Dòng Sông Êm Đềm - Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn
nangvangsaigon 27.07.2013 00:30:55 (permalink)
DÒNG SÔNG ÊM ĐỀM
 
 
Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn
 
Tuy Hòa, nơi tôi ở cách nay gần sáu chục năm, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp.

Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành. Cả một vương quốc đã mất hẳn dấu tích, chỉ còn lại vài cái tháp đứng trơ gan cùng tuế nguyệt!

Xa kia về phía nam là ngọn Thạch Bi Sơn (Núi Đá Bia) cao ngất quanh năm mây phủ, đánh dấu chiến công hiển hách của vua Lê Thánh Tôn một thời đại phá quân Chiêm Thành. Đó cũng là biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành thời Hậu Lê.

Tôi là một trong nhóm người Bắc di cư nhỏ nhoi, được may mắn định cư và lớn lên trên vùng đất tự do, ấm cúng Tuy Hòa nơi mà người dân có tiếng là chất phác, đôn hậu và nhiệt tình.

Thời 54, chính quyền cho cất một xóm độ vài chục căn nhà tranh vách đất vây quanh cái giếng nước trên một mảnh đất khá rộng, để đón dân Bắc Kỳ di cư. Tất cả sinh hoạt của trại đều xảy ra ở đó. Từ tắm rửa, giặt quần áo, xách nước về nhà để nấu ăn, chuyện gẫu, trai gái gặp gỡ làm quen. Đó đúng là một tụ điểm hội họp, giống như sân đập lúa ở một làng quê, bởi vì chẳng có một thứ giải trí nào khác.

Trại di cư được tổ chức theo kiểu làng xã thời xưa: có một trưởng trại, vài vị trong ban hội đồng, họp nhau thường xuyên để cải thiện đời sống cư dân. Ngoài ra hội đồng trại còn lo việc phân phối thực phẩm và làm cái gạch nối giữa dân di cư và chính quyền thành phố. Hồi xưa chưa có điện thoại, nên tôi được chỉ định làm “thằng mõ” để thông báo tới từng gia đình những tin tức từ ban hội đồng trại đưa ra. Mỗi nhà đều có “Sổ Gia Đình”. Chính quyền tùy theo nhân khẩu mà cấp phát nhu yếu phẩm như dầu hôi để nấu ăn và thắp đèn, gạo, đường, đồ hộp, sữa bột, bột mì, bột bắp. Sữa thì pha với nước sôi để uống, ai không quen, Tào Tháo đuổi là chuyện thường. Bột mì và bột bắp chẳng biết làm gì, nấu chè mãi ăn cũng ngán bèn nhồi thành những con thú như bò, gà, heo, rồi chiên lên ăn, cũng ngon ra phết!

Có cả quần áo nữa, những bộ quần áo rộng thùng thình tuy cũ nhưng còn rất tốt. Bà con tháo ra và sửa lại cho đúng khổ người mình. Sau này còn cấp heo con để nuôi làm giống. Những con heo Mỹ trắng bóc mắt xanh lè trông rất lạ mắt, mau lớn như thổi, to như một con bê, khác hẳn với mấy con heo đen thui, nhỏ xíu của xứ mình.

Hầu như xóm Bắc Kỳ di cư nhà nào cũng nuôi một vài con heo, heo nái cơ. Thỉnh thoảng có anh chàng nhà quê, dắt theo chú heo nọc nhỏ xíu, đi lang thang ngoài đường, tay cầm chiếc roi thật dài, để điều khiển heo như người ta chăn vịt vậy. Khi heo nái bắt đầu kêu la om xòm và phá phách trong chuồng, cứ gọi anh ta vào là vài tháng sau, chủ trại sẽ có một bầy heo con đẹp đẽ. Anh ta chẳng làm gì đâu, con heo của anh làm thôi. Thấy chú heo nọc nhỏ xíu đứng gần nàng heo nái to kềnh mà tội nghiệp. Tôi cũng tò mò đứng xem chú làm gì, mỗi lần như vậy, Nội lại đuổi đi chỗ khác chơi. Khi chàng heo nọc làm xong phận sự, được chủ nhân cho ăn một nồi cám to nấu với đậu xanh bảo là “để lấy lại sức”. À, thì ra chú làm việc cũng vất vả lắm đấy.

Vài năm sau, khi những người di cư đã có thể tự lập, chế độ cấp phát thực phẩm cũng chấm dứt theo.

Đời sống trong trại di cư khác thật xa với các trại của vùng kinh tế mới sau này. Đó là một đời sống tạm đầy đủ, êm đềm, tự do và tự tin cho tương lai của gia đình và đất nước. Trẻ con đều được đi học mà không phải trả bất cứ một khoản học phí nào. Tôi có những bạn cùng lớp đạp xe đi học từ những vùng thôn quê xa xôi. Bệnh viện đều miễn phí, rộng rãi và hợp vệ sinh. Xã hội có tôn ti trật tự và lễ nghĩa: kính trên nhường dưới. Tình nghĩa thày trò thắm thiết như cha mẹ và con cái. Cửa nhà không cần khóa hai ba lớp. Chẳng phải thời Nghiêu Thuấn, nhưng tương đối hạnh phúc yên bình cho tới khi những tai họa từ trên núi đổ xuống: Ám sát, chặn đường, đặt mìn xe đò, xe lửa, pháo kích, súng nổ khắp nơi.

Ba tôi dạy học mãi ngoài Hội An, nên tôi ở lại Tuy Hoà với Ông Nội và bà cô để tiện bề học hành và hầu hạ Ông. Tôi coi Ông giống như Cha, nhưng đôi khi cũng rất buồn, cô đơn và tủi thân. Bởi vì Ông già hơn Cha nhiều và khó gần gũi. Những lúc như vậy, hầu như tôi chỉ có bé Uyên là người thân thích nhất.

Uyên là “cô bé lọ lem” nhà hàng xóm, nhỏ hơn tôi sáu, bảy tuổi gì đó. Ba Uyên là quân nhân, luôn vắng nhà. Mẹ Uyên thương tôi như con bà vậy. Tôi không biết tên bà chỉ biết ai cũng gọi bà là “Cô Ba Nam kỳ”. Lúc rảnh rỗi tôi hay lại nhà em chơi.

Bé Uyên thường theo tôi đi nhà thờ. Đó là ngôi thánh đường nhỏ xíu, gần một dòng sông, có những hàng cây keo cao ngất mọc bên bờ, đầy gai và hoa trắng nõn, dày cơm, ngọt lịm. Chúng tôi hái hoa keo ăn chán chê, rồi ngồi trên bờ cát nhìn xuống dòng sông nhỏ bé lững lờ trôi, ngắm bày chim chiền chiện đuổi nhau trên đám cỏ lau kêu ríu rít, quên cả vô nhà thờ cầu nguyện.

Hai đứa chúng tôi sống bên nhau như hai trẻ mồ côi lạc loài. Tất cả tình thương tôi đều dành cho Uyên, chiều chuộng em như chính em ruột của mình. Uyên cũng cảm nhận được điều đó nên luôn mè nheo tôi.

- Anh Hai, mấy con chim đó tên là gì dzậy?

- Người ta gọi là chim chiền chiện.

- Ai đặt tên cho nó dzậy?

- Anh hổng biết.

- Chắc má nó đặt tên cho nó phải hông?

- Chắc Ba nó đặt đó, giống như Ba đặt tên cho em dzậy.

- Ừ há.

- Bắt nó cho em đi, anh Hai.

- Nó chạy nhanh lắm, làm sao anh bắt được.

- Cẳng anh dài hơn cẳng nó mà.

- Nhưng nó có cánh.

- Thôi em hổng chơi dzới anh nữa đâu, anh lớn như dzầy mà hổng bắt được con chim nhỏ xíu đó.

- Để nó sống với ba má, bắt nó làm chi tội nghiệp, lỡ nó nhớ ba, buồn rồi bịnh chết mất sao.

- Anh Hai ơi, em nhớ Ba quá hà, bữa nào Ba dzìa, em nói Ba dẫn anh em mình đi ăn cơm gà xiu xiu nghe.

- Ừ phải đấy.

Tôi thấy mắt em đỏ hoe và quên mất chuyện đòi bắt chim chiền chiện. Tôi ôm em thật chặt, và hôn lên tóc em. Tôi thương em và thương tôi quá đỗi.

- Ngoan đi, anh còn một đồng đây, anh mua bánh tiêu cho em ăn nghe?

- Hổng chịu đâu.

- Chè đậu dzán dzậy?

- Hổng chịu.

- Kẹo kéo nhá, quay số trúng, chịu hông?

Nghe quay số mắt em sáng lên nhưng phụng phịu:

- Em chỉ muốn ăn kẹo bột thôi.

- Kẹo bột là kẹo gì dzậy trời?

- Kẹo đường đen rắc bột trắng đó.

- Trời đất, kẹo đường cứt trâu đó hả?

Em mở to mắt tròn xoe như hai viên bi thủy tinh và gật đầu lia lịa.

- Mở miệng ra coi, còn mấy cái răng mà đòi ăn kẹo bột. Em có biết là ăn nhiều đường sẽ bị sún răng không? Con gái mà sún răng trông xấu lắm mà còn bị bạn “lêu lêu” nữa đó.

- Thiệt hông? Anh xạo, em mét má cho coi.

- Sao hổng thiệt, em sờ dzô thì biết, coi chừng răng sún cắt đứt tay đó nghen.

Con bé có vẻ sợ thiệt, rơm rớm nước mắt. Tôi phải ôm Uyên dỗ dành. Có lẽ tôi thương em nhất trên đời. Em ở ngay bên tôi, an ủi tôi, cần tôi che chở, dẫn dắt, tất cả mọi thứ khác đều quá xa vời.

- Em thấy anh Hai khóc nè!

- Đâu có, cát bay dzô mắt anh đó.

- Anh Hai xạo quá, rõ ràng em thấy tóc em ướt mà.

- Chắc con chim chiền chiện bay ngang, nó tè trên đầu em, vì em đòi bắt nó đó.

Em cười rũ rợi, và đấm trên ngực tôi liên hồi. Chúng tôi quên hết muộn phiền.

Muốn đến nhà thờ phải lội bộ ngang ga xe lửa rồi băng qua nhiều đồi cát, tôi vừa đi vừa kể chuyện cho Uyên nghe, đó là những chuyện tôi đọc được trong các trang báo thiếu nhi, hay những truyện nhi đồng như Bạch Tuyết Và Bẩy Chú Lùn, Cô Bé Lọ Lem, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, Thằng Người Gỗ... Nhiều khi vừa cõng em vừa kể chuyện, tới lúc cô bé đã ngủ gục trên vai tôi lúc nào không biết. Mỗi lần đi ngang ga xe lửa, mùi cơm gà xiu xiu từ gánh hàng rong của chú Ba lại làm bụng hai đứa tôi cồn cào, nước miếng thi nhau chảy ra như mưa rào. Ôi những miếng thịt gà vàng ngậy, bóng lưỡng nằm trên đĩa cơm nấu bằng nước gà luộc rồi chiên với mỡ gà. Lần nào đi ngang qua hàng cơm gà, Uyên cũng dán mắt vào đó, chân bước đi không nổi. Tôi chỉ có mỗi ước mơ nhỏ bé, một ngày nào đó sẽ mua cho Uyên một dĩa cơm gà xiu xiu!

Có lần cô Ba mắc đi sanh em bé, Cô xin phép Nội cho tôi qua ngủ trông nhà và Uyên cho Cô. Cô phải vào nhà hộ sanh sớm kẻo tối có chuyện gì đi không kịp. Tỉnh nhỏ làm gì có phương tiện chuyên chở như bây giờ, đêm hôm chỉ có nước lội bộ thôi.

Tôi dắt Uyên về Nội ăn cơm rồi hai đứa về nhà em ngủ. Dạo đó, tôi đang học đệ lục (ngang lớp 7 bây giờ), kể cũng đã lớn rồi. Uyên còn nhỏ lắm. Buổi tối em nhất định đòi tôi ngủ chung giường, Uyên nói:

- Em ngủ một mình sợ lắm, em vẫn ngủ chung với Má.

- Nhưng anh là con trai, em là con gái không ngủ chung được.

- Thế Ba với Má vẫn ngủ chung đó sao.

- Ba với Má thì khác, lớn lên em sẽ hiểu.

- Em thấy khác gì đâu, em hổng chịu đâu.

Giọng Nam Kỳ nhõng nhẽo, mếu máo, khiến tôi không thể làm phật ý em được. Đợi khi em ngủ say, tôi gỡ tay ra, trải chiếu, ngủ trên thềm nhà. Buổi sáng khi vừa mở mắt ra, đã thấy em nằm ngủ say sưa bên cạnh. Uyên ngây thơ và vô tư như thiên thần.

Từ ngày có em bé, Uyên không còn được Mẹ chăm sóc như xưa, em quanh quẩn bên tôi nhiều hơn, buổi tối thường ăn cơm chung với tôi và đòi chỉ em làm bài tập.

Cô tôi buôn bán cam. Một bà cô khác ở Saigon, cứ cách một ngày lại gởi hàng ra bằng xe lửa. Tôi chỉ việc ra lãnh mang về, Cô lo phân phối cho bạn hàng ngoài chợ.

Đường xe lửa xuyên Việt chạy ngang thành phố. Mỗi khi về tới, tiếng còi tàu “ò e…, ò e…” đánh thức cả thành phố đang ngái ngủ. Tôi vội mướn xe xích lô chạy ra nhà ga để lãnh nhận những cần xé cam nặng trĩu… Bao giờ tôi cũng dấu một hai trái để cho Uyên, em thích lắm. Đó là thứ quà rất xa xỉ thời đó.

Năm cuối cùng trung học đệ nhất cấp, tôi chuẩn bị đi Saigon học tiếp. Sẵn có tiền Nội cho, tôi dẫn Uyên đi ăn cơm gà xiu xiu, đó là bữa ăn ngon nhất trên đời tôi và em được ăn. Dù sau này đi khắp năm châu bốn bể, tôi cũng không thấy bữa ăn nào ngon như thế.

Lúc tôi lên đại học thì Uyên vừa vào trung học. Mỗi năm cứ vào dịp hè tôi lại đáp xe lửa về Tuy Hòa thăm Nội và Uyên. Tôi hay dẫn em leo núi Nhạn hái trái sim màu tím thẫm ngọt lịm hay trái dú dẻ màu vàng tươi, thơm ngát. Đó là những ngày hè vui nhất trong đời. Uyên càng lớn càng xinh đẹp hơn, không còn là cô bé lọ lem ngày nào. Chúng tôi vẫn leo lên mấy đồi cát đi về phía nhà thờ bên dòng sông thời thơ ấu, nhưng em không còn bắt tôi cõng và cũng không còn đòi ăn kẹo bột nữa.

Đôi khi chúng tôi ra ngồi ngoài bãi biển yên lặng nhìn mông lung về phía chân trời, mắt dõi theo những chiếc thuyền lững lờ trôi về nơi xa xăm. Sự tin yêu và thông cảm đã khiến chúng tôi hiểu lòng nhau mà không cần phải nói thành lời.

Chiến cuộc ngày càng khốc liệt hơn, đời tôi rồi cũng sẽ như những chiếc thuyền vô định trên biển cả mênh mông kia.

Những năm “học đại” thật vất vả, tôi vừa phải lo kiếm sống vừa phải vùi đầu vào đống sách vở cao ngất ngưởng, chẳng nên cơm cháo gì, được vài cái chứng chỉ vớ vẩn, vứt ra đường không ai thèm lượm.

Rồi vụ thảm sát Tết Mậu Thân xảy ra, thời hạn hoãn dịch vì học vấn không còn hiệu lực nữa. Tôi cầm Lệnh Gọi Nhập Ngũ mà lòng bâng khuâng khôn tả. Những ngày tháng mơ mộng của tuổi cắp sách đến trường đã chấm dứt. Cuộc đời tôi đi vào một ngõ rẽ, đầy chông gai, và tương lai thì rất mập mờ.

Tôi đã 23 tuổi và có đúng một tháng để gói ghém tuổi học trò cất vào ngăn tủ khóa lại kỹ càng trước khi bước vào quân ngũ.

Tôi trở lại Tuy Hòa thăm Nội và từ giã Uyên. Em vừa xong trung học đệ nhất cấp, chuẩn bị lên đệ tam (lớp 10). Uyên đã biết e lệ khi đi bên tôi, con mắt to đen láy có dáng tôi trong đó. Con đường đi lên đồi cát dẫn đến dòng sông tuổi nhỏ, chúng tôi đã đi qua biết bao nhiêu lần, nhưng lần này thật mới, xa lạ, ngập ngừng, e thẹn. Nắng sớm mai trải dài trên những đồi cát, chỗ sáng chỗ mờ, tạo thành những đợt sóng cát vô tận, như những đợt sóng ngầm trong lòng hai đứa.

Chúng tôi ngồi bên nhau, bên bờ sông dưới hàng keo rậm rạp, nhìn cặp kỳ nhông đầy màu sắc rượt đuổi nhau trên bãi cát.

- Anh Hai kỳ ghê hà, sao nhìn em hoài dzậy?

- Anh muốn mang bé đi mãi mãi trong tim anh, dù có phiêu bạt tận chân trời góc bể nào đi nữa.

- Thôi hổng chịu đâu, anh Hai ở lại đây dzới em.

- Hổng được đâu, người ta nhốt anh trong tù thì sao?

- Em sẽ biến thành con muỗi, chui vô thăm anh mỗi ngày, chịu hông?

- Hổng chịu, muỗi chích đau lắm.

- Em thương anh hổng chích anh đâu mờ.

- Ý trời! Mấy con muỗi cái chích đau dữ lắm đó.

- Thôi làm con kiến dzậy, hổng được, con bươm bướm chịu hông?

- Chịu, người ta đưa anh lên rừng thì sao bướm bay cho nổi?

- Em sẽ hóa thành con chim bay theo anh.

- Người ta thảy anh xuống biển thì sao?

- Em sẽ hóa thành con cá lội theo anh. Thôi em hổng chơi dzới anh nữa đâu, tối ngày đòi đi này nọ, hổng chịu ở đây dzới em.

Em thật ngây thơ, chuyện đời đâu phải cứ muốn là được. Tôi cũng như chiếc lá lênh đênh trên dòng sông dưới kia, trôi hoài trôi mãi, cố vẫy vùng cũng không thoát khỏi số phận, cho đến ngày chịu nằm yên ngoài biển khơi.

Rồi cũng đến lúc tôi phải ra đi. Bước lên con tàu, nhìn Uyên ở lại sân ga, trong bộ quần jean áo trắng tôi mới cho em, hai vạt áo chemise cột chéo vào nhau, trẻ trung nhí nhảnh hết sức, đang sụt sùi lau mắt. Tiếng còi tàu thét lên, tim tôi như vỡ ra từng mảnh, con tàu từ từ lăn bánh.

Em ở lại ôm ấp mối tình ngây thơ, còn tôi ra đi mang theo hình bóng em trên con đường vô định.

Những năm tháng miệt mài với chiến trận, tôi theo đoàn quân mũ nâu, lội khắp các tỉnh miền Trung, tham chiến nhũng trận đánh lớn Bồng Sơn, Tam Quan, Thường Đức, rồi lên cao nguyên Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Phú Bổn, Phú Túc, Đức lập, Dakto, Ben Het, Quốc lộ 14, nhiều lắm kể sao cho hết. Tôi đi đến đâu cũng mang theo bé Uyên trong tim. Em như thiên thần hộ mệnh, giúp tôi vượt qua bao gian nan, nguy hiểm, cho đến ngày Ban Mê Thuột thất thủ, tôi trở thành tù binh.

Những năm tháng tù đầy hình ảnh em luôn ở bên cạnh tôi, có lúc là con muỗi, đậu ngoan ngoãn trên cánh tay tôi, có lúc là con chim hót líu lo trên cành cây giúp tôi quên đi những bó cây rừng nặng nề trên vai. Có lúc tôi thẫn thờ thấy em là con bướm đang chập chờn trước mặt, cười cợt, khiến lòng tôi quên đi bao nhiêu phiền não. Vâng, em đã giữ đúng lời hứa theo tôi từng bước chân lưu lạc tù đầy. Tôi gọi tên em khe khẽ trong cơn sốt rét rừng lạnh run người, rồi nóng bỏng. Tôi thấy em mặc áo trắng toát, đuôi áo xòe ra tận chân trời. Tôi cầm tay em đi bên dòng sông tuổi nhỏ, những con kỳ nhông sặc sỡ bu đến bên em, rồi tất cả bay lên khỏi từng mây trong bầu trời nắng chan hòa, có những đàn chim chiền chiện nâng áo em như thể đang trong ngày cưới, ở một vùng trời thênh thang, xa hẳn cõi trần thế khổ đau.

Rồi tôi cũng được thả ra khỏi trại tù cộng sản, nhưng khi trở lại Tuy Hòa, thành phố đã xa lạ, tan tác.

Chú Ba với gánh cơm gà xiu xiu đã phiêu bạt nơi nào. Nội tôi đã qua đời, cô tôi đã có chồng vẫn còn trong trại tù nào đó tận đâu ngoài Bắc. Căn nhà Uyên ở nay đã thuộc về người khác, có lẽ là cán bộ từ miền Bắc vào. Em ở đâu, gia đình tôi lưu lạc phương nào tôi chẳng biết. Đúng là cảnh nước mất nhà tan. Thành phố nay đã thay đổi, chẳng nhìn thấy một nụ cười, phố xá xơ xác điêu tàn, cơm không đủ ăn.

Tìm về dòng sông tuổi nhỏ, nơi tôi và em đã từng đến để sưởi ấm tâm hồn. Những con chim chiền chiện vẫn còn đó, những hàng cây keo cao ngất vẫn còn đây, những con kỳ nhông vẫn vô tư đuổi nhau trên bãi cát. Tôi tự hỏi đã có bao nhiêu thế hệ chiền chiện bay ở đây? Bao nhiêu lần lá keo thay đổi, nhưng dòng sông thời thơ ấu vẫn còn y nguyên, như tấm lòng của tôi đối với Uyên. Nước vẫn lững lờ trôi êm đềm, mang theo cả tuổi thơ của hai đứa tôi đi mất. Tôi muốn khóc, cho em, cho tôi, cho tất cả những người Việt Nam điêu linh, khốn khổ vì chiến tranh, vì hận thù. Nước mắt tôi đã cạn khô từ những ngày trong lao tù tủi nhục. Linh hồn tôi đã bay khỏi địa ngục trần gian, để lại một thân xác bơ vơ, rã rời.

Tôi thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết, hơn cả những ngày còn rất bé bỏng, trong một làng quê hẻo lánh bên bờ sông quê nội, thuộc “Vùng Tề.”

&&&

Thời chiến tranh Việt - Pháp trước 1954, “vùng tề” là cách gọi vùng đất bị người Pháp kiểm soát để phân biệt với “Vùng Tự Do” mà Việt Minh đã đặt được cơ sở. Thật ra đây là những vùng “xôi đậu” giống như ở một số nơi mất an ninh tại Miền Nam sau này. Ban đêm lính trong đồn có thể pháo bừa vào đó, ban ngày Việt Minh cũng làm như thế. Ngoài Bắc có câu “Ấm ớ hội tề”, chỉ mấy ông hội đồng làng tề ba hồi ngả bên này ba hồi ngả bên kia, tùy theo hoàn cảnh.

Tôi đã chứng kiến những ngày điêu linh tan tác ở đó.

Đó là một làng nhỏ, thuộc tỉnh Thái Bình, chỉ cần đi bộ vài cây số đến bến đò Tân Đệ, theo chuyến đò ngang, bên kia sông đã là thành phố Nam Định. Có lần tôi theo Nội qua Nam Định thăm người bà con, cả thành phố đóng cửa kín mít, vì đám Tây Lê Dương vừa đi hành quân về, nhiều đứa say rượu đập phá ngoài đường.

Nội có 5 người con, 3 trai hai gái. Bác Cả hoạt động cho Quốc Dân Đảng tận ngoài miền Trung đã đổi tên đổi họ biệt tích giang hồ. Chú tôi theo Việt Minh, thỉnh thoảng về thăm nhà ban đêm, chốc lát rồi đi. Có lần Chú về và xin với Mẹ cho tôi theo Chú qua bên “Vùng Tự Do”.

Chú cõng tôi trên lưng, đi hằng chục cây số trong đêm tối, giữa những bờ ruộng, tiếng ễnh ương kêu vang bên tai. Tôi ngủ trên lưng Chú lúc nào không biết.

Sáng thức dậy, thấy mình nằm trên chiếc chõng tre trong căn nhà lá xa lạ. Tôi học những lớp vỡ lòng ở đó, trong một đình làng, trẻ con chơi nhiều học ít. Học nửa buổi, còn nửa buổi ra cánh đồng bắt sâu trên những ruộng lúa mới trổ bông hay hái rau muống mang ra chợ bán gây quỹ cho đội (thiếu nhi). Đêm đêm, xách “đèn chai” đi họp đội hay tập nhảy “son đố mì”.

Tôi còn nhớ được vài bài hát đại khái như “Bác Hồ Chí Minh là mặt trời” hoặc “Đảng lao động Việt Nam, đảng của chúng ta, vì cơm áo tự do, ăn no nằm chết giữa đường…”. Tại sao lại ăn no nằm chết giữa đường? Dĩ nhiên do dân chúng đổi lời, nhưng bạn nghĩ xem có lý do chứ. Vâng, dân miền Bắc đói lắm! Có cả những bài ca tụng Liên Sô như “Dân Liên Sô, vui hát trên đồng xanh, đây bao la ánh nắng xuân chan hòa…”, đó là một cái bánh vẽ rõ to, bây giờ nhớ lại thấy vô duyên và kỳ cục. Mấy nhạc sĩ tác giả của những đứa con tật nguyền đó, chắc có lúc đã hối hận muốn vứt bỏ chúng nó đi, nhưng không có cách nào làm được. Như ông Tố Hữu có muốn vứt bỏ đứa con cùi lở què quặt cũng không làm được, nó theo ông đến muôn đời:

“Ông  Sịt Ta Lin ơi, ông Sịt Ta Lin,
Hỡi ơi ông mất! đất trời có không?
Thương cha thương một, thương ông thương mười”
 
Ở với Chú một thời gian, một hôm Mẹ sang đón tôi về. Chỉ vài ngày sau, Pháp đi càn (hành quân) qua bên đó, chúng đốt nhà, Chú bị chết ngạt dưới hầm bí mật. Nếu Mẹ qua trễ chắc tôi đã đi theo chú mất rồi.

Ba tôi ở Hà Nội nhưng hay về thăm quê nội, đôi khi đi thăm Chú hoặc lang thang qua những làng lân cận thăm bạn bè. Một hôm, tay đồn trưởng đám dân quân tự vệ sai lính bắt Ba đánh cho một trận rất nặng, lớn lên tôi vẫn còn thấy những vết sẹo trên người ông, lúc thả ra ông về ở hẳn Hà Nội, không dám bén mảng về quê nữa, vì cả hai bên đều nghi ngờ. Một thời gian sau, Việt Minh phục kích giết chết tay đồn trưởng trên đường ra bến đò Tân Đệ.

Trước hiệp định đình chiến năm 54, gia đình Nội lần lượt từng người bỏ trốn qua Nam Định. Tờ mờ sáng, Mẹ đội thúng như mang trầu ra chợ bán, dắt tay tôi đi nhanh trên con đường làng dẫn ra bến đò. Có vài người chào hỏi nhưng Mẹ chỉ ậm ừ vài câu và vẫn rảo bước không ngừng.

Khoảng gần trưa, chúng tôi đến Nam Định, chiều hôm ấy, tất cả gia đình gặp nhau đầy đủ ở nhà một người bà con. Ban đêm, cả thành phố hoạt động rầm rộ trong bóng tối để chuẩn bị ra đi. Vài ngày sau chúng tôi theo họ lên mấy chiếc xe vận tải chờ sẵn trên con đường phía Bắc hướng đi Hà Nội.

Hà Nội những ngày chuẩn bị di cư, thật nhộn nhịp hối hả nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp đài các quyến rũ. Đồ đạc, bàn ghế, quần áo cũ bày bán đầy đường. Ban đêm trai gái Hà Thành thanh lịch vẫn dẫn nhau đi dạo bờ hồ, ăn kem, tình tứ trò chuyện, có lẽ như những tử tù cố gắng thưởng thức bữa ăn sang trọng cuối cùng.

Thủ Đô trong mắt chú bé nhà quê, thật là đẹp, không thể tưởng tượng nổi, cái gì cũng mới lạ hơn hẳn Nam Định như chú từng thấy. Tôi còn nhớ lần đầu tiên Ba mua cho cây kem, tôi vừa cắn một miếng đã phun ra và quăng ngay xuống đất. Chú bé nhà quê, chưa từng được ăn cái gì lạnh như thế, giống như có con dao nhỏ dấu trong cây kem vừa đâm vào miệng, cũng có thể vì mấy cái răng sún nó nhát chú.

Tôi vẫn thích nhìn về phía bên kia bờ hồ, có những đèn xe ô tô ẩn hiện trong các lùm cây. Một món quà Ba cho tôi, quý lắm, tôi còn giữ rất lâu khi đã vào miền Nam, đó là cây viết cán bằng nhựa, trên cán có chỗ nhô hẳn ra, lộng vào đó là hình chiếc cầu rất nổi tiếng, cầu Long Biên. Nếu để đúng tầm nhìn, cây cầu sẽ hiện ra rõ ràng, như thật. Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ được về Hà Nội.

Ở Hà nội một thời gian ngắn, Ba tôi đưa cả đại gia đình đi Hải Phòng rồi lên “tàu há mồm” cập bến Nha Trang. Ba mẹ tôi đi Hội An còn tôi theo Nội và Bà Cô vào định cư ở Tuy Hòa từ đấy.

Tôi còn quá nhỏ để hiểu được những mất mát khi phải bỏ quê hương ra đi, hay những sợ hãi trốn tránh cả hai bên Việt Minh và Tây, nhưng quá quen thuộc với những chuyến đi bất chợt, vỗi vã trong đêm tối. Tôi đã có thể đi một mình trong đêm hằng vài cây số trên những con đường quê hẻo lánh không hề sợ hãi.

&&&

Trong biến cố di tản miền Trung thời 75, Ba Mẹ tôi may mắn thoát được về Saigon yên ổn, ở chung nhà Bà Cô. Sau khi ra tù, tôi trở về Tuy Hòa một thời gian ngắn, rồi đoàn tụ với gia đình ở Saigon.

Đời sống lúc đó thật ngột ngạt, phập phồng,  vất vả. Từng bước chân, từng cánh tay cử động cũng có những con mắt theo dõi. Trong nhà phải nói chuyện thì thầm với nhau tưởng như trong vách kia có cả trăm lỗ tai đang nghe ngóng. Những bữa ăn vội vã, một mắt nhìn vào bàn ăn còn mắt kia phải canh chừng ngoài cửa, công an khu vực có thể vào nhà bất cứ lúc nào để dòm ngó kiểm soát, hạch sách. Họ  đi từ trước ra sau nhà không cần hỏi han một tiếng. Tôi chưa từng tưởng tượng ra được có một ngày mình phải ở trong một hoàn cảnh như thế và cũng chưa từng đọc được trong sách vở có một thiên đường hạnh phúc như thế trên thế gian này. Người miền Nam đã được “giải phóng” và sống một cuộc đời hết sức “tự do, hạnh phúc”, cho nên cũng dễ hiểu, nếu cái cột đèn có chân cũng muốn bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy.

Tôi không thể sống trên quê hương giữa những người cùng máu mủ đồng bào mà lòng đầy hận thù chia rẽ. Cuộc sống thật sự không có ngày mai cho những người bị gọi là “Ngụy”.

Sau hai lần vượt biên thất bại, cuối cùng tôi cũng đến được Pulau Bidong Mã Lai trên con thuyền bé tí teo, cùng với mấy chục con ma đói, rách rưới, hôi hám, bẩn thỉu, không còn đủ sức lết ra khỏi thuyền.

Thuyền nhân trên đảo tương đối được tự do sắp sếp đời sống của mình với những phương tiện tự túc, có nghĩa là vào rừng đốn cây để dựng chòi, nhặt nhạnh cái gì còn sài được của những người vừa rời trại.
Mình “được” làm chủ chính bản thân không còn sợ ai dòm ngó kềm kẹp nữa. Cuộc sống thường nhật là những khắc khoải chờ đợi để được phỏng vấn và đi định cư ở nước thứ ba và mong ngóng tin tức gia đình, người quen.  Có những đêm cả trại chạy ồ ra cầu Jetty đón nhận thuyền nhân mới đến, xem có thân nhân bạn bè của mình không. Chẳng ai muốn hỏi hành trình của họ ra sao, có bị cướp biển hay không, dù có khốn khổ, nguy hiểm, tủi nhục ra sao thì đó cũng chỉ là sự lập lại của chính mình. Hàng ngàn con mắt nhìn đám tân thuyền nhân như nhìn chính mình cách đây chẳng bao lâu, đẫm lệ, thầm thì an ủi “Cám ơn Trời Phật, tất cả những khổ đau chẳng là chi nữa, hãy làm lại từ đầu, miễn sống sót và xa chốn địa ngục trần gian là tốt rồi!”

Có những đêm không ngủ được, Nhớ Uyên, nhớ Nội, nhớ gia đình Ba Mẹ, bạn bè, chiến hữu đã từng cùng vào sanh ra tử, tôi lần lên đồi tôn giáo, cầu nguyện. Nhìn xuống đám nhà thuyền nhân dưới kia, những cái được gọi là nhà đó chỉ là mấy nhánh cây rừng làm cột, lợp tôn mỏng, thùng giấy hoặc lá dừa. Hàng chục ngàn con tim đang thổn thức trong đó, có những người cố dỗ giấc ngủ như tôi, có những người đang khóc thầm vì mất vợ, mất chồng, mất con, mất cha mẹ, anh em. Có những người đang tự trách mình vì đã bỏ rơi bạn bè, chiến hữu trong lúc thập tử nhất sinh. Họ đang cố gắng quên đi những tủi nhục một đời, tù đày, ức hiếp, hăm dọa, đánh đập, chiếm đoạt tài sản, rồi bị săn đuổi như một loài thú hoang, còn chịu nạn hải tặc, cưỡng hiếp... Ngoài biển mênh mông kia, biết bao nhiêu oan hồn còn vất vưởng vì nỗi oan khiên chưa được giải, chưa biết tỏ cùng ai, không nỡ mang xuống tuyền đài. Biết đâu có Uyên trong đó.

Tim tôi quặn đau, nghẹt thở. Tôi cầu xin Trời Phật dù thế nào cũng dẫn em qua cầu khổ đau, tôi khấn nguyện ơn trên hãy mở tay cứu giúp các linh hồn còn vất vưởng ngoài biển khơi được về cõi vĩnh hằng. Tôi miên man nghĩ từng giả thiết về em, đã chết trên đường vượt biên ư? Không, không thể được, em là thiên thần có Chư Thiên phò hộ, không thể chết được. Cũng có thể em còn ở Việt Nam hay đã đến một trong những trại tỵ nạn nào đó, hoặc biết đâu, đã đến được bến bờ tự do. Tôi an ủi mình, có thể lắm chứ, em là Thiên Thần mà! Tôi điên rồi.

Cơn điên cứ miên man như thế trong nhiều giấc mơ, theo tôi vượt biển Đông, về tận Tuy Hòa, leo qua những đồi cát bên dòng sông tuổi nhỏ. Tôi thấy Uyên và tôi đang đùa giỡn bên nhau, rượt đuổi mấy con kỳ nhông, hay công kênh em trên vai để hái hoa keo hoặc vờ làm bẫy để bắt mấy con chim chiền chiện cho em. Tôi nghe tiếng em cười, tiếng em nhõng nhẽo đòi ăn kẹo bột. Tôi còn nước mắt để khóc không? Nhưng nghe nghèn nghẹn trong tim rồi rơi vào giấc ngủ mê. Tôi thấy em đang chơi vơi giữa đại dương, hai tay dơ lên giữa những cơn sóng phủ đầu. Tiếng kêu cứu của em bị át bởi tiếng gầm gừ của đại dương; “Anh Hai, cứu em, cứu em, cứu em…” Tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm, đầu hâm hấp nóng. Trời đã khuya, tôi đọc kinh và thầm cầu nguyện cho em. Bầu trời trong vắt đầy sao, có lẽ em đã là một vì sao lấp lánh trên kia. Tôi lặng lẽ trở về căn chòi lá mà lòng đầy nghi hoặc. Em đang ở đâu?

“Pulau Bidong có list thì dông” Tôi học được trên đảo như vậy và dông lẹ, bỏ lại bao nhiêu hệ lụy buồn vui, khắc khoải đời thuyền nhân. Từ giã những cặp tình nhân bất đắc dĩ với những mối tình vá víu tạm bợ.

Đầu thập niên 80, tôi đặt chân lên đất Mỹ, làm lại cuộc đời từ con số không. Kể như vẫn còn may mắn. Đời tôi luôn luôn gặp may mắn, tôi tin như vậy, cho nên tôi vẫn để ý tìm Uyên khắp nơi. Đi dự họp mặt của các hội đoàn đồng hương, cựu quân nhân, các hội cựu học sinh, sinh viên …

Tôi định cư tại thành phố Austin, thủ phủ của Texas. Ban đầu được một nhà thờ Công Giáo đỡ đầu do hội thiện nguyện USCC giới thiệu. Một người trong nhà thờ giúp tôi kiếm được việc làm trong kho hàng của siêu thị, việc làm bán thời gian ban đêm. Công việc tuy cực nhọc nhưng cũng chẳng thấm thía gì so với những tháng ngày còn lêu bêu bên Việt Nam. Austin có một trường đại học rất nổi tiếng, đó là trường UT to lớn vĩ đại.

Sau khi thi lấy bằng tương đương trung học, mấy người nhà thờ giúp tôi điền đơn xin học bổng và ghi danh học ở đó, có cả một ông counselor của trường cũng trong hội nhà thờ giúp tôi từng bước. Thật là mủi lòng, những người không cùng máu mủ với mình thì hết lòng giúp đỡ, còn đồng bào ruột thịt của mình thì xua đuổi mình như con chó dại. Vui mừng hết sức, thế là bao nhiêu năm bỏ quên sách vở lại được sờ mó, ôm ấp, hít thở mùi giấy mực. Thong dong một mình, không còn lo chiến tranh, trốn tránh, bắt bớ, tù đày nữa. Tôi lại sách, đèn như xưa, lòng đầy hân hoan của một cậu bé mới lớn.

Nhiều năm qua đi. Ra trường rồi đi làm. Một hôm, theo người bạn cùng sở bay về Cali tham dự buổi họp mặt của một Hội Đồng Hương, tôi đã gặp lại Uyên!

Chúng tôi ôm nhau giữa đám đông khóc mùi mẫn, khóc thoải mái, khóc tự nhiên, khóc thật to cho mọi người cùng khóc. Trong đám đông đồng hương này có biết bao nhiêu người cũng đã từng khóc như chúng tôi. Khóc để trôi đi bao điều còn giữ kỹ trong lòng, không nói ra được. Khóc để nói với mọi người rằng chúng tôi đã tìm thấy báu vật đánh mất bao nhiêu năm trời.

Khóc đã đời, chúng tôi buông nhau ra. Nhìn mặt Uyên son phấn tèm lem như thời bé bỏng nghịch đất cát, tôi bật cười. Em hỏi sao tôi cười. Tôi nói tôi đã tìm lại được tuổi thơ của chúng ta, tôi vui lắm. Em muốn kể cho tôi nghe những gian truân, gia đình tan nát, đổ vỡ, chết chóc, nhưng tôi không muốn nghe. Tôi tìm thấy em là đủ rồi, những cái khác hãy quên đi, quên đi, quên đi…

Cám ơn các hội đoàn người Việt tại Hải Ngoại bao năm qua vẫn không ngừng sinh hoạt, tạo ra biết bao họp mặt đầy ý nghĩa, cho những đồng hương lưu lạc có cơ hội gặp gỡ tìm lại được nhau.

Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9