[Tùy bút] Trở lại chùa Xiêm Cán
nguyenvanhien 16.08.2013 18:33:04 (permalink)

 
Rẽ vào đường tỉnh lộ 31, đoạn Bạc Liêu – Vĩnh Châu, đi dọc theo con đường Giồng Nhãn xanh mát chừng 6km, chùa Xiêm Cán - có tên Khmer là Komphisako, Prêk Sh'râu - nghĩa là Sông Sâu dần hiện ra. Xa xa, những tầm cây thốt nốt cao cheo leo với bàn tay lá đến lưng chừng trời, mềm như mây, dẽo như bàn tay thiếu nữ Khmer trong điệu múa Astara huyền bí. Những ngón tay thon dài yên ả ấy xòe ra, kéo những cánh chim mòn mỏi sông dài biển rộng đậu lại lên cành lá, xoa tình mến thương của đất lành để thanh bình đọng hình trong đôi mắt cò tròn biếc, vỗ về mấy hớt hãi lo sống còn để tĩnh lặng gieo thành giấc ngủ, giục sếu gục đầu vào cánh nồng say chấp chới một giấc mơ hiền. Một vệt nắng trời quét qua quầy thốt nốt già chụm đầu, những trái tròn nhỏ hơn quả dừa ngã màu vàng xanh. Chúng treo mình lặng im, níu chặt. Đứng từ dưới gốc, ngữa mặt lên, mở đôi mắt to và nhìn. Các nếp nhăn vỏ xếp chồng lên thành khoảng thân dài. Mỗi nếp một tuổi đời. Mỗi tuổi đời một lắng động của đất, của khí trời, của thiên nhiên thanh tịnh. Trên cao, những tán lá mọc đều quanh ngọn, xòe tròn như nhánh chiếc ô, lợp lên bằng mây xanh vân trắng. 

Bao quanh chùa, trên dãy khuôn viên tường quét nhạt màu vàng, những bức phù điêu in gò nổi hình bánh xe Pháp Luân, hình cổ xe ngựa chở thái tử Tất-đạt-đa trên đường băng băng rời khỏi kinh thành. Trước cổng chính, bức phù điêu chạm một đài hoa sen, dưới chiếc bình, dưới quyển kinh lá buông, dưới một bánh xe Pháp Luân tròn. Đi qua cánh cổng này, chầm chậm bước giữa hàng cây cao vút ta chợt nhận ra điều khác biệt vừa nhuộm lên giác quan. Trong hình cảnh lẳng tịnh này ta không cảm thấy cô đơn mà nhận ra sự tồn tại của chính mình, thấy ta nối với những người đời bằng những sợi dây nghiệp quả. Ta đau khổ triền miên trong những mối liên hệ vì chúng đem đến vui và buồn, si mê và oán hận, những vòng xoay không trật tự, những kết quả không mong muốn cứ kéo đến và ập dồn dập lên nhận thức đến khi nó mệt mõi rã rời. Khi đứng đây, khi mọi mối liên hệ vừa đoạn tuyệt, ta nhận thấy mình là một mãnh rời rạc giữa cõi đời, thấy mọi thứ ta từng nhọc công tìm kiếm, khổ đau giành giật và mệt mõi giữ gìn chỉ là phù phiếm. Giống như một ngày ta chết đi, buông bỏ cả xác thân, vứt cả những mối liên hệ ràng ruột, khi ấy, điều còn lại cuối cùng chỉ là những nhận thức lao xao đang ẩn nấp trong thân xác vật vã này.

Chiều xuống. Tiếng réo báo đến hồi niệm kinh khua lên từ tháp chuông. Các vị sư xếp thành hàng dài rời dãy tăng xá, thong dong thả bước đi dần qua khu chánh điện. Tòa chánh điện bốn mặt, hành lang bao quanh, chính giữa mái ngói theo kiến trúc Khmer có ngọn tháp nhọn cao vút chỉa thẳng lên trời xanh. Khác với chùa Việt, khu chánh điện chỉ dành cho các sư làm lễ. Bên trong điện, xung quanh bệ thờ là những hình ảnh nhiều sắc màu miêu tả cuộc đời Tất-đạt-đa, từ lúc đản sanh đến hành trình tu hành và thành Phật. Giữa buổi niệm kinh, tôi đứng cạnh hành lang, dưới tán cây vô ưu nghe những hồi tụng niệm thoát ra trầm ấm, thoát tục. Mở to đôi tai. Buông bỏ tầm nhìn. Kẹp dòng suy nghĩ. Những làn sóng âm chảy vào tai, xuyên qua những thực phiền, xóa đi buồn tủi, đọng lại điều thư thả vào từng hơi thở, ngấm tận làng da thớ thịt. Một vầng mây ảo huyền kéo xuống. Tôi biết. Một cảm giác mát lạnh của mùa đông tràn vào mùa hạ. Một quá khứ chết đi. Một tái sinh của mùa xuân trong tàn rũ mùa thu. Một tương lai không phiền não nảy mầm.

Ra khỏi chánh điện, tia nắng tàng hơi lấp ló quét sau bức phù điêu dựng phía dưới mái nhà sala, nơi dành cho các Phật tử đến viếng. Từ góc sân nhìn lên, cảnh thái tử Tất Đạ Đa cỡi ngựa rời bỏ kinh thành đi tu, người hầu chạy theo sau, phía trước là quỷ vương dang tay đứng cản đường. Đằng sau hình ảnh này là câu chuyện về thái tử Tất-đạt-đa, trong bốn lần lén ra đứng trên kinh thành Ca-tì-la-vệ nhìn xuống, ngài thấy cảnh một người mệt mõi trong tuổi già, một kẻ bị bệnh tật giày vò, một kẻ sợ hãi trước giờ bước qua cõi chết và một vị tu sĩ ung dung trước mọi cảnh ngộ của cõi ta-bà. Thái tử ngạc nhiên và không hiểu tại sao lại có những mảnh đời đau khổ và khác biệt đó. Ngài từ bỏ ngai vàng đi tu và tìm được câu trả lời cho chính mình, cho cả hậu thế ngàn năm sau.

Nằm cạnh tòa nhà sala là khu tăng xá cao hai tầng có hình tượng thần 4 mặt Mara Prưm đặt trên mái nhà xây theo kiểu kiến trúc Khmer. Mặt trước khu nhà được trạm chổ những họa tiết dạng hoa dây, hoa cúc, hoa reang. Hai bên cửa chính đặt tượng linh thú sư tử ngó đầu ra sân. Nằm kề bên là khu tăng xá cũ xây cất bằng gỗ, trên các cột trước cửa chính treo hình chim thần Krud được chạm tỉ mĩ. Hai bên hành lang tam cấp, lối đi vào tăng xá, tượng hình rắn Naga bảy đầu được đặt trên thanh vịnh. 

Rời khu tăng xá. Tôi ngồi thiền định bên trong ngọn tháp, kế bên bức tượng Phật nằm nhập niết bàn, trong buổi chiều nhá nhem, nghe từng tiếng sếu, cò, quạ vừa trở về tổ, đậu trên những nhành cây cổ thụ cao kêu vang.

Có một đất lành chim đậu.
 
- NGUYỄN VĂN HIẾN -
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9