Không giờ rồi

Tác giả Bài
nguyenvanhien
  • Số bài : 23
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.07.2013
Không giờ rồi - 02.09.2013 15:00:23
Đời ngồi trước sân, hai mắt chứa đầy bầu trời đêm không sao. Ngọn đèn sau lưng hắt đổ cái bóng mòn mỏi chảy tràn ra đường, nằm nghiêng vẹo. Gió lạnh rớt xuống từ xa xôi trời, thấm luồn vào áo, trườn trượt lên da, ăn mòn vào hơi ấm nhỏ nhạt dần. Nhưng Đời không lạnh. Anh không để ý đến thời tiết, bởi dòng suy nghĩ bận đóng băng trong ngóng đợi chuỗi âm thanh ngọt lững dong dõng rao lên từ đầu hẻm, lo lắng một dáng hình mỏng manh liêu xiêu giữa gió đời mưu sinh tỉnh lẽ.
Đời nhớ đến Hậu, người vợ đã theo sau cuộc đời rong ruổi, lặn lội từ liếp ruộng bờ sông, theo anh đến tận Sài Gòn người xa đất lạ. Anh nghĩ, chí ít cũng ba bảy sông hồ, sắp cạn biển mòn non. Mỗi lần chở nhau trên đường, khẻ nhìn qua tấm kiếng chiếu hậu, anh hồ hởi yên tâm khi còn thấy đôi chân mày lá liểu cong cong, đôi mắt rán buồn chơi vơi đậu sau lưng; nghe đôi tay mềm vòng qua bờ eo xiết chặt âm ấm, cảm hơi thở nhẹ mong manh chạm vào gáy nồng nồng.
Mười năm lẽ.
Hơn ba ngàn ngày bên nhau Đời vẫn còn thấy thiếu, thiếu nhiều lắm.
“Thiếu em chắc anh không sống được”.
Hậu cười, buông đôi mắt tê mê ngó nhìn anh. Bóng cây trâm bầu non không đủ che hai bóng người, mặt Đời trộn vào nắng trưa oi nồng. Gió ngoài Rạch Lớn tung tăng lùa trên mặt nước, thổi vào bờ, nhởn nha ve vuốt lên từng chiếc lá trâm bầu xanh, xì xào. Hậu ngắt trái trăm bầu hực vàng, bỏ vào tay, nâng lên ngắm, tự hỏi rằng, cũng là trái nhưng tại sao trâm bầu mỏng manh, nhỏ bé, không ngọt ngào mà đăng đắng.
“Chuyện tụi mình rồi cũng đắng như trái trâm bầu này”.
Đời than. Và anh cũng hình dung, nếu gom tuổi thơ mình bỏ gọn vào hột trâm bầu, nhỏ như hạt gạo. Mỗi khi ở một mình, đem ra nhấm nháp, vị đắng hắt ra, cay xòe đọng trong đôi mắt.
Đời ít khóc. Đời chỉ khóc mỗi khi cần nước mắt để rữa trôi đi những cơ cực quá khứ, để làm tươi hiện tại. Đời chỉ khóc một mình. Khóc ở một góc nào đó mà không ai nhìn thấy. Đời coi nước mắt như bàn tay mẹ xoa đầu an ủi khi vấp té. Đời xem nước mắt như bàn tay mẹ dắt bàn tay nhỏ, dìu qua mấy chổ sình lầy. Đời coi nước mắt như bàn tay cha vỗ lên vai khi anh cần an ủi. Đời xem nước mắt như nụ cười chia sẽ của người thân mỗi khi họ nghe được mấy điều anh nói. Đời đã có thói quen giấu đi cái mong muốn bày tỏ với người khác từ lâu. Cất sâu. Thật sâu. Để nó không trôi dạt ra giữa dòng suy nghĩ. Và mỗi lần khóc, Đời nhớ đến ngoại.
Ngoại! Tiếng đầu tiên Đời gọi một người đàn bà thân thiết là “ngoại”, không phải “má”. Lớn lên chút nó hỏi, má con đâu ngoại? Sáu im lặng bới tóc, cột lại chiếc khăng choàng hầu, quay mặt, đi te te ra lu nước sau hè. Ngữa mặt. Nâng chiếc gào mên đầy nước, nghiêng nghiêng run. Nước đổ từ trán, tràn qua khuôn mặt, luồn xuống cổ áo, vuốt lên bầu ngực còn nhạt mùi trinh nguyên, rưng rức. Chiếc gào mên rớt xuống, đập lên mặt nước. Trời đựng trong lu vỡ tan tành… Đời lủi thủi bước ra cửa nghe nắng cao dọi xuống mái nhà, nổ răng rắc. Đời không tin lời thằng Tí nói nó là con hoang. Phải nghe lời ngoại, ba má nó đi làm ăn xa gửi Đời lại cho ngoại nuôi. Mỗi người mỗi cảnh, đâu ai cũng giống nhau.
“Em đâu có giống như người ta!”. Nắm lấy bàn tay Đời, Hậu nghe những vết chay mòn chạm vào trái tim, nao nao. Hậu biết người ngồi bên cạnh mình cục mịch, hiền hậu. Vất vã đè, uất ức nén. Nhưng anh không thù ghét cuộc đời, lầm lũi sống, chịu thương cam khổ. Mấy lần cha mẹ nàng xỏ xiêng phản đối, Đời cuối đầu nghe, nghe xong, bỏ đi đăm đăm, chút sau gặp lại vẫn còn đó một nụn cười. Đời không giận.
Đời đã không giận ai từ lâu. Dù ba má đã không một lần hiện ra trước mắt Đời dù trong mơ. Ký ức Đời chừa một khoảng trắng dài và xa. Để yên đó. Để một ngày. Dành một lần. Hớn hở. Nhận má, nhìn ba. Đời mĩm cười tưởng tượng ra điều đó mỗi khi Sáu gội đầu cho nó bên hè. Bàn tay mềm. Đầy thân thiết. Dầy âu yếm.
“Lỡ ngoại chết rồi con sống với ai?”. Sáu lau mặt cho đời trong giọng ho sù sụ, nước mắt chảy tràn trên hai gò má héo hắt. Đời vòng tay ôm ngoại, xiết chặt, giọng điệu hơi hốt hoảng. “Đời không cho ngoại chết. Ngoại sống để Đời đi cày mướn nuôi ngoại nữa chớ!”. Sáu nghèn nghẹn hơi thở, tự biết sự sống mình mong manh lắm, mỏng như sợ tơ nhện giăng bám trên vách nhà, mềm như giọt mưa chỉ chờ rớt xuống là tan ra. Sáu chỉ lo cho thằng nhỏ, rồi không biết cuộc đời nó sẽ ra sao? Nó sẽ bơ vơ cút côi khi mới hơn mười hai tuổi? Rồi nó sẽ oán mình? Mãi để suy nghĩ trôi theo dòng lo lắng, Sáu chìm dần vào giấc ngủ.
“Ngoại dậy ăn cháo, con mới nầu rồi nè”. Đời cầm tay Sáu lắc lắc nhưng không thấy ngoại động đậy, Sáu nằm co ro, màu da xám xịt. Đó là lần cuối cùng Đời nấu cơm cho ngoại.
“Ngoại mày chính là má mày”. Giọng dì Tám thẳng tuột.
Đời ngó dì, ánh mắt chơi vơi âm ỷ.
“Cái thằng khùng! Con Sáu mới ba mấy tuổi sao có cháu bự bằng mầy được”. Đời im lặng. Nó đốt nhan thắp lên bàn thờ ngoại. Khói lửng lơ chui tọt vào mắt cay xè. Dù ngoại, dù má. Bây giờ, đã không còn quan trọng nữa. Đời thật sự mồ côi.
“Mày thương cái thằng mồi côi, trôi sông lạc chợ đó hả?”. Bà Hai vung chổi chà đập đập vào người Hậu, đau rát. Nhưng Hậu ngồi lặng im chịu đựng, mắt nhìn ra ngoài Rạch Lớn, chổ đó. Nơi, bửa Hậu định bơi xuồng qua bên kia rạch kêu người cắt lúa, đến giữa dòng, Hậu rớt xuống, chới với, ngoi ngóp. Chìm dần. Chìm dần. Đúng lúc Đời đi qua nhìn thấy chiếc xuồng trôi khơi khơi, thấy mái tóc đen bồng bềnh trong nước, mất dần mất dần. Có người chết chìm! Nghĩ vậy, Đời hối hả nhảy xuống, ngụp lặng, vớt Hậu lên lên bờ trong hơi thở thoi thóp. Và nàng bắt đầu thương Đời từ đó.
“Mày thương nó thì tao từ mày”. Bà Hai quăng chổi vào gốc dừa, chân đi thình thịch vào nhà không thèm ngoái lại. Hậu ngồi gục mặt xuống đầu gối, mái tóc đen dài xõa mềm trên lưng.
Đời ngồi chải tóc cho Hậu. Bàn tay anh nhẹ nhàng vuốt trên mái tóc nàng, năm ngón tay khẻ khàng luồn dài theo những sợi tơ mịn màng, Đời rưng rức, mới hơn mười mấy năm mà chúng đã xơ đi nhiều. Cực khổ đã lấy đi nhiều son trẻ của Hậu. Làn da. Mái tóc. Bàn tay. Rung cảm đó đẩy đôi môi anh thều thào. “Mình!..mình!...”. Anh gọi trong cái hơi sức cố gắng như chưa từng được gọi. Anh gọi trong giọng điệu chứa đầy nhựa yêu thương ràng ruộc. Nàng quay lại, mở mắt long lanh, đăm đăm nhìn anh:
“Anh có thương em thiệt hông?”
Câu nói này Đời đã nghe nhiều lần. Cứ mỗi lần nghe câu hỏi đó, tình yêu của anh càng cột chặt vào nàng hơn. Anh cứ muốn nghe lời nói đó thêm mãi. Nghe cho đến khi không còn nghe được. Khi tình yêu đã đầy thì mọi tán dương, mọi ngọt ngào đều trở thành giả dối. Những lần sau anh đều không trả lời. Anh chỉ kéo Hậu vào lòng, xiết thật chặt, mãi không muốn rứt rời xa.
“Em không tin thì anh thề…”. Hậu bước ra khỏi góc trâm bầu, ngó Đời nói giọng chắc nịch:
“Em biết mà!”
“…”
“Thương em thì mình trốn đi. Đi thật xa. Đi đến chổ nào không còn ai dòm ngó”.
Ừ! Thì đi! Cuộc sống của Đời đã không có gì ràng buộc, chẳng ruộng vườn, không người thân. Chỉ tội cho Hậu. Nhưng tình yêu đã mạnh hơn những day dứt khác, anh quyết định rời xa Rạch Lớn cùng Hậu.
“Tối ba mươi em ra chổ gốc trâm bầu này. Mình cùng đi!”.
Đêm ba mươi. Đời nhớ lắm. Cái hôm hai bàn tay len vào nhau chạy vụt đi trên con đường làng thăm thẳm. Đời những tưởng với sức lực của mình anh sẽ che chở Hậu, cho nàng được thảnh thơi như thời con gái. Nhưng giữa Sài Gòn, dù ngày cong lưng trên công trường xây dựng, đêm dầm sương chờ khách ở góc đường chạy xe ôm, cảnh nhà cũng túng trước hụt sau. Khó khăn đó đã đẩy Hậu ngày đi may, đêm còn ra đường bán bắp luộc. Đời cản. Hậu nói mình chuẩn bị dần, em còn nợ anh một đứa con, có con rồi mình sẽ lo ít hơn.
Lo lắng lôi kéo. Nhiều đêm Đời không ngủ được. Trời đã về khuya. Anh gác tay lên trán, nằm ngó lên trần nhà. Hậu nằm kế bên nghe chồng thở dài, nhìn qua giục: “Ngủ đi anh!”. Đời vuốt vuốt lên mái tóc Hậu, rờ lên làn da mặt mịn màng ngày xưa giờ đã xạm đi, anh dỗ dành: “Em ngủ đi!”. Hậu véo tai Đời và lập lại câu hỏi cũ: “Anh có thương em thiệt hông?”.
Có chứ! Rất nhiều. Đời nghĩ vậy. Và đêm nay anh thao thức ngồi đây để đợi Hậu. Như bao lần Hậu ngồi trước cửa đợi anh, mỗi khi phải đưa khách đi đường xa về trễ. Đời bồn chồn chạy vào xem đồng hồ.
Không giờ rồi.
Tàn đêm sắp đến.
Đường phố ngủ vùi.

- NGUYỄN VĂN HIẾN -

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
Re:Không giờ rồi - 03.09.2013 03:46:19
"Không Giờ Rồi" đã được mang vào thư viện.
 
Xin cám ơn tác giả.