Cuộc tang thương - (Phần I)
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết thứ 2 "Cuộc tang thương" của Nhà Văn Đặng Trần Phất ( Nhà Xuất bản Bùi Xuân Học- HN in năm 1923 ). Tôi sẽ lần lượt đăng từng phần. Mời các bạn theo dõi.
Đoạn thứ nhất
I
Cách tỉnh Phú-Thọ độ chừng ba kilomètres, có một khu đất bỏ hoang, chưa khai-khẩn gì, rộng ước chừng độ bốn mẫu, giữa có một cái chùa nhỏ, lâu ngày đã nát, tường vôi lở, mái nay trông đã sụt mất mấy hàng ngói. Trong chùa tượng Phật cũng đã sây sát cả, những bát hương bụi cát đen sì, còn trông thấy có tàn hương làm di-tích. Dưới đất cũng đầy rặt gạch cát ở trên mái chùa rơi xuống, lẫn với tiền vàng rải rác sót lại.
Nguyên chùa này trước kia thuộc về của dân sở-tại đấy lập có ruộng công để đèn hương cúng Phật; sư-cụ giữ chùa đó vốn là một hạng tiểu-lại xuất-thân, nhưng trong khi tòng-sự phải can tội hà-lạm của dân, nên bị nhà nước cách về. Dân làng nghĩ tình người đồng-hương, lại thấy nghèo đói rách rưới, bèn cho ra giữ chùa thay dân. Chẳng ngờ cu cậu sẵn được ấm no, lại sinh lòng muông thú, cách đó ba tháng, nó quyến rũ mất một người đàn bà đã có chồng con trong làng, rồi thu sếp hành-lý bỏ chùa đi mất, không biết đi đâu. Lý-dịch làng ấy, có đem việc này lên trình quan tỉnh để phái trát tìm bắt, nhưng tên ấy đã đào-tẩu xứ nào rồi, bặt tin nhạn cá, không sao truy nã được nữa. Thành ra chùa đó từ đấy bỏ không, vả lại trong dân mấy năm mất mùa đói kém, nên bao nhiêu ruộng công để hương đèn thờ cúng Phật, đều thu cả về dân, phân phát mỗi người vài sào...
Lâu nay cảnh chùa tiêu-điều, chẳng ai lo sửa sang. Lại thêm đồn rằng đã hơn một năm nay, chùa đó vẫn có ma hiện ra, những lúc đêm khuya thanh vắng, có người trông thấy một người đàn bà mặc áo trắng, đầu bỏ tóc xõa, vẫn nhởn nhơ ở cửa chùa khi hát, khi đùa, khi cười khi khóc, hễ trông thấy ai thì lại biến mất. Truyện lạ kỳ, thành ra đồn khắp mấy làng chung quanh đó, không ai dám bén mảng qua lại nữa...
Những khi chiều giời u-ám, cảnh vật một sắc đìu hiu, đàng xa thì mây xanh thảm đạm, trông gần thì đồng rộng đất hoang, tòa chùa ở giữa trông chẳng khác chi một cây cỏ mọc tron von giữa bãi xa-mạc mông mênh, rồi nghe tiếng quạ kêu lưng giời, tiếng chim ríu rít đàng xa, hòa với những dọng rì rào cành tre gió đập, nghe càng buồn, càng ai-oán càng ngậm ngùi hoài cổ, trông cảnh chùa tàn mà hồi-tưởng đến cuộc tang thương. Lại những đêm giăng không mọc, sao không lên, giời tối mây mờ, cảnh chùa đó trông lại hiu-hắt rầu rĩ vô cùng, tựa hồ như một túp lều gianh nơi Tân-thế-giới, đường đột ở giữa cảnh vũ-trụ cao xa, tịt mù thăm thẳm, khiến cho con mắt người du-tử phải bồn chồn, tự hỏi nơi chùa đó có phải hình-dung đức Phật Tổ, thừa lúc tối tăm này, hiện hồn lên mà than khóc với bãi cỏ khâu, thống-trách cái lòng đơn-bạc vô tín-ngưỡng của người đời, để đến nỗi sương lạnh, giăng mờ, chùa tàn vách đổ, từ đâu nên nỗi như nay ?...
Ký-giả đây, từ khi gánh tang-bồng đã xếp nhẹ hai vai lòng hổ-thỉ đã chán nản tê-mê thì chỉ giữ cái chủ-nghĩa an-bần lạc-đạo, sau khi nợ bút nghiên đã giả, bèn thôi không học lối khoa-cử, mà chỉ chuyên về câu ca, bài phú để di dưỡng tính-tình. Lại thêm đường đời ngang dọc, bụi tục lưng giời, cạnh-tranh sô-sát, bao nhiêu cái bi-kịch hài-kịch về thế-thái nhân-tình thường trình bầy luôn ở trước mắt, nên đối với thế sự thăng-trầm lắm lúc cũng buồn tênh chán ngán, đến nỗi thành ra con người Hoàng-Hy giữa buổi sinh-tồn lao-động này, trộm biết rằng mảnh hình hài dẫu sao cũng còn phải để trực-tiếp với sự-thế, chưa có thể dật-dừ trong cảnh mộng-thế thênh thang được, nhưng lại xin thú thật với ai rằng con mắt ký-giả đã khóc nhiều về nỗi đời thiết tha rồi, bao nhiêu nghị-lực cương-cường đã biến thành cái bệnh nhu-nhược đa-cảm mà đa-sầu, đa-tư mà đa-lự, không cười mà khóc, không vui mà buồn, khiến cho tấm hoài-cổ cùng với tấm cảm-tình lúc nào cũng ngang ngang trong dạ.
Nên bình-sinh vốn ưa ngao-du các chốn danh-lam cổ-tích, con thuyền Tô-Thức, tay chèo Xích Bích, bầu rượu túi thơ, cuộc cờ núi Họa(1), tưởng cũng quên được cơn phiền-nhiệt nồng nàn mà khoáng-dật đôi chút.
Bấy lâu vẫn nghe chùa này bỏ hoang, cảnh-trí tiêu-sơ buồn bã, tuy đồn rằng có ma thiêng ẩn ở đó, nhưng không lấy làm tin, bèn cùng với bạn thân là Kim-Sinh, nhân ngày đầu tháng tám năm ngoái, khí giời trong sạch mát mẻ thẳng đường lên đấy... Đêm hôm ấy giăng sáng vằng vặc, trăm sao lóng lánh, cảnh-trí chẳng khác gì lúc bình-minh. Trông vừng mây cứ từ từ che lấp mặt giăng, chẳng khác chi một con Thanh-long lăn lộn, rồi nhìn xuống đồng thì một đàn đom-đóm đương bay lập lập lòe lòe, tựa hồ như nghìn bó đuốc soi xuống cảnh trần-gian... Tòa chùa nát vẫn sừng sững ở giữa khu đất bỏ không, tựa hồ như vẫn còn buồn phiền cho cuộc dâu bể soay vần... Chốc lại ngọn gió đàng xa thổi lại, rồi tiếng run kêu, rế thét đồng-thanh, rền rĩ, âm thầm, như giọng hờn oán của người bạc-mệnh trong thâm-cung cùng-tịch. Nhìn trước nhìn sau, chẳng thấy chi cả, chỉ duy có một đám cỏ lan mọc trên khu đất với nóc chùa con. Cảnh đã thê-lương, người lại súc-cảnh hưng hoài, bèn ngâm rằng:
Tạo-hóa bầy chi cuộc đổi rời,
Bèo trôi sóng vỗ cánh hoa rơi.
Sông mê mù mịt người đâu vắng,
Bến Giác mong chờ mấy khách chơi.
Hợp hợp ly ly từ mấy thủa?
Suy suy thịnh thịnh kiếp nào thôi?
Trăm năm giấc mộng phù-sinh hẩn,
Cảnh cũ người xưa vẫn nín hơi!
Ngâm rồi ngảnh lại thấy Kim-Sinh đứng gần bên cạnh, mặt có vẻ buồn rầu vô hạn. Chàng thấy tôi nhìn liền thở dài nói:
“Tôi trông thấy cảnh chùa này lại hồi tưởng vừa mới ngày nào được nghe câu truyện một người thiếu-niên chết ở đây, mà chết vì nỗi nhân-tình thế-thái đảo-điên kiêu-bạc!”
Ký-giả nghe thấy chàng nói, giật mình như người nghe phải tiếng sét. Chết vì nhân-tình thế thái! Ai chết?
Kim-Sinh thấy ký-giả mặt đã đổi sắc khác, bèn thong thả mà nói:
“Thời buổi này, nhân-tâm ấy, ai là người hữu-tâm mà không chua sót cho thói đời điên-đảo, đệ đây thật lấy truyện chàng thiếu-niên chết ở đây làm đau đớn thương sót lắm, biết đâu chúng mình sau này chẳng có một lần bị cái giây nhân-tình thế-thái ấy gò thắt? Nói ngay ở gia-đình, phong hóa đã suy-đồi....
Chàng chưa nói hết câu ký-giả đã gạt đi:
“Thôi thôi, phong-hóa suy-đồi, vô phương-pháp cứu-vãn, bất nhược ta bỏ qua nghĩ tới làm chi, chỉ xin nhân-huynh làm ơn kể cho tiểu-đệ nghe rõ câu truyện ấy duyên-do làm sao, mà sẩy ra cái bi-kịch tại đây?”
Kim Sinh giả lời:
“Truyện dài lắm, nói ra chửa biết bao giờ hết. Vậy chúng ta ngắm cảnh rồi về, bấy giờ tiểu-đệ sẽ thuật kỹ cho ngô-huynh nghe”.
Ký giả gật đầu khen phải, nhân đối với cảnh thê-lương, bụng buồn sẵn, liền lại ngâm câu của ông Lý Thái-Bạch rằng:
Sử-thế nhược đại mộng(2)
Đêm đã khuya, canh đã hầu tàn, anh em mới giắt nhau về. Đến nhà rồi, ký-giả bèn lưu Kim-Sinh lại đêm hôm ấy để thuật truyện cho nghe...
(1) Ông Trần Đoàn là một ông tiên rất cao cờ ở núi Họa-sơn. (2) Ở đời giấc mộng lớn. II
“Nguyên chàng thiếu-niên này tên là Ngô-Tòng là con một nhà phú-gia ở nhà quê, thuộc tỉnh Thái-Bình, người khôi-ngô tuấn-nhã, có vẻ thông minh hoạt-bát, nếu chàng được chịu ơn gia-đình giáo-dục của cha mẹ, thì dẫu chẳng sớm muộn, cũng phải thành người. Nhưng chỉ vì ông thân-sinh ra chàng là người phóng khoáng tửu-sắc thái quá, không hết nghĩa-vụ làm người tộc-trưởng trong nhà, nên mới gây cái bi-kịch thảm hại mà ta sắp kể sau đây....
Ông tên là Ngô-Văn, tuổi mới ngoại bốn mươi, người bé nhỏ, trước có theo đòi cửa Khổng sân Trình mấy năm hoạn-lộ rủi ro, lao đao trường ốc, ông chán bèn về ở nhà quê, mượn tửu-sắc làm vui. Cũng may được bà là người siêng năng tần tảo, công việc làm ăn đảm đang, xốc vác giỏi, cho nên gia-nghiệp cứ một ngày một khá, chẳng mấy lúc mà giầu có ngay...
Ông thấy cửa nhà sung túc, ruộng vườn cũng nhiều, thì lấy làm mừng lắm, chỉ còn tức một nỗi đường công-danh ngoắt ngoéo, khiến cho ông những ước ao mà không được, vẫn là người bạch-đinh; lúc rảnh rang ông thường nói với bà:
“Đời nay cứ có nhiều tiền là có danh-giá thế-lực, có tiền cũng được người ta gọi là quan lớn, vậy thì vợ chồng ta, giời cho cũng có cơ-nghiệp kha khá, không nhân dịp này mà mua lấy chút danh vọng, tội gì mà khư khư giữ hai tiếng trọc-phú để cho làng nước người ta khinh cho!
Bà cũng giả lời:
“Ừ, ông nói rất phải, xem ngay như ông bà hai Đ. bây giờ, ai cũng gọi là quan hàn, bà hàn, ông quan lớn, bà cũng bà lớn, ngồi cả với ông phủ bà phủ, nghĩ như người ta giầu còn kém mình, mà lại danh-giá hơn mình bao nhiêu? ... Sướng thật!
Ông thấy bà gãi ngay vào chỗ ngứa, thích ý quá, cười vang cả lên:
“Trước kia tôi đi học, chủ-ý cũng để thi, may ra có đỗ, thì cũng làm được tý quan lớn cho có chút danh giá với đời. Chẳng may số phận chẳng ra gì, cho nên sôi hỏng bỏng không, chữ lại giả chữ... Bây giờ thấy người ta đắc-chí; quan-hoạn hiển hách mà thèm... Vậy làm thế nào tôi cũng phải bỏ tiền ra mua lấy một cái hàm, gọi là cũng làm quan lớn tắt được... “
Hai vợ chồng bàn định xong, rồi đó ông lo mượn thày thợ, bỏ ra ba nghìn mua được hàm hàn-lâm-viện điện-bạ. Từ đấy rở đi, trong làng ai cũng gọi ông là quan lớn; ông đi đâu thường hay mang điếu tráp. Thỉnh thoảng có việc gì, ông lại vào hầu các quan tỉnh, cho nên nội nha-lại với cai lệ dinh quan Tuần, quan Án đều biết ông, chúng đều tâng bốc ông mà đều gọi là quan cả. Hoặc có tên lính mới nào, mới đăng ngạch, không được biết ông, một đôi khi có giáp ông, thì anh em lại bảo nó:
“Quan lớn đây thân với quan nhà lắm đấy! Lần sau ngài có lên tỉnh anh phải bẩm ngay để ngài vào chơi!”
Ông nghe nói lấy làm thích lắm, bèn trọng thưởng cho chúng. Trong bụng ông nghĩ: “Ngày nay ta cũng quan, chớ có kém gì đâu, hà tất phải thi-cử đỗ đạt mới làm được.
Trong tư-tưởng ông lúc bấy giờ đã nở ra như trăm hoa hớn hở; trong tưởng-tượng ông lại mới mô-phỏng ra một cuộc đời khác... Lạ gì cái phong-lưu là cái cạm trên đời, nó thường đánh bẫy con người phồn hoa, cho nên người ta ở đời, phú-quí dễ sinh hư-hỏng là thế. Như ông hàn này giời cho cửa nhà sang-trọng, ruộng vườn nhà cửa chẳng thiếu gì, sung-sướng kể đã nên sung-sướng, tuy cũng cỗ cao mâm đầy, lầu son gác tía, mà ông vẫn không lấy làm tự-túc... Như người khác ao ước cái cảnh như ông, được như ông tất bụng lấy làm mãn-nguyện lắm, nhưng đến lúc hy-vọng đã thành rồi, lại muốn hi-vọng cái này cái nọ nữa. Cho hay con người ta sinh ra, chỉ dồ dại vì cái lòng tham sống tham vui quá, mà đến nỗi đắm đuối vào những cảnh-tượng rất éo le, có vui sướng mà không được bao lâu. Thế mới biết một người đã quen ở cảnh thị-dục đào-hoa như ông hàn đây, lúc qua cảnh ấy rồi, hồi-tưởng đến vẫn còn ký-ức rất mạnh. Cái hoa thơm kia, dẫu nay hương tàn nhị rữa, mà vẫn còn bay mùi chung quanh mình ta, lúc nào cũng có hình ảnh ở trong tưởng tượng, làm cho ta mỗi lúc nghĩ đến, lòng còn cảm-súc đến bây giờ, ta muốn rơ hai tay mà cầm lấy, hứng lấy, nhưng than ôi nó chỉ là một giấc mộng tràng-xuân vô-hình vô-ảnh đó thôi... Ấy thế mà dại dột thay là lũ người, vẫn biết rằng giấc mộng tràng-xuân ấy dài ngắn chẳng được là bao nhiêu, mà tinh-thần thường vẫn phảng-phất cái khí-vị êm đềm. Ngán thay!
Cái hạnh-phúc nhà ông hàn đây kể cũng không phải là không có, nhà cửa như thế, vợ chồng con cái xum họp vui vẻ, ông còn ước ao chi nữa. Song ông là người không phải lấy cái hạnh-phúc một gia-đình thế làm vui, làm sướng; tư-tưởng, cảm giác lại mộng du ra ngoài cái phạm-vi gia-đình lạc-thú, trong những cảnh mộng-thế xuân sắc tươi cười của những kẻ đa-tình đa-tứ, lấy gió giăng làm kho vô-tận để tận-hưởng cái thú vật-chất kỳ khôi. Ông hồi-tưởng lại mười năm về trước, lúc ông còn trong vòng ba mươi, thôi thì bôn-ba trên đường hành-lạc, cùng chúng bạn câu cười suốt tháng, chén rượu cung đàn, dịp phách, khi cùng mấy ả hồng-lâu truyuện-trò tri-kỷ, cảm tình biết bao nhiêu? Ông nhớ như vừa mới ngày nào, cũng vào hồi tháng chạp, ông cùng ông cả Bi... hai anh em rủ nhau ngược Hanoi chơi, lên số nhà 70 phố hàng Giấy là nhà cô đầu Thi uống rượu. Cô đầu Thi này là một bực giai-nhân có nhan sắc ở phố hàng Giấy, khách làng chơi đã từng nghe tiếng, ai ran ríu cũng phải tốn hàng nghìn, thế mà ông mới biết cô có một lần duyên giời xui khiến, cô đã đem lòng quyến-luyến ông ngay, lúc ngồi chiếu rượu, cô hãm cho ông rằng:
Thuyền-quyên vừa biết anh-hùng,
Dặn lòng xin chớ phụ lòng làm chi.
Sớm đã tương-tri,
Thôi thì sớm đã tương-tri,
Cùng ai biết có duyên gì hay không?
Tạc một chữ đồng...
Ông nghĩ đến mấy câu hãm này, lại hồi-tưởng như được trông thấy cô đầu Thi trước mắt, đêm hôm ấy cùng ông ở trên một cái gác kín, ngoài thì gió thổi rét run, lúc bấy giờ đêm khuya chỉ có ông với cô ta còn thức nói truyện; những lời cô ta cảm-động thấm thía, ông nghe thấy, nay hãi còn trong lòng, mà cô đầu Thi bây giờ thì đâu... Ông lại nhớ như vừa độ nào, ông đương cùng với mấy ông bạn học, rủ nhau về Đông-Ngạc (Làng Vẽ thuộc tỉnh Hà-Đông) đánh trống, canh tàn lặng ngắt, ngồi trong nhà lá mà tai chỉ nghe tiếng phách chen tiếng đàn, hòa với câu hát, rịp rịp ràng ràng, thánh thót mà êm đềm như xui dục người du-tử mến cảnh giang-hồ, rồi mà, khúc hát Tỳ-Bà vừa não ruột vừa réo rắt, tay ông cầm roi chầu, cũng phải rời rạc... Chính cũng hôm ấy, ông cùng cô đầu Hanh là một người danh ca ở Đông-Ngạc đã hẹn hò sau trước, định trăm năm tính cuộc vuông tròn, nào ngờ đâu, qua đến năm sau ông hỏi thăm cô thì cô đã rơi ngọc trầm châu rồi, để cho ông thương tiếc..... Bây giờ dẫu cô đã ra con người Đạm-Tiên, mà cái hình-dung, cái tiếng thanh-tao của cô còn phảng-phất ở bên ông, ông nhớ đến cô, nghĩ như lại được trông thấy cô hát ở trước mắt. Cách năm mây khói mịt mù, vườn đào ướm hỏi ai là chủ-nhân? Thì sự đời đối với ông có lúc thường, có lúc biến, xưa kia vui vẻ bao nhiêu, thì nay lại buồn bã bấy nhiêu. Thấm thoắt mà nay ông đã ngoài bốn mươi tuổi đầu, da dăn, tóc đã hơi bạc, bao nhiêu cái xuân-sắc, xuân-tình, xuân-tứ thủa xưa nay đâu đâu cả, mà cả những sự mắt trông, tai nghe ngày xưa cũng tiêu-tán đâu hết. Ngoảnh đi ngoảnh lại, xuân rồi lại hạ, hạ lại sang thu, mà thu tàn, cảnh vắng, lá rụng, hoa rơi, tức là cái biểu-hiện cuộc đời ngày nay của ông, vì ông đã già rồi...
Ông đã già rồi nếu thật có phải, thì ông cũng chưa lấy chi làm già, ông còn tiếc cái chơi, ưa cái xuân tàn biết thú cái xuân-tình xuân-tứ kia mà... Thôi thì thôi, người dẫu có già, mà bụng ông chưa già; ông còn muốn có vừng mây xanh cản mảnh nguyệt sáng lại, cho bao nhiêu cảnh non nước hữu-tình còn rực-rỡ ở trước mắt ông. Nhưng sức ông đã kiệt, bao nhiêu ý-khí hăng hái lúc còn trẻ cũng không còn, dẫu có muốn chơi như ngày xưa cũng không được nữa... Vả lại bao nhiêu những sự hành-lạc của ông ngày trước, bấy giờ đối với ông cũng không đậm mấy, tinh-thần ông đã thấy mệt mỏi. Nhiều lúc nghĩ muốn cưỡng mà chơi, nhưng thân thể đã nhu-nhược không tài nào vượt qua được cái giới-hạn đã nhất-định, chỉ có ngồi nghĩ mà tiếc mà buồn thôi... Càng buồn, càng tiếc bao nhiêu, càng thấy như thèm nhạt khát khao. Bà cũng khéo chiều ông, cơm hầu canh dẫn, không để cho ông phải nói, nhưng bà đối với ông chẳng qua như một bức tranh tạo-vật về mùa thu, không còn có cái vẻ sán-lạn xuân-sắc nữa, như thế thì tuy bà chiều ông, yêu ông, mà ông vẫn chỉ coi bà như một thứ hoa giấy để một chỗ, cho đẹp cửa nhà, không khả dĩ đem ra để ngoạn-thưởng. Bao nhiêu sự cảm-giác của ông quay cả về cảnh xuân đầm ấm tươi tốt. Ông thấy các anh em bà con ông, lắm người già hơn ông mà còn lấy ba bốn vợ lẽ, nàng hầu đẹp đẽ trẻ trung, ngồi ăn thế này cũng hai ba cô ra hầu hạ, thì ông lại nghĩ đến ông, ví với các người ấy, sự sung-sướng thật cách xa, một giời một bể. Người ta thì hơi yếu đau, cũng hai ba cô hầu đấm bóp thuốc thang, mà mình giá có làm sao, thì chỉ có một vợ già cả lẫm cẫm hầu; người ta hơn gì mình mà được sung sướng thế; mình của có, danh-giá có mà vẫn khổ, là nghĩa làm sao? cũng chẳng qua người ta được vợ cả hiền-đức biết chiều chồng, mà không ghen tuông ! Đã nhiều lần ông ngỏ ý muốn mua hầu, thì bà lài kiếm truyện gạt đi, tức mình chẳng biết làm thế nào, chỉ ngày đêm thở ngắn than giài, bực rọc vô cùng, công việc trong nhà từ đấy ông bỏ cả, giao cho bà, còn cậu Ngô-Tòng là con ông, ông cũng chả nhìn gì đến.... ông vốn biết bà tin lễ bái, số tướng, mới bảo bà rằng:
“Tôi xem số, thánh có dậy rằng phải lấy vợ lẽ, nếu không thì sát vợ cả, bởi vậy tôi lo cho bà lắm!...
Nói rồi cố ý nhìn bà xem bà có đổi sắc sợ hãi gì không, nhưng mặt bà vẫn như thường. Bà cũng biết rõ rằng ông nói dối như thế để dễ được lấy hầu, song không hề nói ra, vì bà cũng không muốn để phiền quá cho ông, e rằng ông vì bà mà lo rầu thái quá. Thói thường đàn bà ai cũng có tính ghen, yêu chồng mà ghen, quí chồng mà ghen, muốn đem hết một cái ái tình làm vợ đối riêng với chồng, ngoài ra không muốn có một cái ái tình khác nào gián-tiếp vào nữa, sự ghen đó tình rất nên yêu, mà thế rất nên thương. Vả lại như bà đây, cũng không phải là một người hãn-phụ, thật là có tam-tòng tứ-đức từ khi lấy ông chiều ồng hết mực án họ Mạnh ngang mày khép nép, gánh giang-sơn thu xếp một tay, không một câu gì ông phải nói. Nay vì làm sao mà bà muốn phản đối ông việc mua hầu lấy lẽ? Chỉ vì bà biết ông nhiều thị-dục, xưa kia đã quá si mà hại của về cô đầu, chi cho khỏi ngày nay lại sẩy ra cái hại nữa về hầu thiếp? Những kẻ đào non liễu thắm, chịu đem thân lấy lẽ làm hầu, đã không có cái địa-vị làm vợ, gối phượng chăn loan ôm ấp, ngọt bùi san sẻ làm đôi, thì chắc chỉ mơ màng no ấm thân hèn, tiền của cho nhiều mà thôi, mấy kẻ có đức hạnh tốt? Con nhà bần tiện, vì bén hơi đồng, bán mình vào cửa giầu sang làm chi có giáo-đục, mà hòng biết đạo nghĩa. Ông thì tuổi cũng đã cao, cậu Ngô-Tòng cũng đã mười ba mười bốn, hai vợ chồng được có mụn giai là cậu, nếu nay ông không lo dậy bảo cậu thì sau này nhớn lên ra làm sao? Con có cha như nhà có nóc, nóc mà rột hỏng, phỏng có ở được nữa không? Ông mà không nghĩ gì đến việc cửa việc nhà nữa, thì gia-đình tất phải suy-đồi, cậu Ngô-Tòng tất mất trông cậy ơn giáo dục, cho nên khi bà nghe ông nói thế, thì bà giả lời:
“Có phải ông đã muốn mua hầu, thì để thong thả tôi xem có món nào xinh xắn tôi mua cho ông một người. Nhưng tôi tưởng bây giờ ông cũng đã ngót năm mươi tuổi đầu, việc lấy hầu dẫu sớm muộn cũng chẳng làm chi, chỉ cốt ông lo liệu dậy bảo trông nom con nó cho khỏi đến nỗi hư hỏng....”
- “... Trông nom dậy bảo con nó à! Việc đó bà không phải lo, để sang năm tôi xin cho nó vào học trường tỉnh....”
- “Đã hay rằng thế, nhưng nó còn ở nhà, ông cũng phải dậy bảo nó một tí mới được chứ!”
Ông thấy bà nói lắm, chỉ vắn tắt một câu:
“Nó cũng ngoan ngoãn, chả cần phải dậy bảo lắm cũng được!”
Bà nghe ông nói, chán như cơm nếp, bụng buồn bực, than thầm:
“Hỏng mất, ông như thế thì gia-đình hỏng mất!”
Từ hôm ấy giở đi gia-đình cậu Ngô-Tòng đổi ra một cảnh khác. Ông thì chỉ trông mong việc lấy hầu, sao cho chóng; trong bụng ông lúc bấy giờ tưởng như đã sẵn có tiền mua được hòn ngọc quý, đợi ngọc đến tận tay là tiền bỏ ra; ông ngẫm nghĩ đến những việc vui vẻ sau này với cô hầu mới, thôi thì cuộc vui đã dài mà trận cười lại lâu, vui sướng này không có giá nào nhất định, thân ông tựa hồ như trẻ lại mà cùng cô hầu chắp cánh liền cành, đôi mảnh hình-hài phiêu-dật trên cõi bồng-lai cực-lạc, bạn với phong-hoa tuyết-nguyệt, cái già của ông nay là cái xuân còn non, cái duyên đương mặn, đương nồng, lửa tình càng cháy càng bùng, tình xuân như dục cho lòng nhớ ai, mê ai, mong ai, chờ ai, yêu ai, tương tư ai, vẩn vơ ngồi nhẫn canh dài! ... Cái quá khứ của ông vui vẻ bao nhiêu thì cái hiện-tượng cũng sung sướng bấy nhiêu...
Ông những mừng thầm, mà bỏ ăn quên ngủ, hình giáng bơ sờ. Trong tưởng-tượng ông chỉ hình-dung một cảnh tịch mịch, ngoài ra duy có tiếng chim hót dun kêu mừng đón cô hầu của ông sắp về; bà và cậu Ngô Tòng ở trước mặt ông; lúc bấy giờ chả qua như cái bụi nhỏ không lọt vào được cái nhỡn-tuyến nắng quáng, đèn lòa si-tình của ông; cùng ăn một mâm, mà ông nhất thiết không nói truyện với bà, bà có hỏi gì, thì ông chỉ nhạt nhẽo giả lời, con ông có truyện trò với ông, thì ông chỉ gắng gượg nói lại, trong hai vợ chồng với một con là ba người, mà khi họp mặt ăn uống tuyệt nhiên không có sắc mặt nào vui. Chưa chập tối ông cơm nước xong đã vào màn ngủ; Còn có mình bà với cậu Ngô-Tòng hai mẹ con ngồi riêng một buồng; bà thấy cảnh chồng như thế bụng buồn vô cùng, nhưng vẫn làm mặt như thường, cái vẻ âu sầu hơi lộ ra hai con mắt thôi, nên cậu Ngô-Tòng vẫn không biết rằng vì mẹ cha mà sầu não; cậu là người tinh, sáng ý lắm, những lúc ăn cơm với cha, thấy cha hờ hững nói năng gượng gạo, mặt vẫn không vui vẻ, thì bụng nghi hoặc. Hôm ấy cậu hỏi bà rằng:
“Con xem cha con hay buồn là nghĩa làm sao, hở mẹ?”
Bà thấy cậu đột nhiên hỏi, rơm rớm nước mắt bèn bật mồm giả lời:
“Cha con chỉ buồn vì chưa có người để hầu.”
Bà vừa nói vừa khóc làm cho cậu cảm động cũng khóc nốt:
“Cha con chưa có người để hầu, sao mẹ không hầu cha con có được không?”
Bà nghe câu ấy lại càng đau đớn:
“Con ơi, cha con có thiết mẹ hầu đâu? vì mẹ già rồi!...”
Đoạn, nức đi một hồi, rồi bà lại khóc:
“... Mẹ già rồi, cho nên cha con muốn lấy người khác để vui thú mà bỏ mẹ con ta!...”
Cậu nghe bà nói xong, ruột đau quàn quại, cổ nghẹn ngào tức tối, nước mắt từ đâu chảy xuống giòng giòng. Thế ra ông đã chán ghét mẹ con cậu, mà chỉ ước mong lấy vợ lẽ nàng hầu về mà vui xướng lấy một mình thôi:
“... Cha con muốn bỏ mẹ với con! Trời ơi, mẹ với con tội tình bạc ác gì mà cha bỏ! ... Thôi thì mẹ ơi, cha đã ghẻ lạnh mẹ với con, con cũng xin mẹ bỏ quá, mẹ chớ ưu phiền làm chi! Con yêu mẹ, con không bỏ mẹ là đủ...”
Bà nghe con nói thiết tha liền ôm cậu vuốt ve nưng niu;
“Thật con yêu mẹ không nỡ bỏ mẹ chớ? !”
- “Thật!...”
Ấy trong khi hai mẹ con cậu Ngô-Tòng thở than khóc lóc với nhau trong một cái buồng kín, canh khuya đối ngọn đèn xanh, bóng đèn thâm-u như sui dục lòng mẫu-tử thêm bi-đát cho nước đời éo-le, thì ngoài giời tối mây đen, run gào rế khóc như thi nhau mà chia buồn với mẹ con bà....
Còn ông thì đâu? Thưa rằng ông đương trằn trọc nằm trong màn, vắt tay lên trán mà nghĩ, ông nghĩ đến cái người còn mập mờ ở trong tưởng tượng, chưa xuất hiện ra trân-ảnh, cái người má phấn môi son, miệng cười hoa nở, trẻ trung mà yể điệu để cùng ông, như những đêm khuya này chung-hưởng giấc Vu-Sơn; ông nghĩ cái người nào mà ông sắp sửa mua về để hầu hạ ông, ông nghĩ những sự vui sướng, ông nghĩ những cảnh xuân-tình mộng-sắc vậy.
Ở làng ông Hàn có tên Trương-văn-Nhượng trước đã làm Phó-lý, sau vì tội lười biếng, không trông nom việc làng, phải cách. Từ khi về nhà nghèo túng cầm cả ruộng nương đất cát, tình cảnh rất nên khốn nạn. Hai vợ chồng tên Nhượng được có một đứa con gái tên là Thị-Hạnh tuổi ngoại hai mươi, da trắng trẻo, mặt mũi tròn trĩnh, miệng hơi rộng, người hơi cao, nhưng được hai con mắt tinh nhanh sắc sảo, vẻ mặt tươi tắn, kể cũng là mặn mà có duyên. Xinh thì xinh thật, nhưng ả cũng lại là một tuồng hạ-lưu vô giáo-dục, ngồi rỗi sinh hư, mấy năm trước ả theo một người lính chào-mào, ran ríu cùng chàng này hơn sáu tháng, giong giài ở Ha noi, trộm chửa với chàng ta được một đứa con, đến khi đẻ rồi, thì chàng lính lại vượt biển sang Pháp, đăng ngạch lính thợ. Một mình Thị-Hạnh bơ vơ giữa đất phồn-hoa, không nơi nương tựa, bèn đem đứa con bán cho nhà đạo được năm đồng bạc, rồi thu xếp lại quay về quê với cha mẹ. Vợ chồng tên Nhượng tự nhiên thấy con về, mừng mừng rỡ rỡ, vẫn tưởng con đã bị mẹ mìn quyến rỗ sang Tầu, bấy lâu chim cá vắng hơi nào ngờ đâu gió đưa lại, thích-hợp ngay vào lúc tên này định đem Thị-Hạnh bán lấy tiền. Nguyên tên Nhượng có đi lại luồn cúi hầu cửa ông Hàn, được ông tư-cấp luôn nên bụng vẫn rắp muốn đem con gái dâng ông cho làm hầu, hiềm vì con chưa về không biết đâu mà tìm. Nay Thị-Hạnh đã về nhà, Nhượng bèn đem việc ấy bảo con, thì ả bĩu mồm kêu:
“Con chả lấy người già gấp đôi tuổi con, lấy làm bố con thì được thôi, chớ lấy làm hầu mà chăn gối với người ta thì con xin kiếu!”
Bố nghe con giả lời phản-đối như thế, giận quá. Cu cậu nhà cửa đã khánh kiệt, chỉ trông vào một đứa con mà sinh-nhai, nếu con không chịu lấy hầu, thì đến nguy mất. Liền cả tiếng nạt Thị-Hạnh rằng:
“Mày bảo người ta già, nhưng bạc của người ta có già không? Đồ ngu, không biết rằng đồng tiền là quí mà còn õng ẹo, kén cá chọn canh, đến người bằng mấy mày còn muốn lấy ông già, huống chi mày!”
Vừa nói vừa dỗ:
“Nếu con bằng lòng để thày đưa con vào hầu cửa ông Hàn thì sau này con sẽ sung sướng, mà thầy u cũng được nhờ. Nhà người ta giàu thiên-ức vạn-tải, vợ cả thì hiền-lành có một con, may mà con khéo hầu hạ, được người ta yêu thì bao nhiêu cơ-nghiệp nhà ấy chả về tay con thì về ai ? Lúc bấy giờ tha hồ lên xe xuống ngựa. Vả lại người ta già rồi, chả mấy chốc nữa mà chết, con còn trẻ, lúc ấy sẵn của lo gì không kiếm được một thằng chồng đẹp trai trẻ trung. Đã có câu Phong-Giao rằng: “Giời mưa nước chẩy qua sân, lấy ông lão móm qua lần thì thôi, bao giờ ông lão chầu giời, thì tôi lại kiếm một người giai tơ”.
Thị-Hạnh nghe bố nói bùi tai, mười phần đã rịu hết chín. Vốn ả là một đứa con gái sinh trưởng vào một nhà đê-mạt, còn có chịu ảnh hưởng giáo-dục đâu mà phân-biệt lời nói ấy phải hay trái, chỉ nghĩ rằng có tiền là tiên, có tiền thì tha hồ ăn trắng mặc trơn, có tiền thì cũng quần lĩnh tía, khăn xa-tanh, vòng xuyến chíu chít. Hơi đồng đã bén, bạc trắng lóa mắt, nên ả liền thuận ngay, tức thì hỏi bố:
“Thế bao giờ cha định đưa con vào hầu hạ quan Hàn?”
Tên Nhượng thấy con đã ưng chịu, mừng như bắt được vàng, mặt mũi nở nang:
“Để cha còn nói truyện với quan Hàn đã!...”
Rồi đó hắn nhân dịp một hôm bà Hàn, đi vắng, chỉ có ông ở nhà, lẻn vào chơi hầu ông, khi vào thì thấy ông Hàn đương nằm chơi ở nhà giữa, mặt có sắc buồn. Nhượng bèn lại gần chắp tay:
“Bẩm lạy quan lớn!
Ông nhìn ra thấy hắn liền hỏi đi đâu, rồi bảo bắc ghế ngồi gần ông. Ông bảo người nhà đun nước uống; nước vừa sôi, người nhà cầm khay chén, ấm chè lên, Nhượng ta đứng giậy đỡ lấy pha, rồi vừa pha vừa nói:
“... Lạy quan lớn, chúng con có một việc muốn thưa quan lớn, nếu quan lớn tha phép cho không bắt tội thì con xin nói!...”
Ông Hàn nghe thấy hắn nói ngạc nhiên không hiểu việc gì, nhìn tên Nhượng hỏi:
“Thày Phó định nói việc gì, thì cứ nói, chỗ bà con cả!”
Nhượng bèn đứng giậy, gãi đầu gãi tai làm ra bộ rất lễ phép:
“... Lạy quan lớn, chúng con đi lại hầu cửa quan lớn đã lâu, lại được nhờ cái dư-phúc của quan lớn cũng đã nhiều, không biết lấy gì tạ ơn quan lớn được nên gọi là có một chút...”
Chưa rứt câu ông Hàn đã hỏi:
“Có một chút gì?...”
- “... Lạy quan lớn chúng con có một chút cháu gái ạ!”
Ông Hàn nghe đến bốn câu “một chút cháu gái” đã hơi tỉnh táo vui vẻ, chính ông đương vì thế mà buồn, liền hỏi rồn ngay:
“... Thầy Phó định thế nào?...”
Nhượng ta lại gãi đầu giã tai:
“... Lạy quan lớn, chúng con định đưa cháu đến dâng quan lớn, nếu quan lớn không chê con nhà lều cỏ chiếu manh, thì chúng con xin đem cả nhà làm môn-hạ quan lớn!”
Ông Hàn nghe nói, bũng đã mừng thầm, liền hỏi:
- “Thế cô em năm nay bao nhiêu tuổi?”
- “Lạy quan lớn, cháu ngoài hai mươi.”
- Đã có chỗ nào dạm hỏi chưa?
- “Bẩm chưa ạ!”
Ông Hàn nghe đến câu “ngoài hai mươi” thích ý cười ran, ông thong thả bảo tên Nhượng: “Thày có bụng tốt như thế tôi rất cám ơn... Vốn bà Hàn nhà tôi đã già yếu rồi, công việc nhà thì bận nhiều, nên tôi cần có một người trông nom coi sóc, giúp đỡ cho bà nó... Thày đã muốn cho tôi cô em, thì xin để cho tôi xem người có được không?”
- “Bẩm quan lớn, thế là vạn-phúc nhà chúng con, vậy xin rước quan lớn rời gót ngọc đến thảo-lưu, để con bảo cháu nó ra lạy chào quan lớn!”
“Được thày cứ về sắp sửa mai tôi qua nhà...”
Tên Nhượng về nhà, mặt mày tươi tỉnh, đem hết đầu đuôi nói với vợ và con gái. Rồi bảo Thị-Hạnh rằng:
Mai quan Hàn sang nhà, con phải trang điểm lịch sự ra chào ngài, làm thế nào cho ngài ưng, ấy là số con đã đến ngày phát rồi đó!”
Nói truyện lại ông Hàn được tên Nhượng nói xin dâng con gái làm hầu, trong mình khoan khoái vô cùng, ông tưởng ông nay còn trẻ lại, như người giai tân, mà ngày mai là ngày đi xem mặt vợ. Bao nhiêu cái buồn, cái vui, cái sướng, cái khổ của ông chỉ kết-cục thế nào trongbuổi ngày mai thì biết.
Ôi, cũng đêm hôm ấy không biết là đêm gì, mà bên nhà tên Nhượng, Thị-Hạnh đương soi vào hương, soi xong lại để xuống, chống tay lên lên mà nghĩ, rồi cả bên nhà ông Hàn này ông cũng đương nằm một mình trên giường, chốc lại giở mình cựa. Đêm giài cản vắng trống cầm canh thỉnh thoảng mới có vài tiếng, làm cho hai người này ngủ không yên giấc, cái trí tưởng-tượng chỉ hình-dung gặp nhau trong só tối bóng đen mà thôi...
Gà vừa gáy sáng, nông-phu vừa giắt trâu bò ra đồng, lúc ấy ông Hàn mới giở giậy rửa mặt. Xong đâu đấy, gọi một tên người nhà mang điếu tráp theo hầu ông sang nhà tên Nhượng. Khi đến nơi, Nhượng thân ra đỡ tráp điếu mời ông vào, thì vừa hay đâu Thị-Hạnh đã ở trong buồng nhìn ra, trông thấy ông râu dài, má hóp, hình dáng thấp nhỏ, bụng đã chán, nhưng lại trông thấy cha mình một hai bẩm quan lớn, thì chợt nghĩ ngay đến của cải giàu có; ả bèn ăn miếng giầu cau tươi rồi ngồi trong buồng chờ cha gọi thì ra.
Nước nôi đâu đấy, tên Nhượng bèn xin ông Hàn cho Thị-Hạnh ra lạy mừng, để ông xem mặt nhân thể, ông gật đầu:
“Được!...”
Nhượng vừa lên tiếng gọi, thì Thị-Hạnh đã đến trước mặt ông Hàn, hai tay chắp lại:
“Lạy quan lớn!...”
Tiếng nói thong thả êm ái làm cho ông Hàn đã thú, ông liền sẽ nhìn Thị-Hạnh, thì vừa gặp ngay hai con mắt Thị-Hạnh cũng chăm chỉ nhìn ông, mắt lóng lánh sắc như giao, nhìn một cái mà ông Hàn ta đã mê tít.
Cái con mắt kia! đôi má phấn kia! cái miệng nhai rầu tươi tắn kia! có thế-lực gì mà để cho ông Hàn này siêu hồn lạc phách đi rồi, nào có ngờ đâu cái làn sóng khuynh thành dễ làm cho đổ quán siêu đình như vậy, khiến cho bao nhiêu mặt tu-mi như si, như ngốc, như cuồng, như điên, như lảo-đảo tâm-thần, như bị một cái giây điện nó rật ngang mình. Thị-Hạnh lúc này đứng trước mặt ông chẳng khác chi người câu cá giong mồi tận miệng cá để rử, chốc ả lại liếc ông, mỗi cái liếc là cái giây ân-ái vô-hình đem mà chói buộc ông vậy; không thể ngồl lâu được nữa, vì ông đã váng đầu nhức óc, vì trông cái mồi của ả rử: ông ngồi trước mặt ả, mà người ông như đương ở cạnh ả, rơ tay ôm ả vào lòng.
Ông bèn cố gắng gượng đứng giậy bảo tên Nhượng rằng:
“Thầy có bụng yêu muốn để cô em theo hầu tôi, chẳng hay thầy định đến bao giờ thì cho cô em sang bên nhà?”
Nhượng bẩm:
- “Lạy quan lớn, việc đó xin tuỳ quan lớn giậy bảo thế nào chúng con xin bái-lĩnh!”
- “Vậy thì đến rầm này tốt ngày, thầy sửa soạn cho cô em về bên kia, nhưng thầy muốn tiêu bao nhiêu tiền?”
Nhượng nghe ông hỏi đến tiền, nghĩ một lúc rồi nói:
“Lạy quan lớn, chúng con được quan lớn cho cháu nó hầu thế là may rồi, còn truyện tiền nong, chúng con chỉ xin quan lớn 200p(1) để ăn uống với bà con thôi!”
Ông giả lời ngay:
“Ừ được, thế để đến rầm này thì thầy đưa cô em sang rồi tôi sẽ giao cho số tiền ấy nhận thể!”
...........................................................
Chiều hôm ấy ông về nhà đem truyện mua Thị-Hạnh nói với bà, thì bà kiếm lời can ông rằng:
“Ông ơi, ông đã già rồi, chẳng bảo còn trẻ trung gì mà mơ-tưởng những sự nguyệt-hoa, vậy thì vệc mua hầu ông quyết không nên, ông nên nghĩ đến con nó sau này, mà...”
Bà chưa nói rứt câu, ông đã gắt :
“Sao bà lạl lạ thế, hễ tôi nói đến sự mua hầu thì bà lại can là nghĩa làm sao? Bà không biết làm tài giai phải lấy năm lấy bẩy à? Như tôi mới sắp mua có một đứa hầu mà bà còn can, thế thì bà muốn cho tôi, khổ suốt đời thế này rư?”
Bà cũng tức mình gắt lại ông:
“Thế cũng tài giai, nhiều vợ là tài giai à, thế thì những hạng giầu chôn của, hút máu người làm giầu mà nhiều vợ cũng là tài giai đáng khen nhất hay sao? Ông nhầm rồi, ông ơi! Còn ông bảo tôi can ông lấy hầu, là để ông khổ suốt đời, thì ông lại càng nhầm lắm...”
Ông trợn mắt nhìn bà:
- “Bà bảo tôi nhầm thế nào, bà thử nói tôi nghe. Bà há lại không biết sự lấy hầu là một sự thường ở xã hội này rư. Nói ngay như các quan, không mấy người là không có hầu thiếp, thế thì bà bảo người ta cũng nhầm cả đấy?...
Còn tôi giời cho tuổi cũng chưa đến năm mươi sáu mươi gì, mà không mong đường sinh-dục để sau này có nhiều con vui cửa vui nhà. Nói cho phải mà nghe, bà bảo tôi nhầm, mà chính bà lại nhầm nhiều lắm. Bà không biết rằng nghĩa-vụ bà làm vợ là phải tòng-phu, chiều chồng, thuận theo cái khuynh-hướng của chồng ư? Nếu bà biết thế là phải, thì bà phải vui lòng mà nghe tôi ngay, có lẽ nào bà lại muốn phản đối cái ý-tưởng rất đích đáng của tôi?”
- “Ý-tưởng ấy mà là ý-tưởng rất đích đáng!... Thôi ông ơi, phận tôi làm vợ thấy chồng có điều sai thì hết sức can ngăn còn ông chẳng nghe thì tôi cũng đành vậy mà thôi!”
Ông nghe bà nói rằng ông có điều sai, cơn giận đâu nổi lên đùng đùng, lại quát mắng bà:
“Tôi có điều sai gì?... Điều sai là vì lấy hầu, đụng cái ghen của bà có phải không?”
Ông nói đến tiếng ghen làm cho bà cũng tức, ông nói một bà lại nói mười:
“Lấy hầu đụng đến cái ghen của tôi lẽ đó đã đành như vậy mà là một lẽ hiển-nhiên rồi, vì ông có quyền được lấy hầu, thì tôi cũng có quyền được can ngăn giữ lại, cho cái quyền ấy khỏi làm nhạt cái ái-tình tôi đối với ông, ấy tôi làm vợ phải thế. Nhờ có sự ghen trong gia-đình, vợ chồng mới hết bụng yêu mến quý trọng lẫn nhau, dữ dìn cho nhau khỏi lỗi đạo. Chừ ra ghen quá mới có sự chia phôi tan cửa nát nhà. Nếu bảo rằng tôi đem bụng nhỏ nhen mà ghen thì tôi cũng không dám can ngăn ông làm chi, vì phong-tục xã-hội đã rộng quyền để ông được tự-do có quyền-lợi làm giai lấy năm lấy bẩy, người đàn bà không được phép động đến cái đặc quyền ấy thì tôi cũng bằng lòng để ông lấy năm lấy bẩy, lấy bao nhiêu người cho thích thì thôi, nhưng mất của tìm người, ông cũng cho phép tôi kén trọn cho ông!...”
“Thị-Hạnh nó cũng là đứa nết na hiền lành, can chi phải kén trọn đâu nữa!...”
Bà nghe ông nói đến tên Thị-Hạnh đã ghét rồi, vì bà vốn biết ả là một đứa con gái, làng nước đã đồn nhiều tiếng tăm xấu chẳng ra gì, bèn nói với ông rằng:
“Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống, mua hầu tức cũng như bỏ tiền cưới vợ, chứ không phải là mua một con vật về để dùng, thì tất cũng phải cần người có đức-hạnh làm ăn được và hầu hạ ông nữa. Tôi xem ra Thị-Hạnh thật là một đứa mất nết, trước kia nó chửa hoang đã đẻ một lần ở Hanoi, hiện có người biết lại nói truyện với tôi, không phải là tôi nói không nói có...”
Ông đã mê Thị-Hạnh, nên bà nói thì nói ông chỉ một mực: “Nói bậy, Thị-Hạnh như thế mà bảo đã chửa hoang nó còn con gái thơ thớ ra đã ai động đến, chẳng qua nó nhan sắc đứng đắn, những kẻ ve vãn không nổi, mới đặt truyện nói xấu nó, ở đời tiếng thị phi dẫu người thế nào cũng có ít nhiều, duy tai có nghe rõ mà mắt có trông thấy hẵng nên tin. Cứ mắt tôi trông thì Thị-Hạnh hãi còn gái tân!
Ông cố khen Thị-Hạnh, bà biết rõ Thị-Hạnh, ghét thì cố chê:
“Khen chê yêu ghét phải ở cái đức mới là phải; tôi không phải là có thù gì nó mà chê, chỉ vì cái đức nó không có mà chê đó thôi. Nhưng cái đức đời nay ai biết trọng, mà lấy để khen chê, phần nhiều chỉ khen chê yêu ghét ở những cái trang-sức hão, đàn ông yêu khen đàn bà phần nhiều chỉ yêu khen ở cái mặt đẹp, còn đàn bà yêu khen đàn ông cũng lại ở như tiền của, danh-giá rởm, cho nên tôi nói lấy đức mà khen chê, ông cho là nói ngược cũng có lẽ...
Nhưng ông bảo Thị-Hạnh còn con gái tân, thì tôi quyết không thực, nó thật là một đứa đã giang-hồ giở về; con ấy chính là một đứa chỉ giăng hoa đĩ bợm, trong truyện Kiều đã có câu: “Tuồng chi hoa thải hương thừa, mượn màu son phấn đánh lừa con đen.”
Bà chê bao nhiêu, ông càng lại khen bấy nhiêu, Thị-Hạnh đối với ông bà thành ra một vấn-đề khó giải-quyết:
“Bà chê Thị-Hạnh chỉ nghe người ta đồn, thực không trông thấy, chê nó ở lúc cùng khổ nghèo đói, thế là người không thực. Phàm chê người, không nên lấy những sự sấu nhỏ nhặt mà chê, phải chê ở cái bản-thân, cảnh ngộ con người ta bị thời-thế xoay chuyển mỗi lúc một khác, thì hành-vi sử-sự cũng phải tùy thời-thế mà biến đổi, không có ai vẹn toàn được cả ngũ-luân, không có ai tránh khỏi những sự khuyết-điểm nhỏ, thánh hiền còn có lúc phải người đời cười biếm, huống chi là người thường. Nhiều cơ-hội ở đời làm cho người ta không thể quản được sự khen chê của xã-hội, mà chỉ vụ lấy làm trọn cái nghĩa-vụ mình đối với mình mà thôi. Tỷ như cô Kiều ngày xưa, người không biết xét thời những chỗ phải vào lầu xanh, đem thân vàng giá ngọc mắc vào tay họ Mã mà chê là người thất tiết, nhưng lại phải xét chỉ vì một chữ Hiếu nặng quá, mà cô phải mười lăm năm phong-trần cay đắng, má hồng mày dạn, thế thì nên biết thương cô vì cảnh-ngộ bó buộc mà không vẹn được trinh-tiết, chỉ trọn được đạo làm con... Thân cô giang-hồ bạc-mệnh ai cũng phải ngậm ngùi; bà đã lấy hai câu truyện Kiều mà ví Thị-Hạnh, tôi cùng có thể bảo-toàn danh-tiết cho Thị-Hạnh mà khen: “tuy giầm hơi nước chưa loà bóng hương,” Thị-Hạnh ví làm sao được với cô Kiều, nhưng thấy nó cùng khổ nghèo nàn, thì nên thương mà không nên chê, nên dùng mà không nên bỏ, nên yêu mà không nên ghét. Nó phải đem thân đi hầu hạ, là nó muốn báo hiếu bố mẹ...”
Chưa rứt câu bà đã nói luôn:
“Thôi, yêu thì vẫn là tốt, là hay, là đáng khen, đáng trọng, chẳng có thế mà vua Đường-minh-Hoàng ngày xưa yêu nàng Dương-quý-Phi quá, đến nỗi nàng đi lmột bước, vua khen rằng mỗi bước đi là nở ra một cái hoa sen; nay con Thị-Hạnh về đây, có lẽ mỗi một cái cười của nó là nở ra một cái hoa hải-đường hẳn!”
Vừa nói xong thì cậu Ngô-Tòng ở đâu đến cạnh bà, rồi thong thả nói với ông rằng:
“Mẹ con nói rất phải, cha nên nghe!....”
Ông lúc này đã tức giận sẵn, lại thấy cậu nói nữa, liền mắng chửi cậu thậm tệ:
“Mày không phải giậy tao! À mày muốn vào bè với mẹ mày để cấm tao hay sao? Con nhà bất hiếu bất mục ở đâu!...”
Cậu phải ông mắng chỉ ôm mặt khóc, bà thấy ông giận chửi con cũng thôi không nói gì nữa. Đâu đấy cơm chiều giọn lên, ba vợ chồng con cái điều ngồi ăn, coi sắc mặt người nào cũng buồn bực không vui. Canh tàn nhà vắng, ngọn đèn le lói như sui dục dạ buồn thêm buồn, nào hay đâu những tiếng cười nói, những truyện hàn-huyên bấy lâu đã tiêu-tán cả, lại gây nên cái quang-cảnh cốt-nhục sắp phân lìa, tình thân-ái đơn sơ lạnh nhạt quá như vậy.
(1) “piastre” tiếng gọi “đồng bạc” thời Pháp
(Xem tiếp kỳ sau)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.08.2013 14:05:55 bởi nvietdung >