Người mẹ chồng tôi ( Truyện Ngắn Băng Hồ )
nvietdung 30.08.2013 10:54:11 (permalink)

           Chị của em .
 
        Đêm đã khuya  . Gió lạnh bên ngoài. Bà mẹ chồng em và các con Huỳnh đã ngủ say, em dong đèn ngồi viết thư thăm chị . Đã mất tháng rồi, em chả phúc đáp chị được một dòng chữ nào mặc dù nhận của chị hàng chục lá thư không ít. Nhưng em chắc chị cũng chả nỡ giận em. Cái khăn tang lạnh lẽo em đang phải thắt ngang đầu sẽ gỡ hộ em cái tội thờ ơ với chị . Chị sẽ ngậm ngùi : - Không nên trách nó .Nó đang có một tâm sự đáng nên thương hại.
      Và rồi như một ngày nào xưa, chị lại chép miệng :
     “ Con Dung nó đẹp quá, lộng lẫy quá và tài hoa quá. Cuộc đời nó sẽ gặp nhiều nỗi truân chiên vất vả. . Giá nó cứ nhan sắc bình thường như những người con gái khác có lẽ lại hay hơn.”
     Thật thế , chị có ngờ đâu với chưa đầy ba chục mùa xuân , em đã ba lần phải làm lại cuộc đời,những cuộc đời tả tơi như cánh hoa úa héo . Và lần này nữa đây là hết , hết cả chị ạ. Em không còn đủ nước mắt mà khóc như những bận đầu.
     Chị sẽ nhớ đến em, đến con Thùy Dung nhí nhảnh, kiều diễm của mái trường trung học năm xưa, có cây bàng to phủ bóng mát những giờ ra chơi, có hàng quà me sấu, hàng ô-mai ngồi ngổn ngang ngoài cổng. Xinh đẹp, con nhà gia giáo, học lực khá kèm thêm cái giọng oanh vàng những ngày trường ta có hội diễn, ai chẳng tưởng một cuộc đời diễm ảo sẽ dành đợi em sau này.
     Mùa thu năm đó, mười chín tuổi khởi đầu câu chuyện hoa bướm của đời em. Em đã gặp một người trai. Chàng có một nét mặt buồn buồn phảng phất như những hàn sĩ trong truyện Liêu Trai , nụ cười lặng lẽ, dễ thương. Chàng là một sinh viên trường Thuốc sắp thi ra. Chàng gặp em dưới cái ánh sáng lộng lẫy của một đêm dạ hội kinh thành, và chàng thú thực đã yêu em. Từ chối làm sao được ở chị, với cái giọng nói tha thiết gần như cầu khẩn, với cặp mắt đắm đuối trong tình điên dại ? Em chĩ đỏ mặt, vân  vê tà áo để trả lời.
     Thế rồi mùa xuân năm sau, em bịn rịn bước lên xe hoa về nhà chàng. Hôm cưới em, có đủ tiếng pháo nổ ròn, có cánh hoa đào thắm tươi nở rộ, và có nhiều những lời chúc mừng hoan hỷ. Bạn bè khen em tốt số. Riêng chị, em còn nhớ chị đã tặng em cả một tá mùi-xoa lụa với vài hàng chữ , em còn nhớ đến bây giờ : “ Dầu sao, trong ngày vui của Dung chị không muốn bàn ngang. Nhưng chị xem tướng Phong không được trung hậu. Tuy nhiên với tính hiền dịu của người vợ đôi khi cũng cảm hóa được người chồng. Mà ở Dung thì chị tin hơn hết những đức tính đó sẵn có ở em. “
       Thú thực, ngày đó em đã giận chị vô cùng. Khốn khổ cho em. Cặp mắt chưa thoát khỏi ngưỡng cửa gia đình chật hẹp đâu đủ nhận xét tinh vi về muôn nghìn góc cạnh cuộc đời bằng một người ít nhất đã hơn chục năm giời âm thầm sống cô độc nuôi con như chị ?
       Cuộc đời ai ngờ đến cái mặt trái bẩn thỉu của nó. Phong, người tình phong lưu mã thượng chỉ sau ít ngày chung sống  đã lộ hết tâm địa của một gã đào mỏ không hơn không kém. Phong lấy em bởi trót “ hoa mắt ” trước khung cảnh nhà cửa, lầm tưởng em giầu ! Một vài lần hắn ngỏ ý cần những số tiền hàng nghìn hàng vạn để theo đuổi công danh nhưng em biết tìm đâu ra ? Thế là hắn bất mãn, hắn nhiếc móc rồi hắn hành hạ em. Hỡi ơi, những lời tha thiết,những lá thư đẫm nước mắt em càng nghĩ càng thấy mỉa mai. Một lần giữa cơn thịnh nộ của Phong, em đã đưa cả tập thư dầy ấn trước mặt ,nhưng hắn đã cười gằn  xé nát vụn ra :
       “ Hồi ấy tôi nhầm, tôi ngu mới trót viết những câu dại dột này gửi cô…”
       Chị ơi, ngày ấy em đã nhiều lần đến chơi và khóc trong lòng chị để chờ ở chị một lời góp ý. Chị ngần ngừ không dám khuyên em một hành động quyết liệt, nhưng sự đau đớn đã hun đúc ý định em. Em xin li dị với Phong. Tin này đưa đến, mẹ em khóc ngất đi mấy lần. Tuy rất thương mẹ nhưng em cũng không thể làm hơn.
        Một chuyến đầu sang ngang đã khiến em mất hết tin tưởng ở nhịp độ hiền hòa của sông nước. Nụ cười trinh trắng đã rơi rụng quá sớm giữa mùa xuân cuộc đời.
      Nhưng chị ơi, em vẫn biết rằng em đẹp. Một vài buổi ra đường vẫn những đôi mắt đắm đuối, van xin những câu phẩm bình chòng ghẹo đuổi theo em hoài. Em về nhà , đóng chặt cửa buồng soi mình trước gương .Em bẽn lẽn một mình. Hai má em vẫn mọng như trái đào chín, cặp môi son vẫn ướt át ngọt lành và nhất là đôi mặt với hai hàng my mượt dài quầng thâm nét bút than vẫn dễ dàng chinh phục được lòng người. Em vẫn còn đẹp tuy rằng oan trái đã nhiễm vào đời. Cho nên mùa rét năm sau má em lại đỏ hồng, một buổi qua phố Tràng Tiền lộng lẫy, cái người đàn ông ấy nhìn em hiền lành , dại dột tệ. Muốn nói gì với em nhưng chỉ ấp úng đỏ mặt đỏ tai. Nhưng lúc đó , em lại cảm tình với sự ngượng nghịu, quê mùa đó. Bởi em đã thấy sợ những câu nói trơn tru,tiểu thuyết như của Phong. Em được biết thêm Tâm là một công chức, nhà thanh bạch, cũng dòng nho gia. Tâm nhờ người mối lái với mẹ em.
         Xét thấy mình cũng không còn cao giá gì lắm, em nhận nhời không khó. Sự kén chọn đã không còn với em sau cái bẽ bàng ban đầu.
       Em sống với Tâm được trọn ba tháng trong một căn nhà nhỏ thuê ở làng Bưởi. Kể ra em cũng không còn ao ước gì hơn. Tâm hiền lành, tốt, lương tháng được bao nhiêu đưa hết cho em. Nhưng nếu cuộc đời cứ phẳng lặng như thế thì làm gì có lá thư dài nặng nề em đã gửi chị và một ngày chị đã gặp em ở xóm Bình Khang ? Số là một buổi chiều, Tâm đi làm vắng,em đang ngồi đọc cuốn truyện trong buồng thì có tiếng gõ cửa. Một người đàn bà ăn vận lối nhà quê tiến vào với ba đứa con, đứa nhỏ nhất ẵm trên tay,hai đứa nhớn trạc độ lên 5 lên 6 rụt rè nắm áo nhau bước vào. Sự đau khổ tuyệt vọng tạc trên khuôn mặt tái xanh. Người đàn bà không dùng những lời lẽ ồn ào mà chỉ lặng lẽ đem nước mắt ra tự giới thiệu là vợ của Tâm đã có giấy giá thú ở quê nhà, và đây là mấy con chàng. Người đàn bà van nài em thương lấy chị ta và ba đứa con.
       Cô còn trẻ, đời còn dài , cô có thể gặp người chồng giàu sang, xứng đáng hơn Tâm. Cùng trong cảnh đàn bà cả, xin cô khuyên bảo anh ấy quay về với con cái. Cô hãy nhìn xem, các cháu nó ngơ ngác sợ sệt. Mấy tháng nay bố không về, lương không đưa, các cháu nheo nhóc thiếu ăn thiếu mặc. Việc học hành không người kèm cặp dậy dỗ. Xin cô thương các cháu, mẹ con tôi xin đội ơn cô.
      Em chợt hiểu tất cả trong một tiếng sét kinh hoàng bên tai. Vậy ra Tâm đã lừa dối em cũng như lừa dối cả vợ anh ta. Em cảm thông cái đau đớn của người vợ mất chồng đứa con mất cha . Ngay lúc đó em đã ân cần xin lỗi chị ta và đưa cho mấy đứa bé một ít tiền. Rồi ngay một giờ sau, em dọn về nhà mẹ em mặc cho Tâm chạy theo phần trần không hết lời.
     Chị ơi. Sau cái bận ấy, tiếng tăm em đồn đại xa gần . Mẹ em bị đột ngột quá bất ngờ, giở bệnh ốm liên miên trên giường và vốn người yếu sẵn nên đã qua đời ít lâu sau . Em còn nhớ lúc hấp hối người đã nắm tay em ràn rụa nước  mắt :
     “ Mẹ chỉ hối hận đã sinh ra con là gái, lại có nhan sắc giữa cái thời buổi nhiễu nhương điên đảo này, lòng dạ con người thật là bất trắc…”
      Trời ơi ! Em đã giết mẹ em. Em đã gây tội ác. Lương tâm em rạn vỡ. Em không còn đủ sự cân bằng đầu óc để tự mình định hướng đúng đắn con đường đi tới . Thế rồi một buổi chán chường ,mệt mỏi , em đã xiêu lòng trước những lời bùi tai cám dỗ để gia nhập vào xóm Bình Ca này.
      Chị ơi ! Em đã không nghe lời chị can. Em đã là một con cô đầu bán vui cho thiên hạ . Chị hãy cười khinh bỉ em đi. Em đã chết hết Niềm tin và Lẽ phải. Em cười như xé tim gan, em uống rượu và nôn vào lòng khách. Em chửi chúng nó là Sở Khanh, là đào mỏ. Vậy mà lạ ,chúng nó vẫn cười. Một vài thằng sắm điệu bộ si tình ngỏ ý muốn lấy em. Cả Tâm một bận cũng tìm đến, quỳ xuống lạy mời em trở lại.Nhưng về làm sao được nữa hở chị ? Em cứ thích sống thế này để trả thù gia đình, trả thù những gã đàn ông ! Ôm ấp ý định đó, em đã không ngần ngại tạo ra những lời yêu thương ngọt ngào ,những cái đuôi mắt lẳng lơ và để cười khanh khách thu gọn vào lòng những đống giấy bạc tranh nhau dâng đến tay em. Em tính nhẩm có đến sáu, bẩy gia đình tan nát vì nụ cười của em . Chắc chị cũng không ngờ con Thùy Dung nữ sinh hiền, ngơ ngác ngày xưa lại có thể tai ác đến bậc ấy nhỉ. Đúng lắm chị ạ. Những gã đàn ông háo sắc và lừa đảo ấy mà. Mình không ác với họ cũng dại. Gặp dịp họ cũng chẳng tha mình. Bây giờ cần đến thì họ hãy cứ là những con thiêu thân.
      Em cứ tưởng đời em sẽ sống mãi để làm chủ đàn ông như vậy, nhưng có một buổi tối em đã bị chế ngự bởi một khách làng chơi. Khách là một người hết sức lạ lùng, trạc ngoài bốn mươi. Khách có nét mặt gân guốc phong trần, một nụ cười gần như cay đắng , khinh đời. Khác hẳn với những người khác đến đây với những cử động sàm sỡ , khách chỉ ngồi lặng yên,vẻ mặt đanh lại đến khắc khổ. Thói quen nghề nghiệp bảo em nũng nịu sà vào lòng khách, nhưng khách đã nghiêm như một vị thần đẩy em ra và nói :
      “ Tôi muốn gặp em bữa nay để nói một chuyện đứng đắn . “
      Trước vẻ sửng sốt của em, khách nói như một hiệu lệnh :” Em hãy trả lời tôi thành thật. Em có muốn thoát khỏi cảnh nhơ nhớp này để gây lại một cuộc đời lương thiện làm ăn ?”
      A, câu hỏi này em vẫn nghe những gã Sở Khanh đóng vai Kim Trọng lặp mãi rồi ; nhưng ở cửa miệng người khách lạ lùng này , nó ngụ một ý gì nghiêm trang khiến em không dám cười nhạo báng như mọi bận. Em trả lời cũng nghiêm trang như khách :
     “ Bị xô đẩy đến cái cảnh khốn cùng này cũng là một việc bất đắc dĩ. Lòng con người dù hư đốn đến đâu cũng còn một điểm nhỏ liêm sỉ. Nhưng thú thực với anh, em thấy nghi ngờ bụng dạ đàn ông lắm rồi”. 
      Những giọt nước mắt tầm tã rơi trên má em, có thể đây là những giọt nước mắt “thực” nhất chứ không “kịch” như mọi ngày. Khách vuốt tay lên tóc em tỏ ý ái ngại :
     “ Chẳng qua những bước đầu vào đời, em đã không may gặp phải đôi ba kẻ kém nhân cách làm người, nên đã có những ý nghĩ không hay về đàn ông. Nhưng không phải tất cả những đàn ông nào cũng hèn kém, lợi dụng như thế đâu …”Đêm hôm đó, khách nằm cùng em, khách bảo em mua rượu cho khách uống. Và cơn men chuyếnh choáng, khách đã cởi mở cuộc đời cho em nghe. Khách tên là Huỳnh, một người quen sống gió bụi đã lâu. Khách góa vợ hiện còn hai con còn nhỏ dại với một bà mẹ già. Khách đi vắng luôn nên cần một người đàn bà sẽ thay khách trông nom gia đình. Sở dĩ khách tìm đến em, bởi vì khách tin rằng chỉ có những cuộc đời lỡ làng cay đắng, mới dám đảm nhận cuộc sống kế thừa lệch lạc; và mới có những đức tính hy sinh cao quý vượt lên trên những người phụ nữ bình thường; ấy là tình thương những đứa con không phải do mình sinh ra.
      Giọng khách ngập ngừng, đôi mắt khách xa xăm khi khách nói :
    “ Tôi ít có thì giờ sống bên gia đình, tôi còn nhiều bổn phận khác bên ngoài cần hơn . Nhưng tôi cũng không muốn lỗi đạo làm cha, làm con. Vậy tôi muốn ủy cậy em sẽ thay tôi “
      Em đắn đo hỏi khách : “ Anh quên là em có một quá khứ không mấy tốt đẹp ư ? Những mái nhà lương thiện đâu dễ dàng chấp nhận một con dâu như em ?...”
     Khách vẫn nghiêm trang :
   “  Tôi không định kiến nhìn con người trong quá khứ . Sự bất hạnh của em chẳng qua do xã hội , do những kẻ bất lương xô đẩy, chứ em đâu muốn thế. Tôi tin rằng em vẫn có thể hoàn lương như bao cô gái hiền thục khác .”
      Giọng nói ấm áp và chinh phục rọi một tia sáng lóe trong những suy tư bấy lâu u uất của em . Em cười vững lòng nép vào cánh tay vững chắc của khách.
      Thế rồi , hơn tháng sau, em làm lại cuộc đời – Mệt nhọc lắm chị ạ, nhưng phải quyết tâm. Tụi bạn cười cho em là dại , con giời ơi đèo bòng làm chi cho mệt, khác máu tanh lòng nó thương gì mình. Nhưng riêng chị, nhận được tin này, chị gật gù vẻ bằng lòng lắm. Chị nhắn em : “ Phải rồi, dù sao Dung cũng không nên thất vọng quá. Có những gã đàn ông đáng phỉ nhổ , nhưng cũng có những người, ta có thể ta có thể tin tưởng giao cả tâm hồn và thịt xương. Huỳnh chính là loại người thứ hai để em bấu víu mà làm lại cuộc đời …”
       Em lấy Huỳnh lần này không có pháo, không có rượu, không có cả những bữa tiệc linh đình. Chỉ cần một chiếc xe tay hàng chở chiếc hòm da đen đưa em về nhà Huỳnh. Em còn nhờ Huỳnh dặn trước em : ”Anh tin là em sẽ  không giống những người mẹ kế khác trong cái xã hội Việt Nam ngày nay. Mẹ anh đã già nua nên hơi khó tính. Anh mong bằng sự dịu dàng, độ lượng, em sẽ cảm hóa được người “.
         Huỳnh đã tin em và nói thế thì em còn biết trả lời sao ? Đành là một sự cố gắng để khỏi phụ lòng Huỳnh. 
        Ngày em bước chân qua ngưỡng cửa thanh bạch của nhà Huỳnh cũng là ngày khởi đầu bao sự phản đối ồn ào ở đây. Mấy đứa con riêng của Huỳnh nhìn em với sự ghẻ lạnh, xa lánh. Còn bà mẹ Huỳnh đã đập mạnh cái tách nước xuống bàn,gay gắt :
      “ Anh báo hiếu tôi bằng cách rước cái của ấy về đây chắc ? Anh còn lạ gì cái loại gái lầu xanh xưa này có đem lại điều gì tốt lành cho những mái nhà lương thiện, tôi chết thì chết chứ không bao giờ thèm nhận hạng gái ấy làm dâu con !”
        Huỳnh tuy yêu em nhưng cũng là người con rất có hiếu. Huỳnh cười ngọt ngào :
       “ Không, mẹ đừng nên nghĩ thế. Cô Dung đây, con tin không như thế đâu. Đấy rồi mẹ xem. Mẹ cứ hết mực yêu thương dậy bảo cô ta, hẳn cô ta sẽ làm mẹ đẹp lòng…”
       Rồi đêm Huỳnh đẩy cửa bước vào buồng. Huỳnh lau nước mắt cho em và nhẹ nhàng :
      “ Em đừng buồn. Mẹ anh hơi khắt khe, sự va vấp ban đầu là điều khó tránh. Nhưng anh tin rằng bằng tình thương yêu và đức tính dịu hiền của em sẽ cảm hóa được người.”
       Huỳnh đã tin em như thế, em còn dám phàn nàn điều gì . Em chăm sóc hai đứa con Huỳnh như một người chị ruột thịt ( chứ không dám như người mẹ ). Sớm chiều, em cung kính mẹ Huỳnh với sự lo toan của một nàng dâu hiếu hạnh , ý tứ. Đón ý, chiều lòng, nước rót, cơm bưng, bưng bê đấm bóp, thưa gửi dạ vâng, nhưng một cái gì xa cách nặng nề vẫn đào hố sâu giữa em với gia đình này. Cái dĩ vãng không được trong sạch của em là nguyên nhân để mẹ Huỳnh thành kiến, thường buông ra những lời bóng gió day diết và mấy đứa con Huỳnh vẫn nhìn em bằng đôi mắt khinh khi dè dặt. Chúng tránh gọi em là “mẹ” mặc dù Huỳnh đã nhiều lần nhắc nhở, đôi khi buộc chúng phải dùng đến từ này, em cảm thấy sự miễn cưỡng bên trong chúng.
        Em cắn răng chịu đựng với một sự nhẫn nại phi thường. Bởi sự hư hỏng của một quãng đời, buộc em phải nhận sự thua thiệt hôm nay. Hơn nữa Huỳnh đã yêu em thực sự và tin em một cách lạ lùng, em không dám để Huỳnh phải thất vọng.
       Trong cái mái nhà nhỏ bé, nhưng luôn có sự va chạm và ghẻ lạnh – mà Huỳnh lại cứ luôn luôn vắng nhà – em đã cố hết sức thu hẹp mình lại và thường dọn sẵn những nụ cười lặng lẽ trước những người không muốn chấp nhận em.
     Ngày tác chiến, em dắt mẹ Huỳnh và hai đứa con Huỳnh ra vùng ngoài. Em cũng đã qua những ngày lam lũ: gồng gánh chợ búa để cáng đáng cảnh gia đình: nuôi dưỡng một bà mẹ già, lo lắng việc ăn học cho hai đứa trẻ, lại còn hàng ngày xuống hầm chui rúc để tránh máy bay. Cho đến hơn năm sau, em lại cùng tất cả trở về đây. Riêng Huỳnh còn thiếu – người đàn ông ấy những ngày rất xưa đã hay vắng nhà – bây giờ là cơ hội thuận tiện nhất cho chàng say sưa với nghiệp lớn, thoả chí bình sinh.
      Thế rồi chị ơi, giông tố lại một lần nữa giáng xuống đời em – một vành khăn tang trắng rợn người đã thắt lên cái tuổi xuân của em quá sớm.
      Một buổi chiều, em còn nhớ rõ. Hôm đó là một chiều hè bỗng dưng bão gió nổi đùng đùng làm đổ gãy cả cây cối, em vừa bưng mâm cơm lên, mẹ Huỳnh và hai đứa trẻ kia sắp ngồi vào bàn thì một người bạn quen từ “ngoài kia” vào đến thăm nhà và đưa một tin khủng khiếp : Huỳnh đã ngã xuống tại một vùng quê trong một cuộc oanh tạc của quân thù. Người bạn của gia đình còn trao lại cho em những vật kỷ niệm của Huỳnh : cái đồng hồ, chiếc bút máy, quyển sổ tay ghi chép những chặng đường, quyển nhật ký có nhắc nhiều đến em và mẹ Huỳnh cùng hai đứa con…
       Mẹ Huỳnh choáng váng bất ngờ ngã lăn ra ngất xỉu . Mấy đứa con Huỳnh mặt tái mét, khóc um lên  .
      Giá chỉ có riêng mình em , em sẽ đóng chặt cửa mà khóc cho khô nước mắt vì “ba lần gái góa” còn gì bất hạnh hơn. Nhưng lúc đó em không thể làm thế được. Lâu nay vắng Huỳnh – dù những người thân chưa muốn công nhận – nhưng hiển nhiên em đã là trụ cột chính cho cái nhà này. Em dắt mẹ Huỳnh ngồi lên, xoa dầu đánh gió, lấy khăn lau nước mắt cho người, em an ủi hai đứa con Huỳnh, nhắc chúng nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của người đàn ông trong thời loạn, em mời nước, ngồi tiếp những người hàng xóm nghe tin dữ sang chia buồn, hỏi thăm…
      Nhưng đêm hôm đó, đợi lúc cả nhà đã ngủ yên, em mới ra sân, vắng vẻ một mình thắp mấy nén hương và cứ thế em gục đầu vào thành cái bể nước mưa mà khóc như mưa như gió. Em khóc cho số phận em, khóc cho cái cay đắng cuộc  đời, em khóc thương Huỳnh chí lớn chưa thành, hoài bão dở dang.
      Bỗng một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai em , và một giọng nói cũng thật dịu dàng :
      “ Thôi “con” vào đi, khuya rồi kẻo lạnh. “ Chồng con” đã chết cho đất nước cũng là vinh dự cho “mẹ” cho gia đình nhà ta ...”
      Ôi những tiếng “con” và tiếng“mẹ”  mà em chờ đợi đã bao lâu ,lần đầu tiên được nghe. Em lau nước mắt rưng rưng ngửng đầu lên . Bà mẹ chồng em đã đứng sau lưng em từ lúc nào không biết, mái tóc bạc phơ, dáng người run rẩy, đôi mắt nhìn em nặng trĩu xót thương. Người lẩy bẩy đưa đôi bàn tay già nua khẽ kéo em đứng dậy.
      Chị của đời em !
      Nỗi khổ đau chung đã kéo những con người trong mái nhà này sống gần gũi nhau hơn . Mọi sự hiềm nghi cách biệt bấy lâu nay thốt được san bằng. Trong những giọt nước mắt rạn vỡ, bà mẹ chồng đã nắm chặt tay em tưởng đâu đã tìm thấy trong đứa con dâu yếu đuối mỏng manh kia chút hơi hướng thân thuộc của người con trai yêu quý. Hỡi ơi ! Giá mà lúc này Huỳnh còn sống,chàng sẽ sung sướng biết bao . Điều sở nguyện của chàng – trông thấy mẹ hòa hợp cùng em – chỉ có thể thực hiện khi chàng không còn nữa.
      Nhiều người muốn hỏi thái độ của em sau khi Huỳnh mất đi. Em không ngần ngại mà trả lời : Em sẽ trọn đời sống dưới mái gia đình Huỳnh để phụng dưỡng mẹ Huỳnh, đùm bọc mấy đứa con Huỳnh và để làm cái công việc của người “nàng dâu” chăm sóc, hương khói cái bàn thờ mà Huỳnh là con trưởng, cháu trưởng. Em cảm thông cái mất mát to lớn của người mẹ mất con ( lại là người con duy nhất )của những đứa trẻ mất cha. Tất cả bơ vơ, mỏng manh, yếu đuối, tất cả lúc này chỉ còn trông dựa vào em .
       Huỳnh đã sống một cuộc sống đáng trọng. Chàng không nghĩ gì cho bản thân mình mà chỉ dốc tâm lo lắng cho nghiệp lớn chung. Chàng đã rũ bỏ mọi cảnh êm ấm gia đình để dấn thân vào con đường đầy cát bụi bão giông. Chàng đã bỏ mình vì lý tưởng cao đẹp hằng theo đuổi. Em xin nguyện sẽ thay thế chàng : chăm sóc mẹ chàng, con chàng coi như một nghĩa vụ , một bổn phận thiêng liêng để xứng đáng với người quá cố.
      Điều làm em ấm lòng là hai đứa con Huỳnh nay đã gọi em là “mẹ” .Chúng đã coi em thực sự như mẹ của chúng. Đi về dạ vâng,thưa gửi. Có điều gì u uẩn chúng cũng sà vào lòng nhờ em tháo gỡ. Đúng như lời Huỳnh nói khi còn sống : “ Em hãy yêu thương chúng bằng cả tấm lòng bao dung của người mẹ thì rồi nhất định chúng sẽ quý em bằng cả tình cảm tự nhiên của những đứa con”. Số phận đã không cho em được có con riêng với Huỳnh , thì em sẽ coi chúng như con em , có sao đâu ?
     Mặt khác em cũng muốn cho cái thế nhân này hiểu rõ thêm. Những người con gái lầu hoa mà xã hội hiện giờ đang khắt khe kết án không phải là hoàn toàn bỏ đi… Nếu gặp hoàn cảnh tốt, hoặc nếu gặp người đàn ông có nhân cách xứng đáng làm “người” họ vẫn có thể trở thành những người vợ hiền như trăm vạn cô gái khác. Họ còn có thể hơn người ở những hy sinh nhẫn nhục , biết cắn răng vượt lên đau khổ, bởi vì hơn ai hết họ đã từng là những kiếp đời vật vờ , tê tái, mọi góc cạnh ngang trái từng hiểu rõ hơn ai …
       Chị của em.
      Hiện nay em rất bận rộn , trăm công nghìn việc phải lo lắng hàng ngày để duy trì cho sự yên ổn cho một mái nhà vắng cái trụ cột chính là người đàn ông. Cũng vất vả lắm chị ạ. Nhưng sao em lại cảm thấy chưa lúc nào cuộc sống ý nghĩa, ấm áp bằng những ngày này. Em chợt hiểu ra : “ Khi ta biết sống hy sinh, quan tâm đến những người xung quanh, cuộc đời sẽ bớt cô quạnh và đẹp hơn rất nhiều”.
       Chị.
       Gió đang se lạnh bên ngoài . Thỉnh thoảng cơn gió dữ lại khua động tấm mành trúc treo bên ngoài cửa. Trong căn buồng đây, im ắng như tờ . Bà mẹ chồng em đang vừa trở mình, bật khẽ mấy tiếng ho khan trong chiếc màn bịt bùng . Một đứa con Huỳnh đang lảm nhảm nói mê , chắc là ban chiều đùa nghịch quá đấy thôi ! Chị cho phép em dừng bút để kéo lại chiếc chăn cho mẹ chồng em và  vỗ về cho thằng bé ngủ ngon – mai sớm còn đến trường. Và hẳn lại như lấn nào , chị lại ngậm ngùi thương em ba chuyến đò dang dở , bão tố giữa dòng , hay chị sẽ an ủi em nhè nhẹ :
      “ Con Dung nó cũng vinh dự - làm vợ một người đàn ông đã bỏ mình cho nghiệp lớn !”
                                                                   Em của chị
                                                                  Thùy Dung     
Viết tại Đô cũ một chiều nồng dưỡng bệnh 7-7-1951
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9