Một sáng tác mới ( Truyện ngắn của Băng Hồ)
nvietdung 23.08.2013 12:26:50 (permalink)
MỘT SÁNG TÁC MỚI
          Đang viết, Linh bỗng cau mặt .Tiếng khóc của đứa bé có cái mãnh lực làm ngòi bút chàng đang trào tuôn bỗng như bị ngáng hẳn lại. Bao nhiêu tư tưởng xếp đặt trong đầu chợt tung như cuộng chỉ rối. Chàng quay đầu lại , hơi sẵng giọng :
       “ Để nó ngủ thế nào mà khóc ầm lên thế, còn ai làm việc được ! ”
      Một tiếng trả lời yếu ớt từ trong màn đưa ra, tiếp theo những tiếng ..ơi hời ru con : 
      “ Khốn ,nhưng nó sốt , nó quấy suốt ngày thì làm thế nào, cậu tưởng tôi sướng lắm đấy hẳn mà hơi một tý là gắt. Ba hôm nay, ôm con suốt đêm cậu thử xem, tôi có được hợp mắt tý nào không …?”
      Giọng kể lể của vợ càng như khơi thêm sự bực dọc đang âm ỉ trong Linh :
      “ Chẳng ai sướng trong cái nhà này cả , nhưng mợ phải biết quý trọng giờ phút làm việc của tôi mới được . Không có bài đưa cho người ta, thì rã họng ra ….”
      Tiếng người đàn bà lần này đã nghẹn trong nước mắt :
     “ Cậu thử nghĩ xem từ khi hồi cư về đây , tôi có khác gì đứa ở nhà cậu không . Làm quần quật suốt ngày, hơi tý cậu lại mắng chửi, cậu thử nghĩ xem, hồi còn con gái ở nhà, cậu tán tỉnh tôi, cậu dụ dỗ tôi…”
       Sự tức giận không còn kìm giữ được . Linh đấm mạnh tay xuống bàn. Cái lọ mực nảy tung lên làm nhòe nhoẹt cả những trang vừa viết xong :
     “ Im đi, tôi dại, tôi ngu mới lấy phải mợ. Kiếp tôi là kiếp con trâu, con bò nên giời mới đầy đọa bắt tôi phải lấy mợ , mợ hiểu chưa ? “
      Thấy tiếng động mạnh,thằng bé lại càng khóc thét lên . Linh như điên cuồng vớ lấy tập bản thảo viết dở , xé nhỏ từng mảnh, rồi chạy đến bên bàn rít lên :
      “  Câm ngay, câm ngay. Không ông giết chết bây giờ . Trời ơi ! Vợ với con …”
      Người đàn bà lần này cũng to tiếng :
      “ Đây cậu giết, cậu giết chết nó đi . Tôi cũng không cần đâu, càng đỡ mệt. “
      Cuộc xô xát của hai vợ chồng khiến cả nhà cùng chạy lên . Bác phó rèn, anh Luyện , anh Niết ở nhà dưới, bác phó may và cô Bưởi ở buồng bên cùng vội vã chạy vào can. Mọi người cố hết sức mới gỡ được hai vợ chồng ra.
      “ Thôi , tôi xin hai bác, chẳng gì cũng là người có học, làm thế hàng phố người ta cười cho ! “
      “ Thôi , bác gái bớt giận, bác giai bác ấy trót nóng …”
      Tóc xõa rũ rượi, người đàn bà vừa ôm mặt khóc vừa kể lể :
         “ Đấy các ông các bà xem có người nào vũ phu như thế không .Các ông các bà cứ để người ta đánh chết tôi đi ,để người ta ở một mình, người ta sướng…”
         Cô Bưởi bế vội thằng bé lên lòng nâng niu cho nó nín,bác phó may và anh Luyện lôi Linh ra một chỗ : “ Thôi bác ạ, bác gái có điều gì không phải thì khẽ bảo nhau .Ở đây chung đụng nhiều người làm ầm ĩ thế không tiện .Ấy vợ chồng chúng tôi cũng nhiều lần như thế mà cứ phải cắn răng chịu nhịn .Miễn là sống cho tạm qua lúc khó khăn này . Trò đời mỗi người găng một tý là thành to chuyện ngay !”
        Linh thở dài .Chàng với lấy chiếc mũ dạ xám ấn lên đầu rồi sầm sầm bước xuống cầu thang. Trong khi ấy, những tiếng khóc, tiếng kể lể , tiếng khuyên can tạo trên căn gác nhỏ hẹp một âm thanh hỗn tạp.
*
       Linh thuộc về lớp nhà văn lãng mạn. Những sáng tác trước đây của chàng rất thành công trong việc ca tụng một làn môi một cặp mắt. Chàng muốn sử dụng văn chương để phổ cập ái tình và tên chàng được giới văn nghệ hồi ấy rất hoan nghênh.
       Nhưng cuộc binh lửa ngày nào đã làm cho chàng phải xa Hà Nội. Và những tác phẩm – những đứa con nuông tinh thần của chàng- cùng với sự tan vỡ của bao công trình gạch ngói , cũng đã biến thành tro theo ánh lửa dày đặc. Nhưng cái đau xót của Linh cũng chưa bằng những ngày tản cư ra vùng ngoài phải va chạm với cuộc sống quá đỗi khắt khe.
      Quan niệm mơ mộng của chàng trong sáng tác lần đầu tiên bị cái thực tế của thời đại làm ngần ngại. Bao nhiêu ngày bó gối trong những xóm quê ,Linh muốn viết lắm mà loay hoay không viết được. Cái bài thơ “ Hạn mùa binh đao “  của chàng  bị bao người công kích vì tư tưởng yếm thế .Cuộc sống phong phú và sinh động ở vùng ngoài đòi hỏi ở Linh những vần điệu mạnh mẽ hơn , sôi nổi hơn nhưng riêng chàng thấy bất lực vì chưa thể hòa mình với cuộc sinh hoạt cuồn cuộn muôn hình muôn vẻ đó .
      Linh nảy ra ý định quay về Hà Nội. Nhưng cái Hà Nội bây giờ - ứ lên số người dư thừa do dân “ vùng tề “ đổ về và nạn thất nghiệp – không còn là cái Hà Nội nhởn nhơ thời xưa . Ăn chực nằm chờ ở nhà bạn và gửi tạm vợ con ở nhà bố mẹ vợ ( điều mà Linh thấy rất nhục nhã ) bốn năm tháng sau nhờ một ông chủ cũng là một nhà văn lớp trước giới thiệu, Linh mới xin được một chân thư ký tòa soạn ở một tuần báo nọ. Cái số lương còm cõi nghìn rưởi không đủ cung cấp cho chàng mọi nhu cầu hàng ngày,nhưng nhờ tài hàn gắn vá víu của Thục cảnh nhà rau cháo cũng tạm qua.
       Hai vợ chồng thuê được một căn buồng nhỏ hẹp ở ngoại ô, một căn nhà gác không sâu quá 10 thước, và rộng không quá 5 thước, mà đã đến năm chủ ở. Nhà dưới : Bác phó rèn suốt ngày đập đe, anh Niết bán phở ,anh Luyện thợ mộc, và ở trên này bác phó may và cô Bưởi bán hàng hoa quả ở chợ Cửa Nam . Một cái buồng rộng chưa được hai sải tay ,chỉ cần kê một chiếc giường và một cái bàn viết con con cũng đủ ngáng hết lối đi. Vậy mà cũng phải nói mãi ,bác phó may mới cảm tình ở hẹp lại để cho thuê với cái giá 100 đồng một tháng.
      An cư rồi lạc nghiệp. Linh bắt đầu những ngày sáng tác. Nhưng chàng rất lấy làm bục mình. Mấy bài thơ chàng gửi đăng không còn được độc giả hoan nghênh , nghĩa là chàng không còn nhận được một lá thư nào ca ngợi như hồi xưa mỗi khi độc giả đọc được một bài dưới ký Mạc Linh . Những bài “ Áo Xanh “ , bài  “ Nụ cười trinh nữ “ , bài “ Tóc em, giòng suối nhung “ rơi tàn nhẫn trong sự quên lãng. Linh nhớ mãi cái vẻ mặt nhăn nhúm đáng thương của ông Chủ nhiệm hôm ứng trước cho chàng một nửa tháng lương :
        “ Tôi nói ông đừng giận , có lẽ ông phải đổi lối viết đi. Độc giả bây giờ họ có một quan niệm về văn nghệ khác trước nhiều. Những lối thơ tượng trưng và duy mỹ không còn thể tồn tại được, mong ôngnghĩ cho sự sống còn của tờ báo …”
       Linh băn khoăn , rất buồn. Viết được một bài báo, viết được một câu thơ đối với chàng lúc này có phải dễ đâu .Suốt ngày trong căn nhà ẩm ám này, không lúc nào ngớt tiếng bùa đe, tiếng dao thái thịt, tiếng cưa xẻ. Cái âm thanh hỗn tạp ấy khiến Linh không thể có một phút giây bình tĩnh mà viết. Vậy mà, cố lắm mới được mấy vần thơ kia lại gặp ngay sự thờ ơ của độc giả, cái đám độc giả tuy khắc nghiệt nhưng cũng rất công bình .
       Cho đến vừa rồi, chàng thoáng thai nghén một nguồn cảm mới. Một cảnh thu về ,có những chiếc lá vàng rơi, có đám mây bàng bạc và có người thiếu phụ phòng khuê ngừng que đan nhớ người quan ải . Linh hăm hở lấy giấy bút ra để ghi vội những suy tư đang vừa kịp hình thành, thì gặp ngay chuyện xô xát đáng buồn kia .
*
          Linh bẻ cổ áo và đi chậm lại. Ra đến bên ngoài , bầu không khí khoáng đãng làm dịu hẳn cân não chàng đang căng thẳng. Linh đi ngược dọc theo đường Phố Huế . Hà Nội lúc này đang sáng rực bởi bao nhiêu ngọn đèn điện và ánh nê-ông. Hai bên dãy phố những của hàng chóang lộn với từng làn sóng người cuồn cuộn. Hôm nay là một tối thứ bảy nên những giờ phút này Hà Nội dễ dàng thừa người nhiều lắm, nhất là ven chung quanh Hồ Kiếm.
        Một chiếc xe tay vụt qua. Một bộ mặt nõn nà son phấn thoáng hiện trước mắt Linh. Một vài hình bóng của những ngày qua vụt thức dậy. Linh rảo bước gọi theo xe : “ Thúy ! “
       Người đàn bà trên xe ngoái cổ lại, ngờ ngợ . Linh bước lại gần :
      “ Thúy, Thúy còn nhận ra anh không ?..” Đôi môi son nở một nụ cười không được tươi lắm :
      “ À, anh Mạc Linh phải không  ? Anh mới hồi cư bao giờ thế ?”
      Linh không ngờ lại được gặp Thúy, giữa lúc đang có tâm sự u uất này . Thúy là một người bạn gái, hay nói một cách đúng hơn ,là người bạn tình của Linh ngày xưa ở Hà Nội; hồi những tác phẩm của chàng còn đủ tạo cho chàng một đời sống chắc chắn, đủ cho nhiều người – trong đó có Thúy – yêu và tin. Thúy chính là nguồn cảm vô tận cho thi tứ của Linh hồi đó. Bài thơ nào anh viết cũng mang nặng bóng dáng người tặng gửi : “ Thúy- Thuý “.
        Linh mừng rỡ một cách rất hồn nhiên :
        “ May quá, không ngờ lại gặp Thúy. Thúy đi đâu bây giờ, có thể đi chơi với anh một lát không ? “
          Một cái nhìn thoáng nhanh trên bộ quần áo Linh, Thúy ngần ngừ :
         “ Em xin phép anh, hôm nay em trót hẹn  với một người bạn có chút việc ..”
          Linh không nhận rõ vẻ ngần ngại của Thúy, chàng sốt sắng :
        “ Ồ bận việc gì thì cứ để đấy,ba bốn năm loạn lạc, hôm nay anh muốn Thúy hãy tự cho mình hoang phí chút thì giờ , hãy dành cho anh cái đặc ân được đi chơi với Thúy thêm một buổi… Thúy không từ chối chứ ? Phải lắm , chẳng nhẽ bao nhiêu thơ đề tặng “ Thúy- Thúy “ của Mạc Linh…?”
        Thúy miễn cưỡng bước xuống xe .Hai người sánh vai nhau đi dưới những rặng cây um tùm ven Hồ Kiếm. Mùi phấn son ngào ngạt từ người Thúy tỏa ra , khiến Linh ngây ngất và tạm quên những bực dọc vừa qua .. Linh khẽ cầm tay Thúy và tưởng nên nói một vài câu ý nghĩa :
        “  Thúy ạ, hôm nay đi cạnh Thúy, anh mơ màng tưởng như một ngày nào, anh và Thúy cũng đã từng sánh đôi như thế này, và cũng ven Hồ Gươm này, những chiều thu rụng lá vàng anh nhìn lá rụng và đố Thúy đếm được bao nhiêu chiếc . Thúy còn nhớ cái hôm nao anh và Thúy đóng chung nhau một vở kịch ở Nhà Hát Lớn . Bữa ấy Thúy mặc chiêc áo màu xanh da trời , cổ xẻ quả tim, trên tóc Thúy cài cái nơ tim tím , anh gọi đùa Thúy là con chim xanh. Sau khi diễn xong, anh được cái hân hạnh dẫn con chim xanh đi chơi suốt một buổi đêm dưới ánh trăng ngà của một kinh thành thao thức chưa muốn ngủ . Rồi anh tặng Thúy một bài thơ chỉ có bốn câu thôi ;và Thúy đã thêu bốn câu thơ đó trên vuông lụa để gửi lại anh. Bốn câu ấy thế nào nhỉ, Thúy có còn nhớ không ?
         Lại một bận nữa trong cái đêm dạ hội tưng bừng, tất cả Hà Nội tài hoa và thanh lịch đều tê lặng để nghe cái giọng oanh vàng của Thúy hát trước Micro. Và khi Thúy từ trên cao bước xuống ,cả một biển người đều tự nhiên rẽ làm đôi nhường lối cho Thúy đi, cung kính như bà hoàng. Vậy mà chỉ riêng anh có cái diễm phúc được đón Thúy và dẫn Thúy đi trước bao nhiêu con mắt ghen tỵ, thèm thuồng của mấy ông công chức cổ cồn, ca-vát. Không biết Thúy có còn nhớ những chuyện ngày xưa ấy không ? Chỉ có quá khứ là đẹp thôi…”
       Thúy cười gượng gạo :
      “ Anh còn nhớ lâu quá nhỉ ? Còn em thì có lẽ gần quên hết rồi  “.
       Linh vẫn say sưa :
      “ Ba bốn năm binh lửa người và vật đều thay đổi, riêng Thúy của anh vẫn tươi vẫn đẹp, có lẽ lại hơn xưa. Thúy trông anh thế nào, có già đi lắm không ?”
      Vẫn cái cười nửa miệng nhạt nhẽo : “  Vẫn thế ..”
      Linh vẫn miên man như gặp một người bạn cố tri để thổ lộ hết tâm tình.
     “ Thúy nói thế chứ anh biết đã già đi lắm rồi. Những ngày trở về đây vẫn là những ngày chứa đầy bất đắc chí . Cái Hà Nội phồn hoa nhưng che đậy bên trong bao nhiêu xấu xa, loét lở.Cầy cục mãi, chạy đến ba bốn tháng giời , Thúy tưởng tượng anh mới xin được làm biên tập viên cho một tờ báo “ lá cải “ với cái số lương nghìn rưởi, để rồi mà nuốt nước mắt chịu đựng những điều hạch sách của một lão chủ nhiệm kiêm chủ bút vốn là một anh thợ may trước đây. Cuộc sống thực tế trắng trợn khiến anh ít lâu nay buồn lắm và thấy Hà Nội không còn là chỗ của chúng mình hồi xưa . Cho nên tối nay gặp Thúy ở đây anh thấy vui lắm. Anh cảm thấy như qua một đêm dằng dặc nặng nề , được bắt nhận tia nắng đầu tiên của buổi bình minh rạng hé …”
         Thúy lơ đãng nhắc lại : “ Nghìn rưởi thôi à ? Sao lương nhà báo ít thế ? “
         Rồi im lặng, cái im lặng nặng nề mà cả hai cùng cảm nhận. Linh thì đang bới óc để tìm những câu chuyện vui khác vì chàng thấy Thúy “ thế nào “, còn Thúy đang băn khoăn nghĩ đến bọn con Hằng , con Tố Loan, con Kiều Khanh đang đợi ở tiệm khiêu vũ “ Chắc hẳn chúng nó mong lắm; ác làm sao lại gặp cái anh chàng thi sỹ ba dọi này “.
       Hai người đi qua phố Hàng Đào . Thúy cố ý dừng chân trước một cửa hiệu sáng rực :
     “ Anh này , cái dây hạt trai kia đẹp đấy nhỉ ? Em thấy tụi bạn em chúng nó đeo lộng lẫy quá …”
     Linh vô tình : “  Ờ nhưng bây giờ dễ có nhiều thứ giả lắm. Hồi xưa, Thúy nhỉ, hình như có lần anh cũng tặng Thúy một chuỗi hạt như thế sau cái tập thơ “Người con gái Kinh thành” được Nhà xuất bản gì ấy mua. Chiếc này dễ cũng đến hai ba nghìn chắc . Chỉ ông Bộ Trưởng hay các ngài công chức lâu năm mới đủ sức sắm nổi cho vợ con…”
     Thúy hờ hững :” Ngày xưa! Anh hay mơ tiếc ngày xưa lắm nhỉ ? “
     “ Phải rồi, bởi vì anh thấy chỉ những gì thuộc về Ngày Xưa mới đẹp. Chẳng hạn như Thúy ngày ấy…”
     Thúy lặng lẽ không đáp .Nhưng vẻ lãnh đạm bực dọc hằn rõ trên nét mặt nàng. Linh nhận thấy sự mệt mỏi ấy : “ Chắc hôm nay Thúy mệt.Chúng ta hãy vào tiệm ăn kia ngồi một lát. Xong anh sẽ dẫn Thúy về.”
     Thúy uể oải : “ Thôi anh vào một mình . Em xin phép anh em về.Hôm nay em trong người váng vất làm sao ấy “.
     Linh cố nài : “ Thúy  vào với anh , uống qua loa cái gì cho đỡ mệt “  Thúy lại miễn cưỡng bước vào . Linh gọi đem ra hai cốc nước cam . Chàng băn khoăn :
     “ Thật là không may – gặp Thúy giữa hôm Thúy không được vui. Để lát nữa anh đưa Thúy về nhà . À Thúy ở đâu nhỉ ? Có còn ở chỗ cũ không ? Lúc nào anh đến chơi .”           
       Thúy nhạt nhẽo nhắp miệng cốc trên môi chứ không uống : “ Em dọn chỗ khác rồi nhưng thôi anh ạ! Để lúc nào gặp, tiện hơn; vả lại em dạo này cũng bận nhiều việc ,ít có thì giờ rỗi để đi chơi …”
       Bỗng mắt nàng sáng hẳn lên .Từ đầu phố một chiếc xe hơi bỏ mui , hai đèn pha chiếu sáng đang từ từ bon lại …Hấp tấp, nàng vội xô ra cửa :
      “ Anh Khang, anh Tuấn !...”
      Chiếc xe hơi rít lên một tiếng rồi dừng lại .Cánh cửa bật tung. Hai thanh niên đầu chải mượt, mồm ngậm lệch điếu thuốc cháy dở  bước xuống : “ Đi đâu thế làm bọn này đợi mãi không thấy phải bổ đi tìm. Mau lên kẻo bọn họ đợi lâu lắm rồi .”
       Thúy hớt hải quay vào cầm lấy chiếc ví, nàng chỉ kịp chào Linh : “ Thôi xin lỗi anh, em phải đi đằng này có việc cần lắm !!!”
       Rồi chạy vội lên xe. Hai thanh niên bước theo. Cánh cửa sập lại, Linh nghe có tiếng hỏi : “ Ai đấy ?”
      Và tiếng Thúy trả lời rất vui vẻ : “ À, một ông thi sỹ vớ vẩn  .“
      Chiếc ô tô phóng vụt đi , hai vệt ánh sáng lòe dài trên đường phố. Còn lại một mình, Linh lặng đi một lúc lâu, hai mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không. Đến lúc ấy Linh mới hiểu : tại sao lúc đi chơi với chàng, Thúy có vẻ “thế nào” mà bây giờ lại “nhanh nhẹn vui vẻ “ thế . Phải rồi, chỉ vì chàng lương tháng chỉ có nghìn rưởi, thiếu một chiếc xe hơi tung bụi ngoài đường và không đủ để tặng nàng một chiếc dây hạt trai đắt quá số lương hàng tháng .
       Trán Linh hằn lên những nếp răn . Mồm súi bọt mép. Chàng gạt cốc nước sang bên và gọi lạnh lùng:
       “ Đem cút rượu !”  Và cái gã đàn ông trong một buổi tối có hai cái buồn bực cứ thế mà rót mãi, rót mãi . Gã uống, uống một mình nhưng mà nhiều lắm. Ở đời như thế cả, chỉ có cái mầu xám nâu của tời giấy bạc là đáng kể, còn thì vựt đi hết. Ờ, ờ thật là quá ngớ ngẩn đi ôn lại những kỷ niệm tâm tình trong khi mình chỉ có số lương hơn nghìn đồng chết đói. Dại lắm , dại lắm, ới cái thằng Linh ơi , mày còn ngây thơ tin tưởng ở cái bụng dạ những đứa con gái nhiều lắm.
       Ờ , ờ, mà căn buồng này hình như nó quay, và hình như có ai giúi mạnh đầu chàng xuống bàn..Ờ ờ mà cái tụi đàn bà con gái đểu lắm. Chỉ có tiền thôi !...
*
       Linh cảm thấy mình đang nằm ở nhà , trên chiếc giường xiêu vẹo, màn buông kín. Thục đang lo lắng ngồi dưới chân ,mặt người đàn bà thoáng lộ tia mừng rỡ khi thấy chàng mở mắt :
       “ Mình làm em lo quá . Người ta đến nhà gọi em lên vực mình về ,mà mình cứ mê man mãi. Hình như mình …chửi trong giấc mê “
       Nàng rơm rớm nước mắt :
      “ Thôi, em có lỗi, mình tha thứ cho , mình đừng để bụng giận em .”
       Linh ái ngại nhìn vợ .Khuôn mặt hốc hác với mái tóc rối bù đã nói nhiều những đêm không được yên giấc, chàng dịu dàng : “ Thằng Tâm đâu ?”
       Thục khe khẽ đặt tay lên trán chồng đang vã mồ hôi :
     “ Em gửi nó sang buồng cô Bưởi nhờ cô ấy giữ hộ ,sợ để ở đây nó cũng đang ấm đầu, nó quấy khóc, mình không ngủ được. Mình nằm yên nhé, để em xuống bếp xem niêu cháo được chưa .”
          Linh gạt đi : “ Thôi em hãy bế con vào đây “.
          Và chàng bồi hồi nắm chặt tay vợ :
          “ Em tha lỗi cho anh nhé ! Lúc tối anh quá nóng nảy …”
          Thục gục đầu vào ngực chồng thút thít :
           “ Không , chính em mới có lỗi . Em đã khiến anh phải  giận dữ bỏ đi chơi ,mượn chén rượu để quên sầu . Em đã thiếu đạo làm vợ, mình tha thứ cho em lần này…”
          Linh rung động muốn sửa soạn để nói một  vài câu nữa thật chân tình với vợ thì vừa lúc cả nhà lên thăm :
        “ Thế nào bác ? Bác giai đã đỡ chưa ? Khiếp , lúc khiêng bác ấy về mặt bác ấy tái xám, chúng tôi lo quá …”
       Thục chùi vội đôi hàng nước mắt :
      “ Vậng cám ơn các bác , nhà em đã tỉnh hẳn rồi, cũng may là có các bác  ở đây , nếu không thì những lúc này biết nhờ cậy ai ?...”
     Bác phó may sốt sắng đem lại một thanh quế nhỏ : “ Tôi còn ít quế đây, để bác cắt cho bác giai uống “
     Và cô Bưởi ru thằng Tâm đến trước mặt Linh :” Ba đã tỉnh rồi, ba bế bé đây này ..”
     Đêm hôm sau , Linh dong đèn ngồi viết . Trước mặt một tập giấy trắng hãy còn nguyên, Thục đang cho con bú từ trong màn nói vọng ra :
     “ Đêm nay nóng thế mà mình viết được à . Thôi mình đi nghỉ đi kẻo hôm qua người hãy còn mệt .”
     Linh âu yếm bảo vợ :
     “ Em cứ ngủ trước để anh viết, kẻo mai nhà báo họ đã đến lấy rồi …”
     Bởi vì, qua cơn khủng hoảng tâm linh , chàng vừa mới tìm ra một nguồn cảm mới . Phải lắm, cái con đường sáng tác mà chàng hiện đang theo đuổi là nhầm . Văn nghệ không phải là một thứ phù phiếm, hoa mỹ để thưởng ngoạn. Văn nghệ không phải là những cửa hiệu choáng lộn kia dùng để che đậy biết bao rách rưới của những căn nhà xóm ngoại ô này . Văn nghệ không phải là một Thúy – Thúy có bộ mặt bự phấn son  với những lời mê hoặc quyến rũ.
       Văn nghệ phải là phản ánh cuộc sống áo cơm đang đầy rẫy quanh đây. Văn nghệ phải là người đàn bà hốc hác kia đang vạch vú cho con bú và héo hắt lo nghĩ đến chỗ gạo ngày mai. Văn nghệ phải là đám người lao động đang cắm cúi giỏ từng giọt mồ hôi trên thanh sắt , trên phiến gỗ, trên bức tường xây dở, và âm thầm ngày ấy qua ngày  khác, sống chịu đựng, sống không tên không tuổi. Văn nghệ không còn nên khoác ngoài tấm áo mỹ miều , văn nghệ phải có can đảm đi sâu vào cuộc sống,trong đó tiếng khóc không phải là ít bên tiếng cười thưa thớt.
         Chưa bao giờ Linh viết say sưa như đêm nay . Giữa tiếng bào gỗ của anh Luyện, tiếng dao thái phở của anh Niết , tiếng kéo cắt vải của bác phó may , tiếng tính toán tiền chợ của cô Bưởi , tiếng thổi lửa của bác phó rèn . Và thêm vào đấy, tiếng khóc từng chập của thằng Tâm với tiếng ơi hời ru con của Thục.
       Nhưng lần này , Linh vui vẻ đón nhận những âm thanh hỗ tạp ấy trong lòng. Anh run run để muôn ý nghĩ cảm thông với cuộc sống chung quanh . Trên trang giấy trắng tinh , mấy chữ tươi và đậm như nói hết cái sáng sủa  của chân trời anh vừa bắt gặp : “ Một sáng tác mới “
Cố đô- Thu năm Dần 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9