Anh ơi, anh tha tội cho tôi, tôi biết tội tôi rồi!”
Vừa nói vừa khóc như mưa. Cậu liền lấy chân đạp chàng ta ngã:
“Mày biết tội rồi à. Bây giờ mày mới biết tội, thì tao không còn mặt mũi nào trong thấy mày nữa. Thằng kia, đồ chó má giả-danh nhân-nghĩa kia!”
Mợ cũng quỳ xuống xin lỗi cậu: “Cậu ơi, tôi chót dại một phen, xin cậu bỏ quá cho!”
Cậu càng trông vợ càng yêu, càng yêu mà càng đau đớn:
“Chót dại một phen, chót dại một phen cũng không còn vợ chồng với mày nữa. Mày nói lắm vô ích, nước đổ khó bốc!”
Nói xong, người đã thấy như điên rồ, bèn chạy ra ngoài cửa săm, thì giọt mưa lác đác rơi xuống, ngoài đường xe chạy lõm bõm trên bùn nước. Người cậu như điên, như dại, như dồ, như mê, trông cảnh-vật lúc bấy giờ chẳng khác chi cái ngục bấy lâu giam mình. Trông lũ người đi lại trước mắt chẳng khác chi những người xem trong chớp ảnh, thực hư không biết có phải là người không? Cậu đã như con chim bị tên bay lạc, thấy cây cong càng thêm rật mình. Bây giờ cậu chỉ còn tìm chỗ nào vắng vẻ, sống qua ngày làm bạn với cái đau đớn mà thôi, chớ sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? Tư-tưởng cậu quay về cả cõi tôn-giáo siêu-việt ; tinh-thần cậu như muốn quy-y mà tín-ngưỡng một đấng đại-từ đại-bi, để cầu sự an ủi trong lòng.....
Cậu chợt nghĩ khi xưa bà Hàn đẻ ra cậu vẫn hay lễ bái các đền phủ, chơi bời quen biết nhiều sư vãi, may thử đến hỏi xem, may được chỗ tiện để tu hành. Nghe có nhà sư Hòa-Mã là người quen thân với bà, cậu đến đó khóc nói với nhà sư rằng:
“Bạch-sư ông, con là một kẻ bị nhiều cái đau đớn vì nhân tình thế-thái lắm, không thể nào chen đua ở đời được nữa, muốn xin sư-ông làm ơn cho con ở nhờ, theo hầu sớm khuya hương đèn tụng kinh niệm Phật thì con đội ơn người lắm.”
Nhà-sư là người nhân-đức từ-thiện nghe cậu nói phải nhiều sự đau đớn, thưởng-cảm bảo cậu rằng:
“A-di-dà-phật, cậu là người thiếu niên đã trải đau đớn về nhân-tình thế-thái rồi ư? Đáng thương thay, cậu muốn bỏ thất-tình mà quy-y cửa thuyền, sư này lấy làm khen và mến lắm. Nhưng xem nội chùa đây, cảnh-trí không được thanh-tịnh lắm. Tiện nhà sư có biết một chỗ này rất tịch-mịch, cậu có muốn đến đó tu-hành không?...”
Cậu hỏi chỗ nào, nhà sư nói: “Cách tỉnh Phú Thọ độ ba cây lô-mét, có một cái chùa bỏ không của dân sở-tại làng đấy lập ra, bấy lâu không có người coi sóc đèn hương, nay cũng chưa có ai. Cậu nên lên trên ấy, nói qua xin Lý-trưởng làng ấy một tiếng, thì được ở đấy ngay. Như thế thì được chỗ hợp ý mình muốn!”
Cậu tạ ơn nhà sư, ngủ chùa Hòa-Mã, rồi sáng hôm sau đi tầu lên Phú-Thọ.....
Bước chân xuống ga Phú-Thọ, vào trong, trông phong-cảnh vắng vẻ buồn bã, rõ ra một tỉnh sơn-lâm thượng-du. Cậu thơ thẩn lừng thững đi trên đường cái con, vừa đi được vài bước thì có một con mẹ ăn mày đi đàng sau kêu: “Lạy ông, xin ông đồng cháo!”
Cậu ngoảnh lại nhìn, tự nhiên giật mình. Trông ai, té ra con mẹ ăn mày ấy là Thị-Hạnh. Cậu hỏi:
“Chị có phải tên là Thị-Hạnh không?”
Con mẹ ăn mày nghe cậu hỏi, nhìn cậu một hồi lâu rồi mừng rỡ kêu: “Cậu Ngô-Tòng!!!......”
Cậu thấy Thị-Hạnh, bây giờ thân thể thế, hỏi đầu đuôi làm sao. Ả khóc mà nói rằng:
Từ khi ông mất đi, tôi nghe lời Sở-Cường, lấy nó được ba năm, nó bòn hết của, rồi đuổi tôi đi. Lang thang một mình, không có ai quen biết, họ hàng thì không, nghề gì cũng không biết làm, nên phải đi ăn ngày nuôi miệng, nhờ giời cũng bữa đói bữa no!”
Cậu nghe Thị-Hạnh nói đầu đuôi, ghét ả bụng dạ gian ác bất-nhân, phải đi ăn mày ngày nay thật đáng, nhưng thấy ả khóc lóc, hình-thể ốm yếu và rách rưới thì động lòng, bèn cho mấy hào rồi đi. Hỏi thăm mãi mới tìm thấy chùa sư-ông nói truyện, xem kỹ trong ngoài, thì chùa đã nát, gạch vôi lở hết, xây giữa quãng đồng bỏ không, u-tịch lạnh lẽo. Thật là một cảnh rất hợp ý cậu. Cậu liền hỏi thăm người làng đấy, tìm vào nhà Lý-trưởng để nói xin, chẳng may Lý-trưởng có việc sang làng khác chưa về.... Lần lữa, thành ra đã tối, đường xa đất lạ, không có ai quen , cậu bèn ngồi trong chùa.
Giăng sao vằng vặc, bầu xanh một giải, quang-cảnh giời đất hôm ấy mát mẻ; gló hiu hiu thỉnh thoảng đưa lại, tiếng run kêu rế thét, ngọn tre rì rào nghe như một tiếng đàn thiên-nhiên sầu cảm xúc-động lòng cậu, làm cho cậu nghĩ xa xôi, ký ức những truyện quá-khứ, hồi-tưởng sự đời mà ruột bời bời đòi đoạn, Cậu hồi-tưởng những đoạn thương-tâm lịch-sử của cậu, mà tưởng như đời cậu rặt trải những nỗi đoạn-trường, sông Tiền-Đường hò hẹn đến nay qua. Cậu tưởng như tai vẫn còn nghe lời bà nói rằng: “Đời nay nhiều người bạc, vô-đạo” và câu: “Cõi đời là bể khổ” văng vẳng bên tai, cậu tưởng như bà đương ở dưới Âm-Phủ chờ cậu xuống đó.
Cậu tưởng như cõi đời toàn là đảo-điên điên-đảo, toàn là chiếu rõ những cái gương nhân-tình thế-thái như cái gương cậu vừa phải đau đớn mà trông, cậu tưởng như đời người toàn là ma-quỷ cả, mà chỉ có bà đẻ ra cậu là hình người, còn biết yêu-mến ăn ở với cậu thôi.
Cõi đời là bể khổ, lời bà còn đó, nay mới biết là đúng. Cậu đau khổ quá rồi, cậu muốn kêu giời to một tiếng, cậu muốn gọi mẹ cậu, nhưng giời cao, mẹ cậu đã mất, chỉ còn xanh-xanh một khu-vực bao-la trước mắt cậu; linh-hồn cậu thoát ly ngay mà nhập vào cõi hư-vô; bao nhiêu sự đau khổ của cậu tối hôm ấy rũ sạch hết. - Sáng hôm sau, thì người cậu đã ngất đi, máu chàn ra miệng rồi chết, không kịp xin lý-trưởng làng ấy ở chùa tu. Còn thây cậu, thì đóng áo quan chôn ngoài bãi, cách chùa độ hai trăm thước.
...........................................
Kim-Sinh kể xong, chẩy nước mắt than hai câu Kiều rằng:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy đã đau đớn lòng.
Ký-giả nghe hết truyện, bụng thương sót cũng đau đớn, bất giác sinh cảm-giác vô-hạn về sự thế, nên cầm bút chép truyện làm ghi.
( Xuất bản 1923 )
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.08.2013 10:23:57 bởi nvietdung >