Tản văn
Tản văn CHUYỆN NGƯỜI XƯA Hồi còn bé, anh em chúng tôi đang còn học tiểu học trường làng, được thân phụ tôi kể cho nghe đôi ba chuyện về tình bạn vong niên giữa ông với ông cụ đồ Bống người làng Phú Châu, Phủ Quảng Oai. Tiếng rằng nghe thì nghe, nhưng có hiểu được đáng là bao ý nghĩa của chuyện. Bây giờ trở về già, ở cái tuổi “cổ lai hy”, ngẫm lại mới thấy các cụ thâm thuý- lấy xa để chế gần, lấy chuyện của các cụ để làm gương răn dạy con cháu, còn thấm được đến đâu thì thấm! Làng Gốm Hạc xưa kia có tiếng là đất văn vật và sầm uất “nhất kinh kỳ, nhì Gốm Hạc”, địa thế trên bến dưới thuyền ở vùng ngã ba sông, giao thương thuận tiện. Lại là làng nổi tiếng khoa bảng, một trong những làng nhiều tiến sĩ nhất trong thời kỳ phong kiến. Một lần cụ Đồ Bống rủ phụ thân tôi cùng sang chơi nhà lý trưởng làng Gốm Hạc. Sáng sớm hai người xuống đò bến Vân Sa – La Phẩm, khảm qua ngã ba sông Hạc Trì, gần trưa mới đến nhà lý trưởng. Chủ nhà ra tận ngõ đón khách mời vào. Chắc có hẹn trước, nhà lý trưởng đã nhốt gà đợi sẵn, khách đến là làm cơm. Khách và chủ an toạ, chủ nhà niềm nở chuyện trò hỏi thăm sức khoẻ hai vị khách. Trong lúc vừa pha trà vừa tiếp chuyện khách, còn có ông cụ thân sinh ra lý trưởng ngồi trong mùng ở giường gian bên góp chuyện (cụ bị xấu mắt). Hàn huyên! Nước ngấm! Chủ giót nước vào ba cái chén để trong khay rồi trịnh trọng bưng bằng hai tay vừa mời vừa đặt trước mặt hai vị khách, chén còn lại sau cùng lý trưởng mới bưng để về phần mình và không quên úp chiếc chén còn lại xuống khay! Chuyện trò được chừng nửa tiếng đồng hồ, nhân lúc lý trưởng xuống nhà ngang bảo người nhà làm cơm, ông cụ đồ Bống bấm nhẹ vào vế thân phụ tôi và xua tay ý bảo về. Khi chủ nhà lên, cụ đồ Bống ngỏ lời cáo từ. Chủ nhà cố giữ thế nào thì hai ông khách cũng viện lý do ra về bằng được mà không làm mếch lòng chủ nhà, nhưng cũng thật ái ngại khi thấy mặt vợ lý trưởng cứ tưng hửng. Đi khuất khỏi nhà lý trưởng làng Gốm được một đoạn đường, thân phụ tôi cất tiếng nửa đùa nửa thật: - Cơm gà cá gỏi đến tận miệng rồi chả ở, lại giở ra về, cụ thật cố chấp! Ông cụ đồ Bống xua tay xuống bến và nói: - “Bất kính phụ mẫu, kính tha nhân!” Đến bố nó, nó còn không trọng, nó trọng gì mình. Hắn đon đả đón tiếp tất có âm mưu, hoặc muốn lợi dụng mình làm việc gì không đàng hoàng, những con người ấy không thể chơi được! Thế rồi mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, lặng lẽ xuống thuyền rời làng Gốm Hạc. * * Ba mươi năm sau, khi ở bộ đội về, phụ thân tôi đã già lắm rồi, nhưng vẫn có ý định bảo tôi sắp xếp thời gian đưa cụ một lần trở lại vùng ngã ba sông nơi có ông cụ đồ, bạn vong niên một thuở và thăm lại đất Gốm Hạc trên bến dưới thuyền để nhìn lại cảnh xưa, người cũ.
Lần khứa, mải chạy ăn và lo học hành cho mấy đứa con thành thử không thực hiện được ý nguyện của cụ. Thế rồi, sau một cơn trở gió phụ thân tôi ra đi mãi mãi, cái ước nguyện bình dị của cụ cũng mãi mãi chẳng bao giờ được toại. Ấy là do tôi làm con mà vô tình. Vô tình đến độc ác!
Mãi về sau tôi vẫn cứ trăn trở với món nợ…Nợ công sinh thành, nợ một lần không làm được gì cho người cha gần đất xa trời với ước nguyện nhỏ nhoi , lẽ ra tôi cố gắng thì vẫn có thể thực hiện được!
TÙNG VĂN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.08.2013 22:18:27 bởi tung van >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: