Tái Sinh - Mặc Bích
frank 03.09.2013 00:16:48 (permalink)
Tái Sinh
 
Mặc Bích
 
“Theo bn tin ca Tân Hoa Xã loan ti vào cui tháng 9, 2004, bà Yang Huanyi, quê quán ti H Nam va qua đời ti nhà riêng vi s tui th không chính xác lm, 95-98. Bà là mt trong 7 người ti Trung Hoa còn biết x dng loi ch Nushu, mt c t (Nushu, tm dch là N t). Đây là mt loi ch viết đặc bit do ph n Trung Hoa sáng to ra nhm đáp ng nhu cu bày t cũng như trao đổi nhng tình cm riêng tư trong thế gii riêng ca h khi mà ch đứng cũng như thân phn ca người ph n Trung Hoa b h thp đến cùng cc. H không biết đọc, không biết viết. Loi ch Nushu gm tt c 1,800 ch được to thành bng nhng nét nguch ngoc, khác hn vi kiu ch Tu. Nam gii Trung Hoa đã coi Nushu như mt th ch dành cho bn phù thy. Nhng nhà ngôn ng hc xem đây là mt sáng to đáng k ca ph n Trung Hoa. T năm 1950, nhiu hc gi Trung Hoa đã b công nghiên cu Nushu, nhưng vi cuc cách mng văn hóa t năm 1966-1976, Nushu b lit kê là sn phm ca phong kiến và b cm. Vi s người còn biết đến loi ch Nushu ch đếm trên đầu ngón tay, người ta phng đoán loi ch này s biến mt ti Trung Hoa nói riêng và trên thế gii nói chung.
 Đọc bn tin vi ít nhiu ngm ngùi, tôi viết câu chuyn dưới đây
 
 
Nàng khép cửa thoắt ra ngoài, nhẹ như một làn khói luồn khỏi khe cửa gỗ nặng trịch. Thoáng trong những lùm cây tiếng chim rúc rích gọi nhau làm đầy một không gian hãy còn sụp nửa mi mắt. Hình như một nửa người nàng vẫn còn trong cơn mộng mị của giấc mơ lúc gần sáng, nửa kia bước những bước quen thuộc về góc sân.
Hàn San quăng chiếc gàu xuống lòng giếng. Tiếng gàu gỗ va nhẹ vào mặt nước làm thành tiếng chào đón đầu ngày, đục và trầm như một kẻ hết hơi mà vẫn chưa làm nàng tỉnh hẳn. Ngay cả những động tác ném, kéo gầu nước dường như không phải do nàng, ai đó. Mãi đến khi đổ đầy nửa thạp nước thứ nhì, tay chân nàng đều ướt, Hàn San mới thấy tỉnh, cũng là lúc sương đã tan hết dần. Nàng nhìn thấy rõ mặt nước nhỏ xíu trong giếng, thấy mình đang chao đi chao lại trong cái sóng sánh loang loáng chấp chới lẫn ít trời mây. Hiện rồi lại biến, giống như một cuộc đối thoại bị cắt làm nhiều đoạn nhưng không có ai khác ngoài nàng và lòng giếng sâu hun hút.
Khi cúi xuống với cùng động tác quen thuộc, cũng là cái gàu chót của thạp nước thứ hai, một giọt nước trong vắt từ trán nàng rơi xuống, nhanh và tan loãng trong chiều sâu âm u ấy. Cơ hồ có tiếng vọng lên về sự va chạm đột ngột từ mình và cái mặt gương chao đảo kia. Rồi thôi.
Sau khi đổ đầy hai thạp nước, nàng cuộn dây, cất gầu, cũng là lúc mặt trời bắt đầu lên thấy rõù sau rặng núi bên kia. Cái ánh sáng vàng nhạt và loãng thổi chút hơi ấm hồi sinh đang cố đẩy nhẹ những phiến sương còn sót lại. Đã có bao nhiêu buổi sớm mai nhìn lên đỉnh núi mắt bị chận lại ở đó và Hàn San lại nhớ đến mẹ, đến giọng nói trong như tiếng phong linh lúc lắc trước gió nhẹ của những ngày đầu xuân..
Những căn nhà quanh đây nằm suốt từ chân núi lên đến lưng chừng giữa núi, một bên sườn núi thoai thoải xuống nhiều nấc nên người ta trồng trọt, canh tác. Phía bên kia là vực sâu hun hút, đá nhiều, lởm chởm những cây, không thấy đáy. Người ta bảo dưới đó có quái vật sống nghìn năm, thỉnh thoảng nó phà hơi thở lên làm thành những tảng mây trôi lấp lửng. Đỉnh núi lúc nào cũng lẫn trong mây như bị cắt mất ngọn, và người ta cũng bảo kẻ nào lạc lên đó nếu không tìm thấy đường về thì cũng bị quái vật từ dưới vực thung lũng vươn tay lên bắt. Và mẹ Hàn San đã biến như thế. Biến luôn trong một ngày đầu hè khi nắng còn dịu, khi cây lá còn non tươi và trước mỗi nhà những người già ra ngồi hong nắng, giơ những cáønh tay gầy đét, nổi đầy gân trên làn da khô tróc vẩy như những con thú vừa chui ra khỏi hang sau một mùa đông ảm đạm không ánh mặt trời, và bóng những đứa trẻ chạy vui đùa như những bông hoa bên cạnh những cành khô mốc nhưng vẫn còn nhựa sống ri rỉ.
Mẹ biến đi không biết ngày hay đêm. Chỉ biết ngày sau đó mấy người thợ săn tìm được tấm khăn mỏng mẹ hay quấn quanh cổ mắc trên cành cây sát bờ vực thung lũng ở mãi trên cao. Khi họ đưa chiếc khăn cho ông Diệp, cha nàng, ông thản nhiên xua tay không muốn nhận. Bà Linh, quản gia là người đã cầm tấm khăn quàng lên vai Hàn San, lúc ấy nàng 15 tuổi, ôm chặt lấy nàng và giữ ghì một lúc lâu. Nàng chỉ kêu được: một tiếng “Mẹ ơi!” rồi nuốt trọn vào trong lồng ngực nỗi thảng thốt của một niềm đau bất chợt chưa rõ nét. Hai mùa hè như thế qua đi, nỗi mất mát đột ngột chiếm ngự hết khoảng trống trong nàng, ngang nhiên gậm nhấm Hàn San để mỗi lần nàng há miệng chực gọi “Mẹ ơi!” thì nó lại bịt miệng không cho thoát ra mà lại nhồi lại nhét xuống đến tận sâu. Và hai tiếng “mẹ ơi!” ấy trở thành những tiếng ngất thất thanh của sự lạc lõng trơ vơ ẩn hiện thấp thoáng trên đôi mắt mới lớn 17 tuổi có mầu của bóng mây nhưng tiềm ẩn một ánh sáng dị thường bởi vòng tròn có màu xanh đá quanh con ngươi. Mẹ đi nhưng tấm khăn ở lại. Đó là chứng tích sau cùng về sự có mặt của mẹ trong ngôi nhà này. Mọi người chẳng ai nhớ đến mẹ vì còn đang bận rộn thu xếp đón chào bà vợ thứ ba của ông Diệp.
Mùi khói bếp sớm mai khen khét lẫn trong tiếng gió rừng thốc vào mũi Hàn San nhắc nàng đến những bổn phận trong ngày. Những giọt mồ hôi trên trán nàng đã khô từ lâu, chỉ còn lại cái cảm giác dinh dính ở sau lưng.
Như một bóng ma, Hàn San lại đẩy cửa trở vào nhà. Bà Linh đang thu dọn mấy thùng vải nghe tiếng chân nhìn lên. Thấy Hàn San, bà Linh cười. Cả khuôn mặt của người đàn bà ngoài 60 tuổi đã vốn lệch lại càng méo thêm vì những lôi kéo của một bên mép miệng xếch lên nhiều hẳn một phía, lộ ra một lỗ hổng của hàm răng trên đang xô đẩy nhau tiến trước để trám vào cái khoảng trống mất mát của mấy chiếc răng cửa. Một bên mũi phải cũng theo sự giằng co mà ngoẹo một bên theo với cái miệng. Và đôi mắt nhỏ tí, không đen mà nhờ nhờ nhưng sáng quắc những lúc cơn giận dữ ở bà Linh bộc phát cũng phải nhượng bộ lệch về cùng phía. Nếu che đi một nửa khuôn mặt, bà Linh không phải là người đàn bà xấu, Hàn San nhận xét như thế và hơn tất cả mọi người trong ngôi nhà này bà Linh là người có trái tim. Từ trái tim của bà Linh nở ra những bông hoa ngát mùi nhân ái, ngọt ngào như những dấm dúi thương cảm mà chỉ một kẻ chơ vơ như Hàn San mới nhận biết. Người quản gia trung thành này của ông Diệp đã ở với gia đình họ Diệp từ nhỏ, tiếp nối từ thời ông cha của bà. Họ sống ở đây, rồi cũng chết ở đây. Nghĩa trang của từng giòng họ nằm chênh vênh các góc đồi, những người làm của họ cũng được cái vinh dự sống cùng, chết cùng để hàng năm cũng được hưởng chút nhang khói, cùng. Chỉ có mỗi mẹ Hàn San là không. Sự tách lìa của bà chặt đứt mọi liên hệ với giòng họ Diệp. Sống thì lỡ mà chết thì chọn! Điều này làm nàng băn khoăn mỗi khi nhớ về mẹ.
Bà Linh đẩy thúng vải ra hiệu cho Hàn San rồi móc trong túi áo bông chiếc bánh bao đưa cho nàng. Chiếc bánh hãy còn nóng có lẽ vì được ủ trong túi áo bà Linh. Lần nào bà Linh đưa ăn thức gì không phải vào bữa ăn chính nàng đều bị nghẹn. Có cái gì mắc ngang cổ chận những vướng mắc từ bên trong không cho ùa ra. Chiếc bánh bao sáng nay cũng không ra ngoài thông lệ đó. Một câu nói cám ơn có lẽ không cần thiết.
Bà ta nheo nheo mắt nhìn nàng. Đôi mắt chỉ thấy nhíu lại như một sợi chỉ.. lệch một bên. Họ chẳng nói với nhau lời nào.
Cặm cụi thêu những đôi giầy vải, Hàn San đã để mọi ý nghĩ trong đầu mình biến nhanh. Nàng chăm chú với đường kim mũi chỉ, những sợi chỉ màu sắc sặc sỡ huê dạng. Những bông cúc, hoa mai, nở ra dưới bàn tay thành thạo và khéo léo của Hàn San. Chỉ có mình bà Linh gật gù tán thưởng công trình sáng tạo của nàng, còn kỳ dư mọi người trong nhà, kể cả những đứa em cùng cha khác mẹ với nàng, đều xem đó là chuyện đương nhiên và tầm thường. Hàn San không chỉ thêu và làm giầy vải, nàng còn may quần áo cho cả nhà. Mấy đầu ngón tay của nàng chai cứng ở tuổi 17, cũng không khác con Tiêu, con Trinh lo việc bếp núc, vườn tược. Nàng cũng không được cái nhan sắc của những đứa em chia một nửa huyết nhục. Hàn San đúng là một thứ tầm thường trong ngôi dinh cơ rộng lớn của giòng họ Diệp. Nàng sẽ sống già dưới mái nhà này, chết đi mang tên Diệp hay một ngày nào đó sẽ được chính cha nàng gả bán làm lẽ cho một lão già của giòng họ nào khác cũng quanh quẩn trên vùng đồi núi này, hay lại sa vào tay một người đàn ông quê mùa? Số phận của nàng sẽ tùy thuộc ở ông Diệp. Như thế, những ngày ngồi thêu thùa bên cạnh bà Linh có lẽ trở thành những giây phút bình yên và hạnh phúc như cái bánh bao nhân đậu ngọt và bùi đang nằm trong bao tử Hàn San sáng nay.
 
*
 
Khi chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả như tiếng thở đều của đêm, lúc mà cả nhà đã say ngủ, chỉ duy nhất ánh lửa trong bếp còn le lói, Hàn San rón rén dậy. Nàng nghe ngóng một lúc rồi nhẹ như làn gió, nàng cầm quạt xuống bếp. Ngồi xuống bên bếp lửa, ánh lửa hồng hơn ráng chiều của một ngày nhiều nắng, Hàn San xòe chiếc quạt. Trên chiếc quạt giấy màu ngà ngà không hình vẽ kiểu cọ chỉ nguệch ngoạc nhiều lằn vạch run rẩy ngang dọc như những vệt bẩn. Nàng cúi đầu, đưa quạt gần bếp lửa cho thêm ánh sáng rồi tìm bên cạnh bếp nhánh củi cháy khô nho nhỏ giấu sẵn ở cạnh lò. Ban ngày, bàn tay nàng điều chỉnh cây kim khéo léo bao nhiêu mà bây giờ lại vụng về với nhánh que củi cháy khô bấy nhiêu. Nàng chúi mũi gò thành từng vệt run run  trên mặt bên kia của chiếc quạt giấy. Một hai nét rồi lại ngừng tay ngắm nghía. Có những lúc Hàn San ngồi như xuất thần một lúc rồi lại mím môi nắn nót quệt trên nền giấy của chiếc quạt. Từng cố gắng, từng nét xấu xí méo mó lệch lạc là từng trút bỏ âm thầm mà hoan lạc cho Hàn San. Nàng nhớ đến mẹ, cám ơn mẹ đã dạy cho nàng thứ ngôn tự riêng biệt Nushu. Cả vùng Hồ Nam, số người biết đọc biết viết loại chữ này rất ít. Ai là người đã đặt ra nó, Hàn San hỏi mẹ một lần. Mẹ bảo không biết chỉ nói đây là lối thoát của những người sinh ra là đàn bà trong xã hội này. Đó là thứ ngôn tự của riêng họ, bí mật và phổ biến hạn chế với lời tuyên hứa trung thành, đối nghịch lại với cả một hệ thống chữ nghĩa của nam giới mà phụ nữ không được quyền học hỏi. Những người phụ nữ như mẹ, như bao người khác, như Hàn San, đây là một cái cầu nối những trái tim cùng cảnh ngộ, những buông thả mà mắt thường không dám nhìn không dám nghĩ tới. Riêng đối với Hàn San, đây là một người bạn trung tín. Nàng có thể viết cho người bạn đó biết những ước mơ của mình, những thù hận, những nghi ngại, sợ hãi. Viết như mình nghĩ, thật như chỉ có mình với mình chứ không viết như một cách lừa đảo với cả chính mình. Viết rồi đọc lại, thấy một con người khác, không những chỉ thấy mà còn muốn được sống thật làm con người ấy. Đã bao nhiêu người phụ nữ trước nàng đêm đêm gò gẫm trút bỏ những cay cực của kiếp làm đàn bà trên đất nước này? Và sau nàng còn bao nhiêu người như thế? Những “nữ tự” này không thể chỉ là những giải tỏa trong một phút giây nào đó hay chỉ đơn thuần là những chia xẻ của những người cùng cảnh ngộ. Cái con người khác trong Hàn San đêm nay còn đòi hỏi nhiều hơn nữa, đòi được sống được thở được nhìn được nghĩ như nó muốn. Cái giới hạn của những hàng chữ nàng viết xuống trên mặt quạt giấy không chỉ chấm dứt ở đây. Nàng biết mình sẽ phải làm gì.
Đêm nay, Hàn San viết về một người khách lạ của cha nàng. Giống như cơn mưa rào vụt ngang rồi tạnh, rồi mất hút. Người đàn ông mà Hàn San không biết tên, không biết cuộc viếng thăm vì lẽ gì, chỉ nhìn thoáng thấy mà không quên. Ông ta không giống bất kỳ một người đàn ông nào trong khu đồi núi này. Có lẽ đây là một người tỉnh thành? Nàng ngừng viết, thẫn thờ nhớ đến buổi trưa vừa qua, nhớ đến tách trà dâng khách bị nàng tuột tay làm rơi vỡ tan, nhớ đến gương mặt xương xương ương ngạnh với cặp mắt nhìn xa xôi của người khách lạ. Ông ta chắc chỉ ngoài 30 với đôi bàn tay thật đẹp đưa ra định cầm chén trà Hàn San dâng. Đôi mắt đó không chỉ nhìn nàng, mà xuyên qua Hàn San như lưỡi kiếm thấu suốt người nàng, xẻ từng mảnh vỏ ngoài, lục lọi đến tận cùng trong nàng. Nhìn thấy chén trà tuột khỏi bàn tay mình, nàng hơi hé miệng nhìn theo chiều rơi của chén như muốn níu lại, ngừng ở đó để tất cả không gian, thời gian đông cứng ở một khoảnh khắc bất biến. Nhưng tiếng vỡ dòn tan của tách trà sứ trên nền gạch đã xóa tan giây phút kỳ diệu mà Hàn San biết chắc mình vừa bước ra khỏi mình, để thoát. Nàng đã tan theo với tách trà vỡ, có điều Hàn San ước gì được tan trong ánh mắt u uẩn kia hay được áp mặt vào lòng bàn tay thon dài thanh nhã của người khách lạ, dù chỉ một lần.
Cái số phận cam chịu mà nàng tưởng từ lúc sinh ra đời đến giờ và đến cuối đời đều do bàn tay ông Diệp định đoạt dường như đã bị người khách lạ ấy cướp đi. Dường như nàng đã chết cùng với cái chết của mẹ 2 năm trước, nay lại tái sinh. Hàn San lại cặm cụi viết cho đến khi đầy mặt sau của chiếc quạt. Đêm đó nàng gấp chiếc quạt với nhiều trân trọng sợ những bụi than trên quạt sẽ rơi nhạt mất trong khi cả tâm hồn nàng đầy ắp những ý tưởng điên rồ nhưng mới mẻ. Chỉ vì người khách lạ hay chỉ vì nàng đã đến một khúc quanh và sự chọn lựa hoàn toàn nằm trong tay nàng.
 
*
 
Hàn San dậy sớm hơn thường lệ. Nàng ra múc nước đổ đầy hai thạp khi trời còn tối. Tất cả mọi sự không còn như mọi ngày. Ngay cả tiếng gàu va vào nước dưới lòng giếng cũng không làm nàng để ý. Mặt nước giếng còn tối om nàng cũng không biết. Tiếng gió rì rào lùa qua những rặng cây nàng cũng chẳng nghe. Cụm lau trắng xóa sáng bạc dạt dào theo gió từ triền núi cao thổi xuống như lên tiếng về sự hiện diện của mình cũng không được Hàn San chú ý. Tất cả mọi thứ chung quanh dường như đã lui xa đi một khoảng cách tách biệt hẳn với nàng. Trong đêm tối mông lung, Hàn San chờ đợi một cái gì sẽ xảy đến, nàng linh cảm như thế.
Như một kẻ đang đi trong giấc mộng, nàng đi lần lên cao, lên núi. Aùnh trăng luồn qua cành lá, có những chỗ đốm bạc, chỗ tối tăm. Hàn San đi vào nơi nàng chưa bao giờ bước chân tới. Chỉ có đêm và nàng cùng cỏ cây.
Trời đã hơi tảng sáng, ánh trăng lạnh biến từ bao giờ. Hai vai nàng và mái tóc ướt đẫm sương mai. Hàn San chợt nhận ra một điều: nàng đang đi trên con đường của mẹ! Có lẽ 2 năm trước mẹ cũng làm như thế. Nàng dừng lại bên triền núi nhìn xuống vực. Chỉ thấy toàn một mầu trắng đục như sữa dê, bồng bềnh như đang muốn trào lên hớp lấy nàng. Hàn San há miệng gọi mẹ nhưng không thành tiếng. Chỉ thấy một chút hơi mỏng như khói ùa ra. Nàng tin rằng làn hơi ấy sẽ được nắn nót như những nét chữ Nushu thầm kín tan vào trong gió, lẫn vào sương khói của vực thẳm, đến với mẹ, cho dù mẹ ở đâu đó.
Nàng ngồi bệt xuống đất, gần bên bờ vực và buột miệng hát một mình, bài hát nàng nghe từ thuở nhỏ. Lời ca buồn và thê thiết vang lên trong khu rừng đang ngủ như lời ru trẻ nhỏ. Có những lúc lời ca bị ngắt quãng, nghẹn lại rồi nhỏ rí, im vắng, rồi lại vang lên, ngân dài. Nàng không còn là con cái nhà họ Diệp. Nàng là con gái của núi rừng. Nàng không còn giống mình của những ngày đã qua. Chỉ vì một chọn lựa.
Nàng sẽ không chọn con đường của mẹ. Nhưng nàng cũng không muốn ở lại dưới mái nhà họ Diệp để chết già hay lại rơi vào một vòng tay già nua khẳng khiu vươn lên hút hết nhựa thanh xuân ở nàng. Nàng sẽ đi, sẽ tìm về thành phố tìm một cuộc đời do nàng chọn, cho dù phải làm tôi đòi ở đâu đó cho những bước đầu tiên. Để biết đâu một ngày nào, Hàn San sẽ gặp lại đôi mắt u uẩn xa xăm kia và ước mơ được áp mặt vào lòng bàn tay ấy sẽ trở thành sự thật.
 
*
 
Đến mấy ngày sau, bà Linh vẫn chưa hoàn hồn. Người ta bảo Hàn San chắc có máu điên giống mẹ nó, chắc chết tan xác đâu rồi. Nhưng bà không tin. Trong đời bà chưa từng gặp người nào có đôi mắt sáng như Hàn San. Nó không chết như mẹ nó, chắc chắn là như thế. Nó còn phải nhìn suốt cuộc đời, sống cho đủ một kiếp người.
Khi những người làm vào thu dọn chỗ ngủ của Hàn San, bà Linh chỉ giữ lại chiếc khăn của mẹ cô gái. Có điều khi bà nâng chiếc khăn lên, từng mảnh, từng mảnh vải tơi ra như mục nát rơi là là như những cánh bướm. Nó đã được thoát xác và tái sinh, không còn ngờ gì nữa.
 
Mặc Bích
 
 
 
 
#1
    NgụyXưa 05.09.2013 05:01:52 (permalink)
    "Tái Sinh" đã được mang vào thư viện.
     
    Xin cám ơn tác giả.
    #2
      frank 07.09.2013 03:51:38 (permalink)
      Xin cảm ơn.
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9