VIẾT VỀ MẸ
Tôi có hai người mẹ. Người mẹ lớn tôi gọi là “Mợ” và mẹ ruột sinh ra tôi thì tôi gọi là “Má”.
Mợ tôi là con một ông thầy đồ dạy chữ Nho ở cuối thời Nho học. Nên mợ tôi biết vừa chữ nho vừa chữ quốc ngữ.
Nhà tôi thuộc diện hiếm con. Đời cố thì tôi có hai ông cố, ông cố ruột của tôi là ông cố em.
Đời ông thì ông nội tôi là trai duy nhất với một người em gái. Đến đời ba tôi, thì chỉ đơn độc có một mình ba tôi, không em trai gái nào cả.
Mợ tôi người ốm yếu, dịu dàng và mảnh mai vì bà vốn là một tiểu thư đài các.
Mợ tôi về thì chỉ sanh và nuôi được chỉ người chị cả của tôi thôi. Còn có vài kỳ sinh khác không biết trước hay sau thì đều không nuôi được. Ở thời đó chưa phát minh ra thuốc trụ sinh nên con người phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Nên không mấy nhiều trẻ con nuôi được đến tuổi trưởng thành.
Là con ông Đồ và có học chữ nho nên mợ tôi rất biết câu “bất hiếu hữu tam, vô hậu nhi đại”, tức có ba điều bất hiếu mà việc không con nối dỏi là cái bất hiếu lớn nhất.
Nên chính mợ tôi xin phép ông bà nội rồi nhờ mai mối tìm cưới vợ hai cho chồng.
Bà nội kể lại là chính mợ tôi đội khăn đống, bưng quả đi rước dâu để cưới má tôi về.
Má tôi là con một nhà trung nông. Đã sớm có một đời chồng. Nhưng chồng chết không con nên trở về ở với cha mẹ ruột. Có lẽ vì thế nên mới chấp nhận làm lẻ mọn.
Má tôi là người lao động. Trong gia đình con gái không được đi học, nên má tôi dốt chữ.
Nhưng má tôi rất mẩn cán, siêng năng gánh vác mọi việc trong nhà và có trí nhớ rất tốt lại thêm rất khéo tay nấu nướng.
Tôi thấy vài lần ông nội tôi kêu má tôi lên, giải thích tỉ mỉ về món ăn ngon nào đó mà ông vừa ăn nơi nhà bạn và bảo má tôi làm thử để lần sau làm đải khách. Vì ông nội là hương cả trong ban hội tề làng.
Mấy ông nầy luôn mời nhau những khi nhà có tiệc tùng như đám giỗ hay cưới hỏi. Và ai cũng cố gắng để không thua kém nhau trong sự đãi tiệc cho các bạn mình.
Ông nội tôi rất giàu nhờ có một thời gian lúa có giá rất cao, khoảng 1 đồng một giạ. Chỉ đến năm sinh tôi ra là lúc có khủng hoảng kinh tế thế giới nên giá mới tuột xuống chỉ còn trên/dưới 1 cắc một giạ.
Ở thời kỳ Nhật lật đỗ Pháp, ông nội cho chúng tôi học chữ nho. Trong lúc tôi đang ê a học bài, thì mợ tôi đi ngang, nghe tôi đọc sai nên ngoắt tay bảo tôi đưa cuốn tập và chỉ cách đọc cho con chữ trước đó bị tôi đọc không đúng.
Theo sách vở thì thú tiêu khiển của các sĩ tử thời ấy là : cầm kỳ thi họa, tức đánh đàn, đánh cờ tướng, làm thơ, và hội họa. Không hiểu bộ tứ tuyệt đó mợ tôi đã học đến bực nào. Nhưng có một hôm tôi đấu cờ tướng với anh cả tôi. Lúc tôi đang thắng thế rung đùi nói phét, thì mợ tôi đi ngang qua, thấy thằng nhỏ đang làm phách, còn thằng lớn thì đang nhìn bàn cờ nói gượng với em là “ăn thua gì mậy !” nhưng có vẽ lúng túng chưa tìm ra nước gỡ. Mợ tôi ghé mắt xem rồi đưa ngón tay chỉ cho anh tôi một nước, thế là giải tỏa được mọi áp lực của tôi.
Tôi tức mợ lắm, nhưng cũng rất thầm phục nước cờ cao của mợ vì trước đó tôi cho rằng cuộc diện rất khó gỡ cho anh tôi.
Mợ tôi là người theo phật. Nhưng chị cả tôi, con gái ruột và duy nhất của mợ, thì vì trước học trường Nhà Trắng nên mấy bà sơ lôi cuốn chị vào đạo chúa. Mợ tôi thường lo buồn về việc nhang khói cho mợ sau nầy.
Tôi thương mợ tôi lắm. Nhất là sau khi nghe bà nội kể lại rằng có một hôm má tôi đánh dạy em gái tôi nhiều quá khiến nó quính quáng khóc rất to. Mợ ở trên nhà trên nóng ruột và giận lắm nên bước xuống rầy má tôi sao đánh mạnh tay thế. Mợ nói bộ má nó tưởng là má nó đẻ rồi muốn đánh chết nó cũng được hay sao ? Tụi nó là con của tôi đó, tôi mà không cưới má nó về thì làm sao có tụi nó ! Câu nói nầy làm tôi càng quý trọng thương yêu mợ và cả đời tôi sẽ không bao giờ quên.
Má tôi thì bận rộn nhiều việc lao động chân tay cho gia đình, không có thời giờ để cưng chiều con cái. Nên gặp lúc em tôi sái quấy thì vừa đánh vừa dạy dỗ. Má tôi lại cũng rất kính yêu và luôn nghe lời mợ tôi.
Má tôi làm đủ thứ việc như người đàn ông. Lúc thì cuốc đất lên giồng trồng khoai củ, lúc thì gánh nước tưới cây quanh nhà và nhất là cái vườn trầu của bà nội và 30 chậu kiểng của ông nội.
Những tình tiết trên mở đầu cho bài thơ MẸ TÔI dưới đây:
MẸ TÔI
Mẹ chân không, bờ ao múc nước
Gánh oằn vai, tưới kiểng nhà ông
Nhà Nội : vườn sau xa cổng trước
Trầu xanh, hoa thắm, mẹ môi hồng.
Khi vườn nhà có nhiều hoa quả ăn không hết, thì má đem ra chợ bán.
Một tháng đôi lần có chợ đông
Mẹ tôi đi chợ bán hàng bông
Tiền trao bà nội, bà cho lại
Phải cách nàng dâu, cách mẹ chồng.
Rồi thì vì lúc đó trong làng chưa có nhà máy xay lúa, nên nhà phải tự xay lúa, giả gạo để ăn thường ngày. Gần đám giỗ thì phải lo xay bột để làm bánh ích. Nên má tôi luôn có nhiều việc phải làm mỗi ngày.
Ở thời đó sống dưới quê như gia đình ông nội tôi, thì hầu hết mọi việc đều tự mình làm hết : cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, đạp lúa, xay lúa, quạt lúa, giả gạo v.v. để có miếng cơm ăn.
Trong những công việc đồng áng nêu trên, xin giải thích thêm :
Cày ruộng, gieo mạ thì tự người nhà mình làm lấy, họa hoằn mới phải mượn người khác làm thay.
Cấy lúa, gặt lúa thì cần có nhiều người nên phải thuê hoặc mượn làm vần công (nay họ làm cho mình, mai kia mình làm lại cho họ).
đạp lúa là cho trâu hay bò đi vòng vòng đạp lên mớ bông lúa gặt về trải ra trên sân cho các hạt lúa rụng ra. Ở nhà quê thì lúc đó đâu có sân xi măng. Sân đạp lúa là sân đất bên trên được tráng lên một lớp dày phân trâu hoặc phân bò đã quậy nhuyễn ra. Sau khi khô mặt sân sẽ có một lớp võ chắc chắn ngăn cách với lớp đất cát ở phía dưới. Nên khi đạp lúa thì trên mặt sân chỉ có các hạt lúa và rơm không bị đất cát lẩn vào.
Còn quạt lúa là sau khi xay với cối xay thô thiển của nhà nông, thì hạt lúa tróc vỏ ra thành gạo và trấu. Nên phải cho vào một cái máy quạt do tay người điều khiển thổi trấu ra ngoài để chỉ lấy gạo. Và gạo nầy là gạo lức, phải cho vào cối giả để có gạo trắng và cám.
Về sau làng có 2 nhà máy xay lúa tối tân. Nhận lúa vào rồi cho ra gạo, tấm, cám riêng.
Nhà có 2 người thường trực giúp việc : một người là chị họ tôi, trước là vú em của tôi. Và một người cháu trai của bà nội mà má tôi nuôi như con nuôi. Những người nầy giúp má tôi rất đắc lực trong mọi việc trong nhà.
Thỉnh thoảng lại có thêm một nông dân trai tráng đến trả công phụ giúp. Vì lúc đó hợp đồng thuê ruộng, viết tay trên giấy, thông thường quy định mỗi năm phải đong cho chủ ruộng bao nhiêu giạ lúa và làm mấy ngày làm công.
Dù những việc ấy luôn có người phụ giúp nhưng Má tôi không phải chỉ chỉ tay ra lệnh mà má luôn tham gia làm đủ cả. Má phải xốc xáo đi trước, làm trước, làm nhiều, làm hăng hái để lôi cuốn những người khác làm theo.
Nhà ông nội thì lại quá to, rộng đến 9 gian. Ngày thường thì mấy gian ở hai bên đều đóng cửa, chỉ mở có một gian gần khoảng giữa để ra vào. Trước nhà có một sân lớn tráng xi măng. Lớn rộng đến mức trước đó có một thời gian mấy ông thầy giáo xin phép dùng làm sân tơ nít (tennis).
Lúc tôi lớn biết thì sân đã bị nức nẻ nhiều chỗ nên không còn chơi được. Nhưng những làn kẻ để đánh tơ nít thì vẫn còn thấy rõ.
Nền nhà thì cao đến ngang ngực người lớn. Chung quanh lát gạch đá xanh hình lục giác. Từ mặt tiền nhà quanh xuống đến giữa hông nhà thì mặt đá được mài phẳng. Từ giữa hông nhà ra phía sau thì cũng là đá xanh lục giác nhưng mặt còn hơi gồ ghề.
Mặt tiền nhà thì có hai cái cầu thang đi xuống sân, mỗi cái ở một đầu sân. Thông thường thì gọi đó là cái tam cấp vì chỉ có ba bậc. Nhưng vì nền nhà tôi khá cao nên có tất cả là 9 bậc. Và mỗi bậc cũng còn hơi cao đối với bước chân của trẻ con. Nếu làm thành 10 bậc thì dễ đi hơn. Nhưng có lẽ ông nội chỉ làm 9 bậc là vì muốn cho nó ứng vào các thành ngữ “chín bệ, cửu trùng” của vua chúa chăng ? Mỗi bên hông nhà thì có một tam cấp nhỏ. Sau nhà thì có một tam cấp rộng tỏa ra hai bên xuống vườn.
Cái nhà nầy phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Vì trên nóc có gắn số năm 1925 còn trên khung cửa từ nhà khách vào nhà trong thì có cẩn xa cừ số năm là 1927.
Khi nhà có giỗ thì ngoài sân phải nhổ sạch cỏ mọc trên các kẻ nức, trong nhà phải chùi lau nền gạch bông, đánh bóng các cây cột gỗ căm xe to gần một ôm của người lớn.
Nên có khá nhiều việc. Và mỗi năm có 3 đám giỗ to đãi khách 2 buổi và 3 đám giỗ nhỏ chỉ đãi một buổi.
Đám giỗ to thì có giết bò mỗ lợn. Giỗ nhỏ thì không có bò. Gà vịt thì giỗ nào cũng có. Làm bếp thì các bà các cô trong xóm và bà con tới chia nhau làm giúp má tôi. Đây là dịp mà các cô trổ tài khéo léo, giỏi dang. Cũng có trường hợp các cô gái trẻ đẹp khéo léo được người lớn để ý và sau đó làm mai mối cho con cháu trai nhà mình. Lề lối sống ở nhà quê lúc đó là vậy.
Mới giỗ vừa xong, nhà lại giỗ
Họ hàng giềng xóm tựu chen đông
Vật bò mổ lợn ngoài sân cỏ
Mẹ hết lo ngoài, đến chạy trong.
Việc bếp núc thì Má tôi đóng vai chính nên hết bên trong réo lại đến bên ngoài kêu, để hỏi sự sắp đặt của má tôi.
Còn về việc may vá thì Má luôn có việc làm thường trực, hết đơm nút đến vá các lổ rách cho quần áo của các con.
Thời đó Nhật đảo chính Tây, thế giới đang trong đệ nhị thế chiến nên đồ dùng nhập cảng rất hiếm. Không có vải dệt máy, chỉ có vải ta. Muốn có màu đen thì có khi chỉ đem vải nhuộm bùn, khỏi đem thợ nhuộm đở tốn tiền. Và thông thường thì lúc đó chỉ mặc đồ đen cho đở tốn xà phòng.
Sau khi cả lớp đều thi đậu Sơ Học, thầy tôi bảo ngày mai sẽ dẫn cả lớp đạp xe đạp dạo chơi. Thầy dặn phải mặc quần đen áo trắng.
Tôi thì lại không còn cái áo trắng nào.
Về nhà nói lại thì má tôi cũng quở rầy vài tiếng, rồi đêm đó sau những việc bận rộn trong ngày, má ngồi may cho tôi một cái áo mới, với cái máy may quây tay của má.
Sáng ra tôi vừa sửa soạn ra đi thì má tôi kêu lại, tay cầm chiếc áo mới may xong, giủ mạnh cho sạch các đoạn chỉ thừa mới vừa bị cắt đứt. Thế là tôi cũng có một cái áo trắng, lại là áo mới, để đi chơi cùng thầy bạn hôm đó.
Thi đậu xong, thầy hẹn sáng mai
Quần đen áo trắng dẫn đi chơi
Con không áo trắng nên đêm ấy
Thức trắng đêm dài, mẹ cắt may.
Khi lớn lên tôi đi học nội trú ở trong trường Collège de My Tho, tức trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu ngày nay. Khi nghỉ lễ được về thì sự vui mừng han hỏi ưu tiên là của ông bà nội.
Má tôi chỉ ngồi xổm ở giữa sân khấu chờ. Sau đó má ngoắt tôi ra, ôm tôi và hỏi việc nọ việc kia.
Trẻ lớn lên rồi trẻ lại đi
Mấy năm đèn sách, mấy chia phôi
Vườn sau ve gọi vang thôi thúc
Mong chóng hè sang, trẻ chóng về.
Lúc đó thì tôi được bà nội cưng chiều nên hư lắm. Nên chỉ đứng cho má ôm mà không ôm lại má. Vả lại tôi nhớ lúc nhỏ cỡ ba bốn tuổi, lúc đó má đã có thêm bé gái, nhiều lúc cũng ghiền muốn ôm má nhưng bị rầy không cho nên đã quen sự nhịn thèm đó rồi. Bây giờ nhớ lại rất muốn ôm được má nhưng đâu còn được nữa.
Tôi không biết anh cả tôi được cưng đến mức nào. Nhưng anh kế tôi và tôi thì ông bà nội bắt đem lên nhà trên, tôi ngủ với bà nội, anh tư tôi ngủ với ông nội. Chỉ chừa 3 đứa em gái cho má tôi.
Ðâu đây giờ gõ sang canh một
Mẹ đến bên em nựng vội vàng
Nó ngủ sau khi mòn mỏi khóc
Hôm nào cũng vậy đã thành quen.
Ðương buổi xuân thì, mẹ đảm đang
Thương chồng, vai nặng gánh giang-san
Ơn Trời cho rộng đường mai hậu
Nhà rộn vui : con một cháu đàn.
Lớn lên tôi đi làm, lúc ở nước ngoài may mắn được lương cao nên tôi luôn gởi về cho má tôi. Tiền thì trao cho anh cả tôi để anh từ từ đưa lại cho má, vì có lần má đi xe ngựa bị người ta móc túi lấy hết tiền. Tôi định cho mẹ tôi nhiều tiền để bà cho lại các con nào túng thiếu cho đẹp tình mẹ con.
Nhưng chị dâu tôi, nắm giữ tiền, lại không để cho má tôi thực hiện chủ ý đó nên má tôi buồn phiền với em tôi. Em tôi cho hay nên từ đó tôi không gởi tiền về cho ông anh cả tôi nữa mà gởi cho con em út.
Nhớ lại trước khi đi nước ngoài, lá số Tử Vi cho biết là năm ấy tôi có đại tang. Tôi có dắt thằng con đến thăm má và cũng có nói cho má nghe điều ấy. Má nói con nên lo cho tương lai của con của con. Chứ nếu con ở lại, khi má đi thì con cũng đâu níu lại được.
Được má cho phép nên tôi tìm cách ra đi nước ngoài.
Nhưng lúc đó chính quyền Thiệu bế môn tỏa cảng không cho dân xuất ngoại, có lẽ để khỏi cấp ngoại tệ, để các ông nuốt trọn số tiền đô viện trợ của Mỹ. May sao có một chiếc tàu ở HongKong qua Saigon, nhưng thằng radio kém quá không liên lạc được với đài truyền tin trên bờ. Tàu phải cho canot chạy vào bờ xin phép. Thằng radio bị thuyền trường bộp tay nên lấy máy bay trở về Hong Kong. Tôi thì có bằng thông tin vô tuyến quốc tế hạng hai cho tàu thủy viễn dương.
Nhờ vậy nên tôi được tuyển lên tàu ấy làm việc và theo tàu xuất ngoại.
Sau đó khi có dịp tàu ghé Bangkok, tôi đến Tòa Lãnh Sự VN xin tái hiệu lực cái hộ chiếu đã hết hiệu lực. Được thực hiện nên tôi lấy phi cơ trở về thăm nhà.
Và sau khi về thăm nhà trở ra, tôi không trở lại tàu HongKong mà bay sang Nouméa.
Vì trước đó tôi có dịp được đi công tác ở Nouméa, đảo New Caledonia. Lúc đó tại đây đang hồi đắt hàng bán quặng mỏ Nickel cho Nhật. Mọi người gọi lúc đó là cái “boum nickel”. Trên đảo có nhiều quặng mỏ nickel nằm ngay trên mặt đất. Có vài nơi chỉ số chứa nickel lại quá cao hơn mức nhà nước qui định cho xuất khẩu nên phải pha trộn với đất thường để hạ chỉ số xuống đúng mức cho phép. Nouméa lúc đó rất dễ kiếm tiền vì công việc nhiều lại thêm có nhiều sự giúp đở. Người có bằng lái xe tải chỉ cần có 1/3 vốn là ngân hàng sẽ cho vay thêm 2/3 để mua xe tải chở nickel. Công việc rất đơn giản, chỉ cần lái xe đến phía dưới của bồn chứa trên cao. Quặng nickel sẽ được trút xuống đầy xe.
Tài xế lái xe đến bãi chứa của lò luyện kim cách đó khoảng 15 c/s, nhận nút để nghiêng ben trút nickel xuống đất. Lúc quay trở ra sẽ nhận được một phiếu tiền. Gặp lúc xe hỏng giữa đường thì vẫn có thể trút bỏ số quặng nickel đó bất cứ ở đâu trên lề đường, không bị tội phạt đền bù gì cả, chỉ không có tiền cho chuyến ấy thôi.
Thông thường mỗi tài xế chạy được 24 chuyến mỗi ngày. Nhưng những người siêng có thể chạy đến 30, 32 chuyến mỗi ngày. Nên chỉ cần khoảng 6 tháng là trả được dứt nợ mua xe cho ngân hàng.
Do đó nên lúc rời tàu Hong Kong về thăm nhà tôi đã học và thi lấy được bằng lái xe tải.
Nhưng không may là lúc tôi trở qua Nouméa thì việc bán Nickel cho Nhật bị xứ Nam Dương cạnh tranh. Xứ nầy lại ở gần Nhật hơn Nouméa, nên sự khai thác nickel ở Nouméa chậm lại, nhiều người trong nghề bị thất nghiệp.
Nhờ sẳn có bằng vô tuyến truyền tin quốc tế nên tôi tìm được việc làm trên tàu của hãng Nickel.
Lúc đó các tàu còn dùng cách truyền tin bằng các tín hiệu Morse. Độ mươi năm sau thì kỹ thuật truyền thông tiến bộ xa, cho phép dùng lời nói giao tiếp với nhau dễ dàng. Nên mọi nơi đều dẹp bỏ sự xử dụng tín hiệu Morse.
Chế độ hàng hải của Pháp rất là rộng rải với người thủy thủ : làm việc 4 tháng trên tàu thì được 2 tháng nghỉ phép. Vì họ xét rằng khi lên tàu ra khơi thì dù hết phiên làm việc 8 tiếng, vẫn phải ở luôn ngày đêm 24/24 trên tàu, không có cơ hội nhảy dù về thăm nhà.
Trong những lần 2 tháng nghỉ phép tôi lại tìm ra việc làm trên bộ về nghề sửa chửa máy radio.
Có công ăn việc làm và nhà cửa vững vàng tôi háo hức muốn về quê nhà thăm mẹ. Lúc đó có rất nhiều người Việt gốc Bắc hay đi đi về về giữa Hà Nội và Nouméa. Thời gian nầy nước Việt còn chia ra hai miền Nam Bắc với hai chế độ, hai chủ quyền khác nhau.
Ít lâu sau thì Cách Mạng thành công, thống nhất 2 miền Nam Bắc. Tôi nhớ lúc đó báo chí ngoại quốc có khen rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam là cởi mở nhất.
Vị sau khi Cách Mạng thành công họ cho ngay Việt kiều về nước thăm họ hàng. Còn chính quyền cộng sản Trung quốc thì phải 30 năm sau mới cho như vậy.
Nhưng ba bốn lần tôi gởi đơn cho tòa Đại Sứ Việt Nam ở Pháp xin phép về thăm nhà vẫn không được hồi âm.
Năm tháng qua dần tóc mẹ phai
Môi hồng nay đỏ với trầu cay
Ðàn con : năm đứa còn quanh đó
Một đứa, sao đi chẳng thấy về !
Nhớ thuở con say mộng hải hồ
Cúi đầu nghe dạy, mẹ khuyên cho
Ngàn khơi dâu bể giờ ngăn cách
Sóng cuộn lòng son, mắt lệ mờ
Nên tôi chưa về được thì má qua đời trong sự mong đợi gặp lại thằng con đi hoang. Các em tôi kể lại là có nhiều lúc đang đêm nghe xe hơi chạy đến ngừng lại trước nhà, má ngồi choàng dậy tường là tôi về tới.
Ðợi mãi con không về với mẹ
Lá vàng buông rụng bỏ cành non
Tim già mỏi nhịp đong nhung nhớ
Môi nghẹn lời thương, mắt nghẹn nhìn.
Khi có dịp sang Pháp lo cho thằng con đang học ở Orléans, tôi đến tòa Đại Sứ Việt Nam hỏi lại, thì người thư ký bảo rằng đã mấy lần hồi đáp mà tại tôi không gởi hộ chiếu đến để cấp chiếu khán. Sự thật là cấp trên có chấp thuận, nhưng vì tôi không có gởi kèm theo tiền, nên thơ chấp thuận không được gởi đến tôi. Sau đó những người bạn ở Nouméa cho biết là khi làm đơn xin về như vậy, nên gởi kèm theo một tờ 20 đô Úc. Việc gởi tiền mặt theo thơ là trái luật bưu điện. Nhưng phải làm như vậy thì mới có được thơ hồi âm và chiếu khán để về thăm quê Việt.
Tôi tức mình chỉ vì mình tuân thủ nghiêm nhặt luật lệ mà gặp sự bế tắc vô lý, khiến không có cơ hội về thăm lại mẹ già. Coi như lá số Tử Vi ứng nghiệm một cách khác. Vì ngày tôi từ biệt mẹ để đi nước ngoài thì lá số bảo rằng năm đó có đại tang. Nhưng má tôi và ông nhạc gia của tôi năm ấy đều còn khỏe mạnh lắm, nên không có đại tang nào xảy ra. Chỉ có việc là năm đó tôi từ biệt họ để ra đi cũng là lần gặp nhau cuối cùng. Sau đó không còn gặp lại nhau nữa. Ngày giả từ đó cũng là ngày vĩnh biệt.
Thôi hết ... từ nay vĩnh-biệt rồi !
Dương-trần, âm cảnh đã chia tay.
Còn đâu mộng ước về thăm lại,
Ôm mẹ, hôn đôi má lệ đầy.
Ôi kiếp phù sinh chốn bụi mờ
Khí thiêng trời đất tạo nên cho
Khí thiêng trời đất giờ thu lại
Qua bể trầm-luân đã đến bờ.
Bên đỉnh trầm hương nghi-ngút khói
Nhà sao vắng mẹ quá đìu hiu
Chiều nay mưa muộn ran trên ngói
Rào rạt từng cơn, nhớ mẹ nhiều.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Bên kia trần thế khó trông theo
Cầu xin Thượng-đế ban ơn phước
Cho trẻ theo cùng mẹ kiếp sau.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Trong lời kinh tiếng mõ dâng cao
"Nam-mô Quan-thế-âm bồ tát"
Dưới bóng từ-bi mẹ khấn cầu.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Kẻ tiên người tục khó theo nhau
Con xin nối tiếp đời du-tử
Hết kiếp con về với mẹ sau.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Nối vòng tay trẻ dặn thương nhau
Tang-điền dẩu biến thành thương-hải
Hình mẹ trong tim chẳng nhạt màu.
Võ Nhựt Ngộ (Nouméa 1985)
Như trên đã nói, mẹ tôi dốt không biết chữ. Nên từ nhỏ tôi hằng ao ước mẹ tôi gặp dịp học biết chữ. Lúc có phong trào tổ chức các lớp Bình Dân Học Vụ để dạy người lớn tuổi học chữ thì tôi xúi mẹ tôi đi dự. Nhưng mẹ chỉ cười lắc đầu.
Thế rồi có một hôm, đây là hoàn toàn sự thật, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi ăn mặc sang trọng, đang ngồi trên bộ ván nhà trên của bà nội, cùng với các cô tôi, nói năng đối đáp uyên bác hoàn toàn là một người có học. Tôi sung sướng quá và đi lần ra nhà sau định ra vườn.
Nhưng khi ra đến sau hè thì tôi thấy trên cái chỏng dựa vách hè, có người mẹ quê dốt của tôi đang ngồi ngó mông ra ngoài. Tôi khựng lại ngạc nhiên sao mới thấy một má thông thái ở trên kia, mà giờ lại còn thêm một má quê dốt ngồi đây ? Nhưng rồi quyết định đến với tôi tức thì : má của tôi chính là bà nhà quê dốt chữ nầy. Bà thông thái trên kia chỉ là ai đó giống má tôi mà thôi.
Và từ đó tôi không còn băn khoăn về việc dốt chữ của má tôi nữa. Vì phải là một bà nhà quê dốt chữ mới đúng là má của tôi.
Cám ơn quý anh chị đã vui lòng đọc hết đến đây.
Và sau đây là ghi lại toàn bộ bài thơ MẸ TÔI :
Vào cuối năm 1974, xã-hội Việt-Nam thối nát vì nạn cường quyền, phe đảng tham nhũng lộng hành, con tạm biệt mẹ để ra đi nước ngoài mong xây dựng tương-lai. Ngờ đâu sự nghiệp không thành và tạm biệt đó cũng là vĩnh biệt ! Nên xin ghi lại mấy giòng kỹ-niệm nầy để suốt đời nhớ thương mẹ.
MẸ TÔI
Mẹ chân không, bờ ao múc nước
Gánh oằn vai, tưới kiển nhà ông
Nhà Nội : vườn sau xa cổng trước
Trầu xanh, hoa thắm, mẹ môi hồng.
Một tháng đôi lần có chợ đông
Mẹ tôi đi chợ bán hàng bông
Tiền trao bà nội, bà cho lại
Phải cách nàng dâu, cách mẹ chồng.
Mới giỗ vừa xong, nhà lại giỗ
Họ hàng giềng xóm tựu chen đông
Vật bò mổ lợn ngoài sân cỏ
Mẹ hết lo ngoài, đến chạy trong.
Thi đậu xong, thầy hẹn sáng mai
Quần đen áo trắng dẫn đi chơi
Con không áo trắng nên đêm ấy
Thức trắng đêm dài, mẹ cắt may.
Ðâu đây giờ gõ sang canh một
Mẹ đến bên em nựng vội vàng
Nó ngủ sau khi mòn mỏi khóc
Hôm nào cũng vậy đã thành quen.
Ðương buổi xuân thì, mẹ đảm đang
Thương chồng, vai nặng gánh giang-san
Ơn Trời cho rộng đường mai hậu
Nhà rộn vui : con một cháu đàn.
Trẻ lớn lên rồi trẻ lại đi
Mấy năm đèn sách, mấy chia phôi
Vườn sau ve gọi vang thôi thúc
Mong chóng hè sang, trẻ chóng về.
Năm tháng qua dần tóc mẹ phai
Môi hồng nay đỏ với trầu cay
Ðàn con : năm đứa còn quanh đó
Một đứa, sao đi chẳng thấy về !
Nhớ thuở con say mộng hải hồ
Cúi đầu nghe dạy, mẹ khuyên cho
Ngàn khơi dâu bể giờ ngăn cách
Sóng cuộn lòng son, mắt lệ mờ
Ðợi mãi con không về với mẹ
Lá vàng buông rụng bỏ cành non
Tim già mỏi nhịp đong nhung nhớ
Môi nghẹn lời thương, mắt nghẹn nhìn.
Thôi hết ... từ nay vĩnh-biệt rồi !
Dương-trần, âm cảnh đã chia tay.
Còn đâu mộng ước về thăm lại,
Ôm mẹ, hôn đôi má lệ đầy.
Ôi kiếp phù sinh chốn bụi mờ
Khí thiêng trời đất tạo nên cho
Khí thiêng trời đất giờ thu lại
Qua bể trầm-luân đã đến bờ.
Bên đỉnh trầm hương nghi-ngút khói
Nhà sao vắng mẹ quá đìu hiu
Chiều nay mưa muộn ran trên ngói
Rào rạt từng cơn, nhớ mẹ nhiều.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Bên kia trần thế khó trông theo
Cầu xin Thượng-đế ban ơn phước
Cho trẻ theo cùng mẹ kiếp sau.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Trong lời kinh tiếng mõ dâng cao
"Nam-mô Quan-thế-âm bồ tát"
Dưới bóng từ-bi mẹ khấn cầu.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Kẻ tiên người tục khó theo nhau
Con xin nối tiếp đời du-tử
Hết kiếp con về với mẹ sau.
Con biết bây giờ mẹ ở đâu
Nối vòng tay trẻ dặn thương nhau
Tang-điền dẩu biến thành thương-hải
Hình mẹ trong tim chẳng nhạt màu.
Võ Nhựt Ngộ (Nouméa 1985)
Bến Tre ngày 09/06/2013
Võ Nhựt Ngộ