Ngôi nhà sàn bỏ lại

Tác giả Bài
nguyenvanhien
  • Số bài : 23
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.07.2013
Ngôi nhà sàn bỏ lại - 22.08.2013 12:18:51
Tháng sáu. Mưa dầm tối mắt, hạt dầy rát da. Nắng nôi biệt dạng ba hôm trong bầu trời u ám luôn ngùn ngụt những đám mây đen xám nặng nề lững thững chậm trôi quẩn quanh trời. Sau trận mưa dài từ ban sáng đến giữa trưa, con sông sau nhà óc ách lắp lé liếm bờ đê, nước sắp dâng cao đến tận sàn nhà. Tuân bước lại cửa sổ đứng nhìn ra. Mưa vừa dứt hạt. Nước còn đọng trên mái lá lưa thưa như hàng mi rũ mềm trước cửa, đóng thành giọt, chảy rớt xuống. Trước mắt anh mãng lục bình vừa nhuộm lên màu xanh non tươi tắn, mềm dịu đậu lại cạnh vạt dừa nước ngữa bụng, ôm gọn tàu lá già héo gãy đổ co rút thân mình trong dòng nước lạnh cạnh mé sông.
Tuân đặt chiếc giỏ đệm xuống mặt bàn. Anh bật lửa đốt thuốc rồi hít một hơi dài. Đầu thuốc bập lửa sáng lên như hòn than đỏ tròn, dần cháy vào gốc, trả lại những tàn tro xám chực hờ rơi xuống. Anh thở. Làn khói trắng cuộn ra táp vào mặt, phết mờ tầm mắt, bay lững lơ lên không rồi trốn mất trong những vạt lá của mái nhà. Tuân bước đi. Anh hơi cuối đầu. Nhìn xuống miếng ván sàn nhà bóng nhẵn, anh thấy vài vết hằn còn in mờ, vẽ lên bằng đất, mấy hình ngón chân từng dồn lực bám xiết, mấy hình gót chân từng qua những lặn lội trên bờ đê trơn ướt. To bè. Thon dài. Nhỏ xíu. Tuân ngồi xuống, xòe bàn tay để mặt ván và làn da cách nhau bằng một sợ chỉ mỏng tang rồi kéo qua, lướt lại. Anh nghe, dường như, trên những bàn chân bỏ lại vẫn còn hơi ấm, tỏa ra, chạm vào mắt, xòe cay cô đặc thành một giọt nước, rớt ra, rơi xuống, lọt thỏm qua khe ván sàn nhà hở.
Tuân còn nhớ hôm về bên nhà vợ ăn tân gia, mừng căn nhà xây kiểu Tây mới mọc trên miếng đất thổ điền qua bao năm chỉ cất nổi nhà lá. Tiệc tùng thâu đêm. Gia đình hoan hỉ, làng xóm rộn ràng. Người ta vui cho nhà chú Ba, hảnh diện giùm cho cả vùng Kênh Cùng mênh mông đồng lúa đã có thêm một thành viên giàu có. Chú Ba thích thú. Người nông dân gần năm mươi tuổi đời, tóc mái điểm sương, trong buổi tiệc ngà ngà say, mê mẫn ngó bức tường xanh, thỏa mãn nhìn xuống nền gạch lót trắng, nghiên mặt, đảo mắt nhìn chậm rãi từng khuôn mặt khách trong bàn tiệc. Ông nhếch mép:
“Nhờ có con gái đẹp. Nhờ có thằng rễ Đài…”. Ánh mắt chú ba dừng tại khuôn mặt Tuân. Tự nhiên Tuân cảm thấy sượng sùng. Anh ngó ra ngoài sông. Nắng quét. Nắng đổ. Màn hơi bốc lên rung rung che một dãy đồng xanh kéo dài mút xa tận góc trời, nhòe nhạt. Bụi tre trước nhà gục đầu soi bóng nước, đổ nghiên nghiên.
“Còn thằng rễ Việt. Vô dụng. Nghèo rớt mùng tơi”. Chú Ba hớp rượu. Vỗ vỗ tay vào đùi. “Hận hảo”. Chú ngữa cổ cười sằn sặc. “Nhà mới còn có đủ đồ luôn. Tủ lạnh, tivi mỏng te, bếp ga, đầu chảo xem đá banh nhá…”.
Mười mấy đôi mắt trán mỏng một xót xa đổ dồn về cùng hướng. Người Tuân rúm ró. Thẹn thùng rót vào. Uất ức tràn ra. Bổng dưng anh nhớ đến cảnh con chuột đồng bị đoàn người săn đuổi, hốt hoảng trốn chạy vào hang. Kẻ bươi móc, người bới đào. Ngõ cụt, đường cùng. Nó bị tóm chặt trong lòng bàn tay. Run rẩy chân, thoi thóp thở. Giẫy giụa nhận ra là mình sắp sửa phải chết. Giữa lúc mặc cảm khê nồng nung đỏ khuôn mặt, một bàn tay vỗ lên vai, Tuân thu lại ánh mắt trôi nổi, quay sang nhìn Tư Đờn Cò, bắt gặp hai hàm răng nhuộm vàng màu khói thuốc cười nhe nhe:
“Có thằng rễ hiền lành như vầy là quý lắm nghe anh Ba!”. Một suy nghĩ xuyên qua, dùng dằng, đầu chú Ba gật gật. Có tiếng ai đó nói xen vào:
“Uống đi! Sao ngâm hoài vậy hai Hến”.
Một loãng khí rỗng rơi vào đầu Tuân, một cánh đồng khô từ ký ức trôi về, một thẳm nhìn không sự sống, một lăng kính nhạt thếch áp đè lên hai tròng mắt. Cảnh nhạt, người bạc. Tuân thấy chiếc xuồng neo đậu đứt dây trôi lãng đãng. Không bến, chẳng bờ. Thấy mãng lục bình trôi. Không bờ, chẳng bến. Cảm thấy cổ họng nghèn nghẹn đăng đắng. Tuân lí nhí xin ra khỏi bàn. Anh đứng dậy đi lêu vêu ra phía sau nhà, bên tai vẫn còn nghe câu nói cũ vừa lặp lại:
“Nhờ hết vào thằng rễ Đài”.
* * *
Ừ, thì nhà Tuân nghèo! Khó khăn rào chặn tương lai như bao mảnh đời trai tráng khác trên vùng đất này. Sáng ra đồng làm, tối về quấn chiếu ngủ. Có học hành nhưng chữ chẳng hề đọng lại trong đầu, như nước đổ lá môn, dễ bay hơi khi nắng trời sớm đến. Tuân nhận ra học vất vã hơn làm, thế là bỏ từ lớp bảy, cưới vợ lúc mười tám tuổi. Gia đình có hơn hai mươi công ruộng, năm anh em trai. Chia ra, phần đứa út mười công, còn lại bốn anh em mỗi người chừng ba công. Thế là cuộc sống anh từ một chữ “nghèo”, giờ cộng thêm chữ “khó”. Một lo lắng. Và thêm một lo lắng nữa. Chất chồng lên.
Gia đình vợ ban đầu cũng nghèo như nhà anh, nghĩa là môn đăng hổ đối, cân bằng gốc ngọn. Từ ngày dạm hỏi cho đến lúc cưới chẳng thấy ai chê thằng rễ nông dân bần khó, ngược lại còn khen nó hiền và biết chịu đựng vất vã. Vợ cưới về. Ra riêng trong căn nhà sàn có diện tích tròn hai mươi bước chân vuông. Năm sau có thêm một thằng nhóc. Ruộng cày chưa đủ sống thì Tuân đi làm mướn. Đầu kênh góc vườn, lang bạt kỳ hồ. Mọi chuyện éo le bắt đầu từ đợt cha vợ bệnh nặng phải đưa lên tận Sài Gòn cứu chữa. Cửa nhà túng bấn. Mẹ vợ phải vay đầu làng, mượn cuối xóm. Sau hai tháng về, cha vợ khỏe lại nhưng cảnh nợ đã đeo mang. Thấy đó, Tuân buồn nhưng anh chẳng biết làm gì hơn ngoài quan tâm và hỏi han. Rồi tự nhiên anh mặc cảm vì mình quá nghèo, hễ khi đến nhà vợ anh rụt rè hẵn đi. Sau nợ nần, đầu óc mụ mị, cha mẹ vợ nhìn thằng rễ vô dụng càng thấy chướng mắt, tình cảm nhạt nhẻo dần.
Trong cảnh nhà khốn đốn, một hôm, có người bà con từ Sài Gòn xuống nói có quen thằng Đài Loan giàu lắm, hắn sang Việt Nam muốn tìm vợ, phải gái còn trinh, chổ nào hắn ưng, lễ hỏi hắn cho hai ngàn đô Mỹ, cưới xong tặng tiếp năm ngàn cho bên vợ làm của hồi môn. Nhà còn đứa út gái cao ráo xin đẹp, mới lớn, tròm trèm mười tám. Chịu cho nó ghé xuống xem mặt, nó cưới liền trong tháng, có tiền ngồi hưởng phước. Nghe bùi tai, thấy sáng mắt. Vợ chồng chú Ba đồng ý cái rụp.
Sau đám cưới rình rang với My, thằng A Phận, tiếng Việt là Phùng hay Phụng gì đó, còn ở lại nhà chú Ba mấy hôm. Ngày nào hắn cũng quẩn quanh bên vợ, mặt ngời thỏa mãn, lẽo đẽo theo nhìn My hái rau, lốc thốc theo ngó My rửa chén, miệng xì xào “hận hảo” “hận hảo”. Mỗi khi hắn xì xì xồ xồ, dù nghe tiếng hiểu tiếng không, lần nào My cũng ngã ra cười ngặt nghẽo. Bên trái nhà, chú Ba lúc ngồi góc ván, khi nằm trên võng, suốt ngày lẩm nhẩm mấy chữ Việt phiên âm Tàu viết nguệch ngoạc trên tờ giấy để học giao tiếp với con rễ. Hai ba hôm thì chữ thấm. Tới bữa cơm, chú xổ một tràng:
“Nị…nị, lại xi phạn nè…”. Hắn trố mắt. Xong ra dấu ý nói cha vợ số một rồi cười hềnh hệch.
* * *
My theo chồng được gần hai năm thì điện thoại về nói con mời cha mẹ bay sang Đài du lịch một tháng. Hai ông bà lúi húi sắp xếp đồ đạc cá nhân. Xong ra đi trong hân hoan, vui sướng và nghạo nghễ.
Tròn tháng. Ông bà lỉnh kỉnh vali trở về, mới tới đầu kênh, nhiều người nhìn thấy giật mình khen ở Đài mới một tháng mà ông bà trắng ra, chất ruộng nhạt nhạt, đi đứng khoan thai. Chú Ba cười cười. “Hận hạo…hận hạo…”.
Về đến nhà, thiếm ba ngồi phân quà chia ít kẹo đậu phộng, bánh dứa và trà trân châu cho mấy người thân kéo đến thăm. Chú Ba đứng trên ghế treo hai bức tranh phong thủy mua từ bên Đài Bắc, khoe được thằng rễ đích thân viết chữ đề tặng, quý lắm. Mấy đứa nhỏ tụ lại, đầu ngó mắt nghiên, thằng Đen cười khì khì:
“Ngộ! chữ gì như con trùng hen tụi bây”.
“Biết cái gì. Chữ thư pháp của người ta”. Chú Ba nói như quát, mấy đứa nhỏ tản ra đi.
Khi bà con ra về hết, thiếm Ba ngồi trên ghế sa lông, kéo vợ Tuân lại gần và nói:
“Con My nó kiếm cho bây được một chổ làm. Đi đi! qua bển cho có chị có em.”
Vợ Tuân ngó ra ngoài thấy chồng đang ngồi quay lưng lại, khói thuốc vòng ôm sau mái tóc.
“Sao con đi được má, còn anh Tuân, còn thằng Đen nữa”. Người phụ nữ trả lời với giọng tiếc nuối.
“Bỏ phức cái thằng nghèo đó đi. Mày ở với nó chừng nào mới khá được. Đi qua bển kiếm tiền gửi về nuôi thằng Đen ăn học”. Thiếm Ba nguýt dài và quyết định:
“Qua bển con My làm mai cho một thằng Đài chết vợ, nhà nghèo. Nhưng mình tính xa. Kết hôn với nó, ở vài năm, xong kiếm cớ ly dị. Được cái quốc tịch thì tự do đi làm”.
Vợ tuân thẩn người. Chị như kẻ ở trong bóng tối chơi vơi lâu ngày nhìn thấy một ngọn đèn sáng lấp ló, một dấu hiệu le lói, một mốc để chấm dứt nghèo hèn, một cơ hội đổi đời, một thênh thang hi vọng. Nhưng chị lơ là, chị không thấy một người quay lưng, hai tròng mắt rưng rức, ba cái ngó nhìn bâng quơ ra ngoài bụi tre già rũ bóng.
* * *
Mặt trời tắt nắng từ lâu. Màn đêm tràn đến nuốt dần từng mãng thiên nhiên vào hình khối, cánh đồng gọp xám, dòng sông xạm đen, chòm lục bình phết nhòe, vạt chuối quệt mờ. Tầm mắt ảo lòe. Một ánh sáng vừa được thắp lên từ ngọn đèn dầu trong căn nhà sàn nhỏ. Một màu vàng đỏ nhuộm lên không gian mệt nhoài, nhuộm lên người bức bối. Tuân ngồi bên mép giường, cuối đầu, chân thả lỏng, vô thức đong đưa. Anh nhìn xuống khe ván hở, một vệt ánh sáng như nhát dao bổ xuống bên dưới dòng sông tối om, có một đổ vỡ nứt ra.
Vợ Tuân ngồi cạnh ngọn đèn đặt trên chiếc bàn gỗ, chị kéo thả mái tóc dài ra trước ngực và chải. Nhìn chiếc bóng xiêu vẹo trên vách, thi thoảng, chị liếc mắt nhìn lên khuôn mặt sạm nắng đang rầu rầu. Ngoài sân tiếng nhái tiếng dế kêu ran ran, dăm cơn gió kéo đến chui rúc vào mái lá cười lao xao. Những âm vẳng quen thuộc, những hình đọng thân thiết. Một khuôn mặt, núi cảm tình. Hai đôi mắt, biển yêu thương. Tất cả chúng đã không còn đủ sức níu kéo chị. Cũng như đã buông cho một dòng dứt bỏ bắt đầu từ lâu trên vùng đất này. Bé Hai. Bé Sáu. Vắng bóng. Út Na. Út Hết. Biệt tăm. Chẳng ai còn. Và chị tự nhủ mình chỉ là một trong số ấy, vậy thì, cứ an nhiên mà đi, cứ dững dưng mà lên đường. Chẳng hối hận. Chẳng quay đầu. Rồi chị xoay lại nhìn anh, thong thả nói:
“Tháng sau em sang Đài Loan đi làm công nhân”. Cái bóng nằm đổ xuống giường, tay gác lên trán, ngó đăm đăm lên mái nhà ám màu khói bếp.
“Thằng Đen thì em gởi bên má cho nó dễ đi học”.
“…”
“Anh thì muốn ở nhà hay đi đâu đó làm gì cũng được”.
“…”
“Em đi làm có tiền sẽ gửi về bên má giữ giùm. Anh có túng bấn gì cứ qua đó mà lấy xài”. Cái bóng trở mình, nằm nghiên, ngửa mặt vào vách, quay lưng ra ngoài.
“Em tính rồi. Anh có đồng tình hay không em cũng đi”. Chị nhỏm dậy, bước ra phía sau sắp xếp lại mấy bộ quần áo bỏ vào túi xách.
“Em về luôn bên má. Ngày mốt đi Cần Thơ học tiếng”.
Vợ Tuân nói xong bước ra cửa, nhanh tay kéo miếng ghép đan bằng tre đóng lại. Tiếng cọt kẹt hòa vào tiếng dế tiếng nhái.
Cái bóng nằm và nghe rõ từng thứ từng thứ. Tiếng bước chân chạm dần xuống cầu thang, tiếng gió cuộn vào tóc, tiếng người đi còn vọng lại chơi vơi.
“Tui qua bển lao động, nhưng yên tâm đi, tui không có phụ anh đâu”.
Và rồi tất cả mất hút trong màn đêm dầy tối. Hun hút.
* * *
Tuân đứng dậy, vớ tay lấy chiếc giỏ đệm đặt trên mặt bàn. Anh bước dần ra cửa. Đi lần hồi xuống cầu thang. Đến ngã ba đường. Tuân quay lại. Ngó mềm từng vạt lá, từng vết sàn mòn chạm. Bên trong ngôi nhà kia, ở tại góc sân này. Từng có một cố gắng ấp ủ, một hy vọng vun đắp, một niềm tin chăm bón còn chưa kịp trổ hoa.
Mưa dứt. Bầu trời vẫn âm u. Tuân quyết định đi. Lần này anh không ngoái đầu. Sài Gòn đang vẫy gọi.
- NGUYỄN VĂN HIẾN -